BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2021

BÀI BOLERO ĐẦU TIÊN TRONG ÂM NHẠC VIỆT NAM – Vũ Đức Sao Biển

Nguồn: 
Bài viết của nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển đăng trên tạp chí Thanh Niên Xuân 2016

 

Bolero phát xuất từ Tây Ban Nha, do nhạc sĩ Sebastiano Carezo sáng tạo năm 1780, vốn là điệu nhạc nhảy. Điệu nhạc du nhập các nước châu Âu, được các nhạc sĩ viết nhạc cổ điển như Chopin (Ba Lan, 1810 – 1849), Bizet (Pháp, 1838 – 1875) và Debussy (Pháp, 1862 – 1918) sử dụng viết các chương trong các hòa tấu khúc và nhạc kịch của mình. Trong nhạc cổ điển, bolero được viết đầy tính quy luật, tính hàn lâm nên không được quan tâm nhiều. Ngược lại, bolero du nhập các quốc gia vùng Caribe và Nam Mỹ được đón nhận nồng nhiệt bởi nó gần gũi với kiểu chơi nhạc lãng mạn, phóng khoáng của người Mỹ Latin. Nó trở thành âm nhạc của quần chúng.
 Bolero Mỹ Latin là một thứ giai điệu phóng khoáng và trữ tình. Nhạc sĩ hai nước Cuba và Mexico có công phát triển bolero, biến tấu nó với các điệu thức tương tự viết theo phép ký âm 4/4, tạo ra hẳn một dòng nhạc bolero mới; xôn xao hơn, rực rỡ hơn, lãng mạn hơn và đậm chất Latin. Dòng nhạc bolero này bao gồm các điệu bolero, rumba, rumba bolero, mambo, calypso, baiao; kể cả tango, tango habanera, chachacha. Mẫu số chung là kiểu viết nhạc 4/4 tương tự nhau; chỗ khác nhau là cách chơi, cách xử lý ca khúc.
 
Bolero du nhập Việt Nam những năm 1950. Nền tân nhạc non trẻ của Việt Nam đã nhanh chóng thẩm thấu điệu thức ấy, biến nó thành hẳn một dòng nhạc tình ca. Một nhạc sĩ tài hoa kiêm nhà nghiên cứu âm nhạc đã viết thành công bài rumba bolero đầu tiên, sau này trở thành bài tình ca nổi tiếng trong thế kỷ 20. Đó là nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn với ca khúc Nắng chiều.
 

Nhạc sỹ Lê Trọng Nguyễn. Ảnh: ThanhNien.com.vn


Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn tên thật là Lê Trọng, sinh năm 1926 tại Quảng Nam, hội viên của Hội Tác giả, nhạc tác gia và nhà xuất bản âm nhạc Pháp (Société des Auteurs, Compositeurs et Editeurs de Musique – SACEM). Chữ “Nguyễn” trong bút danh của ông là họ của người mẹ. Nhà ông là Trường tư thục Hoàng Hồ nằm trên đường Nhật Bản (cũ), sau này đổi tên là đường Cường Để và nay là đường Trần Phú trong khu phố cổ Hội An (Quảng Nam).
 
Lê Trọng Nguyễn viết Nắng chiều năm 1952. Hình tượng gợi cảm xúc trong ca khúc này là một cô gái dịu dàng người gốc Quy Nhơn (Bình Định) đang ở cùng cha mẹ tại Hội An. Ca khúc được thu thanh lần đầu tiên năm 1953 bằng đĩa than 33 tours do Hãng đĩa Việt Nam (Sài Gòn) sản xuất với tiếng hát của danh ca Minh Trang. Chính Lê Trọng Nguyễn soạn hòa âm và phối khí cho dàn nhạc chơi bài này.
**  https://youtube.com/watch?v=vuO3jac7gNk&feature=share/ NĂNG CHIỀU qua tiếng hát MINH TRANG



Thật không ngờ, bài tình ca viết với điệu thức rumba bolero đầu tiên lại có sức chinh phục và cuốn hút người nghe đến vậy. Nắng chiều được phát liên tục trên Đài phát thanh Sài Gòn, Đài Pháp Á (đường Hàm Nghi, Sài Gòn) và Đài phát thanh Huế. Lúc bấy giờ, người ta chỉ được nghe nhạc qua sóng phát thanh từ radio; nhà nào sang lắm mới có được máy pick up hát đĩa than. Nhiều thế hệ ca sĩ sau bà Minh Trang như Quỳnh Giao, Mai Hương, Kim Tước, Hà Thanh và các ông Anh Ngọc, Ngọc Long cùng hát Nắng chiều và cũng được người yêu nhạc tán thưởng.
 
Lê Trọng Nguyễn viết Nắng chiều đúng quy chuẩn của một ca khúc, xét về mặt nhạc pháp. Ca khúc được viết với cung sol trưởng; mỗi ô nhịp 4/4 rất ít nốt nên tiết tấu khoan thai, vận dụng nhịp ngoại tài tình, chuyển âm giai rất phong phú. Đặc biệt, đoạn điệp khúc được ông biến tấu qua mi thứ – âm giai tương đương cùng bộ khóa, nên giai điệu ca khúc rất mềm mại và đẹp. Âm hình cấu tạo của ca khúc gồm đoạn A (A1 + A2) + B (B1 + B2) + A’ (giống như A2). Cấu trúc ca khúc cổ điển nhưng nội dung lại hàm chứa nét nhạc hiện đại và lãng mạn như phong cách rumba bolero Mỹ Latin.

 


Ca từ của Nắng chiều giàu tính văn học, giàu chất thơ, tỏ rõ tác giả là con người từng thẩm thấu một cách sâu đậm văn chương Việt Nam: “Qua bến nước xưa lá hoa về chiều/Lạnh lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa/Khi đến cuối thôn chân bước không hồn/Nhớ sao là nhớ đến người ngày xưa… Anh nhớ xót xa dưới tre lá ngà/Gợn buồn nhìn anh, em nói mến anh/Mây lướt thướt trôi khi nắng vương đồi/Nhớ em dịu dàng nắng chiều ngừng trôi”.
 
Bạn để ý đấy, một bài tình ca rất lãng mạn nhưng không hề có động từ “yêu” hay danh từ “người yêu” nào trong đó. Ngay cô gái ngày ấy cũng chỉ được mô tả là “Gợn buồn nhìn anh em nói mến anh” chứ không nói “yêu anh”, bởi nói “yêu anh” thì nghe phàm tục quá! Đúng ra, có một chỗ tác giả viết “Hình bóng yêu kiều kề hoa tím, biết đâu mà tìm” nhưng “yêu kiều” ở đây là tính từ mất rồi. Tình ý của ca khúc thật nhẹ nhàng nhưng quá đỗi sâu lắng, say đắm, nhớ nhung.
 
Bản nhạc được các nhà xuất bản An Phú (Sài Gòn), Tinh Hoa (Sài Gòn) và Tinh Hoa (Huế) in ra nhiều lần thành bài rời; mỗi lần in khoảng 3.000 bản. Năm 1958, nữ ca sĩ Nhật Bản Satsuki Midori gặp Lê Trọng Nguyễn và đã dịch bài hát sang ca từ tiếng Nhật với tựa đề Việt Nam tình ca, thu thanh ở Tokyo. Năm 1960, nữ ca sĩ Đài Loan Kỷ Lộ Hà cũng đã gặp ông, hát và thu thanh với ca từ tiếng Quan thoại do Thận Chi viết; tựa đề ca khúc là Tịch dương. Cả hai nữ danh ca này có vẻ như rất mến mộ Lê Trọng Nguyễn. Sau đó, Nắng chiều còn được dịch qua tiếng Anh, tiếng Thái và tiếng Khmer với nhiều ca sĩ hát, trở thành một bài Á châu tình ca!
 
** https://youtube.com/watch?v=VlFk8E5eTM4&feature=share/  NẮNG CHIỀU tiếng Nhật
 
** https://youtube.com/watch?v=n1IcRK2EGEE&feature=share/ NẮNG CHIỀU tiếng HOA
 
Vậy đó, Nắng chiều với phong cách rumba bolero đầu tiên đã trở thành bài tình ca đẹp nửa sau thế kỷ thứ 20 trong âm nhạc Việt Nam. Nó thoát hẳn phong cách xôn xao, rực rỡ và khá nhanh của dòng bolero Mỹ Latin; tạo nên một phong cách bolero Việt Nam chậm và kể lể (lento recitativo), chậm và diễn cảm (lento expressivo). Về sau này, Lê Trọng Nguyễn tiếp tục lối sáng tác ấy để viết hai ca khúc Bến giang đầu (Nắng chiều 2) và Chim chiều không tổ. Hai ca khúc này đều viết với cung re trưởng; chất bolero thật đậm nét. Ông còn là người dung nạp tài hoa các điệu nhạc đặc trưng của Mỹ và đảo Hawaii như jazz, blue, boston rock, slow để viết những bài tình ca khác.
 
Các nhạc sĩ hòa âm sau này đã hòa âm cho ca sĩ hát Nắng chiều với các điệu khác nhau như rumba, bolero, calypso, baiao hoặc nhanh hơn chút nữa thì chachacha. Từ năm 1955 trở đi, miền Nam phát triển một hệ tình ca mới chủ yếu sử dụng dòng bolero làm chủ đạo. Nhạc sĩ Trúc Phương (Nguyễn Thiện Lộc) đẩy bolero chậm lại hơn nữa, dung hợp với phong cách dân ca Nam bộ sáng tác một loạt bài tình ca bolero cung thứ với ca từ rất lạ, được xem là “vua bolero” Sài Gòn. Nhiều nhạc sĩ khác cũng đồng thời dùng bolero viết tình ca, hình thành hẳn một dòng nhạc bolero trữ tình, đặc sắc, gần gũi với đông đảo người nghe nhạc.
 
                                                                                Vũ Đức Sao Biển
 
** https://youtube.com/watch?v=3cmDqMY7jiM&feature=share/ THANH LAN trình bày
 
** https://youtube.com/watch?v=aBf0mRbzQ2A&feature=share/ HÙNG CƯỜNG trình bày
 

Không có nhận xét nào: