Nguồn:
http://caobaquat.com.vn/?cao-ba-quat=ban-can-biet&id=769&dong-dinh-ho-coi-nguon-cua-toc-viet.html
ĐỘNG ĐÌNH HỒ - CỘI NGUỒN CỦA TỘC VIỆT
Hồ Động Đình ở đâu?
Ở miền Nam sông Dương Tử, hồ Động Đình họp thành bởi nhiều hồ lớn. Mỗi năm vào mùa lũ nước sông Dương Tử chảy vào hồ, làm tăng diện tích hồ từ 2.800 km² đến 20.000 km². Quân Sơn, một đảo nằm giữa hồ có 72 đỉnh núi, rộng 1 km nổi tiếng với các loại trà thơm, hoa lá quý hiếm tươi tốt quanh năm. Cảnh đẹp thần tiên, nhiều truyện tích rất u linh chích quái, liêu trai chí dị. Từ hàng ngàn năm, nhắc đến Tiêu Tương Hồ Nam, là nhắc đến tiên cảnh Động Đình Hồ, đến “Bát cảnh Tiêu Tương” của vùng Giang Nam [Việt].
Động Đình Hồ Ngoại Sử
Từ miền Hoa Bắc [Hán] sa mạc, người thuộc chủng Hoa Hạ [Hán tộc] ào ào lưng ngựa triền miên chinh phục hết miền đất này đến miền đất khác. Người Hoa Bắc [Hán] nổi tiếng với nhiều lý thuyết gia, nhưng văn chương rất khô khan. Trái lại, miền Nam sông Dương Tử [Việt], nhất là miệt Động Đình sông nước mây khói mơ màng, nổi tiếng nhất với hai con sông Tiêu và Tương chảy vào lòng hồ, đã là nguồn cảm hứng bất tận cho thơ văn, hội hoạ, âm nhạc…
“Ai có về bên bến sông Tương/ Nhắn người duyên dáng tôi thương/ Bao ngày ôm mối tơ vương…” của nhạc sĩ Thông Đạt, hay Kiều của Nguyễn Du, “Sông Tương một giải nông sờ/ Bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia” cũng là sông Tương này. Chữ Tương, tiếng Hẹ (Hakka) phát âm là “siong”, tiếng Quảng Đông là “seong”, tiếng quan thoại là “xiāng”.
Trong Chinh phụ ngâm, những vần thơ hết sức đẹp, cũng lấy cảnh sông nước Hồ Động Đình:
Chốn Hàm Dương chàng còn ngảnh lạiBến Tiêu Tương thiếp hãy trông sangKhói Tiêu Tương cách Hàm DươngCây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng…
Hồ Động Đình trong truyền thuyết Hồng Bàng
Theo Đại Việt sử ký toàn thư:
“Cứ theo tục truyền thì vua Đế Minh, cháu ba đời vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam đến Ngũ Lĩnh (thuộc tỉnh Hồ Nam bây giờ) gặp một nàng tiên, lấy nhau đẻ ra người con tên Lộc Tục.
Sau Đế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc, và phong Lộc Tục làm vua phương Nam, xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỷ.
Bờ cõi nước Xích Quỷ bấy giờ phía Bắc giáp Động Đình Hồ (Hồ Nam), phía
Nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía Tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên),
phía Đông giáp bể Nam Hải…
Nước Sở có từ bao giờ?
Khi truyền thuyết xuất hiện trong Lĩnh Nam chích quái thế
kỷ 14, tất cả những địa danh, nhân danh từ Đế Minh, Lộc Tục, Xích Quỷ…
đến Hồ Tôn, Hồ Bắc, Hồ Nam, Động Đình Hồ… là tên thuần Hán. Tất cả nằm tại địa bàn nước Sở, tức khu vực Động Đình Hồ.
Vương đầu tiên của người Việt là Kinh Dương Vương, có thể hiểu đó là “vương của châu Kinh và châu Dương”?
Đất Kinh, mang tên loại cỏ Kinh mọc thành bụi cao, đa số dân thuộc chi Âu, đại diện là Âu Cơ, đọc theo phát âm Mường và Quảng Đông là Ngu Kơ, ưa sống miền núi rừng. Bây giờ, địa bàn của châu Kinh là tỉnh Hồ Bắc. Đất Dương có dân thuộc chi Lạc, đại diện là Lạc Long Quân, ưa sống miền biển. Địa bàn châu Dương gồm các tỉnh ven biển: Giang Tây, An Huy, Chiết Giang, và Giang Tô. Cả hai đại chi Âu và Lạc, thuộc chủng Yueh/Việt. Mỗi đại chi lại có hàng trăm tiểu chi. Khoa nhân chủng học ngày nay gọi nhóm này là Austro-Asiatic = người châu Á phương Nam [Bách Việt], khác với Mongoloid, người châu Á phương Bắc, chính là chủng Hoa Hạ [Hán tộc].
Theo chính sử Trung Hoa:
Châu Thành Vương (1042-1021 TCN) phong cho Hùng Dịch tước tử ở nước Sở, còn gọi là nước Kinh,
để cai trị và ngăn chặn sự quấy phá của dân “man di” Yueh/Việt ở địa
phương. Đây là lần đầu tiên người Trung Hoa thiết lập chế độ phong kiến
(phong đất cho thuộc hạ, họ hàng). Đây cũng là lần đầu tiên người Hoa
Bắc [Hán tộc] chính thức chinh phục miền đất phía Nam sông Dương Tử [Bách Việt].
Trong 800 năm, từ đầu thế kỷ 11 TCN, đến khi bị Tần Thuỷ Hoàng diệt năm 223 TCN, nhà họ Hùng đưa
nước Sở từ một miền phên dậu, thành một chư hầu hùng mạnh, có lúc lấn
cả thiên tử nhà Châu, và suýt trở thành “thủ lãnh đại ca” của Xuân Thu
Ngũ Bá.
Năm
740-689 TCN, khoảng đầu thời Xuân Thu, nhà Châu bắt đầu suy, nước Sở
cường thịnh, dù vẫn bị người Hoa Hạ chế diễu “Vua Sở như con khỉ biết
đội mũ”. Lãnh tụ của Sở là Hùng Thông tự ý xưng Vương, tức Sở Vũ Vương.
Từ đó trở đi, tiếp theo hàng chục đời, lãnh tụ nước Sở bao giờ cũng có
họ Hùng và tước Vương. Hùng Dịch, Hùng Thông, Hùng Sì, Hùng Cừ… chữ Hùng 雄 viết y hệt như trong “Hùng Vương” của Việt Nam.
Sau khi diệt các nước Việt nho nhỏ chung quanh, năm 333 TCN nước Sở thôn tính thêm hai nước Việt rất lớn cũng thuộc chi Lạc ở ven biển: nước Ngô Việt (Câu Tiễn) và U Việt (Phù
Sai). Tuy rất văn minh, đã đúc thuyền đồng, trống đồng, luyện thép (như
hai nhà luyện kiếm nổi tiếng là Mạc Tà và Can Tương), nhưng chỉ lo đánh
đấm và trả thù nhau, nên bị Sở diệt.
“Quốc tịch” dân Sở
Đại thần/thuộc hạ của Châu Thành Vương đều là người chủng Hoa Hạ. Hai người Sở nổi tiếng, thi sĩ Khuất Nguyên, tác giả Ly Tao, và Hạng Võ, mà người Việt giới bình dân đều rành nhờ… tuồng cải lương Hồ Quảng Hạng Võ biệt Ngu Cơ – “Tấm thân lấp biển vá trời/ Thanh gươm yên ngựa một đời dọc ngang”. Tây Sở Bá Vương Hạng Võ người chủng Hoa Hạ, Ngu Cơ chủng Việt, chi Âu.
Không
riêng gì Sở, dân “man di” miệt Nam Dương Tử đa số là Yueh/Việt. Nên khi
hai nước Trịnh, nước Vệ có chiến tranh, quân dân hai bên leo lên mặt
thành nói chuyện thả dàn, không cần thông dịch viên toà án. Sử không
thèm ghi xem bọn dân đen nói chuyện chi. Mời nhau ăn một miếng trầu, rủ
rê xuống ruộng dâu [1], đánh trống đồng hay hát bài “Việt nhân ca” [2].
Chi tiết trên chứng tỏ đánh nhau là chuyện của lãnh chúa Hoa Hạ,
còn dân Việt tỉnh bơ ví dầu nói chuyện trời trăng. Điều này rất quan
trọng, nhưng độc giả lướt qua vù vù như cưỡi máy bay, yên chí mình đang
đọc truyện về dân Tàu. In hệt hồi Tần Thuỷ Hoàng sai Triệu Đà, người Hoa
thứ thiệt, đi “bình định” vùng Lĩnh Nam. Khi nhà Tần yếu, Triệu Đà xưng
làm vua Nam Việt, nhưng dân vẫn cứ là giống Việt “man di”.
Tiếng
nước Sở ngày nay đã bị Hoa hóa, nhưng giọng nói của dân Hồ Bắc, Hồ Nam
vẫn còn giữ thổ âm của tiếng Sở ngày xưa. Người Hoa gọi đó là giọng Hồ
Quảng (nơi phát xuất… cải lương Hồ Quảng).
Hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây gọi là tỉnh Việt. Tiếng Quảng Đông còn gọi là Việt ngữ. Kịch nghệ ở Quảng Đông và Hương Cảng gọi là Việt kịch.
Thức ăn của Quảng Đông là Việt thái (tsai).
Xin để ý: dân tộc Việt Nam là một thành phần trong khối Yueh/Việt.
Nhưng không bao giờ là toàn khối chủng Yueh/Việt cả. Vì vậy những thành
tích/khám phá có dính líu đến “người Việt” về phương diện nhân
chủng/khảo cổ/văn hoá/… đào bới được ở khắp vùng châu Á không luôn luôn
có nghĩa thuộc về người Việt Nam ở Việt Nam. Ngay cả nền văn hoá Hoà
Bình thuộc thời đồ đá mới, tuy tìm thấy ở tỉnh Hoà Bình, nhưng giới khoa
học rất thận trọng, họ không coi nền văn hoá này là của người Việt Nam,
vì thời đó chưa có nước Việt Nam và người Việt Nam. Ai là chủ nhân thực
sự của văn hóa Hoà Bình, vẫn là một câu hỏi.
Chiến tranh
Sử Tàu [Hán tộc] không ghi chép đời sống của dân bản địa [Bách Việt]. Bộ Đông Châu liệt quốc toàn
tả lãnh tụ xưng hùng xưng bá. Chỉ biết từ đời Xuân Thu Chiến Quốc 722
TCN, đến khi Sở bị Tần diệt năm 223TCN, là một thời kỳ hỗn loạn. Dân ở
phía Nam sông Dương Tử chịu cảnh binh đao, tàn sát, cướp bóc… không biết
bao nhiêu mà kể. Chính biến, đảo chánh, giành ngôi, phế lập, âm mưu,
cướp bóc, lãnh chúa… biên giới các “nước” thay đổi. Có nước bị giải thể.
Hàng ngàn nước bị chia cắt, sát nhập lúc vào nước này, lúc vào nước
kia.
Khi
Tần Thuỷ Hoàng, “gồm thâu lục quốc” (Hàn, Nguỵ, Sở, Triệu, Tề, Yên) một
cuộc chiến khủng khiếp kéo dài 9 năm, biến giải đất mênh mông từ trung
nguyên [3] xuống nam Dương tử thành một lò sát sinh khổng lồ.
Gia đình lãnh chúa bị tận diệt đã đành, dân chúng lớp bị giết hàng khối, lớp chạy tan tác trước sức đồng hoá của chủng Hoa Hạ [Hán tộc],
của chiến tranh, hạn hán, mất mùa… Miền đất chưa bị vó ngựa chủng Hoa
rớ tới, chính là vùng mênh mông phía Nam và Tây nước Sở [Bách Việt]. Bây giờ là vùng Quảng Đông, Quảng Tây, Quế Châu, đồng bằng sông Hồng [bắc VN]… Lúc đó chưa miền nào có tên như bây giờ. Muốn đi tới miền này phải vượt qua dãy Đại Ngũ Lĩnh hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, hoàn toàn không hợp với người Hoa Hạ, chỉ quen chinh chiến và sống vùng sa mạc.
Trong Đường về Trùng Khánh,
dù đã là năm 1942, tác giả Hàn Tố Âm (Han Suyin) vẫn tả Quế Châu như
một vùng rừng núi hoang vu, gần như không có ai tới, cách biệt hoàn toàn
với thế giới bên ngoài, chỉ có một số người miền núi sinh sống. Thật ra
trong quá khứ ngàn năm trước, miền này đã đón nhận, hoặc là miền chuyển
tiếp rất nhiều đợt chạy loạn.
Bộ mặt của lịch sử Trung Hoa, không phải chỉ ngon lành nào Hồng lâu mộng, nào Tây du ký, tứ đại giai nhân, thi thánh thi bá… Bộ Đông Châu liệt quốc ghi
lại 400 năm loạn lạc, cho thấy mạng dân đen (Hoa cũng như Việt) như
bèo: Tề Hiếu Công chôn sống hơn hai trăm nội thị và cung nhân trong mồ
của cha mình. Mồ của Tần Mục Công táng theo 177 người. Ngô vương Hạp Lư
đánh bẫy hơn một vạn nam nữ để tuẫn táng cho con gái. Không hiếm những
người tỉnh táo, lệnh doãn Tôn Thúc Ngao di chúc “Dân nước Sở ta khổ vì
việc chiến tranh đã lâu, chúa công nên nghĩ lại mà khiến cho dân được an
nghỉ”. Nếu chúa công nghe lời can gián, nước Sở chắc không bị Tần diệt,
và bộ mặt địa lý/chính trị của nước Trung Hoa có thể đã khác.
Chiến
tranh/nạn đói thời An Lộc Sơn cũng được ghi lại trong 1.500 bài thơ của
Đỗ Phủ, nổi tiếng thi hào mà không cần chạy theo chéo áo giai nhân [4].
An Lộc Sơn đánh vào Trường An, Đường Huyền Tông chạy trốn, Dương Quí
Phi thắt cổ. Trong 8 năm, dân số nhà Đường, kiểm kê năm 754, từ 52.8
triệu người chỉ còn 16.9 triệu.
Lăng
mộ của Tần Thuỷ Hoàng, cần tới 70 ngàn người xây cất, con số chôn sống
không rõ. Nhà văn Hàn Tố Âm, dù gia đình khá giả ở Bắc Kinh (cha người
Bỉ, mẹ người Hoa) cũng nhắc lại điều khủng khiếp, ám ảnh bất cứ đứa trẻ
Trung Hoa nào: chiến tranh và thiên tai “ba năm liền không có một giọt
mưa”. Dân chết đủ kiểu. Kể cả chết đói. Vỏ cây cũng không còn. Ai còn đi
được, đều cố đứng dậy, hay lết bằng đầu gối.
Dân Sở thuộc chủng gì?
Dù Kinh Dương Vương là một người thật, hay chỉ là một biểu tượng trong truyền thuyết Hồng Bàng, cũng đều là một pha trộn hai giòng máu Âu và Lạc.
[5] Đây là mật mã cốt lõi của truyền thuyết:
- Hai chi Âu-Lạc sống chung ở vùng Động Đình Hồ,
- Cùng dắt díu nhau di tản, và đoạn cuối
- Buồn hơn bất cứ chuyện tình nào: Âu-Lạc phân ly. Thế kỷ 14, tác giả Lĩnh Nam chích quái ghi tất cả biến cố bi tráng trên, vào mươi hàng đặt tên: “Truyền thuyết Hồng Bàng”. Thời bây giờ, không chắc có cây bút nào có thể viết ngắn/nhiều ý nghĩa đến vậy.
Độc giả có thể kiểm chứng bằng nghiên cứu, hay đọc những nghiên cứu ngôn ngữ và lịch sử, thì thấy từng
chi tiết của truyền thuyết, vẫn còn in dấu trên tình trạng đa sắc tộc
và sự hoà huyết, hỗn hợp ngôn ngữ của cư dân, có mặt trên mảnh đất Việt
Nam. Lịch sử dựng nước của các quốc gia châu Á: Đài Loan,
Phi Luật Tân, Nhật, Triều Tiên, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia,
Việt Nam,… đều có những điểm giông giống nhau: hỗn loạn, chia cắt, đánh
chiếm, tận diệt, lấn đất, di cư, hoà huyết…
“Nước” Xích Quỷ biến đi đâu?
Không biến đi đâu hết. Ở đâu còn nguyên đó. Đất cũ người cũ. Thêm người mới khoác áo văn hoá mới. Nhìn trên bản đồ, bờ cõi nước Xích Quỷ hầu như phân nửa bờ phía Nam sông Dương Tử: Bắc
giáp Động Đình Hồ vĩ tuyến 29 Bắc, phía Nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm
Thành) vĩ tuyến 11 Nam, phía Tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên) kinh tuyến 105
Đông, phía Đông giáp bể Nam Hải, kinh tuyến 118 Đông. Tổng cộng diện tích của Xích Quỷ khoảng 2.900.000 cây số vuông. Diện tích Việt Nam bây giờ là 331,688 cây số vuông.
Tại
sao thình lình không gian của Lạc Long Quân, tức Hùng Vương thứ nhất,
rộng lớn đến thế, đời Hùng Vương thứ 18, khi bị Thục Phán diệt, chỉ còn
lại đồng bằng sông Hồng?
Di cư
Như trên đã nói, một cuộc di tản rất lớn xảy ra, kéo dài hàng mấy trăm năm, trước/sau khi nước Sở bị diệt vong. Đám chi Âu, chi Lạc chạy
khỏi địa bàn nước Sở. Khi đi, mang theo tất cả những truyền thuyết tổ
tiên đến địa bàn mới. Ngay như tên người Việt, bây giờ vẫn tự gọi:
người Kinh – để phân biệt với người Thượng – có thể tên châu Kinh đất cũ còn trong ký ức.
Có lẽ nên hiểu truyền thuyết Hồng Bàng [Bách Việt], là cổ sử của chủng Yueh/Việt,
hơn là cổ sử riêng của Việt Nam. Biên cương rộng lớn của Xích Quỷ, hé
mở đôi điều, nếu hiểu theo quan sát và quan niệm của tác giả truyền
thuyết Hồng Bàng về thời lưu cư ở Động Đình Hồ:
- Chủng Việt, khác với chủng Hoa Hạ
- Hễ đồng chủng, là cùng một “nước”
- Có rất nhiều bộ tộc Việt sống xen kẽ trên cùng địa bàn Xích Quỷ
- Vì xen kẽ, nên mượn qua mượn lại truyền thuyết/cổ tích của nhau
- Người/tiếng Việt đi tới đâu, biên giới Xích Quỷ đi đến đó
- Người Trung Hoa bây giờ cũng là một pha trộn = Hoa Hạ + Việt, cả DNA và tiếng nói.
- Lãnh tụ đầu tiên Lạc Long Quân, hoàn toàn thuộc chủng Việt, mang hai giòng máu Âu và Lạc, không lai một chút Hoa Hạ [Hán] nào hết.
Có “nước” Xích Quỷ không?
Không. Bởi vì:
- Xích Quỷ: chỉ là địa bàn lớn chứa chủng Việt [Bách Việt], gồm hàng trăm (hay ngàn) bộ lạc/thị tộc, tình trạng “văn minh” tuỳ vùng.
- Nước Sở: nhỏ hơn, chứa các nhóm Âu-Lạc [Bách Việt].
- Đồng bằng sông Hồng: nhỏ hơn nữa, là một trong những nơi dừng chân cuối cùng của của đám Âu/Lạc di tản. Nơi đó cũng đã có người ở từ trước.
Nước
Thái Lan, nước Lào, chi Âu, tình cảnh rất giống Việt Nam. Thái chỉ mới
thành lập quốc gia từ thế kỷ 13. Lào lập nước trễ hơn Thái chừng nửa thế
kỷ. Cả hai chạy ngược chạy xuôi tìm đất và choảng nhau với dân bản địa.
Có những bộ tộc rất oai hùng, nhưng lại không thành lập nổi một quốc
gia, ví dụ sắc tộc Karen, sắc tộc H’Mong, và hàng ngàn bộ tộc hiện diện trên đất Trung Hoa, bị Hán hoá hoặc có danh nghĩa “khu tự trị”, nhưng mức độ độc lập luôn là câu hỏi.
“Con Rồng cháu Tiên”
Xin
thú thật, là một học trò yêu môn lịch sử, nghe “con rồng cháu tiên, dân
Việt mình… siêu hơn dân tộc khác” rất êm tai. Nhưng hôm nay, ôn lại
những trang sử, bàng hoàng nhận ra một bài học khác: nước Việt sinh ra
trong ly loạn, những đoàn người đầu tiên đã cố gắng phi thường, mới hội
được nước Việt như ngày nay. Cảm xúc trước sự huyền bí của lịch sử là
một cảm xúc đẹp. Tuy vậy, kiểu hãnh diện mơ màng “con Rồng cháu Tiên”,
nhưng không biết rằng: nước Việt được tạo dựng trong điêu linh, có thể
làm biến dạng suy tư của người Việt: làm đứt đoạn, xa rời hẳn với quá
khứ. Nếu có đôi điều đặc biệt đáng hãnh diện, đó là trong số hậu duệ của
chủng Việt, không có quốc gia nào nắm níu tên “Việt”, ngoại trừ dân tộc
Việt Nam; và sau gần 3.000 năm thăng trầm, sức sống bền bỉ, chấp nhận
hoà huyết, sáng tạo tiếng nói, dũng mãnh chống ngoại xâm, mềm dẻo giữ
độc lập… mỗi ngày là mỗi cố gắng gượng dậy, từ những tang thương dù
không hề biết cuối con đường cay đắng hay vinh quang: đó mới là kho báu
đích thực và bài học vô cùng quí giá tổ tiên để lại.
(Còn tiếp)
Vĩnh-Tường
Vĩnh-Tường
****************
[1]Câu 507, Kiều trả lời Kim Trọng khi chàng Kim eo sèo đòi “sex”:
Ra tuồng trên Bộc trong dâu,Thì con người ấy ai cầu làm chi!
Sông Bộc: nơi trai gái chủng Việt chiều chiều rủ nhau xuống bãi dâu tình tự nên có thành ngữ “Trên Bộc trong dâu”, Nguyễn Du tiên sinh viết theo quan niệm nhà Nho hồi đó, tức cấm đoán nhiều thứ lủng củng.
[2]Nhiều thông tin khác nhau về bài “Việt nhân ca”:
– Dân ca của người Choang
– Bài hát của dân Việt thời Ngô Việt giao tranh. Vương tử Sở là Ngạc Quân Tử Tích thích bài hát nên nhờ chuyển thành Sở từ. Cũng là bài hát trong phim Dạ yến/The Banquet với Chương Tử Di.
[3]Miền đất giữa Hoàng Hà và Dương Tử.
[4]Đỗ Phủ: tất cả thơ của ông tả cảnh chiến tranh thời An Lộc sơn. Ví dụ: Bài “Vô gia biệt” (Cuộc ly biệt của kẻ không nhà), ông ước “Có ngôi nhà lớn muôn gian để che chở cho kẻ nghèo khắp thiên hạ. Bao giờ nhà lớn sừng sững hiện ra, riêng lều ta nát, chịu chết rét cũng được”. Ông bôn ba khắp nơi dâng kế cứu dân cứu nước. Không ngờ về đến nhà mới hay con trai đã chết đói.
[5]Nguyên Nguyên, “Thử đọc lại truyền thuyết Hùng Vương“
Trần Thị Vĩnh Tường
Túy Phượng chuyển bài
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét