BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 21 tháng 3, 2018

THẦY GARY CARKIN, GIÁO SƯ DẠY ANH VĂN TRƯỜNG TRUNG HỌC NGUYỄN HOÀNG - Đoàn Đức


    

Thầy Gary Carkin
Dạy Đàm Thoại Tiếng Anh Lớp Đệ Nhất C (Lớp 12) NK 1966-1967

Lần đầu tiên trường Nguyễn Hoàng có giáo sư người Mỹ đến dạy đàm thoại luyện giọng và văn chương Mỹ tại các lớp ban Văn chương sinh ngữ như ở đại học. Đây là một sự kiện mới lạ ở một ngôi trường tỉnh nhỏ. Thầy người xứ Vermont, tiểu bang vùng đông bắc Hoa Kỳ, tốt nghiệp M.A tại trường đại học Vermont. Thầy cùng với nhiều người Mỹ khác tốt nghiệp Đại học đến Việt Nam trong chương trình “Cơ quan chí nguyện quốc tế” International Volunteer Service (viết tắt là IVS) để dạy tiếng Anh cho các trường Đệ Nhị Cấp có ban C và Đại học Văn khoa.

Vùng đông bắc nước Mỹ gồm 13 tiểu bang, do người Anh đến định cư lập nghiệp đầu tiên tại đây. Vì vậy trên lá cờ “sao sọc” của Hoa kỳ có 50 ngôi sao biểu tượng cho tổng số 50 tiểu bang và 13 sọc xanh là biểu tượng cho 13 tiểu bang đầu tiên này. Dân ở vùng đông bắc, theo thầy nói, vẫn giữ nguyên phong tục truyền thống của người Anh và giọng nói, từ vựng vẫn theo mẫu quốc Anh. Vì thế thầy không dạy chúng tôi theo tự điển chính thống Mỹ xuất bản lúc ấy là “Webster’s Seventh New Collegiate Dictionary” cũng như tự điển tinh âm giọng Mỹ là “A Pronouncing Dictionary of American English” của Kenyon & Knott, mà khuyên chúng tôi nên sử dụng từ điển “The Advanced Learner’s Dictionary of Current English” của Hornby và tự điển tinh âm theo tiêu chuẩn giọng Anh là “Everyman’s English Pronouncing Dictionary” của Daniel Jones.

Thầy chú trọng phonetics (ngữ âm học) và transcription (ký âm) theo phiên âm quốc tế đúng giọng người Anh. Ngay cả các địa danh, tên riêng, tên thánh cũng phải được phiên âm và luyện đọc rõ ràng. Thầy giảng giải các cách đọc nối khi phụ âm từ cuối đứng trước nguyên âm của từ theo sau, trong khi đọc một cụm từ hay một câu.
Ví dụ: Father_ate them; for_ ever; diesel_engine;...
Ngoài ra còn chú ý biến âm theo tự loại, dù đó là một từ, chữ viết giống nhau nhưng khi là động từ thì phiên âm và dấu nhấn khác với khi nó là danh từ hay tính từ.
Ví dụ: Absént (v) – ábsent (adj) (vắng mặt - vắng)
  Presént (v) – Présent (n) (có mặt – quà tặng).

Thầy chỉ cách đơn giản để phân biệt âm vang (voiced sound) và âm điếc (voiceless sound) khi phát âm là: “Bịt hai tai lại, nếu màng nhĩ không rung là âm điếc (voiceless sound); nếu màng nhĩ rung là âm vang (voiced sound), vì cộng hưởng với sự rung của màng thanh đới ở giữa cổ (vocal cord). Ví dụ các âm: [ p-t-k-f ] màng nhĩ không rung là điếc, các âm [ b-d-g-v ] màng nhĩ rung là vang.
Thầy tập rất kỹ các âm gió (hissing sound) của các từ: thank, class, finish, church, bằng cách để một miếng giấy mỏng trước miệng, nó sẽ bị hơi gió đẩy ra khi ta đọc các âm này.
Còn khi đọc các âm [ m-n-ng ] cứ bịt mũi lại thì biết được chúng là âm mũi (nasal sound). Riêng âm [ l ] khi đọc phải uốn lưỡi cong lên nướu răng để hơi ra hai bên lưỡi ở khóe miệng, vì thế mới gọi là biên âm (lateral sound) Nhờ vậy khi học về phát âm chúng tôi hiểu dễ dàng.

Sau này, vào Đại học ở lớp Dự bị Văn khoa môn tiếng Anh, khi giáo sư Trương Tuyết Anh bảo sinh viên: Ai trong các anh chị nắm vững cuốn English For Today, Book one của lớp Sáu thì giơ tay. Cả lớp đều ngồi im mà cười thầm. Tôi giơ tay và được kêu lên bảng. Giáo sư viết và yêu cầu phiên âm các từ sau đây “Ruth, Michael, Alice’s book, present (v), present (n); present (adj), always”. Tôi phiên âm đúng và được khen là học có căn bản. Đó chính là nhờ được rèn luyện với thầy Gary Carkin.

Thầy nói ngôn ngữ có tính chất xã hội, nên bắt chước nhại cho đúng và nghe thật nhuần nhuyễn, rồi cứ nói đừng sợ sai đúng, tập thành phản xạ tự nhiên. Thầy dạy bài đọc “Learning a foreign language” của Eugene A.Nide nói về “trình tự cơ bản trong việc học một ngôn ngữ là: Nghe – Nói – Đọc và cuối cùng là Viết như các em bé học tiếng mẹ đẻ. Chỉ khi nào chúng cảm nhận được điều mình nói đúng thì lúc đó chúng mới học đọc và viết. Trong khi đó phương pháp dạy cho người lớn học thì trái ngược lại với tiến trình này. Trước hết học đọc, tiếp theo là học viết cho tới khi đọc và viết thông thạo mới học đàm thoại. Đây là truyền thống cổ điển để học các tử ngữ Hy-La. Chỉ chú trọng viết ngay từ thời xa xưa, đó không phải là cách học một sinh ngữ”.

Sau một thời gian tập nghe và nói, thầy đưa một số học sinh đến các câu lạc bộ các thầy cô người Mỹ dạy tiếng Anh. Giới thiệu xong, thầy tránh đi nơi khác để học sinh tự xoay sở giao tiếp bằng tiếng Anh. Lúc đầu còn sợ sệt, e ngại vì cứ nghĩ nói làm sao cho đúng một câu, nghe thì chữ được chữ mất, đôi khi phải dùng bút đàm hay hình vẽ hoặc một cuốn từ điển để chỉ vào từ mình muốn nói, dần dần dạn miệng, đúng sai gì cũng cứ nói, riết rồi tự nhiên hơn.

Thầy biểu học trò đọc một truyện ngắn, nói tóm đại ý rồi tự hỏi, tự trả lời ở nhà trước khi đến nói trong lớp hay nói chuyện riêng với thầy. Thầy thuê nhà của ông Diệp Đức Ký, mặt hậu trở ra đường Gia Long dọc bờ sông Thạch Hãn; mặt tiền quay ra chợ nhưng luôn đóng kín vì chủ nhà đi khỏi, không buôn bán nữa. Thầy khuyến khích học sinh nếu rảnh thì đến nhà thầy chơi và nói chuyện. Chúng tôi thoạt đầu khi nói chuyện là dịch thầm trong đầu cho đúng rồi nói. Vì vậy rất chậm, sau nhiều lần nói đại, không sợ đúng hay sai, dần dần “ảnh ngữ” sẽ xuất hiện trong đầu, và nếu học từ vựng thật thuộc “như cháo” thì không còn dịch thầm trong đầu nữa. Ví dụ nói book thì ta lập tức hiểu ngay chữ “sách”, vì hiểu được khái niệm “book” là gì rồi. Từ đó khi diễn ý thì các từ tiếng Anh và Việt đồng xuất hiện một lần trong đầu nên nói rất nhanh không còn việc nói được một câu thì mất cả mấy phút như lúc đầu tập nói. Đạt được như vậy, theo quan điểm của thầy, trong đàm thoại ta sẽ nói trôi chảy (fluently). Thầy còn tập cho học sinh thuyết trình nữa và phân tích như sau: “Đàm thoại và thuyết trình trước lớp là 2 vấn đề khác nhau. Đàm thoại thì đơn giản chỉ là nói chuyện cho vui, còn thuyết trình thì khó hơn vì nó gồm diễn thuyết và vấn đáp các chủ đề trong tác phẩm, lại phải nhớ dẫn chứng các đoạn văn để tranh luận, nên đây còn là năng khiếu nữa, ngay khi các em thuyết trình bằng tiếng Việt cũng thế, huống hồ là tiếng Anh”. Học sinh lớp 12C chúng tôi nhờ vậy mà tiến bộ.

Về đọc và thảo luận, thầy tặng cho mỗi học sinh một cuốn Reading in English: For students of English as a second language của Danielson và Hayden. Cuốn này hiện tôi vẫn còn giữ được. Thầy bảo học sinh không nhìn vào sách, chỉ lắng nghe thầy đọc đoạn văn, hiểu được bao nhiêu rồi mới mở sách kiểm tra để thầy đọc thêm một lần nữa. Sau đó cá nhân đọc, tóm lược đại ý, trả lời Comprehension questions (Câu hỏi rèn luyện khả năng hiểu), tùy theo sự hiểu biết của mình về ý của tác giả, rồi nói lên sự đồng ý hay không của bạn. Xong bài là phần Questions for discussion and composition (câu hỏi để thảo luận và làm luận) thì học sinh đem về nhà làm để chuẩn bị cho giờ thảo luận tới sau khi nạp bài viết cho thầy chấm.

Thầy cho học hai đoản văn “Hunger to Devour the Earth” và “The Youth” của Thomas Wolfe. Bài trước nói về những người trẻ chúng ta, lúc lớn lên thường có ảo tưởng nghĩ rằng mình sẽ làm được mọi việc, vì khi đó ai cũng tràn đầy sinh lực. Anh ta nghĩ mình có thể ôm cả trái đất này, nhưng tiếc thay tất cả chúng ta đều không làm được. Cuối cùng đành bất lực như vua King Midas, đụng đến bất kỳ cái gì thì vật đó đều biến thành vàng, ngay đến cả các món ăn thức uống, nên cuối cùng chết vì đói khát. Bài sau “The Youth” khuyên thanh niên nên biết trân trọng tuổi trẻ, biết sử dụng thời gian và hiểu năng lực của mình đến đâu để biết sống; như thế mới đạt được thành công. Nếu không, khi tuổi trẻ qua rồi mình sẽ hối tiếc vô ích.

Tôi xin trích đoạn kết đáng suy ngẫm của bài này: “And that is the reason why, when youth is gone, every man will look back upon that period of his life with infinite sorrow and regret. It is the bitter sorrow and regret of a man who knows that once he had a great talent and wasted it, of a man who knows that once he had a great treasure and got nothing from it, of a man who knows that he had strength enough for everything and never used it”. (Và đó là lý do tại sao khi tuổi trẻ qua đi, mọi người đều hồi tưởng lại thời kỳ ấy trong đời mình với một nỗi buồn rầu tiếc thương vô hạn. Đó là nỗi buồn rầu nuối tiếc cay đắng của một người biết rằng đã có một thời anh ta có tài năng phi thường và đã phung phí vô ích, của một người biết rằng đã có một thời anh ta sở hữu được một kho tàng to lớn mà không dùng được một chút gì cả, của một người biết rằng anh ta đã có đủ sức mạnh để thực hiện mọi chuyện thế mà chẳng bao giờ dùng đến sức mạnh đó cả).

Mùa Noël năm 1966, thầy giới thiệu Quang và tôi với hai cô giáo để viết thư tín và giao tiếp. Cô Ricky Dance có nước da trắng và cô Victoria Mares có nước da nâu. Cả hai cô là bạn cùng nhóm chí nguyện với thầy. Một người dạy ở trường nữ trung học Đồng Khánh Huế, một người ở trường trung học Phan Chu Trinh Đà Nẳng. Thầy và hai cô dẫn chúng tôi đến dự tiệc tại các câu lạc bộ. Chúng tôi được ăn món lạ, được nói chuyện với nhiều người và nhận quà là các tập thơ, tiểu thuyết và truyện ngắn của các tác giả Mỹ.

Sau hai ngày gặp gỡ, buổi chia tay cô Ricky Dance (khoảng 22 tuổi) hỏi tôi một câu: “Have you ever seen the moon?” (Bạn từng thấy mặt trăng chưa?) Tôi trả lời: “Yes, at night, in the middle of any lunar months” (Có thấy, ban đêm vào trung tuần các tháng âm lịch). Thầy Gary Carkin bật cười liếc nhìn tôi. Hôm sau gặp lại thầy, tôi thắc mắc hỏi lại chuyện cũ. Thầy lại cười và nói tôi innocent (ngây thơ) rồi giải thích cho tôi, không biết có xạo không, “Cô ấy nói vậy là muốn cho em hôn đó”. Tôi !!!

Thầy Gary Carkin cuối tuần thường đến nhà học trò chơi nếu được mời; còn chúng tôi nếu muốn thực tập đàm thoại thì hẹn đến nhà thầy. Có lần sau Tết, thầy lên thăm nhà tôi, có Quang và cô Cao Thị Như Quỳnh. Cô dạy tiếng Anh khối lớp Đệ Nhị (lớp 11) của trường Nguyễn Hoàng, em ruột của Giáo sư Tiến sĩ Cao Huy Thuần, gọi chị dâu đầu của tôi bằng Cô (bà con cô cậu lại). Chúng tôi nói chuyện rất vui vẻ về phong tục Tết. Từ nào bí, câu nào không diễn ý được tôi và Quang lại hỏi cô Quỳnh. Nhân ăn hạt dưa, tôi hỏi (thật là khờ dại!) ở Mỹ có hạt dưa đỏ, ăn béo và ngon như vậy không? Sau khi thầy nếm thử mứt, bánh, trà, rượu bách nhật của Việt Nam, tôi hỏi tiếp cảm nhận của thầy thế nào so với mứt rượu của Mỹ? Thầy chỉ trả lời qua loa: Good! Good! Không một lời nhận xét, hay trả lời câu hỏi của tôi cả. Tuần sau tôi đến thăm thầy. Thầy trải một cái ghế xếp, lấy một cuốn truyện ngắn, một lon Coca, một lọ kẹo, một hộp thiếc tròn lớn đựng các loại hạt như dẻ, sồi, ... lớn như trứng cút và một cái kềm để bóp vỡ hạt lấy nhân. Thầy bảo tôi nằm đó đọc truyện, ăn kẹo hay hạt sồi, uống Coca đợi thầy đi ra ngoài khoảng ba tiếng đồng hồ. Thầy vừa khuất bóng, sau khi khóa trái cửa, tôi lập tức dùng kềm bóp vỡ vỏ cứng các loại hạt để ăn. Trời ơi, hạt sao mà bùi, béo, mằn mặn, thơm ngon đến thế! Rồi bóc kẹo ăn, té ra trong lòng viên kẹo có chứa rượu whisky. Mỗi viên mỗi loại rượu khác nhau, gần năm sáu loại, ngon vô cùng tận đối với một thằng bé nhà quê như tôi. Lúc đó, tôi nghĩ đến nét mặt diễu cợt của thầy, hình ảnh này là câu trả lời cho câu hỏi của tôi hôm Tết. Tôi chợt thấy mình tội nghiệp vô cùng!

Tháng 3 năm 1967, sau một tuần đi Đà Nẳng, lúc về thầy gặp lại và cùng tôi đi xe đạp song song trên đường Quang Trung, lúc qua tiệm ảnh Mỹ Hương, đột nhiên thầy hỏi “How about the curfew now?” (Bữa nay thiết quân luật như thế nào?). Tôi không hiểu từ curfew, nghe âm thầy đọc là [ ˈkɜːrfjuː ] tôi tưởng là coffee [ˈkɔːfi ] nên lập tức trả lời “The coffee inn is right there, near Thánh Tâm high school” (Quán cà phê ngay kia, gần trường Thánh Tâm). Thầy cười, biết tôi không hiểu và ngơ ngác nên nói lại “curfew, not coffee”. “Curfew is martial law”. Lúc đó tôi mới hiểu thầy hỏi thiết quân luật giờ nào, liền trả lời “From ten P.M. to five A.M.” (Từ 10 giờ đêm đến 5 giờ sáng).

Thầy rất tốt, Thái Văn Thạch sau khi đậu Tú Tài I vừa vào học lớp Đệ Nhất thì mẹ mất. Thạch nói với tôi “chắc không tiếp tục đi học được vì không có tiền”. Tôi cùng Thạch đến gặp thầy kể hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhờ thầy tìm biện pháp giúp đỡ. Sau một lúc suy nghĩ, thầy trả lời: Trước hết phải huấn luyện cho Thạch nói được tiếng Anh mới giúp được. Thầy nhờ một người bạn tên Steven Stiff đưa Thạch về ở chung, tạo điều kiện ăn ở để Thạch vẫn tiếp tục tới trường học với chúng tôi. Trong lúc đó Thạch nổ lực rèn luyện tiếng Anh với ông ta suốt ngày đêm để mau giỏi. Sau 4 tháng, Thạch xin nghỉ học luôn vì kiếm được việc ở cơ quan CORD dân sự.

Hè năm 1967, trước khi vào Huế tiếp tục việc học, thầy Gary khuyên tôi và các bạn khác đi dịch các đơn từ xin trợ cấp của những người bị cháy nhà, nghèo khó của các hội từ thiện như Hội Hồng Thập Tự (Chữ Thập Đỏ) để kiếm thêm tiền đi học. Thầy nói ở Mỹ, trừ phi là con nhà giàu, các sinh viên đặc biệt là các sinh viên du học, vừa học vừa làm để kiếm sống và trang trải học phí nếu học bổng không đủ. Họ làm ngoài giờ trong các nhà hàng, quán bán, cây xăng, giữ trẻ, v.v... Điều này luyện tập tính tự lực, ít sống bám vào cha mẹ, hiểu được giá trị tiền bạc, tập giao tiếp, chủ động sắp xếp được cuộc sống và sau này khi ra đời dễ hội nhập với cộng đồng hơn. Chúng tôi nghe lời và thực tập được 5 tháng trước khi chính thức vào Huế học lớp Dự bị của trường Đại học Văn khoa.

Tôi thường cùng với Nguyễn Văn Quang đến nhà thầy để thực tập tiếng Anh. Quang rất dạn nói, dù tiếng Anh là sinh ngữ phụ, nhưng đuổi kịp tôi và nói khá lưu loát. Đó chính là nhờ gặp gỡ thầy thường xuyên nên mới được vậy. Có bận Quang dịch một bài báo ra tiếng Anh, tôi đưa thầy chấm điểm góp ý. Đọc xong thầy gật gù tán thưởng rồi đưa cho một người bạn là ông Warren Milberge đọc. Ông này tấm tắc khen “Hành văn còn không kém gì chính người Mỹ viết nữa”.

Tôi với Quang rất gần gũi trong học tập, luôn trau dồi rèn luyện Anh văn và Pháp văn. Điều gì chúng tôi không hiểu thì thẳng thắn nhờ bạn giải thích, không giấu dốt. Nếu không đồng ý hay chưa hiểu thì tranh luận. Nếu bế tắc về ngữ pháp và phiên dịch thì trọng tài là thầy Châm (tiếng Anh), cô Thanh (tiếng Pháp) khi đến giờ học. Còn về cách đọc và phiên âm thì chấp nhận sự phân xử của thầy Gary, có đôi khi mang cả sách tham khảo hay từ điển để tranh luận cho tới cùng (vì bấy giờ các sách viết, từ điển của mỗi tác giả mỗi khác. Ví dụ như từ điển Anh-Việt của Nguyễn Văn Khôn phiên âm khác với từ điển Anh-Việt của Lê Bá Kông. Sách văn phạm Anh văn của Tạ Tuyên khác với sách của tác giả Lê Xuân Đích hay Lê Bá Kông, v.v...). Mà hồi ấy, Quảng Trị là tỉnh nhỏ, không có bán các từ điển hay sách văn phạm xuất bản từ nước ngoài. Nếu muốn mua, phải vào Huế và đăng ký tại nhà sách Ưng Hạ mới có.

Sau này, khi tốt nghiệp Tú Tài II xong, Quang vì sinh kế phải xin đi dạy học ngay để kiếm sống, giúp đỡ gia đình. Quang chỉ còn cách ghi danh học miễn chuyên cần tại Đại học Văn khoa Huế. Cứ mỗi cuối tuần, bằng xe gắn máy Quang vượt đoạn đường 60km từ Quảng Trị vào Huế gặp tôi tại Trung tâm Sinh viên Xavier, nhận tài liệu hay bài chép bằng mực carbon. Khi ghi bài tại giảng đường, tôi dùng hai tờ giấy trắng, lót carbon ở giữa và viết mạnh tay để chữ in xuống tờ dưới. Tờ trên cho mình, còn tờ dưới bằng mực carbon thì dành cho Quang. Sau khi đọc xong, Quang hỏi rất kỹ bài của tôi ghi chép vì sợ tôi ghi lại không đúng với lời giảng của thầy trong lớp. Cuối năm chúng tôi cùng thi đậu như nhau. Sau này dù đã tốt nghiệp Cử nhân Giáo khoa Việt văn, Quang vẫn tiếp tục học thêm mấy chứng chỉ Anh văn nữa vì thế Quang dạy tiếng Anh rất tốt. Nhiều học sinh giỏi lên là nhờ học tập được phương pháp nghe, nói, đọc, viết và dịch từ thầy Quang. Quang trân trọng tình cảm và sự quan tâm động viên của tôi đối với bạn. Còn tôi học tập được nghị lực và tính chịu khó, chân thành của Quang thuở ấy. Tình bạn này chúng tôi vẫn giữ gìn cho đến bây giờ.

Rất cám ơn thầy Gary Carkin đã giúp chúng tôi luyện giọng và học ngữ âm có phương pháp, đồng thời dạy chúng tôi cách sống tự lập, bươn chải, không phải chỉ biết đòi hỏi hưởng thụ từ gia đình, mà còn biết chia sẻ những khó khăn, vất vả của cha mẹ. Chính nhờ điều này, sau khi có vợ con, tôi là người chủ động đưa gia đình vượt qua khó khăn gian khổ để vững tiến trên đường đời.

Nếu thầy còn khỏe mạnh, minh mẫn, không biết thầy còn nhớ hay đã quên những tháng ngày đến Việt Nam dạy học; nhưng chúng tôi hằng nhớ và hình dung được khuôn mặt với mái tóc vàng của thầy. Ước mong thầy có cơ hội đọc được những dòng này, để thầy biết rằng còn có những người học trò ở một đất nước xa xôi luôn biết ơn thầy, vì thầy đã hết lòng rèn luyện dạy dỗ họ, cho dù chỉ một năm ngắn ngủi trong chương trình chí nguyện của mình, nhưng lại là một phần đời của cả thầy lẫn trò.

                                                          Viết xong ngày 30/1/2017
                                                                    ĐOÀN ĐỨC

Không có nhận xét nào: