Trong những năm 1930, trường Thăng Long trở thành trường
có uy tín ở Hà Nội. Nhiều nhân vật nổi tiếng đã từng dạy học tại đây.
Nằm ở đầu phố Ngõ Trạm giáp phố Phùng Hưng là ngôi trường
nổi tiếng có từ lâu đời: trường tư thục Thăng Long.
Ban đầu trường Thăng Long không nằm ở đây. Khởi nguồn
của trường này là Trường Tiểu học Thăng Long ở số 2 phố Takou (phố Hàng Cót).
Trường do ông Phạm Hữu Ninh sáng lập vào năm 1928.
Trường
tư thục Thăng Long. Nguồn: ththanglong.
Ông Phạm Hữu Ninh (1889-1966), người xã Phượng Vũ, huyện
Thường Tín vốn là Thông phán Phủ Toàn quyền và từng được bầu làm Nghị viên dân
biểu Bắc kỳ. Ông Ninh cũng là người quản lý các tờ Nông Công Thương báo, Phong
Hóa tuần báo. Là người tâm huyết với giáo dục, năm 1928 ông Phạm Hữu Ninh xin
nghỉ việc, cùng hai người bạn là Nguyễn Văn Tòng và Đào Thiện Ngôn lập ra Trường
Tiểu học Tư thục Thăng Long ở số 2 phố Hàng Cót.
Hồi mới thành lập, trường Thăng Long chỉ có lớp Sơ đẳng
và lớp năm thứ nhất bậc Thành chung, trường không có cấp Trung học. Về cơ bản,
trường Thăng Long chả có tên tuổi gì và bị lép vế hoàn toàn với các trường nổi
tiếng như Gia Long, Bưởi.
Năm 1934, ông Phạm Hữu Ninh cùng các trí thức như Nguyễn
Dương, Hoàng Minh Giám, Đặng Thai Mai, Phan Thanh, Nguyễn Cao Luyện, Tôn Thất
Bình, Đặng Vũ Xích thành lập Hội mở mang nền tư thục (A.D.E.L). Sau đó nâng cấp
Trường Tiểu học Thăng Long ở Hàng Cót lên cấp Tú tài (trung học) và chuyển địa
điểm về Ngõ Trạm.
Năm 1935, trường Trung học tư thục Thăng Long ở phố
Ngõ Trạm được thành lập. Niên học 1935-1936 là niên khóa thứ nhất của trường.
Khi trường mới chuyển về Ngõ Trạm, nơi đây chỉ có dãy
nhà thấp một tầng và khá xập xệ. Quyết định thành lập trường Trung học Thăng Long,
các thành viên sáng lập thống nhất mỗi người đóng góp cổ phần 200 đồng Đông
Dương. Tuy nhiên số tiền này quá nhỏ để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất.
Nhưng thật may là kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện quen một
nhà thầu khoán nhận sửa chữa, thi công. Chi phí, tiền nong được nhà thầu khoán
đồng ý cho trả dần theo tuần. Nhờ đó mà trường được nâng cấp khang trang lên
hai tầng.
Thời điểm này ở Hà Nội có nhiều trường tư nhưng chỉ có
hai trường to có thể đào tạo học sinh đi thi Tú tài là trường tư thục Hồng Bàng
(phố Hàng Trống) và trường Gia Long (phố Phủ Doãn).
Cả hai trường này hiệu trưởng đều là người Pháp. Để
thu hút học sinh về trường Thăng Long, những người sáng lập trường đã mạnh dạn
đầu tư mời các giáo sư uy tín về trường dạy với mức lương hàng tháng là 150 đồng,
kể cả nghỉ hè vẫn hưởng nguyên lương.
Nhờ đó mà trong kỳ khai giảng năm học mới, học sinh
các nơi nghe tin trường Thăng Long có thầy dạy giỏi nên đã kéo sang rất đông.
Các
nhà giáo tiêu biểu của trường Tư thục Thăng Long. Nguồn: ththanglong.
Trong những năm 1930, trường Thăng Long trở thành trường
có uy tín ở Hà Nội. Nhiều nhân vật nổi tiếng từng dạy học tại đây như đại tướng
Võ Nguyên Giáp; cụ Phó bảng Bùi Kỷ; luật sư Phan Anh; nhà văn Nguyễn Tường Tam
(Nhất Linh); họa sĩ Nguyễn Cát Tường (Lemur), nhà thơ Xuân Diệu…
Cách mạng tháng Tám năm 1945 làm nhân sự của trường có
nhiều xáo trộn. Do nhiều giáo sư giảng dạy tại trường tham gia cách mạng nên
ông Phạm Hữu Ninh chỉ duy trì các lớp tiểu học. Trường Thăng Long lúc này chuyển
địa điểm dạy về khu trường Phổ thông ở phố Hàng Bột (phố Tôn Đức Thắng), còn địa
điểm cũ ở phố Ngõ Trạm mới là văn phòng tiếp nhận đơn xin học. Lớp khai giảng đầu
tiên sau Cách mạng tháng Tám vào ngày 1/12/1945.
Cuối năm 1946, Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Trường
Thăng Long không còn hoạt động nữa, ông Phạm Hữu Ninh tản cư về Vĩnh Yên sinh sống.
Năm 1948, ông Ninh quay trở lại Hà Nội (lúc này đang thuộc quân Pháp kiểm soát)
quyết tâm khôi phục lại trường Thăng Long.
Do ngôi trường này có nhiều nhân sĩ, nhà cách mạng từng
giảng dạy nên chính quyền tạm chiếm rất chú ý. Để che mắt, ông Phạm Hữu Ninh đổi
tên thành Trường Tiểu học Thủ Đô và tiếp tục tuyển sinh mở lớp tiểu học. Tiếp nối
truyền thống trước đó, Trường Thủ Đô trở thành cơ sở cho cán bộ nội thành của
chính quyền cách mạng.
Năm 1954, Hà Nội được giải phóng, Trường Thủ Đô trở về
tên xưa là Trường Thăng Long và thành trường công lập. Ông Phạm Hữu Ninh được bổ
làm hiệu trưởng của trường cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1957.
Kể từ tên Thăng Long học hiệu đầu tiên trên phố Hàng
Cót, đến nay trường Thăng Long đã có hơn 90 năm hình thành và phát triển. Từ
mái trường này, nhiều thế hệ học sinh trưởng thành và không ít người trong số họ
trở thành nhân vật nổi tiếng, có những đóng góp không nhỏ cho nước nhà.
Có thể kể đến một số tên tuổi cựu sinh viên trường
Thăng Long như Trung tướng Lê Quang Đạo (Chủ tịch Quốc hội), nhà báo Nguyễn
Thành Lê (Phó Tổng biên tập báo Nhân dân), họa sĩ Văn Đa, họa sĩ Phan Kế An,
nhà văn Vũ Tú Nam, bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng (Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội)…
Ngày nay đi trên phố Phùng Hưng ta vẫn thấy Trường Tiểu
học Thăng Long. Những biến thiên của dòng chảy lịch sử khiến ngôi trường tư thục
này đã thay đổi, nhưng ẩn hiện đâu đó vẫn còn thấy dáng vẻ ngày nào của “Thăng Long học hiệu” nổi tiếng một thời.
Tạ Thu Phong
-------------------
*
Tên bài viết trong sách: Trường tư thục Thăng Long.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét