BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2020

LÒNG NHÂN ÁI - Cảm nhận của Lê Liên về thơ của Phạm Đức Mạnh


       
                   Nhà thơ Phạm Đức Mạnh


BÀ BÁN VÉ SỐ VÀ CON CHIM

Bà lầm lũi đi tìm
những dấu chân lang thang của mình
đem giấc mơ hoa cho người chơi vé số
ngước ngóng con chim vẫn đợi thầm góc phố
níu bóng đời hoang ngồi gỡ nắng lụi tàn
Gương mặt
tầng tầng nếp nhăn
xám xịt màu cô đơn bòn rút
gần đất
xa trời
vẫn còn vận đen
lỡ bước sa cơ
bán vé số dạo thôi cũng nhiễm lây thất nghiệp
đói trắng kiếp người
Nước mắt nghẹn rơi
đặc cứng phiến vô thường
bà thương tiếng chim nở giữa lưng trời
thương mưa sầu
gió tủi
lẽo đẽo bà mặc niệm tháng ngày oan
Covid cướp đi tất cả.
Ngày mai
đường phố có thể loang rêu nỗi buồn
nhiều số phận gồng mình gánh thăng trầm nghiệt ngã
nhưng bầu trời thương
không bao giờ trống rỗng tiếng cười
Đừng ai bỏ cuộc
để tiếng chim lại hát ru thời gian
để ánh bình minh không hoảng loạn
để cánh đồng người không vàng úa nỗi đau
để ánh trăng thơm những bờ môi hò hẹn
để tình người vẫn mênh mông như biển
lòng nhân ái tỏa hương ngọt lịm cõi trần...

                                  Phạm Đức Mạnh
                                     17.04.2020


                Tác giả Lê Liên


        LÒNG NHÂN ÁI

         Cảm nhận của Lê Liên về thơ của Phạm Đức Mạnh

Con người đôi khi cũng thật mâu thuẫn, khi phải quay cuồng trong công việc, thì mong được đến kỳ nghỉ ngơi. Nhưng rồi, khi vì một lý do không mong đợi, (Tôi đi làm vì bạn, Bạn ở nhà vì chúng ta) thì ai cũng có ý thức chấp hành, cùng nhau ở nhà nhưng không thật sự an yên.
Sau những ngày sống chậm bất đắc dĩ do covicd-19. Nhịp sống vẫn chưa phục hồi như mong đợi.
Cho nên mới có cụ già:

“Bà lầm lũi đi tìm
những dấu chân lang thang của mình
đem giấc mơ hoa cho người chơi vé số”
                        (Thơ Phạm Đức Mạnh)

Chúng ta cũng có những lần đi tìm chính dấu chân mình khi muốn trở về khu vườn ký ức, với thật nhiều hoài niệm có thể vui, có thể buồn... nhưng không đến nỗi trĩu nặng lo âu.

Còn cụ già bán vé số thì sao ? Chắc rằng trên con đường mưu sinh của mình cụ luôn mang tâm trạng nặng nề âu lo.

Khi ta đi lang thang nghĩa là ta không cần định hướng điểm đến và thả mặc thời gian, ta rất thảnh thơi!

Còn cụ già bán vé số dạo cũng từng “lang thang” tìm dấu chân mình qua những lộ trình quen thuộc, để tìm khách hàng quen biết của mình. Nhưng khác là cụ có giới hạn về không gian, thêm áp lực về thời gian.

“Ngước ngóng con chim vẫn đợi thầm góc phố
Níu bóng đời hoang ngồi gỡ nắng lụi tàn”

Lạ thật, hình ảnh tương phản “lầm lũi “ và “Ngước” cho ta thấy có cái chi đó khác thường trong ngữ cảnh, nhưng lại cho ta cảm giác đến se lòng.

Nhưng khi tác giả viết “lầm lũi đi tìm” và “Ngước ngóng”. Ôh! Logic đấy chứ ! Rồi thì tất cả như vỡ òa thương cảm. Chỉ có sự thấu cảm cho những mảnh đời cơ cực mới xử dụng từ ngữ tài tình đến vậy!

Mà Cụ già lại ngước ngóng “con chim vẫn đợi thầm góc phố” Thật lãng mạn! Nhưng Chim Trời có bao giờ ngừng chuyền cành? Còn nếu ta hiểu Chim ở đây là khách chơi vé số thì thật ê chề cho cụ!

Cụ Ngóng Khách? Hay Khách thầm đợi Cụ?! …

…. Sao cũng được, bởi nếu không có sự huyễn hoặc chính mình, thì Cụ không thể tiếp tục kiếm sống với:

“Níu bóng đời hoang ngồi gỡ nắng lụi tàn”.

Đoạn thơ trên khiến ta ngậm ngùi, Còn đoạn thơ sau khiến ta không khỏi nghẹn ngào:

“Gương mặt
tầng tầng nếp nhăn
xám xịt màu cô đơn bòn rút
gần đất
xa trời
vẫn còn vận đen
lỡ bước sa cơ
bán vé số dạo thôi cũng nhiễm lây thất nghiệp
đói trắng kiếp người”
                                   (Thơ Phạm Đức Mạnh)

Nếu bạn từng ngắm những bức chân dung, thì có lẽ đây là bức chân dung đẹp, sống động vô cùng! Không phải từ nét cọ của họa sỹ chau chuốt nên nó, mà là màu thời gian, đi cùng với sự lam lũ của một kiêp người.

Và, bất kỳ người họa sỹ nào vẽ được bức chân dung đep, tả thực được như nét bút rất tinh tế của nhà thơ , thì quả là kỳ công của một họa sư đáng được tôn vinh. Ngưỡng mộ vô cùng.

…. “ Lỡ bước sa cơ
Bán vé số dạo thôi cũng nhiễm lây thất nghiệp
Đói trắng kiếp người”

Nhân loại đang đối phó với dịch bệnh, Ai cũng bị cuốn vào vòng cộng khổ đó, cụ cũng không ngoại lệ. (Ở trong đoạn thơ khác, tác giả đã mô tả nó qua từ Loang Rêu Nỗi Buồn. Mà Rêu chỉ sinh sôi nơi thiếu ánh Mặt Trời ấm áp)

Nhưng điều đáng quý ở đây cụ là người hiểu được lẽ vô thường. Nên không than thân trách phận. Tôi nghĩ cụ không “Đói trắng kiếp người”, vì cụ vẫn còn biết ngắm nhìn, cảm nhận chung quanh với tấm lòng đôn hậu, dành cho bao loại thụ tạo dưới Bầu Trời này:

“Nước mắt nghẹn rơi
Đặc cứng phiến vô thường
Bà thương tiếng chim nở giữa lưng trời
Thương mưa sầu
Gió tủi
lẽo đẽo bà mặc niệm tháng ngày oan
Covid cướp đi tất cả”
                    (Thơ Phạm Đức Mạnh)

Tôi yêu từ tượng hình “Lẽo đẽo” mà tác giả dùng trong câu thơ, sao mà mộc mạc, sao mà chân chất đáng yêu vô cùng!

Bởi vì, dù có "tàn hơi " thì cụ vẫn một mực trung tín “Mặc Niệm” với Đấng Quyền Năng của cụ. (“Níu bóng đời hoang ngồi gỡ nắng lụi tàn”.)

“Lẽo đẽo bà mặc niệm tháng ngày oan” chúng ta hiểu sao cho đúng nhất ( ? ) khi giữa nỗi thống khổ, Con Người lại luôn biết Trông Cậy vào đấng Tối Cao của mình. Với tôi, đây là điểm sáng nhất của bài thơ này! Bởi vì :

“Ngày mai
Đường phố có thể loang rêu nỗi buồn
Nhiều số phận gồng mình gánh thăng trầm nghiệt ngã
Nhưng bầu trời thương
Không bao giờ trống rỗng tiếng cười…”
                                                (Thơ Phạm Đức Mạnh)

Phải, kết quả của “lẽo đẽo … mặc niệm” là đây! Một tứ thơ rất thâm thúy qua từng từ ngữ và đó chính là thi phong độc đáo của nhà thơ.

“Đừng ai bỏ cuộc
Để tiếng chim lại hát ru thời gian
Để ánh bình minh không hoảng loạn
Để cánh đồng người không vàng úa nỗi đau
Để ánh trăng thơm những bờ môi hò hẹn.
Để tình người vẫn mênh mông như biển
Lòng nhân ái tỏa hương ngọt lịm cõi trần...”
                             (Thơ Phạm Đức Mạnh)

Tôi không dám lạm bàn về nghệ thuật tu từ trong thơ tự do. Bởi vì từng câu, từng chữ đã được tác giả viết lên bằng cả tấm lòng bao dung, thương cảm.

Tôi đã cảm nhận được từ bài những bức tranh buồn, đẹp, rất nhân bản.

Và hơn hết, tôi đã tìm được Thông điệp “Đừng ai bỏ cuộc” đó là Niềm Tin.
Niềm Tin Chính là Cội Rễ , làm triển nở :

“Để tình người vẫn mênh mông như biển
Lòng nhân ái tỏa hương ngọt lịm cõi trần...”

Một bài thơ đầy nhạc tính: lạc quan, giàu lòng trắc ẩn.
Tôi xin được cảm ơn nhà thơ Phạm Đức Mạnh đã đồng cảm và chia sẻ cảm xúc của mình, về những phận đời khốn khó.

Tôi tin quý bạn thơ cũng chắt lọc được LÒNG NHÂN ÁI VÔ BIÊN từ bài thơ: BÀ BÁN VÉ SỐ và CON CHIM…

                                                                                    Lê Liên
                                                                         Sài Gòn, 17.04.2020

Không có nhận xét nào: