KHÓC BẰNG PHIỚi Thị Bằng ơi đã mất rồi!Ới tình, ới nghĩa, ới duyên ôi!Mưa hè, nắng chái, oanh ăn nói,Sớm ngõ, trưa sân, liễu đứng ngồi.Đập cổ kính ra, tìm lấy bóng,Xếp tàn y lại, để dành hơi.Mối tình muốn dứt càng thêm bận,Mãi mãi theo hoài cứ chẳng thôi.
Tác giả bài thơ “KHÓC BẰNG PHI”, trong sách giáo khoa văn học, là vua Tự Đức (sinh 1829 – mất 1883; lên ngôi năm 1847).
Tuy vậy, nhiều người vẫn không tin bài thơ ấy là của vua Tự Đức vì lời lẽ mùi mẫn, ướt át không phù hợp với văn phong của một vị vua.
Đặc biệt trong bài “Tác giả bài thơ ‘Khóc Bằng phi’ không phải là vua Tự Đức” đăng trên tạp chí Sông Hương ngày 03/12/2008, nhà sử học Phan Thuận An, ngoài dẫn ý kiến của nhà thơ – học giả Phan Văn Dật (1907 – 1987), học giả Bửu Kế (1914 – 1989) không tin bài “Khóc Bằng Phi” là của vua Tự Đức, còn tìm tòi những cứ liệu rất hàn lâm để chứng minh cho quan điểm của mình:
Cứ liệu 1
“ … Đọc lại sử sách triều Nguyễn, chúng ta thấy suốt thời Tự Đức, trong số các bà "phi tần trở xuống", chỉ có 3 bà được phong lên hàng phi. Đó là bà Thiện phi, bà Học phi và bà Cung phi. Tất nhiên, đứng trên 3 bà phi ấy là bà Hoàng Quý phi ở địa vị đặc biệt. Xin tóm lược tiểu sử của cả 4 bà để thử tìm xem trong đó có bóng dáng của bà "Bằng phi" nào đó hay không.
1. Bà Hoàng Quý phi: Bà tên thật là Vũ Thị Duyên (còn có tên huý là Hài), sinh năm 1828, con gái của đại thần Vũ Xuân Cẩn. Bà được tuyển vào cung làm vợ vua Tự Đức từ năm 1843 khi nhà vua chưa lên ngôi. Sau khi vua đăng quang, năm 1848, bà được phong làm Cung tần, rồi lần lượt được thăng lên Cần phi (1850), Thuần phi (1860), Trung phi (1861). Đến năm 1870, bà mới được tấn phong làm Hoàng Quý phi. Bà là mẹ nuôi của "Hoàng trưởng dưỡng tử" Dục Đức (sau đó làm vua chỉ được 3 ngày thì bị bức tử). Khi chết vào năm 1902, bà được triều đình Thành Thái tặng thụỵ hiệu là Lệ Thiên Phụ Thánh Trang Ý Thuận Hiếu Cần Thứ Ôn Từ Hiền Minh Tĩnh Thọ Anh Hoàng hậu. Miếu hiệu của bà là Lệ Thiên Anh Hoàng hậu. Như vậy, bà mất sau vua Tự Đức đến 19 năm (1883-1902). Việc than khóc thương tiếc nếu có thì chỉ có việc bà khóc vua Tự Đức khi nhà vua thăng hà, chứ không có chuyện nhà vua khóc bà này.
2. Bà Thiện phi: Bà phi này tên thật là Nguyễn Thị Cẩm, thứ nữ của Hải An Kinh lược Đại thần kiêm Định An Tổng đốc Nguyễn Đình Tân (1798-1873). Ông người huyện Quảng Điền, đậu Hương tiến (Cử nhân), làm quan từ thời Minh Mạng. Đến thời Tự Đức, dù ông là một đại thần có công, nhưng vì "con ông là Đình Cán cùng công tử Hồng Tập mưu làm trái phép, Đình Tân tri tình mà dung túng ẩn nặc, bị nghĩ tội "trượng đồ". Sau được vua gia ân cho khai phục Hồng lô Tự khanh rồi mất, truy tặng Lễ bộ Thượng thư". Từ Cung tần, bà Nguyễn Thị Cẩm được phong làm Chiêu phi vào năm 1860, rồi sau đó được tấn phong làm Thiện phi.
3. Bà Học phi: Bà tên thật là Nguyễn Thị Hương, người gốc tỉnh Vĩnh Long. Năm 1870, theo lệnh vua Tự Đức, bà nhận công tử Nguyễn Phúc Ưng Hỗ (con của Kiên Quốc Công Nguyễn Phúc Hồng Cai: 1845-1876) bấy giờ mới 2 tuổi làm con nuôi (cho nhà vua). Về sau, vị Hoàng dưỡng tử này lên ngôi với niên hiệu Kiến Phúc (1884).
4. Bà Cung phi: Bà mang họ Lê, thường được gọi là Lê Thị Cung phi. Từ Thận tần, bà được tấn phong làm Cung phi vào tháng giêng năm Tự Đức thứ 13, tức là tháng 1-1860”.
Cứ liệu 2
“Một loại cứ liệu đáng quan tâm nữa là những bài vị thờ các bà phi tần ở lăng Tự Đức. Nhà vua đã cho xây dựng trong khu lăng tẩm của mình hàng chục tòa nhà với những chức năng khác nhau, trong đó có Chí Khiêm Đường dùng "để thờ phụng các phi tần". Riêng bà Hoàng Quý phi (Lệ Thiên Anh Hoàng hậu) thì được thờ chung với vua Tự Đức tại Hòa Khiêm Điện. Còn tất cả các bà từ hàng phi tần trở xuống đều được thờ tại Chí Khiêm Đường. Hiện nay, tòa nhà này vẫn còn hầu như nguyên vẹn, trong đó tồn tại hàng chục bài vị ghi rõ danh hiệu của các bà. Trong khi ở đó hiện có bài vị thờ bà Học phi và các bà khác thì chúng tôi không hề thấy bài vị nào ghi danh hiệu "Bằng phi" cả.”
Với cách dẫn cứ liệu rõ ràng và lập luận bài bản của nhà sử học (Huế học) Phan Thuận An, tôi đã nghĩ bài thơ “KHÓC BẰNG PHI” không phải của vua Tự Đức.
Nhưng …
Vừa rồi, tình cờ gặp trên net sách “THUYỀN AI ĐỢI BẾN VĂN LÂU” của nhà sử học Nguyễn Lý Tưởng (sách xuất bản lần đầu 2001, tái bản tháng 5/2023 dưới dạng pdf), tôi đọc và bắt gặp thông tin BẰNG PHI tên Nguyễn thị Cẩm, con gái tổng đốc Nguyễn Đình Tân nuôi cháu gọi vua Tự Đức bằng bác ruột là Ưng Đường, về sau lên ngôi vua lấy niên hiệu là Đồng Khánh.
Tôi có nhờ cô bạn hỏi Nguyễn Lý Tưởng thông tin Nguyễn thị Cẩm là Bằng Phi lấy từ nguồn nào; trong e-mail trả lời, nhà sử học Nguyễn Lý Tưởng cho biết:
“Bằng Phi tên thật là Nguyễn Thị Cẩm, con Tổng Đốc Nguyễn Đình Tân, là bà phi thứ hai của vua Tự Đức. Bà là mẹ nuôi của hoàng tử Ưng Kỵ (hay Ưng Đường) sau nầy là vua Đồng Khánh. (xin đọc trang 254 sách Thuyền Ai Đợi Bến Văn Lâu của NLT (bài Từ Ngôi Mộ Lưỡng Hổ Chầu đến Chiến khu Tân Sở )... phần nói về vụ Tứ Nguyệt Tam Vương... Đây là tài liệu chính sử (trích trong Đại Nam Liệt Truyện Chính Biên - bản Hán văn, quyển 32)
Vua Tự Đức có 03 bà phi (1) Trang Ý là chính phi (mẹ nuôi của Dục Đức tức Hoàng tử Ưng Chân) (2) Bằng Phi, tên là Nguyễn Thị Cẩm con gái của Tổng Đốc Nguyễn Đình Tân là mẹ nuôi của Ưng Kỵ (Hay Ưng Đường) sau nầy là vua Đồng Khánh (3) Học Phi (tên là Nguyễn Thị Hương) là mẹ nuôi của Dưỡng Thiện (sau nầy là vua Kiến Phước)...
Chú ý: Cách viết của Nguyễn Lý-Tưởng ở trong phần nầy là căn cứ vào chính sử của triều đình do Quốc Sử Quán biên soạn, không phải là thu thập tin tức ở ngoài dân gian …”
Phan Thuận An và Nguyễn Lý Tưởng đều là đàn anh của tôi ở Viện Hán Học Huế ngày xưa.
Hai vị học khóa 1 (1959 – 1964), Phan Thuận An học đủ 5 năm, tốt nghiệp Viện Hán Học, và có bằng Cao Học Sử từ Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Nguyễn Lý Tưởng học Viện Hán Học được 3 năm thì thi vào Đại Học Sư Phạm ban Sử Địa khóa 1962 – 1965.
Còn tôi học Hán Học khóa 2 (1960 – 1965).
Hai vị ra đời có cơ hội tiếp xúc với sách vở, có điều kiện để nghiên cứu những vấn đề sử học và cả hai đều cho ra nhiều bài báo, nhiều quyển sách về sử học giá trị.
Về bà Nguyễn thị Cẩm, vợ vua Tự Đức: Phan Thuận An bảo là Thiện Phi, Nguyễn Lý Tưởng bảo là Bằng Phi. Tôi không có sách vở để tra cứu tận ngọn, nguồn, nhưng tôi đoán – đoán là quyền cá nhân – ý kiến của cả 2 vị đều đúng: Có thể Thiện Phi là danh hiệu chính thức, còn Bằng Phi là danh hiệu thường dùng???
Tôi tìm trong Wikipedia xem bà Nguyễn thị Cẩm sinh và mất năm nào, nhưng mục này để khuyết. Giá như có thông tin về năm sinh, năm mất - bà mất trước hay mất sau vua Tự Đức, thì chúng ta có thêm chứng cớ để xác quyết bài thơ “Khóc Bằng Phi” là của vua Tự Đức hay không.
Tôi lại tìm xem trong đoàn xa giá theo vua Hàm Nghi rời kinh thành trong biến cố thất thủ kinh đô sáng ngày 05/7/1885 (23/5/Ất Dậu) xem có bà Thiện Phi hay Bằng Phi không. Qua những tài liệu tôi tiếp cận, trong đoàn chỉ có tam cung: bà Từ Dũ (mẹ vua Tự Đức), bà Hoàng Quý Phi Vũ thị Duyên (vợ vua Tự Đức, mẹ nuôi vua Dục Đức) và bà Học Phi Nguyễn thị Hương (vợ vua Tự Đức, mẹ nuôi vua Kiến Phước) mà không có bà Thiện Phi (Bằng Phi) Nguyễn thị Cẩm; như thế có thể nào bà Nguyễn thị Cẩm đã mất trước năm 1885 (thậm chí trước năm 1883 – năm vua Tự Đức mất)???
Tôi trở lại Wikipedia, phần vua Tự Đức. Mục Hậu Cung cho biết tổng đốc Nguyễn Đình Tân có đến 2 con gái được đưa vào cung làm vợ vua Tự Đức: bà chị Thiện Phi (Bằng Phi) Nguyễn thị Cẩm và bà em (không rõ tên, chỉ ghi Nguyễn Đình thị) được xếp Cửu Giai Tài Nhân (hàng thấp nhất trong hệ thống cửu giai xếp các bà vợ vua Tự Đức). Từ thông tin này, tôi nghĩ: Có thể nào Thiện Phi (Bằng Phi) Nguyễn thị Cẩm mất, người em được tiến vào thay thế???
Thêm thông tin này nữa … Đinh Công Vĩ, trong sách “Các Câu Chuyện Tình Vua Chúa Việt Nam”, nhà xuất bản Phụ Nữ năm 2005, cho biết vua Tự Đức có 104 vợ; Capitaine Gosselin trong sách “L’Empire d’Anmam” cho biết lúc vua Tự Đức mất năm 1883, còn lại 103 bà. Có thể nào bà không còn ấy là Thiện Phi (Bằng Phi) Nguyễn thị Cẩm???
Cuối cùng xét về văn phong trong bài “Khóc Bằng Phi” mà nhiều vị cho không xứng hợp với vua Tự Đức, tôi xin dẫn ra đây một bài thơ của vua Tự Đức để so sánh:
NGẪU CẢMSự đời ngẫm nghĩ, nghĩ mà ghê!Sống gửi, rồi ra lại thác về.Khôn dại cùng chung ba thước đất,Giàu sang chưa chín một nồi kê.Tranh giành trước mắt mây tan tác,Đày đọa sau thân núi nặng nề.Muốn đến hỏi tiên, tiên chẳng bảo,Gượng làm chút nữa để mà nghe.
(Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển của Dương Quảng Hàm - 1898 – 1946, năm 1929)
Học giới xưa nay công nhận vua Tự Đức hay chữ, sành thơ văn. Theo tôi, bài thơ “Ngẫu Cảm” rất mượt mà. Vậy thì khi bà vợ yêu thương mất đi, cảm xúc trào dâng, nỗi niềm thương tiếc lấn át tất cả, vua làm ra bài thơ “Khóc Bằng Phi”, điều đó cũng không có gì đáng ngạc nhiên.
*
“Nói gần nói xa chẳng qua nói thiệt”. Đến bây giờ, tôi vẫn tin bài thơ “Khóc Bằng Phi” là của vua Tự Đức. Không phải tự dưng mà nhiều nhà nghiên cứu văn học trước đây bảo bài thơ đó là của vua Tự Đức. Chắc chắn là do truyền khẩu – truyền khẩu cũng là một phương tiện – ngoài truyền thư – để lưu giữ ký ức.
Hoàng Đằng
08/7/2023
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét