Tác
giả Võ văn Cẩm
VIẾT
CHO "MỘT NGƯỜI NẰM XUỐNG"
MÀ TÔI QUÝ MẾN.
MÀ TÔI QUÝ MẾN.
Võ Văn Cẩm
Chiều rằm tháng bảy, tôi cùng Thái Tăng Hạnh viếng lễ
Vu Lan ở chùa Vạn Đức. Võ thị Văn Thơ gọi điện thoại báo Võ Thị kim Thanh qua đời.
Tôi thấy tim mình đau nhói, thương cho thân phận của
cô em gái dòng tộc mà từ lâu tôi thương mến và quý trọng.
Thanh cùng tuổi với tôi (1943, Quý Mùi, người ta nói con gái mà tuổi Quý Mùi thì quá tuyệt),
quê làng Đâu Kênh xã Triệu long, huyện Triệu phong, tỉnh Quảng Trị. Nhưng Thanh
ở với ông bà nội tại làng Bích la Thượng. Gia đình thuộc loại khá giả trong
vùng.
Mẹ Thanh sinh được hai chị em thì ba tham gia kháng
chiến bị mất tích, một thời gian thì mẹ tái giá.
Hai chị em Thanh là những cô gái xinh đẹp, thùy mị, được
nhiều người trong vùng yêu mến. Thanh được học hành đàng hoàng.
Bà nội Thanh là người mến mộ đạo Phật. Ông Đoàn Lỗ Bửu
và bà nội Thanh là nhân sĩ, được thầy Chánh Đại Diện tỉnh Hội Phật giáo tỉnh ủng
hộ, đứng ra vận động xây dựng chùa Phật giáo làng Đâu Kênh. Thanh sinh hoạt gia
đình Phật tử một cách tích cực. Thanh từng học trường Bồ Đề và Nguyễn Hoàng.
Thư, chị Thanh bỏ học sớm theo chồng lên thị xã Quảng Trị. Đang theo học Đệ nhị
cấp, Thanh bỏ học vào chùa tu.
Bà con và người trong vùng rất ngạc nhiên trước sự bỏ
đời thường mà đi tu của một tiểu thư, con nhà giàu có và có học.
Tôi chỉ hiểu lù mù vài điều và cho rằng Thanh dứt áo ra
đi không phải buồn tình, chán đời hay nhận thức được chân lý cao siêu giải
thoát của Phật, mà việc vào chùa tu mang một mục đích riêng. Gia đình bà Tổng
có 6 người con, 3 gái 3 trai, 3 gái đã nên bề gia thất, nhưng tôi biết O Quế
người chị đầu lấy chồng Cách Mạng đã hy sinh, O Hường lấy chồng một nhà giàu có
cùng làng và O út Nguyệt lấy chồng lính đang ở xa.
O Quế cùng 2 con trai, gia đình O Nguyệt, chị em
Thanh, Thư ở chung với bà.
Cả 3 người con trai đều tham gia kháng chiến. Ba Thanh
đã hy sinh, chú Thanh làm cán bộ cao cấp hoạt động ở miền Nam, chú Út tập kết
ra Bắc. Việc vào chùa là do ý nguyện của bà nội Thanh.
Thanh vào chùa nào tôi không rõ, nhưng tôi biết Thanh
kết nghĩa chị em với chị Đào (ni cô Linh
Điều) và làm con nuôi gia đình chị.
Sau năm 1965, khi học xong tú tài tôi vào Sài Gòn, kiếm
tiền ăn học, tôi tìm đến nơi Thanh ở trong một con hẻm nhỏ ở khu Nguyễn Thiện
Thuật Sài Gòn.
Tôi thường gặp Thanh, ni cô Linh Điều và NBC.
Khu Bàn Cờ và khu Nguyễn Thiện Thuật có mật độ dân cư
cao nhất Sài Gòn. Đời sống rất phức tạp. Chính vùng này có nhiều cán bộ hoạt động,
cất dấu vũ khí và tài liệu, chính Chú của Thanh đang hoạt động ở đây và chính
Thanh là người vâng lệnh bà nội thực hiện việc thăm nuôi, chăm sóc chú mình.
Khi bị động viên vào trường sĩ quan Thủ Đức cuối năm
1966. Sau lễ gắn Alpha tôi được về phép. Ghé thăm Thanh. Có lần chú Thanh đang ở
trên gác, tôi xem như không có gì xảy ra.
Chính quyền thời bấy giờ không làm sao giải tỏa để xây
dựng chung cư. Cuối cùng phải cho người đốt mới xây dựng Chung cư Nguyễn Thiện
Thuật như bây giờ.
Thanh ở với ba mẹ nuôi và Cô Linh Điều số 102 lô B
chung cư Nguyễn Thiện Thuật, một địa chỉ rất thân quen với tất cả những người
bà con quen biết Thanh, trong đó có tôi và NBC. Chính nơi đó là điểm đầu tiên của
cuộc hôn nhân chúng tôi phát khởi.
Nhờ mối quan hệ thế mà tình dòng tộc càng thêm sâu đậm.
