Vua
Quang Trung
1753-1792
TRẬN
NGỌC HỒI – ĐỐNG ĐA
230 NĂM TRƯỚC TRONG SỬ SÁCH VIỆT - HOA
Cách đây 230 năm, vào mùng 5 tết Kỷ Dậu (1789), vua Quang
Trung chỉ huy trận Ngọc Hồi - Đống Đa vĩ đại, đánh tan quân xâm lược nhà Thanh.
Bộ sử chính thống của nhà Nguyễn là Đại Nam liệt truyện,
chép về nhà Tây Sơn trong phần Truyện Ngụy Tây, tuy có rất nhiều bài bác, nhưng
với chiến thắng vẻ vang này của dân tộc, cũng mô tả rất hào hùng:
"Mờ
sáng mồng 5, (quân Tây Sơn) tiến sát đến lũy Ngọc Hồi, trên lũy đạn bắn xuống
như mưa, Huệ sai chiến sĩ đội ván gỗ để xông vào trận, mà tự thúc voi đốc đằng
sau. Khi đã phá được cửa lũy, đều ném ván gỗ xuống đất, đem dao ngắn chém bừa
đi, quân nước Thanh chống chọi không được, tan vỡ chạy ra bốn mặt gặp máy chôn
ngầm, lại bị chấn địa lôi nổ ra, chết và bị thương rất nhiều. Quân Tây Sơn đánh
trống reo hò tiến đi liền phá được các đồn Văn Điển, Yên Quyết. Đô đốc nước
Thanh là Hứa Thế Hanh, Tổng binh là Trương Triều Long, Thượng Duy Thăng, Tri phủ
Điền Châu là Sầm Nghi Đống đều chết cả".
Về viên chủ tướng của quân Thanh là Tôn Sĩ Nghị, Liệt truyện
viết về cách rút lui hèn nhát của hắn:
"Nghị
ở bãi cát nghe tin báo, một mình cưỡi ngựa chạy về Bắc, tướng sĩ tranh cầu để
sang sông, cầu gãy ôm lấy nhau xô nhau lặn xuống sông chết đuối kể đến hàng vạn,
nước sông Nhị Hà vì thế chảy không được".
Sử nhà Nguyễn cũng viết thêm về diễn biến sau trận đánh nổi
tiếng này: "Sĩ Nghị đã thua, Huệ sai
quân đuổi theo đến cửa ải Lạng Sơn, nói phao lên rằng quân qua cửa ải đánh giết
không sót người nào, cốt tìm cho được chỗ Chiêu Thống đế ở. Người nước Thanh cả
sợ từ cửa quan trở về mạn Bắc, người già, trẻ con bồng bế nhau chạy, vài trăm dặm
tuyệt không có người ở".
Trong khi đó, trong bộ sử của nhà Thanh là Thanh sử cảo, diễn
biến về trận đánh này có nhiều chi tiết khác biệt, nhưng nói chung vẫn thể hiện
sự thần tốc và hiệu quả trong tác chiến của vua Quang Trung.
Các ghi chép liên quan đến nước ta đã được nhà nghiên cứu
Châu Hải Đường (Lê Tiến Đạt) dịch và xuất bản thành cuốn An Nam truyện (NXB Hội
nhà văn, 2018), trong đó phần viết về trận Ngọc Hồi - Đống Đa như sau:
"Mồng
một tháng giêng năm Càn Long thứ 24 (1789), trong quân (của Tôn Sĩ Nghị) bày rượu
tấu nhạc, đang đêm bỗng có tin báo quân Nguyễn (Huệ) đã vào đến nơi, mới hốt hoảng
chống cự. Quân địch dùng voi chở đại pháo xung phá quân ta, quân ít không địch
nổi số đông, trong đêm đen tự dẫm đạp lên nhau mà chạy. Lê Duy Kỳ (vua Chiêu Thống)
đã đem theo gia quyến chạy trước, quân Điền (Vân Nam) nghe tiếng pháo cũng rút
chạy".
"Tôn
Sĩ Nghị đoạt đường vượt sông Phú Lương (tức sông Hồng), rồi lập tức chặt cầu
phao để đoạn hậu", Thanh sử cảo viết về cách rút chạy của Tổng đốc họ Tôn.
"Vì vậy những quân còn lại trên bờ, Đề đốc Hứa Thế Hanh, Tổng binh Trương
Triệu Long, cùng quan quân phu dịch hơn vạn người, đều chen nhau chết đuối cả".
Diễn biến sau trận Ngọc Hồi - Đống Đa được sử Trung Quốc mô
tả như sau: "Bấy giờ Sĩ Nghị chạy về
Trấn Nam quan, đốt bỏ hết những lương thảo khí giới ở ngoài ải đên mấy chục vạn,
quân mã quay về được không tới một nửa".
Rất
nhiều sử, sách Việt Nam và Trung Quốc ghi lại chiến thắng vẻ vang mùa Xuân năm
Kỷ Dậu của vua Quang Trung.
Một viên tướng lĩnh cấp nhỏ của quân nhà Thanh là Du kích đề
tiêu Trần Nguyên Nhiếp, người tham dự trực tiếp trận đánh, đã kể lại chi tiết
diễn biến trận đánh trong cuốn Quân doanh kỷ lược tam quyển, mà nhà nghiên cứu
Nguyễn Duy Chính đã trích dịch trong cuốn Việt - Thanh chiến dịch (NXB Văn hóa
- Văn nghệ, 2016) như sau:
"Sáng
sớm ngày mồng 5, voi từ phía sau núi kéo ra. Ta vội vàng dùng đại pháo oanh
kích tượng trận. Voi liền chia thành hai cánh vòng ra đằng trước xông thẳng vào
đại doanh. Khi đó, thế địch đông, ta phải phân ra chống giữ. Quân giặc tập
trung như kiến, mạnh như sóng biển ập vào. Nghe nói đại doanh đã bị trận voi
xông vào đốt cháy vì chưng mỗi con voi trên lưng có đủ chỗ cho ba bốn tên giặc
(tức quân Tây Sơn) đầu quấn khăn đỏ ngồi ném các loại lưu hoàng, hỏa cầu vào mọi
nơi để đốt người".
Cuốn Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái, mô tả
cũng khá chi tiết về trận đánh này. Tuy nhiên, đây là một tiểu thuyết lịch sử,
văn phong đã được phóng tác, nên có thể độ xác tín không cao bằng các sử liệu
khác. Sách viết:
"Canh
tư đêm ấy (mùng 5 Tết Kỷ Dậu), chợt nghe ở phía tây bắc thành tiếng súng nổ
đùng đùng không ngớt. Tôn Sĩ Nghị vội sai người cưỡi ngựa ra xem, thì nghe báo
tin đồn quân Điền Châu (đồn Khương Thượng - Đống Đa) tan vỡ, quân Tây Sơn đã
vào cửa ô, đốt giết lung tung khói lửa bốc lên đầy trời rồi.
Nghị
sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp, dẫn bọn lính kỵ
mã của mình chuồn trước qua cầu phao, rồi nhằm hướng Bắc mà chạy. Quân sĩ các
doanh nghe tin, đều hoảng hồn, tan tác bỏ chạy, tranh nhau qua cầu sang sông,
xô đẩy nhau rơi xuống mà chết rất nhiều. Lát sau cầu lại bị đứt, quân lính đều
rơi xuống nước, đến nỗi nước sông Nhĩ Hà vì thế mà tắc nghẽn không chảy được nữa".
Một tài liệu độc đáo khác là lời khai và tấu chương của Tôn
Sĩ Nghị lên vua Càn Long sau thất bại này, lưu giữ trong kho tài liệu nhà Thanh
(Quân cơ xứ) và được nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính trích dịch, cho biết: "Thấy tình hình nguy cấp, quân Nam đã
vây bốn bề nên thần đã ra lệnh cho tướng sĩ phải tử chiến một trận để báo hoàng
ân. Bọn Hứa Thế Hanh đáp lời xông lên trước, sau khi bắn hết đạn rồi dùng đoản
binh (tức gươm giáo) đánh cận chiến".
Biện minh cho việc bỏ chạy thoát thân của mình, Tôn Sĩ Nghị
khai rằng: "Nếu như thần chẳng may
trúng phải hòn tên mũi đạn e rằng nhục đến quốc thể nên phải cùng bọn phó tướng
dẫn hơn ba trăm quân phá vòng vây mà chạy".
Đây là trận đánh kinh hoàng nhất trong toàn bộ chiến dịch
đánh quân Thanh của vua Quang Trung. Theo tài liệu của các giáo sĩ nước ngoài
có mặt tại Thăng Long lúc đó, thì quân Tây Sơn cũng thiệt hại rất nhiều, tới
khoảng 8.000 người, trong đó có cả một tướng lĩnh cao cấp hi sinh là Đô đốc
Lân.
Còn tổn thất của phía quân Thanh, thì theo Cao Tông thực lục,
tổng kết số binh sĩ tử trận được hưởng tiền tử tuất có gần 12.000 người, trong
đó có 186 võ quan các cấp, gồm 1 đề đốc, 2 tổng binh, 2 phó tướng, 3 tham tướng...
Hoàn
cảnh lịch sử chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa năm Kỷ Dậu 1789
Ngày 21 tháng 7 năm Mậu
Ngọ 1786, Nguyễn Huệ (1753 – 1792) kéo đại quân vào Thăng Long, chính quyền của
họ Trịnh bị lật đổ. Nguyễn Huệ trao lại quyền hành cho vua Lê Hiển Tông (1716
-1786), và được vua Lê Hiển Tông phong cho tước Uy Quốc Công. Vua Lê Hiển Tông
cũng nhường cho Tây Sơn đất Nghệ An, gọi là để thưởng công. Sau khi hoàn thành
mọi việc, Nguyễn Huệ rút quân về Phú Xuân.
Ngay sau khi Nguyễn Huệ rút quân về Nam, tình hình Bắc hà rối
loạn, nhân dân cực khổ. Vua Lê Hiển Tông mất, kế vị là vua Lê Chiêu Thống (1766
– 1793) bất lực trong việc chống chọi với thế lực họ Trịnh do Trịnh Bồng đứng đầu
đang cố sức gây dựng lại cơ đồ cũ của họ Trịnh.
Vua Lê Chiêu Thống dựa vào sự giúp đỡ của Nguyễn Hữu Chỉnh
đánh bại họ Trịnh, đốt phá phủ chúa. Nguyễn Hữu Chỉnh sau đó lộng quyền, chống
lại nhà Tây Sơn, cho người vào đòi lại Nghệ An. Cuối năm Đinh Mùi 1787, Nguyễn
Huệ lúc đó làm chủ vùng đất từ Phú Xuân (Huế) ra Bắc theo sự phân chia của Nguyễn
Nhạc (1743 – 1793), cử Ngô Văn Sở, Vũ Văn Nhậm đem quân ra Bắc hà tiêu diệt
Nguyễn Hữu Chỉnh.
Trước sức tấn công dữ dội của quân Tây Sơn, Nguyễn Hữu Chỉnh
và vua Lê Chiêu Thống phải bỏ chạy lên phía bắc, dọc đường quân sỹ bỏ trốn gần
hết. Nguyễn Hữu Chỉnh chạy đến vùng Yên Thế (Bắc Giang) thì bị bắt và bị giết
chết. Vua Lê Chiêu Thống trốn thoát, rồi vượt biên chạy sang Quảng Tây (Trung
Quốc).
Đến Quảng Tây, vua Lê Chiêu Thống vội đến cầu cứu tuần phủ
Quảng Tây là Tôn Vĩnh Thanh và viết thư cho Tổng đốc Lưỡng Quảng là Tôn Sỹ Nghị
(1720 – 1796). Tôn Sỹ Nghị liền dâng sớ lên cho vua Càn Long (1711 – 1799) nội dung là giúp vua Lê “phục tồn” để nhân đó
“đặt thú binh giữ lấy An Nam” làm một việc mà được hai công.
Vua Càn Long suy nghĩ, kiểm tra cẩn thận đã đồng ý, hạ lệnh
điều động binh mã của 4 tỉnh là Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam và Quý Châu, tất
cả gồm hơn 29 vạn quân (bao gồm cả dân phu), do Tôn Sỹ Nghị làm Tổng chỉ huy,
chia quân làm 4 đạo tiến sang xâm lược nước ta.
Đạo quân thứ nhất đi theo đường Lạng Sơn do Tôn Sỹ Nghị trực
tiếp chỉ huy; Đạo quân thứ hai đi theo đường Cao Bằng do tri phủ Sầm Nghi Đống
chỉ huy; Đạo quân thứ ba đi theo đường Tuyên Quang do đề đốc Ô Đại Kinh chỉ
huy; Đạo quân thứ tư theo hướng Quảng Ninh tiến vào đóng ở Hải Dương.
Đến tháng 11 năm Mậu Thân 1788, quân nhà Thanh ồ ạt tiến vào
nước ta.Tướng của nhà Tây Sơn trấn giữ ở Lạng Sơn là Phan Khải Đức sợ hãi đầu
hàng giặc.Tin cấp báo về Thăng Long, Ngô Văn Sở lập tức hội các tướng để bàn bạc
tìm cách đối phó.
Ngô Thời Nhậm đã đề nghị là tạm rút lui vào đóng giữ phòng
tuyến Tam Điệp (Ba Dội - Ninh Bình) – Biện
Sơn (Thanh Hóa), để cho quân Thanh tạm thời vào Thăng Long, rồi cho người cấp
báo với Nguyễn Huệ đem quân ra tiêu diệt quân nhà Thanh. Ngô Văn Sở đã tán
thành đề nghị đó, một mặt hạ lệnh cho quân sỹ bí mật rút về Tam Điệp –Biện Sơn,
một mặt cử người về Phú Xuân cấp báo cho Nguyễn Huệ.
Quân chủ lực của Tôn Sỹ Nghị, được sự dẫn đường và nội ứng của
tàn quân Lê Chiêu Thống đã nhanh chóng tiến vào chiếm đóng Thăng Long vào ngày
17 tháng 12 năm 1788. Để phòng thủ Thăng Long, Tôn Sỹ Nghị cho đạo quân của Sầm
Nghi Đống đóng ở Khương Thượng (Đống Đa – Hà Nội), đạo quân của Ô Đại Kinh đóng
ở Sơn Tây, lập nhiều đồn lũy liên tiếp ở Thanh Quyết, Nhật Tảo, Văn Điển, Ngọc
Hồi. Bản thân Tôn Sỹ Nghị thì đóng tại bản doanh ở cung Tây Long (bờ sông Hồng
thuộc Hà Nội).
Chiếm được Thăng Long và các tỉnh ở phía bắc, Tôn Sỹ Nghị tỏ
ra kiêu ngạo, thả cho quân sỹ mặc sức làm càn, cướp bóc của những nhà giàu có,
hãm hiếp đàn bà con gái không còn kiêng sợ gì nữa.
Trong khi đó thì vua Lê Chiêu Thống một mặt trả thù, báo oán
rất ti tiện, một mặt hằng ngày đến chầu chực ở đại bản doanh của Tôn Sỹ Nghị rất
nhục nhã và bị bọn chúng khinh bỉ. Hành động của vua Lê Chiêu Thống khiến cho
nhân dân ở Thăng Long than thở: “Nước Nam ta từ khi có đế, có vương đến nay,
chưa thấy bao giờ có ông vua luồn cúi đê hèn như thế”.
Hoàng
đế Quang Trung đại phá quân Thanh xâm lược
Ngay sau khi nhận được tin cấp báo, ngày 22 tháng 12 năm
1788 (tức ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân), Nguyễn Huệ sai người lập đàn ở phía
nam núi Ngự Bình (Huế), tế cáo trời đất, lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là
Quang Trung, và lập tức tiến quân ra Bắc.
Đến Nghệ An, đóng quân lại một thời gian để chiêu mộ thêm
quân. Chỉ trong vòng mấy ngày, thanh niên trai tráng địa phương nô nức kéo về,
hăng hái tòng quân, vì vậy mà quân số lên đến hơn 10 vạn. Trên đường ra Thanh
Hóa vua Quang Trung lại tiếp tục tuyển thêm lính mới.
Ngày 20 tháng Chạp năm Mậu Thân, đại quân Tây Sơn đã tập kết
tại phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn. Sau khi nghe Ngô Văn Sở báo cáo tình hình,
vua Quang Trung tỏ ý tán thành chủ trương của Ngô Thời Nhậm, và cùng các tướng
chuẩn bị cuộc tổng tiến công.
Toàn quân được chia làm 5 đạo: Đạo thứ nhất đánh thẳng vào
các đồn lũy phía nam Thăng Long và là đạo quân chủ lực do vua Quang Trung trực
tiếp chỉ huy; Đạo thứ hai do đô đốc Đặng Tiến Đông chỉ huy đánh vào đồn Khương
Thượng, rồi qua cửa Tây Nam đánh thẳng vào Thăng long; Đạo thứ ba do đại đô đốc
Bảo chỉ huy, tiến vào Đại Áng (nay thuộc Thường Tín, Hà Nội) chuẩn bị tham gia
tiêu diệt đồn Ngọc Hồi; Đạo thứ tư do đô đốc Tuyết chỉ huy, vượt biển lên đống ở
Hải Dương uy hiếp mặt đông của quân giặc; Đạo thứ năm do đại đô đốc Lộc chỉ
huy, vượt biển vào sông Lục Đầu sẵn sang tiêu diệt tàn quân của giặc.
Kế hoạch chiến đấu đã sẵn sàng, nhiệm vụ của các đạo quân đã
được xác định, vua Quang Trung nghĩ đến ngày Tết cổ truyền của dân tộc và vào
ngày cuối tháng Chạp năm Mậu Thân 1788, quyết định mở tiệc khao quân, gọi là ăn
tết trước, chờ đến ngày mùng 7 tháng Giêng vào Thăng Long sẽ làm lễ hạ nêu, mừng
chiến thắng.
Trong khi đó, một số quan tướng nhà Lê sốt ruột, xin Tôn Sỹ
Nghị xuất quân, nhưng Tôn Sỹ Nghị kiêu ngạo trả lời: “Giặc còn gầy, ta hãy nuôi cho béo, để chúng tự đến dâng thịt cho ta”.
Và từ ngày 25 tháng Chạp năm Mậu Thân 1788, Tôn Sỹ Nghị thả cho quân sỹ chơi bời,
quậy phá đón xuân.
Theo đúng như kế hoạch, vua Quang Trung cho quân lính gấp
rút lên đường ra Bắc. Các đồn tiền tiêu của địch như Gián Khẩu, Thanh Quyết, Nhật
Tảo lần lượt bị hạ, không một tên lính nào chạy thoát. Nửa đêm ngày mùng 3 tết,
vua Quang Trung cho quân bao vây đồn Hà Hồi, đúng vào lúc quân nhà Thanh đang
say sưa trong giấc ngủ.Theo đúng kế hoạch, vua Quang Trung cho bắc loa gọi
hàng. Hốt hoảng, bất ngờ khi nghe tiếng loa, lũ giặc ở đồn Hà Hồi mở cửa đầu
hàng, đồn Hà Hồi đã bị tiêu diệt một cách nhanh chóng.
Vua Quang Trung cho đóng quân lại, chuẩn bị trận quyết chiến
sắp tới ở đồn Ngọc Hồi. Đồn Ngọc Hồi do phó tướng của giặc là Hứa Thế Hanh chỉ
huy theo sự phân công của Tôn Sỹ Nghị thì đồn Ngọc Hồi giữ vị trí then chốt ở mặt
nam.
Sáng ngày mùng 4 tết, đang vui vẻ ăn uống thì Tôn Sỹ Nghị nhận
được tin cấp báo “quan quân ở đồn Hà Hồi đều bị quân Tây Sơn đánh úp, bắt sống
hết rồi”. Vì đồn Ngọc Hồi có vị trí quan
trọng, cho nên Tôn Sỹ nghị lập tức chi viện cho đồn Ngọc Hồi.
Rạng sáng ngày 5 tết Kỷ Dậu 1789, vua Quang Trung cho đội tượng
binh bất ngờ tiến nhanh về phía đồn Ngọc Hồi. Hứa Thế Hanh lập tức ra lệnh cho
đội kỵ binh xông ra nghênh chiến, vừa thấy voi chiến của Tây Sơn, đoàn ngựa của
giặc hoảng sợ bỏ chạy. Trước sức tấn công như vũ bão của quân Tây Sơn, quân địch
chống đỡ không nổi, quay đầu bỏ chạy tháo thân như ong vỡ tổ, tướng giặc là Hứa
Thế Thanh chết trong đám loạn quân.
Hàng vạn quân nhà Thanh tháo chạy về phía Thăng Long (từ đồn
Ngọc Hồi đến trung tâm Tăng Long 14 km), bị quân ta nghi binh, nên chúng dồn về
làng Quỳnh Đô, định từ đây chạy qua cầu về Văn Điển rồi chạy ra Thăng Long.Theo
như kế hoạch, đạo quân của đô đốc Bảo đã mai phục sẵn tiêu diệt địch ở mạn bắc
Quỳnh Đô, vì vậy mà quân giặc bị giết hại vô số.
Cũng theo như kế hoạch, lúc vua Quang Trung cho quân đánh
vào Ngọc Hồi, thì cũng là lúc đạo quân của đô đốc Đông tấn công như vũ bão vào
Khương Thượng – Đống Đa. Bị đánh bất ngờ, quân giặc hoảng loạn chống đỡ yếu ớt,
tướng giặc là Sầm Nghi Đống tuyệt vọng thắt cổ chết tại sở chỉ huy, quân giặc vỡ
trận thua tan tác, đô đốc Đông thừa thắng tiến quân thẳng về trung tâm Thăng
Long.
Tôn Sỹ Nghị kịp tỉnh giấc, thấy lửa cháy ở phía Đống Đa, y hốt
hoảng không biết phải xử trí như thế nào, đành nhảy vội lên ngựa cùng một số
tùy tùng chạy qua cầu phao , vượt sông hồng lên mạn bắc. Quân sỹ thấy chủ tướng
đã chạy, bèn hùa nhau chạy theo, số bị quân Tây Sơn đuổi giết, số bị rơi xuống
sông chết nhiều vô kể.
Nguồn:
tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét