Tác giả Hồ Trị
CẢM NHẬN VỀ TẬP SÁCH
“HOÀI NIỆM THẦY CÔ GIÁO” CỦA ĐOÀN ĐỨC
Hồ Trị
Tôi vào học trường Nguyễn Hoàng khóa 1955 – 1961, thuộc thế hệ đàn anh của Đoàn Đức khóa 1960 – 1967. Chúng tôi có cơ duyên theo ngành sư phạm và dạy cùng trường cho đến năm 1975. Lúc tôi phụ trách tổng giám thị trường Trung học Triệu Phong, Quảng Trị năm 1970 thì Đức, Nguyễn Đình Hạnh, Nguyễn Văn Quang, Nguyễn Văn Hóa về nhận nhiệm sở ở đây. Năm 1972, trường di tản vào Hòa Khánh, Đà Nẵng. Sau hơn một năm học, thay vì hồi cư theo trường về lại Quảng Trị. Anh Hoàng Đằng, tôi và Đức cùng nhiều thầy cô giáo theo đoàn di dân vào lập nghiệp tại tỉnh Bình Tuy (nằm giữa Bình Thuận và Đồng Nai). Sau đó xin thành lập trường Nguyễn Phúc Chu tại quận Đông Hà. Rồi Đức thế anh Hoàng Đằng làm hiệu trưởng, còn tôi làm tổ trưởng bộ môn Toán, Lý, Hóa. Chúng tôi còn dạy thêm trường tư Đắc Lộ của Linh mục Nguyễn Thanh Hoan cùng quận, và trường Thánh Linh của Linh mục Nguyễn Văn Nam ở quận Cam Lộ, cách nhà hơn 20km. (Nay gọi là xã Tân Hà và xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận).
Trước khi in thành sách, tôi có đọc qua email các bài viết về cô Nguyễn Thị Nhã và thầy Trần Thương Bá, nhưng cho đến khi cầm tập sách “Hoài niệm thầy cô giáo” trên tay, tôi mới chú ý và thật sự say sưa đọc. Rồi những cảm xúc trổi dậy trong lòng vì nhớ tới các thầy cô của mình: thầy Phạm Lộc, cô Cao Thị Xuân Yến dạy văn, thầy Lê Đình Ngân dạy Pháp văn, thầy Hà Thượng Tấn dạy Anh văn, thầy Nguyễn Văn Thị, thầy Trương Vinh dạy Toán, thầy Nguyễn Quang Nghĩa, thầy Nguyễn Bảo dạy Lý Hóa. Các vị nay đã trên bát tuần, người còn người mất có chăng chỉ gặp trong giấc mộng, hay may lắm được gặp trên Email mà thôi.
Chợt nhớ lại cái thuở đi học từ làng quê lên tỉnh xa tới 5, 6 cây số, đường đất lầy lội, mùa đông mưa dầm, gió bấc rét căm căm, ăn vài miếng cho ấm bụng đạp vội xe đi học. Mùa nắng nóng nung người, gió Lào và bụi cuốn bay cả nón mũ, sách vở, đi ngược gió đạp hết hơi mới tới được trường Nguyễn Hoàng kịp giờ vào lớp. Rồi nhớ thời ở trọ, những đêm ngồi học bài, làm bài bên ngọn đèn dầu không đủ sáng. Những lần tranh luận cách giải toán cùng bạn bè, đố nhau những bài toán khó rồi đem hỏi thầy cô. Nhớ niềm vui và sự mừng rỡ của cha mẹ khi mình thi đậu Diplôme, tú tài phần một và phần hai. Nhớ những người bạn hồi ấy Nguyễn Văn Vinh, Lê Đình Cai, Nguyễn Văn Hiền, Hoàng Thị Thu Cúc, Nguyễn Thị Sen đã cùng mình thi đua học tập, được thầy hiệu trưởng Thái Mộng Hùng khen là những học sinh tiêu biểu cho thế hệ 1955 – 1961 của trường Nguyễn Hoàng. Những người này bây giờ vẫn còn, có người trong nước, có người định cư ở nước ngoài đều có con đàn cháu đống. Nhớ ơi là nhớ, khi kỷ niệm ùa về trong tâm tưởng để thấy lại mình ngày xưa. Cám ơn tập sách đã mang lại cho tôi những giây phút êm đềm này.
Mặc dù trong những thầy cô Đức viết, tôi chỉ biết mặt thầy Lê Mậu Tâm và thầy Hồ Sĩ Châm, còn những vị khác tôi biết họ qua những bài viết trong các ấn phẩm: “Nguyễn Hoàng” “Nguyễn Hoàng chân dung và kỷ niệm”, “Hương quê nhà” và một số đặc san, kỷ yếu trong và ngoài nước. Nhưng đa phần người viết chỉ nhắc về thầy cô giáo của họ sơ sài, một vài chi tiết vui buồn, một vài kỷ niệm nho nhỏ. Nay Đức lại chọn cho mình một lối viết khác hơn, đó là dành mỗi chương cho mỗi thầy cô trong một năm học. Tôi vì thế mà ngạc nhiên thích thú khi bị cuốn hút về những điều được kể một cách sống động và đầy ắp tình cảm. Làm được điều đó là nhờ khi viết, Đức ở vị thế vừa là học trò, vừa là người bạn vong niên thân thiết với thầy cô cũ, không chỉ khi còn đi học mà cho đến cuối đời, rồi còn tiếp tục với thế hệ con cháu của họ nữa.
Những sự kiện viếng mộ thầy Lê Mậu Tâm, gần gũi với thầy Trần Thương Bá, cô Nguyễn Thị Nhã trước khi họ về cõi vĩnh hằng, cũng như chia sẻ tâm tình với thầy Hồ Sĩ Châm, cô Nguyễn Thị Thanh để các vị cảm nhận được tình cảm ấm áp của học trò vào lúc tuổi đời xế bóng. Đó mới là đáng quý, mới là hạnh phúc, mà phải có nhân duyên với nhau mới có được như vậy. Và như thế, những điều Đức viết về thầy cô quyện lẫn quá khứ với hiện tại, đồng thời nói lên được sự trải nghiệm bản thân khi vận dụng kiến thức truyền thừa với kiến thức thu lượm từ các trường Đại học biết kết hợp nhuần nhuyễn các môn học văn chương, ngoại ngữ và triết học, thêm sự tôi luyện trong cuộc đời đi dạy, làm nông và kinh doanh, mới viết ra được cái tâm – chân – thành khiến người đọc đồng cảm.
Tôi nhận ra rằng, thế hệ học sinh sau tôi sáu bảy năm có may mắn hơn vì thụ giáo với các thầy cô có kiến thức uyên thâm có tư liệu dồi dào phong phú, nên những điều họ mang ra dạy cho học sinh, mới về tư duy lẫn mới về phản biện mang tính đột phá. Như cô Nhã trong môn Văn đã đưa những phát kiến mới lạ: “Sắc đành đòi một, tài đành họa hai”. “Kín cóng cao tường”. “Lác đác bên sông rớ mấy nhà” với những lập luận rất hùng biện, có tính thuyết phục đáng tin cậy. Rồi đến môn Anh văn, thầy Hội, thầy Châm không chỉ dạy từ vựng, văn phạm tiếng Anh mà nội dung bài dạy hàm chứa những triết lý về cuộc đời, nâng học sinh lên một tầm nhìn mới với phương pháp truyền thụ sinh động của thầy kết hợp với tính chủ động học tập của trò đã tạo nên sự hài hòa như thế trong tiết học. Thầy Gary Carkin dù dạy ngoại khóa đã cho một cái nhìn rất mới, mang lại lợi ích thiết thực cho cuộc đời học sinh sau này khi họ vào đời. Tôi là dân Toán – Lý – Hóa, không thiên về tình cảm nhưng vẫn thích đọc các bài thơ tiếng Anh với các bản dịch linh hoạt tài tình. Các bài viết về cô Thanh dạy Pháp văn và thầy Tâm dạy Triết cũng rất thú vị.
Tôi nghĩ qua bao năm lăn lộn kinh doanh, người thầy giáo Đoàn Đức đã quên bớt sở học của mình. Nhưng trái lại, qua tập sách này tôi giật mình khâm phục trí nhớ tuyệt vời của Đức ở vào cái tuổi xưa nay hiếm có. Tác giả đã làm sống lại những bài giảng của thầy cô, đã giới thiệu nội dung chương trình của một nền giáo dục dựa trên nguyên lý dân tộc và nhân bản và khai phóng dù cách nay gần nửa thế kỷ mà vẫn chưa lạc hậu, nhờ vậy đã đào tạo ra nhiều nhân tài phục vụ cho nhân quần xã hội.
Một thuận lợi là nhóm bạn bè của Đức đều là những học trò giỏi và thành đạt, luôn giữ nối dây tương thân tương ái. Họ có điều kiện gắn bó với thầy cô từ thời còn ngồi trên ghế nhà trường và cả quãng đời sau này nữa, nên khi viết về thầy cô, hình ảnh bạn bè dù thoáng hiện ra nhưng vẫn đầy ắp kỷ niệm thời đi học. Giờ đây, những người bạn ấy vẫn còn thân mật gặp mặt nhau dù tất cả đều ở tuổi cổ lai hy.
Tác phẩm đã để lại trong tôi bao tình cảm đẹp. Các cựu học sinh Nguyễn Hoàng nào có dịp đọc tập sách này chắc sẽ thấy lại hình ảnh ngày xưa của mình và hiển hiện lên trong tâm tưởng những lời giảng và hình ảnh của thầy cô cũng như bạn bè, lòng sẽ thấy tự hào khi có một thời đã học dưới mái trường Nguyễn Hoàng, Quảng Trị.
Mong rằng “Hoài niệm thầy cô giáo” tạo niềm hứng khởi cho các thế hệ đàn em hiện đang còn trẻ, còn nhiều dịp gặp gỡ thầy cô cũ, viết lại hồi ức để làm giàu nguồn tư liệu về trường xưa đã mất, để tri ân thầy cô đồng thời để lại kỷ niệm đáng quý cho con cháu mai hậu.
HỒ TRỊ
CHS Nguyễn Hoàng 1955 – 1961
Cựu Tổng Giám Thị Trung Học Triệu Phong, Quảng Trị
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét