Mây đây không phải là những đám mây trời bồng bềnh
trôi trên bầu trời xanh lơ trong một ngày nắng đẹp đâu thưa quý bạn. Mây đây là
những bụi mây rừng đầy gai nhọn trong rừng xanh núi thẳm.
Tôi nhớ một thời làm bạn với những bụi mây rừng, những
lần ‘làm bạn bất đắc chí’ khi còn phận
làm tù cải tạo và hàng ngày lên rừng rút mây đẽo gỗ vác về trại.
Chuyện non nửa thế kỷ, eo ơi! thời gian qua nhanh vùn
vụt thế mà hình ảnh những vòi mây đầy móc nhọn còn ‘vẩn vơ’ hay ‘lắc lư’
trong trí nhớ tôi.
Có khi tôi tách bạn vào một đám rừng “một mình một rựa” âm thầm rút mây. Tôi
lội bì bõm dọc theo con khe ánh sáng mờ ảo do ánh mặt trời bị cây rừng che phủ.
Trong khoảng không gian bị che mờ do những bụi mây nước rậm rịt vòi cao lên tới
sườn núi. Cách ‘tước’ mây cũng phải
có ‘kỹ thuật’, nếu bạn không được ai
chỉ cho thì chỉ còn hì hục với hàng hàng lớp lớp gai nhọn quanh thân mây nhìn
cũng rùng mình?
Chọn nhành mây dài nhất, cái rựa sắc bén chặt phăng,
tôi vừa nhún uốn thân mây từ dưới lên trên, vỏ mây cùng gai sẽ từ từ lóc ra.
Nhún, uốn lắc nhành mây là cách thức tước vỏ mây chứ không róc vỏ như róc cây
mía được. Nhành mây dài, không lấy phần đọt do nó non không tốt. Thế là được một
cây mây. Tiếp tục lũi theo khe như vậy bạn sẽ làm sao cho được một VÁC bó lại,
ra khỏi rừng là trời hơi xế.
Tôi ngao ngán những vòi mây đu đưa trên cao? chúng có
nhiều cái móc hình móng mèo thỉnh thoảng chúng móc cái mũ vải của tù rút lên
trên không lắc lư như “trêu ghẹo” ? Vừa
mệt vừa đói muốn ra khỏi rừng cho nhanh, trời sắp tối nhưng tôi phải vứt cây gỗ
trên vai xuống hì hục lấy lại cái mũ vải “thân
thương”; rồi lại vác gỗ lên vai bươn bả ra khỏi rừng
Mây nước dùng làm gì? Nó dùng để cột rui mèn đòn tay.
Mây nước có cái tên này do chịu đựng được trời mưa gió nên để làm nhà thôi chứ
không làm đồ mỹ nghệ được. Ngoại trừ một chuyện đó là làm GHẾ MÂY. Xưa nay người
ta đan ghế mây ngồi êm chịu mưa gió, thiết kế tại quán cà phê hay đồ mỹ nghệ
khá thích hợp.
Tôi kể lại chuyện rừng ngày đó. Nếu ra khỏi rừng còn
thì giờ người tù cải tạo sẽ đi kiếm một vài thứ mây khác đó là MÂY PHUN, MÂY ĐẮNG,
MÂY TẮT..
Những thứ mây này mọc tại sườn núi, có nghĩa là không
nằm dưới khe. Nhưng lùm mây phun mây đắng, lóc ra trắng nõn nà, thân nhỏ dài lê
thê. Tôi sẽ cuộn lại một bó riêng đem về trại cho bạn bè đan đát. Thân mây phun, mây đắng chúng tôi chẻ ra xong vuốt mỏng, đẹp đan thành giỏ (làn - tiếng Bắc) đựng
đồ đạc, mũ mây đội trên đầu cho nó ‘hoách’.
Những ông tù khéo tay còn đan thành những thứ ‘độc đáo’ hơn bảo đảm thành phố không thế nào có đặng?
Những thứ mũ giỏ mây này đã xuất hiện trong tù từ lâu.
Thú thật những người tù gốc là trung đội trưởng nghĩa quân (Huế Thừa Thiên) có
bàn tay khéo léo nhất. Có thể họ xuất thân từ nông thôn giỏi về đan lát họ làm
những thứ này trong thời gian rãnh trong TRẠI. Người viết khó học được nghề này
chỉ nhìn thôi?
Viết miên man trong trại còn nhiều nghề thủ công mỹ
nghệ (phát sinh) nữa bạn đọc nên hình dung cái rá nhỏ kia làm gì? để CHIA PHẦN
SẮN KHOAI cho bữa ăn trong tù thôi. Những người nào nhớ nhà thì giữ lấy chờ gặp
người nhà thăm nuôi gửi về làm quà
Nhưng những thứ mây này, còn vài thứ nữa người viết có
thể quên, chỉ nằm trong nhà không thể chịu mưa gió như ‘anh chàng’ mây nước được đâu?
Còn một thứ mây nữa đó là mây tắt (hay tắc) những danh
từ chỉ nghe chứ tôi chưa hề đọc thành ‘chữ’
trong tù. Mây tắt thân nhỏ hơn chiếc đũa, dài lê thê có thể mấy mươi mét
xuyên vắt vẻo bụi này sang bụi khác lưng
chừng núi. Thân mây tắt không gai lá cũng không mấy gai, không e dè khi rút nó.
Mây tắt về trại chúng tôi chẻ ra vuốt mềm mại dùng ‘nứt’vành cho những dụng cụ nhà quê như trẹt, mũng, rá…
Làm xong các vật dụng thúng mủng rá nói trên phải có
cái vành, mà có vành thì chúng ta liên tưởng đến cặp vành ép miệng trẹt, rá vừa
đan xong. Và muốn ép hai vành tre đó vào sát nhau thì phải có sợi mây tắt mềm mại
dài lòng thòng ‘nứt’ nó lại
Ngang đây nếu người viết không viết tới những bụi cây
giang là loại tre rừng là một thiếu sót lớn. Những đốt giang này có thể dài tới
cả mét. Thời này rừng Quảng Trị nhiều vô số giang rừng. Thân nó không như lồ ô
mà khác tre. Những bụi giang rậm rạp nằm vắt vẻo bò ngang dọc trong rừng. Những
đốt giang chúng tôi chặt ra bó lại thành hai bó và gánh về trại.
Lạt giang là thứ quán quân để lợp tranh, xây nhà kèo cột.
Nhưng lạt giang chúng tôi dùng nó đan rỗ rá thì thuộc loại ‘quán quân’.
Vùng thôn quê khi lợp nhà cần những sợi lạt nhưng làm
sao có giang rừng? Tất cả đều dùng từ những đốt tre ‘cái’. Nhưng tre không thể nào có những đốt dài bằng đốt giang rừng
được. Vì có mắt ở giữa nên lạt tre thường bị gãy còn lạt giang thì không.
Rừng Ái Tử Quảng Trị có nhiều mây, tiếp tục vào đến
Bình Điền tây nam Huế chúng tôi lại một lần nữa lại gặp những rừng mây nhiều vô
số. Người ta hay nhắc câu “Nước khe Điên
cọp Bình Điền”, toàn vùng này nằm trong rừng mây nên rất độc, uống nhằm nước
này hay lên cơn sốt rét. Những năm đầu 1980 những cánh rừng mây nước ở đây đã bị
những trại tù cải tạo san bằng đốt dọn để trồng lên những rẫy sắn bạt ngàn.
Chuyện đường rừng, chuyện ngày xưa nhớ gì kể đó. Những
hình ảnh đó nó tái hiện trong khoảng trời xa xưa khi rừng thiêng còn rậm rạp
thâm u. Đã nửa thế kỷ qua rồi, khi con người càng lúc càng đông thì rừng rú năm
xưa trong đó có những đồi mây chắc khó lòng còn nhiều ?
Khi bao đám mây trời vẫn mãi mãi tồn tại tự do bay
thênh thang, thì dưới đất những đám ‘MÂY RỪNG’ chắc đã phải hiếm dần?
Người đông, đất hiếm dần. Những miếng đất nay trở
thành tiền muôn bạc tỷ rừng càng lúc càng co rút, teo tóp dần hồi. Có một lúc
nào đó con người bỗng thèm nghe ‘hơi thở’
của rừng xanh.
Nhớ về rừng
núi Bình Điền, Ái Tử, Quảng Trị
Đinh Hoa Lư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét