BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2018

ĐỌC & BÌNH BÀI THƠ "HUẾ" CỦA NGUYỄN SƠN - Nguyễn Hùng Dũng


   

        ĐỌC VÀ BÌNH BÀI THƠ "HUẾ"
        (Thơ của Nguyễn Sơn và bình của Nguyễn Hùng Dũng)

HUẾ

Từng dấu lặng nghiêng sầu lên lấp lánh
Tường rêu xanh. hồn cổ. phiến bia mờ
Thành quách ngủ giữa mù sương ngất lạnh
Khuya trở mình nghe sỏi đá bơ vơ

Chiều Đại nội một cánh dơi rời tổ
Vỗ mông lung rồi xà xuống khôn cùng
Con sáo nhỏ thu mình trong hốc gỗ
Vươn cổ mềm hót rụng cả hư không

Đêm thuỷ mặc lung linh màu hoang phế
Khúc điêu tàn lộng lẫy điệu ma trơi
Lời cố quận rã rời trang huyết lệ
Bến cô liêu hò hẹn với mây trời

Hồn Thiên Mụ vọng hồi chuông cố sử
Bóng sông Hương rung nhịp mõ giang đầu
Sương mộ địa giăng sầu qua núi Ngự
Huế răng chừ mà lệ buốt ngàn sau!

                                SN  -22.9.2018

Đã khá lâu rồi, kể từ khi bình bài “Ngồi ru võng tình” của Lara Ngô, một nhà thơ có sinh quán Quảng Trị,  hiện đang định cư ở Hoa Kỳ,một nhà thơ mà tôi ngẩu nhiên được hân hạnh làm quen . Và hôm nay,sau khi thưởng thức thi phẩm “Huế” do anh Dũng Tôn Thọ Dương giới thiệu và được nàng Lara Ngô còm “Hay dữ”…Tôi vội đọc ngay và cảm khái muốn được bình bài này, cho dù tôi cũng chưa biết ất giáp gì về anh Nguyễn Sơn, tác giả bài thơ.
Nói về thơ Huế, khi kích Google, mọi người sẽ thấy hơn 38 triệu kết quả chỉ trong chưa đầy 1 giây, đủ thấy thi ca về xứ Huế phong phú biết chừng nào…Có rất nhiều nhà thơ,dù không phải là người Huế,nhưng chỉ cần đến Huế là có thể cảm tác nên một tứ thơ để đời,không biết có phải nhà thơ Nguyễn Sơn có như vậy không? Trước hết, tôi chân thành ghi nhận theo cảm quan cá nhân riêng mình, đây là một bài thơ hay in dấu trầm tích cổ điển có hơi hướm đường thi… Nhưng hãy để yên đó đã, tôi muốn khoe với mọi người một bài thơ về Huế của thầy tôi, Nguyễn Văn Bổn (thi sĩ Tần Hoài Dạ Vũ)

HẸN VỀ QUÊ HUẾ

Em có sầu thương không hở em
Xa nhau rồi mắt có buồn thêm
Tên anh có viết đầy trang vở
Có gọi thầm nhau trong những đêm?

Trời chắc còn sương trong tóc em
Nắng vàng hanh đẫm nét môi mềm
Hương cau còn thoảng trong vườn vắng
Áo lụa em còn phơi trước hiên?

Và những chiều mưa em có trông?
Khi hoàng hôn rụng kín con đường
Bàn tay lạnh những ngày xa cách
Còn biết tay nào tay nhớ thương?

Anh sẽ về một sáng mùa thu
Sông Hương còn trắng những sương mù
Áo em trắng nhịp cầu thương nhớ
Bóng ngả lòng anh câu hát ru

Anh sẽ giong thuyền trên nước xanh
Chở trăng Gia Hội vào Nội thành
Soi nghiêng mái tóc thề Tôn nữ
Thiếp giữa một vùng hương mỏng manh

Anh sẽ hôn lên vầng trán em
Tuổi ngây thơ ngủ đó êm đềm
Môi em anh gọi là hoa đỏ
Sẽ nở trong lòng sau mỗi đêm

Chờ anh về thăm nhé, Huế ơi!
Đường xa nhưng không thể sai lời
Chiều nay nắng trở trong lòng mắt
Con nước linh hồn không muốn trôi.

                                             1964

Thời điểm sáng tác bài thơ đó, thầy Bổn chỉ mới 18 tuổi và đang học tại cố đô Huế, không hiểu vì sao lại cảm tác một tứ thơ tình điệu đà như vậy, có phải vì thầy vốn gốc ở Quảng Nam như câu nói “Học trò xứ Quảng ra thi…”

Hai bài thơ trên có ngữ cảnh khác nhau,  thơ của anh Nguyễn Sơn chỉ bàng bạc về thành quách, miếu mạo,đại nội,  cố quận…như muốn mượn vật thể hữu hình để biểu cảm một điều vô hình. Còn ngược lại, thơ của Tần Hoài Dạ Vũ lại mang mang một nỗi nhớ khôn nguôi trong một thời gian hữu hạn để nhung nhớ vô hạn...Và rồi cả hai người cũng đều gặp nhau trên cùng một cung bậc, đó là tình yêu đối với Huế… Một người yêu Huế qua không gian, người còn lại yêu Huế qua thời gian…

Nguyễn Sơn đã bắt đầu tứ thơ bằng một dấu lặng tròn trịa trên phím đàn dương cầm cổ kính, mà dường như muốn mời độc giả hãy trầm tư khi nghe những nốt nhạc tiếp theo… Gọi là trầm tư, vì ở đây Nguyễn Sơn muốn nhắc khéo khi đọc bài thơ Huế của anh thì không cần phải suy tư mông lung,  mà chỉ cần tỉnh lặng mà thôi,vì Huế vốn xưa nay đều tỉnh lặng như dòng sông Hương cứ dùng dằng mãi, trôi mà không trôi,  dừng mà không dừng,nên chi ánh tà dương còn vàng võ lấp lánh trên đầu ngọn  sóng…Không chỉ dừng tại đó, vẻ tỉnh mặc còn vương lên tường rêu phong của thành quách,  đền đài,miếu mạo và cả bia đá thủa nào.  Ai đã ra xứ Huế vào mùa đông sẽ cảm nghiệm được gam màu lạnh bao trùm lên cả Huế,nên chi Nguyễn Sơn đã tự sự:

Từng dấu lặng nghiêng sầu lên lấp lánh
Tường rêu xanh. hồn cổ. phiến bia mờ
Thành quách ngủ giữa mù sương ngất lạnh
Khuya trở mình nghe sỏi đá bơ vơ

Với khổ thơ thứ nhất,  Nguyễn Sơn còn để yên cho Huế ngủ, nhưng với khổ thứ hai,nhà t hơ không còn để yên cho Huế tỉnh mặc nữa,  mà ngược lại,đã lay Huế thức dậy,  để điểm trang lại khuôn mạo của mình,như một công chúa đang còn ngái ngủ,  nay tỉnh dậy để thay đổi xiê m y,chuốc phấn tô son lại, làm lay động cả không gian, cả hư vô và cả cõi ta bà… Nhưng chỉ bằng một cánh dơi vỗ cánh, hay một chú sáo nhỏ bay về tìm tổ ấm của mình. Với Huế như rứa là đủ rồi, tại vì Huế khi mô cũng nhẹ nhàng, thanh thoát và tỉnh mặc:

Chiều Đại nội. một cánh dơi rời tổ
Vỗ mông lung rồi xà xuống khôn cùng
Con sáo nhỏ thu mình trong hốc gỗ
Vươn cổ mềm hót rụng cả hư không

Mười năm trước,  tôi có sáng tác một bài thơ “Ta về” tuy không hay như bài “Huế” của Nguyễn Sơn,nhưng có một đoạn tôi muốn giới thiệu để độc giả hiểu rõ thêm:

…Ta về dáo dác Đêm Hoàng Cung
Hoàng hậu đăng cơ , ngự thuyền rồng
Theo hầu xa giá , đoàn mỹ nữ
Ta không tìm thấy đấng minh quân…

Tứ thơ trên được tôi ngẫu hứng khi nói về Đêm Hoàng Cung được tổ chức qua các kỳ festival Huế để tái hiện các loại hình nghệ thuật cung đình của một thủa xa xưa trên nền lung linh, huyền ảo của thành quách Đại nội về đêm…Và phải chăng nhà thơ Nguyễn Sơn cũng đồng cảm với tôi vì cả hai cùng tương ngộ khi được trải nghiệm như thế, có phải vì thế Nguyễn Sơn đã cảm khái bằng một tứ thơ nghe sao ảo diệu, huyền bí… Hãy thưởng thức những sự kiện như truyền thông đã giới thiệu:
Festival Huế dàn dựng các loại hình thể như “Âm sắc Việt” diễn ra tại cung Diên Thọ, sự sâu lắng và bay bổng của âm nhạc truyền thống được giới thiệu trong không gian ngào ngạt hương trầm, rất mộc mạc và kiêu sa. “Đám cưới công chúa” tại Cung Trường Sanh đưa người tham dự vào một đám cưới cung đình với đầy đủ các lễ nghi truyền thống được khắc họa khéo léo và tinh tế. Chương trình “Ca múa nhạc truyền thống” được tổ chức ở sân điện Thái Hòa, kết hợp mỹ thuật sắp đặt, triển lãm trưng bày, hoa đăng, đèn lồng, mở ra một không gian huyền ảo, tăng nét lung linh cho Đại Nội. Các hoạt cảnh vui chơi, ca hát, sinh hoạt hàng ngày của các hoàng tử và công chúa được tái hiện sinh động trong vườn Cơ Hạ. Chương trình “Thời trang cung đình và ký ức Huế xưa” trong không gian lộng lẫy, lấp lánh ánh vàng và hoa đăng của lầu Tứ Phương Vô Sự, hình bóng của các vị Vua, Hoàng hậu, Quan viên, Hoàng tử, Công chúa và giai nhân trong quá khứ như đang hiện về và vẫn còn đó đâu đây giữa hiện tại.

Đêm thuỷ mặc lung linh màu hoang phế
Khúc điêu tàn lộng lẫy điệu ma trơi
Lời cố quận rã rời trang huyết lệ
Bến cô liêu hò hẹn với mây trời.

Tôi thích nhất là khổ cuối cùng trong bài thơ Huế, cá nhân tôi nghĩ rằng đây là khổ thơ hay nhất và đỉnh nhất, vì nó cô đọng lại mọi tình tiết tự sự của nhà thơ. Tôi cho rằng ba khổ thơ trên là một nhập đề lung khởi, nhằm trang trọng giới thiệu một toàn cảnh bối cục về Huế…  tuy chỉ bằng một vài hình ảnh, nhưng dường như cả Huế, nói đúng hơn là cả không gian Huế đều gói gọn trong đó…và ngoài ra, còn hơn thế nữa, Nguyễn Sơn đã mượn những chốn không gian đó để diễn tả nội tâm đang bồi hồi, xúc cảm của mình, đã nhân cách hóa tài tình, khéo léo và ý nhị từ những hình ảnh đó thành những linh hồn mang mang âm điệu bi tráng và cả bi sử. Tôi thích nhất câu “Bóng sông Hương rung nhịp mõ giang đầu” phải chăng nhà thơ muốn mượn một khổ đường thi để minh họa cho tiếng mõ ở giang đầu, tôi chợt nhớ tứ thơ:

“Quân tại Tương giang đầu,
Ngã tại Tương giang vĩ.
Tương tư bất tương kiến,
Đồng ẩm Tương giang thuỷ.”

Nhưng ở đây, Nguyễn Sơn không nói chi đến nỗi tương tư thấm đẫm nghìn năm của đôi nhân tình trên sông Tương mà chỉ bay bỗng với cảm xúc “thả hình bắt bóng” tài tình bằng thi cảm với hình ảnh tiếng mõ nơi Điện Hòn Chén ở tận giang đầu, hay tiếng chuông huyền bí của chùa Thiên Mụ… Nhà thơ đã lắng nghe và cảm thấu được một âm điệu của ngàn xưa mà truyền cảm, ngân nga, vang vọng đến cả ngàn sau… Chỉ bốn câu thôi, chỉ chừng đó thôi. Nguyễn Sơn đã trân trọng đem cả Huế đến trong lòng mọi người, trong đó có tôi, một người con của Huế đã ly hương xa xứ.

Hồn Thiên Mụ vọng hồi chuông cố sử
Bóng sông Hương rung nhịp mõ giang đầu
Sương mộ địa giăng sầu qua núi Ngự
Huế răng chừ. mà lệ buốt ngàn sau!

Theo sách vở kinh điển thì muốn bình một bài thơ, ngoài yếu tố đọc kỹ bài thơ còn phải biết xuất xứ,  tác giả của tác phẩm… Nhưng với tôi,một kẻ n gồi chiếu dưới trong các nhà bình  thơ,chỉ muốn nói một chút tâm tình riêng tư, một cảm nhận cá nhân rằng bài thơ của Nguyễn Sơn thật đầy cảm xúc bằng một cung bậc trầm bỗng rất đặc biệt của mình, có sức thu hút và lay động tâm hồn người đọc. Và cho dù chưa bao giờ gặp anh, nhưng có hề chi vì thơ vốn chất chứa nhiều ngữ điệu tình cảm vi diệu đã làm cho nhà thơ Nguyễn Sơn và tôi trở thành những tri kỷ từ độ nào… Xin cám ơn nhà thơ Nguyễn Sơn và cả anh Dũng Tôn Thọ Dương đã cho tôi một cơ hội được thử bình một tứ thơ đáng để đời về Huế.

                                                            Saigon cuối tháng 9/2018
                                                                Nguyễn Hùng Dũng
……….

Một vài chi tiết về nhân thân nhà thơ Nguyễn Sơn do anh Tôn Thọ Dương Dũng cung cấp:
Nguyễn Sơn
Quê: Nha Trang Học Tiểu học, Trung học tại NT
Đại học: Cử nhân Vật lý điện tử - ĐHKHTN. TPHCM
Sự nghiệp mần thơ:
 - Bài thơ đầu tiên: Em sẽ về sân ga cuối một mình- đăng FB T7/2016 (nghĩa là 2 năm 3 tháng) - Chưa từng xuất bản thơ (chỉ đăng FB bạn bè đọc cho vui) - Hàm: Lều thơ - Gia tài: Nghìn trùng Lục bát tìm nhau (1000 câu – đã hoàn thành: 600 câu) + Khoảng gần 200 bài thơ các thể loại ….

Không có nhận xét nào: