Nguồn:
https://baotintuc.vn/ho-so/cuoc-doi-buon-cua-cau-be-rung-xanh-duoc-bay-soi-nuoi-duong-20210707163350822.htm
https://baotintuc.vn/ho-so/cuoc-doi-buon-cua-cau-be-rung-xanh-duoc-bay-soi-nuoi-duong-20210707163350822.htm
Dina Sanichar được bầy sói nuôi lớn trong rừng rậm bang Uttar Pradesh của Ấn Độ cho đến khi những người thợ săn phát hiện cậu bé vào năm 1867. "Cậu bé người sói" trở thành nguồn cảm hứng cho nhân vật Mowgli trong tác phẩm nổi tiếng "The Jungle Book" (Câu chuyện Rừng xanh) của Rudyard Kipling.
Cuốn tiểu thuyết “The
Jungle Book” của Rudyard Kipling kể về Mowgli, một bé trai bị cha mẹ bỏ rơi
và được bầy sói nuôi dưỡng. Cậu được dạy cách sống của vương quốc loài vật và
chưa bao giờ học cách tương tác với loài người.
Sanichar đã rất chật vật để thích nghi với thế giới
văn minh. Trong thời gian ở trại trẻ mồ côi Sikandra Mission, Sanichar còn được
gọi bằng biệt danh “Cậu bé sói”. Các nhà truyền giáo nghĩ rằng đó là một cái
tên phù hợp vì họ tin rằng cậu bé được nuôi dưỡng bởi động vật hoang dã và chưa
bao giờ trải nghiệm tiếp xúc với con người.
Theo lời kể của họ, hành vi của Sanichar giống với động
vật hơn là con người. Cậu bé đi lại bằng bốn chân và rất khó khăn khi đứng bằng
hai chân của mình. Cậu chỉ thích ăn thịt sống và gặm xương để mài răng.
Erhardt Lewis, Giám đốc trại trẻ mồ côi, từng viết cho
một đồng nghiệp: "Việc cậu bé có thể thành thục đi bằng cả hai tay hai
chân thật đáng ngạc nhiên. Trước khi ăn hoặc nếm bất cứ thức ăn gì, cậu đều ngửi,
và nếu không thích mùi đó, cậu ném bỏ ngay”.
Giao tiếp với Sanichar rất khó khăn vì hai lý do. Thứ
nhất, cậu không nói cùng ngôn ngữ với những người truyền giáo đang chăm sóc
mình. Bất cứ khi nào muốn bày tỏ về bản thân, cậu gầm gừ hoặc tru lên như một
con sói.
Thứ hai, cậu cũng không hiểu các ký hiệu cơ thể. Những
người không nói cùng ngôn ngữ thông thường có thể khiến người khác hiểu mình chỉ
bằng cách chỉ chỏ vào các vật thể khác nhau. Nhưng do loài sói không sử dụng
các ngón tay chân, kiểu “ngôn ngữ toàn cầu” này cũng trở thành vô nghĩa với
Sanichar.
Mặc dù cuối cùng Sanichar cũng học được cách hiểu các
nhà truyền giáo, cậu không bao giờ học được ngôn ngữ của họ. Có lẽ bởi âm thanh
từ tiếng nói của loài người quá xa lạ với cậu.
Càng ở lâu trong trại trẻ mồ côi, Sanichar càng học được
cách hành xử của con người. Cậu học đứng thẳng và bắt đầu tự mặc được quần áo.
Một số nhà truyền giáo cho biết cậu thậm chí còn học được cách ứng xử rất “con
người”, đó là hút thuốc lá!
Câu
chuyện cuộc đời của Sanichar đã được thảo luận trong nhiều cuốn sách và tạp chí
ở châu Âu. Ảnh: ATI
Mặc dù không thể xác minh chi tiết về câu chuyện cuộc
đời của Dina Sanichar, nhưng những đứa trẻ hoang dã khác thì có thể. Oxana
Malaya, một cô gái Ukraine sinh vào những năm 1990, được nuôi dưỡng bởi những
con chó hoang sau khi bị cha mẹ nghiện rượu bỏ rơi. Khi các nhân viên xã hội
phát hiện ra Malaya, cô bé không biết nói và di chuyển bằng bốn chân. Sau nhiều
năm điều trị, Malaya đã học nói được tiếng Nga. Hiện nay cô đã có bạn trai và
làm việc trong một trang trại chăm sóc động vật.
Shamdeo, một cậu bé người Ấn Độ, khoảng 4 tuổi khi được
phát hiện sống cùng bầy sói trong một khu rừng ở Ấn Độ. Theo tờ Los Angeles
Times, "cậu có hàm răng sắc nhọn, móng tay dài có móc, nhiều vết chai trên
lòng bàn tay, khuỷu tay và đầu gối”. Shamdeo qua đời khi còn trẻ.
Và Sanichar cũng vậy, "người sói" qua đời vì bệnh lao vào năm 1895, năm 35 tuổi.
Mặc dù cuối cùng anh đã trải qua phần lớn cuộc đời ngắn ngủi của mình để sống
như một con người hơn là loài vật có thể đã nuôi sống mình, Sanichar chưa bao
giờ hoàn toàn thích nghi với cuộc sống ở trại trẻ mồ côi.
Câu chuyện về Dina Sanichar cũng như "Câu chuyện Rừng xanh" đều thể
hiện một điểm chung là sự thích thú của con người với ý tưởng về một người nào
đó được nuôi dưỡng trong một thế giới hoàn toàn khác với thế giới của chúng ta.
Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo ATI)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét