BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 12 tháng 12, 2017

ĐẬP ĐÁ DỰNG Ở THỊ XÃ LAGI, TỈNH BÌNH THUẬN VỚI VƯỜN HOA ANH ĐÀO - Phan Chính

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết của ông Phan Chính, trích trong tập sưu khảo “Lagi Đất Xưa – Diện Hải Bối Lâm” (nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2017)



ĐẬP ĐÁ DỰNG Ở THỊ XÃ LAGI, TỈNH BÌNH THUẬN VỚI VƯỜN HOA ANH ĐÀO

Thị xã La Gi có thế mạnh về phát triển du lịch. Hiện có 4 cơ sở Dinh Thầy Thím, di  tích lịch sử Dốc Ông Bằng, Hòn Bà và Đình-vạn Phước Lộc, đã được Bộ Văn hoá Thông tin- Du lịch và UBND tỉnh Bình Thuận công nhận là di tích lịch sử văn hoá, thắng tích và một số dinh vạn, đình chùa sẽ hình thành một tuyến du lịch tâm linh. Với La Gi, lễ hội dinh Thầy Thím đã tạo tiền đề cho phát triển du lịch từ hơn 30 năm qua. Về lâu dài, ngành du lịch phải xây dựng đồng bộ, đa dạng trong xu hướng phục vụ. Du khách đến La Gi không những để tắm biển, nghỉ dưỡng mà còn có nhu cầu tiếp cận với du lịch tâm linh, ẩm thực và các công trình, thắng tích tiêu biểu.

Có thể coi Đập Đá Dựng khá đặc trưng của một công trình xây dựng hài hoà với cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, vắt mình qua dòng sông Dinh và nằm ngay trung tâm thị xã. Dưới chân đập là một bảo tàng đá, muôn hình muôn vẻ, tạo ra những bóng sương hư ảo từ thác nước biến đổi từng mùa.

Dưới thời VNCH khi vừa thành lập tỉnh Bình Tuy, đập Đá Dựng được khởi công xây dựng vào tháng 4 năm 1957, nay đã 60 năm. Địa hình hội tụ của đá với dáng đứng sừng sững lạ lùng như tên gọi. Đập dài 80m, chân dày 30m và cao 8m trên mặt nhằm tưới tiêu cho khoảng 500 ha ruộng, là nguồn nước sinh hoạt vừa định hình một điểm du lịch, tham quan hấp dẫn. Chỉ bằng những phương tiện thô sơ, sức người mà cảnh quan được cải tạo từ những gộp đá tự nhiên, cây rừng ven hai bờ đập đều có dàn bông giấy đỏ. Theo tư liệu 1957, trị giá công trình lúc đó trên 2 triệu đồng nhưng chỉ tốn ngân sách 100.000đ, còn lại là nguồn huy động từ cơ quan Viện trợ, tôn giáo, tổ chức xã hội. Thời gian xây dựng phần đập chỉ mất 4 tháng, trước khi mùa mưa đến. Mấy năm sau do lũ gây xói lở phía tả ngạn đầu đập nên xây dựng thêm khoảng 20 mét với nhiều ngăn xả nước, vách ngăn bằng những thanh vuông gỗ loại tốt, có thể rút lên, ghép lại theo rãnh vách ngăn đúc bê tông, tuỳ theo mực nước nguồn chảy xuống. Cũng từ cơn lũ đó mà tạo nên phần đá nổi tựa như một cù lao giữa hai dòng thác nước.

                                   Hoa anh đào ở thị xã La Gi

Phía hữu ngạn sông Dinh có một vườn hoa rợp bóng trên diện tích rộng khoảng 4 ha với những bồn hoa trang trí đan xen phượng đỏ và cây cảnh. Đặc biệt loài hoa đào này khác với loài mai anh đào ở Đà Lạt hay hoa anh đào Nhật Bản có thân cây nhiều nhánh và chỉ thích hợp ở xứ lạnh. Nhưng ở đây, thân cây suôn, xốp và lá mềm mại, những đoá hoa đóng chuỗi dài trên thân cây có màu hồng phấn và mùi hương ngào ngạt. Hoa nở mùa nào cũng có và rộ lên khi tiết trời vào xuân. Người dân địa phương gọi đó là hoa anh đào vì giống hệt hoa anh đào Nhật Bản.


       

Bậc thang từ mặt đập xuống bãi đá lô nhô có đắp tượng kỳ lân, cầu vọng nguyệt và tượng rồng “long ngư vượt vũ môn” dài chục mét, theo truyền thuyết ở thượng nguồn sông Trường Giang (TQ) có một thác nước, cá tập trung nhiều nếu con nào vượt lên thác sẽ hoá thân thành rồng (vũ môn). Trước đây có một nhà thuỷ tạ (toạ) mô phổng kiểu dáng chùa một cột ở Hà Nội đứng trong lòng hồ với hai tầng mái đúc ngói âm dương, hành lang trang trí hoa văn. Chỉ là chỗ nghỉ chân ngắm cảnh nhưng vẫn quen gọi đó là chùa nối với đập bằng một chiếc cầu phao. Nhà thuỷ tạ này bị lũ quét nhận chìm sau đó vài năm, nhưng với hình ảnh cũ ai cũng nhận ra Đập Đá Dựng ngày xưa. Với công trình kiên cố nằm giữa cảnh quan sông nước tĩnh lặng, vườn hoa anh đào rực rỡ đã trở thành khu pic-nic, cắm trại trong những ngày nghỉ cuối tuần và khách xa đến đều phải một lần ghi dấu vài bức ảnh bên chân thác nước trắng xoá và màu hoa đào kỳ diệu khó tìm thấy ở nơi nào.

                                                                                       Phan Chính

*

Mời xem thêm video clip “Buổi chiều dạo quanh Đập Đá Dựng” do bạn Lagitoday gửi trong phần ghi cảm nhận

            

Thứ Ba, 21 tháng 11, 2017

THƠ LA THỤY QUA CẢM NHẬN CỦA HỒ TRỌNG THUYÊN VÀ CHU VƯƠNG MIỆN

Nguồn: 
http://chuvuongmien.blogspot.com/2017/11/chan-dung-nha-tho-la-thuy.html#more  

         

Giới thiệu Thơ, hay cảm nhận và phê bình Thơ cũng hoàn toàn do cảm nhận từ một cá nhân đến một cá nhân, dù khen hay là chê cũng chỉ là cảm quan của một người, tùy theo sở thích và trình độ, có bài thơ người này thích và có bài thơ người khác không thích và cũng tùy cảnh ngộ, người tha hương cảm được thơ người tha hương, người tù cảm được thơ người  ở tù, cuộc đời phong phú đa dạng, có đám cưới thì có chúc tụng mà có đám ma thì có những vòng hoa và lời phân ưu, mà đã có Thơ thì có ban Tao Đàn kèm theo đàn sáo và có người nghệ sĩ ngâm thơ và có người giới thiệu thơ, ngoài ra còn có người bình thơ 
Bình Thơ giống như bình nước, nho nhỏ chứa được chừng nửa "1/2" lít nước mà thôi, rất là giản đơn ngắn gọn, không giản kép như Ấm Thơ, Chậu Thơ, là hoàn toàn Tung tráng và Hoành tráng hơn, đại khái giống như người hát và người nghe hát vỗ tay, dù là hát rất dở, người M.C cũng đã nói như vầy: 'tàu chạy mau nhờ chân vịt, ca sĩ hát hay nhờ tiếng vỗ tay'
 
Người cảm nhận Thơ hay phê bình Thơ, không nâng thi sĩ lên được chút nào, ngược lại cũng không dìm nhà thơ xuống chút nào, chẳng qua là thủ tục hành chánh nó như vậy.
 
       Hỏi sông tuôn chảy âm thầm
       Tri âm có gặp nghìn trăm bến bờ
       Hỏi lòng sao cứ ngẩn ngơ
       Người xa xăm ấy lặng lờ bặt tăm

                                              (HỎI)
 
       Đổi dời biển sóng dâu cồn
       Hồn nhiên "Sơn Nữ" mộng còn nguyên xuân
       Hoa tay lưu dấu mệnh phần
       Họa thi đan quyện chập chờn sắc không
       Bèo mây hụt bước phiêu bồng
       "Nằm nghiêng nhớ núi" sóng lòng vọng âm

                                         (Với Lương Minh Vũ)
 
       Thi hứng chừ đây có cạn nguồn
       Con tằm nhớ lá rối tơ vương
       Phải chăng kén khép chôn hoài niệm
       Lãng đãng hồn hoa đọng khói sương

                                       (Thơ không về)
 
Đọc những đoạn thơ trên của La Thụy, kẻ viết bài này liên tưởng tới bài thơ của Lý Thương Ẩn thời Trung Đường
 
 
       VÔ ĐỀ KỲ TAM
 
       Tương kiến thời nan biệt diệc nan
       Đông phong vô lộc bách hoa tàn
       Xuân tàm đáo tử ti phương tận
       Lạp cụ thành khôi lệ thủy càn
       Hiếu kính đản sầu vân mấn cải
       Dạ ngâm ưng giác nguyệt quang hàn
       Bồng lai thử khứ vô đa lộ
       Thanh điểu ân cần vị thẫm khan

                               Lý Thương Ẩn
 
       CHUYỂN NGỮ:
 
       Đoàn tụ làm chi muối sát lòng
       Gió đông thổi miết xác hoa tàn
       Thân tằm đến chết tơ còn vướng
       Nến đã thành tro lệ mấy dòng?
       Sáng ngó gương soi đầu tóc trắng
       Đêm ngâm thơ cổ ngó ánh trăng
       Bồng lai nơi đó đi bao lối
       Lạnh lùng nước dạt ngó chim xanh
 
Bài Liêu Trai cảm tác La Thụy làm dậy lại bầu không khí huyền hoặc, ma mị
 
       Chiêu niệm hồn hoa chờ hiển linh
       Hay là em hát khúc vong tình
       Trăng xưa tròn khuyết trời còn thắm
       Hạc cũ tụ tan đất có xinh?
       Một phút tâm đầu mơ dáng bướm
       Ngàn năm ý hợp mộng hình tinh

                           (Liêu Trai cảm tác)
 
Đọc bài thơ Liêu Trai cảm tác của La Thụy mà chợt nhớ Vương Ngư Dương:
 
       Cô vọng ngôn chi cô thính chi.   
       Đậu bằng qua giá vũ như ti.   
       Liệu ưng yếm tác nhân gian ngữ,
       Ái thính thu phần quỷ xướng thi !
 
        Nói láo mà chơi nghe láo chơi ?
        Dàn dưa lất phất hạt mưa rơi ?
        Chuyện đời nghe kể mà chán ngắt
        Nghe quỉ hồ ma nói mấy lời ?

                 (Bản dịch của cụ Tản Đà)
 
Một nhà thơ đương đại tức là “nhà thơ bây giờ” khác với nhà thơ Tiền Chiến và nhà thơ Cận Đại trước 1975. Nhà thơ Hiện Đại, là “nhà thơ thời Hại Điện” (là cúp điện lia chia), đựợc sáng tác trong ánh đèn dầu phụng, đèn sáp hay đèn cầy,  “Thơ Hiện Đại” so với Thơ Cận Đại trước 1975, hay so với Thơ Tiền Chiến trước 1945 thì hoàn toàn không bằng được một nửa !
 
Thơ bây giờ ngang với Nhạc bây giờ, nói chung là sáng tác vội vã và dở ẹc, không làm phiền người nghe “vì dở quá không ai nghe và dở quá không ai muốn đọc”.
 
Nhưng, thật may là thơ của La Thụy vượt lên trên cái xoàng xĩnh nhố nhăng của cái thời Hại Điện. Thơ La Thụy trong cái thời “Hiện Đại” này, đọc lên vẫn vương đậm chất thơ, hồn người, vẫn còn hương đồng cỏ nội, vẫn còn tình sông nghĩa núi, trân trọng và đáng quí vậy thay !
                                     
                                               Hồ Trọng Thuyên & Chu Vương Miện
 

Thứ Hai, 20 tháng 11, 2017

ÂM VÀ NGỮ NGHĨA ĐỊA DANH LA GI - Phan Chính

La Thụy chân thành cám ơn ông Phan Chính, nguyên chủ tịch Chi Hội VHNT thị xã La Gi tặng tập sưu khảo LA GI ĐẤT XƯA DIỆN HẢI BỐI LÂM. Mạn phép được trích đăng bài viết thứ hai trong tập sưu khảo này.

            


            ÂM VÀ NGỮ NGHĨA ĐỊA DANH LA GI

            Địa danh La Gi xuất phát từ phần đất gồm các làng nằm ở cửa sông La Di (còn gọi là sông Dinh). Qua sách xưa, trong châu bản “Doanh điền biểu văn” của Nguyễn Thông năm 1877 và Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán Nhà Nguyễn soạn xong năm 1882 đã từng đề cập đến địa danh La Di gắn liền với vị trí địa lý tự nhiên ngày nay. Như vậy địa danh La Di từ khá lâu đã có trước làng Hàm Tân và sau đó là huyện Hàm Tân được thành lập vào năm 1916.Tuy nhiên, dưới thời Pháp thuộc bản đồ tỉnh Bình Thuận trong “Annuaire général de L’Indochine 1910” và các văn bản hành chánh của Tòa công sứ Bình Thuận đều viết “Ladi” thành “Lagi” tồn tại đến bây giờ.

Chủ Nhật, 19 tháng 11, 2017

LA THỤY, THI CA THI NHÂN - Chu Vương Miện giới thiệu


            


          LA THỤY, THI CA THI NHÂN
                                          Chu Vương Miện giới thiệu

Nguồn:




          

     TIỂU SỬ TÁC GIẢ

     * Bút hiệu: La Thụy      
     * Tên thật :   Đoàn Minh Phú
     * Nghề nghiệp: Dạy học (đã nghỉ hưu)
     * Hội viên Hội VHNT Bình Thuận.
     * Tác phẩm đã in:  Thơ Đời Ngân Vọng – NXB Văn Học 2014
     * Những tác phẩm đã in chung:
     - Tác Giả Thơ Việt Nam Đương Đại – NXB Thanh niên 2009 – Hoàng Hương Trang chủ biên
     - Những Bài Thơ Hay Và Lạ Xưa Và Nay (tập II) –NXB Văn Nghệ 2009 –Long Nguyên Trương Quang Nguyên chủ biên
     - Những Bài Thơ Hay Và Lạ Xưa Và Nay (tập III) –NXB Văn Nghệ 2010 –Long Nguyên Trương Quang Nguyên chủ biên
     - Thơ Hay Ba Miền – NXB Văn Học 2008 do BBT Thơ Hay Ba Miền chủ biên
     - In chung trong nhiều tuyển tập thơ khác.

     HỎI

     Hỏi sông tuôn chảy âm thầm
     Tri âm có gặp nghìn trăm bến bờ?  
     Hỏi lòng sao cứ ngẩn ngơ
     Người xa xăm ấy lặng lờ... bặt tin.
     Lá vàng rơi rụng bên thềm
     Sao khuya lẻ bóng niềm riêng u hoài
     Hỏi trăng chếch bóng non đoài
     Vì sao Cuội vẫn đêm dài... tương tư.
     Hỏi tình sao cứ ơ thờ
     Hỏi sương  nhỏ giọt... cho thơ... ướt mềm.

Thứ Hai, 6 tháng 11, 2017

THƯ ĐỖ TƯ NGHĨA GỬI ĐOÀN ĐỨC, BẠN ĐỒNG MÔN TRUNG HỌC NGUYỄN HOÀNG 1960-1967


      


THƯ ĐỖ TƯ NGHĨA GỬI ĐOÀN ĐỨC, 
BẠN ĐỒNG MÔN TRUNG HỌC NGUYỄN HOÀNG 1960-1967

Dalat, 30.9. 2017
Đức ơi,
Nhớ xưa, cô Nhã gọi Đoàn Đức, Nguyễn Thắng và Đỗ Tư Nghĩa là “Tam anh Vườn  Đào xứ Quảng.”
Thuở ấy, chúng mình chưa có lần nào “uống máu ăn thề” theo kiểu người xưa, đúng không? Chỉ nhớ, thời trung học, chúng mình luôn ngồi bàn đầu – mình ngồi giữa Đức và Nguyễn Thẳng. Hiếm khi rời nhau. Chỉ biết, vắng nhau thì nhớ.
Nhà Đức ở làng Thạch Hãn, um tùm cây lá vây quanh. Mình vẫn thường đến đó. Có anh Đoàn Liên, Đoàn Minh... Lúc ấy, hình như còn song thân của Đức. Có cô cháu gái Đoàn Thị Hoa, vẫn còn bé xíu. Ngày đó, Đức và mình đều thích nhạc của Trúc Phương. Đức thích Mưa nửa đêm, Chiều cuối tuần... Còn mình thì thích Con đường mang tên em, Ai cho tôi tình yêu...
Nhà Nguyễn Thắng ở tận phía cầu ga, gần bệnh viện Quảng Trị. Thắng có hai cậu em trai, là Nguyễn Thái, Nguyễn Lang, và một người anh, mình đã quên tên. Một chị gái tật nguyền, nhưng có khuôn mặt xinh đẹp, hồng nhan bạc mệnh. Nhớ ca khúc "Một bàn tay" của Phạm Duy, mà Thắng vẫn thường ôm đàn và hát. “Bàn tay đưa anh ra khỏi lòng người / Một đêm kêu lên hơi thở tuyệt vời / Bàn tay êm ái, ôi bàn tay khoan khoái / Nhạc ru tiếng khóc trần ai...

Thứ Hai, 23 tháng 10, 2017

CUỘC ĐỜI THĂNG TRẦM CỦA CON GÁI "HÙM THIÊN YÊN THẾ" HOÀNG HOA THÁM


                  


CUỘC ĐỜI THĂNG TRẦM CỦA  CON GÁI "HÙM THIÊN YÊN THẾ"

Bà Hoàng Thị Thế, người con gái của vị anh hùng "Hùm thiêng Yên Thế" Hoàng Hoa Thám, có một cuộc đời nhiều thăng trầm mà không phải ai cũng biết.
Cách đây hơn 100 năm, Hoàng Hoa Thám tức Đề Thám, một trong những gương mặt quan trọng nhất của lịch sử Việt Nam, một trong những gương mặt quan trọng nhất của lịch sử Việt Nam trong cuộc xung đột với Pháp, đã qua đời.
Ông để lại một người con gái tên là HOÀNG THỊ THẾ có vận mệnh khác thường, cùng một người con trai sinh năm 1908 là Hoàng Hoa Phồn, còn có tên gọi là Hoàng Bùi Phồn và Hoàng Văn Vi. Người con trai của Đề Thám đã qua đời một cách bi đát năm 1945.

         
                              Bà Hoàng Thị Thế là con gái 
              của thủ lĩnh nghĩa quân Yên Thế Hoàng Hoa Thám. 

Thứ Năm, 12 tháng 10, 2017

CHỈ CÒN IN DẤU NỤ CƯỜI... Thơ Trần Mai Ngân



     Vợ chồng nhà thơ Trần Mai Ngân


       CHỈ CÒN IN DẤU NỤ CƯỜI...

      Trên tấm ảnh...
      Chúng ta chỉ còn in dấu nụ cười
      Không phai nhạt theo năm dài khốn khó
      Mắt môi cũ in hình hài méo mó
      Đâu tròn nguyên như của thuở ban đầu...

      Câu thơ cũ ví từng phân hạnh phúc
      Như Sâu đo tôi đã gửi cho người
      Buông đôi tay số phận cũng mỉm cười
      Ta sánh bước hay là ta lạc bước!

      Trên tấm ảnh
      Vẫn còn nguyên khuôn thước
      Chuyện trăm năm nào đã gọi vàng phai
      Nếu một mai và nếu có một mai
      Tôi vẫn thế nói lời xin xưng tội

      Chúa Phật nào cần chi đâu cứu rỗi
      Khi chúng ta đã nguyện thệ cùng nhau
      Dẫu vui buồn hay có lắm đớn đau
      Cũng gánh chịu than van chi lầm lỡ

      Trăm hương hoa những đêm dài bỡ ngỡ
      Cũng lặng im, trăng có khóc với người
      Cánh đồng hoa đã một sớm thắm tươi
      Tôi hoài vọng tìm chi điều bất tận !

                                 Trần Mai Ngân
                                   10-10-2017

Thứ Tư, 4 tháng 10, 2017

TÔI NẰM XUỐNG - THƠ 4 SINH NGỮ (Việt, Anh, Pháp và Tây Ban Nha) - Phước Tuyền Ngô Quang Huynh

1. Tôi Nằm Xuống. (Việt Nam)
2. I Lie Down. (English)
3. Je Me Couche. (Français)
4. Yo Me Acuesto. (Español)



     Tôi nằm xuống

     Tôi nằm xuống, khoảnh khắc nầy sẽ đến,
     Đèn hết dầu tim cạn phải tắt thôi,
     Cây già nua ắt hẳn mục hư rồi,
     Người cũng vậy, sang hèn chung số phận.

     Tim ngừng đập, đây: ngày cùng tháng tận,
     Mắt hết nhìn cảnh vật mãi xoay vần,
     Tai thôi nghe chim hót sáng chiều xuân,
     Nằm sóng sượt, một hình hài bất động..

     Tôi nằm xuống, xong rồi... một kiếp sống,
     Lẽ đương nhiên đâu phải chuyện xa vời,
     Đã có sinh ắt hẳn có tử rồi,
     Là định luật muôn đời không thay đổi...

     Thấy trước mắt, giữa giòng đời trôi nỗi,
     Từ nghèo hèn cùng cực đến cao sang ,
     Cùng một hướng, về cổng tử cuối đàng,
     Kẻ trước người sau, đi vào thầm lặng...

     Tôi nằm xuống, chẳng có gì vương vấn,
     Của trần gian xin trả lại trần gian,
     Hành trang mang ước nguyện chữ "bình an",
     Để thanh nhẹ bước vào nơi miên viễn...

     Qua vùn vụt, thời gian như én liệng,
     Mới vui cười, khẩn báo đã tắt hơi,
     Mới gặp  nhau, tin lại đã lìa đời,
     Như ảo mộng, hết mong ngày tái ngộ.

     Từ tro bụi, quay cuồng trong bể khổ,
     Nay hoàn nguyên, trở lại bụi tro xưa..
     Không lo âu trời đất chuyển nắng mưa,
     Với bao chuyện não phiền đầy động loạn...

     Tuổi già yếu, Tử Thần như thấp thoáng,
     Như thập thò lưỡi hái sẳn sàng kêu,
     Ở nơi đâu, chẳng biết sớm hay chiều ?
     Điều chắc chắn thời gian còn: ngắn lại ...

     Tôi nằm xuống, cầu Ơn Trên thương đoái,
     Xin hộ phù trong giờ phút lâm chung,
     Giúp hồn linh an lạc bước cuối cùng,
     Sau năm tháng hành trình trên dương thế...

               Phước Tuyền Ngô Quang Huynh
                           (April 28, 2011)


Chủ Nhật, 1 tháng 10, 2017

CÓ NHỮNG ĐIỀU EM IM LẶNG... - Thơ Trần Mai Ngân





       CÓ NHỮNG ĐIỀU EM IM LẶNG...

      Có những điều...
      Em im lặng và anh không nói
      Đôi khi là ngọn gió của Thu
      Rất nhẹ nhàng khe khẽ như ru
      Đến tuyệt đỉnh tình yêu mộng ảo...

      Cũng có lúc
      Như con sóng dập dồn điên đảo
      Nhấn chìm nhau khát nhớ xanh xao...
      Hay nhiều khi là những cơn đau
      Xoáy buốt rát trái tim bất định

      Những điều ấy
      Em yên lặng và anh không nói
      Chỉ âm thanh sóng gió biển khơi
      Cuộn chúng mình ném giữa cuộc chơi
      Của đời sống mông lung huyền ảo

      Anh có hiểu
      ... những điều ta không nói
      Nào xa xôi nào ngăn cách đâu anh
      Biển với Trời kề gần sát rất xanh
      Mà sao lạ, mà mong manh đến vậy!

      Anh có hiểu
      ... những điều em không nói
      Là muôn trùng là mãi mãi không anh
      Cứ lặng im... đừng trách cứ trái tim
      Nó vốn dĩ mong manh và dễ vỡ...

                                Trần Mai Ngân

LẠI TRAO ĐỔI VỚI CHÂU THẠCH - Phạm Đức Nhì

       
                     Tác giả Phạm Đức Nhì

LẠI TRAO ĐỔI VỚI CHÂU THẠCH

Mọi chuyện tưởng đã qua. Nhưng dưới bài viết Ba Điều Về “Cái Tâm Đặt Ở Đâu?” của anh Đặng Xuân Xuyến (trên FB ĐXX) anh Châu Thạch có một bình luận khá dài trong đó có hai ý chính liên quan đến tôi. Phần còn lại anh giải thích lý do tại sao anh chọn phương cách Bình Thơ “Chỉ Khen - Không Chê”. Tôi lại phải xin lần lượt trả lời trực tiếp hai ý của anh.

Khía Cạnh Kỹ Thuật Của Vấn Đề

Anh Châu Thạch có nhận xét về bài viết Ghi Chép Từ Cuộc Tranh Luận Đầu Xuân của anh Đặng Xuân Xuyến như sau:
Tôi nghĩ một cuộc tranh luận văn học hay một giai thoại văn học được ghi lại đầy đủ là một việc làm chính đáng và cần có để truyền thông đến với mọi người và lưu lại làm tài liệu chớ sao lại cho là xấu nhỉ. Tôi nghĩ nếu ĐXX không làm việc đó thì cũng có một người khác làm và phải hoan hô họ. Tôi cũng đã từng tổng kết một cuộc tranh luận với đề tài " Về hay không về".
Tôi đồng ý với anh Châu Thạch việc tổng kết một cuộc tranh luận văn học là rất hữu ích - và trong một số trường hợp - cần thiết. Nhưng bài Tổng Kết của anh Đặng Xuân Xuyến có những nét đặc thù như sau:

Thứ Hai, 25 tháng 9, 2017

KHI THÌ... - Thơ Trần Mai Ngân


KHI THÌ...         
 
Khi thì anh thật nhẹ nhàng       
Nói em là cả thiên đàng của anh       
Lúc ấy trời đẹp trong xanh       
Em như hoa nắng hiền lành long lanh...       
 
Khi thì anh lại loanh quanh       
Giận em không nói mong manh trưa hè       
Hỏi gì anh cũng chẳng nghe       
Để em hờn tủi nhạt nhoè lệ rơi...      
 
Khi thì anh bảo cuộc đời       
Em là tất cả mà trời ban cho       
Yêu anh em mãi cứ lo         
Khi thì, lúc vậy... đắn đo âu sầu...       
 
Anh ơi ! qua mấy nhịp cầu       
Dù chênh vênh mấy cũng mầu thủy chung       
Tin em anh hãy bao dung      
Đừng hờn, đừng giận... mịt mùng tình yêu!     

                                            Trần Mai Ngân                                            

Thứ Bảy, 23 tháng 9, 2017

BA ĐIỀU VỀ: CÁI TÂM ĐẶT Ở ĐÂU? - Đăng Xuân Xuyến


         

   
       BA ĐIỀU VỀ: CÁI TÂM ĐẶT Ở ĐÂU?

Sáng nay, vào email tôi nhận được bài viết CÁI TÂM ĐẶT Ở ĐÂU?  (Trả lời bài Chữ Tôi, Chữ Ta Và Cái Tâm Lành của Đặng Xuân Xuyến) của nhà thơ Phạm Đức Nhì. Tôi định không trả lời vì thấy không nên lãng phí thời gian vào những việc như thế này nhưng còn các cô, chú, anh, chị... trong email anh Phạm Đức Nhì cùng gửi, và nhất là với bạn đọc của các trang đã đưa bài của anh Phạm Đức Nhì lên trang nên tôi thưa 3 điều cùng quý vị và bạn đọc:

1.
11 giờ ngày 12/09/2017, nhận được email của nhà thơ Nguyễn Khôi, với nội dung “S.O.S. Tố cáo v.v. Xuyên tạc "Chân dung Nhà văn...”, đọc thư nhưng tôi không có ý định hồi đáp. Đến lúc 20 giờ 50 ngày 12/09/2017, nhận tiếp email từ nhà thơ Phạm Đức Nhì, viết:

“Kính các bác, 
Tôi viết phê bình văn học đâu dám "ăn không nói có" hoặc vu khống. Cái Attachment bác Nguyễn Khôi gởi cho rất nhiều người (trong đó có tôi). Tôi kém về Computer nên gởi lại cái Attachment đó cho các vị NK, Đặng Xuân Xuyến, Phú Đoàn, Lê Vy. Mong các vị đọc và nói mấy lời công đạo.
Phạm Đức Nhì”

Thể theo lời anh Phạm Đức Nhì là “nói mấy lời công đạo”, tôi ngồi gõ: CHỮ TÔI, CHỮ TA VÀ CÁI TÂM LÀNH, vì trong email ngày 03/05/2017đó, nhà thơ Nguyễn Khôi gửi tới 116 email, có cả tôi và anh Phạm Đức Nhì, bài viết CHÂN DUNG NHÀ THƠ VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI, ghi rõ tác giả là Đỗ Hoàng. Hơn nữa, trước khi gửi bài cho người anh Nhì “tin vào kiến thức và khả năng thẩm định văn chương của họ”, có thể trao đổi lại với nhà thơ Nguyễn Khôi nhưng anh Phạm Đức Nhì không làm.

2.
Về sự thật của bài “phản biện” “Cái Tâm Đặt Ở Đâu?” của nhà thơ Phạm Đức Nhì:
Mời quý vị và bạn đọc đọc lại bài: CHỮ TÔI, CHỮ TA VÀ CÁI TÂM LÀNH(http://dangxuanxuyen.blogspot.com/2017/09/chu-toi-chu-ta-va-cai-tam-lanh-tac-gia.html) để biết rõ chân tướng sự việc.

3.
Trong bài CÁI TÂM ĐẶT Ở ĐÂU (*) đề ngày 22/09/2017, nhà thơ Phạm Đức Nhì khẳng định:

“Về Nhà Thơ Nguyễn Khôi
Tôi lầm lẫn (không phải vu cáo hay “gắp lửa bỏ tay người”), đã cải chính và đã xin lỗi nhà thơ Nguyễn Khôi. Cũng xin nói thêm, bài viết Thơ Sẽ Đi Về Đâu? của tôi còn trong tình trạng chờ đợi góp ý của một số người tôi tin vào kiến thức và khả năng thẩm định văn chương của họ. Bài viết cũng chưa hề được đăng tải trên bất cứ trang mạng nào, kể cả Facebook.”

Mời quý vị xem bài Thơ Sẽ Đi Về Đâu? đã đăng ngày 12/09/2017 trên 2 trang, hiện diện đến tận ngày hôm nay 23/09/2017 nhưng cũng không có một lời cải chính:

http://chuvuongmien.blogspot.com/2017/09/tho-se-i-ve-au-pham-uc-nhi-nguyen-uc.html#more
http://thachda.blogspot.com/2017/09/tho-se-i-ve-au-pham-uc-nhi.html

&.&

Thưa quý vị và bạn đọc!
Đến đây, chân tướng sự việc đã rõ nên tôi không làm phiền thêm quý vị và bạn đọc nữa.
Kính chúc quý vị và bạn đọc luôn vui, khỏe, may mắn và thành công!

                                                          Hà Nội, 23 tháng 09 năm 2017
                                                               ĐẶNG XUÂN XUYẾN
…………………………….

MỜI XEM THÊM:

a/
https://phudoanlagi.blogspot.com/2017/09/cai-tam-at-o-au-pham-uc-nhi.html
b/
http://dangxuanxuyen.blogspot.com/2017/09/3-ieu-ve-cai-tam-at-o-au-tac-gia-ang.html

Thứ Sáu, 22 tháng 9, 2017

CÁI TÂM ĐẶT Ở ĐÂU? - Phạm Đức Nhì

Do đã đăng bài viết CHỮ TÔI, CHỮ TA VÀ CÁI TÂM LÀNH của tác giả Đặng Xuân Xuyến, nên tôi đăng luôn bài viết phản biện CÁI TÂM ĐẶT Ở ĐÂU? của tác giả Phạm Đức Nhì cho khách quan


                   
                             Tác giả Phạm Đức Nhì


                   CÁI TÂM ĐẶT Ở ĐÂU?
(Trả lời bài Chữ Tôi, Chữ Ta Và Cái Tâm Lành của Đặng Xuân Xuyến)

Để đỡ mất thì giờ tôi xin đi thẳng vào những điểm chính trong bài Chữ Tôi, Chữ Ta Và Cái Tâm Lành của anh Đặng Xuân Xuyến

Về Bác Nguyễn Bàng

Chuyện va chạm với bác Nguyễn Bàng tôi đã tạm quên. Hôm nay anh Đặng Xuân xuyến khơi lại. Thôi thì nhân tiện cũng xin bày tỏ đôi điều.

Anh Đặng Xuân Xuyến nói đúng. Tôi với bác Nguyễn Bàng có trao đổi mail qua lại và trong lần về Việt Nam, ghé thăm một người bạn của nhà thơ Nguyễn Khôi (người đã chuyển bài viết Thơ Sẽ Đi Về Đâu? của tôi cho ông – bài viết chỉ được gởi cho 5 người để xin ý kiến, chưa phổ biến trên bất cứ trang web nào, kể cả Facebook), nhận lời mời của bác tôi đã đến thăm nhà và dùng cơm trưa.
Thế rồi đọc bài viết có cái tựa rất dài của bác phê phán nặng nề bài Đầu Xuân Thì Thầm Với Nhà Thơ Nguyễn Khôi của Tiến Sĩ Nguyễn Ngọc Kiên.
Ngay ở câu đầu bác NB không đi vào “câu chuyện văn chương” mà đánh thẳng vào cái bằng Tiến Sĩ vô tội của ông ta:
“Tôi không có một mẩu bằng Đại học nào chứ nói gì đến cả cái bằng Tiến sĩ Ngữ văn như ông Nguyễn Ngọc Kiên mặc dầu tôi biết ở xứ mình hiện nay sản xuất tiến sĩ như gà đẻ: Mỗi ngày một ‘tiến sĩ’”.

CHỮ TÔI, CHỮ TA VÀ CÁI TÂM LÀNH - Đặng Xuân Xuyến


Nhận được email về bài viết CHỮ TÔI, CHỮ TA VÀ CÁI TÂM LÀNH từ tác giả Đăng Xuân Xuyến và từ một số email chuyển tiếp của các người khác hơn 10 lượt, tôi nghĩ chuyện này trao đổi trên email cùng nhau là đủ. Nhưng hôm nay tôi lại tiếp tục nhận một lúc hai email của tác giả Đặng Xuân Xuyến gửi qua hai địa chỉ email khác nhau của tôi (Gmail và Yahoo mail) với lời nhắn "mời đọc và tùy sử dụng". Tôi quyết định đăng trên blog cá nhân của tôi, mong anh em văn nghệ trao đổi với nhau trên tinh thần tranh biện văn học hòa nhã và xây dựng.


        


        CHỮ TÔI, CHỮ TA VÀ CÁI TÂM LÀNH

Chiều qua, 12/09/2017, tôi (ĐXX) nhận được email của nhà thơ Nguyễn Khôi gửi, cùng tới 27 địa chỉ email khác, với những bức xúc: “S.O.S. Tố cáo v.v. Xuyên tạc "Chân dung Nhà văn..."
---------
Kính gửi: - Nhà thơ Phạm Đức Nhì (Hoa Kỳ)
                    - Các Bạn thơ...
Sáng nay 12/09/2017. Nguyễn Khôi tôi nhận được thư của anh Lê Vy (1938, bạn Sơn La cũ/ đồng hương "bà xã Nguyễn Khôi" /Hải Phòng) từ thành phố Hồ Chí Minh, toàn văn Tiểu luận "Thơ sẽ đi về đâu?" của Nhà thơ Phạm Đức Nhì... Phần cuối bài có:

“CHÚ THÍCH:
1.Mới đây nhà thơ Nguyễn Khôi đã khắc họa “Chân Dung Nhà Thơ Việt Đương Đại” trong đó ông viết về nhà thơ Đinh Thị Thu Vân - được đánh số thứ tự 71 - như sau:
Đinh Thu Vân tự bị lừa
Thơ gom đem dán chẳng vừa con tem.

Ông đã ngạo mạn và nhẫn tâm đạp cả một đời thơ của Đinh Thị Thu Vân xuống tận bùn đen. Không biết ông dựa vào đâu để đưa ra nhận định ấy. Nhưng dù dựa vào đâu chăng nữa nhận định như thế cũng hơi quá … tự tin.”
Nguyễn Khôi tôi rất bất ngờ là "Chân dung 99 Nhà văn Việt Nam đương đại" mà Nguyễn Khôi đã công bố trên gần 30 trang Web trong và ngoài nước,
(Mời xem: /chan-dung-99-nha-van-viet-nam-uong-ai.html), đã in/ tự xuất bản và gửi tặng trên 300 người trong và ngoài nước... không hề có chân dung Đinh Thị Thu Vân, mà chỉ có:

          *71 - BẢO SINH
          Công tử không "bát phố"
          Về nuôi chó...lừng tên
          Hỗn danh “thơ Sinh chó"
          Lên nóc tủ ngồi Thiền.

Thú thực là với Nguyễn Khôi tôi xưa nay chưa hề biết Đinh Thị Thu Vân là ai  và cũng chưa từng đọc thơ của chị này (vì ở Việt Nam có hàng vạn Nhà thơ...)
Không hiểu vì động cơ gì mà Nhà Thơ Phạm Đức Nhì đã "bịa" ra 2 câu thơ trên về Đinh Thị Thu Vân rồi gán cho Nguyễn Khôi, rồi căn cứ vào đó mà phê phán hạ nhục, vu cáo / đặt điều về Nguyễn Khôi một cách độc ác?” 

Thứ Ba, 19 tháng 9, 2017

CẢM TƯỞNG CỦA THẦY HỒ SĨ CHÂM KHI ĐỌC "ĐOÀN ĐỨC - HOÀI NIỆM THẦY CÔ GIÁO”


                    


       CẢM TƯỞNG CỦA THẦY HỒ SĨ CHÂM KHI ĐỌC
            “ĐOÀN ĐỨC  - HOÀI NIỆM THẦY CÔ GIÁO”

       Tôi viết lên đây không phải chỉ cho cá nhân tôi mà xin phép được đại diện cho quý đồng nghiệp của tôi một thời cùng dạy ở trường Nguyễn Hoàng. Trước hết cảm ơn ngôi trường, cảm ơn tất cả học sinh và em Đoàn Đức đã cho chúng tôi trở lại tìm thấy“những bước chân tưởng đã tan, nhưng vẫn ghi những dấu ấn không thể nào tan được trong quá khứ.” (Nguyễn Lê Văn). Tôi tìm lại được không những bước chân thời đi dạy mà còn những bước chân thuở học trò, và nếu được đọc những lời tâm huyết trong tập sách này sớm, chắc các thầy cô chúng tôi phải giật mình suy nghĩ lại phương pháp đã giảng dạy, nhất là tình cảm thầy trò để biết rằng nghề thầy giáo không phải là một nghề bạc bẽo, chỉ là bến đợi, sân tàu chơ vơ, chờ những chuyến tàu đến và đi như lời thầy Lê Văn Sét trong tập lưu bút cho học trò Nguyễn Thắng “Học trò ví như con tàu, Thầy là bến tàu. Thuyền ghé bến rồi lặng lẽ xuôi đi để lại cho bến kia một nỗi buồn không bao giờ dứt.” Vui lên chứ sao lại buồn được. Nếu biết mỗi con tàu đi qua bến dừng lại một lát nhưng lại mang theo hình ảnh của bến đợi để làm chất liệu sống trong suốt hành trình cuộc đời.  

Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2017

NHỮNG DẠNG THƠ VIỆT NAM ĐẶC BIỆT, PHẦN IV : THƠ HÌNH - La Thụy sưu tầm và biên tập

Sau khi giới thiệu dạng thơ bình thanh, dạng thơ đọc nhiều cách, dạng thơ Việt đệm ngoại ngữ và dạng thơ nói lái đến quý bạn đọc. Hôm nay, chúng tôi mời quý bạn đọc thưởng thức thêm một dạng thơ Việt Nam đặc biệt thứ tư nữa, đó là dạng thơ hình

        
                              La Thụy


     NHỮNG DẠNG THƠ VIỆT NAM ĐẶC BIỆT
                      PHẦN IV : THƠ HÌNH
    
1/ THƠ HÌNH THOI  
  
                               MƯA RÀO

                                     Mưa
                                 Lưa thưa
                               Vài ba giọt…
                             Ai khóc tả tơi ,
                         Giọt lệ tình đau xót?...
                    Nhưng mây mù tịt, gió đưa
                   Cây lá rụng xào xạc giữa trưa.
            Mưa đổ xuống ào ạt, mưa, mưa, mưa !
         Thời gian trôi tan tác theo tiếng mưa cười!
       Không gian dập vùi tan nát theo thác mưa trôi          
   Đàn em thơ nhào ra đường, giỡn hớt chạy dầm mưa 
Cỏ hoa mừng nên vận hội, ngả nghiêng tắm gội say sưa
                 Nhưng ta không vui, không mừng. 
                     Lòng không ca, không hát!
          Ta đưa tay ra trời, xin giòng mưa thấm mát.
          Tưới vết thương, lòng héo hắt tự năm xưa!
          Nhưng, ô kìa! Mưa rụng, chóng tàn chưa!
                  Trời xanh xanh, mây bay tan tác.
                        Ai còn ươm hạt mưa đào,
                         Lóng lánh trong tim hoa
                               Ai ươm mơ sầu
                               Ôi mong manh,
                                   Trong tim
                                        Ta !
   
                               (NGUYỄN VỸ)  


Thứ Năm, 24 tháng 8, 2017

NHỮNG DẠNG THƠ VIỆT NAM ĐẶC BIỆT, PHẦN III : THƠ NÓI LÁI - La Thụy sưu tầm và biên tập

Sau khi giới thiệu dạng thơ bình thanh, dạng thơ đọc nhiều cách và dạng thơ Việt đệm ngoại ngữ đến quý bạn đọc. Hôm nay, chúng tôi mời quý bạn đọc thưởng thức thêm một dạng thơ Việt Nam đặc biệt nữa, đó là dạng thơ nói lái     

         
                              La Thụy

     NHỮNG DẠNG THƠ VIỆT NAM ĐẶC BIỆT - PHẦN III :
                                       THƠ NÓI LÁI

Những nhà thơ chuyên viết dạng thơ nói lái là nữ sĩ Hồ Xuân Hương, nhà thơ Bùi Giáng, nhà thơ Thảo Am Nguyễn Khoa Vi, nhà thơ Võ Quê.

Đọc thơ HỒ XUÂN HƯƠNG, chúng ta thấy bà nói lái thật dí dỏm:

     Thuyền từ cũng muốn về Tây Trúc,
     Trái gió cho nên phải lộn lèo. 
                          (Kiếp Tu Hành)

     Quán sứ sao mà cảnh vắng teo
     Hỏi thăm Sư cụ đáo nơi neo.
     Chày kình, tiểu để suông không đấm,
     Tràng hạt, vải lần đếm lại đeo. 
                           (Chùa Quán Sứ)

     Đang cơn nắng cực chửa mưa hè,
     Rủ chị em ra tát nước khe. 
                             (Tát nước)

     Thú vui quên cả niềm lo cũ
     Kìa cái diều ai nó lộn lèo. 
                        (Quán Khách)  


Chủ Nhật, 20 tháng 8, 2017

NHỮNG DẠNG THƠ VIỆT NAM ĐẶC BIỆT PHẦN II : THƠ ĐỌC NHIỀU CÁCH, THƠ VIỆT ĐỆM NGOẠI NGỮ - La Thụy sưu tầm


                    
                           La Thụy


 NHỮNG DẠNG THƠ VIỆT NAM ĐẶC BIỆT PHẦN II : 
 THƠ ĐỌC NHIỀU CÁCH, THƠ VIỆT ĐỆM NGOẠI NGỮ

 Ngoài DẠNG THƠ BÌNH THANH đã đăng :

  a/ http://www.art2all.net/tho/lathuy/dangthobinhthanh.htm
  b/ http://phudoanlagi.blogspot.com/2011/09/dang-tho-binh-thanh_21.html

Sau đây, mời các bạn đọc một số dạng thơ đặc biệt khác.


   I - THƠ ĐỌC NHIỀU CÁCH 

      1. Đọc theo 2 cách: 
 
       ĐỀ TRANH MỸ NỮ
        (Thuận nghịch độc) 

       Đọc xuôi:  
         
       Hương tiên gác vắng nhặt ca oanh            
       Bận mối sầu khêu gượng khúc tranh                      
       Sương đỉnh trướng gieo từng dục mộng,                            
       Nguyệt bên rèm tỏ dễ si tình.                      
       Vàng thưa thớt cúc tan hơi dạm,                            
       Lục phất phơ sen đọ rạng thanh                          
       Trang điểm ngại chăm dừng trục gấm                              
       Phòng tiêu lạnh lẽo khoá xuân xanh.
                                             
       Đọc ngược (theo âm Hán Việt):
                             
      Thanh xuân toả liễu lãnh tiêu phòng                          
      Cẩm trục đình châm ngại điểm trang.                          
      Thanh rạng độ liên phi phất lục,                            
      Đạm hi tan cúc thát sơ hoàng.                                
      Tình si dị tố liêm biên nguyệt,                            
      Mộng xúc tằng liêu trướng đỉnh sương.                              
      Tranh khúc cưỡng khiêu sầu mỗi bận,                            
      Oanh ca nhật vĩnh các tiên hương                
                                     PHẠM THÁI

      2. Đọc theo 6 cách:

      CỬA SỔ ĐÊM KHUYA

      Hoa cười nguyệt rọi cửa lồng gương
      Lạ cảnh thêm buồn nợ vấn vương
      Tha thiết liễu in hồ gợn bóng
      Hững hờ mai thoáng gió đưa hương
      Xa người nhớ cảnh tình lai láng
      Vắng bạn ngâm thơ rượu bẽ bàng
      Qua lại yến ngàn dâu ủ lá                    
      Hòa đàn sẵn có dế bên tường                        
                        HÀN MẶC TỬ

     Cách đọc 1:   Đọc xuôi
     Cách đọc 2 :  Đọc ngược
     Cách đọc 3 :  Bỏ 2 chữ đầu  ở mỗi câu đọc xuôi
     Cách đọc 4:   Bỏ 2 chữ sau ở mỗi câu đọc xuôi
     Cách đọc 5 :  Bỏ 2 chữ đầu ở mỗi câu đọc ngược
     Cách đọc 6 :  Bỏ 2 chữ sau ở mỗi câu đọc ngược  

Thứ Hai, 14 tháng 8, 2017

NGÀY SINH NHẬT HẠNH – Đức Hạnh cùng thi hữu





    NGÀY SINH NHẬT HẠNH

    Ngày tháng Tám đường trần mộng ước
    Gửi tâm tình Ngựa lướt thời gian
    Ái ân mở cửa Thiên đàng
    Yêu em đã mấy thu vàng hỡi trăng ?

    Sinh Nhật đến vườn hoa nở thắm
    In dòng đời nhớ lắm trăng sao
    Nguyệt thường trải ngọc vẫy chào
    Hỏi thăm và chúc vườn đào nở hoa

    Ngày Thu đến nai vàng có nhựng
    Hỡi Anh yêu ngựa chứng về đâu ?
    Ân đời đã nhuộm mái đầu
    Tứ thơ vẫn nở qua cầu ái ân

    Hoa hạnh phúc tình yêu mãi nở
    Ánh mắt nàng muôn thuở vấn vương
    Ngày tươi thắm chúc Bạn đường
    Hương tình ấp áp cảnh vườn thắm xuân.

                                             Đức Hạnh
                                            10.08.2017

    HỌA


Thứ Sáu, 11 tháng 8, 2017

GIAO MÙA - La Thụy cùng thi hữu




    
    GIAO MÙA

    Heo may xào xạc lá vàng rơi
    Vạt nắng vàng hanh nhuộm góc trời
    Chao cánh đùa mây bầy hải yến
    Nghiêng đầu hé nụ đóa mân côi *
    Niềm đau hạ cũ dường đang cạn
    Nỗi nhớ thu xưa tựa đã vơi
    Cốm nếp đầu mùa hương nhẹ thoảng
    Phím đàn ngân vọng nhạc lòng rơi
                                             La Thuỵ
   * Mân côi (hoặc mai khôi): Hoa hồng 

    HỌA:

   ĐỌC GIAO MÙA NHỚ CỤ ĐỒ YÊN ĐỖ
   Giao mùa vẫy gọi lá thu rơi
   Chạnh nhớ Tam Nguyên ngự cuối trời
   Cần trúc bơ vơ miền quạnh quẽ
   Chiếc thuyền thấp thoáng bến mồ côi
   Vui khi sách bút dăm bồ khẳm
   Xót buổi viên điền nửa gánh vơi
   Nước cũ hồ xưa lưu thế nghiệp
   Nhạc chiều hoài niệm giọt vàng rơi !
                           Trương Đình Đăng
                                11/8/2015

Thứ Bảy, 5 tháng 8, 2017

NHÌN LẠI ĐỜI MÌNH - La Thụy cùng thi hữu





    NHÌN LẠI ĐỜI MÌNH

    Sáu ba sắp tới : chửa phai xuân
    Tàn cuộc chơi rồi mới tỏ phân
    Thơ túi rượu bầu bay bướm mãi
    Cờ bàn sách kệ thảnh thơi dần
    "Trồng người" một thuở đang nhìn quả
    "Gieo hạt" bao năm đã chọn nhân
    Quá nửa đời a! Còn xanh mộng
    "Vô vi" đỡ nhọc đến phàm thân

                                    La Thuỵ

    HỌA:

    CỰC THÂN GIÀ

    Bảy lăm sắp mãn: úa tàn xuân
    Mở ngón lần tay: ấy rõ phân
    Tóc trắng thân gầy đau mỏi mãi
    Da nhăn má hóp rệu long dần
    U mê một thuở đang thành quả
    Uế tục bao thời đã tạo nhân
    Đã hết đời ư ! Tàn cuộc mộng
    Đêm nghe chuyển tiết cực già thân

                               05.8.2017
                        Hương Thềm Mây
                   (GM.Nguyễn Đình Diệm)

PHỞ NƯỚC HÀ THÀNH - Thơ Nguyễn Khôi


    


        PHỞ NƯỚC HÀ THÀNH 
        (Tặng Phú Đoàn và các bạn thơ)

        Đến Hà thành
        chưa ăn "phở nước" (1)
        chưa phải đến Thủ Đô...
        Ngon ơi là ngon
        "Bát phở nóng sớm mùa đông bốc khói"
        Xuýt xoa xơi
        Húp miếng "nước dùng"
        thế mới đã
        mới là Người Hà Nội
        Ngồi chen nhau
        ấm cúng vô cùng...

        Ừ sang Pháp (Quận 13)
        Xơi chậu "phở Hà Nội"
        ngỡ là bơi trên món xáo Bò ?
        Sang Lon don xơi tô "phở Hà Nội"
        có chút như vị "ngọt" Sài Gòn ?
        Ồ, sang Nga xơi "phở Việt cộng"
        đích thị dân Hà Nội chợ Vòm.

       Ôi, phở nước Bò, gà / chín, tái
       Phở Hà thành chính hiệu:
       - Nước "dùng" trong veo, không váng, không ngầu
       sợi bánh mảnh, dai dai, mềm mại
       "Bò tái " ư ?
       "Ngon" thứ thiệt "phở Bồ" (2)

                                    Hà Nội 5/8/2017
                                      Nguyễn Khôi

----
(1) Các loại phở: phở nước, phở xào mềm, phở xào giòn, phở áp chảo...
(2) Tục ngữ mới: cơm vợ/ phở Bồ ...câu này có ý nghĩa rất thú vị : ăn cơm do vợ nấu ngày lại ngày mãi cũng nhàm...còn (ngày trước) : Phở là món ăn quà sáng cao cấp, được ví như đi cặp Bồ (ngoại tình) / ngoài luồng: mà ở trên Đời này thì cái gì vụng trộm mà chả "sướng". chả "ngon" hở các bạn ...?