BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 5 tháng 12, 2018

Ở BỆNH VIỆN - Thơ Hoàng Yên Lynh


       
                   Nhà thơ Hoàng Yên Lynh


Ở BỆNH VIỆN

Chiều mưa ngang bệnh viện
Thao thức cả một đời
Xin làm làn sương trắng
Bay về với cố  hương.

Cũng một đời tha phương
Bạn bè dăm ba đứa
Một thời trong đạn lửa
Bạc áo trận chiến chinh.

Chiều hoang vắng mênh mông
Nghe sao đời cô quạnh
Không gian dài xa vắng
Chạnh lòng ta với ta.

Đời mấy cuộc chia ly
Cũng đến lần sau cuối
Có ngậm ngùi níu gọi
Bến đợi chỉ mình ta.

Chiều mưa ngang bệnh viện
Cô đơn và nỗi nhớ
Thời gian ơi ngừng lại
Cho ta trọn bài thơ.

Hoàng Yên Lynh

DUYÊN QUÊ - Thơ Lê Kim Thượng


       
    Nhà thơ Lê Kim Thượng


DUYÊN QUÊ

“Chiều chiều lại nhớ chiều chiều…
Người dưng khác họ…” thương nhiều nhớ lâu
Ngày ngày, tưới nước cho trầu
Trầu mau tốt lá… cưới dâu mẹ nhờ…
Nhớ em… thôn nữ ngây thơ
Xuân thì vừa tới, mộng mơ còn nhiều
Tóc dài che mắt đăm chiêu
Chợt nghe rơi rụng tiếng yêu trong lòng
Tóc em hương bưởi thơm nồng
Xôn xao bóng nắng cho hồng môi ai
Gió đùa cong sợi tóc mai
Mắt em lóng lánh liêu trai… sững người
Tôi gieo mầm hạt tình tươi
Tìm trong đất cát... nụ cười em rơi
Đêm mơ, ngày mộng em ơi
Ước gì ta mãi trong đời có nhau
Đêm nghe “… bí gọi thương bầu…”
Nghe câu lục bát “… Qua cầu…” rưng rưng
“Bụng sao bụng nhớ người dưng…
Lấy nhau chưa đặng…” lòng ưng nhau rồi…
Bờ tôi lở… bến em bồi…
Sông sâu ngăn cách, chia đôi bến bờ
“Đêm nằm tơ tưởng tưởng tơ…”
Tôi - Em… là chút tình cờ đắng cay
Thương con Tu Hú lạc bầy
Ngu ngơ gọi bạn lất lây, bồi hồi
Nên duyên ai… lỡ tình tôi…
Trách người bội nghĩa… đãi bôi thề nguyền
Lòng buồn đau xót cho duyên
“Bến thì một dạ…” mà thuyền về đâu ?
Thôi đành hẹn lại kiếp sau
“Về nhà mẹ hỏi… qua cầu gió bay…”

                   Nha Trang, tháng 12. 2018
                LÊ KIM THƯỢNG

“...” Ca dao

MÌNH À... - Thơ Trần Mai Ngân


   
                            Nhà thơ Trần Mai Ngân


MÌNH À...

Mình à !
Biển bao giờ mới lặng
Sóng bao giờ mới yên
Để thuyền tình một chuyến
Đi qua bờ tử sinh...

Mượn trăm năm với mình
Ta chèo qua sóng cả
Đắm đuối và mệt lả
Trả cho xong kiếp người

Đôi ta vắng nụ cười
Cũng không nhiều nước mắt
Đôi tay đâu nắm chặt
Nên buông trôi rã rời

Ôi ! cuộc đời... cuộc đời
Là dâu bể không thôi
Chỉ có mình và tôi
Đôi ta là định mệnh...

Mình à...
Ta còn bao lâu nữa
Để trở về ngày xưa
Một nơi không bão mưa
Và không còn toan tính

Tình yêu là đinh ninh
Chắc chi ta có được
Cả khi ở cùng bên
Lòng mãi cứ mông mênh...

Hư vô đầy một chén
Tôi mời mình đêm nay
Ta cùng cạn và say
Tôi gọi mình quắt quay

Mình ơi ! Mình có hay !

              Trần Mai Ngân
                 4-12-2018

Thứ Ba, 4 tháng 12, 2018

TÔI MÊ SÁCH... - Hoàng Thắng


                                Tác giả Hoàng Thắng

     TÔI MÊ SÁCH...

Tôi là người mê sách, sách đẹp, sách bìa cứng, sách hay, sách dể chưng...và để đọc...nghiền ngẫm...
Tôi không biết mình mê sách từ hồi nào, nhưng trí nhớ ở vào tuổi gần đất xa trời thì những quyển sách đầu tiên tôi tiếp cận là sách của Tự Lực Văn Đoàn. Tôi nhớ nhà tôi ở số 8 Quang Trung, Quảng Trị. Đó là một căn nhà hộp như hộp diêm quẹt mà ba tôi, một "kiến trúc sư vườn" vẽ kiểu, ở trên mái phẳng xây có một cái am để thờ một cặp chị em bị mẹ ghẻ đánh chết trong xóm. Tôi sẽ kể chuyện này.

BẰNG TÚ TÀI HAI – Đào Dân


       
                    Tác giả Đào Dân

           BẰNG TÚ TÀI HAI
                                       Đào Dân

Một câu thơ của Nguyên Sa của thời thập niên 50, 60 thế kỷ trước gần như đã thâm nhập vào đời sống và ước vọng của một số lớn học sinh sinh viên thời đó, dù có nói ra hay không: Muốn làm người yêu thì phải đỗ Tú tài.
Hồi đó tôi chỉ là một anh học trò nhà quê nhút nhát, nhưng trong học tập cũng không đến nỗi nào, vậy mà cũng phải trầy trật vác chiếu đi thi mấy kỳ mới có nỗi mảnh bằng Tú Tài 2, dù đã vượt qua vũ môn nhiều lần trước để lấy bằng Tiểu học, Trung học đệ nhất cấp, và bằng tú tài 1 - Học sinh Nguyễn Hoàng khóa 58-65 mà đến năm 66 mới đậu! Mỗi khi thi rớt, anh chị em học sinh bèn trở về nhà với câu an ủi của gia đình: Học tài thi phận! Dù cho câu thơ của cụ Tú Xương vẫn hàng ngày văng vẳng bên tai: Đệ nhất buồn là cái hỏng thi, thì cậu học trò cũng phải tự nhủ lòng mình mà cố gắng cho mấy khóa sau cũng như các ông đồ ngày xưa:

Ôi mạ mi ơi chớ mắng tau
Năm ni thi hỏng có năm sau
Năm sau thi hỏng có năm sau nữa
Ôi mạ mị ơi chớ mắng tau!!!

PHÊ BÌNH LỐI BÌNH THƠ "BẺ CONG" - Nguyên Lạc


          
                             Nhà bình thơ Nguyên Lạc


        PHÊ BÌNH LỐI BÌNH THƠ "BẺ CONG"

Lời nói đầu:
Bài này viết ra với mục đích phê bình các nhà phê bình thơ "bẻ cong" ngòi bút vì "ý đồ", tư lợi, phe nhóm; các tay mơ sính phê bình thơ để tỏ ra "ta đây" vô tình làm rắc rối thêm cho người thưởng lãm: Một bài thơ bình dị, rõ ràng, dễ hiểu... trở nên mù mờ rắc rối qua tay các nhà bình thơ loại này, khiến độc giả không biết các ông bà này muốn nói cái gì; nhiều khi còn phải chạy tìm từ điển!

Trước khi vào bài, tôi xin được ghi ra đây vài ý nghĩ riêng liên quan đến việc bình thơ mà tôi sẽ dùng cho việc phê bình các "nhà" này.

VÀI Ý NGHĨ VỀ BÌNH THƠ

Đây là vài ý nghĩ của riêng tôi:
-- Muốn phê bình sâu sắc một bài thơ thường ta nên tìm hiểu rõ cuộc đời của tác giả qua lý lịch, qua cảc bài viết, hồi ức, các bài thơ đã đăng.
- Là thơ Việt, người bình phải thủ đắc một số thơ của tiền nhân, căn bản triết lý Đông Phuơng để dùng nó khám phá những hàm ẩn, "ý tại ngôn ngoại" của bài thơ
-- Người bình thơ cũng nên học hỏi thêm để biết vài thủ pháp về thơ, biết sơ lược về cách phân tách ngôn ngữ cần thiết cho sự bình thơ; vì nếu chỉ bình theo cảm tính thì e bài bình không được chính xác, đầy chủ quan và có nhiều khi vô tình gây ảnh hưởng tiêu cực đến bài thơ.
-- Bình mà chưa gì người đọc đã đoán trước nhà binh thơ sẽ khen bài thơ thì không nên. Phải bình như thế nào để tránh cho người đọc phát biểu: - Chưa đọc bài bình cũng biết trước bài thơ này sẽ được khen!
-- Người bình thơ nên nhớ rằng không phải cứ giới thiệu bài thơ nào cũng phải khen 100%. Một bài thơ hay như thế nào đi nữa cũng phải có vài khuyết điểm cần được nêu ra cho chính xác, cho cân bằng giữa ưu và khuyết.
-- Bình bài thơ nào cũng khen đôi khi đưa đến phản ứng nghịch (side effects) đối với những độc giả khó tính: _ Chê độc giả NGU, không biết thưởng thức, phải cần nhà bình thơ giải nghĩa giùm. Hãy để độc giả tự thưởng lãm, đừng chỉ dạy!
-- Cách cảm nhận của người bình vẫn chủ quan, chưa chắc hoàn toàn đúng. Đừng như nhà khoa học sau đây nghiên cứu về con cào cào (châu chấu):
.
"Nhà khoa học bắt con cào cào bỏ lên bàn rồi vỗ bàn một cái, con cào cào phóng đi. Ông vội vàng gục gật đầu,ghi ghi...
Lần kế, ông ngắt râu cào cào và vỗ bàn, cào cào phóng đi. Ông lại ghi ghi, nhíu mày suy tư...
Hôm nọ nhà khoa học ngắt 2 càng (chân lớn) con cào cào rồi cũng vỗ bàn một cái: Con cào cào vẫn nằm tại chỗ. Ông vỗ thêm một lần nữa, cào cào vẫn nằm im...
Ông với la to lên:
- Tìm ra rồi, tìm ra rồi...
Đây là PHÁT KIẾN VĨ ĐẠI của ông ta:
"Con cào cào trở nên ĐIẾC khi bị mất hai càng"

Thứ Hai, 3 tháng 12, 2018

NỖI NIỀM VONG QUỐC - Thơ Hạ Thái Trần Quốc Phiệt


       
           Nhà thơ Hạ Thái Trần Quốc Phiệt

NỖI NIỀM VONG QUỐC
(Họa bài Lưu Vong Hành của Nguyễn Kinh Bắc)

Đại dương cách biệt cả ngàn trùng
Ngồi tận trời Tây nhớ cõi Đông
Hồn vọng miên man về cố quốc
Niềm đau khôn thể nói cho cùng!

Nhớ xưa kinh sử chong đèn sách
Nào ngỡ phận mình vướng kiếm cung
Vào chốn giang hồ hành hiệp khách
Tấm thân ngang dọc trải bao vùng.

Gian nguy trận mạc chưa hề nản
Canh cánh bên lòng lý tưởng chung
Bão táp phong ba ghìm vững lái
Mặc thây lửa đạn cứ sôi bùng

Trải bao chiến tích thời xuôi ngược
Vẫn được an bình dẫu cát hung
Chất ngất ngút trời mùa lửa đỏ
Góp trang hiển hách sử kiêu hùng

*
Cuộc cờ trở thế đành thu kiếm
Ngựa quỵ rừng khuya lạc bặt rung
Trăng gọi cồn hoang sương buốt lạnh
Tan đàn sẩy nghé bước đường cùng!

Xưa cùng đồng đội từng lâm trận
Lắm kẻ nương thời đợi rụng sung
Những kẻ ngồi yên chờ gió lộng
Nghe không tiếng trống  giục thì thùng!

Thân đà cam phận tù xa xứ
Ngày tháng giản co khó đếm đong
Tủi nhục đói no hồn nặng trĩu
Xa xăm biền biệt bặt tin hồng!

Bỗng dưng hóa kiếp loài rừng rú
Chiếu đất màn trời ... tất cả không!
Phá rẫy đẵn cây xây lán trại
Gian nan tiếp tiếp chất cao chồng

Lá rừng nước suối cùng khoai sắn
Ổ rạ liếp tre rán ghé lưng
Quốc giục u hoài rền vách núi
Trăng xuyên sương lạnh xuống khe mùng

Cùng chung cảnh ngộ thêm son sắt
Tổ Quốc ghi lòng tận nghĩa trung
Giữa chốn lao lung không chuyển dịch
Lời thề danh dự dễ chi chùng.

Trăm ngàn nỗi khổ chưa hề hấn
Vững chí kiên trì giữ đỉnh chung
Đối diện triền miên muôn sự ác
Lằn ranh cách biệt khó tương đồng

AI MUA KÍNH KHÔNG! - Thơ vui của Châu Thanh Thủy


   
                      Tác giả Châu Thanh Thủy


AI MUA KÍNH KHÔNG!

Ai mua mình bán kính đây
Đeo vào sẽ thấy từ ngày thành đêm
Từ "chị" sẽ biến thành "em"
Từ "em" sẽ biến thành tiên giáng trần
Ông già cũng hóa nam thần
Thị Nở cũng hóa Thúy Vân Thúy Kiều,
Chí Phèo cũng chợt phiêu diêu
Tưởng mình Kim Trọng áo điều áo xanh
Đeo vào ai cũng rất xinh
Mua ngay kẻo hết, hãy nhanh chân nào!

                               Châu Thanh Thủy

NHỚ..., CHÚT TÌNH, BÂY GIỜ - Thơ Tịnh Đàm


        
                      Nhà thơ Tịnh Đàm


NHỚ...

Biết lòng
Sẽ nhớ nhiều hơn
Khi đêm dở mộng
Chập chờn...
Mơ em.

Giật mình trong tối,
Dậy xem
Vườn khuya
Đom đóm thắp đèn
Chơi trăng.

CHUYỆN THƯỜNG, ĐOẠN TRƯỜNG - Thơ Chu Vương Miện


       

CHUYỆN THƯỜNG

ngày trước lạc hậu y tế chưa phát triển
con người thọ đến "thất thập cổ lai hy"
là rất hiếm rất quí
ngày nay văn minh tiến bộ
y tế đầy đủ
nào Đông y, Tây y, Nam y, Bắc y
nào noni nhầu, sữa ong chúa, lô hội
nấm linh chi, đông trùng hạ thảo
bạch liên trà, sữa tắm dê, trà dưỡng sinh
hà thủ ô, yến sào, tế bào gốc
sống trên bảy bó là chuyện bình thường
ngày trước hai mươi - ba mươi lập gia đình
nay sáu mươi - bảy mươi - tám mươi
còn mò về Việt Nam
lập gia đình lấy vợ nhí
cũng đẻ con sinh cái
chuyện bình thường
y như cinema hát bộ mần tuồng
y như chèo cổ Bắc Việt
sướng y tiên ?
thủ tục đầu tiên
tiền ?
-
trước năm 1945
dân số nước mình là 25 triệu
chết đói 2 triệu
đất đai chừngđó
núi rừng chừng đó
con người sống tương đối khỏe
thơ văn quá rạt rào
sau năm 1954
dân số tăng 35 triệu
hai miền chưa uýnh nhau
đời sống cũng tàm tạm
thơ còn vần còn điệu
sau 1963 thì đánh nhau
đánh từ đít tới đầu
từ Bến Hải Cà Mau
từ Địa Đầu đến địa phủ
30.4.75 thì kết thúc chiến tranh
dở cười dở khóc
thơ lúc đó không ai đọc
bây giờ năm 2018
dân số gần cả 100 triệu
đa số là i tờ rít
thơ chết ngắc

PHẠM NGỌC THÁI VỚI THIÊN TÌNH CA TRÁC TUYỆT - Tuyết Nga


              
                                  Ảnh Tuyết Nga 

        PHẠM NGỌC THÁI VỚI THIÊN TÌNH CA TRÁC TUYỆT
                                                                                              Tuyết Nga

Đây là thiên tình ca từ biệt của một mối tình, một cuộc chia tay đầy nước mắt, song... xem ra hai người vẫn đang còn yêu nhau rất tha thiết ! Vậy, vì một lý do nào đó ta không biết ? Như lời chàng đã than:

           Anh vẫn thương em dù duyên phận bẽ bàng
           Chẳng phải vì em, chẳng phải anh không muốn
           Nhưng em ạ ! KIỀU đã nói rồi,
                                                     đó là bể sống...
           Tình giữa trần ai, nước mắt trộn cơm chan.
                                                       (câu 17 - 20)

MỘT MÌNH - Thơ Trương Thị Thanh Tâm


       
                Trương Thị Thanh Tâm


MỘT MÌNH

Bây giờ trời đã chớm đông
Hơi sương lành lạnh buồn lòng giấc đêm
Trăng còn treo nhánh dừa nghiêng
Treo tình tôi nhớ về miền xa xôi

Sầu đâu rớt lá đơn côi
Liễu xanh còn thả tóc trôi bềnh bồng
Người đâu, có nhớ hay không?
Mỹ Tho hiu hắt nắng hong tóc chiều

Tôi giờ quạnh quẽ cô liêu
Buồn trong nỗi nhớ, liêu xiêu cả hồn
Phố buồn nắng nhạt chiều hôm
Gởi tình theo gió về miền xa xôi

Biển xanh mùa cũ đâu rồi?
Để thuyền trôi giạt sóng đời ngã nghiêng
Bao ngày tôi đứng lặng yên
Mong ai hạnh phúc nỗi niềm riêng tôi

Đôi lần hờn giận bờ môi
Lời yêu cất giấu cho tôi đợi chờ

            Trương Thị Thanh Tâm
                       (Mytho)

Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2018

CHÙM THƠ NGUYỄN THỊ HOÀNG


   
                   Văn thi sĩ Nguyễn Thị Hoàng

Tác giả:
Nguyễn Thị Hoàng sinh ngày 11-12-1939 tại Huế. Theo học trường Đồng Khánh, 1957 vào Nha Trang, 1960 vào Sài Gòn học Đại học Văn khoa và Luật; bỏ dở, đi làm, dạy học ở Đà Lạt (cuốn tiểu thuyết gây chấn động dư luận miền Nam Vòng Tay Học Trò được sáng tác trong khoảng thời gian này); bỏ Đà Lạt về Sài Gòn, cộng tác với các tạp chí Bách khoa, Văn… và một số báo khác. Sau Vòng Tay Học Trò còn xuất bản trên 30 tiểu thuyết trước 1975. 1990 xuất bản Nhật Ký Của Im Lặng. Cùng lúc Là người yêu của Đấng Trời (và nhiều cuốn khác) chưa xuất bản. Từ đó im lặng.

Tác phẩm:
Vòng Tay Học Trò (truyện dài, Kim Anh,1966)
Tuổi Sàigòn (truyện dài, Kim Anh, 1967)
Ngày Qua Bóng Tối (truyện dài, Văn, 1967)
Trên thiên đường ký ức (tập truyện, Hoàng Đông Phương, 1967)
Vào nơi gió cát (truyện dài, Hoàng Đông Phương,1967)
Mảnh trời cuối cùng (truyện ngắn, Hoàng Đông Phương,1968)
Cho Những Mùa Xuân Phai (tập truyện, Văn Uyển, 1968)
Về trong sương mù (truyện dài, Thái Phương, 1968)
Cho đến khi chiều xuống (truyện dài, Gió, 1969)
Đất hứa (truyện dài, Hoàng Đông Phương, 1969)
Tiếng chuông gọi người tình trở về (truyện dài, Sống Mới, 1969)
Vực nước mắt (truyện dài, Gió, 1969)
Vết sương trên ghế đá hồng (truyện dài, Hoàng Đông Phương,1970)
Tiếng hát lên trời (truyện dài, Xuân Hương, 1970)
Trời xanh trên mái cao (truyện dài, Tân Văn, 1970)
Bóng người thiên thu (truyện dài, Hoàng Đông Phương,1971)
Bóng tối cuối cùng (truyện dài, Giao Điểm, 1971)
Tình yêu, địa ngục (truyện dài, Nguyễn Đình Vượng, 1971)
Định mệnh còn gõ cửa (truyện dài, Đồng Nai, 1972)
Bây giờ và mãi mãi (truyện dài, Đời Mới, 1973)
Bóng Lá Hồn Hoa (truyện dài, Văn, 1973)
Năm tháng dìu hiu (truyện dài, Đời Mới, 1973)
Trời xanh không còn nữa (truyện dài, Đời Mới, 1973)
Tuần trăng mật màu xanh (truyện dài, Đồng Nai, 1973)
Buồn như đời người (truyện dài, Đời Mới, 1974)
Chút tình xin lãng quên (truyện dài, Trương Vĩnh Ký, 1974)
Cuộc Tình Trong Ngục Thất (truyện dài, Nguyễn Đình Vượng, 1974)
Dưới vầng hoa trắng (tập truyện, Sống Mới, 197?)
Nhật ký của im lặng (Đồng Nai, 1990)

LỜI RÊU

Ai đi qua xa vắng,
bỏ chiều run một mình.
Giọt cà phê máu mặn,
nỗi nhớ đầy quyên sinh.

Mười hai năm tỉnh giấc,
trắng đôi bờ tóc đen
Dáng tinh cầu vỡ nát,
đôi tay nào ru đêm

Uống cùng nhau một giọt,
đắng cay nào chia đôi
Chung một niềm đơn độc,
riêng môi đời pha phôi.

Say dùm nhau một giọt!
chút nồng thơm cuối đời.
Vướng dùm nhau sợi tóc,
ràng buộc trời sinh đôi.

Cơn mưa chìm nước mắt,
phủ kín đời chia hai
Thời gian chung đã mất,
tháng ngày riêng cũng phai

Ngày mai ta bỏ đi,
trần gian xin trả lại
Đá tảng nào vô tri,
chết một đời rêu dại

Chỉ còn trong bóng tối,
dấu tay nào trên tay
Tiếng im trong lời nói,
mây quên trời tóc bay

70 NĂM “TÂY TIẾN” VÀ QUÃNG ĐỜI LẬN ĐẬN CỦA QUANG DŨNG - Hoàng Tuấn Minh

Nguồn:
https://xuandienhannom.blogspot.com/2018/10/70-nam-tay-tien-va-quang-oi-lan-cua-nha.html


                          Quang Dũng và bút tích bài thơ Tây Tiến


       70 NĂM “TÂY TIẾN”
       VÀ QUÃNG ĐỜI LẬN ĐẬN CỦA QUANG DŨNG

Hôm nay tròn 30 năm ngày nhà thơ Quang Dũng qua đời đồng thời cũng là 70 năm bài thơ Tây Tiến ra đời. Xin viết đôi dòng thay cho nén nhang thơm để tưởng nhớ nhà thơ mang trong mình dòng máu lãng du vào loại bậc nhất trong thi đàn đất Việt thế kỷ XX, người con của mảnh đất Đan Phượng, xứ Đoài quê tôi.

EM TÔI - Phan Nhật Nam


       
                Nhà văn Phan Nhật Nam


         EM TÔI
            Phan Nhật Nam

Năm em lên ba, bố tôi bỏ lại người vợ trẻ và hai đứa con thơ lên đường tập kết.
Tôi hơn em sáu tuổi. Chín tuổi con nhà nghèo khôn lắm, tôi đủ khôn để thấy khuôn mặt mẹ buồn hiu hắt, những tiếng thở dài và những giọt nước mắt âm thầm của mẹ trong đêm. Chín tuổi, tôi đã biết mình là người nam độc nhất trong gia đình, đã biết ẵm bồng đút cơm cho em và vỗ về em mỗi khi em khóc. Chín tuổi, tôi đã biết tắm rửa, thay áo thay quần cho em, cõng em đi chơi và dỗ cho em ngủ. Mỗi ngày, trời sập tối mẹ mới gánh hàng về, ba mẹ con ngồi ăn cơm bên ngọn đèn dầu, tôi và em hỏi han, an ủi mẹ. Mẹ kể cho chúng tôi nghe chuyện chợ búa như đang nói chuyện với người lớn, tôi ngồi nghe, nhìn đôi vai gầy của mẹ, nhìn mái tóc và đôi bàn tay khô của mẹ, mà thấy thương mẹ vô cùng.
Tôi phải bỏ học ở nhà hai năm để trông chừng em. Mẹ có một sạp bán rau cải ở chợ Cồn. Gọi là sạp chứ thực ra chỉ là một ô đất nhỏ, sáng mẹ ra đi thật sớm, lúc trời còn mờ sương, buổi trưa mẹ về nhà lo cho chúng tôi ăn, nằm nghỉ ít phút rồi trở dậy sửa soạn cho chuyến chợ chiều. Một tuần bảy ngày, mẹ đi đi về về trong nỗi cô đơn.

Ở ĐÀ NẴNG NHỚ HUẾ - Thơ Trần Mai Ngân


        
                                  Nhà thơ Trần Mai Ngân                                     


Ở ĐÀ NẴNG NHỚ HUẾ

Tớ trở lại sông Hàn nơi cậu ở
Của ngày xưa năm tháng tuổi còn thơ
Trời trắng xoá mưa, trời trắng xoá mưa
Tớ rỗng tuếch bước chân và nỗi nhớ

Đi dưới mưa... tớ muốn tìm ra biển
Để hỏi trời , hỏi sóng có bơ vơ
Tớ lại buồn muốn đến Huế mộng mơ
Quê của cậu là tình yêu của tớ

Duyên mòn khuyết treo nhánh cây trắc trở
Đường không xa sao cứ mãi mịt mùng
Tớ muốn khóc chợt giận đời muốn khóc
Cứ vì ai quên cả trái tim mình....

Mai về rồi trời chắc sẽ bình minh
Sẽ nắng đẹp trả cho Đà Nẵng nhớ
Để mộng ước tớ muôn đời lỡ dở
Những hẹn hò cứ xếp lại trong thơ

Tớ đi về lòng chẳng chịu cùng đi
Mãi lưu lại trong muôn trùng nỗi tiếc !

                                  Trần Mai Ngân 
                                     1-12-2018