BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2022

CHỮ XUÂN 春 - Phiếm luận của Đỗ Chiêu Đức


Thiên hữu tứ thời XUÂN tại thủ
               
Thiên hữu tứ thời XUÂN tại thủ 天有四時春在首, là "Trời có bốn mùa, XUÂN là mùa đứng đầu". XUÂN là chữ Hội Ý trong Lục Thư là một trong 6 cách hình thành chữ Nho, theo diễn tiến của chữ viết như sau:

     Giáp Cốt Văn        Đại Triện     Tiểu Triện    Lệ Thư   Chữ Dị Thể 

Ta thấy:
           
Từ Giáp Cốt Văn cho đến Đại Tiểu Triện đều là hình tượng của bộ Thảo là Cỏ ở phía trên và chữ Đồn bên dưới tượng trưng cho các mầm non của cây cỏ nức đất vươn lên, bên cạnh là  hình tượng của chữ Nhật là mặt trời là ánh nắng của mùa xuân giúp cho cỏ cây phát triển sau những ngày đông tháng giá; nên XUÂN là mùa Xuân, mùa đầu tiên trong năm khi tiết trời trở lại ấm áp. Chưa có chữ NHO nào có diễn tiến phức tạp và thay đổi kiểu viết nhiều như chữ Xuân vậy. Có thể là do những ngày đông rét mướt vạn vật cỏ cây đều héo úa tàn tạ, vào xuân lại được dịp tái sinh, nên các mầm sống thi nhau phát triển, vì thế mà chữ viết cũng phát triển đa dạng theo như vạn vật đang hồi sinh chăng  ?! Mời xem diễn tiến chữ viết của chữ XUÂN qua các hình thức sau đây:
           
       
XUÂN là mùa đầu tiên trong năm, nên những ngày Lễ Hội đầu năm được gọi là XUÂN TIẾT  春節, là những ngày Lễ Tết của buổi đầu xuân, nên ta còn gọi "Ba ngày Tết" là "Ba ngày Xuân".  Đón Xuân là đón Tết, và "Ăn Tết" là để "Mừng Xuân". Tất cả những hoạt động của ngày Tết thường đều có chữ Xuân chen vào, như chợ bán hoa ngày Tết thì gọi là "Hội Hoa Xuân", đi dự hội ngày Tết thì gọi là "trẩy hội Xuân", đi lễ chùa ngày Tết thì gọi là đi "Lễ Xuân" như trong bản nhạc "Câu Chuyện Đầu Năm" của nhạc sĩ Hoài An:
                              
Trên đường đi Lễ Xuân đầu năm...
        
Nói theo chiết tự thì chữ XUÂN được viết theo thứ tự: Chữ Nhất , chữ Nhị rồi chữ Tam , xong chồng bộ Nhân lên trên và phía dưới cùng là chữ Nhật .  Ghép tất cả các phần trên lại ta có chữ XUÂN . NHẤT là Thiên là Trời; NHỊ là Địa là Đất; TAM là NHÂN là Người, nói theo sách TAM TỰ KINH 三字經 là "TAM TÀI giả : Thiên Địa Nhân 三才者,天地人". Con Người là một thành viên hợp với Trời Đất tạo nên cái vũ trụ hỗn mang nầy, và khi mặt trời (NHẬT ) bắt đầu ló dạng là vạn vật cũng bắt đầu phục sinh cho cuộc sống mới theo quy luật Âm Tiêu thì Dương Trưởng; đêm sẽ dần ngắn lại và ngày sẽ càng dài thêm ra; cây cỏ lá hoa đâm chồi nẩy lộc cho cuộc sống mới bắt đầu bằng màu hồng của những tia nắng xuân đầu tiên ấm áp để "Hoa lá nở thắm đẹp làn môi hồng".
             
 
        
Nên từ đầu tiên ta có về mùa xuân là XUÂN QUANG 春光 là Ánh sáng  ấm áp của mùa xuân mang đến vẻ đẹp đẽ rực rỡ của cỏ cây hoa lá tươi hồng, nên để chỉ mùa xuân đẹp đẽ, ta có từ XUÂN HỒNG 春紅 như trong 4 câu thơ bất hủ mở đầu bài thơ "Tình Sầu" của thi nhân Huyền Kiêu thời Tiền Chiến:
                              
XUÂN HỒNG có chàng tới hỏi                              
Em thơ, chị đẹp em đâu?                             
Chị tôi tóc xoã ngang đầu                            
Đi hái hoa tươi ngoài nội
         
XUÂN HỒNG còn là sức sống và sự yêu đời như trong bài thơ nổi tiếng "Giây Phút Chạnh Lòng" của Thế Lữ:
                          
Ta thấy XUÂN HỒNG thắm khắp nơi,                         
Trên đường rộn rã tiếng đua cười,                            
Động lòng nhớ bạn xuân năm ấy.                           
Cùng ngắm xuân về trên khóm mai...
                                       
Song song với XUÂN QUANG 春光 ta còn có từ XUÂN HUY 春暉 cũng chỉ ánh nắng ấm áp của mùa xuân mang lại sức sống cho cỏ cây, được ví như là công ơn của từ mẫu như trong bài thơ Du Tử Ngâm 遊子吟  của Mạnh Giao 孟郊 đời Đường:
                        
慈母手中线    Từ mẫu thủ trung tuyến                                       
遊子身上衣    Du tử thân thượng y                                                
临行密密缝    Lâm hành mật mật phùng                                       
意恐遲遲歸    Ý khủng trì trì quy                                      
誰言寸草心    Thùy ngôn thốn thảo tâm                                       
報得三春暉    Báo đắc tam XUÂN HUY
   

Có nghĩa:
                       
Kim chỉ trên tay từ mẫu,                       
Khâu nên áo lãng du nhân.                      
Khi đi chắt chiu từng mũi,                      
Sợ ngày về lắm lần khần.                       
Ai bảo nỗi lòng tấc cỏ,                       
Báo đền được nắng ba xuân?!
         
Khi quyết định bán mình chuộc tội cho cha, cụ Nguyễn Du cũng đã cho Thúy Kiều cân nhắc thân phận của mình rồi mới quyết định:
                                
Hạt mưa xá nghĩ phận hèn,                         
Liều đem tấc cỏ quyết đền ba xuân!
          
Xuân Quang, Xuân Huy, Xuân Hồng tạo nên XUÂN SẮC 春色 là Cảnh sắc đẹp đẽ của mùa xuân với thành ngữ XUÂN SẮC MÃN NHÂN GIAN 春色滿人間 là Cảnh sắc đẹp đẽ của mùa xuân đầy rẫy cả nhân gian. Mùa xuân đẹp đẽ không là của riêng ai, nhưng khi thấy ong bướm bay qua nhà hàng xóm thì lại đâm ra nghi ngờ, như hai câu cuối trong bài Vũ Tình 雨晴 của Vương Giá 王駕 đời Vãn Đường:                                 
                         
蜂蝶紛紛過牆去,  Phong điệp phân phân quá tường khứ,       
卻疑春色在鄰家。  Khước nghi xuân sắc tại lân gia.
       
Hai câu thơ nầy đã được nhà thơ Tiền chiến Jean Leiba mượn ý diễn Nôm thật hay trong bài Mai Rụng như sau:
                              
Tơi bời ong bướm bay qua ngõ,                           
Những tưởng màu xuân ở xóm ngoài.
 
         
XUÂN SẮC phải là cảnh sắc đẹp đẽ của thiên nhiên bao la rộng lớn khi trời đã vào xuân, chớ không phải gò bó đóng khung trong một phạm vi đẹp đẽ nhỏ hẹp nào đó, vì Xuân Sắc là Sắc  đẹp của mùa xuân sẽ bức phá khỏi những phạm vi hạn hẹp như cành hoa Hồng Hạnh trong bài Du Viên Bất Trực 遊園不 của Diệp Thiệu Ông 葉紹翁 đời Nam Tống:
                      
春色滿園關不住,     XUÂN SẮC mãn viên quan bất trụ,           
一枝紅杏出牆來。     Nhất chi hồng hạnh xuất tường lai.
   
Có nghĩa:
                       
XUÂN SẮC đầy vườn không giữ nổi,                       
Một cành hồng hạnh vượt tường ra!
 
      
Vì 2 câu thơ nầy mà hình thành một thành ngữ XUẤT TƯỜNG HỒNG HẠNH 出牆紅杏"Hồng Hạnh Vượt Tường" để chỉ những nàng cô phụ không giữ nổi nỗi cô đơn mà "vượt tường" đi tìm tình yêu của lòng mình đang khao khát.                                                         
   - XUÂN THIÊN 春天 là Trời đã vào Xuân, nên có nghĩa là MÙA XUÂN. Còn...
   - XUÂN NHẬT 春日 là Ngày xuân, là những ngày của mùa xuân.
   - XUÂN TIÊU 春宵 là đêm xuân, là những đêm của mùa xuân.

     XUÂN TIÊU lại là tựa của một bài thơ nổi tiếng của Tô Đông Pha 蘇東坡, một trong Đường Tống Bát Đại Gia 唐宋八大家 với 2 câu thơ mở đầu bất hủ là:
              
春宵一刻值千金,   XUÂN TIÊU nhất khắc trị thiên kim,          
花有清香月有陰.   Hoa hữu thanh hương nguyệt hữu âm...
 
Có nghĩa:
                
Đêm xuân một khắc đáng ngàn vàng,                
Hoa thoảng hương thơm trăng mơ màng...
      
Vốn dĩ Tô Đông Pha muốn nói rằng đêm xuân mát mẻ êm ả lại thoang thoảng mùi hương của hoa và lấp loáng mơ màng của bóng trăng chênh chếch. Đêm xuân đẹp là thế, êm đềm là thế, nên không nở đi ngủ, vì một khắc êm đẹp thoải mái của đêm xuân có giá trị đáng ngàn vàng! Nhưng suốt cả ngàn năm nay người ta chỉ hiểu nghĩa của câu thơ với một ý khác. Cứ nghĩ đến tình yêu nồng thắm say đắm của nam nữ, của đôi vợ chồng son, của những người đang yêu nhau, của cô dâu và chú rể trong đêm tân hôn...thì "Đêm Xuân Một Khắc Giá Đáng Ngàn Vàng!" để trân trọng cái thời khắc của đêm xuân khi đôi lứa được ở bên nhau.
 
              
    - XUÂN TỬU 春酒 là Rượu uống vàp dịp Tết để mừng Xuân. Khác với...
    - XUÂN DƯỢC 春藥 là Thuốc uống để khơi dậy lòng xuân, là thuốc kích dâm.
    - XUÂN TÌNH 春情 là Tình cảm nảy nở trong mùa xuân, là tình yêu đối với mùa xuân, mà cũng làtình yêu trai gái nữa ; XUÂN TÌNH còn là tên một điệu hát cổ nhạc rất mượt mà ươt át;  nếu đổi chữ TÌNH có bộ NHẬT là Mặt Trời thì XUÂN TÌNH 春晴 là Mùa xuân nắng ráo, là Nắng đẹp mùa xuân. Trong bài thơ tứ tuyệt Trúc Chi Từ 竹枝詞 của Lưu Vũ Tích 劉禹錫 đời Đường có nhắc đến 2 chữ TÌNH nêu trên một cách thật lý thú như sau:
 
                   
竹枝詞                     TRÚC CHI TỪ
              
楊柳青青江水平, Dương liễu thanh thanh giang thủy bình, 
聞郎江上唱歌聲。 Văn lang giang thượng xướng ca thinh.   
東邊日出西邊雨, Đông biên nhật xuất tây biên vũ,              
道是無晴卻有晴。 Đạo thị vô tình khước hữu tình!
 
   * Tình : Tình nầy là NẮNG RÁO, vì có bộ NHẬT là Mặt Trời bên trái. Chữ nầy ĐỒNG ÂM với chữ Tình là TÌNH CẢM, TÌNH Ý, có bộ TÂM là Lòng Dạ cũng ở bên trái. Nên, HỮU TÌNH 有晴 là CÓ NẮNG, đồng âm với HỮU TÌNH 有情 là Có Tình Ý.
 
NGHĨA BÀI THƠ:
     
Dương liễu xanh xanh soi mình trên dòng nước phẳng lặng, ta nghe tiếng của chàng cất giọng hát trên sông. Mặt trời đang ló dạng ở phía đông với những tia nắng đầu ngày, nhưng phía bên trời tây lại đổ mưa rào, cho nên, bảo là không có nắng, nhưng lại có nắng, nói là không có tình, nhưng lại có tình ý thật thiết tha!
 
DIỄN NÔM:
                    
Xanh xanh dương liễu soi dòng nước,                   
Vẳng tiếng chàng ca sóng lặng thinh.                  
Tây đổ mưa rào đông lại nắng,                  
Hữu tình người lại ngỡ vô tình!
     
Lục bát:
                   
Liễu xanh xanh nước mênh mang,                   
Trên sông nghe vẳng tiếng chàng hát ca.                  
Đông nắng Tây lại mưa sa,                  
Bảo là vô ý thì ra hữu tình!
 
 
     - XUÂN THỦY 春水 là Nước mùa xuân. Nước xuân trong vắt tựa ánh mắt của các cô thôn nữ mộc mạc ngây thơ như lời thơ của Thôi Ngọc trong Đường Thi:
             
两臉夭桃從镜發, Lưỡng kiểm yêu đào tòng kính phát,             
一眸春水照人寒。 Nhất mâu XUÂN THỦY chiếu nhân hàn.
 
Có nghĩa:
                      
Má đào ửng đỏ trong gương            
Một làn XUÂN THỦY vấn vương lòng người.
 
XUÂN THỦY là ánh mắt xuân của các cô gái ngây thơ trong trắng, khác với THU THỦY 秋水 là ánh mắt gợn buồn đa sầu đa cảm của các giai nhân tài hoa bạc mệnh như Thúy Kiều:
                        
Làn THU THỦY, nét XUÂN SƠN,                 
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh!
 
 Làn THU THỦY 秋水 là làn nước mùa thu, trong veo, lạnh lùng mà se sắt dễ làm rung động và cũng dễ làm tê tái lòng người. Còn nét...
 
  - XUÂN SƠN 春山 là Núi của mùa xuân, xanh biếc và rạng rỡ tràn đầy sức sống và gợi cảm như đôi mày liễu của giai nhân, như cụ Nguyễn Du đã tả về nhan sắc của Thúy Kiều là "Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh!". XUÂN SƠN tự ngàn xưa đã được ví như là đôi mày liễu xanh mơn mởn của các giai nhân với câu nói:
               
眼如秋水,眉似春山。Nhỡn như thu thủy, My tự xuân sơn.
 
Có nghĩa:

- Mắt long lanh như nước mùa thu, Mày xanh tươi như núi mùa xuân.
 
 
  - XUÂN TÂM 春心 là Lòng xuân, là tấm lòng tươi trẻ yêu đời và tràn đầy nhựa sống như mùa xuân của các cô XUÂN NỮ 春女 là các cô gái trẻ như lời bài hát Gái Xuân của Từ Vũ và Nguyễn Bính:
                         
Em như cô gái hãy còn xuân,                    
Trong trắng thân chưa lấm bụi trần...
    
Theo kinh Lễ Nhạc thì vào đời nhà Chu cứ đến tháng hai là tháng Trọng Xuân 仲春 thì cho phép cưới gả, nên các cô gái với tình xuân phơi phới cứ mong chờ cho đến tháng hai để được người mai mối đến dạm hỏi, nên gọi các cô là HOÀI XUÂN THIẾU NỮ 懷春少女, là những cô gái Hoài Xuân đang khao khát tình yêu, là những cô gái đang muốn chồng! Trong Kinh Thi đời Tiên Tần chương Chiêu Nam 召南 có câu:
                
有女懷春,    Hữu nữ HOÀI XUÂN,                  
吉士誘之.    Cát sĩ dụ chi!
 
Có nghĩa:
                    
Có cô con gái HOÀI XUÂN,              
Các chàng xúm xít tỏ lòng ước ao!
        
Mùa Xuân mang lại sự sống và sức sống cho muôn loài muôn vật sau những tháng rụi tàn vì đông hàn buốt giá, nên sức sống hồi phục trở lại gọi là HỒI XUÂN 回春 để chỉ cái gì đó tưởng đã chết đi nhưng rồi sống lại đều được gọi là HỒI XUÂN kể cả tình cảm tình yêu và thể chất thể xác của con người, nên ta mới có thành ngữ Lão Giả Hồi Xuân 老者回春 để chỉ những người đã già nhưng sức sống còn mạnh mẽ như lứa tuổi thanh niên. Ta có nhóm từ "Lứa Tuổi Hồi Xuân" vừa có ý tốt vừa có ý mĩa mai để chỉ những người đã đứng tuổi nhưng còn ham muốn dục vọng và sống như lứa tuổi thanh niên...
      
Nhưng những ông thầy thuốc "mát tay", thầy thuốc giỏi có thể cải tử hồi sinh, cứu được người chết đi sống lại thì được xưng tụng là DIỆU THỦ HỒI XUÂN 妙手回春 là bàn tay khéo léo có thể làm cho người tưởng đã chết đi lại được sống trở lại, như Hoa Đà, Biển Thước và như Hải Thượng Lãn Ông của ta vậy.
     
Ngày xưa các thư sinh sau mười năm đèn sách thì chỉ còn đợi những khoa XUÂN THÍ 春試 là những khoa thi được hai triều đại Minh và Thanh mở ra cho sĩ tử ứng thí vào các mùa xuân, như Kim Trọng và Vương Quan đã cùng thi đỗ trong một khoa XUÂN THÍ, nên trong Truyện Kiều cụ Nguyễn Du đã viết là:
                                  
Chế khoa gặp hội tràng văn.                        
Vương, Kim cùng chiếm BẢNG XUÂN một ngày.
     
Vì khoa thi được mở vào mùa xuân, nên bảng vàng đề tên các sĩ tử thi đỗ cũng được gọi là BẢNG XUÂN chữ Nho là XUÂN BẢNG 春榜, tức là LONG HỔ BẢNG 龍虎榜đó.     

       
Ngày xưa thi đậu gọi là Bình Bộ Thanh Vân 平步青雲, ta gọi là Nhẹ Bước Thang Mây, cụ Nguyễn Công Trứ thì tỏ ra rất đắc ý với "Đường mây rộng thênh thang cử bộ"; còn Mạnh Giao đời Đường thì gọi là XUÂN PHONG ĐẮC Ý 春風得意 trong bài thơ Đăng Khoa Hậu 登科后 là "Sau khi Đăng Khoa" với 2 câu cuối như sau:
               
春風得意馬蹄疾,   XUÂN PHONG ĐẮC Ý mã đề tật,                
一日看盡長安花。Nhất nhật khán tận Trường an hoa.
  
Có nghĩa:
                     
Gió xuân đắc ý ngựa phi mau,                     
Xem hết Trường an hoa đủ màu.
             
      
Hai câu thơ trên còn để lại 2 thành ngữ cho đến hiện nay là XUÂN PHONG ĐẮC Ý 春風得意 để chỉ sự vui vẻ đắc ý vì một thành đạt nào đó, và TẨU MÃ KHÁN HOA 走馬看花 mà ta gọi là CỞI NGỰA XEM HOA để chỉ việc gì đó chỉ làm lấy có, làm hoa loa cho xong việc mà thôi.
      
Đón xuân, mừng xuân, chúc cho tất cả mọi người đều XUÂN PHONG ĐẮC Ý 春風得意 và cả năm luôn luôn được MÃN DIỆN XUÂN PHONG 滿面春風 là mặt mày luôn luôn tươi vui như đang chào đón gió xuân vậy. 
 
                                                                                        杜紹德
                                                                                  Đỗ Chiêu Đức 
 

3 nhận xét:

Bâng Khuâng nói...

Đọc bài viết của bác Đỗ Chiêu Đức, tôi bỗng nhớ đến tiểu thuyết HOÀI CỐ NHÂN của nhà văn Võ Hồng.
Tiểu thuyết viết về nhân vật Hoàng Gia Lý, bạn thân của nhân vật xưng TÔI trong tiểu thuyết. Hoàng Gia Lý có người yêu tên XUÂN. Mối tình họ trắc trở nhưng rồi cũng nên duyên vợ chồng.
*
Tác giả Võ Hồng viết:

Chiến tranh kết liễu. Tôi giã từ Phú Yên. Rồi theo nghề dạy học.
Một ngày kia, giữa giờ dạy Hán văn, tôi giảng về chữ Xuân. Khi phân tích cách viết, tôi nhớ đến cái con dấu mà anh Lý hay dùng đóng vào ở mọi quyển sách của anh. Con dấu tròn khắc sáu chữ Nho:

TAM NHÂN NHẬT
HOÀI CỐ NHÂN

Dù không hỏi Lý nhưng tôi biết chắc “Tam nhân nhật” là chữ Xuân phân tích ra. “Hoài cố nhân” thì ai cũng hiểu là “Nhớ người xưa”. Tôi bảo học sinh:
- Để dễ nhớ cách viết chữ Xuân, tôi kể nhanh cho các anh chị em nghe một mẩu chuyện này. Tôi có một người bạn. Anh ta quen một người tên Xuân. Để nhớ mãi người này, anh thuê khắc một con dấu trên ghi mấy chữ “TAM NHÂN NHẬT, HOÀI CỐ NHÂN”. Anh đóng con dấu ấy vào mọi quyển sách của anh. Tam, nhân, nhật, ghép lại thành chữ Xuân...

Tôi lên bảng viết từng chữ đơn rồi ghép lại.
Học sinh, vì lớp lớn, lao nhao hỏi:
- Rồi sao nữa thầy?
Tôi cắt ngang câu chuyện bằng cách bảo:
- Anh bạn tôi chết rồi.
Mọi người tự nhiên im lặng.
*
Khi Lý chết. Tôi còn giữ một quyển sách nhỏ của Lý. Tôi không đưa trả lại cho gia đình Lý vì quyển sách mang đầy những con dấu “TAM NHÂN NHẬT, HOÀI CỐ NHÂN”, tôi muốn giữ làm kỷ niệm của Lý, của cả chị Xuân nữa. Quyển sách ấy Lý mua hồi còn ở Hà Nội. Có lẽ lúc bấy giờ xa người yêu anh càng nhớ nhiều nên cứ cách mười trang là anh đóng một con dấu.
Tôi đâu có nhiều thì giờ để năng nhớ đến Lý. Chỉ thỉnh thoảng khi nào mở sách ra là lòng lại bồi hồi nhớ đến người bạn xưa.

Một hôm, tôi ghé lại thăm anh Lợi, một bạn cũ ở Tuy Hòa vào, vừa cất một cái nhà xinh ở xóm Đồng Dưa. Câu chuyện bắt đầu bằng sự xây cất nhà cửa. Với những chuyển mạch rất tự nhiên và vô tình, câu chuyện đưa về thành phố Tuy Hòa. Tôi vụt hỏi:
- Chị Xuân bây giờ làm gì ngoài đó?
- Xuân nào?
- Xuân-Lý đấy.

Bạn tôi cười to:
- Anh này mê ngủ hả? Chị Xuân nào còn ở Tuy Hòa?
- Chớ đi đâu?

Thấy tôi nghiêm trang hỏi, anh thôi không mỉm cười chế nhạo nữa. Anh thân mật nói:
- Lấy chồng rồi. Lấy chồng năm 1953 rồi.

Tôi không cười được mà cũng không buồn được. Hình như tôi đã chuẩn bị từ lâu để nghe câu trả lời ấy.
Chớ sao? Cuộc đời cực nhọc trong khói lửa chiến tranh đâu phải là một dạ hội có rượu ngon, thuốc lá, âm nhạc, đối với những người đàn bà góa trẻ, đẹp, yếu, có học thức như chị? Không ai trách chị được, chị chỉ đáng thương mà thôi. Đáng thương nữa là Lý, tôi nghĩ tiếp, nhưng tôi kịp thấy tôi đã nghĩ sai. Lý không có gì để đau khổ. Anh đã chết rồi nghĩa là đã giải thoát rồi. Nếu tôi có một ý nghĩ đau đớn về anh, chung qui cũng chỉ vì cái con dấu với hàng chữ Nho kia. “TAM NHÂN NHẬT, HOÀI CỐ NHÂN”
Số mệnh oái oăm sắp đặt để người hoài cố nhân không phải là anh mà là chị Xuân. Đáng lẽ chị Xuân mới là người đóng cái con dấu “HOÀI CỐ NHÂN” trên những trang sách của chị đọc.

Óc tôi như vụt lóe sáng vì tôi chợt thấy rằng chữ LÝ tên của anh cũng có thể phân tích ra thành những đơn tự. Đó là: THẬP BÁT TỬ. Tự nhiên tôi như thấy cái con dấu lồ lộ mấy chữ:

THẬP BÁT TỬ
HOÀI CỐ NHÂN

Nhưng than ôi, cũng lại số mệnh oái oăm đã cản tay chị Xuân không cho chị đóng con dấu ấy nữa. Chị có thể âm thầm nghĩ đến anh giữa hai cái mỉm cười với người hiện tại, nhưng nào chị có quyền ghi bằng một nét cụ thể trên trang giấy trắng.

Còn lại người thứ ba. Là tôi. Tôi không khắc một con dấu bằng đồng mà bằng câu chuyện tình nhỏ này. Ở một nơi xa xôi nào, nếu có vô tình chị đọc đến, chị cũng không nỡ trách tôi.

https://vietmessenger.com/books/covers/hoaiconhan.jpg

muctim nói...

MT mến chúc anh và gia đình. Năm mới dương lịch 2023 VẠN SỰ NHƯ Ý anh nhé
https://www.funimada.com/assets/images/cards/big/ny-278.gif

Bâng Khuâng nói...

Chúc bạn muctim cùng thân quyến năm mới 2023 an khang hạnh phúc!

http://2.bp.blogspot.com/-ux5qzMo-bwc/VH1SMMfGHcI/AAAAAAAAGj4/0qdTatbofdw/s1600/2zxD0-BXFB-1.gif