Theo lời kể của chú Võ Hoàn (tức Hoàng Hà) cho tôi nghe, thập niên 60, Chú hoạt động bí mật ở
Bàn Cờ, chú ở trong chùa Long Phước quận Phú Nhuận cách nhà tôi hiện nay khoảng
300 mét. Chú bị bắt tại đó, khi chú Đại diện mặt Trận Giải phóng Miền Nam ký
đơn gởi cho Tổng thống Nixon và Đại sứ Bunker phản đối chiến tranh khi chữ ký
chưa ráo mực.
Viên Thiếu tá hỏi chú: Ai là người ký tờ đơn này? Chú
bảo: Chính tôi.
Vớ được một cán bộ tầm cỡ. Thiếu tá thông báo cho Tổng
Nha Cảnh sát. Sau khi trao đổi với tòa Đại sứ Hoa Kỳ. Nhận lệnh cấp trên, Thiếu
tá trân trọng mời chú về tổng nha ở một phòng khách VIP. Đây là một phòng đặc
biệt rộng hơn 50m2. Phòng đầy đủ tiện nghi. Chú ở đó vài ngày thì có một buổi
trao đổi với một nhân vật cao cấp, yêu cầu chú cho gặp ba nhân vật lảnh đạo của
Mặt trận GPMN. Sau buổi gặp gỡ theo đúng yêu cầu, chú được thông báo trao trả
vào mật khu.
Chú yêu cầu cho chú về mật khu ở Củ Chi. Khi xe đưa về
gần điểm thì trận chiến xảy ra ác liệt. Xe chở chú quay về Tổng Nha. Ngày hôm
sau chú được máy bay trực thăng đưa chú vào rừng ở Bình Dương
Rồi Chú được đưa ra Hà Nội.
Sau lần nói chuyện với Bác Hồ, chú được đi nghỉ mát ở
Liên Xô. Từ đó chú không còn nhận một chức vụ nào quan trọng.
Lúc chú được đưa ra Bắc, Thanh không còn vướng bận. Cuối
thập niên 1960 Thanh và chị Đào xin vào ngành CSQG làm việc tại Tổng Nha Cảnh
sát cho đến ngày thống nhất. Đời Thanh đã hai lần bất đắc dĩ nhận lấy công việc:
đi tu và đi Cảnh sát.
Sau ngày VN giải phóng cuộc đời của Thanh vất vả hơn
nhiều. Công lao giúp chú tham gia Cách Mạng đã đổ sông đổ biển. Ngay chú chẳng
có có chức danh nào khả dĩ giúp cháu.
Trước ngả ba đời, Thanh phải tìm cho mình một lối
thoát, một định hướng cho tương lai.
Không còn cách lựa chọn, Thanh quyết định lấy chồng,
người chồng của Thanh mang quốc tịch Pháp. Thanh kỳ vọng được ra nước ngoài.
Âu là số phận, Thanh sinh được hai cậu con trai. Thời
gian chờ đợi quá lâu, chồng Thanh sa ngã bỏ bê gia đình vợ con cho đến ngày
Thanh lìa đời. Thanh gian khổ một mình tần tảo nuôi con. Do đói nghèo, người chú
mà Thanh hy sinh đời mình cũng chẳng giúp được gì. Con cái không được học hành
nên không có việc làm tốt, chỉ làm công việc phổ thông. Nhìn cuộc sống khó khăn
của Thanh, những ngày cuối đời vất vả mà lòng mình quặn thắt. Tôi thường lui tới
nơi Thanh buôn bán bên vệ đường để chia sẻ, an ủi, "nhưng lực bất tòng
tâm", tôi không có điều kiện giúp gì cho Thanh nhiều. Thanh thường tâm sự.
"Đời thật bạc bẽo" cái đau lớn nhất là người thân mình thường lánh xa
khi mình cơ hàn, chính những người mà Thanh cưu mang đùm bọc lại xem đồng tiền
lớn hơn tình thương yêu. Nhiều lần nước mắt Thanh tuôn trào khi tôi đến. Cứ
nghĩ về định mệnh mà lòng nguôi ngoai an phận.
Khi được tin Thanh bị tai biến, tôi vào ngay, nhưng
chưa có giờ vào thăm Thanh được. Trước đó nửa giờ, Thư - chị Thanh từ Mỹ về.
Cái đau xót nhất của đời người là không có chốn để quay về. 76 tuổi đời 60 năm
lăn lóc mưu tìm cuộc sống mà chưa có một nơi che nắng che mưa. Thanh nói nếu
Thanh chỉ nghĩ đến thân mình không quan tâm đến người khác thì chắc chắn giờ
này chẳng phải suy nghĩ.
Tôi ngồi với Thư từ 13 giờ cho đến gần 17giờ đợi thủ tục
đưa Thanh về nhà đứa con trai ở Quận 9. Tôi vẫy tay tiễn đứa em mà hơn 50 năm
anh em lúc nào cũng có nhau.
Tôi mừng cho đứa em dòng tộc vẫn còn nhiều người mến mộ
đến đưa tiễn. Một niềm an ủi mà không phải ai cũng có được. Xin cầu chúc em được
thanh thản, sớm được siêu.
Vĩnh biệt Võ thị Kim Thanh.
SàiGòn, 27/8/2018
Võ văn Cẩm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét