BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Chủ Nhật, 27 tháng 8, 2023

NHÂN VẬT Z.28 TRONG TRUYỆN GIÁN ĐIỆP CỦA NHÀ VĂN NGƯỜI THỨ TÁM - Hoài Nguyễn



Năm học lớp đệ Ngũ, thầy Hưng dạy môn Địa, một hôm trong giờ dạy, mới hơn gần nửa thời gian của bài giảng, thầy nổi hứng hỏi cả lớp “Các em có biết Z. 28 không?”. Cả lớp trố mắt và cũng chẳng hiểu thầy hỏi có ý gì nên cùng nhao nhao: “Không ạ!”. Thầy cười cười: “Trai trẻ như các em mà không biết Z. 28 thì xoàng quá! Này nhé Z. 28 là bí danh của điệp viên hành động Tống Văn Bình đấy! Các em muốn nghe tôi kể chuyện điệp viên Z 28 này không?”. Thế là cả lớp đồng loạt hưởng ứng “Muốn …Thầy … Thầy kể Z. 28 đi thầy …”.
 
Và thế là thầy Hưng từ đấy cứ dạy hơn nửa thời gian của giờ dạy, thời gian còn lại Thầy kể lai rai chuyện gián điệp Z. 28 cho cả lớp nghe. Thầy kể chuyện đầu tiên là “Z. 28 vượt tuyến” và đương nhiên là kể một cách khái quát chứ cả một quyển tiểu thuyết như thế không thể nào kể tường tận được… Từ khi Thầy kể chuyện Z .28, mấy anh chàng xưa nay hay cúp giờ môn Địa của Thầy Hưng tự dưng “siêng lạ”, chẳng thấy trốn đâu hết mà có mặt từ đầu giờ đến cuối để được nghe thầy kể chuyện tình báo gián điệp.
Lũ học trò ngày xưa chúng tôi “biết Z .28” một cách hy hữu như thế và từ đó chúng tôi đâm ra “mê” Tống Văn Bình – bí số điệp viên Z .28, con đẻ sản phẩm tình báo gián điệp của nhà văn Người Thứ Tám. Lúc đó chúng tôi chỉ biết truyện chứ tuyệt nhiên chẳng biết gốc gác của cái “ông nhà văn Người Thứ Tám” này như thế nào?
Song song với truyện Thầy Hưng kể, bọn chúng tôi ra tiệm cho thuê sách Minh Hồng góc chợ Quảng Ngãi để lùng sục Z .28 về đọc “cho đã”. Và quả là thời ấy, trong đầu bọn chúng tôi “nhồi” đủ thứ sách truyện các loại. Cùng với truyện gián điệp của Người Thứ Tám, chúng tôi còn đọc của Hoàng Hải Thủy và sau này làm quen với điệp viên James Bond 007 …
 
Hết năm đệ Ngũ thì chúng tôi nghe tin Thầy Hưng bị gọi động viên vào Thủ Đức, ra trường thầy được về một đơn vị Địa Phương Quân đóng đồn ở đâu phía tây quận Trà Bồng và bị phục kích, tử trận trên đó… Nhớ đến Z.28 là bọn tôi nhớ đến Thầy Hưng, người đã “khai phóng” và dẫn dắt lũ trẻ chúng tôi ngày ấy vào “thế giới của gián điệp, tình báo”
 
Về câu chuyện Z.28, nếu sắm cho đủ chắc có cả “Tủ sách Z.28” với hơn 50 cuốn tiểu thuyết gián điệp của Người Thứ Tám.
Nhân vật chính trong bộ sách gián điệp này là Đại tá Tống Văn Bình, điệp viên hành động mang bí số Z.28 được nhà văn Người Thứ Tám “khắc họa” là một mẫu người hết sức lý tưởng. Với chiều cao tầm mét tám, thông minh, đẹp trai, sử dụng súng bách phát bách trúng, đệ ngũ đẳng huyền đai Judo, cũng như cao thủ của vô số tuyệt chiêu võ học Thiếu Lâm, Không thủ đạo, Thái cực đạo, Quyền anh hạng nặng với cú atémi nhanh như chớp vào gáy khiến đối phương chết... không kịp ngáp! Đặc biệt Tống Văn Bình cực kỳ … mê gái đẹp và ngược lại những mỹ nhân, kể cả của cơ quan tình báo đối phương cũng không thể… cưỡng lại được sức hấp dẫn toát ra từ vẻ đẹp hết sức mạnh mẽ, nam tính của chàng đại tá hào hoa và đào hoa này.
 
Chỉ huy chàng điệp viên hành động siêu đẳng Z.28 của Miền Nam này là một người đàn ông già bí ẩn, có lối sống khắc khổ được gọi là “ông Hoàng” mà trụ sở đóng ở đâu đó dưới một căn hầm bí mật của Trung tâm Điện tử ở đại lộ Nguyễn Huệ - Sài Gòn! Hoặc có thể trên một chiếc tàu ngầm bí mật nào đó… (tất nhiên là hư cấu vì miền Nam thời ấy làm gì có Tàu ngầm!). Ông Hoàng này có thể ví như “Gia Cát Lượng” trong nghề tình báo, am hiểu từng nhân viên dưới quyền, những sở trường sở đoản của họ để bố trí trong những điệp vụ thích hợp mà còn “đi guốc” trong bụng những cơ quan tình báo của bạn cũng như đối thủ!
 
Ngoài nhân vận chính là Tống Văn Bình, Người Thứ Tám còn xây dựng một số điệp viên khác trong cơ quan tình báo phản gián của ông Hoàng khá có ấn tượng và cũng rất nhiều tài năng như chàng “Sếu vườn” Lê Diệp, các “người đẹp chết người” như Nguyên Hương, Quỳnh Loan …
Cộng tác phối hợp với Cơ quan Tình báo Phản gián Miền Nam của Ông Hoàng còn có những cơ quan Tình báo Phản gián của Thế giới Tự do như CIA Mỹ, Phòng Nhì Pháp, MI.6 Anh, Hắc Long Nhật và đối thủ của họ chính là cơ quan Tình báo KGB, GRU của Liên Xô, Đặc vụ Trung Cộng và miền Bắc Việt Nam thời ấy…
Như đã nói, bộ sách Z.28 là loại tiểu thuyết gián điệp nên có tính chất hư cấu tưởng tượng với mục đích giải trí là chính. Nhưng không thể phủ nhận những tình tiết, những sự kiện lịch sử, những miền đất địa lý, những công cụ trong nghề tình báo phản gián được miêu tả trong truyện là hoàn toàn có thật.
 
Người đọc phải thầm khâm phục kiến thức uyên bác cổ kim đông tây của nhà văn Người Thứ Tám khi được ông miêu tả tường tận từng con hẽm ở Luân Đôn, Paris hay cả Mạc Tư Khoa, Bắc Kinh … Những bang phái võ thuật cổ truyền cũng như hiện đại của các vùng miền trên thế giới cũng được nhà văn miêu tả hết sức chi li và hấp dẫn.
Năm 1957, “Điệp viên Miền Nam trên đất Bắc” của Người Thứ Tám ra mắt lần đầu tiên trên tờ nhật báo Dân Chúng. Và trong 3 năm liên tục, nhiều cốt truyện Gián điệp Z.28 đã được đăng tiếp (sau đó mới in thành sách), đem lại biết bao sôi nổi, hào hứng cho nhiều tầng lớp độc giả miền Nam thời ấy. Với hàng triệu độc giả, sau hơn 50 cuốn truyện đã xuất bản, với địa vị mỗi ngày một củng cố sau gần 20 năm tung hoành theo trường phái văn học gián điệp, Người Thứ Tám đã phá kỷ lục về số lượng người đọc và về số lượng tác phẩm xuất bản được ưa chuộng.
 
Về tác giả Người Thứ Tám có rất ít tài liệu và hình ảnh nói về ông và chính cái bút danh “Người Thứ Tám” này cũng đã là một điều bí ẩn như những câu chuyện gián điệp mà ông viết.
Theo một số tài liệu mà tôi thu thập được thì Người Thứ Tám tên thật là Bùi Anh Tuấn sinh năm 1925 ở miền Bắc Việt Nam (người ta cho rằng là tỉnh Thanh Hóa).
Khi ông ngoài hai mươi tuổi thì xảy ra sự kiện Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), tiếp theo là Việt Minh nổi lên lợi dụng sự rối ren về tình hình chính trị lúc đó đã cướp chính quyền trong tay Thủ Tướng Trần Trọng Kim của chính phủ Việt Nam Quốc Gia đặt dưới quyền lãnh đạo tối cao của nhà Vua Bảo Đại. Lúc đó Bùi Anh Tuấn tham gia một đảng phái quốc gia, là một đảng viên VNQDĐ. Ông tham gia các hoạt động chống lại Việt Minh. Khi cuộc chiến tranh Việt – Pháp ngày 19/12/1946 bắt đầu, Bùi Anh Tuấn bị Ban Trinh Sát của Việt Minh bắt và đưa đi giam giữ tại trại giam Đầm Đùn thuộc tỉnh Thanh Hoá (Liên khu IV), nổi tiếng là địa ngục trần gian, đã vào đây khó có ngày về. Chốn ngục tù hãi hùng này là nơi giam cầm hầu hết đảng phái Quốc gia vốn là đối thủ với Việt Minh lúc ấy.
Trong những năm, tháng bị giam cầm ở Đầm Đùn, ông có duyên may gặp một bạn tù đã ở vào tuổi trung niên. Thời Pháp thuộc, ông này dạy Anh văn ở Lycée Louis Pasteur Hà Nội. Nay trong thân phận tù đày, để cố quên mà tồn tại, mà sống, ông dạy Anh ngữ cho Bùi Anh Tuấn. Nhờ vậy, Bùi Anh Tuấn có sẵn số vốn cần thiết về Anh văn nên khi người Mỹ đặt chân vào Miền Nam kèm theo văn hóa Mỹ, ông đã có “đất dụng võ”.
Ở trại giam Đầm Dùn được vài năm, Bùi Anh Tuấn đã vượt ngục, thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc. Bùi Anh Tuấn lần mò về Hà Nội sau đó rồi vào Nam. Ông lấy vợ người Huế, viết báo để sinh nhai
Thời gian này người Mỹ đã thay Pháp làm đồng minh thân cận VNCH, tình hình Viễn Đông có nhiều biến động là thời điểm của cuộc Chiến tranh Lạnh giữa hai khối Thế giới Tự do và Thế giới Cộng sản nên các cơ quan tình báo phản giản của hai phe ra sức hoạt động.
 
Bùi Anh Tuấn bèn chuyển qua viết truyện gián điệp, lấy bút danh là “Người Thứ Tám”, cho ra bộ truyện Z.28 đã khiến thiên hạ say mê mà đọc.
Có thể nói phong cách viết truyện gián điệp tình báo của Người Thứ Tám – Bùi Anh Tuấn có ảnh hưởng từ nhà văn Anh quốc Ian Fleming, cha đẻ của nhân vật hư cấu điệp viên James Bond 007 nổi tiếng từ năm 1953 đến tận ngày nay.
Sau sự kiện 30/4/1975, người ta không còn thấy Người Thứ Tám nữa và theo nhà văn Hoàng Hải Thủy, “Người Thứ Tám” đã tẩu thoát qua Mỹ trước ngày 30/4, rồi sau đó đã tuyệt tích giang hồ không ai biết…

Tất nhiên ai cũng biết, những tác phẩm tiểu thuyết gián điệp của Người Thứ Tám cũng giống như tác phẩm văn học của các tác giả khác đều bị chính quyền “phe thắng cuộc” chụp cho cái mũ là “lai căng, đồi trụy, phản động …” và cùng trong nhóm bị lên giàn hỏa thiêu sau năm 1975.
Yêu thích nhân vật Z.28 Tống Văn Bình của nhà văn Người Thứ Tám, may mắn thay vẫn còn một nguồn vô cùng quý giá – mạng internet toàn cầu…
 
                                                                                    Hoài Nguyễn
                                                                                     15/12/2015

Không có nhận xét nào: