BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2018

CÂU ĐỐI CÔ HÀNG PHỞ - Lãng Nhân Phùng Tất Đắc

Câu chuyện này in trong cuốn CHƠI CHỮ, của tác giả Phùng Tất Đắc, bút hiệu Lãng Nhân, được Nhà xuất bản Nam Chi Tùng Thư in lần đầu tại Sài Gòn vào năm 1961. Tại hạ đọc khá lâu giờ ghi lại theo trí nhớ, nội dung chuyện - nhất là các câu đối bảo đảm đúng 100% (hơi tự hào chút xíu). Còn lời văn tại hạ viết theo "cái gì sót lại sau khi đã mất" trong miền ký ức, không như ý muốn.
Mời quý bác có nhã hứng để bổ sung câu đối nhé!





CÂU ĐỐI CỦA CÔ HÀNG PHỞ

Một quả phụ tài sắc, lại chịu ở lâu trong cảnh hiu quạnh, mở ngôi hàng phở để mưu sống qua ngày. Khách ùn ùn kéo đến, không hẳn chỉ vì phở thôi mà ắt hẳn vì nhan sắc của nàng, khiến cho nàng phải tính dẹp bớt sự tấn công nham nhở của cánh đàn ông đủ mọi thành phần, mọi nghề nghiệp, bằng cách ra vế đối :

NẠC MỠ NỮA LÀM GÌ, EM NGHĨ CHÍN RỒI, ĐỪNG NÓI VỚI EM CÂU TÁI GIÁ





Câu đối này thật hóc búa, vì những chữ về phở đều có hai nghĩa: nạc, mỡ, chín, tái, giá.

Một ông chủ hớt tóc vẫn đeo bám đã phản pháo lại cô hàng phở:


TÓC TƠ ĐÂU PHẢI DỠ, TỚ LIỀN KÉO LẠI, CHỚ HÒNG TRỐN TỚ CHUYỆN DAO (GIAO) ĐẦU.

Một ông hai thứ tóc cũng gùn ghè :

MUỐI TIÊU CHI ĐÁNG NGẠI, LÃO CÒN GÂN CHÁN, HÃY VUI CÙNG LÃO TÁT GẦU DAI.

Ông thứ ba có lẽ là "giang hồ đại ca", sau nhiều lần tán tĩnh nhưng bị người đẹp từ chối khéo, tỏ ra nóng nảy dùng toàn những từ ngữ "rau me hành ớt":   

HÀNH TỎI VỪA THÔI CHỨ, KHÁCH HĂNG TIẾT ĐẤY, KHÔNG NGHE THỬ KHÁCH CHÚT RĂM MÙI

Ông hàng cá lên tiếng:

CÁ NƯỚC VUI ĐI CHỨ, TỚ LÊN SỐT SẴN, NỠ NÀO ĐỂ TỚ PHẢI OM TÔM!

Ông thầy bói cũng lao vào xủ quẻ cầu tình:

CÀN KHÔN ĐÂU CŨNG MẶC, LÃO XIN GIEO LẠI, BỀ NÀO LÃO CŨNG CHẲNG CAN CHI

Ông thầy lang muốn "bốc hốt" nhiều thang thuốc và chích dạo... nên ra chiều hăm doạ:

THUỐC THANG CHƯA ĐỠ HẢ, TỚ CÒN BỐC NỮA, KHÔNG NGHE THÌ TỚ SẼ TIÊM LIỀU.

Anh hủ nho Bắc Hà thủ thỉ thầm thì tán tỉnh nàng bằng cách vẽ ra chuyện trăm năm:

THỊT XƯƠNG TÌM CHỐN GỬI, MỖ XIN TÔ NỮA, THỬ VUI CÙNG MỖ CUỘC DAO CHANH (GIAO TRANH)

Sau cùng thì một ông già bán tiết canh nói ngọng sau khi đọc các câu đối trên, bèn suy nghĩ: "Có một bông hoa thôi mà bấy nhiêu con bướm lượn, thiết tưởng để nàng được tiết hạnh trăm năm là hơn", bèn hắng giọng lên tiếng :

TIẾT XƯƠNG (SƯƠNG) THÔI GIỮ VẸN, LÃO KHÔNG HÀNH NỮA, BIẾT THÂN RỒI, LÃO CHẲNG CHANH (TRANH) LÈO!

Lúc này cô hàng phở tâm hồn xao xuyến, nhưng vẫn còn lưỡng lự chưa biết chọn anh hào nào.
Thấy vậy, Kha Tiệm Ly hảo hán - bằng hữu của tại hạ, hiên ngang tham gia tranh đoạt "vưu vật" bằng vế đối sau:

TA TÀU CHI CŨNG VẬY, MỖ MÀ XỈN TỚI, CHỚ HÒNG HỎI MỖ CHUYỆN ĐÔNG TÂY.

Nhìn chung thì cũng khá chỉnh, nếu nói tới rượu thì cũng có "Ta, Tàu, xỉn, Đông, Tây" so với "nạc, mỡ, chín, tái, giá" trong vế xuất.
Biết đâu cô nàng lại gieo tú cầu nhằm chọn Kha huynh rồi bỏ hàng phở để tái giá cũng nên!
Nhưng vế đối của Kha Hảo Hán buộc cô hàng phải thêm chữ rượu trước các chữ Ta, Tàu, Đông, Tây (trừ chữ xỉn) mới rõ nghĩa để các thí sinh khác khỏi thắc mắc nếu Kha hảo hán bắt trúng quả tú cầu do cô hàng phở gieo.
Qúy bác nào có hứng khởi, thì viết vế đối để "báu vật để đời" không chỉ dành cho Kha Tiệm Ly Hảo Hán hưởng thụ thôi nhé!

                                                                                La Thụy sưu tầm

29 nhận xét:

Đỗ Văn nói...

DVD sang thăm nhà, thưởng thức các câu đối thật tuyệt! :D
DVD chúc chủ nhà PĐ ngày CN vui vẻ! :)

http://imgt.taimienphi.vn/cf/Images/li/2017/10/10/hinh-nen-dong-dep-3.gif

Võ Sĩ Qúy nói...

- NẠC MỠ NỮA LÀM GÌ, EM NGHĨ CHÍN RỒI, ĐỪNG NÓI VỚI EM CÂU TÁI GIÁ
- XƯƠNG GÂN THÊM ĐỂ VẬY, LÃO NINH NHỪ ĐÓ, HÃY MUM CÙNG LÃO BÁNH HỒI XUÂN !

Bâng Khuâng nói...

* Vế đối của bác Quý VÕ SĨ khá chỉnh ! Tuy nhiên, từ "chín" ở vế xuất thì đa nghĩa: chín (sống), số 9, chín chắn... Còn từ "nhừ" ở vế đối thì có ít nghĩa hơn...
* "Bánh hồi xuân" cũng không rõ làm bằng chất liệu gì có liên quan đến "xương gân" hay không
* "Nạc, mỡ, chín, tái, giá" nói rõ xuất thân cô hàng PHỞ, còn "xương, gân, nhừ, hồi, xuân" chưa thật rõ xuất thân người đối, nhất là từ "xuân" cuối vế đối...

Bâng Khuâng nói...

Các từ "xương, gân, nhừ, hồi..." có lẽ nói lên xuất thân của chàng là bán bún bò, bán mì quảng, bán hoành thánh... chắc!

http://pic100.picturetrail.com/VOL630/13252760/23924307/399203970.jpg

Bâng Khuâng nói...

Ngày mới vui nhiều bạn nhé!

https://ci6.googleusercontent.com/proxy/fRExCSQ8rxzs4oivNndlAmfE7vG4igq2DNK6Ij3hdzP5hHglZc2xTe1hvDvc0TvkD1oewcUjc0NHHpZjjCMzVBqu94an12y9-3xBfAVXXUN5qurj67wylUMwyUBuHnK2szl2KoMOdiNXtIGPSfF47tkIJj_UyCyKMeYzrqbeVVgoT9RyPEjy0TKiDazd_wOotbeZL7wYwOc4hKMPnuWh8vr-lxY1LRYr22DJuF3jsrJxz8G5IU-qLKpd_GZPRez6ZSzaO5vYcLbmotv3FuxyQ7TOznzRGKMa3AIpldV2eiZfVKQV28K1vJULrQJNXGF-bgbNG4HtUJ28Z32DODgHXu4=s0-d-e1-ft#https://images-blogger-opensocial.googleusercontent.com/gadgets/proxy?url=http%3A%2F%2F2.bp.blogspot.com%2F-oH9EUEIfVOs%2FVAbjfjSejqI%2FAAAAAAAABSc%2FCVN2E5AvJfE%2Fs1600%2FWednesday.gif

An nhiên nói...

Chiều an lành, chủ nhà nhé!

http://4.bp.blogspot.com/-_hw_44CtZqc/UWz8TxcbWqI/AAAAAAAAARU/TrIWMs-luQk/s1600/0219.gif

Bâng Khuâng nói...

Thật vui khi bạn ghé thăm ! Mình đang an nhiên ngắm mưa trên bến vắng...

http://d4.violet.vn/uploads/blogs/730254/anh_dong/160769304_m.jpg.gif

Lãng Du nói...

Ghé thăm bạn, đọc bài viết hay quá ! Chúc vui !

https://ci6.googleusercontent.com/proxy/TbE8MZ_yGBfri0-xhpz4zx5E3mfa1TsjaqyBg5hQTUUBuQv7Y6bw-V41dcQpP7UwHS6_NAqVI3MsrJrKP3z7YhKsG6o-Emu_auneEeavvPGVu_I2O-DYWnXgyYvOX0iI7ZKhg5SOaM_fH08_6rgzRXgpySwRj-W6oNEsJJDxgHjXAp1NGkkTtdt5VzrOAsm5yt2nBTV48uRr_QjClxrI7dV7yyFVSEfU07speZSm4ToEkPMFMCKdrwrp5RsOyKoPx3OncbrHrq36nSEj43LC2loQZ3Gle5RjEd2zRwKnF0yUD9xIO_n-I5PlvVckwTQoYUdyMI1Xlmetn7kmSAirRzaLgXNt=s0-d-e1-ft#https://images-blogger-opensocial.googleusercontent.com/gadgets/proxy?url=http%3A%2F%2F4.bp.blogspot.com%2F-CdW6sfJ4AZ0%2FU-CM3IvaQFI%2FAAAAAAAABOE%2F2Bvo265Cm5o%2Fs1600%2FTuesday%2B(2).gif

Bâng Khuâng nói...

Cám ơn bạn nhé! Chúc ngày mới an lành !

http://www.allgraphics123.com/graphics/tuesday/tuesday15.gif

Lang Trương nói...

- Nạc mỡ nữa làm gì, em nghĩ chín rồi, đừng nói với em câu tái giá
- Gió trăng đà định sẵn, anh gom riết lại, hãy dệt cùng anh cuôc mây mưa

Bâng Khuâng nói...

Vế đối của bạn Lang Truong cũng khá sát với vế xuất, thật hay và lãng mạn. Tuy nhiên, tiếc là từ "riết" không được đa nghĩa như từ "chín" ở vế xuất. Vả lại, "mây mưa" là từ Thuần Việt, trong khi từ ở vế xuất "tái giá" là từ Hán Việt nên chưa được toàn bích...
Vế xuất cho biết xuất thân là người bán phở, còn vế đối chưa nêu rõ xuất thân của người đối. Không biết đây là anh chàng lãng tử phiêu bồng cùng gió trăng và mây mưa cùng giai nhân chốn lầu hồng ?

Tau Dotrong nói...

VẾ XUẤT:

NẠC MỠ NỮA LÀM GÌ, EM NGHĨ CHÍN RỒI, ĐỪNG NÓI VỚI EM CÂU TÁI GIÁ
(Cô hàng phở)

VẾ ĐỐI:

XUÂN THU CÒN GỢI ĐẤY, TỚ SAY MÊ LẮM, HÃY ÔM CÙNG TỚ CHỮ VU QUY
(Tau Dotrong)

Bâng Khuâng nói...

Bác Tau Dotrong đối khá lắm !

Tuy nhiên xin góp ý:
- "NẠC MỠ" là từ Thuần Việt ngoài nghĩa đen là thịt (dùng để nấu phở) còn có nghĩa khác là "ỡm ờ"
"XUÂN THU" là từ Hán Việt thuần túy chỉ thời gian.
- "CHÍN" ngoài nghĩa đen là chín, tái (trong tô phở) còn có nghĩa là chín chắn. NGHĨ CHÍN RỒI, cụm từ này gồm 3 từ đơn.
SAY MÊ là từ ghép và cũng chỉ một nghĩa.
- "TÁI GIÁ" ngoài nghĩa đen là thịt tái và giá đỗ (từ thuần Việt) dùng cho phở còn là từ Hán Việt có nghĩa là lấy chồng lần nữa.
VU QUY là từ Hán Việt đối chuẩn với TÁI GIÁ nhưng chỉ đơn thuần một nghĩa thôi...
Vài dòng trao đổi. Chúc bác vui !

Thanh Tùng Hoàng nói...

Nói thiệt với bác La Thụy, hồi đó em cũng mê nàng í như điếu đổ. Vốn có chút chữ nghĩa nhưng đổ đốn cờ bạc, sản nghiệp tiêu tan đành ra chợ ngồi bán cá. Vì vậy cứ mỗi lần lả lơi với nàng là bị nàng khinh khi ra mặt. Biết mình không được phong nhã như Kha Tiệm Ly tiên sanh, em cay lắm nhưng đành dứt áo ra đi. Thua me phải gở bài cào nên em có nhắn gởi lại cho nàng 1 câu như thế này nè:
TÔM CÁ buổi chợ xế, ra vẻ KÉN chọn. Thu sòng rồi ngưu lại TẦM NGƯU.
Ôi nghĩ lại cái thời ngựa non háu đá, ngoài việc đối đáp cho cô ấy biết ta đây cũng là người có chữ nghĩa hơn cô ấy ( vì em còn liệt kê thêm được 2 loại cá Thu & Sòng mờ ), em còn có ý xỏ xiên rằng nàng đanh đá ( như hàng tôm hàng cá em đây ) mà còn bày đặt khó tính ( kén ), rốt cuộc lại thì cũng nồi nào vung nấy thôi ( ngưu lại tầm ngưu )������
Chắc Kha tiên sanh đã rước nàng về dinh rồi, nếu có gặp, nhờ Bác La Thụy chuyển lời cho em xin lỗi Kha phu nhơn Bác La Thụy nhé. Em cám ơn trước ạ
TB: À chắc bác đang thắc mắc cá NGƯU là cá gì phải không bác? Thật ra đó là cá Trâu, 1 loại cá khá phổ biến ở xứ Huê - Kỳ bác ạ.

https://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%A1_tr%C3%A2u



Bâng Khuâng nói...

Bạn Thanh Tùng Hoàng!
Khatiemly Haohan tưởng như cầm chắc trong tay quả tú cầu, khi nàng kiều nữ hàng phở đang nhăm nhe ném vào. Ai ngờ đâu, trong một buổi giang hồ hoạt náo, Khatiemly Haohan lại xuất khẩu 2 bài thơ liền tù tì: “Uống rượu với giang hồ”, “Uống rượu với đĩ” nên khi đọc được, kiều nữ “hoa dung thất sắc”, vội đem quả tú cầu khóa chặt vào rương. Hiện giờ, nàng kiều nữ bán phở vẫn phòng không chiếc bóng, có lẽ chờ chàng trai xứng đáng !
Bây giờ, chúng ta xem vế đối của bạn nhé!
- NẠC MỠ nữa làm gì, em nghĩ CHÍN rồi, đừng nói với em câu TÁI GIÁ.
- TÔM CÁ buổi chợ xế, ra vẻ KÉN chọn. THU SÒNG rồi ngưu lại TẦM NGƯU.
Vế đối của bạn cũng nói rõ xuất thân mình là anh hàng cá.
Các cặp từ đối nhau chan chát về từ vựng và đa nghĩa như: “NẠC MỠ/ TÔM CÁ, CHÍN/ KÉN, TÁI GIÁ/TẦM NGƯU”.
Bên cạnh đó, bạn còn liệt kê thêm các loại cá như THU, SÒNG, NGƯU vượt yêu cầu vế xuất.
Tuy nhiên, góp ý một chút xíu nhé:
Các cụm từ: “nữa làm gì” / “buổi chợ xế”, “đừng nói với em”/ “THU SÒNG rồi ngưu lại ” có vẻ như chưa ăn khớp về từ loại và ngữ pháp.
"CHÍN rồi" là 2 từ đơn, "KÉN chọn" là từ ghép. Cụm từ "em nghĩ CHÍN rồi" có chủ ngữ "EM" và phó từ "rồi", còn cụm từ "ra vẻ KÉN chọn" không có chủ ngữ và phó từ
Nguyên cả cụm "đừng nói với em câu TÁI GIÁ" /"THU SÒNG rồi ngưu lại TẦM NGƯU" thì số chữ ngang bằng nhau, nhưng phân tích ý theo ngắt câu thì : “đừng nói với em /câu TÁI GIÁ" và "THU SÒNG rồi / ngưu lại TẦM NGƯU" có vẻ bị lệch (vế xuất ngắt câu 4/3, còn vế đối ngắt câu 3/4)
Nói chung, bạn khá xuất sắc trong vế đối, chỉ chờ quyết định của kiều nữ bán phở nữa mà thôi…

Thanh Tùng Hoàng nói...

Thật ra em có câu này tương đối về hình thức lẫn nghĩa đen nhưng lại vướng lỗi:
- Dùng từ Hán Việt để đối với từ thuần việt, nghĩa kép phải dùng đồng âm: Tẫn & Tẩn
- Nghĩa bóng không rõ rệt lắm
ĐỤC DÙI lại NÊM tiếp, tớ lo Tẫn nhé. Miễn bàn với tớ chuyện QUÁCH QUAN
( Dùi đục ám chỉ sự cộc cằn thô lỗ, tất sinh chuyện xô xát ( tẩn)
Nhờ anh chỉ giáo thêm

Bâng Khuâng nói...

- NẠC MỠ nữa làm gì, em nghĩ CHÍN rồi. Đừng nói với em câu TÁI GIÁ.
- ĐỤC DÙI lại NÊM tiếp, tớ lo TẨN nhé. Miễn bàn với tớ chuyện QUÁCH QUAN
Bạn thật sáng tạo khi đưa ra vế đối như vậy và nêu rõ xuất thân của người đối là anh chàng đóng quan tài. Bạn mỉa mai khá cay độc kiều nữ bán phở chỉ xứng đáng với hạng “dùi đục chắm mắm nêm” thôi.
- TẨN (dấu hỏi) có nghĩa là đánh (tẩn cho nó một trận).
- TẪN (dấu ngã) có nghĩa phong gói tử thi mà để vào hòm (tẫn liệm).
* QUÁCH QUAN:
- QUÁCH là hòm bọc ngoài quan tài (trong quan ngoài quách)
- QUÁCH là phụ từ (khẩu ngữ) có nghĩa là “ngay đi cho xong, cho khỏi vướng bận” (làm quách cho xong, vứt quách đi!)
- QUAN: Quan tài, hoặc áo quan là một vật dùng để chứa đựng xác người chết
- QUAN: ông quan, quan tiền, quan trọng.
“Miễn bàn với tớ chuyện QUÁCH QUAN” : “miễn bàn cho xong chuyện chôn cất tẫn liệm”, “miễn bàn cho xong việc tiền nong, chuyện quan trọng…”
Các từ dùng đối khá sát và đa nghĩa NẠC MỠ/ ĐỤC DÙI, CHÍN/ TẨN, TÁI GIÁ/ QUÁCH QUAN
Bên cạnh đó, bạn còn đưa thêm từ NÊM vượt yêu cầu vế xuất.
Vế đối này của bạn tốt hơn vế đối trước nhiều.
Tuy nhiên, góp ý một tí xíu nhé!
Nhất trí ý kiến bạn tự nhận xét về nhược điểm của vế đối mà bạn đã nêu ở trên.
Mình chỉ bổ sung: “Đừng nói VỚI em /Miễn bàn VỚI tớ”. Thay từ VỚI ở vế đối bằng tử CÙNG thì không trùng lặp mà còn đối thanh (trắc/bằng)

Tau Dotrong nói...

ĐỐI THỬ CHO VUI...
Vế xuất:
NẠC MỠ NỮA LÀM GÌ, EM NGHĨ CHÍN RỒI, ĐỪNG NÓI VỚI EM CÂU TÁI GIÁ
(Cô hàng phở)
Vế đối:
NGÔ KHOAI CÒN BỎ ĐÓ, MỤ THUI SỐNG QUÁ, HÃY LO ĐI MỤ LÚC QUAY LƯNG
(Chồng cô bán hàng ngô khoai nướng)

Bâng Khuâng nói...

Vế xuất:
NẠC MỠ NỮA LÀM GÌ, EM NGHĨ CHÍN RỒI, ĐỪNG NÓI VỚI EM CÂU TÁI GIÁ
(Cô hàng phở)

Vế đối:
NGÔ KHOAI CÒN BỎ ĐÓ, MỤ THUI SỐNG QUÁ, HÃY LO ĐI MỤ LÚC QUAY LƯNG
(Chồng cô bán hàng ngô khoai nướng)

Vế đối của bác Tau Dotrong khá chuẩn và cũng đa nghĩa NẠC MỠ/ NGÔ KHOAI, CHÍN/SỐNG, TÁI GIÁ/ QUAY LƯNG, nói rõ xuất thân người đối.
* NGÔ KHOAI vừa có nghĩa là ngô với khoai (hai loại cây có củ làm lương thực), vừa có nghĩa là công việc (công chuyện)
- “Ra Ngô Ra Khoai” (hay “Ra Môn Ra Khoai”) là làm cho rõ ràng, không nhập nhằng lẫn lộn.
- “Chả ra ngô ra khoai” nghĩa là chả làm được gì cả, vô dụng, bất tài.
* SỐNG vừa có nghĩa là sống chín, vừa có nghĩa là sống chết.
* QUAY LƯNG vừa có nghĩa là quay người lại bỏ đi (lúc không còn chăm chú nữa), vừa có nghĩa là về nơi an nghỉ cuối cùng.
Xin góp ý nhỏ:
- QUAY LƯNG là từ thuần Việt.
- TÁI GIÁ (ngoài nghĩa là tái và giá đậu) là từ Hán Việt
Thay vì là lời chồng cô bán hàng ngô khoai nướng, nếu đây là lời anh chàng bán khoai nướng thì lãng mạng hơn nhiều. Đại khái như thế này:
NGÔ KHOAI CÒN BỎ ĐÓ, TỚ THUI SỐNG QUÁ, HÃY GIÚP GIÙM TỚ LÚC QUAY LƯNG
(Chàng bán hàng ngô khoai nướng)
Biết đâu dù tuổi ngoại thất thập, bác Tau Dotrong vẫn được kiều nữ bán phở lọt vào mắt xanh và gieo đúng quả tú cầu cũng nên...

Tau Dotrong nói...

Cảm ơn anh đã đọc và cho lời bình quý giá. Tôi không biết Hán Việt nên khó đối chuẩn.
Ngoài ý lời bình ra, tôi xuất phát từ đôi câu ca dao: Được mùa chớ phụ ngô khoai- Đến khi thất bát lấy ai bạn cùng để viết nên vế đối. Ý nói nếu Mụ vợ mà không tu tỉnh, bán hàng có sẵn tiền lận lưng về nhà quay lưng lại với chồng không còn chăm lo công việc ,khinh chồng xuất thân nghèo khó, rồi ví dụ bỏ bê công việc cho chồng làm lại còn mình thì theo đại gia chẳng hạn, thì tôi sẽ bỏ đó!
Ngay trong câu đối đã có sẵn từ BỎ THUI,THUI BỎ cũng tương tự BỎ THÔI, THÔI BỎ...hihihii
Chúc anh ngày mới an vui!

Bâng Khuâng nói...

Thì cũng dựa theo ý của bác Tau Dotrong
NGÔ KHOAI CÒN BỎ ĐÓ, TỚ THUI SỐNG QUÁ, HÃY GIÚP GIÙM TỚ LÚC QUAY LƯNG
(Chàng bán hàng ngô khoai nướng)

Anh chàng bán khoai nướng tỏ tình cùng cô hàng phở một cách chơn chất:
“Em ơi! Bây giờ, em đang còn xuân sắc (được mùa), nhưng thời gian vùn vụt trôi, tuổi xuân rồi cũng qua, hoa thắm rồi cũng tàn phai theo tháng năm. Em cứ “già kén kẹn hom” như thế, mai kia mọi người quay lưng, “cửa ngoài xe ngựa vắng không”, "phòng loan lạnh ngắt như tờ", em sẽ sống hiu quạnh, sống thui thủi lẻ loi đó (thất bát). Còn có anh đây dù “thui sống”, nhưng vẫn quan tâm đến em. Nếu em “bỏ thui” thì trước sau rồi cũng chịu kiếp “thui bỏ” đó mà… Giúp anh đi, chúng mình sẽ nương tựa nhau, từ thế “quay lưng” biến thành “chung lưng đấu cật” sống bạc tóc răng long với nhau. Gieo tú cầu chọn anh nhé, cô hàng phở của anh ơi !”

Lãng Lê Nho nói...

Lang băm Kinh Bắc cũng xin góp vui

VẾ XUẤT:
NẠC MỠ NỮA LÀM GÌ, EM NGHĨ CHÍN RỒI, ĐỪNG NÓI VỚI EM CÂU TÁI GIÁ
(Cô hàng phở)

VẾ ĐỐI:
QUY THÂN LÀ THẾ ĐẤY !TỚ VẪN TRẦN BÌ !ĐỪNG AI GỌI TỚ LÚC HỒI XUÂN
(Lang băm Kinh Bắc)

Bâng Khuâng nói...

VẾ XUẤT:
NẠC MỠ NỮA LÀM GÌ, EM NGHĨ CHÍN RỒI, ĐỪNG NÓI VỚI EM CÂU TÁI GIÁ
(Cô hàng phở)

VẾ ĐỐI:
QUY THÂN LÀ THẾ ĐẤY, TỚ VẪN TRẦN BÌ, ĐỪNG AI GỌI TỚ LÚC HỒI XUÂN
(Lang băm Kinh Bắc)

Vế đối của bác Lãng Lê Nho nêu tên những vị thuốc bắc làm tôi liên tưởng đến thơ Hồ Xuân Hương:

Ngọt bùi thiếp nhớ mùi cam thảo
Cay đắng chàng ơi vị quế chi.
Thạch nhũ, trần bì sao để lại,
Quy thân, liên nhục tẩm mang đi.

Xin góp ý vế đối của bác nhé:

Ngoài những những vị thuốc bắc của vế đối nêu rõ xuất thân của người đối là thầy lang. Các từ ngữ đối như: NẠC MỠ/ QUY THÂN, CHÍN RỒI/ TRẦN BÌ, TÁI GIÁ/ HỒI XUÂN cũng nhắc nhở kiều nữ bán phở nên sớm lo chuyện vu quy đi kẻo sẽ thành “lính phòng không” hiu quạnh, thầy lang như anh đây làm vị đương quy sẽ giúp em bổ máu, hoạt huyết và giảm nỗi đau cô đơn, làm vị trần bì (tinh dầu vỏ cam quýt) bôi trơn đời em khi đã “nghĩ chín”, và em sẽ “hồi xuân” mãi, bất chấp thời gian khi “tái giá” cùng anh, một cao thủ trong nghề chế xuân dược !
*TÁI GIÁ / HỒI XUÂN:
TÁI GIÁ vừa là từ ghép thuần Việt của tái (tái, chín) và giá đỗ; vừa là từ ghép Hán Việt chỉ việc lấy chồng lần nữa.
HỒI XUÂN vừa là từ ghép thuần Việt có “hồi” là tên một vị thuốc bắc và “mùa xuân”. HỒI XUÂN còn là từ ghép Hán Việt đối chỉnh với TÁI GIÁ trong quan hệ ngữ nghĩa của từ ghép Hán Việt.

Tuy nhiên, cũng góp ý tí xíu:
-NẠC MỠ / QUY THÂN: NẠC MỠ là từ ghép thuần Việt, QUY THÂN chỉ là tên Hán Việt của một vị thuốc dù có thể hiểu rộng ra quay thân hình lại để vu quy
CHÍN RỒI / TRẦN BÌ: CHÍN RỒI là khẩu ngữ thuần Việt gồm hai từ đơn diễn tả ý định. TRẦN BÌ chỉ là tên Hán Việt của một vị thuốc, dù có thể suy diễn rộng ra là ở trần…
*“ĐỪNG” NÓI VỚI EM CÂU TÁI GIÁ / “ĐỪNG”AI GỌI TỚ LÚC HỒI XUÂN: Vế đối lặp lại từ “ĐỪNG” của vế xuất.
NÓI VỚI EM / AI GỌI TỚ : Quan hệ về chủ ngữ, vị ngữ trong cách đối của vế xuất và vế đối bị lệch (nếu chỉnh lại là GỌI CÙNG TỚ thì hợp lý hơn).

Vài lời trao đổi. Có lẽ kiều nữ nghe mùi thuốc bắc thơm lừng do bác sao tẩm, chắc mê mẩn gieo quả tú cầu chọn bác cũng nên !

Lãng Lê Nho nói...

Lang vườn Bắc Ninh xin đối vui

Vế xuất:
NẠC MỠ NỮA LÀM GÌ, EM NGHĨ CHÍN RỒI, ĐỪNG NÓI VỚI EM CÂU TÁI GIÁ
(Cô hàng phở)

Vế đối:
GỪNG CHI THÌ CŨNG VẬY, TỚ CHẲNG SAO ĐÂU, KHÔNG NÊN HỎI TỚ CHUYỆN TRẦN BÌ
(Lang băm Kinh Bắc)

Bâng Khuâng nói...

Lang vườn Bắc Ninh xin đối vui

Vế xuất:
NẠC MỠ NỮA LÀM GÌ, EM NGHĨ CHÍN RỒI, ĐỪNG NÓI VỚI EM CÂU TÁI GIÁ
(Cô hàng phở)
Vế đối:
GỪNG CHI THÌ CŨNG VẬY, TỚ CHẲNG SAO ĐÂU, KHÔNG NÊN HỎI TỚ CHUYỆN TRẦN BÌ
(Lang băm Kinh Bắc)

* Xem những cặp từ ở 2 vế đối như:
nạc mỡ / gừng chi, chín / sao, tái giá / trần bì
- “nạc, mỡ, chín, tái, giá” nói rõ xuất thân cô hàng phở đều có nhiều nghĩa.
- “gừng, chi, sao, trần bì” nói rõ xuất thân anh thầy lang cũng có nhiều nghĩa.
+ gừng, chi (có lẽ là quế chi) là tên hai vị thuốc bắc.
+ “Sao” vừa là sao tẩm (thuốc bắc), vừa là trợ từ trong khẩu ngữ thường ngày.
+ “Trần bì” vừa là tên vị thuốc bắc (vỏ quýt), vừa có nghĩa là ở trần (trần truồng), “bì” là da, là phong bì hoặc có nghĩa là phong bì không…“Trần bì”còn có nghĩa là phân trần, so bì…

* Góp ý với bác Lãng Lê Nho một chút xíu:
- “Nạc mỡ” là từ kép thuần Việt. “Gừng chi” không rõ nghĩa, gừng làm chi ? gừng và quế chi? Gừng hay là vật chi… ? (cũng được)
- “Tái, giá” là hai danh từ đơn thuần Việt. Còn “trần, bì” thì “trần” là tính từ (ở trần) hoặc là động từ (phân trần), bì là danh từ Hán Việt là (bì là da), hoặc là động từ thuần Việt (so bì)

Lãng Lê Nho nói...

Lãng Lê Nho Xin đối lại góp vui Vế xuất:

Vế xuất:
NẠC MỠ NỮA LÀM GÌ, EM NGHĨ CHÍN RỒI, ĐỪNG NÓI VỚI EM CÂU TÁI GIÁ
(Cô hàng phở)
Vế đối:
KHƯƠNG QUY LÀ THẾ ĐẤY, TỚ CHẲNG SAO ĐÂU, KHÔNG NÊN HỎI TỚ CHUYỆN TRẦN BÌ
(sao có nghĩa là sao thuốc cho thơm, cũng có nghĩa là câu nói lửng, trợ ngữ như làm sao, sao thế v.v. )

Bâng Khuâng nói...

Vế xuất:
NẠC MỠ NỮA LÀM GÌ, EM NGHĨ CHÍN RỒI, ĐỪNG NÓI VỚI EM CÂU TÁI GIÁ
(Cô hàng phở)
Vế đối:
KHƯƠNG QUY LÀ THẾ ĐẤY, TỚ CHẲNG SAO ĐÂU, KHÔNG NÊN HỎI TỚ CHUYỆN TRẦN BÌ
(sao có nghĩa là sao thuốc cho thơm, cũng có nghĩa là câu nói lửng, trợ ngữ như làm sao, sao thế v.v. )

* Xem những cặp từ ở 2 vế đối như:
nạc mỡ / khương quy, chín / sao, tái giá / trần bì
- “nạc, mỡ, chín, tái, giá” nói rõ xuất thân cô hàng phở đều có nhiều nghĩa.
- “khương, quy, sao, trần bì” nói rõ xuất thân anh thầy lang cũng có nhiều nghĩa.
+ Khương (gừng), quy (đương quy) là tên hai vị thuốc bắc. Khương quy còn có nghĩa là khỏe mạnh để vu quy (“khương” nghĩa là khỏe mạnh, “quy” là quay về, là vu quy)
+ “Sao” vừa là sao tẩm (thuốc bắc), vừa là trợ từ trong khẩu ngữ thường ngày.
+ “Trần bì” vừa là tên vị thuốc bắc (vỏ quýt), vừa có nghĩa là ở trần (trần truồng), (“bì” là da, là phong bì). “Trần bì” còn có thể nghĩa là phong bì không…“Trần bì”còn có nghĩa là phân trần, so bì…

* Góp ý với bác Lãng Lê Nho một chút xíu:
- “Nạc mỡ” là từ kép thuần Việt. “Khương quy” là từ ghép Hán Việt.
- “Tái, giá” là hai danh từ đơn thuần Việt. Còn “trần, bì” thì “trần” là tính từ (ở trần) hoặc là động từ (phân trần), bì là danh từ Hán Việt là (bì là da), hoặc là động từ thuần Việt (so bì)
Nồi nước lèo phở (nước dùng) có “quế chi” làm gia vị thì rất thơm ngon. Chắc cô hàng phở đang “chịu” anh thầy lang sành sõi. Quả tú cầu trước đây định dành cho Khatiemly Haohan, lần này biết đâu nhắm vào bác Lãng Lê Nho cũng nên.

Vũ Nho Ninh Bình nói...

Vui thiệt!
Chắc còn nhiều bác muốn trổ tài, chưa biết cô hàng phở chọn ai!

Bâng Khuâng nói...

Có lẽ như thế bác Vũ Nho à !