BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 21 tháng 12, 2022

ĐỌC “TRẦM TÍCH CA” TẬP THƠ CỦA LÊ GIAO VĂN - Châu Thạch


   
Nhà thơ Lê Giao Văn, bạn tôi, vừa xuất bản tập thơ lấy tựa đề “Trầm Tích Ca”.
 
Viết cho bạn là đương nhiên nhưng dầu là bạn mà thơ không hay thì cũng không viết, bởi viết như thế thì hại mình trước tiên chớ chưa nói là hại bạn. Thế nhưng “Trầm Tích Ca” đã được một nhà phê bình văn học có uy tín  Nguyễn Công Lý khen là “Những lời thơ lắng đọng qua một giọng thơ hào sảng của thi sĩ lãng du”, thì sao tôi lại không  viết cho bạn tôi được.
 
Châu Thạch và Lê Giao Văn

Quả thật vậy, thơ trong “Trầm Tich Ca” được nhận xét “Lục bát thì mượt mà tình cảm, Đường Luật chuẩn niêm, chuẩn luật, không bệnh, thơ tự do thì phóng khoáng, ý tưởng tràn trề, câu chữ nhảy múa, viết về bạn bè đậm tình tương ngộ tương giao, viết về vợ thì dạt dào sâu đậm tình nghĩa thuỷ chung. ‘Trầm Tích Ca’ có ngôn ngữ giản dị, diễn đạt trong sáng,  tất cả ăm ắp, sâu đậm nỗi niềm…”
 
Vậy thì tôi xin bình một bài thơ tiêu biểu để xem nó có thật như nhận xét trên không. Bài thơ “Trầm Tích Ca” đăng ở trang 19 được dùng làm tựa đề cho cả tập thơ:
 
 Khổ 1 của bài thơ như sau:
 
Đời dấu trong anh vài hớp rượu
Anh dấu trong anh cái khốn cùng
Mai – nếu em làm viên đá cuội
Anh làm khe nước để bao dung
 
Chỉ đọc hai câu thơ đầu của khổ đầu, ta cũng có thể hiểu khái quát tâm trạng của nhà thơ đang sống giữa cuộc đời nầy. “Đời giấu trong anh vài hớp rượu/ Anh giấu trong anh cái khốn cùng”: “Giấu” là để một vật vào nơi kín đáo không ai thấy hay không cho ai biết một điều mình đã biết. Trong nền văn hoá nước ta rượu tượng trưng cho lễ, rượu thể hiện cho niềm vui, rượu còn là phần thưởng để ban cho người khác. Đời giấu trong nhà thơ Lê Giao Văn vài hớp rượu nghĩa là đời keo kiết với anh. Đời chỉ cho anh vài hớp rượu hay suy ra đời chỉ cho nhà thơ một vài niềm vui nhỏ, những niềm vui đó cũng chỉ có anh âm thầm tự biết trong lòng mình mà thôi.
 
Từ câu thơ thứ nhất đọc qua câu thứ hai, ta hiểu cuộc đời của thi nhân niềm vui thì ít  nhưng khốn cùng thì nhiều. Ngược lại với đời, Lê Giao Văn không giấu niềm vui đến với mình mà lại giấu sự khốn cùng nhiều lần đến với đời anh: “Anh giấu trong anh cái khốn cùng”. Qua câu thơ ta hiểu Lê Giao Văn là con người luôn luôn lạc quan yêu đời, anh nuốt vào lòng những đắng cay mà đời đem đến, giấu đi những phiền muộn ưu tư để cất tiếng cười sảng khoái, nâng ly, ngâm thơ ca hát trả lễ cho đời, vui cùng bạn hữu, cho, hay làm quà tặng tha nhân.
 
Ai chơi với Lê Giao Văn thì biết rằng hai câu thơ trên nói lên điều rất thật.
 
Hai câu thơ tiếp theo “Mai - nếu em  làm viên đá cuội/ Anh làm khe nước để bao dung” cho ta hiểu được tấm lòng trong veo mát rượi của nhà thơ. Lê Giao Văn dùng đá cuội là loại đá đa dạng màu sắc, có tính thẩm mỹ cao đem làm hình tượng em  như là phát hiện một tứ thơ mới độc đáo trong thi ca. Em là viên đá cuội còn anh là khe nước cho ta hình dung được cảnh đẹp thiên nhiên. Đem cảnh đẹp thiên nhiên đó làm bức tranh thể hiện cuộc tình chung thuỷ, lặng lờ, âu yếm, bao dung đã nói hết được tấm lòng quảng đại, tình yêu trường tồn, vị tha của tác giả.
 
Đọc qua khổ thơ thứ hai, ta biết Lê Giao văn là con người bốc lửa, chơi là chơi đến cùng, yêu là yêu đến tận, nhà thơ bị tù túng trong cuộc đời nầy bởi những ràng buộc trần gian:
 
Đời dạy làn hơi chừng mực quá
Làm sao tim phổi ngực… căng hơi
Anh thương những giọt nồng men lửa
Như đã thương em đốt nỗi sầu
 
Ai chơi với Lê Giao Văn thì biết nhà thơ uống như hủ chìm nghĩa là như chiếc hủ chìm xuống đáy dòng sông, bất cần nổi lên hay chẳng nổi lên. Ai chơi với Lê Giao Văn thì biết nhà thơ uống như Lưu Linh, nghĩa là uống như một trong Trúc Lâm Thất Hiền thời xưa, là những danh sĩ uống rượu làm thơ mà người đời ca tụng. Ai chơi với Lê Giao Văn thì biết nhà thơ làm thơ trên bàn rượu lưu loát như gió như trăng, đọc thơ trên bàn rượu có khi như tiếng sóng gầm, có khi như tiếng suối reo, quả là Hồ Trường “Rót về Đông phương, nước biển Đông chảy xiết sinh cuồng  loạn / Rót về Tây phương, mưa  phương Tây từng trận chứa chan.. .”  Bởi thế khi đọc khổ thơ trên ta hiểu nhà thơ như con Hổ của Thế Lữ đau lòng nằm nơi “tầm thường giả tạo” chịu sự gò bó của “Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng”. Với tấm lòng “bao dung” Lê Giao Văn yêu, nhưng đã yêu thì nóng như “giọt nồng men lửa” để “đốt nỗi sầu” cho cháy bùng lên.
  
Khổ thơ thứ ba:
 
Rượu và em -  hiện thể bình thường
Như trăng với nước mãi hoài thương
Chờ qua khỏi dốc cơn tình mộng
Anh lại thương anh cái dị thường
 
Nhà thơ yêu rượu và yêu em ngang nhau. Tình yêu đó trong trẻo vô biên và quyến luyến vô cùng, như trăng và nước muôn đời tồn tại trong thi ca. Tình yêu đó của Lê Giao Văn “nồng men lửa”, “đốt nỗi sầu” nhưng nó không phải là những con đường  bằng phẳng có trăng và nước để “mãi  hoài thương”. Rượu và em trong Lê Giao Văn có khi là những “cái khốn cùng” mà nhà thơ phải giấu đi, để một mình vượt “qua khỏi dốc cơn tình mộng” của mình.
 
Là thi sĩ nghĩa là phải mộng, phải “Ru với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn  cùng mây”. Lê Giao Văn là thi sĩ, còn là thi sĩ có con “tim phổi ngực… căng hơi”, nhưng ngược lại “đời chừng mực”, tình yêu em cho cũng “chừng mực quá”, rượu uống vì yêu cũng “chừng mực”, không giãi được thành sầu, cho nên tâm tư phải vượt qua bao con dốc là chuyện bình thường. Khi vượt qua con dốc rồi, nhà thơ nhìn lại chỉ thấy mình cô đơn, chỉ thấy mình dị thường, chỉ thấy mình phải yên lặng để “Anh dấu trong anh cái khốn cùng”. Từ đó Lê Giao Văn thốt lên câu thơ tán thán: “Anh lại thương anh cái dị thường”, dị thường vì đã yêu rực lửa, dị thường vì đã uống lưu linh, dị thường vì đã đối đãi với đời trung thực, mà bây giờ qua con dốc tình mộng thấy mình tay trắng, lạc lỏng, bơ vơ! Khổ thơ diễn đạt sự hụt hẫng của một con người năng động, của một tình yêu đam mê và của một linh hồn thật thà cả tin và phóng khoáng.
 
Khổ thơ thứ bốn và cũng là khổ thơ cuối cùng của bài thơ:
 
Rượu rót cho đời vài chất độc
Anh rót cho anh cái mỏi mòn
Đời hóa thân em ly rượu đắng
Anh hoá vần thơ chết… khỏi chôn.
 
Lê Giao Văn tắm mình trong rượu, tắm mình trong tình để cuối cùng ngộ ra rượu và tình hay rượu và em đều là chất độc. Biết thế nhưng không có rượu, không có em thì không thể có vần thơ. Nhà thơ tự nguyện hiến dâng mình cho rượu và em, nghĩa là nhà thơ tự nguyện hóa thành vần thơ, cho dầu vần thơ đó một ngày kia có chết đi cũng “khỏi chôn”, bởi vì thơ thì không có thể xác, nó sẽ bay vào thời gian, tồn tại trong không gian vĩnh viễn đến muôn đời.
 
 Bài thơ “Trầm Tích Ca” nói đến rượu, nói đến tình, nói đến đời nhưng cuối cùng mục đích của nó là gì? Mục đích là tôn vinh thơ. Thơ hiện hữu trong rượu, thơ hiện hữu trong tình, thơ căng đầy buồng tim lồng ngực để cuối cùng tất cả cái đó ở trong anh để “Anh hoá thành vần thơ chết…khỏi chôn”.
 
“Trầm Tích Ca” của Lê Giao Văn là bài ca của sự lắng đọng, nhưng không phải là sự lắng đọng của đất đá xuống đáy dòng nước mà là sự chắt lọc tinh tuý của tinh thần trong sự sống. Tinh tuý ấy chìm xuống đáy dòng đời, hiện nguyên hình thành thơ trong con người thơ. Con người thơ đó là Lê Giao Văn vì Lê Giao Văn đã hoá thành vần thơ trong cả cuộc đời anh!
                                                                                                                                                                                                      Châu Thạch

Không có nhận xét nào: