Trước
năm 1975, giới văn học nghệ thuật xôn xao về vụ “thiên tài nổi loạn” Phạm Công
Thiện xuất bản cuốn “Hố thẳm tư tưởng”, dành một chương phê phán luận án tiến
sĩ của giáo sư Nguyễn Văn Trung với một thái độ khinh bỉ, trịch thượng, mạt sát thậm tệ. Cuốn
sách bán chạy, dư luận bàn tán sôi nổi. Sau đó, một nhóm phật tử Huế trích chương này thành cuốn sách nhỏ in vào mùa hè năm 1973. Xin mời đọc bài viết của Nhị Linh
PHẠM CÔNG THIỆN PHÊ NGUYỄN VĂN TRUNG
Theo Nhị Linh
Nhân nói chuyện này xọ chuyện kia, đề cập Phạm Công
Thiện ngày sanh của rắn, tôi muốn lôi trở lại một văn bản ngày nay gần như tuyệt
mệnh giang hồ, đúng số phận như tập thơ của Phạm Công Thiện, Ngày sanh của rắn bản in đầu (in số lượng
hạn chế bên Pháp) gần như chưa ai nhìn thấy bao giờ.
Văn bản này (đúng ra là một bài viết cỡ 30 trang) mang
tên Phê bình luận án tiến sĩ triết học của
Nguyễn Văn Trung, không rõ viết và phát hành lần đầu năm nào nhưng được một
nhóm phật tử Huế tái bản thành cuốn sách nhỏ in mùa hè năm 1973, ở "Lý
do" đặt đầu sách có viết là không liên lạc được với tác giả nên cứ in ra
như vậy.
[Phạm
Công Thiện ngoài “ngày sanh của rắn” còn liên quan chặt chẽ tới các từ khóa
sau: Vạn Hạnh, Phạm Hoàng, Phật giáo, Henry Miller, Heidegger, Nietzsche, Hố Thẳm,
Bùng Vỡ, và cả... Nhất Hạnh, nhưng với Nhất Hạnh thì là dấu trừ nhé, “Nói với
tuổi hai mươi”]
Bài viết của Phạm Công Thiện là một bản luận tội. Trớ
trêu là Nguyễn Văn Trung cũng từng có một bản luận tội đanh thép đối với Phạm
Quỳnh và tạp chí Nam Phong [có trích dẫn Nguyễn Văn Hoàn ở miền Bắc nhé, nhắc lại
để các bác nhớ], sự việc Phạm Quỳnh đó nếu không nhầm thì cũng diễn ra ở Huế
(Nguyễn Văn Trung tham gia một buổi hạch tội Phạm Quỳnh của sinh viên, sau này
mới viết hai quyển Chủ đích Nam Phong
và Trường hợp Phạm Quỳnh khi thời điểm
tháng Tư 1975 đã cận kề).
Luận án tiến sĩ của Nguyễn Văn Trung bảo vệ tại
Institut Supérieur de Philosophie, Đại học Louvain (trí thức Sài Gòn, nhất là
ngành triết, và liên quan tới Công giáo, rất nhiều người xuất thân Louvain) tên
là La Conception Bouddhique du Devenir,
Nam Sơn sau này sẽ in năm 1962.
Phạm Công Thiện chỉ trích thậm tệ bảng sách tham khảo
của luận án, rồi bắn ngay: "Nguyễn
văn Trung là một người học vấn nông cạn lôi thôi, và bởi nông cạn lôi thôi cho
nên trở thành nguy hiểm".
Đặc biệt Phạm Công Thiện chê Nguyễn Văn Trung kém cỏi
triết học Tây phương và mù tịt Phật giáo.
Hồi đó hẳn Phạm Công Thiện đã đọc Borges rồi, vì ngay
đoạn mở đầu đã dùng đúng ý của Borges về tautology, mà Phạm Công Thiện gọi là "trùng phức". Một đoạn sau thì
Phạm Công Thiện nhắc tới mouvement circulaire, dịch là "sự vận hành vòng tròn": hẳn Phạm Công Thiện cũng đã đọc
các nhân vật chủ chốt của trường phái Genève, mà nhiều khả năng đã đọc cả
Poulet và Starobinski.
Đoạn đầu Phạm Công Thiện đã nã đại bác: "Phủ nhận bài bác tư tưởng của Nguyễn
văn Trung không phải là mục tiêu bài này, vì một lý do dễ hiểu là Nguyễn văn
Trung không có tư tưởng mà chỉ có học vấn, sự học vấn của Nguyễn văn Trung có
tính cách phá sản vì bị rơi vào sự nông cạn hớn hở của một niềm tin vào thế lực
chồng chất của phạm vi nhận thức, tức là quái thai của sự trùng phức".
Bài viết/quyển sách đưa ra nhiều luận điểm lắm, cũng
nhiều câu hay có thể xít tê lắm nhưng tôi đặc biệt quan tâm đến đoạn "Kết
luận". Vài đoạn trong đó:
"Chưa
bao giờ ngôn ngữ con người bị đổ vỡ như hiện nay. Tất cả những quyển sách của
Nguyễn văn Trung viết đều được hướng dẫn bởi một ý định: rao truyền một ý thức
hệ."
"Từ
lâu tôi không muốn nhắc đến tác phẩm của Nguyễn văn Trung; tôi muốn quên tên
anh như quên một thói xấu trong chính đời mình. Đối với tôi, Nguyễn văn Trung
không phải chỉ là tên anh, mà là tượng trưng cho sự nông cạn, nô lệ, phá sản của
giới trí thức Việt Nam hiện nay. Tên ấy gợi lên sự học vấn lừng khừng, suy tư
thiếu máu, cóp nhặt thiếu thông minh, kiêu ngạo ngu xuẩn, lưu manh nguy hiểm.
Tôi
đã tàn bạo khi viết những dòng trên.
Phải tàn bạo."
Phê
bình luận án Nguyễn văn Trung tức là phê bình cả sự nghiệp trí thức của Nguyễn
văn Trung, mà phê bình Nguyễn văn Trung thì cũng có nghĩa phê bình luôn Trần Thái
Đỉnh, Trần Hương Tử, Nguyễn Nam Châu, Hoàng Thái Linh và một số trí thức khác ở
Việt Nam.
Và
phê bình họ cũng có nghĩa là phê bình luôn những ông thầy của họ là La Vallée
Poussin, Dondeyne, Verneaux, A. Creson, R. Jolivet, P. Oltramare, Jean Wahl,
Henri de Lubac, Charles Moeller, vân vân.
Khi tôi nói về họ tôi không phải đứng trên một ý thức hệ để đối lại với một ý thức hệ.
Tôi phá hủy tất cả mọi ý thức hệ.
Máu lửa đang bùng nổ ở Việt Nam; hàng ngàn anh em chúng ta đang gục chết mỗi ngày; những con chim non bay tán loạn đầy trời; các anh đã làm gì với những ý thức hệ của các anh? Trên ‘Ngõ Về của Im lặng’ (aus dem Pfad des Schweigens), chúng ta đã nói nhau những gì?”
Phạm Công Thiện
[Trần Hương Tử là bút danh của Trần Thái Đỉnh, còn
Hoàng Thái Linh là bút danh Nguyễn Văn Trung thời kỳ đầu, khi hay viết cho tạp
chí Sáng Tạo và tạp chí Thế kỷ XX]
Theo Nhị Linh
Phải tàn bạo."
Khi tôi nói về họ tôi không phải đứng trên một ý thức hệ để đối lại với một ý thức hệ.
Tôi phá hủy tất cả mọi ý thức hệ.
Máu lửa đang bùng nổ ở Việt Nam; hàng ngàn anh em chúng ta đang gục chết mỗi ngày; những con chim non bay tán loạn đầy trời; các anh đã làm gì với những ý thức hệ của các anh? Trên ‘Ngõ Về của Im lặng’ (aus dem Pfad des Schweigens), chúng ta đã nói nhau những gì?”
Phạm Công Thiện
Nguồn:
http://nhilinhblog.blogspot.com/2010/06/pham-cong-thien-phe-nguyen-van-trung.html
PHỤ LỤC:
Những điều Phạm Công Thiện đã phê bình Gs Nguyễn Văn Trung:
Đọc xong tập luận án, dù vô tình đến thế nào, cũng thấy ngay rằng Nguyễn Văn Trung là một người học vấn nông cạn lôi thôi, và bởi nông cạn lôi thôi nên trở thành nguy hiểm. Giọng điệu Nguyễn Văn Trung mơ hồ bất nhất, tất cả lý luận đều nông cạn và cóp nhặt kẻ khác, kiến thức triết học Tây phương hãy còn kém cỏi (đó là chưa nói kiến thức quá sơ đẳng của Nguyễn Văn Trung về Phật học).
Nguyễn Văn Trung hoàn toàn dốt nát về Phật học, Nguyễn Văn Trung cũng lại hoàn toàn dốt nát về Tư Tưởng Tây Phương. Sự dốt nát ấy trở nên trầm trọng vì nó đưa người ta đồng lõa với một thế lực; với những thế lực đang tàn phá Việt Nam hiện nay.
Nguyễn Văn Trung luôn luôn nói đến “cảm thông”, “trao đổi”, “đối thoại”, “tha nhân”, “tôi anh” v..v… Nhưng sự thực như thế nào?
2. Phật Giáo Đại Thừa chỉ là Bà La Môn Giáo (tr. 131)
3. Phật Giáo không nắm được hiện tượng biến dịch (devenir) [tr. 118-119]
4. Phật Giáo không giải thích ý nghĩa đích thực của Trung Đạo (tr. 119-124)
5. Phật Giáo Nguyên Thủy đã tự đánh lừa một cách nặng nề (tr. 119-124)
6. Đức Phật đã xem NGÃ như là một thực tại siêu hình (tr. 130)
7. Phật Giáo không giải thích nổi hiện tượng luân hồi (tr. 133)
8. Phật Giáo chỉ là “cãi chữ”, đó chỉ là những “ngón, những thủ đoạn Phật Giáo (tr.133)
9. Phật Giáo Nguyên Thủy hoàn toàn duy vật (tr. 144-145)
10. Phật Giáo Nguyên Thủy là nạn nhân của chính luận lý học của họ, vì thế không giải thích nổi hiện tượng biến dịch (tr. 148)
11. Phật Giáo hoàn toàn chối bỏ trần gian hữu hình này (tr. 47)
12. Phật Giáo khác Thiên Chúa Giáo vì Thiên Chúa Giáo cứu chuộc lại trần gian này (tr. 47-48)
13. Đức Phật chỉ có tài phá hủy, chứ không thể xây dựng (tr. 65, 85)
14. Phật Giáo thiếu và nghèo ngữ vựng siêu hình (tr. 66)
15. Phật Giáo Nguyên Thủy cũng đã xa nguyên thủy (tr. 75)
16. Phật Giáo là theo duy nghiệm chủ nghĩa (tr. 86)
17. Những thầy chùa cũng chỉ là thầy chùa (tr. 91)
18. Phật Giáo luôn luôn cực đoan, không hề biết mực thước (tr.91) v..v..và v..v..
Phạm Công Thiện phê bình Gs Nguyễn Văn Trung đã viết về
Phật Giáo “theo điệu luận lý học nhà trường”.
(Nhà trường đây PCT cho rằng nhà trường Công Giáo ở Louvain dạy và quan niệm về
Phật thế nào thì ông Trung chỉ nhắc lại như con vẹt mà không hiểu mình nói cái
gì). Phạm Công Thiện còn nói rõ hơn thế nào là luận lý học nhà trường: “Luận lý học nhà trường (Louvain) không được
đi trên đường suy tưởng oanh liệt qua Platon, Aristote, Kant, Descartes, Hegel,
Nietzsche, Heidegger, mà chỉ là quái thai của tinh thần suy tưởng bắt đầu từ
Aristote và thành hình quyết liệt nơi Thomas d’Aquin..”
*
Kỳ sau:
Kỳ sau:
Mời đọc bài "ÔNG PHẠM CÔNG THIỆN" của giáo sư
Nguyễn Văn Trung
1 nhận xét:
Gs Nguyễn Văn Trung sinh ngày 26-9-1930, tại làng Thanh Hương, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam; còn có bút hiệu là Phan Mai và Hoàng Thái Linh. Xuất thân trường Dòng Puginier và chủng viện Hoàng Nguyên trước khi chuyển qua học Chu Văn An, Hà Nội. Từ 1950 đến 1955 ông được gửi đi du học Âu châu, ban đầu ở Pháp rồi qua Bỉ, đậu cử nhân triết học Đại học Louvain, Bỉ. Năm 1955 về Sài Gòn dạy trường trung học Chu Văn An, và sau đó là Đại học Huế.
Năm 1961 ông trở lại Bỉ, trình luận án tiến sĩ về Phật Học cũng tại Đại học Louvain với đề tài: “La Conception Bouddhique du devenir, Essai sur la notion du devenir selon la Stharivanâda.”
Về nước ông dạy Triết và Văn ở Đại học Văn Khoa Sài Gòn và Đại học Huế. Tại Đại học Văn Khoa Sài Gòn, ông là Trưởng ban Triết Tây phương, có thời gian được bầu làm Khoa trưởng Đại học Văn khoa Sài Gòn (1969).
Sau 1975, không được trở lại giảng dạy, ông chỉ có thể làm công việc nghiên cứu văn học và triết học tại Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp TP. HCM, với một chuyển hướng quan trọng, ông tập trung vào nghiên cứu văn hoá miền châu thổ Sông Cửu Long với thành quả là bộ sách “Lục Châu Học”, ông cũng có công phát hiện cuốn sách quốc ngữ đầu tiên: “Thầy Lazaro Phiền” của Nguyễn Trọng Quản, do cơ sở J. Linage Saigon xuất bản năm 1887, tiến tới phủ nhận tác phẩm “Tố Tâm” xuất bản năm 1925 ở ngoài Bắc bấy lâu vẫn được xem là áng văn quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam.
Mười tám năm sau 75, từ cuối 1993 Nguyễn Văn Trung đã cùng với gia đình rời Việt Nam, sang đoàn tụ với người con trai lớn Nguyễn Quốc Bảo là boat people đang định cư tại Montréal, Canada. Và sau đó, Nguyễn Văn Trung vẫn có những chuyến về thăm Việt Nam, sang Mỹ và Pháp.
Đăng nhận xét