BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 22 tháng 9, 2017

CÁI TÂM ĐẶT Ở ĐÂU? - Phạm Đức Nhì

Do đã đăng bài viết CHỮ TÔI, CHỮ TA VÀ CÁI TÂM LÀNH của tác giả Đặng Xuân Xuyến, nên tôi đăng luôn bài viết phản biện CÁI TÂM ĐẶT Ở ĐÂU? của tác giả Phạm Đức Nhì cho khách quan


                   
                             Tác giả Phạm Đức Nhì


                   CÁI TÂM ĐẶT Ở ĐÂU?
(Trả lời bài Chữ Tôi, Chữ Ta Và Cái Tâm Lành của Đặng Xuân Xuyến)

Để đỡ mất thì giờ tôi xin đi thẳng vào những điểm chính trong bài Chữ Tôi, Chữ Ta Và Cái Tâm Lành của anh Đặng Xuân Xuyến

Về Bác Nguyễn Bàng

Chuyện va chạm với bác Nguyễn Bàng tôi đã tạm quên. Hôm nay anh Đặng Xuân xuyến khơi lại. Thôi thì nhân tiện cũng xin bày tỏ đôi điều.

Anh Đặng Xuân Xuyến nói đúng. Tôi với bác Nguyễn Bàng có trao đổi mail qua lại và trong lần về Việt Nam, ghé thăm một người bạn của nhà thơ Nguyễn Khôi (người đã chuyển bài viết Thơ Sẽ Đi Về Đâu? của tôi cho ông – bài viết chỉ được gởi cho 5 người để xin ý kiến, chưa phổ biến trên bất cứ trang web nào, kể cả Facebook), nhận lời mời của bác tôi đã đến thăm nhà và dùng cơm trưa.
Thế rồi đọc bài viết có cái tựa rất dài của bác phê phán nặng nề bài Đầu Xuân Thì Thầm Với Nhà Thơ Nguyễn Khôi của Tiến Sĩ Nguyễn Ngọc Kiên.
Ngay ở câu đầu bác NB không đi vào “câu chuyện văn chương” mà đánh thẳng vào cái bằng Tiến Sĩ vô tội của ông ta:
“Tôi không có một mẩu bằng Đại học nào chứ nói gì đến cả cái bằng Tiến sĩ Ngữ văn như ông Nguyễn Ngọc Kiên mặc dầu tôi biết ở xứ mình hiện nay sản xuất tiến sĩ như gà đẻ: Mỗi ngày một ‘tiến sĩ’”.


Ô hay! Bác Nguyễn Bàng “không có một mẩu bằng Đại Học nào” đâu phải lỗi của ông NNK mà bác lại đem cơn giận của mình trút lên cái bằng Tiến Sĩ của ông ta!!

Tôi tra cứu vài chỗ thì được biết ngay ở Việt Nam những tác giả ký tên kèm học vị dưới bài viết của mình không phải là ít. Xin đơn cử trường hợp:
Dưới bài viết Về Cây Hoa Sen Trong Bài Ca Dao Tát Nước Đầu Đình tác giả đã ký tên:

TS Văn học Trịnh Thu Tuyết (Nguyên GV Ngữ Văn-Trường THPT chuyên Chu Văn An-Hà Nội)

https://nghiemluongthanh.wordpress.com/2016/06/19/ve-cay-hoa-sen-trong-bai-ca-dao-tat-nuoc-dau-dinh/

{Ngoài ra tôi còn kèm mấy cái links ở phần chú thích để bạn đọc thấy việc ký tên kèm học vị là khá phổ biến chứ không phải như “đi vào vùng cấm”) (1 và 2)

Chỉ bàn vể cây hoa sen trong một bài ca dao mà tác giả còn ký tên kèm học vị Tiến Sĩ Văn Học của mình, chẳng lẽ một bài nặng tính văn chương như Đầu Xuân Thì Thầm Với Nhà Thơ Nguyễn Khôi ông Nguyễn Ngọc Kiên lại không có quyền làm như thế? Mà bằng Tiến sĩ của ông là thật chứ có phải giả đâu? Tại sao vì mình không có bằng lại đi “xách mé” bằng cấp của người khác?

Đây là cách hành xử thô bạo trong đối thoại văn chương - trong bóng đá là “bỏ bóng đá người” (mà đá rất ác), còn trong quyền anh thì là “đánh dưới thắt lưng” hay nói thẳng ra là “đánh vào hạ bộ” đối phương. Thấy một kẻ chơi xấu như thế - dù là người lớn tuổi, quen biết - chẳng lẽ vì cả nể mà làm ngơ?
Sau đó bác Nguyễn Bàng cũng đi vào luận bàn văn chương. Bác viết lan man rất dài, chỉ có một điểm đi vào giá trị văn chương của bài viết (bàn về từ “ma mị”) thì, theo tôi, bác lại đánh … sai. Trong bài Trao Đổi Với Châu Thạch đăng trên trang Bâng Khuâng của La Thụy tôi đã bàn về điểm này và kết luận:

“Khi viết câu ‘nó có sức ma mị’ (ông Lê Mai viết, ông NNK trích dẫn) cả hai ông đều nghĩ là đang trao tặng nhà thơ Nguyễn Khôi một bó hồng tươi thắm, nhưng qua sự phân tích của anh Châu Thạch và bác Nguyễn Bàng, bó hoa hồng đã biến thành một rổ cà chua trứng thối.”
Và ở phần cuối bài bác Nguyễn Bàng kết luận:
“Không biết ông Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Kiên có được mời vào ban tuyển chọn thơ thả vào trời xanh năm nay không?
Nếu được chọn, xin ông hãy nhớ cho, ông còn trẻ hơn nhà thơ Nguyễn Khôi rất nhiều và ông đã là Tiến sĩ Ngữ Văn chắc ông thừa biết câu “Hãy kính trọng người già khi bạn còn trẻ”. Nếu còn thì thầm với nhà thơ lão thành Nguyễn Khôi, xin ông Nên hãy (thì) thầm (3) những lời đúng và đẹp như hoa Xuân thì hay hơn, ông Tiến sĩ Ngữ Văn à!”

Ô hay! Sao lại thế nhỉ? Chắc bác Nguyễn Bàng cho rằng hễ cao tuổi, hễ “già” là viết cái gì cũng đúng, cũng hay hay sao? Bài phê bình văn học của người ta mà bảo (vì ông còn trẻ)“Nên hãy thì thầm những lời đúng và đẹp như hoa xuân” thì còn gì là phê bình nữa. “Hãy kính trọng người già khi bạn còn trẻ” chỉ nên thể hiện ở cách xưng hô và thái độ tôn kính cho phải phép chứ đi vào tranh luận văn chương thì xin các bậc lão thành hãy “mở cổng” để đám trẻ không phải kiêng ngại, e dè mà có thể mạnh dạn “chẻ sợi tóc làm tư”, cãi “đến đầu đến đũa” chứ. Đem tuổi tác của đối phương ra để “dằn mặt” thì còn gì là lẽ công bằng. Mà khi thiếu công bằng thì chuyện đúng sai, phải trái cũng nhập nhằng, làm sao tiếp cận được cái đẹp của văn chương?

Trong bài viết của mình bác Nguyễn Bàng đã chơi xấu, “bỏ bóng đá người”, “đánh vào hạ bộ” đối phương đến hai lần. Tôi vì lẽ phải, vì văn chương mà lên tiếng. Và đã không quanh co, không cả nể, gọi đúng tên cái chiêu chơi xấu của bác Nguyễn Bàng. Lúc tranh luận tôi đã gọi như vậy, và bây giờ trả lời anh Đặng Xuân Xuyến tôi vẫn gọi như vậy.

Một Cách Kính Trọng Người Cao Tuổi

Tôi cũng đọc thư của anh Đặng Xuân Xuyến trả lời nhà thơ Nguyễn Khôi về nỗi “lấn cấn” khi phải giữ lại bài của ông NNK mà không đăng ngay. Nhà thơ - là đối tượng của bài phê bình - đã tâm sự:

“Anh Xuyến nói về bài của Nguyễn Ngọc Kiên “thấy nhiều lấn cấn”…? Nguyễn Khôi cũng đã đọc thấy cũng bình thường, xin tâm sự đôi điều: Thơ là tiếng lòng, tiếng con tim… nó thể hiện những gì chắt lọc nhất những gì Thi nhân đã nghĩ và cảm … Khi nhà thơ có bài trình làng, sẽ được mọi người đọc, thích hay không thích là do sự cảm nhận của mọi người khác nhau.”

Và anh Đặng Xuân Xuyến đã trả lời:

Thưa chú Nguyễn Khôi, các chú và các anh,
Sự lấn cấn mà cháu gởi thư riêng tới chú Nguyễn Khôi không phải vì sự khen – chê của tác giả Nguyễn Ngọc Kiên với thơ Nguyễn Khôi mà ngại cách đặt vấn đề của tác giả có thể làm nhà thơ cao tuổi phiền lòng. Giờ đã được chú Nguyễn Khôi trả lời, cháu sẽ đưa bài của tác giả Nguyễn Ngọc Kiên thời gian tới (vì cháu đang nghỉ tết, muốn xả hơi thêm vài ngày nữa).

Anh Đặng Xuân Xuyến ơi! Thái độ tôn kính các bậc trưởng thượng của anh thật đáng nể phục. “Ngại cách đặt vấn đề của tác giả có thể làm nhà thơ cao tuổi phiền lòng” anh đã đem nội dung bài phê bình “trao đổi” với đối tượng của bài phê bình và chờ khi nhận được cái gật đầu cho phép mới quyết định “sẽ đưa bài của tác giả Nguyễn Ngọc Kiên thời gian tới” thì còn gì tính công minh, trung thực của người chủ một trang web văn học nữa.

Đọc đoạn bác Nguyễn Bàng dùng tuổi già của nhà thơ Nguyễn Khôi “răn đe” ông Tiến Sĩ trẻ Nguyễn Ngọc Kiên rồi lại thấy sự kính trọng quá đặc biệt của anh ĐXX đối với nhà thơ lão thành tôi thấy không khí phê bình văn học ở đây ảm đạm quá.

Về anh Châu Thạch

Cho đến giờ phút này tình cảm của tôi dành cho anh Châu Thạch vẫn còn đó. Giữa anh và tôi có khác biệt khá lớn trong cách nhìn nhận và phê bình thơ ca nhưng đã có thể bước song hành một thời gian khá dài. Vừa qua trên FB anh đã đưa ra một lời bình luận “xổi” (nói suông, không chứng minh) về bài viết Show, Not Tell Trong Thơ của tôi, đại ý “Thơ Việt Nam là thơ Khăn Đóng Áo Dài mà cứ lấy áo Vest trùm lên thì kỳ quá. Lại còn đụng đến cả cụ Nguyễn Du nữa!” Chỉ bằng một câu rất hiểm anh đã đâm một nhát dao chí tử vào toàn bộ lập luận của tôi trong bài viết.

Để bảo vệ quan điểm và uy tín của mình tôi phải viết bài phản biện. Và để tranh thắng, tôi đã nhắm vào một số điểm yếu của anh (mà từ trước đến nay vẫn lờ đi). Tuy nhiên, lời lẽ và văn phong vẫn tôn trọng chủ thể đối luận và giữ đúng phép lịch sự của một bài tranh luận văn chương. Sau chuyện này, nếu anh Châu Thạch hiểu và thông cảm, tôi cũng chẳng có gì vướng mắc với anh.

Đạo Quân Trong Bóng Tối

Khi anh Phú Đoàn (VNQT) lên tiếng yêu cầu mọi người kết thúc cuộc tranh cãi đã đi quá xa - nhiều “ý kiến” chẳng nói gì đến đề tài đang tranh luận (bài viết Đầu Xuân Thì Thầm Với Nhà Thơ Nguyễn Khôi) mà nhắm thẳng vào “chủ thể đối luận” mà xỉ vả - mọi người đều tự động “ngừng bắn”. Nhưng có một người còn ra thêm một chiêu cuối cùng bằng bài Ghi Chép Từ Cuộc “Tranh Luận Đầu Xuân” (Đặng Xuân Xuyến) trong đó Tổng Hợp đầy đủ ý kiến của mọi người tham gia tranh luận.
 Tôi thấy có một số phát biểu chưa xuất hiện trên sân khấu tranh luận mà chỉ là trao đổi riêng ở bóng tối hậu trường. Tôi chỉ nhắc đến vài người trực tiếp chỉ trích cá nhân tôi. Đó là: Soạn giả Hương Mai, Soạn giả Nguyễn Xuân, nhà thơ Nguyễn Đăng Hành. Thật tình mà nói, đây là những nhận xét “xổi” rất riêng tư với anh ĐXX về tôi. Chuyện ấy vẫn thường xảy ra bên lề các cuộc tranh luận. Những nhận xét ấy vì chỉ là lời nói suông, không chứng minh nên không có giá trị tranh luận và những người đưa ra nhận xét “xổi” ấy chẳng có gì sai trái hết.

Nhưng khi đã im tiếng súng thì anh ĐXX lại nắm tay họ lôi ra chiến trường và nhận xét của họ, lẽ ra rất bình thường và vô tội, bỗng trở thành những viên đạn ác độc được anh ĐXX lắp vào súng của anh, nhắm thẳng vào ngực tôi mà … bắn. Các vị ấy đã bị anh ĐXX biến thành những con rối, tuy vô tình nhưng đã nhúng tay vào việc gây tổn hại cho tôi - một kẻ buông súng khi trận chiến đã tàn. Dĩ nhiên, trong chiêu này anh ĐXX là kẻ chơi xấu, bắn lén nhưng các vị ấy, đối sự tổn hại của tôi, cũng không phải là những người vô can.
Viết đến đây xin được ca anh Phú Đoàn một câu. Với cương vị một chủ trang web, anh đã điều hợp cuộc tranh luận khá hợp lý, khéo léo và công bằng.

Chuyện Ông Thầy Và Lời Bình Bài Thơ Ngọn Cỏ

Tôi rất tin lời anh Đặng Xuân Xuyến về chuyện này. Trước hết, ông là vị thầy trong ngành văn - nhận định của ông có bề dày của kiến thức hỗ trợ. Hơn nữa còn có một bài bình khác (của Inrasara) để ông so sánh, hay dở ông có thể phân biệt (dù chỉ là ý kiến cá nhân nhưng đáng tin cậy). Nhưng đem câu chuyện của vị thầy ấy vào trong bài của anh là trái luật tranh biện. Vì hai lý do sau đây:

     1/ Đây là trao đổi riêng giữa vị thầy và anh Đặng Xuân Xuyến, chưa được phổ biến công khai để có thể trích dẫn làm bằng chứng.

     2/ Đưa chuyện này vào bài của anh là không công bằng vì đã “cướp quyền phản biện” của người bị phê phán. Tôi không thể tranh cãi với anh vì anh chỉ là người chuyển tiếp. Tôi cũng không thể tranh cãi với vị thầy của anh vì ông thuộc đội quân trong bóng tối, vừa không mặt lại vừa không tên.

Chính vì thế, luật tranh luận thơ ca không cho phép dùng đội quân trong bóng tối (còn gọi là đội quân ma) để “đánh” người đối luận với mình. Vị thầy của anh mà biết được anh đưa ông vào trận chiến này ông ấy sẽ rất buồn đó.

Hình Như Có Cái Nhìn Thiên Vị

Chỗ tôi ở, một số các cháu học đại học khi viết những bài luận văn nặng tính tra cứu (Research Paper, không phải Essay) thường nhờ tôi đọc trước khi nộp cho giảng sư (Professors). Những cách ví von kiểu “đánh dưới thắt lưng” hoặc nặng hơn nữa vẫn thường đựợc sử dụng miễn là “đúng người”, “đúng sự việc”. Bác Nguyễn Bàng không bàn nội dung bài viết mà “đánh” thẳng vào nhân thân tác giả (bằng cấp, tuổi tác). Đó là kiểu “bỏ bóng đá người” thường bị chê trách rất nặng, thậm chí coi khinh. Với bác Nguyễn Bàng, tôi đã sử dụng cách ví von của mình “đúng người”, “đúng việc” và vẫn nằm trong phạm vi cho phép của văn chương.
Trong khi đó, bác Nguyễn Bàng vì quá nóng – bác dùng gam màu nóng (chữ của nhà báo Trần Tiến) – đã phóng ra một câu rất không hợp với khung cảnh tranh luận văn học khiến anh Phú Đoàn đã phải giơ tay lên “thấy sự việc đi xa việc tranh biện văn học” nên yêu cầu dừng lại.

Rồi còn đoạn kết thư của cô Dương Đình Ninh – cũng đi quá xa – nhưng vẫn được cho qua. Hình như mọi ngưòi trong diễn đàn - thấm cái nét đẹp văn hóa trọng người cao tuổi hơi kỹ - đã dồn hết nỗ lực để bênh vực bác Nguyễn Bàng mà quên sự công bằng trong tranh luận thơ ca. (Cũng cần nói thêm cho chính xác là nhà thơ Nguyễn Đăng Hành có bày tỏ sự không tán đồng cách viết của bác Nguyễn Bàng bằng câu “bài này tôi thấy chưa ổn” nhưng chỉ nói riêng với anh ĐXX ở bóng tối hậu trường).

Chọn Cách Bình Thơ
Nếu chọn kiểu bình thơ “chỉ khen, không chê” thì quả là “an toàn trên xa lộ”. Chọn bài thơ của bạn, người quen, trong đó “bắt ra” vài câu hay rồi nương theo tứ mà tán cho thật khéo, chỗ dở cứ ngoảnh mặt làm ngơ, thì sẽ chẳng sợ mất lòng – có khi còn được uống cà phê, bia bọt đều đều nữa. Hoặc là “Tôi bình bác một bài, bác bình lại một bài. Thế là công bằng và cả hai ta cùng “nổi”.

Tôi không bình thơ theo yêu cầu nên nhiều khi cũng làm phật lòng một số người. Tôi cũng không chơi kiểu bình thơ “an toàn trên xa lộ” nên thỉnh thoảng, chỗ này, chỗ kia, cũng nghe được mấy lời bình “xổi” (nói suông, không dẫn chứng). Lý do: Không nhìn về cùng một hướng hoặc người này chưa bắt kịp tầm nhìn của người kia. Tôi rất mong gặp những bài phản biện có tính văn học, chỉ ra những chỗ khen sai, chê sai, lập luận không hợp lý để trao đổi học hỏi, chứ chỉ phán suông kiểu “cỡi ngựa xem hoa” thì chán lắm.

Về Nhà Thơ Nguyễn Khôi

Tôi lầm lẫn (không phải vu cáo hay “gắp lửa bỏ tay người”), đã cải chính và đã xin lỗi nhà thơ Nguyễn Khôi. Cũng xin nói thêm, bài viết Thơ Sẽ Đi Về Đâu? của tôi còn trong tình trạng chờ đợi góp ý của một số người tôi tin vào kiến thức và khả năng thẩm định văn chương của họ. Bài viết cũng chưa hề được đăng tải trên bất cứ trang mạng nào, kể cả Facebook.

Kết Luận
       
Trong bài “Chữ Tôi, Chữ Ta Và Cái Tâm Lành” anh Đặng Xuân Xuyến viết một câu rất có tình:
Và tôi chợt nhớ tới những “va chạm” từ nhà thơ Phạm Đức Nhì với hai tác giả được bạn đọc trân quý: Nguyễn Bàng – Châu Thạch mà thấy se lòng về cái tâm, cái tình của người cầm bút.

Vâng! Tôi đồng ý với anh Đặng Xuân Xuyến - bước vào chốn văn chương cần có cái tâm. Có điều cầm bút, ngay cả lúc viết những bài tưởng như “phi văn học” như thế này, tôi cũng đặt tâm của mình vào Cái Đẹp Của Văn Chương, còn anh Đặng Xuân Xuyến – khôn ngoan và khéo léo hơn - đặt tâm của anh vào những chỗ khác.

Phạm Đức Nhì
nhidpham@gmail.com
phamnhibinhtho.blogspot.com

CHÚ THÍCH:

1/ Về Phương Pháp So Sánh Trong Văn Hóa Dân Gian
PGS Chu Xuân Diên
http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/ly-luan-van-hoa-hoc/vhh-phuong-phap-nghien-cuu/2802-chu-xuan-dien-ve-phuong-phap-so-sanh-trong-nghien-cuu-van-hoa-dan-gian.html
2/ Những Chiếc Lá Và Chuyện Tình Của Người Đàn Bà Trên Doi Cát
PGS Tiến Sĩ Đào Ngọc Chương
http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/sang-tac/301-nhng-chic-la-va-chuyn-tinh-ca-ngi-an-ba-tren-doi-cat.html
3/ Bác Nguyễn Bàng viết thiếu chữ “thì”.

Không có nhận xét nào: