CẢM TƯỞNG CỦA THẦY HỒ SĨ CHÂM KHI ĐỌC
“ĐOÀN ĐỨC - HOÀI NIỆM THẦY CÔ GIÁO”
“ĐOÀN ĐỨC - HOÀI NIỆM THẦY CÔ GIÁO”
Tôi viết lên đây không phải chỉ cho cá
nhân tôi mà xin phép được đại diện cho quý đồng nghiệp của tôi một thời cùng
dạy ở trường Nguyễn Hoàng. Trước hết cảm ơn ngôi trường, cảm ơn tất cả học
sinh và em Đoàn Đức đã cho chúng tôi trở lại tìm thấy“những bước chân tưởng đã tan,
nhưng vẫn ghi những dấu ấn không thể nào tan được trong quá khứ.” (Nguyễn Lê Văn). Tôi tìm lại được
không những bước chân thời đi dạy mà còn những bước chân thuở học trò, và nếu
được đọc những lời tâm huyết trong tập sách này sớm, chắc các thầy cô chúng tôi
phải giật mình suy nghĩ lại phương pháp đã giảng dạy, nhất là tình cảm thầy trò
để biết rằng nghề thầy giáo không phải là một nghề bạc bẽo, chỉ là bến đợi, sân
tàu chơ vơ, chờ những chuyến tàu đến và đi như lời thầy Lê Văn Sét trong tập
lưu bút cho học trò Nguyễn Thắng “Học
trò ví như con tàu, Thầy là bến tàu. Thuyền ghé bến rồi lặng lẽ xuôi đi để lại
cho bến kia một nỗi buồn không bao giờ dứt.” Vui lên chứ sao lại buồn được. Nếu
biết mỗi con tàu đi qua bến dừng lại một lát nhưng lại mang theo hình ảnh của
bến đợi để làm chất liệu sống trong suốt hành trình cuộc đời.
Tôi thưởng thức không chỉ bài viết hoài niệm thầy cô giáo mà ngay
cả Lời Giới Thiệu, đến Lời Bạt và cả phần Hậu Ký. Đây là một bản hợp xướng
Nguyễn Hoàng, mà phần hoài niệm là cung bậc chính (key note) trong dàn đồng ca
của những người có chung một tâm tình, một tấm lòng tưởng nhớ đến ngôi trường
nay không còn nữa ở vùng đất nắng gió Quảng Trị. Các em đã làm tôi thổn thức
nhớ tới thời gian dạy ở trường Nguyễn Hoàng, nhớ đến thời học sinh đi học ở
trường Khải Định, trường Quốc Học Huế và đi du học tại Hoa Kỳ.
Làm sao quên được cô
Nguyễn Thị Nhã cùng học lớp
đệ Nhất C2 (lớp 12C) tại trường Quốc Học. Cô ngồi một trong hai bàn đầu dành
cho nữ sinh. Thuở ấy không biết có phải vì ảnh hưởng “nam nữ thụ thụ bất thân” không mà bọn con trai chúng tôi ngại giao
tiếp với nữ sinh,“chỉ biết mặt mà không
biết lời”. Qua bài viết của Đức, tôi nghĩ cô Nhã nhờ được học với các giáo
sư đại học của Viện Đại Học Huế mới thành lập lúc bấy giờ, nên có kiến thức
chuyên môn đầy đủ, sâu rộng và mới lạ như thế để truyền thụ cho các em học sinh
một cách hấp dẫn, chính xác và sinh động bằng phương pháp riêng của mình. Tôi
còn nhớ những năm đệ Tứ (lớp 9) và đệ Tam (lớp 10), chúng tôi không học được
bao nhiêu về văn chương Việt Nam. Thầy dạy lớp chúng tôi kiến thức giới hạn,
sách dạy hiếm hoi… Lên đệ Tam, thầy dạy Văn là một ông chủ garage sửa xe hơi,
vì vậy chúng tôi chẳng tiếp thu được kiến thức sâu sắc và thú vị như các em
được. Tuy dạy cùng trường Nguyễn Hoàng, nhưng ít khi gặp gỡ cô Nhã vì tôi dạy
buổi sáng còn cô dạy buổi chiều. Nay cô không còn nữa, tôi xin đốt một nén tâm
hương nghiêng mình cầu mong cô được về miền an lạc, và tin chắc rằng cô xứng
đáng được đón nhận về nơi đó vì cô đã“cầm chính đạo để tịch tà cự bí” để hình
thành cho các em một con đường trung dung của kẻ sĩ có nhân cách, tìm đến“minh minh đức” và“chỉ ư chí thiện” qua các tác phẩm của Nguyễn Du, Nguyễn Công
Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh, Trần Tế Xương… trong chương
trình học.
Anh Trần Thương Bá là một người tài hoa mệnh bạc. Tôi biết anh là một giáo sư tốt
nghiệp Đại học Văn khoa, giỏi tiếng Pháp, nhưng hiếm khi có dịp nói chuyện vì
anh ít khi vào phòng giáo sư mà chỉ đến trường đúng giờ vào lớp để dạy. Sau
gần một năm dạy ở Nguyễn Hoàng, anh bị gọi nhập ngũ. Nay đọc bài viết khá dài
của Đoàn Đức về anh, tôi mới biết anh dạy văn chương hấp dẫn, lôi cuốn học sinh
và có nhiều học sinh xem như “tri âm, tri kỷ” qua thầy trò thậ là đồng điệu.
Tôi tiếc ngày xưa không được đàm đạo văn chương triết học với anh. Bài viết về
anh rất cảm động, đặc biệt về cuộc đời thăng trầm, về đời sống khó khăn trong
buổi giao thời và hoàn cảnh gia đình anh cho đến lúc qua đời. Rất tiếc anh ra
đi quá sớm, để lại nỗi đau buồn thương tiếc cho con gái, người thân và những
học sinh thân yêu cũng như bạn bè xa gần. Tôi thấy vui mừng vì các em may mắn
được học với những thầy cô giáo dạy văn chương có tâm hồn và khả năng như các
thầy cô của Đức.
Tôi nhớ một cô giáo duyên dáng, có tài năng và phương pháp hấp
dẫn học sinh học tập và yêu mến tiếng Pháp: Cô
Nguyễn Thị Thanh. Cô ra dạy ở trường Nguyễn Hoàng sau tôi một năm. Lúc đó
tôi chỉ biết cô là người Quảng Trị, bà con với anh Nguyễn Thiện, cũng là giáo
sư Pháp văn tốt nghiệp Đại học Sư phạm. Mặc dù cô dạy cùng giờ, cùng một lớp
Tam C, Nhị C (lớp 10C và 11C) mà chẳng gặp được vì tôi dạy Anh văn sinh ngữ I
còn cô thì dạy Pháp văn sinh ngữ II và ngược lại, nên học sinh phải chia hai để
học với hai thầy cô. Tuy chưa bao giờ quen biết trước đây nhưng tôi thấy cô rất
sympathique.
Qua bài viết, cô dạy Pháp văn rất rõ ràng chính xác, hấp dẫn và tạo
phương pháp đưa các em tiếp cận với văn chương Pháp, với nhà văn Pháp nổi
tiếng. Có điều những bài cô dạy cho học sinh lớp Nhị C sinh ngữ II tôi thấy
trình độ khá cao. Tôi nhớ ngày xưa lúc học lớp 9 ở trường Khải Định dù môn
Pháp văn sinh ngữ I, giáo sư cũng không bao giờ cho học các bài như La Rentrée des Classes hay Pensées d’Automne. Tôi phải tự tìm kiếm
để học một mình vì vậy đến bây giờ, sau 60 năm, tôi còn có thể đọc trầm (thuộc
lòng) các bài này một cách trôi chảy. Phải lên lớp 11, 12 tôi mới có thể đọc
các tác phẩm như Graziella, La Symphonie
Pastorale… vì môn Pháp văn là sinh ngữ I, mỗi tuần 8 giờ, trong khi các em
học sinh ngữ II mỗi tuần 6 giờ mà cô đã khuyến khích đọc các tác phẩm trên dù
bằng cách nào đi chăng nữa thì quả là giỏi, thật đáng phục. Thời gian trôi qua,
cô vắng bóng ở trường Nguyễn Hoàng, không biết đổi về dạy ở đâu.
Sau những năm 2000 gặp lại cô ở các buổi hội ngộ cựu HS Nguyễn
Hoàng, tôi muốn hỏi thăm chuyện nhưng cô bận hàn huyên với các cô khác nên đành
thôi.
Riêng anh Lê Mậu Tâm, là người cùng Huyện Triệu Phong, Quảng Trị
với tôi, cùng học lớp đệ Tam, đệ Nhị C tại trường Quốc Học Huế, chỉ khi lên lớp
đệ Nhất C thì anh chuyển đi trường khác. Mãi đến khi tôi về dạy tại trường
Nguyễn Hoàng được ba năm thì anh được đổi về dạy môn Triết cho tất cả các lớp
đệ Nhất (lớp 12) ở đây. Tôi với anh có vài duyên nợ. Tôi trước có kèm Anh văn
cho con trai của anh; sau đó năm 1972 tôi vào tạm cư tại Nha Trang anh lại
giúp lãnh lương và gửi vào cho tôi. Thời gian đi kinh tế mới ở Lâm Đồng, anh
có xuống Nha Trang thăm tôi, lúc đó sức khỏe anh vẫn tốt. Trong lòng tôi thường
nghĩ về anh, tiếc là chưa có cơ hội để lên Lâm Đồng thăm mộ phần của anh.
Anh Lê Mậu Tâm là người mà Đoàn Đức trông đợi để được
truyền đạt kiến thức triết học. Có anh, trường Nguyễn Hoàng mới mở lớp đệ Nhất
C. Anh là người chân chất, thật thà nên lối truyền đạt của anh không văn hoa,
bay bướm như các giáo sư vừa dạy Văn vừa dạy Triết. Anh như các thiền sư, trực
chỉ vào vấn đề để người học hiểu rõ ý nghĩa chân thực của các triết gia, phân
biệt đâu là căn nguyên của tư tưởng như Đoàn Đức đã nhận xét và tâm đắc. Cuộc
đời thật biến ảo, nào ai biết ngày sau. Một giáo sư triết học làm sao mà đương
đầu với cuộc đổi đời dâu bể can qua. Người cầm bút khó có thể cầm cuốc một cách
thành thạo được dù “gặp thời thế, thế thời phải thế”. Âu cũng là số mệnh! Một
người am hiểu triết học sâu sắc mà cuối cùng cũng chỉ để mà suy nghĩ về cái
tính cách phi lý của cuộc đời và thân phận xót xa của mình, nên đành “ngày ngày
lặng lẽ vác cuốc ra nương rẫy rồi cuối cùng lặng lẽ ra đi”, chẳng ai hiểu và
cảm thông với mình. Nay chỉ còn nấm cỏ khâu xanh rì. Sao bỗng thay lòng nghẹn
ngào và mắt nhòa lệ :
Ôi ! Bé bỏng một tấm thân người.
Một chiếc
thuyền nan bồng bềnh giữa hai bờ sống chết.
Có nỗi thương
của Jêsu, có nước mắt của Phật.
Và trên tay áo
này,
Trên tay áo này
Những giọt đau!
Những giọt đau!
Của mẹ, của êm
của những bọt bèo số phận.
….
Trên một bến bờ
vực thẳm.
Đời sao có
những say đắm
Trong cõi lạnh
hư vô?
Lưu Trọng Lư
(Đường ta đi thế
đấy bạn lòng ơi!)
Với thầy Trương Ngọc Hội, cái hay của thầy là để lại cho các em một vài cảm xúc đơn sơ về thi ca Anh; cũng như về văn xuôi của Mark Twain trong The Adventures of Tom Sawyer (Những Cuộc Phiêu Lưu của Tom Sawyer) hay của O. Henry trong The Last Leaf (Chiếc Lá Cuối Cùng), và The Gift of the Magi (Món Quà Của Các Đạo Sĩ) đã nói lên tính nhân bản trong tiểu thuyết và truyện ngắn của Mỹ.
Riêng về tôi, như đã trao đổi với Đức khi em gởi bản thảo cho tôi đọc
trước khi in. Tôi có điều chỉnh cho rõ ràng lời giảng của mình lúc phê bình câu
tục ngữ “Out of Sight, Out of
Mind” và tôi có hỏi Đức là “Are you sincere?” (Có trung thực không?) khi nhận xét
bài giảng môn tiếng Anh của tôi minh họa cho môn Triết của thầy Tâm; và không
quên cảm ơn Nguyễn Lê Văn đã nối kết thầy
Gary Carkin vào với tôi trong khi cùng dạy tiếng Anh lớp đệ Nhất C, đó là
một sự phối hợp tình cờ không hẹn trước.
Bài viết của Đức
khi mail ra Nha Trang cho tôi hiệu đính, con gái tôi lại thừa dịp mail cho chị
gái ở Mỹ, rồi biết được bài viết chưa đăng ở báo nào, cháu liền đăng trên báo
của cộng đồng người Việt ở đó. Những độc giả và bạn của con tôi trầm trồ khen
ngợi, sau 50 năm mà học trò còn nhớ những lời thầy giảng, lại bày tỏ tình cảm
với lòng tri ân sâu sắc với thầy cô như thế thật là hiếm hoi, và như thế,
những thầy cô trường Nguyễn Hoàng đã dạy như thế nào mới để lại dấu ấn sâu đậm
trong tâm hồn của học trò.
Tôi rất thích Robert
Frost, người được xem là nhà thơ Mỹ vĩ đại nhất của thế kỷ 20, được mời đọc
thơ trong lễ nhậm chức của Tổng Thống Kennedy năm 1961, khi Robert Frost 86 tuổi, chứng tỏ rằng một nước Mỹ dù độc
lập hàng trăm năm, mãi đến lúc đó mới coi trọng giá trị của thi ca ngang bằng
với thương mãi và kỹ nghệ. Tôi cũng không ngờ những gì tôi giảng về Frost vẫn
còn lưu lại trong ký ức của Đức. Điều này minh chứng rằng một hành động đã làm
không bao giờ mất cả, như Longfellow trong bài thơ “The Arrow and the Song” khi bắn mũi tên hay hát một bài ca
trong không gian, tưởng đã mất nhưng vẫn còn :
THE ARROW AND THE SONG
…
Long, long
afterward, in an oak
I found the
arrow, still unbroke;
And the song,
from beginning to end,
I found again
in the heart of a friend.
Longfellow
TÁI NGỘ
…
Mãi về sau mũi
tên bay ngoài nội,
Vẫn vẹn nguyên
trong một gốc sên già.
Và vẹn nguyên
cả âm điệu lời ca,
Lại tìm thấy
trong tim người bạn ngọc.
Hải Minh dịch
Cảm ơn các em đã vinh danh thầy cô cũ, dù rằng Đức khẳng định đó là những sự kiện chân thật chứ không phải hư cấu “không bột sao gột nên hồ”. Phải chăng vì thế mà cô Nhã đã nhận định bài viết của Đức là sâm Cao ly cho các thầy cô còn sống, là nén hương lòng đối với thầy cô đã qua đời…
Tôi không coi đây là tập hoài niệm tường thuật bằng trí nhớ về các
bài giảng của thầy cô ngày xưa mà là một tác phẩm, vì tác giả đã đem tâm tình
làm sống lại tình thầy trò, bạn bè và sự học tập giảng dạy dưới mái trường
Nguyễn Hoàng xưa, đã để lại chút gì trong lòng không chỉ một mà nhiều thế hệ
học sinh Quảng Trị.
Sau khi đọc tác
phẩm, gấp sách lại, tôi như nghe được một tiếng vang, tiếng vang của một viên
đá cuội rơi vào mặt nước giếng tĩnh lặng của lòng mình. Tôi tin chắc các thầy
cô giáo cũ cũng như những thầy cô giáo và học sinh ngày nay sẽ cùng chung cảm
nhận nếu có cơ hội đọc tập sách nhỏ bé này.
… Tôi chợt thấy
lòng rộn lên và mỉm cười khi có một người học trò như thế!
Nha Trang, ngày 27 tháng 08 năm 2017
Hồ Sĩ Châm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét