BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 11 tháng 1, 2021

ĐẦU NĂM TẢN MẠN CÙNG THƠ NHẠC – Phan Quỳ



Sân chiều chao nhẹ dăm tơ lá....
 
Giữa bao bộn bề tất bật của mưu sinh và cả những nhọc nhằn hiu hắt của tuổi xế chiều, bỗng một hôm ta chợt nghe đâu đó thoáng về một tiếng cười giòn tan của kỷ niệm. Vang vọng đâu đây tiếng chú ve nhỏ hết hồn kêu vang trong một trưa hè đôi lứa. Và ta chợt thấy lòng bâng khuâng xao xuyến một trời mơ trở lại, ngọt ngào, tha thiết và đắm say:
 
Nhìn nhau cũng đủ lãng quên đời     
Vai kề vai một mái lầu phong nguyệt    
Hạnh phúc xa xa mỉm miệng cười.
 
Đó là niềm hạnh phúc lộng lẫy của Đinh Hùng, nỗi nhớ nhẹ nhàng lắng sâu bàng bạc của Trịnh, hay của hết thảy chúng ta khi hoài vọng về một bóng hình xa xôi trong nhạt phai dĩ vãng:
 
Đôi khi nắng qua mái hiên làm tôi nhớ, đôi khi thoáng nghe bước chân về đâu đó của em...
 
Và đâu đó là nỗi nhớ trùm lấp, vây phủ không gian và thời gian trong một chiều vàng của Du Tử Lê:
 
Tôi ngồi trong nỗi tôi riêng,
Bên trong ghế lạnh ngoài hiên bóng rời  
Phòng tôi trần thiết gương người.  
Tường sơn kỷ niệm vách bồi dáng xưa.   
Tóc người chảy suốt cơn mưa.    
Ngực thơm hoa bưởi môi đưa bão về...
 
Người xưa như hiện hữu nơi nơi mình có mặt, mãi bên ta trong hiu quạnh khôn cùng. Ta chợt nghĩ đến mối tình si của vị vua Tự Đức đáng kính năm nào:     
 
Đập cổ kính ra tìm lấy bóng,     
Xếp tàn y lại để dành hơi.
 
Bao tìm kiếm níu kéo trong vô vọng của người về một bóng hình đã quá vãng. Nỗi day dứt khôn nguôi vì thiếu vắng một tình thân. Câu thơ da diết trong ta một nỗi sầu đau về tử biệt sinh ly và hương hơi tràn ngập trong tim người ở lại, với một cõi lòng thương nhớ vô biên.
Và rồi trong một buổi hoàng hôn kia tĩnh lặng, lòng mình cũng tựa như sương khói: 
 
Sân chiều chao nhẹ dăm tơ lá, 
Và khói sương về cuộn cánh song.

Câu thơ của Nhã Ca gợi ta nhớ về nỗi buồn man mác diệu vợi của thi sĩ Hoài Khanh:
 
Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng,     
Nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu.
 
Biết bao lần ta đọc lại Hoài Khanh và biết mấy lần ta nghe mình buông tiếng thở dài hiu hắt tiếc thương…
 
Và hẳn ai trong chúng ta cũng đã hơn một lần ngẩn ngơ với Tuệ Sĩ:      
Đôi mắt ướt tuổi vàng     
Khung trời hội cũ     
Áo màu xanh     
Không xanh mãi     
Trên đồi hoang     
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ.     
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn  
 
Một người đã không còn vướng lụy bụi trần, thế mà tận trong cùng sâu thẳm đã có lúc phải thốt lên:    
 
Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở    
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan.
 
Bùi Giáng gọi đó là chất trang trọng dị thường của hoài niệm, là sự đầy đủ hết mọi yếu tố bát ngát: một cung trời xán lạn bao la, một hội cũ xao xuyến, một tuổi vàng long lanh... Một đôi mắt ướt ngậm ngùi của hiện tại.
Dù tà áo xanh kia đã không còn xanh nữa, nhưng đỉnh đá nầy và hạt muối đó chưa tan.
Đỉnh đá quy tụ về mọi hương màu trời mây rừng rú. Hạt muối chứa chất cái lượng hải hàm của trùng dương. Đó là cái bất tận của tâm tình dừng sững tại giữa tuế nguyệt phiêu du.
Thế đó, một bóng hình tưởng như đã sững im của ngày cũ, bỗng một hôm lồng lộng quay về làm Tuệ Sĩ phải thấy mình vội vã thắp ngọn đèn khuya...
 
Ở một cung bậc cảm xúc nhẹ nhàng hơn, chúng ta cũng thấy bóng dáng ngây thơ ngà ngọc của tuổi hoa niên làm lay động tâm hồn thi sĩ:
 
Em tan trường về,
Đường mưa nho nhỏ,
Chim non dấu mỏ,
Dưới cội hoa vàng.
Bước em thênh thang,
Áo tà nguyệt bạch...
 
Mối tình nhẹ như mây và đẹp như cổ tích của Phạm Thiên Thư thật dễ thương biết mấy:   
 
Thương ơi vạn thuở,   
Biết nói chi nguôi   
Em mỉm môi cười,    
Anh mang nỗi nhớ...
Và cả khi đã chia xa:     
Dáng em nho nhỏ,     
Trong cõi xa vời,     
Tình ơi, tình ơi...
 
Ai trong chúng ta đã đi qua tuổi học trò mà không chép thơ ông vào tập vở? Để rồi mỗi sáng nắng chiều mưa, chúng ta vẫn thấy vang lên từng giai điệu ngọt ngào của hương vị tình yêu buổi ban đầu ngập ngừng bỡ ngỡ như có như không, như mây chiều ngày hạ, như nắng sớm mưa thu của một Mường Mán dung dị ngây ngô mà đáng yêu đến lạ lùng:
        
......

Có chi mô mà chân luống cuống
Cứ tà tà ta bước song đôi
Đi một mình tim sẽ mồ côi
Tóc sẽ lệch đường ngôi không đẹp
 
Để tóc rối cần chi phải kẹp
Nắng sẽ chia nghìn sợi tơ huyền
Buộc hồn O vào những cánh chim
Bay lên đỉnh hồn anh ngủ đậu
 
Cứ mím môi rứa là rất xấu
O cười tươi duyên dáng vô cùng
Cho anh nhìn những hạt răng xinh
Anh sẽ đổi ngàn ngày thơ dại
 
Mi khẽ chớp nghĩa là sắp háy
Hãy nguýt đi giận dỗi càng vui
Gót chân đưa bước mộng bồi hồi
Anh chợt thấy trần gian quá chật
                      
Và với Nguyên Sa thì ta lại được thưởng thức những âm thanh bay bỗng , óng chuốt, lấp lánh và vô cùng điệu đàng trong từng ý từng lời:
 
Có phải em mang trên áo bay,
Hai phần gió thổi một phần mây,
Hay là em gói mây trong áo,
Rồi thở cho làn áo trắng bay?
 
Và biết bao ân cần vỗ về cho người mình yêu dấu:  
 
Anh sẽ vuốt tóc em cho đêm khuya tròn giấc,   
Anh sẽ nâng tay em cho ngọc sát vào môi...
Anh sẽ vì em để pha màu mực tím, để đong đầy nghĩa yêu đương giữa ngàn hoa vàng và thắm biếc lá xanh.
 
Thế đó, biết bao ý tình thiết tha của buổi đầu hạnh ngộ vương vấn làm say đắm lòng ta từ bấy đến giờ:     
 
Mùi phấn em thơm mùi hạ cũ,    
Nửa như hoài vọng nửa như say,    
Em đến như mây chẳng hạn kỳ,   
Hương ngàn gió núi động hàng mi.  
Tâm tư khép mở đôi tà áo,     
Hò hẹn lâu rồi em nói đi.
 
Thật kiêu sa và sang cả, Đinh Hùng cũng đã mang tặng chúng ta những cảm xúc vô cùng mới mẻ và những dòng thơ tuyệt bích và rồi với tài hoa của Phạm Đình Chương chúng ta lại được thưởng thức những cung bậc đẹp như tranh vẽ của lứa đôi hạnh phúc:     
 
Hy vọng thơm như má chớm đào,     
Ước nguyện chung giấc mộng trăng sao,       
Sánh vai một mái lầu phong nguyệt,     
Hoa bướm vì em nghiêng cánh chao…
 
Cảnh như non bồng nước nhược, tình như đắm như say dưới một trời hoa mộng, ta nghe lòng êm ái một niềm yêu thương lan tỏa dịu dàng và tươi sáng. Thơ và nhạc như đan quyện vào nhau, hòa cùng nhịp đập thăng hoa cảm xúc của người thi sĩ và nhạc sĩ đã tặng cho đời những món quà xinh xắn và diễm lệ vô ngần.
Đinh Hùng đã từng thốt lên: Em lộng lẫy như một ngàn hoa sớm... Chúng ta có thể nói thơ ông cũng lộng lẫy như một ngàn hoa sớm vậy:    
 
Có những buổi ta nhìn em kinh ngạc      
Hồn mất dần trong cặp mắt lưu ly      
Ôi mắt xa khơi, ôi mắt diệu kỳ      
Ta trông đó thấy trời ta mơ ước.     
Ta thấy bóng một vừng đông thuở trước      
Cả con đường sao mọc lúc ta đi     
Cả chiều sương mây phủ lối ta về     
Khắp vũ trụ đều vô cùng thương nhớ.
 
Chúng ta ngưỡng mộ những tài hoa và trân trọng bao ý ngọc lời châu, và chúng ta cũng thấy gần gũi và rất đỗi thân thương một Nguyễn Bính mộc mạc chân quê trong một mối tình gắn bó với cô láng giềng:   
 
Nhà nàng ở cạnh nhà tôi ,  
Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn.
 
Và đến bài thơ Trường huyện thì chúng ta mới thấy hết điều dễ thương của ông:       
 
Học trò trường huyện ngày năm ấy   
Anh tuổi bằng em lớp tuổi thơ   
Những buổi học về không có nón   
Đội đầu chung một lá sen tơ  
Lá sen vương phấn hương sen ngát  
Ấp ủ hai ta chút nhụy hờ  
Lũ bướm tuởng hoa cài mái tóc  
Theo về tận cửa mới tan mơ.
 
Mối tình tuổi thơ kỳ ảo mênh mông như cơn mưa bất chợt, như gió thoảng chiều thu, như sen tơ ngày hạ, như giấc mộng cuối trời. Và cả lũ bướm ấy cũng như say tình mộng ảo mà ngẩn ngơ theo về.
 
Và hẳn ai trong chúng ta cũng đều mỉm cười thông cảm sẻ chia cái độ ghen phi lý mà rất mực Nguyễn Bính:  
 
Tôi muốn cô đừng nghĩ đến ai  
Đừng hôn, dù thấy cánh hoa tươi,    
Đừng ôm gối chiếc, đêm nay ngủ...    
Đừng tắm chiều nay, biển lắm người...
  
Tôi muốn làn hơi cô thở nhẹ.    
Đừng làm ẩm áo khách chưa quen.    
Chân cô in vết trên đường bụi    
Chẳng bước chân nào được dẫm lên...
 
Thế là tận cùng của chiếm hữu riêng tư, nhưng chúng ta vẫn thấy rất mực duyên dáng, ý vị và độc đáo một Nguyễn Bính trên thi đàn, và chúng ta càng thương mến và yêu kính ông hơn nhiều. 
Tiếc rằng Nguyễn Bính đã không gặp được Trịnh Công Sơn để nghe Trịnh một lần: Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ... 
 
 

Ru em ngồi yên đấy, tôi tìm cuộc tình cho...
 
Cho dù có khác biệt nào giữa Trịnh Công Sơn và Nguyễn Bính, Nguyên Sa hay Đinh Hùng, Phạm Thiên Thư và Tuệ Sĩ thì tình yêu vẫn lên ngôi thần thánh, diễm lệ và trang đài, thi vị và liêu trai và mãi là nguồn cảm hứng bất tận trong tim người nghệ sĩ để dâng tặng cho những tâm hồn đồng điệu một vẻ đẹp thanh tao của  đường tơ ngân lên giữa mây ngàn gió lộng, của âm nhạc tuyệt bích và lời thơ diễm lệ.
                                                     
Có thể nói chúng ta là những người may mắn và hạnh phúc vì được thưởng ngoạn những tác phẩm nghệ thuật biểu đạt tình yêu đôi lứa với nhiều sắc thái bay bỗng, thăng hoa, phong phú, đa dạng, lộng lẫy  và tuyệt vời. Và rồi mỗi lúc nghe cõi lòng lắng đọng những buồn vui, ta lại tìm đến như một cứu giúp để an ủi vỗ về tâm tưởng, Như những buổi chiều nay, khi ngoài trời âm ỉ những cơn giông và kéo theo những cơn mưa đầu hạ làm gợi lại trong tôi những tâm tình thiết tha và chợt nghĩ về  Huy Cận:
  
Hỡi mây trắng phất phơ màu gió cũ.    
Nước buồn ôi! còn lại bến sơ xưa.    
Cho ta gởi vọng xuôi về quá khứ.    
Đôi chút sầu tư nước đẩy, mây đưa...
 
Và một nỗi buồn man mác buổi tịch dương của Nhã Ca:   
 
Ngày cũng vừa xanh dáng tịch liêu,   
Đường xa sầu tiếp với cây chiều   
Bầy chim én cũ qua thành phố.  
Về gọi thời gian vỗ cánh theo...
 
 Và thế là mình nghe lòng buồn quá đỗi... Nhã Ca ơi.
 
                                                                                        Phan Quỳ

Không có nhận xét nào: