BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2020

VỀ MẬT MÃ THƠ, BẢN NĂNG THƠ... CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU NGUYỄN VŨ TIỀM - Nguyên Lạc


            
                               Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm


VỀ MẬT MÃ THƠ, BẢN NĂNG THƠ... CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU NGUYỄN VŨ TIỀM

                
                           Tác giả bài viết Nguyên Lạc

VÀI HÀNG VỀ NHÀ THƠ, NHÀ NGHIÊN CỨU NGUYỄN VŨ TIỀM

1. Trước khi "học tập" những lời "vàng ngọc" của nhà nghiên cứu, nhà bình luận, nhà thơ "có tiếng" trong "hội nhà văn Việt Nam" - xin ghi thêm cho rõ: Việt Nam XHCN, vì văn học miền nam Việt Nam "đồi trụy" nên đã bị "xóa sổ" - tôi xin ghi ra đây sự "nổi tiếng" của ông Nguyễn Vũ Tiềm:
- Trong giới văn chương Việt hiện đại, Nguyễn Vũ Tiềm không chỉ là nhà thơ có những tìm tòi sáng tạo, đổi mới thi pháp mà khi viết phê bình, khảo luận, ông lại là cây bút nghiêm cẩn với những nghiên cứu đào sâu và dẫn liệu khoa học, có tính thuyết phục… Viết văn hay nghiên cứu - phê bình, tâm thế nào ông cũng nhập cuộc tốt, đầy hứng khởi trên từng trang viết...
Với Nguyễn Vũ Tiềm, thơ luôn là ngôi đền thiêng. "Mở ra thế giới bí ẩn của bài thơ còn mang nội hàm nhà thơ cảm nhận và viết ra điều mà người khác không thấy, ở đó cái đẹp và sự thật ngời lên một giá trị mới mẻ" - Lời của nhà phê bình Ý Mai.
- Ông từng dạy học: Năm 1975, ông thuộc những nhà giáo thế hệ đầu vào Sài Gòn, chi viện cho miền Nam khi đất nước thống nhất.
- Ông làm báo Giáo Dục & Thời Đại, và là người sáng lập tạp chí Tài Hoa Trẻ.
- Ngoài sở trường sáng tác thơ, Nguyễn Vũ Tiềm còn nghiên cứu lý luận phê bình văn học, viết bút ký và tiểu thuyết.
- Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh.
Giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM với tập thơ "Minh triết đất đai", năm 2015
- Nguyễn Vũ Tiềm xếp hạng nổi tiếng thứ 74397 trên thế giới và thứ 782 trong danh sách Nhà thơ nổi tiếng - (Theo Người nổi tiếng)
- Các tác phẩm "nổi tiếng" của ông  đang được giới trẻ hâm mộ là:
 Đi tìm mật mã thơ (tiểu luận, 2015)
 Tiếp cận mật mã thơ (nghiên cứu phê bình, 2019).
Nghệ Thuật Thơ (nghiên cứu phê bình, 2020).

Các bạn đã thấy sự nổi tiếng của ông Nguyễn Vũ Tiềm?
Cảm nhận riêng tôi về câu này: "Năm 1975, ông thuộc những nhà giáo thế hệ đầu vào Sài Gòn, chi viện cho miền Nam khi đất nước thống nhất"
- Chắc ông Nguyễn Vũ Tiềm là thầy giáo dạy văn? Bản thân tôi đã kinh qua về sự "thông thái" của thầy cô giáo Bắc chi viện 1975:  "Hồng hơn chuyên".
MẬT MÃ THƠ, TIẾP CẬN MẬT MÃ THƠ

I. Lời phê bình của Ý Mai
Sau đây là lời phê bình/khen của Ý Mai:

"Trong giới văn chương Việt hiện đại, Nguyễn Vũ Tiềm không chỉ là nhà thơ có những tìm tòi sáng tạo, đổi mới thi pháp mà khi viết phê bình, khảo luận, ông lại là cây bút nghiêm cẩn với những nghiên cứu đào sâu và dẫn liệu khoa học, có tính thuyết phục… Viết văn hay nghiên cứu - phê bình, tâm thế nào ông cũng nhập cuộc tốt, đầy hứng khởi trên từng trang viết.
Lần này, cũng không ngoại lệ. Sau cuốn tiểu luận "Đi tìm mật mã thơ" (NXB Hội Nhà văn, 2005; tái bản 2015), Nguyễn Vũ Tiềm lại ra sách "Tiếp cận mật mã thơ" (NXB Hội Nhà văn, 2019). Sách dày hơn 320 trang, là tập khảo cứu, bình luận văn chương được viết công phu, chia làm 2 phần: "Hồn thư pháp" và "Chuyển đổi hệ thi pháp".
Dẫn chuyện bằng "Hồn thư pháp" như một cách định nghĩa thơ, một quan niệm thơ từ người thầy khả kính của tác giả và thế hệ bạn bè của ông" - Ý Mai

II. Phản hồi của nhà bình thơ Phạm Đức Nhì

1. Trang web thivien.net có 123 bài thơ của nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm, trong đó có khá nhiều “bài thơ” chỉ có 2 câu. Tôi chọn 4 bài để giới thiệu với bạn đọc:
1/
Ban tình yêu, việc của Trời
Giữ tình yêu, việc của người, khó thay

Nhận xét của tác giả về việc thủ đắc và gìn giữ tình yêu của con người, hoàn toàn là sản phẩm của lý trí. Ở đây không có cảnh thơ và tâm hồn tác giả vẫn còn nằm ngủ ở một chỗ bí mật nào đó, chưa xuất hiện.
2/
Giai nhân son phấn thì sang
Văn chương son phấn lại càng già nua
Nhận xét của tác giả về việc làm đẹp cho văn chương một cách giả tạo, bề ngoài. Đây cũng chỉ là sản phẩm của lý trí.
3/
Bước đi: học chỉ một năm
Bước dừng: học đến rụng răng chưa thành
Không có “tâm đối cảnh”, là sản phẩm của lý trí.
4/
Một tác phẩm chưa thể nói thành công
nếu chưa có người đòi mang ra phán xử
Rõ ràng là sản phẩm của lý trí.
https://www.thivien.net/Ngu.../author-y-8FU-bxva8gLBdrnIEqeA

Tóm lại, qua 4 “bài thơ” trên Nguyễn Vũ Tiềm đã chứng tỏ một điều: Ông đem suy nghĩ của mình ghép thành vần, còn trái tim gói lại cất trong tủ sắt.
Gọi chúng là "những cây tạp chủng trong vườn thơ" thì "chắc ăn" hơn. Chúng không phải là thơ.
Tôi Nguyên Lạc xin nói thêm: Chỉ có lý trí, không có con tim - cảm xúc thì không có thơ.

 2. Mời độc giả đọc mấy câu phỏng vấn nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm
Phóng Viên:
- Thưa nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm, trong cuốn “Nghìn câu thơ tài hoa Việt Nam” xuất bản năm 2000 và sau đó tái bản nhiều lần, ông có nêu tiêu chí của thơ là: Xúc Cảm Khác Thường – Suy Nghĩ Khác Thường – Cách Nói Khác Thường, gọi tắt là XSC. Qua hơn 10 năm, hiện nay phong trào sáng tác thơ rất đông đảo, tiêu chí “khác thường" này có còn phù hợp không?
Nhà Thơ Nguyễn Vũ Tiềm :
- Khi đọc cuốn sách Nghìn Câu Thơ Tài Hoa Việt Nam, Giáo Sư Hoàng Như Mai viết bài đăng báo Văn Nghệ, Hội Nhà Văn Việt Nam có biểu dương bài đề dẫn của tôi trong cuốn sách ấy, trong đó có tiêu chí về thơ mà bạn vừa nói đến. Tôi nghĩ, dù thời gian trôi đi, tiêu chí ấy vẫn nguyên giá trị.
Phóng Viên::
Nhưng nhiều tập thơ (nhất là ở các địa phương) được in ra nhìn chung là có sao viết vậy, hình ảnh câu chữ rất “bình thường”, tiêu chí “khác thường” sao còn phù hợp nữa?
Nhà Thơ Nguyễn Vũ Tiềm :
Nếu một bài thơ mà “có sao viết vậy” thì là văn vần chứ không phải thơ, nó chỉ giống như thơ mà thôi.
(Chính xác ông Nguyễn Vũ Tiềm nói như thế này:
Ca vè: Thể hiện trực tiếp sự vật (có sao viết vậy).
Thơ: Thể hiện cảm xúc, suy tưởng của nhà thơ về sự vật ấy- NL)

Riêng câu nói của ông Nguyễn Vũ Tiềm: “Nếu một bài thơ mà ‘có sao viết vậy’ thì là văn vần chứ không phải thơ, nó chỉ giống như thơ thôi” là một phát biểu kiểu “điếc không sợ súng”, cạn nghĩ, hiểu biết rất ít về thơ. Với lời phát biểu kiểu “điếc không sợ súng” này, ông Nguyễn Vũ Tiềm hơi quá tự tin và chưa lường hết được sức mạnh, hậu quả từ câu nói của mình. - Phạm Đức Nhì

Ông Nguyễn Vũ Tiềm thử đọc lại Màu Tím Hoa Sim (Hữu Loan), Nhà Tôi (Yên Thao), Nhìn Từ Xa … Tổ Quốc (Nguyễn Duy) - đều là những bài “có sao viết vậy” - xem chúng có hơn hẳn “những cây tạp chủng trong vườn thơ” của ông hay không?
Ba thi sĩ trên đã gói cả tâm hồn họ vào thơ; các ngài đã đuổi lý trí đi chỗ khác chơi để những đoạn chính của tứ thơ chỉ còn là tiếng nói của con tim.
Còn 4 bài thơ của ông Nguyễn Vũ Tiềm thử hỏi có tý cảm xúc nào đâu mà dám mở miệng nói “Cảm Xúc Khác Thường”?
Xin ông "biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe". Đừng nói bậy.
Tóm lại ông tuyên bố vung vít về thơ nhưng "chưa biết làm thơ"- Phạm Đức Nhì

II. Phản hồi của Nguyên Lạc

Đây là những lời phản hồi của tôi:
1.
- Thơ cũng có MẬT MÃ?: Biết "mật mã" mới vào "động thơ" được phải không? Ai không biết thì đừng hòng vào - đừng hòng hiểu thơ, đừng hòng làm thơ?!
Như Alibaba truyện "Alibaba và 40 tên cướp" trong "Ngàn lẻ một đêm" biết được "mật mã/ mật khẩu" "Vừng ơi mở cửa ra!" mới vào hang động lấy vàng của bọn cướp, phải không nhà "nghiên cứu", nhà bình thơ, nhà thi sĩ? Bái phục!
- Thi sĩ làm ra/ sáng tạo những bài thơ/ vàng bạc, đá quí mà giấu không cho ai tiếp cận, chỉ dành riêng cho "thiểu số" biết được "mật mã" vào lấy/ thưởng thức. Thơ mà giấu/ bí hiểm như vậy thì ôi thôi ... có trường tồn không?
2.
   Tôi xin được lặp lại câu nói này của nhà bình luận Ý Mai: "Mở ra thế giới bí ẩn của bài thơ còn mang nội hàm nhà thơ cảm nhận và viết ra điều mà người khác không thấy, ở đó cái đẹp và sự thật ngời lên một giá trị mới mẻ".
Nhận xét của tôi:
 "Nhà thơ cảm nhận và viết ra điều mà người khác không thấy", có nghĩa là nhận thức của ông Nguyễn Vũ Tiềm "thâm sâu" hơn người, có khả năng chỉ/dạy người khác, nhất là thế hệ trẻ những điều mà họ không biết. Hèn gì sách của ông được tái bản nhiều lần, các người trẻ "học tập" theo những ông nói. Do tầm ảnh hưởng quan trọng như vậy, tôi xin ông hãy cẩn trọng lời nói, chỉ nói những điều gì mình thật sự hiểu biết, chỉ "sáng tạo" ra ngôn từ trong sáng - người không cần phải chạy tìm từ điển tra nghĩa. Nếu không, e rằng thế hệ trẻ sẽ "học tập" theo - vì ông là thầy họ - sẽ "sáng tạo" ra những vần thơ mà độc giả phải cần có "mật mã" mới "tiếp cận" được..
3.
Thấy ông Nguyễn Vũ Tiềm nói về "Quy luật vận động của ngôn ngữ " và sự "sáng tạo" trong thơ lý thú quá, tôi vội vàng tìm đọc thêm vài bài thơ mà ông cho là "đắc địa" nhất của ông.
Xin trích đoạn ra đây để các bạn thưởng lãm, đã có rất nhiều Fan ông hít hà:

Gõ Cửa Văn Chương

Kiếm tìm trong năm tháng
Đây rồi phòng ở của Nàng Thơ
Gõ cửa bằng nhịp tim hồi hộp
Chìa khóa này giũa từ vạn giấc mơ.

Cửa bật ra, ta choáng váng va vào
Khối bất động – không gian yên ả
Ta đứng lặng. Gọi tên người
Ta lại gọi tên ta
Không lời đáp.

Cửa văn chương hóa ra là cửa giả
Hay chính ta ảo giác gọi nhầm mình
Hay chính mình vội vã gọi nhầm ta?
.....
Tôi cầm chiếc vé trong tay
Bước xuống con tàu vô thức
Bồng bềnh trên biển vô tri
Đến một vùng chưa biết
Hay lại về nơi xuất phát năm xưa?
                        Nguyễn Vũ Tiềm
                            (Trích đoạn)

- Sao các bạn, đầy "sáng tạo"?
- Theo tôi thì đúng vậy. Với những cụm từ "con tàu vô thức", "biển vô tri"... đúng là "đầy sáng tạo"; nhưng chỉ có điều là không biết thi sĩ nói điều gì? Chắc tại cái đầu "tàu hủ" của tôi. Nhưng không sao: "thơ không cần hiểu" như "ai đó" đã nói, đã "biện hộ", phải không?

Hoài Nghi &Tin Cậy

Mất tiền không coi là mất
Là ta được cái quý hơn tiền.
Được vàng, nếu coi là được
Là ta mất cái quý hơn vàng.

*
Em là ẩn dụ của một bộ đồ tắm
Sắc màu chưa định hình
Đường nét đang phác thảo
Mà biển hồ đã rộn rã cưới xin

                  Nguyễn Vũ Tiềm
                     (Trích đoạn)

- Những câu trên  là thơ? Chắc vì tôi không có "mật mã" nên không vào/ tiếp cận "cõi thơ" được.

Ánh sáng bị uốn cong trước lực hấp dẫn
Thấy sợ học thuyết này mỗi khi nhớ về em
                                               (Trích đoạn)

- Đây là thơ? Sáng tạo? Nhớ em thì sợ bị hấp dẫn/ lực hấp dẫn, phải trốn xa em? Sáng tạo kiểu này tôi xin chịu thua và bái phục.
Hèn gì các người trẻ, các nhà thơ trẻ Việt Nam bây giờ...

Trên là sơ lược vài ý của tôi và bạn tôi về Mật Mã Thơ của nhà thơ, nhà nghiên cứu, nhà bình luận Nguyễn Vũ Tiềm; giờ xin mời các bạn góp ý về phần kế tiếp.

BẢN NĂNG VÀ NĂNG KHIẾU

I. Những lời của ông Nguyễn Vũ Tiềm
Mời các bạn đọc các lời này của ông đăng trên Tạp chí Nhà Văn và Tác Phẩm số ra tháng 11 và 12 năm 2019:
" Bản năng thơ – nét độc đáo của thơ Thanh Tùng.
Có nhiều người ngại từ bản năng (mà thay bằng năng khiếu), xem ra cũng có cơ sở. Nhưng với Thanh Tùng thì khác, ông bảo rằng, do hoàn cảnh khó khăn, éo le (cha mẹ chia tay nhau từ khi ông còn rất bé), nên không được học hành đến đầu đến đũa, bởi vậy đầu tiên là ông làm thơ theo bản năng rồi tự học. Khách quan mà nói, bản năng thi sĩ là của Trời phú, là vốn quý vô giá không gì có thể so sánh được. Có thể nói nhà thơ Thanh Tùng hơn người ở cái chất bản năng thơ ấy. Suy cho cùng thì hồn nhiên, tinh tế do bản năng mà có.
Nhìn chung, trong quá trình trưởng thành, học tập, rèn luyện, cùng với những ảnh hưởng môi trường, bản năng của con người dần được thay thế bằng tri thức, lý trí, tình cảm. Nhưng với Thanh Tùng thì bản năng thi sĩ được bảo toàn khá vững chắc và bền bỉ. Từ đấy giúp ông phát sinh một khả năng mới, rất đặc biệt đó là ứng tác thơ" - Nguyễn Vũ Tiềm [*]

II. Cảm nhận của tôi:
 1. Về Bản Năng:
Bản năng là gì?
- Bản năng là khuynh hướng vốn có của một sinh vật đáp lại một tác động hay điều kiện cụ thể. Bản năng tự nhiên là phản ứng tự có của con người đáp trả đối với một kích thích từ bên ngoài mà không hề thông qua sự suy xét của lý trí.
Bản năng thiên về cảm tính của con người. Giống như yêu thích cái đẹp, cảm giác sợ hãi, giật mình, thích về tình dục, muốn ăn, buồn ngủ, … những cảm giác đó nằm trong trạng thái gọi là bản năng.
Thí dụ: Bản năng tính dục, bản năng yêu thương, bản năng sinh tồn...

Lý trí có nghĩa là một sự nhận thức, hiểu biết rạch ròi theo một mức độ tri thức của con người về các vấn đề đạo đức, luật pháp ... theo kinh nghiệm của con người đã được học hay trải qua trước đó.  Ví dụ tham lam là bản năng nhưng mà biết rằng tham lam là tội lỗi thì cái biết này là lý trí. Dùng lý trí để kiềm lại bản năng của mình.

- Giữa lý trí và bản năng cái nào có trước?: - Bản năng là yếu tố tự nhiên nên có trước, còn lý trí là những điều được giáo dục dạy dỗ, cái tập quán xã hội, cái đạo đức, kinh nghiệm mà nó tích lũy dần qua một quá trình nên có sau.
- Trong 2 chữ CON NGƯỜI, chữ CON là bản năng đó, nó bị chi phối bởi Lý trí/ NGƯỜI. Hãy cố gắng đừng để CON trội hơn NGƯỜI.

2. Về Năng khiếu/ Khiếu

- Năng khiếu là khả năng vượt trội hơn người về một lĩnh vực nào đó như âm nhạc, hội hoạ, toán học, võ thuật ... Có thể nói là khả năng trời cho - bẩm sinh. Mỗi người đều có năng khiếu riêng của mình
- Khiếu là khả năng đặc biệt có tính chất bẩm sinh đối với một loại hoạt động nào đó.
Thí dụ: Có khiếu quan sát, Có khiếu hài hước, có khiểu ăn nói, có khiếu vẽ , có khiếu làm thơ vân vân ...

c. "Học tập" các cụm từ, các câu nói của Nguyễn Vũ Tiềm
- "Có nhiều người ngại từ bản năng (mà thay bằng năng khiếu), xem ra cũng có cơ sở"
Như trên ta thấy bản năng và năng khiếu hoàn toàn khác nhau, làm sao mà thay thế lẫn nhau? Làm sao nói là "có cơ sở"?
- "đầu tiên là ông làm thơ theo bản năng" … "Có thể nói nhà thơ Thanh Tùng hơn người ở cái chất bản năng thơ ấy" - NVT
Đây là lần đầu tiên tôi nghe nói  "bản năng thơ",  "làm thơ theo bản năng". Cám ơn ông, sẽ "học tập" theo. Tôi chỉ nghe nói: Ông A bà B thằng C có khiếu làm thơ, có khiếu vẽ, có khiếu XẠO vân vân, nên trội hơn người về những điều đó. Chắc ông Nguyễn Vũ Tiềm cũng "làm thơ theo bản năng ...nên hơn người ở cái chất bản năng thơ ấy"?
- "Suy cho cùng thì hồn nhiên, tinh tế do bản năng mà có"- NVT
Vậy sao? Bản năng giành giựt mồi - do sinh tồn, bản năng tham lam, bản năng tự "liếm lông" là hồn nhiên và tinh tế? Theo tôi được biết, tinh tế thường do giáo dục - nhà trường, cha mẹ - do học hỏi, do lý trí mà có, tôi sai chăng?
- "bản năng của con người dần được thay thế bằng tri thức, lý trí, tình cảm"- NVT
Làm sao gọi là thay thế được? Lý trí chỉ kiểm soát và kềm chế bản năng thôi, đừng cho nó nổi trội, nhưng nó vẫn còn.
Bản năng yêu thương- cha mẹ hy sinh , liều chết không suy nghĩ bảo vệ con - không phải là tình cảm sao? Sao lại phải bị thay thế?
Bao nhiêu "học tập" nầy cũng đã đủ rồi. Tôi chỉ xin hỏi: Không biết ông Nguyễn Vũ Tiềm có chịu mất thì giờ quý báu để phân biệt thêm về  bản năng, bản thể/bản chất, bản sắc để tôi "học tập" thêm?

LỜI KẾT
1. "Im lặng là vàng" các bạn tôi đã "rầy" tôi, nói tôi sao không im lặng, phê bình chi để bị người GHÉT? Tôi cũng nhận biết được khuyết điểm cuả mình- hay phê bình. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ: "Im lăng, không nói, không phê phán các điều sai trái, các điều ác là đồng ý và đồng lỏa với chúng"; cho nên tôi phải nói, phải phê phán. Tôi không sợ chữ GHÉT, chỉ sợ chữ KHINH.
2. Xin được nhắc lại câu nói của tiền nhân mà nhà phê bình Phạm Đức Nhì có liên hệ ở trên: "biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe".
3. Trong đời tôi tâm đắc "Lời mẹ dặn" của thi sĩ Phùng Quán và đặc biệt câu nói sau đây của văn thi sĩ Kiệt Tấn - người thuộc "văn học đồi trụy " miền Nam trước 1975:
Ngu mà biết mình ngu : Tiểu ngu
Ngu mà không biết mình ngu: Trung ngu
Ngu mà tưởng mình khôn, dạy đời: Đại ngu - Nhà văn Kiệt Tấn

Trân trọng
                                                                                       Nguyên Lạc
............

[*] HỒN NHIÊN - TINH TẾ - BẢN NĂNG TRONG THƠ THANH TÙNG, NGUYỄN VŨ TIỀM
https://www.facebook.com/nguyenvutiem/posts/1330915277081134

Không có nhận xét nào: