BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 1 tháng 12, 2022

MÁI TÓC CỦA NGƯỜI HÀ NỘI XƯA – Tạ Thu Phong


Hà Nội chuyện xưa phố cũ
Tạ Thu Phong / Tri thức Trẻ BooksNXB Hà Nội

Thời xưa, ở Bắc kỳ, đàn ông hay phụ nữ đều để tóc dài và vấn khăn đầu. Đàn ông tóc búi tó như củ hành thấp dưới gáy.
Cái búi tóc “quốc túy” này đã trở thành biểu tượng của người nho nhã. Khi ở nhà, đàn ông thường để búi tóc trần. Lúc làm việc thì vấn rối hoặc vấn kiểu khăn đầu rìu. Nếu đi đâu cần lịch sự sang trọng thì chít khăn lượt hay nhiễu Tam giang. Khi vấn khăn tạo thành hình chữ “Nhân” hoặc “Nhất” trên trán. Người thị dân mặc áo sa trơn hoặc the thâm dài, quần trắng, đi giày Gia Định.
 
Cả đàn ông và phụ nữ đều nhuộm răng đen. Bác sĩ Hocquard lần đầu du hành ra Bắc kỳ tỏ ra rất ngạc nhiên khi thấy hàm răng đen của người bản xứ. Ông viết trong trong cuốn Une Campagne Au Tonkin (Một chiến dịch ở Bắc Kỳ): “Binh lính Pháp rất ngạc nhiên khi thấy người An Nam nhuộm răng đen và ví với miệng cống”. Nhưng Tây thấy lạ với răng đen của ta thì hồi đó ta cũng ghê tởm răng trắng “như răng chó” của Tây.
 
Đối với phụ nữ, trang phục là áo cánh, yếm trắng hoặc yếm đào, quần lĩnh Bưởi màu đen, mặc áo tứ thân hoặc áo nâu, thắt dây lưng quan lục. Thị dân trung lưu thì đi dép cong, các bà lớn đi đôi văn hài.
 
Phụ nữ Bắc kỳ xưa dùng khăn quấn suốt chiều dài tóc và vấn quanh đầu từ phía trước ra phía sau làm sao cho thật tròn, thật chặt. Phần đuôi tóc còn thừa thì giắt vào phía dưới vành khăn, thò ra một túm nhỏ như cái đuôi gà nhún nhảy theo từng bước đi. Đây chính là kiểu tóc đuôi gà một thời được coi là tiêu chuẩn của phái đẹp: “Một thương tóc bỏ đuôi gà/ Hai thương ăn nói mặn mà có duyên”.
 
Sau này thấy chiếc khăn nhiễu, khăn lượt trơn dễ làm xổ tóc nên các cô chuyển sang dùng khăn nhung đen. Trong vòng khăn vấn tóc đuôi gà ẩn chứa nét duyên ngầm và cả những bí mật khó nói của người phụ nữ.
 
Vòng khăn quanh đầu càng to, càng dày như ngầm mách người thiếu nữ đó có mái tóc rất dày và đẹp. Và thật nản nếu nhìn thấy vòng khăn vừa ngắn lại bẹp dúm. Bởi vậy, nhiều cô có mái tóc không được dày dặn bèn dùng vải nhồi bông rồi may kín như con lươn độn vào để vấn tóc thật to, thật dày. Nếu tóc ngắn quá thì phần đuôi gà được nối giả.
 
Xưa ở phố Mã Vĩ và Hàng Cân đều bán những đuôi gà giả này phục vụ các bà, các cô. Kiểu vấn tóc đuôi gà chỉ có ở xứ Bắc. Ở miền Trung, các cô gái Huế cũng vấn tóc thành vòng tròn trên đầu nhưng để trần chứ không quấn trong khăn. Còn ở Sài Gòn, có lẽ do ảnh hưởng bởi Trung Hoa nhập cư ồ ạt từ thế kỷ thứ XVII nên phụ nữ miền Nam búi tóc lớn sau gáy giống quả dừa non vậy.
 
Về đường ngôi trên mái tóc, các thiếu nữ Hà thành đoan chính bao giờ cũng để đường ngôi ở chính giữa. Cô nào tinh nghịch để ngôi lệch thì dễ bị đàm tiếu là lẳng lơ rồi.
 
Khi người Pháp xâm chiếm Hà Nội, bên cạnh súng đạn chết chóc thì họ cũng mang đến nền giáo dục và văn minh phương Tây. Sự giao thoa văn hóa Đông - Tây làm thay đổi nhận thức và thị hiếu thẩm mỹ của người Việt. Tầng lớp trí thức Tây học ngày càng nhiều và họ đã phát động phong trào cải cách, vận động đàn ông cắt tóc ngắn, để trắng và cách tân y phục cho phụ nữ. Những năm 1907-1908, xuất phát từ phong trào Duy Tân, cuộc vận động đàn ông cắt tóc ngắn diễn ra rất sôi nổi.[…]
 
Thiếu nữ Hà Nội năm 1930. Nguồn: gallica.bnf.fr
 
Một số trí thức Tây học đi tiên phong trong việc ăn mặc “kiểu Tây” như cắt tóc ngắn, đội mũ phớt và cài nơ đen. Việc vận động đàn ông mặc âu phục, cắt bỏ búi tóc được coi là “quốc túy” cũng không đơn giản bởi văn hóa và tín ngưỡng ăn sâu vào tiềm thức người dân hàng nghìn năm. […]
 
Đối với phụ nữ thì sự cách tân diễn ra chậm chạp hơn. Những năm 1930, khi phong trào cải tiến y phục cho phụ nữ được phát động thì thiếu nữ Hà thành mới dần thoát khỏi chiếc áo tứ thân truyền thống để mềm mại trong chiếc áo dài Lemur. Hàm răng, mái tóc cũng có sự thay đổi.
 
Hàm răng đen từng làm say đắm các chàng trai giờ không còn hấp dẫn nữa, thay vào đó là hàm răng tân thời trắng và đều tăm tắp. Đi đôi với trang phục tân thời thì phải có mái tóc phù hợp. Thiếu nữ Hà thành không còn bỏ tóc đuôi gà như xưa mà búi tóc theo hai cách: hoặc búi tròn sau gáy hoặc kẹp ghim, kẹp ba lá cho tóc phủ kín cổ.
 
Có ý kiến cho rằng sở dĩ các cô gái Hà Nội búi tóc kiểu này là bởi họ muốn che đi phần cổ để tiết kiệm việc đánh phấn vốn rất đắt tiền. Nhưng cũng có ý kiến khác cho rằng do thời tiết ở miền Bắc lạnh hơn trong Nam nên kiểu tóc này sẽ giữ ấm cho cơ thể.
 
Thập niên 1940 đánh dấu một phong cách mới trong mái tóc Hà thành. Đó là sự xuất hiện của kiểu tóc mới: tóc phi-dê.
 
Tóc phi-dê là phiên âm tiếng Việt của chữ “frisés” (cheveux frisés), có nghĩa là tóc uốn cho xoăn. Đây là kiểu tóc mô phỏng mái tóc xoăn tự nhiên của phụ nữ châu Âu. Muốn làm được tóc phi-dê thì cần công cụ uốn sấy tóc. Khi công cụ làm tóc đi theo viện trợ của Mỹ đổ về Đông Dương thì kiểu tóc này bắt đầu thịnh hành trong giới văn nghệ sĩ và những thiếu nữ tân thời. […]
 
Sự kiện tiếp quản Thủ đô năm 1954 mang đến trào lưu thay đổi kiểu tóc của phụ nữ Hà Nội, nếu không muốn nói là một cuộc cách mạng về đầu tóc. Trong đoàn quân diễu hành năm ấy là hình ảnh của những nữ cán bộ cách mạng với lối ăn mặc và kiểu tóc khác lạ. Lần đầu tiên thiếu nữ đất Hà thành nhìn thấy mái tóc được cắt ngắn ngang vai hoặc kết thành bím tóc như cái đuôi sam. Kiểu tóc kết đuôi sam hoặc tết thành hai bím tóc đã đồng hành cùng phụ nữ Hà Nội trong suốt chiều dài cuộc chiến tranh chống Mỹ và cả những năm tháng sống trong thời kỳ bao cấp.
 
Ngày nay, thời đại của thế giới phẳng, giới trẻ tha hồ đua nhau học theo các kiểu tóc mới của Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước khác trên thế giới. Có nhiều kiểu tóc khá kỳ lạ, nhuộm đủ thứ màu trông sặc sỡ cứ như đuôi con công. Rồi nhiều cô gái cắt tóc ngắn đến độ nhìn đằng sau chẳng thể phân biệt được nam hay nữ.
 
Đôi khi trên đường chợt bắt gặp hình ảnh thiếu nữ thong thả đạp xe, tóc buông xõa lưng phủ kín chiếc áo dài. Chừng đó thôi cũng đủ làm ta bồi hồi để nhớ rằng vẫn còn đó, dù rất hiếm, nét mềm mại đoan trang của thiếu nữ Hà thành thuở nào.
 
                                                                                  Tạ Thu Phong
------------------
* Tên bài trong sách: Tản mạn mái tóc Hà thành.
  
Nguồn:
https://zingnews.vn/nghe-dao-phu-o-ha-noi-xua-post1369188.html

4 nhận xét:

[YOUTUBE] Vạn Kỳ Thế Chiến nói...

bài viết hay ! cảm ơn đã đăng.

Bâng Khuâng nói...

Thật vui khi bạn [YOUTUBE] Vạn Kỳ Thế Chiến ghé thăm và ghi cảm nhận. Chúc bạn buổi chiều an lành nhé!

HẰNG NGA nói...

Bài viết cho ta thấy đc nét đẹp cổ xưa của người Hà Nội.
HN sang thăm,chúc anh chiều CN an lành thật vui nhé anh!

https://i.pinimg.com/originals/cb/57/46/cb5746f4aec7a173d787e8990576892f.gif

Bâng Khuâng nói...

Mùa Giáng sinh thật vui Hằng Nga nhé!

http://4.bp.blogspot.com/-7WvOxsZgF34/Vn8o6P0SmCI/AAAAAAAAAHA/zad30_T9rCg/s400/2zxDa-2KEh1-1.gif