BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2024

BÙI GIÁNG VÀ NÀNG HOA HẬU MỘT CON – Đông Kha,Tiểu Vũ


Ảnh: Nhà thơ Bùi Giáng và hoa hậu Công Thị Nghĩa
 
Bóng mây trời cũ hao mòn
Chiêm bao náo động riêng còn hai tay
 
Bùi Giáng là một hiện tượng thơ ca đặc biệt của Việt Nam. Trong di sản văn chương ông để lại cho hậu thế có những bài thơ, câu thơ lạ lùng, gợi lên nhiều suy nghĩ, ví dụ như hai câu thơ dưới đây:
 
"Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con"
 
Đọc lướt qua hai câu thơ trên, rất nhiều người nghĩ rằng đây là một "hiện tượng lạ", đôi mắt của ai đó đang làm hai việc khác nhau. Một con mắt thì khóc và con mắt còn lại không biết đang làm gì?
 
Tứ thơ này cũng đã được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hiểu theo cách của ông và viết thành nhạc "Con mắt còn lại":
 
"Còn hai con mắt khóc người một con
Còn hai con mắt một con khóc người
Con mắt còn lại nhìn một thành hai
Nhìn em yêu thương, nhìn em thú dữ..."
 
Có thể hiểu nhạc của Trịnh Công Sơn là một sự ngẫu hứng dựa trên câu chữ chứ hoàn toàn không liên quan đến ý nghĩa thật trong câu thơ của cụ Bùi Giáng.

Trong trường hợp này thì Bùi Giáng đã khóc thật và khóc "rất nghiêm túc", thi sĩ khóc bằng cả tâm hồn mình với đôi mắt lệ nhòa. Cụ thể là ông đã khóc cho thân phận một người phụ nữ đã có MỘT ĐỨA CON.
 
Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một (ĐỨA) con.
 
Thương cảm cho thân phận long đong của bà, ông đã khóc cho người phụ nữ có một đứa con mà ông gọi là "người một con" và khóc cho cuộc tình này bằng đầy đủ hai con mắt, bằng cảm xúc đong đầy trong tâm hồn đa cảm của người thi sĩ. Chất xúc tác tình cảm đó đã kết tinh thành những câu thơ đẹp lộng lẫy nhưng cũng buồn đến ứa lệ.
Bà là “nàng thơ” của Bùi Giáng trong nhiều bài thơ khác in ở tập Mưa Nguồn xuất bản khoảng năm 1962, như là:
 
 “Không biết trời tròn hay méo
Chỉ hôm nay là nhan sắc hôm nay
Trời bên kia – nhan sắc ở bên này”
 
Bùi Giáng còn có bài thơ mang tên Thu Trang chưa công bố bao giờ, sau này được hoạ sĩ Bửu Ý chép lại cho Thu Trang:
 
“Trang của tờ giấy cũ
Của vầng tóc ban đầu
Trang của hồi vàng tụ
Về mệt mỏi mai sau
Anh nhớ em vô cùng
Đất sầu không xiết kể Anh kêu gọi mông lung
Trang ồ Trang rất tệ”.
 
Có câu chuyện kể lại rằng vào năm 1957, Bùi Giáng say mê một hoa hậu tên là Thu Trang khi cô này đã có đứa con với một người đàn ông có gia đình. Người đó là Tống Ngọc Hạp, đạo diễn phim Lục Vân Tiên mà Thu Trang đóng vai nữ chính (câu chuyện này sẽ được kể thêm ở bên dưới).
 

Bà là “nàng thơ” của Bùi Giáng trong nhiều bài thơ khác in ở tập Mưa Nguồn xuất bản khoảng năm 1962, như là:
 
 “Không biết trời tròn hay méo
Chỉ hôm nay là nhan sắc hôm nay
Trời bên kia – nhan sắc ở bên này”
 
Bùi Giáng còn có bài thơ mang tên Thu Trang chưa công bố bao giờ, sau này được hoạ sĩ Bửu Ý chép lại cho Thu Trang:
 
“Trang của tờ giấy cũ
Của vầng tóc ban đầu
Trang của hồi vàng tụ
Về mệt mỏi mai sau
Anh nhớ em vô cùng
Đất sầu không xiết kể
Anh kêu gọi mông lung
Trang ồ Trang rất tệ”.
 
Nói thêm về người đẹp Thu Trang, nhiều người biết đến bà như là Hoa hậu đầu tiên của miền Nam Việt Nam sau hiệp định Genéve (trước đó, thời Pháp thuộc, đã có nhiều cuộc thi hoa hậu được tổ chức). Bà Thu Trang tên thật là Công Thị Nghĩa, sinh năm 1932 trong một gia đình tiểu tư sản ở Hà Nội. Năm 1942, cha của bà vốn là một công chức chính quyền thuộc địa được điều động vào Sài Gòn làm việc, cả gia đình theo ông vào miền Nam và định cư ở Sài Gòn. Đầu thập niên 1950, Thu Trang tham gia phong trào Trần Văn Ơn và được Việt Minh móc nối để trở thành thành viên của tổ điệp báo hoạt động trong nội thành khu vực Sài Gòn – Gia Định với bí danh Tư Nghĩa, bà cũng từng vào chiến khu. Tháng 7 năm 1952, Thu Trang bị thực dân Pháp bắt giam. Trong phiên toà tháng 6 năm 1953, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã biện hộ và giải thoát. Năm 1954, Thu Trang viết báo với bút hiệu Thanh Tâm, Nguyễn Huyền Thu… trên các báo Tân Văn, Cần học, Sài Gòn mới, Phụ nữ diễn đàn, Lẽ sống… với đủ thể loại từ thơ đến truyện ngắn, truyện dài…

Từ sau đó, bà được biết đến nhiều nhất với tên gọi Thu Trang, là bút danh khi làm nhà báo, sáng tác văn chương và viết sách nghiên cứu về lịch sử. Đầu năm 1955, Tổng trưởng Thông tin Trần Chánh Thành và Tổng trưởng Xã hội Nguyễn Mạnh Bảo của chính quyền miền Nam đã họp bàn với nhau tổ chức lễ hội kỷ niệm Hai Bà Trưng (6 tháng 2 âm lịch), trong lễ hội đó sẽ có cuộc thi hoa hậu đầu tiên. Cuộc thi hoa hậu này nhằm tôn vinh hai nữ anh hùng dân tộc, đồng thời lấy tiền bán vé để ủng hộ cho Tổng uỷ di cư tị nạn – một cơ quan để hỗ trợ những người di cư vào Nam trong thập niên 1950. Nhà báo Thu Trang lúc đó mới 23 tuổi đến gặp ban tổ chức cuộc thi để lấy thông tin viết bài về cuộc thi hoa hậu, không ngờ ban tổ chức vừa thấy cô phóng viên xinh đẹp sắc sảo liền thuyết phục cô đăng ký thi hoa hậu. Cuộc thi Hoa hậu này được tổ chức vào ngày 20-2-1955 tại rạp Lido, rạp lớn nhất Sài Gòn thời đó với sức chứa cả ngàn người. Mặc dù ban đầu Thu Trang chỉ định đi thi cho vui, không tin tưởng lắm vào việc trúng giải, rốt cuộc cô lại giành ngôi vị cao nhất. Nếu so với các thí sinh hoa hậu thời nay, chiều cao của cô thấp hơn nhiều. Cô chỉ cao 1,61m, nặng 53 kg, số đo là 86 – 62 – 88. Ở thời điểm hơn 60 năm trước thì đây là số đo lý tưởng vì vậy mà khi công bố kết quả, Thu Trang thậm chí còn vượt xa đến vài chục điểm so với á hậu 1 và á hậu 2. Á hậu 2 là sinh viên Ngô Yên Thu, người Cần Thơ; Á hậu 1 là Nguyễn Thị Ninh, sinh viên người Hà Nội mới di cư vào Nam.


Khi tên Hoa hậu Thu Trang được tuyên đọc, hội trường vang dậy tiếng vỗ tay, sân khấu tràn ngập mấy chục nhiếp ảnh gia, quay phim và nhà báo. Ca sĩ đang rất nổi tiếng dạo đó là Tâm Vấn – cũng là một người vừa mới di cư – đã đại diện khán giả nữ lên sân khấu tặng hoa chúc mừng. Ra khỏi rạp Lido, Hoa hậu được mời lên xe hơi mui trần màu xanh bóng loáng nước sơn mới để đi diễu hành trong khoảng hai tiếng đồng hồ qua các đường phố chính của Sài Gòn. Phần thưởng cho danh hiệu Hoa hậu mà Hoa hậu Thu Trang nhận được là một chiếc xe 2 bánh hiệu Lambretta, kiềng vàng, nước hoa và nhiều loại mỹ phẩm danh tiếng khác. Lambretta thời điểm đó rất có giá trị, nó thuộc loại xe hai bánh cao cấp bậc nhất. Vì chiếc xe này mà Thu Trang được nhiều người gọi đùa là “Hoa hậu Lambretta”.

Sau khi đạt giải Hoa Hậu, Thu Trang bước vào lĩnh vực điện ảnh, với cuốn phim đầu tay là Chúng Tôi Muốn Sống (1956) nhưng chỉ tham gia vai phụ. 


Sau đó bà đóng vai nữ chính trong phim Lục Vân Tiên của đạo diễn Tống Ngọc Hạp, và đó là bước ngoặc lớn của cuộc đời. Phim Lục Vân Tiên được đề cử mang đi dự Liên hoan phim châu Á 1957, rồi mang đi giới thiệu qua nhiều quốc gia khác. Toàn bộ hậu kỳ của phải làm ở Nhật, thời gian ở nước ngoài khá lâu nên kinh phí không đủ, đoàn từ bốn người đã rút lại còn mỗi đạo diễn và nữ chính Thu Trang. Chỉ có 2 người ở với nhau một thời gian dài như vậy nên việc nảy sinh tình riêng là không tránh khỏi. Thu Trang trở thành tình nhân và mang trong mình đứa con của vị đạo diễn đã có gia đình này ngay trong tháng đầu tiên ở Tokyo. Dư luận xã hội lúc bấy giờ không dễ gì tha thứ cho một sự việc như thế. Thu Trang kiên quyết giữ lại đứa con của mình và sẵn sàng chấp nhận tất cả búa rìu dư luận. Mùa thu năm 1957, cả hai trở về Sài Gòn, sau đó sinh con và đặt tên Tống Ngọc Vân Tiên để kỷ niệm tình yêu đầu tiên (đặt theo tên phim Lục Vân Tiên), và sau này bà cũng chưa bao giờ trách móc đạo diễn Tống Ngọc Hạp bất cứ điều gì.

Thu Trang và con trai Tống Ngọc Vân Tiên tại Pháp

Đến năm 1961, nhận được một lời mời sang Pháp tham gia ngành điện ảnh, Thu Trang đã nhận lời và cùng con trai nhỏ sang. Khi biết Thu Trang chuẩn bị đi Pháp, Bùi Giáng đến nhà thăm bà trong một ngày mưa. Bà Thu Trang nhớ lại hành động “kỳ quặc” của ông hôm đó: “Tôi hơi ngạc nhiên để ý anh nhìn xuống nền nhà đá hoa. Cả hai im lặng, tôi muốn nói một câu gì đó để cho có chuyện. Chưa kịp thì anh cúi xuống nhặt đôi dép màu xanh lá mạ của tôi đi trong nhà cạnh đó, anh nhặt lên và lẳng lặng mở tờ báo gói đôi dép. Rồi anh đứng lên: Tôi về!”.

Ở Pháp, Thu Trang không làm điện ảnh mà tiếp tục đi học và định cư luôn tại đây, có lẽ vì lúc đó bà đã lo sợ bị lộ thân phận là một điệp viên. Tại đây, bà Thu Trang kết hôn với một người Pháp là bác sĩ nha khoa tại Paris. Năm 1978, bà trở thành Tiến sĩ Sử học tại ĐH Paris VII với đề tài Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp.

Sau 1975, Thu Trang về Việt Nam thăm nhà và nhận thấy ngành du lịch còn chưa phát triển đúng mức ở nhiều địa phương, bà trở lại Paris tìm học về nghiên cứu du lịch để góp ý phát triển du lịch Việt Nam và nhiều lần về nước giảng dạy cho các sinh viên các trường đại học về du lịch.

Tiến Sĩ Thu Trang, hoa hậu đầu tiên của Việt Nam, giảng dạy tại ĐH Duy Tân năm 2000
 
Thơ Bùi Giáng được xem là hiện tượng dị biệt của nền thi ca Việt Nam. Ông viết thơ bằng một phong cách độc đáo. Chữ nghĩa được ông "đùa giỡn" như kiểu cầm lên đặt xuống vung vẩy một cách huyền ảo và sắp đặt chúng lại xiêu lệch chênh nhau nhưng hay đến không ngờ.
 
Đặc biệt là những câu lục bát đầy ngẫu hứng phá cách về chữ nghĩa vần điệu như: "Dã man là cái giai nhân/Thuyền quyên mọi rợ tưởng gần tưởng xa", "Người điên cái bóng cũng điên/Người khùng cái mộng an khiên cũng khùng"...

Hỏi rằng: người ở quê đâu
Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà
Sẽ đi cùng bước chân mùa
Bóng vang sầu cũ tháp chùa rộng thênh.
Anh đi về đô hội
Ngắm phố thị mơ màng
Anh vùi thân trong tội lỗi
Chợt đêm nào, gió bờ nọ bay sang...
 
Anh vẫn tưởng đầu đường thương xó chợ
Ai có ngờ xó chợ cũng thương nhau
Hồn tan vỡ song đôi trong hơi thở
Ôi đầu đường ôi xó chợ nơi đâu...
 
Chuyện xin lấy tên Bùi Giáng để đặt tên đường cũng lắm nhiêu khê. Vào khoảng năm 2015 nhiều tổ chức cá nhân đã xin chính quyền đặt tên đường Bùi Giáng cho một con đường nội tỉnh nhưng bất thành vì không được chính quyền địa phương đồng ý.
 
Bùi Giáng sinh năm 1926 tại làng Thanh Châu thuộc xã Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Lớn lên, ông lưu lạc nhiều nơi và cuối cùng ngụ cư tại Sài Gòn và mất tại đây vào năm 1998, hưởng thọ 71 tuổi. Đọc thơ của Bùi Giáng ta thấy luôn thấp thoáng hình bóng quê nhà cố quận trong đó:
 
Điều ngạc nhiên sau khi Quảng Nam - Đà Nẵng tách tách thảnh hai đơn vị hành chính thì làng Thanh Châu, xã Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên nơi sinh của thi sĩ hoàn toàn thuộc về tỉnh Quảng Nam...Thế nhưng tỉnh này chưa có tên đường hoặc bất cứ công trình văn hóa nào để ghi nhớ tưởng niệm Bùi Giáng.
 
Ngược lại ở phía thành phố Đà Nẵng lại có một con đường mang tên Bùi Giáng (đặt tên từ năm 2016). Đường thuộc phường Hòa An, quận Cẩm Lệ. Mỗi khi đi qua con đường này, những người yêu thơ Bùi Giáng có thể sẽ chợt nhớ đến những câu thơ của ông:
 
Năm 2017, Làng nghệ thuật Gia Hòa (quận 9, TP.HCM), dự kiến lấy đường số 9 đặt tên là Bùi Giáng nhưng sau đó không được thông qua và cuối cùng đường này mang tên một nhà thơ khác là Nguyễn Đình Thi.
                                                              Theo Đông Kha và Tiểu Vũ

Nguồn nhacxua.vn

Không có nhận xét nào: