BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2023

ĐỌC “NGƯỜI ĐÀN BÀ LÀM THƠ” CỦA THI SĨ ÁI NHÂN – Phạm Đức Nhì


Nhà bình thơ Phạm Đức Nhì
 
Lời Nói Đầu
 
Tôi chưa quen thi sĩ Ái Nhân nhưng biết anh, nghe tiếng anh qua bạn bè anh, những người yêu thích thơ anh trên Facebook. Thỉnh thoảng tôi cũng “gặp” thơ anh trên vài trang web văn học mà tôi cộng tác.
 
Nói chung, anh có kỹ thuật thơ vững, ngôn ngữ hình tượng đẹp, câu cú chắc gọn, ý tứ “dễ bắt”.
 
Tôi có cảm tình với Người Đàn Bà Làm Thơ của anh nên nổi hứng đưa ra vài nhận xét mang tính kỹ thuật. Tôi muốn nói đây không phải là một bài bình thơ.
 
NGƯỜI ĐÀN BÀ LÀM THƠ
 
Người đàn bà làm thơ
Tự tình cùng ký ức
Hôn lên rưng rức nỗi buồn
Nhặt mảnh trăng rơi, mơ hồ hạnh phúc
 
Trở lại bến xưa
Ngược dòng hò hẹn
E thẹn lời yêu
Ngang chiều ngần ngại
 
Người đàn bà làm thơ
Ngỡ mình trẻ lại
Hân hoan dâng môi trinh con gái
Lên tình đầu vụng dại…
 
Khao khát tri âm
Ru thầm bóng ước
Lệ lòng đẫm ướt… lên trăng
 
                                Ái Nhân             
 
 
Vài Nhận Xét Kỹ Thuật
 
 
Thoạt nhìn tôi đã thấy thích cái vóc dáng của Người Đàn Bà Làm Thơ. Nhưng tôi vẫn chưa đủ mạnh miệng gọi Nàng là bài thơ. Lý do tôi sẽ giải thích ở phần sau.
 
1/ Nàng có hình thức của Thơ Mới, nói rõ hơn là Thơ Mới Biến Thể - có mấy điểm phá cách quan trọng.
                 
2/ Nàng không phải loại Trường Thiên phân mảnh đứt đoạn mà là “nhất khí liền mạch”. Những mảnh nhỏ của tứ thơ không quyện với nhau tuôn chảy thành dòng nhưng cũng có nối kết, tuy hơi lơi lỏng, từ câu đầu đến câu cuối.
 
3/ Sợi dây trói buộc đầu tiên của luật Thơ Mới đã được cắt bỏ. Số chữ trong câu thay đổi rất thoải mái, tùy tiện, không tuân theo một quy định bó buộc nào. Nhịp điệu của Nàng nhờ thế uyển chuyển, nhịp nhàng chứ không đều đều, tẻ nhạt.
 
4/ Phá cách đặc biệt nhất của Nàng là cách gieo vần. Tác giả sử dụng cả cước vận lẫn yêu vận (những chữ màu đỏ và màu xanh). Ngoài ra còn có 3 chữ in đậm màu đen (thơ xưa thơ) tuy ở cách xa nhau nhưng cũng đóng góp vị ngọt cho cả bài.
 
Với tôi, đây là kỹ năng gieo vần tài hoa. Tiếc là ở 3 đoạn sau vần dầy đặc mà câu lại ngắn nên độ ngọt của vần quá đậm. Nhịp điệu uyển chuyển đã hóa giải gần hết nhưng khi đọc lên vẫn còn chút ít - rất ít - cảm giác nhàm chán vần
 
Người Đàn Bà Làm Thơ cũng có khuyết điểm. Ở đây tôi chỉ nói đến khuyết điểm quan trọng nhất về cái gốc của thơ.
 
Vai Trò Của Lý Trí Trong Thơ
 
Theo tôi, mức độ hiện diện của lý trí đóng vai trò quan trọng trong việc thẩm định giá trị nghệ thuật của một bài thơ. Càng ít lý trí, cảm xúc càng nhiều, bài thơ càng hay, càng dễ có hồn.
 
Nếu kỹ thuật thơ đạt đến một trình độ nào đó thi sĩ có thể đẩy cảm xúc lên cao ngất, “trục xuất” lý trí ra khỏi bài thơ.
 
Khi lý trí mất hẳn, cái tôi đích thực của thi sĩ được hồi sinh; những gì viết ra là tâm tình Chân Thật của một Con Người (viết hoa).
Ngược lại, bài thơ càng nhiều lý trí thì càng “khô cứng”, càng dở. Nếu đến mức để lý trí độc quyền điều khiển ngôn ngữ, thế trận của “bài thơ” thì “bài thơ” đó sẽ không được gọi là thơ mà bị xếp vào một “thể loại khác” - một thứ cây dị chủng trong vườn thơ.
Có hai đặc tính để nhận ra một “Bài Thơ” không phải là Thơ:
 
1/ Nó hoàn toàn là sản phẩm của lý trí, đến từ bề mặt của ý thức; tâm của tác giả chưa có cơ hội đối diện với, hoặc bước vào, khung cảnh của bài thơ.
 
Hoặc là:
2/ Tâm của tác giả đã bước vào khung cảnh của “Bài Thơ” nhưng chưa có câu Sinh Tình.
 
Trở Lại Với “Người Đàn Bà Làm Thơ”
 
Thi sĩ Ái Nhân viết NĐBLT với tâm thế của môt quan sát viên -người đứng ngoài chú ý quan sát. Những gì viết ra không phải là tâm tình của anh mà chỉ là những suy nghĩ, phỏng đoán khi nhìn một người đàn bà – do anh tưởng tượng ra – đang làm thơ.
 
Anh đã dùng kiến thức, sự hiểu biết của mình về tiến trình làm thơ nói hộ Nàng những xao xuyến, rung động và cả “những bước đi trong tâm trạng” của một người đàn bà đang làm thơ.
 
Anh viết NĐBLT chỉ bằng kiến thức của mình. Đối diện với cảnh thơ anh chỉ đưa lý trí ra nói chuyện. Còn tâm hồn anh trong cái tôi riêng tư đã đi lạc ở một phương trời nào đó xa tít.
 
 
Chính vì thế tôi đã đi đến kết luận Người Đàn Bà Làm Thơ của thi sĩ Ái Nhân chỉ là thứ cây dị chủng trong vườn thơ. Nó không phải là thơ.
 
Vài Thí Dụ Để Giúp Độc Giả Tự Phân Biệt
                                      
1/
Một bài thơ của chính Ái Nhân Thi Sĩ:
 
CÁI TÔI
 
Cái tôi mày xấu quá chừng
Vì mày tao cũng đã từng đắng cay
Ngạo đời, kệch cỡm khoe say
Biết đâu cũng giống mây bay vô thường
 
Oai phong vênh váo hoang đường
Hư danh bao gã cũng phường thảo mai
Vì mày ối đứa tưởng oai
Kiêu căng một đám choai choai khoe tiền
 
 
Cái tôi gieo rắc tỵ hiềm
Tan như bong bóng rơi miền… ảo hoang
 
                        Hà Nội, 26 tháng 4, 2020
                           Ái Nhân Bùi Cao Thế
                                             
“Cái Tôi” chỉ là danh từ chung. Chữ “mày” cũng là “cái tôi” chung chung đó.
Chữ “tao” mới chính là “cái tôi riêng tư của thi sĩ” đã bước vào cảnh thơ. Chữ “tao” đã thay đổi hẳn “cục diện chiến trường”
Bài CÁI TÔI của Ái Nhân Thi Sĩ hay hoặc dở tôi chưa bàn tới nhưng, với sự xuất hiện của chữ “tao”, NÓ đã rất xứng đáng với danh hiệu THƠ.
 
2/
Một thí dụ khác do tôi (PĐN) chế ra để minh họa.
 
HAI LOẠI ĐÀN BÀ
 
Chỗ tôi ở
có hai loại đàn bà
loại chính chuyên chung thủy với chồng
một dạ một lòng
chăm sóc gia đình con cái
 
Còn loại khác
có tâm hồn hoang dại
không thích lấy chồng
đến với đàn ông
chỉ để thỏa mãn thú vui xác thịt
 
Tôi thích loại đàn bà thứ hai.
 
Cả hai đoạn đầu chỉ là những gì thuộc dạng kiến thức - sản phẩm của lý trí. Đến câu cuối cùng
 
“Tôi thích loại đàn bà thứ hai”
 
tác giả mới cho “cái tôi riêng tư” của mình bước vào đóng vai câu thơ sinh tình. Cả bài đã đủ điều kiện để được gọi là thơ.
 
3/
 
TẠI SAO CÓ MƯA?
 
Nước từ biển bốc hơi
Thành mây trắng trên trời
Nếu gặp luồng khí lạnh
Thì sẽ có mưa rơi
 
Đây có lẽ là một đoạn văn vần do thầy (cô) giáo nào đó môn Khoa Học Tự Nhiên đặt ra để học trò dễ nhớ. Nó chỉ là sản phẩm của lý trí, không phải là thơ.
 
4/
 
MUỐN LÀM MÂY TRẮNG
 
Tôi muốn làm mây trắng
Bay về Huế mộng mơ
Chờ đến khi nắng hạn
Đổ xuống một trận mưa

Tâm tình của một người nặng tình với Huế. Đã có cái tôi riêng tư, đã có cảm xúc. Đây đích thị là thơ.
 
5/
 
A WORD IS DEAD
 
A word is dead
When it is said
Some say
 
I say it just
Begin to live
That day
 
Dịch thoát:
 
Một số người cho rằng
Một chữ khi được nói (viết) ra
Là đã chết
 
Tôi nói
Nó chỉ bắt đầu sống
Từ hôm đó.
 
Đây là một kiệt tác thuộc loại thơ trí tuệ (rất ít cảm xúc) của Emily Dickinson.
 
Chữ “Tôi” (cái tôi riêng tư của tác giả) đã bước vào cảnh thơ và đã bày tỏ quan điểm của mình. A Word is Dead đích thị là thơ.
 
“Thơ Nhưng Không Phải Thơ” Của Vài Thi Sĩ Nổi Tiếng
 
1/
 
TRÒ CHƠI CỦA ẢO GIÁC
 
Không. Bàn tay chúng ta chuyển động. Không. Cái ly chuyển động
Không. Rượu chuyển động. Không. Đôi chân chúng ta chuyển động .Không.
Con tàu chuyển động. Không. Nhà ga chuyển động
Không. Thành phố chuyển động. Không. Con cá bơi
Không. Nước bơi. Không. Dòng sông bơi .Không.
Con chim bay. Không. Cái cây bay. Không. Bầu trời bay
 
Không. Tất cả không. Chỉ cái chết chuyển động
Và mang theo chúng ta.
                                                        (thivien.net)
 
Đây là bài của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Đương Kim Chủ Tịch Hội Nhà Văn Việt Nam.
 
Bài này không có cái tôi riêng tư, không có cảm xúc, không có chất tình. Đạo quân chữ nghĩa hoàn toàn do lý trí điều khiển nên chỉ là một loại cây dị chủng trong vườn thơ, chưa đủ điều kiện để được gọi là thơ.
 
2/
 
THỜI GIAN NHƯ TIỀN BẠC
 
Thời gian như tiền bạc
Anh sống qua một ngày
Thì có nghĩa ngày ấy
Không còn nữa từ nay
 
Thời gian như tiền bạc
Nhớ tiết kiệm từng đồng
Tiền bạc kiếm lại được
Còn thời gian thì không
Nguồn: Châm ngôn mới (thơ), Thái Bá Tân, NXB Lao động, 2013
 
Nhà giáo Thái Bá Tân đang dùng kỹ năng sư phạm để giảng cho học trò biết “thời gian như tiền bạc”. Lời giảng rất mạch lạc, dễ hiểu nhưng chỉ toàn là lý trí, không có chất tình. Tâm hồn ông đã đi lạc vào một cõi xa xăm nào đó.
 
Có lẽ vì thế ông bị chê là “làm thơ hóa ra viết vè”. Cũng may, trong số thơ ông viết chỉ có một số ít bài vè như bài này thôi.
 
TO WAIT AN HOUR IS LONG
 
To wait an hour is long
If Love is just beyond
To wait Eternity is short
If Love reward the end.
 
Tự dịch:
 
Chờ một ngày là dài
Nếu tình yêu ngoài tầm tay với
Chờ suốt kiếp là ngắn
Nếu phần thưởng là tình yêu ở cuối đường.
 
Bài này cũng của Emily Dickinson, một nhà thơ lớn nổi tiếng về thơ trí tuệ của nước Mỹ. Rất tiếc chỉ toàn là sản phẩm của lý trí, không có chữ tình và chất thơ.                                     
 
Nếu nói rõ ngọn ngành thì trong To Wait an Hour is Long tâm của tác giả chưa đối cảnh, cái tôi riêng tư chưa xuất hiện, “tứ thơ” mới chỉ ở dạng kiến thức - là sản phẩm của lý trí – nên chưa thể gọi là thơ.
 
Trước Khi Kết Luận
 
Dưới đây là bài ca dao:
 
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ, kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
 
Một nhà nho đã đem quan niệm về chữ hiếu của Khổng Tử dàn trải trong 4 câu lục bát để loan truyền trong dân gian. Đây chỉ là sản phẩm của lý trí, “cái tôi riêng tư của tác giả” chưa có mặt, tâm chưa đối cảnh, không có một mảy may cảm xúc.
“Đây không phải là thơ!”
Không phải một mà nhiều thầy cô giáo dạy tôi ở tiểu học và trung học đã nhấn mạnh như thế.
 
Nếu độc giả đồng ý với các thầy cô giáo của tôi ngày xưa thì bài viết này của tôi không đến nỗi uổng phí.
 
Kết Luận
 
Xin phép độc giả được gởi vài dòng đến Ái Nhân Thi Sĩ để thay phần kết của bài viết.
 
Ái Nhân Thi Sĩ thân mến,
 
Với ngôn ngữ thơ đẹp lộng lẫy cao sang như thế, với kỹ năng gieo vần tài hoa như thế, cộng với lối làm thơ coi luật tắc như “pha”, sẵn sàng đạp đổ, phá bỏ khi cao hứng như thế, con đường thơ của anh đang mở rộng thẳng hướng Bến Bờ Thơ Ca.
 
Đưa cái tôi riêng tư vào bám chặt lấy tứ thơ thì tâm hồn mình sẽ không có cơ hội đi lạc, tránh được cái lỗi quan trọng mà ngay cả những thi sĩ tiếng tăm cũng có khi mắc phải: “Làm thơ hóa ra viết vè” hoặc “Đem vào vườn thơ loại cây dị chủng, ‘chẳng phải thơ’”.
 
Hơn nữa, dùng lý trí để “nói hộ” tâm sự của người khác sẽ không sướng, không “đã” bằng bộc lộ chính tâm sự của mình. Cái sướng đó sẽ làm cảm xúc lớn mạnh hơn, bài thơ sẽ hay hơn.
 
Tôi làm thơ từ rất sớm và đã không ít lần thả tâm hồn mình đi lạc. Gởi đến anh bài viết này để đất nước Việt Nam chúng ta khỏi phí một tài thơ.
 
League City (Texas) 16 tháng 2 năm 2023
 
                                                                          Phạm Đức Nhì
                                                                    nhidpham@gmail.com
 
CHÚ THÍCH:
 
Bài này có sử dụng một số thí dụ trong các bài viết khác của cùng tác giả.

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

cảm ơn thi huynh nhiều!