BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 6 tháng 1, 2021

HÀ NỘI TRONG MẮT “VUA HỀ CHARLOT” – Thạch Lam

Nguồn:
https://vietnamesecommunity.wordpress.com/2021/01/03/ha-noi-trong-mat-vua-he-charlot/

Phong Hóa là tờ báo trào phúng đầu tiên trong lịch sử báo chí VN (1932-1936), ra hằng tuần, thuộc nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Tháng 4-1936, khách sạn Metropole Hà Nội đón một vị khách đặc biệt, đó là vua hề Charlie Chaplin. Sau khi làm lễ cưới minh tinh Hollywood là Paulette Goddard ở Thượng Hải, Charlie Chaplin đã đưa cô vợ trẻ sang hưởng tuần trăng mật tại Hà Nội.


Charlie Chaplin và nữ minh tinh màn bạc Holywood Paulette Goddard 
(Tại Hà Nội vào tháng 4/1936)

PHỎNG VẤN "VUA HỀ CHARLOT" TẠI HÀ NỘI 

Người phỏng vấn: Nhà văn Thạch Lam
(Đặc phái viên báo Phong Hóa)

----
L.T.S. - Nhân cơ hội, Phong Hóa vội phái người đến phỏng vấn ông. Nhận tiếp một người nhà báo, nhất là một nhà báo ở đây, Charlot thực đã tỏ ra lòng tử tế một cách đặc biệt. Có lẽ vì ông vui cười ấy cũng với báo Phong Hóa là tờ báo cười, có nhiều chỗ tương đắc, hay có lẽ bí mật gì khác cũng nên. Dẫu sao nhân dịp đặc biệt này, chúng tôi cũng hiến các bạn một bài phỏng vấn... đặc biệt.


Chaplin và Paulette Goddard trong Modern Times.

Charlot tiếp tôi một cách rất nhã nhặn và niềm nở - tuy ông ta sợ nhất các nhà báo đến phỏng vấn. Có lẽ ông sẵn lòng tiếp tôi, vì biết tôi là đại biểu cho tờ báo vui ở Đông dương chăng?


Charlie Chaplin và vợ tại khách sạn Metropole Hà Nội vào tháng 4/1936

Sau khi giới thiệu tôi với cô Paulette Goddard, Charlot mời tôi ngồi, rồi cũng ngồi ở trước mặt. Charlot ở ngoài thật khác Charlot trong màn ảnh: tôi đã quen với Charlot với bộ râu và cái mũ lệch, đến nỗi bây giờ ngồi trước mặt Charlot thật tôi hơi lấy làm lạ. Nhưng cũng vẫn là một người, vẫn đôi mắt đen và sáng, vẫn cái nhìn sâu xa, nhiều ý nghĩa của anh "ma-cà-bông" trong phim "Ánh Sáng của thành phố".

- Ông có thể cho tôi biết từ xưa tới nay ông đã bị người ta phỏng vấn bao nhiêu lần rồi?
Charlot mỉm cười:
- Nhiều lần lắm, không biết bao nhiêu nữa. Nhưng chắc cũng không kém một vạn lần và thêm lần bây giờ nữa.
- ... là một vạn mốt! Như thế tôi hiểu sao ông ghét nhà báo chúng tôi lắm...
- Cái đó không hề gì.
- Ông đi du lịch sau khi quay xong phim "Thời Mới"?
- Phải.
- Chúng tôi chưa được xem phim ấy. Có phải trong phim đó, ông nói về máy móc không?
- Tôi muốn tả rõ cái cảnh đời máy móc bây giờ. Người làm nô lệ cho máy, cũng là những công việc như máy, rồi cũng hóa vô giá trị như máy vậy. Cái vai tôi đóng trong phim ấy là một anh chàng - cũng bình thường như tôi với ông đây - bị các máy móc và công việc trong nhà máy làm thành ngớ ngẩn... Bởi thế, đi đến chỗ nào anh ta cũng tưởng quanh mình toàn máy móc cả, rồi lúc nào anh ta cũng tưởng tượng xoáy cái đinh ốc, là công việc của anh ta trong nhà máy...
- Thế khi sang đến đây, ông còn tưởng tượng xoáy đinh ốc nữa không?
- Có phải tôi đâu. Người trong phim kia mà. Tôi nói nốt: sau cùng anh ta trốn về nhà quê, gặp một cô gái quê ngây thơ và xinh đẹp...
- Là cô này có phải không? Thế thì ông sung sướng thật!
Cô Paulette hơi đỏ mặt vì lời khen tặng của tôi, mỉm cười.

Charlot nói tiếp:
- Và anh ta hiểu rằng chỉ một cái gia đình êm đềm trong một căn nhà tranh mới chính là cái lạc thú ở đời...
- Ồ, thế thì ông còn đợi gì mà không sang ở quách bên tôi nữa. Cái gì chứ một căn nhà tranh êm đềm thì sẵn lắm. Lại sẵn nữa những cô gái quê cũng ngây thơ và đẹp đẽ, và chịu khó.


“Nhà tranh với tấm lòng vàng/ Lòng quê anh chỉ mơ màng thế thôi”

Charlot mở to mắt nhìn tôi:
- Thế thì quý hóa quá!
- Mà trong nước không có máy móc, không có nhà máy gì cả. Ông không phải trốn máy nữa.
- Thế phải có những điều kiện gì mới làm dân nước ông được?
- À... trước hết phải đóng thuế... Một khi ông làm cái bổn phận ấy rồi, ông được coi ngang hàng như người giàu có. Ông lại phải học lễ phép để khi vào quan nữa. Mà chút nữa quên: nếu ông ở làng thì ông phải đóng góp.
- Để làm gì?
- Để được ngồi chiếu trên và lấy phần xôi thịt...
- Đóng góp để ăn?
- Phải.
Charlot gật gù một lát rồi nói:
- Hay... hay lắm! Thật là một ý kiến mới lạ ông cho tôi. Về bên Mỹ, tôi phải đem ra thực hành trong phim mới được.


Ông Lý làng này vừa mới chết, mọi người đương kéo đến ăn đầy nhà…


Trong óc tôi vụt nảy ra một ý kiến làm quảng cáo cho nước nhà. 
Tôi vội nói:
- Nếu ông cần ý kiến lạ thì bên tôi nhiều lắm. Tôi sẽ nói cho ông nghe. Ví dụ, ông có thấy ở nước nào đám tang thì mổ bò ăn khao và thổi bài kèn Madelon bao giờ không? Chắc là không. Ấy thế mà ở nước tôi có. Lại còn các cụ lý quê khi đi đâu thì treo đôi giày cẩn thận ở đầu ô, sợ nó mòn. Giá lần sau ông cho anh Charlot đeo đôi giày trên đầu ô rồi nghênh ngang ở thành phố Chicago thì có phải thú không?


Lần sau ông có thể cho anh Charlot đeo đôi giầy trên đầu ô rồi nghênh ngang ở thành phố Chicago…

Charlot nấc ra cười:
- Tôi cũng đồng ý với ông. Phải đây, phải đây. Còn gì nữa không?
- Còn nhiều cái lạ lắm. Nhưng nói ra không hết. Để tôi sẽ tặng ông một collection báo Phong Hóa.
- Cám ơn ông trước.
- Còn như cái vai "ma-cà-bông" ông đóng, thì trong các thành phố tôi, nhiều lắm, đếm không xiết: có đến hàng nghìn người mà họ khổ sở đói khát nhiều hơn nữa.
Cô Paulette ngăn tôi nói:
- Tôi xin hỏi ông một câu. Từ khi sang đây, tôi hằng thấy ở các vệ hè thành phố, những ngày nắng, từng túm đàn bà, con gái ngồi. Một người xõa tóc, còn một người bới tóc và thỉnh thoảng đưa tay lên mồm. Họ làm gì thế, thưa ông?
- Họ... họ... ngồi phơi nắng!
- Phải, cái đó, tôi biết rồi. Ở bên Mỹ, chúng tôi cũng ra ngồi phơi nắng luôn. Nhưng còn cái việc kia?
- À... ̣ấy là họ bắt chấy cho nhau.
- Bắt chấy! Trời ơi, họ lại ăn chấy nữa à?
- Ăn rồi nó cũng quen đi.
- Thế ông có ăn không?
Cô Paulette nhìn tôi như có ý ghê tởm. Tôi phì cười:
- Không, tôi không ăn bao giờ.
Charlot, trong lúc ấy ngồi nghĩ ngợi, bấy giờ vụt nói:
- Cô Paulette, cô lấy giấy biên đi. Tôi vừa mới nghĩ được một sự hay quá: lần sau, trong một cuốn phim, tôi sẽ cho Charlot đứng xem hai người đàn bà bắt chấy cho nhau, rồi....
Cô Paulette cả cười:
- Nhưng bên ta làm gì có ai bắt chấy?
- Không hề gì. Ta sẽ "lancer cette mode" chứ sao!


Charlot và vợ hưởng tuần trăng mật tại Việt Nam vào tháng 4/1936

Xem chừng cuộc phỏng vấn đã khá lâu, tôi đứng dậy cáo từ:
- Xin chúc cô và ông đi du lịch được vui vẻ. Và mong rằng lúc đi ông còn giữ được một cái kỷ niệm êm đềm của nước tôi.
Charlot vội nói:
- Êm đềm, êm đềm lắm. Nếu tôi dùng được cái ý kiến gì hay của ông, thì thật cuộc du lịch của tôi ở đây không phải là vô vị.

                                                            Thạch Lam
                      Báo Phong Hóa số 185 ra ngày 1/5/1936, trang 3 & 8
 

2 nhận xét:

QUANG THÁI nói...

Câu chuyện hay lắm xin chúc mừng

https://1.bp.blogspot.com/-Lo_VVyQvia0/X_Sv0NWki7I/AAAAAAAABZs/sfPEcgr27jcEEqTOMUHSo3A07ubEGaYgQCLcBGAsYHQ/s0/9d48fd288e9b6b75fdccf7754a062e4b.gif

Bâng Khuâng nói...

Rất vui khi bạn ghé thăm và ghi cảm nhận. Năm mới 2021 an lành nhé!

https://bestanimations.com/uploads/gifs/1438759022happy-new-years-gif-gold-fireworks-2021.gif