BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 14 tháng 12, 2017

TIẾNG VỌNG TỪ MỘT TẬP SÁCH - Võ Thị Quỳnh


             


 TIẾNG VỌNG TỪ MỘT TẬP SÁCH

Từ khi làm tập sách Trường Nguyễn Hoàng- Chân dung & Kỷ niệm, tôi đã đọc được bao nhiêu là hồi ức… về thầy cô giáo Nguyễn Hoàng… Tôi đã khâm phục trí nhớ của rất nhiều anh, chị, em đồng môn Nguyễn Hoàng gởi kỷ niệm xưa về cho tôi. Có hai người đẹp Nguyễn Hoàng tên Thủy, có trí nhớ theo tôi vào loại siêu, nhưng một người thì còn lo viết truyện ngắn và… nên chỉ góp nhớ chút xíu dinh dính cho người ta thèm thôi (Ngô Hương Thủy); còn một người thì tuyên bố: “Khi mô có ai thổ đựng được ta cho chữ chạy ngược ra thì ta mới viết” (Phan Quỳnh Thủy). Riêng anh Đoàn Đức và chị Cao Thị Thanh Nhàn, cho đến tập cuối - Nguyễn Hoàng 10 – chỉ là lá thư khất nợ (hoài hoài, mãi mãi) của anh chị, dẫu ngày xưa cặp đôi ni là dân ban C nổi tiếng.

Trong mùa hạnh ngộ Nguyễn Hoàng Quảng Trị lần thứ V (21-07-2017) tại Quảng Trị, anh Đoàn Đức có tặng cho tôi cuốn sách có tựa đề HOÀI NIỆM THẦY CÔ GIÁO, gọi là mừng cho cuộc triển lãm tranh hoa lá ép mùa hạ của tôi tại quê nhà và anh cho biết lý do vì sao lâu nay anh không gởi bài cho Trường Nguyễn Hoàng - Chân dung & Kỷ niệm…(tôi thấy mình được yên ủi là không phải anh chị ấy chê hành trình nối vòng tay lớn Nguyễn Hoàng của mình).
Xin cảm ơn anh chị Đoàn Đức đã cho Quỳnh được sống lại cùng với ngôi trường Nguyễn Hoàng mãi mãi xanh tươi và quan trọng như là được làm học trò nhỏ của quý thầy cô giáo anh đang hoài niệm. (Xin quý thầy cô cho em được phát biểu cảm nghĩ sau khi dự thính qua trang sách của anh Đoàn Đức).
Thầy Trương Ngọc Hội đã dạy học với một tinh thần khai phóng triệt để. Người thầy giáo – người tự do! (tất nhiên ai cũng hiểu như một triết gia nước ngoài định nghĩa: “Tự do là tất yếu, hiểu một cách đúng đắn”). Và với những trang thơ văn nước ngoài (một số bài thơ, đoạn văn của:  P.B. Shelley, Lord Byron, John Keats, Robert Burns, Robert Louis Stevenson, Rossetti, Thomas Moore, Elizabeth Barrett Browning, Mark Twain,…) thầy trao truyền, đúng là dạy Anh văn cũng là dạy văn chương và cho học sinh sống thêm nhiều khoảnh khắc của một cuộc đời khác dù trình độ tiếng Anh chưa phải đủ để được sống thêm một cuộc đời (lớp đệ ngũ 2 (lớp 8) niên khóa 1962-1963). (Em rất tiếc vì trong hành trình hơn 10 năm đi tìm thầy cô và đồng môn Nguyễn Hoàng, chưa ai giới thiệu cho em về thầy, dù chỉ là một thông tin, một chân dung, một hình ảnh… và xin cảm ơn anh Đoàn Đức đã cho em gặp được một “người thầy kỳ lạ” - chữ của tác giả, em xin thêm - “thầy giáo của mơ ước tương lai”). (Trang 21-34)
Nguyễn Thị Nhã dạy Việt Văn với cảm nhận tinh tế và với đôi mắt sáng trong của một nhà nghiên cứu phê bình văn học.
Xin được chứng minh bằng một trong khá nhiều những lời giảng ý vị cô Nhã đã gợi ý giúp học sinh (dù chỉ mới học lớp đệ lục 2 (lớp 7) và đệ tứ 2 (lớp 9 NK 1961-1964) khai phá và phản biện những gì cần phản biện… đã được người học trò cô yêu quý ghi lại:
“…Và một câu khác là: Một hai nghiêng nước nghiêng thành / Sắc đành đòi một, tài đành họa hai. Tất cả các bản Kiều, từ Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim, Bùi Khánh Diễn… cho đến bây giờ Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong Thả Một Bè Lau đều giảng: Về sắc đẹp chỉ có một mình Kiều, về tài năng thì có thể có một người thứ hai.
Cô Nhã giảng trái lại: Sắc “đành đòi một” thì có thể có một người theo kịp, còn tài “đành họa hai” thì họa đâu mà có người thứ hai, nghĩa là chỉ có một mình Thúy Kiều. Về người đẹp bên Tàu có Tây Thi, Bao Tự, Ly Cơ, Điêu Thuyền. Còn tài như Kiều chưa thấy có người xuất hiện trong lịch sử.
Hãy nghe: Thông minh vốn sẵn tư trời,/  Pha nghề thi họa, đủ mùi ca ngâm / Cung thương làu bậc ngũ âm,/ Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương / Khúc nhà tay lựa nên chương / Một thiên Bạc mệnh lại càng não nhân.
Tài của Kiều đến quan phủ cũng phải thốt lên: Khen rằng: “Giá đáng Thịnh Đường / Tài nầy sắc ấy nghìn vàng chưa cân.”
Ngay cả Hoạn Thư cũng phải khen : Nghìn vàng thật cũng nên mua lấy tài. Và Đạm Tiên cũng phải công nhận : Ví đem vào tập đoạn trường/ Thì treo giải nhất chi nhường cho ai. Như vậy Thúy Kiều đi đến đâu cũng được đề cập đến tài, và người ta phục tài của nàng hơn là sắc. Tôi hoàn toàn ủng hộ lý luận của cô Nhã, nhà phê bình không thể cứ đi trên lối mòn, mà phải đứng trên vai ông khổng lồ để thấy xa hơn.” (trang 38-39).
Với cô Nhã, bài viết đã được gởi đến cô trước khi in thành sách, nên tuy không dài (Trang 35-46) nhưng là một kết thúc có hậu: hoài niệm về cô lúc trẻ, được thăm cô lúc khỏe mạnh cũng như lúc ốm đau, được vui buồn cùng cô khi cô đi Mỹ và được kính bái biệt cô lúc cô lâm chung… Bài viết của anh được cô quý hơn thuốc bổ: “Bài của em cô nghe đọc rồi và lúc khỏe cô có đọc vài bận. Cô cảm ơn em luôn nhớ cô trong ký ức, đó chính là sâm mà em đã tặng cho cô rồi.”.
Nguyễn Thị Thanh – dạy Pháp văn sinh ngữ 2 đệ tam C (lớp 10) và đệ nhị C (lớp 11) NK 1964-1966, rất ấn tượng ngay từ giây phút gặp đầu tiên: “Giờ đầu tiên cô vào lớp, học trò xì xào ngưỡng mộ vì cô đẹp, dáng vẻ thanh nhã nghiêm trang nhưng hiền dịu với nụ cười nhẹ, phảng phất giống hình ảnh các nữ tu trong giáo đường, vì cô là người Thiên Chúa giáo. Cô đọc tiếng Pháp theo một âm hưởng khác với các thầy Pháp văn cũ hay anh ruột của tôi, nghĩa là có bài bản theo phiên âm quốc tế tiếng Pháp. Cô dạy cuốn Cours De Langue et De Civilisation Françaises của Mauger.” (trang 48). Qua những trang viết, cô Thanh và cả phu quân của cô đáng yêu vô cùng tận, có rất nhiều fan hâm mộ kỳ cựu vượt thời gian. Một cô giáo trẻ, ứng xử thật tài tình trước học sinh, khéo gợi ý để học sinh luôn có nhã hứng học tiếng Pháp, luôn luyện tập dịch thơ văn trong và ngoài sách…, để rồi yêu luôn môn Pháp Văn. Quý hơn nữa là cô rất yêu thương ngôi trường Mẹ Nguyễn Hoàng của chúng tôi. “Cảm ơn thượng đế đã cho cô dạy tại trường Nguyễn Hoàng để cô có nhiều học sinh như hiện tại; được sống với nhau, gặp gỡ nhau, tâm sự và tán thưởng nhau ở cái tuổi xế chiều này; thân thiết không xa cách, chẳng khác gì tình máu mủ trong một gia đình.”(trang 62-63). (Trang 47-63).
Thầy Trần Thương Bá - dạy Văn lớp tam C (lớp 10) NK 1964-1965, chỉ hơn một học kỳ, nhưng ấn tượng để lại trong lòng tác giả Đoàn Đức và cựu học sinh Nguyễn Hoàng lớp ấy, thời ấy thật đẹp đẽ sâu sắc. Nhất là về những lời tình tự trong Ca dao, trong Chinh Phụ ngâm. Ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, thầy Bá đã nói về tính hiện sinh trong tác phẩm Chinh phụ ngâm và người thu nhận lời giảng của thầy cũng thật tuyệt vời. Làm sao không cảm động với kết luận của thầy: “Tuyệt vọng ở Roméo và Juliette là một tuyệt vọng bế tắc, khi Shakespeare viết “Oh love, oh life, not life but love in death” (Ôi tình yêu, ôi cuộc sống, nếu không được sống với nhau, thì được chết để yêu nhau) như vậy không bằng nàng chinh phụ mà Đặng Đặng Trần Côn đã viết: Ninh cam tử tương biệt / Hà nhẫn sinh tương ly / Tuy nhiên tử tương kiến / Hạt nhược sinh tương thùy. Thà chết mà phải ly biệt nhau, còn hơn cùng sống mà chia lìa, Tuy nhiên chết mà được gặp nhau, sao bằng được sống mà yêu nhau. Như Roméo thì đâu còn ý nghĩa hiện sinh trên cõi đời này nữa, cho dù thế nào chăng nữa thì giá trị là ở chỗ còn sống, nên tuyệt vọng của chinh phụ là một tuyệt vọng hy vọng:…”(trang 84).
Hạnh phúc của anh Đức (và thế hệ của anh ấy) là được cùng thầy Trần Thương Bá tâm tình, đàm đạo thơ ca, được thầy tặng từ tập thơ thứ nhất: Tình Huế, tập thứ hai: La Poésie Candide, tập thứ ba: Vô Ngôn Kinh. Được gặp thầy và những dịch giả…trong ngày phát hành tập thơ thứ hai, được cùng anh Thái Thạch (thi sĩ cùng lớp) nán lại phút cuối để bắt tay chúc mừng thầy: “Người đi dạy mong có một ngôi trường để được giảng bài, người đi tu mong có một ngôi chùa để trụ trì thuyết pháp, nhà thơ thì luôn mong mình có những tác phẩm tiếp nối.”. Muốn biết nhiều hơn xin hãy đọc từ từ từng trang giới thiệu về thầy và 5 tập thơ của thầy giáo- thi sĩ Trần Thương Bá của trường TH Nguyễn Hoàng Quảng Trị xưa. (Trang 64-118).
Thầy Hồ Sĩ Châm - dạy Anh văn lớp đệ nhất C (lớp 12) NK 1966-1967, được tác giả giới thiệu kỹ hơn: “Năm lớp Đệ Nhất C, thầy Hồ Sĩ Châm dạy chúng tôi môn Anh văn, sinh ngữ 1. Được biết thầy tốt nghiệp chuyên ngành Cử nhân Văn chương Anh Mỹ (B.A. in English Literature) và sinh ngữ phụ là Pháp và Đức ngữ, tại Hoa Kỳ. Thầy xuất thân trong dòng tộc Hồ Sĩ có tiếng ở Quảng Trị nên chúng tôi rất ngưỡng mộ. Ngày đầu tiên thầy vào lớp, trông thật hiền lành, dáng người trung bình, nhỏ nhắn. Thầy đọc và giảng bài như các thầy tốt nghiệp ĐHSP Huế hay Sài Gòn chứ không có vẻ “Mỹ” chút nào cả, chỉ có khác là thầy nói tiếng Anh rất tự nhiên và lưu loát...... Bấy giờ tôi phải giơ tay hoạt động nhiều hơn và lên bảng nhiều hơn vì lớp chỉ còn 13 người mà tiếng Anh là môn chính, hệ số 3, sáu giờ một tuần.
Thầy Châm vào lớp thấy học trò quá ít, ngồi một phần tư lớp. Thầy cười sung sướng vì đây là lớp lý tưởng nhất thời bấy giờ để học tiếng Anh…” (trang 119-120). “Thầy dạy cuốn La Vie en Amerique là sách giáo khoa được sử dụng cho lớp Đệ Nhất C thời bấy giờ. Sách này do người Pháp soạn, tuyển chọn truyện ngắn hay trích các đoạn văn, thơ của các nhà văn và thi hào Mỹ như John Steinback, William Faulkner, Ernest Hemingway, Robert Frost, Walt Whitman.” (trang 124).
 Đúng là mỗi thầy cô đều có cách gởi lại những nốt nhạc âm vang trong lòng học sinh. Thầy Châm dạy phần làm luận văn (Essay) hay và kỹ, cùng với cách giúp học sinh rèn luyện bài tập trên lớp ở nhà (thuần thục, tự nguyện) đến mức học sinh đi thi vượt qua kỳ thi vấn đáp Tú tài 2 môn Anh văn một cách ngoạn mục. Chưa kể, với tác giả, còn có tác dụng liên phân môn: “Năm lớp Đệ Nhất, học Triết, điều tuyệt vời nhất là môn tiếng Anh của thầy Châm hỗ trợ môn Triết học của thầy Tâm. Tôi nghĩ: Nếu thầy Tâm là người diễn giảng, thì thầy Châm là người minh họa bằng những bài text và thi ca tiếng Anh.” (trang 136). Sự hài hòa giữa tiếng Việt và tiếng Anh, sự nhịp nhàng cho học trò khi học bài và khi vận dụng tổng hợp trong cuộc sống, cả sự nối tiếp nghề “gõ đầu trẻ” nếu học trò muốn, cũng bàng bạc trong giờ dạy xưa của thầy Châm và trong tâm tình thầy trò về sau này, mỗi lần tác giả cùng gia đình về Nha Trang thăm thầy. Hạnh phúc thay tình thầy trò. (Trang 119-138).
Thầy Lê Mậu Tâm – về trường làm nên một điểm hẹn lịch sử đẹp: “Trường trung học Đệ Nhị Cấp Nguyễn Hoàng cho đến hè năm 1966 chỉ có lớp Đệ Nhất ban A và ban B. Học sinh ban C sau khi đậu Tú Tài bán phần (Tú Tài I) nếu không chuyển qua ban khác, muốn tiếp tục học ban C thì phải vào Huế học ở trường Quốc Học (nam) hay trường Đồng Khánh (nữ). Sau khi thi đậu, tôi và Nguyễn Văn Quang đem toàn bộ hồ sơ học sinh cùng với giấy giới thiệu chuyển trường của thầy Hiệu trưởng Thái Mộng Hùng đêm nạp vào trường Quốc Học. Trường Quốc Học không mặn mà với học sinh Quảng Trị và chúng tôi cũng không có duyên với trường Quốc Học nên Quang và tôi (là hai người không muốn vào Huế học vì điều kiện kinh tế) ôm hồ sơ về lại trường Nguyễn Hoàng, thuật chuyện với thầy Hùng. Sau khi lắng nghe nỗi lòng ấm ức của chúng tôi, thầy gật đầu quyết định mở lớp Đệ Nhất C. Tôi và Quang mừng như hồi còn nhỏ mừng mẹ đi chợ về. Vấn đề không phải là trước đây không mở được lớp Đệ Nhất ban C mà vì không đủ sĩ số và thiếu một giáo sư ban Triết tốt nghiệp Đại học Sư phạm. May thay, năm này có thầy Tâm là giáo sư môn Triết, tốt nghiệp Đại học Sư phạm về dạy, và sĩ số chúng tôi là 28 người gồm hai ban Anh văn và Pháp văn. Vậy lớp Đệ Nhất C chúng tôi là lớp đầu tiên, và trường Nguyễn Hoàng trở thành trường Đệ Nhị Cấp có đầy đủ các ban” (trang139-140).
Thầy Tâm còn là người mở ra một không gian mới cho ngôi trường trung học phổ thông: “Lớp thầy phụ trách sinh hoạt rất giống các lớp ở trường Đại học Văn khoa Huế khi tôi vào học. Việc học phần lớn tự giác, việc trực lớp hay nề nếp kỷ luật trong lớp chúng tôi đều tự quản. Bên ban tiếng Pháp thì Nguyễn Văn Quang, Nguyễn Văn Tịnh và Trịnh Ước phụ trách. Ban tiếng Anh thì Lê Mậu Minh và tôi trách nhiệm. Học sinh và quý thầy đến lớp cũng như sinh viên và giáo sư đến giảng đường.
Thầy Tâm dạy các môn Siêu hình học, Tâm lý học, Đao đức học, Luận lý học theo bài thầy soạn. Chúng tôi có tham khảo thêm sách giáo khoa của linh mục Trần Thái Đỉnh (Siêu hình học), linh mục Cao Văn Luận (Tâm lý, Đạo đức, Luận lý). Thầy giảng đều đều, bài viết chơn chất rõ ràng không hấp dẫn bay bướm như Nguyên Sa Trần Bích Lan hay Hoàng Phủ Ngọc Tường qua các giáo trình in ronéo được phát hành ở các trường khác mà chúng tôi sưu tập được. Tôi nhớ có một lần có học sinh hỏi thầy “Bản thể nghĩa là gì?”. Thay vì trả lời liền, thầy giở từ điển triết học bằng tiếng Pháp của Lalande rồi đọc và dịch cho học sinh nghe. “Bản thể của một vật là cái mà khi nó lăn, chuyển động và nếu bị tác động thì cũng không bị thay đổi”. (Trí nhớ không được chính xác lắm).
Thầy giảng sự tương quan giữa các bộ môn trong triết học như sau: “Cái thuộc về xa xôi, siêu nhiên như Thượng đế mà con người chỉ nhận thức là siêu hình học, trong quá trình nghiên cứu, phát kiến, nắm bắt được thì đó là phạm trù (catégory) Tâm lý học, Đạo đức học. Còn cái được thực tiễn chứng minh là luận lý học cuối cùng là khoa học”. Trước Socrates các nhà triết học truy tìm cái viễn vông nên Socrates đã kêu gọi “Connais toi, toi même” (Bạn hãy biết tự chính mình). Sau đó Platon và Aristote phát huy triết học từ Socrates, thầy của mình. Thầy giảng “Triết học là đi đường” nhưng sự “đi đường” đó phải bắt đầu từ chính mình, nghĩa là từ con người chứ không phải từ mây gió, nước lửa xa xôi.” (trang 141-142).
           Xin hãy cùng tác giả gặp thầy Tâm - dạy Triết kiêm cố vấn - lớp đệ nhất C (lớp 12) NK 1966-1967. “Dáng thầy cao ốm, điềm đạm, nghiêm túc, ít nói, mang phong cách của thầy giáo Triết” (trang 140). Với lối kể sinh động về những đề bài thầy ra, những bài tập cùng tranh luận, những hỏi han trong và ngoài phạm vi Triết đều được thầy giảng giải quá công phu thượng thừa… cho thấy thầy dạy Triết thật tuyệt vời, đáng ngưỡng mộ. Và cũng quá sức đau buồn vì cái kết (……) bi tráng não lòng, thầy Tâm lặng lẽ riêng mang về cõi thiên đường triết học. (Trang 139-151).
Thầy Gary Carkin, là thầy giáo nước ngoài đầu tiên và duy nhất của trường Nguyễn Hoàng Quảng Trị: “Lần đầu tiên trường Nguyễn Hoàng có giáo sư người Mỹ đến dạy đàm thoại luyện giọng và văn chương Mỹ tại các lớp ban Văn chương sinh ngữ như ở đại học. Đây là một sự kiện mới lạ ở một ngôi trường tỉnh nhỏ. Thầy người xứ Vermont, tiểu bang vùng đông bắc Hoa Kỳ, tốt nghiệp M.A tại trường đại học Vermont. Thầy cùng với nhiều người Mỹ khác tốt nghiệp Đại học đến Việt Nam trong chương trình “Cơ quan chí nguyện quốc tế” International Volunteer Service (viết tắt là IVS) để dạy tiếng Anh cho các trường Đệ Nhị Cấp có ban C và Đại học Văn khoa.” (trang 152).
Thầy Gary Carkin, thổi luồng gió mới cho việc học sinh ngữ. Điều thầy luyện tập, bảo ban học sinh ngày ấy, đến giờ vẫn rất giá trị: “Thầy nói ngôn ngữ có tính chất xã hội, nên bắt chước nhại cho đúng và nghe thật nhuần nhuyễn, rồi cứ nói đừng sợ sai đúng, tập thành phản xạ tự nhiên.”(trang 155). “Thầy còn tập cho học sinh thuyết trình nữa và phân tích như sau: “Đàm thoại và thuyết trình trước lớp là 2 vấn đề khác nhau. Đàm thoại thì đơn giản chỉ là nói chuyện cho vui, còn thuyết trình thì khó hơn vì nó gồm diễn thuyết và vấn đáp các chủ đề trong tác phẩm, lại phải nhớ dẫn chứng các đoạn văn để tranh luận, nên đây còn là năng khiếu nữa, ngay khi các em thuyết trình bằng tiếng Việt cũng thế, huống hồ là tiếng Anh”. Học sinh lớp 12C chúng tôi nhờ vậy mà tiến bộ.” (trang 157).
Thầy còn là cầu nối đưa một số học sinh đến các câu lạc bộ các thầy cô người Mỹ dạy tiếng Anh (tạo cơ hội cho học sinh tự tin giao tiếp), giới thiệu học sinh với các cô giáo cùng nhóm chí nguyện với thầy nhưng dạy ở trường Đồng Khánh Huế, trường Phan Chu Trinh Đà Nẵng để viết thư tin và giao tiếp… Thầy sẵn lòng giúp đỡ những học sinh khó khăn cần trợ lực bằng định hướng, bằng tạo điều kiện, bằng gợi mở những cách làm thêm vừa có tiền tích lũy vừa nâng cao năng lực tiếng Anh… nghĩa là thầy rất gần gũi như người thân yêu trong một đại gia đình: “Rất cám ơn thầy Gary Carkin đã giúp chúng tôi luyện giọng và học ngữ âm có phương pháp, đồng thời dạy chúng tôi cách sống tự lập, bươn chải, không phải chỉ biết đòi hỏi hưởng thụ từ gia đình, mà còn biết chia sẻ những khó khăn, vất vả của cha mẹ. Chính nhờ điều này, sau khi có vợ con, tôi là người chủ động đưa gia đình vượt qua khó khăn gian khổ để vững tiến trên đường đời.
Nếu thầy còn khỏe mạnh, minh mẫn, không biết thầy còn nhớ hay đã quên những tháng ngày đến Việt Nam dạy học; nhưng chúng tôi hằng nhớ và hình dung được khuôn mặt với mái tóc vàng của thầy. Ước mong thầy có cơ hội đọc được những dòng này, để thầy biết rằng còn có những người học trò ở một đất nước xa xôi luôn biết ơn thầy, vì thầy đã hết lòng rèn luyện dạy dỗ họ, cho dù chỉ một năm ngắn ngủi trong chương trình chí nguyện của mình, nhưng lại là một phần đời của cả thầy lẫn trò.” (trang 165). (Trang 152-165).

Có thể nói tập sách thật trọn vẹn từ hình thức đẹp, sang trọng với những bức tranh nghệ thuật đầy ý nghĩa nhân văn của họa sĩ Bửu Chỉ; đến nội dung tròn trịa, viên mãn: có Lời giới thiệu ( gom tập sách 200 trang vào trong vài trang giấy - Nguyễn Lê Văn), có Lời tựa (rất chân thành tình cảm - Đoàn Đức), phần chính là bảy chân dung thầy cô giáo lung linh, sống động trong dòng hoài niệm đầy cảm xúc tươi mới dù đã xa cách hơn 50 năm của tác giả (bằng ảnh và bằng lời văn nhẹ nhàng, duyên dáng, nhiều hình ảnh,…), có Thay lời kết để mở ra một kết thúc có hậu như và hơn cổ tích: là lời Bạt (Nguyễn Văn Quang- viết về một tình bạn sáng trong xuyên thời gian) và Hậu ký (những người bạn thân, người anh, người em từ nhiều vùng, miền… đồng hành cùng tác giả trên con đường trở về tuổi thơ lộng lẫy).
Cảm ơn anh Đoàn Đức và chị Cao Thị Thanh Nhàn rất nhiều. Đọc Hậu ký, biết rằng có những cú hích thật quan trọng. Vậy nên mong quý anh Lê Mậu Minh, Nguyễn Văn Quang, Nguyễn Thắng, Nguyễn Đình Hạnh,…, đặc biệt chị Thanh Nhàn, tiếp tục sáng tạo những cú hích khác để ai kia (“Bộ nhớ tuyệt vời của một computer siêu hạng”) nhiều “tự ái” làm nên nhiều công trình hoài niệm hơn nữa cho nhiều trường xưa, cho cuộc đời. Vì hoài niệm là để đi tới tương lai.

                                                                           Huế, 12-12-2017
                                                                             Võ Thị Quỳnh

Không có nhận xét nào: