BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 14 tháng 3, 2018

CHÙM THƠ TRẦN NHUẬN MINH


      
      Nhà thơ Trần Nhuận Minh

Sinh: Ngày 20/ 8 năm Giáp Thân (1944). Quê quán: Điền Trì,Quốc Tuấn, Nam Sách, Hải Dương (bắc Việt Nam). Hiện sống và viết tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh (bắc Việt Nam).
Công tác và sáng tác tại Khu mỏ Hồng Quảng từ năm 1962, tham gia sáng lập Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh năm 1969, từng được cử làm  Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh, Tổng biên tập báo Hạ Long.
Giải thưởng Nhà Nước về Văn học Nghệ thuật đợt II, năm 2007.
Đã được xuất bản 44 tập sách, trong đó có 38 tập chính, gồm: 22 tập Thơ, 3 tập Truyện vừa, 1 tập Văn, 1 tập Hợp tuyển Thơ Văn, 2 tập Tiểu luận và 9 tập Biên khảo:
THƠ: Đấy là tình yêu (1971), Âm điệu một vùng đất (1980, in lần thứ 2, năm 2016), Thành phố bên này sông (1982), Nhà thơ áp tải (1989), Hoa cỏ (1992), Nhà thơ và hoa cỏ (1993, in lần thứ 22, năm 2015), Giọt phù sa vạn dặm (2000), Bản Xônat hoang dã(2003, in lần thứ 13, năm 2015), Trần Nhuận Minh - Thơ với tuổi thơ(2003), Gửi lại dọc đường (2005, in lần thứ 6, năm 2011), Trần Nhuận Minh, tuyển tập thơ (2005, in lần thứ 2, năm 2007), 45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh (2007, in lần thứ 5, năm 2013), Miền dân gian mây trắng (2008, in lần thứ 5, năm 2014), Bốn mùa - Fourseasons (2008), Bốn mùa (2009, in lần thứ 2, năm 2011), Miền dân gian mây trắng - The white cloud popular area (2011), Cánh rừng đã bay về trời (2012), Thành phố Dịu Dàng (2015, in lần thứ 2, năm 2017), Liệu có kiếp sau
 ( 2017), Qua sóng Trường Giang ( 2017); và Trong hy vọng khôn cùng, Maxcơva (1992), do Iuri Konhetxki tuyển chọn và  giới thiệu, Trần Nhuận Minh - Thi ca tinh tuyển tập do Phùng Trọng Bình, Dương Hạ Nguyệt, Tấn Dương dịch, Phùng Trọng Bình và Dương Hạ Nguyệt giới thiệu,  Nhà xuất bản Phát thanh và Truyền hình Trung ương Trung Quốc, Bắc Kinh (2014).
TRUYỆN VỪA: Trước mùa mưa bão (1980, in lần thứ 7, năm 2016), Hòn đảo phía chân trời (2000, in lần thứ 6, năm 2015), Truyện chọn lọc cho thiếu nhi (2002).
VĂN: Đối thoại văn chương (2012 - chung với nhà thơ, nhà phê bình văn học Canada Nguyễn Đức Tùng).
HỢP TUYỂN: Đá Cháy (2016)
TIỂU LUẬN: Thời gian lên tiếng (2013), Đi tìm Sự Thật ( 2017)
BIÊN KHẢO: 15 tác phẩm. Chỉ tính 9 tác phẩm chính: Tuyển tập thơ Hạ Long (1977, in lần thứ 3 năm 2000), Tuyển tập thơ Bạch Đằng Giang (1988), Tuyển tập Nửa thế kỉ thơ Quân Khu Ba (1995) và Tuyển chọn, giới thiệu thơ của 6 thi hào trong 6 tập Khuất Nguyên, Xergây Exênhin, Raxun Gamzatốp, Yanit Rítxốt, Nicôla Ghiden, Oan Uytman trong bộ sách Thi ca thế giới chọn lọc(2004).
SÁCH THAM KHẢO: Trần Nhuận Minh và ba lần định vị cho thơcủa PHONG LÊ và nhiều tác giả (Nhà xuất bản Văn học, 2009);Trần Nhuận Minh và một hướng tìm diện mạo mới cho thơ của Đỗ Ngọc Yên và nhiều tác giả (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2015).


   CHÙM THƠ TRẦN NHUẬN MINH

   NGUYỄN DU

   Đến đâu con cũng gặp Người
   Xin dâng chén rượu giữa trời Trung Hoa
   Hạc Vàng một bóng Lầu xa
   Hồ Nam úa ráng chiều tà hanh heo
   Tiệc to thường ở nơi nghèo
   Đồng ngô khô xác, mái lều gió lay
   Người xưa đi sứ qua đây (1)
   Bùn lưng bụng ngựa, sông đầy thuyền trôi
   Cỏ cây, thành lũy khác rồi
   Hoàng Hà đã cạn, thơ Người vẫn sâu
   Thời nào thì cũng như nhau
   Nỗi buồn li biệt, nỗi đau dối lừa
   Tiền Đường sầm sập đêm mưa
   Nước âm u chảy như chưa vớt Kiều (2)
   Nghiệp Thành còn tiếng quạ kêu (3)
   Lâm Tri bến cũ, cầu treo rực đèn
   Sắc tài chi để trời ghen
   Người đâu phải nước đánh phèn cho trong
   Cõi đời đâu cũng long đong
   Văn chương bạc phận, má hồng vô duyên
   Bời bời những cuộc đỏ đen
   Chính trường sấp mặt, đồng tiền xoay ngang1...
   Đặt chân lên đỉnh Thiên Đàn
   Bốn bề mây trắng thu vàng lá rơi
   Bâng khuâng con lại thấy Người
   Vái Người, con đứng ngang trời Trung Hoa  
                                
                                Cố Cung  21 - 9 - 1999


   VẠN LÍ TRƯỜNG THÀNH CA

   Phải đến Trường Thành mới là hảo hán a (1)
   Hàng chục triệu người tàn
   Hàng trăm ngàn người chết
   Xác xây vào Thành còn lộ ra xương trắng
   Nấm mộ âm u dài hơn vạn dặm
   Chắn ngang mặt địa cầu

   Tưởng còn thấy từng dãy người,                                
                       xếp hàng lên đến tận trời a
   Chuyển đá vào mây trắng
   Tiếng roi thét ngang đầu
   Tiếng ngựa hí cháy những triền dốc đứng
   Tiếng đá và người, ào xuống vực

   Xương máu muôn dân thành đá vữa a
   Vua chúa cất lên kì quan
   Tội ác tột cùng đẩy công trình lên tột đỉnh
   Bóng Tần Thủy Hoàng lừng lững trong sương lạnh
   Cờ xí bay ngút ngát...

   Hùng vĩ, ngang tàng và bí hiểm a
   Từng chặng nối nhau lên cao mãi
   Vọng gác ngàn năm khuất trong mây mù
   Chim trời đập cánh rồi rơi xuống
   Gió cũng bị chặn lại rồi thổi ngược chiều

   Thiên hạ đệ nhất hùng quan (1) quả là xứng danh a
   Sức lực của thánh thần, trí tuệ của ma quỉ
   Tranh cao với trời, tranh dài với đất
   Rốt cuộc bảo vệ ai?
   Muôn dân đau khổ và oán hận...

   Ta là Công dân nước Việt Nam, đến đây,
   không biết sau những ai
   không biết trước những ai a
   Ngửa mặt lên trời mà than rằng:
   Bức trường thành bền vững nhất
   của mọi quốc gia chính là lòng DÂN
   Nếu Tần Thủy Hoàng nghe trước được lời của TA
   Thì triều đại ông, không đến nỗi hơn một đời đã mất...

                                                Vạn Lí Trường Thành  
                                                     9h 19 - 9 - 1999
                                                TRẦN NHUẬN MINH
     ....................

   (1) Năm 1813-1814,  Nguyễn Du đi sứ Trung Quốc
   (2) Thuý Kiều (trong Truyện Kiều) trẫm mình ở sông Tiền Đường
   (3) Nghiệp Thành: Nơi đóng đô của Tào Tháo, thời Tam Quốc
      (1) Từ một ý thơ của Mao Trạch Đông.
      (1) Dòng chữ đề ở lầu cổng Vạn Lí Trường Thành.

Không có nhận xét nào: