BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 13 tháng 12, 2017

ĐỌC "ĐOÀN ĐỨC - HOÀI NIỆM THẦY CÔ GIÁO" - Nguyễn Lê Văn


         

   ĐỌC "ĐOÀN ĐỨC - HOÀI NIỆM THẦY CÔ GIÁO"
                                                                     Nguyễn Lê Văn

Thầy cô giáo là những người gần gũi trong quãng đầu đời mà ta đã kính trọng, thương mến như ruột thịt, như tri kỷ, thậm chí như người bạn đường thủy chung, như chiếc bóng dẫn đường mà ta không thể nào vượt qua được. Nhưng khi trưởng thành, có lúc phút chốc nào đó, ta cảm thấy thầy cô trở nên xa lạ chỉ còn là những kỷ niệm “quên đi trong nỗi nhớ”.
Với Đoàn Đức thì không thế, anh viết “Hoài niệm thầy cô giáo” ở cái tuổi “Thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ” (Luận ngữ - Khổng Tử) trong tâm thế tịch chiếu, với tâm thần lặng yên, tự nhiên soi tỏ nên hầu như không sai sót một thứ gì. Bằng trí huệ tưởng như hoằng viễn, với tình cảm phú dật, thênh thang của một tấm lòng, anh đã đưa ta về, đi trên con đường cổ tích, tìm lại những bước chân xưa dù đã tan nhưng vẫn ghi những dấu ấn không thể nào tan được. Những tầng tầng, lớp lớp, những mảng khối ký ức của một thời dĩ vãng, của thầy cô bạn bè “mất còn – còn mất” và cả của chính bản thân anh đã để lại cho chúng ta niềm tự hào nhưng cũng không thiếu những xót xa. Với anh, thầy cô, bản thân, bạn bè, thời dĩ vãng là một thể thống nhất biện chứng không thể tách rời được, “không chỉ khi còn ngồi trên ghế nhà trường mà ngay cả lúc vào đời”.


Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học ở Quảng Trị, vùng đất “mỉm cười khi thương đau, trăn trở khi hạnh phúc” (Pujarniscle), Đoàn Đức đã thừa hưởng tinh thần hiếu học của cha anh, tính cách dịu dàng, đằm thắm, khôn ngoan, tế nhị của mẹ. Ở tuổi “Thập hữu ngũ nhi chí vu học”, trường trung học Nguyễn Hoàng - Quảng Trị là mảnh đất lành để anh rèn luyện, học tập và “cày xới” trong môi trường giáo dục “Nhân bản – Dân tộc – Khai phóng”, kế thừa tinh hoa của giáo dục Pháp, cải tiến để phát huy văn hóa của dân tộc, tiếp cận dần nền giáo dục Anh - Mỹ với trách nhiệm quan trọng: Dạy cho con người biết tư duy, có đầy đủ lòng yêu thương, nhân cách và tri thức để làm con người lương thiện, con người tử tế trong xã hội văn minh.
Khi viết về thầy cô giáo, Đoàn Đức viết theo dòng tư tưởng sôi nổi, không đi theo đường lối có sẵn, ý văn có lúc xô đẩy, khuôn khổ câu văn có lúc tưởng như lung lay. Anh đã “nhớ như thế nào thì viết thế ấy. Nếu chần chừ, ngần ngại e rằng sẽ quên” nên đã khắc họa được chân dung của các thầy cô một cách sắc nét, tự nhiên... giỏi về chuyên môn, bén nhạy trong phương pháp, chuẩn mực trong lối sống, sôi nổi nhưng vẫn đằm thắm trong từng nét riêng chung. Thầy cô đã thực sự trở thành những thần tượng không phải để nhìn ngắm, lễ bái mà để kính trọng, gần gũi, yêu thương và ước mơ...
Thầy Trương Ngọc Hội, Người thầy kỳ lạ”, dạy Anh văn lớp Đệ Ngũ 2, Thầy dạy không theo sách dùng trong nhà trường “Practice your English – Book 1” mà dạy theo ý mình.“Thầy chọn thơ và các đoạn trích của chuyện dài hay ngắn viết bằng tiếng Anh như To the moon của Shelley, In the Highlands của Robert Burns...” để giảng dạy. Từ những đoạn trích, ngoài việc dạy kiến thức cơ bản về từ vựng, ngữ âm, văn phạm, kỹ năng dịch thuật thầy đã gián tiếp cho học sinh  biết tình yêu lứa đôi, tình yêu thiên nhiên, cuộc sống đằm thắm, trong sáng, tha thiết, thủy chung... Lý do những giờ cấm túc, thầy phê “Ném đóa hoa hồng muộn”, “hành lang học vấn”, “hành lang sự thiện”... như muốn chuyển đến cho học sinh tư duy hình tượng, làm quen dần với những ẩn ngữ. Thầy Hội không phải là “người thầy kỳ lạ” mà là một nghệ sĩ tự do, ươm mầm cho cái đẹp tri thức, khai mở những khoảng lặng tình yêu đang âm ỉ, nhen nhóm trong tâm hồn của lứa tuổi 15 – 16. Thầy Hội ra đi, để lại một khoảng trống trong dòng hoài niệm của Đoàn Đức, chỉ còn lại vọng âm của nỗi nhớ: Tom – No answer! Tom – No answer!
Nguyễn Thị Nhã, dạy Văn năm Đệ Lục, dạy Văn và Chủ nhiệm năm Đệ Tứ, là cô giáo mà Đoàn Đức “đã quý mến nhất”. Một cô giáo mẫu mực, giàu lòng yêu thương.
Như một “kỹ sư tâm hồn”, cô dạy cho học sinh biết sắp xếp “những viên gạch” của luật bằng trắc, cách gieo vần đơn giản, “Nhất tam ngũ bất luận - Nhị tứ lục phân minh”, đến việc lắp ghép “các khối sắt thép”, “đối trên - dưới”, “đối liên châu”; biết phân tích, tổng hợp của một kết cấu chi tiết và tổng thể các công trình thơ Lục bát, thơ Đường... Như một “kiến trúc sư tâm hồn”, cô hướng dẫn cho học sinh của những “bản vẽ thiết kế” khác nhau về truyện Kiều của Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim và của Tản Đà đã gây nhiều tranh cãi. “Kín cổng” hay “Kín cống”, hiểu thế nào về “Sắc đành đòi một, tài đành họa hai” của Thúy Kiều. Cô đã chuyển đến cho học sinh biết tư duy độc lập, giá trị của các công trình phải luôn mới lạ, có tính sáng tạo cao: “Nhà phê bình không thể đi trên lối mòn mà phải biết đứng trên vai của người khổng lồ để thấy xa hơn”.
Điều đáng trân trọng, cô thường xuyên có mặt kịp thời để chia sẻ, động viên học sinh của mình trong những lúc vui cũng như những khi gặp khó khăn. Dẫu rằng, hôm nay cô đã đi xa nhưng chắc chắn các học trò thân yêu của cô vẫn mãi mãi yêu kính, nhớ thương, trân trọng những lời căn dặn về lẽ sống: “Cô tin chắc các em sẽ thành công tốt đẹp trước những thử thách của cuộc đời. Bởi dụng Đức và dụng Nghĩa thì bao giờ cũng Thắng”. Lời nhắc nhủ ân tình ấy, chắc sẽ theo Đức, Nghĩa và Thắng suốt cả cuộc đời.
Lên Đệ Nhị Cấp, anh học Pháp văn với cô Nguyễn Thị Thanh, Anh văn với thầy Hồ Sĩ Châm và thầy Gary Carkin. Cô Nguyễn Thị Thanh, cô giáo rất trẻ - đẹp mới ra trường, có nhiều hoài bão nhưng không thoát khỏi tâm trạng hồi hộp, lo lắng, “run sợ” trước các trò nghịch ngợm, trêu phá của những học sinh “hai phần là trẻ con, một phần là người lớn”. Rồi những trò “tinh nghịch ghê gớm nhưng lại rất dễ thương” của đám “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” ấy bắt đầu xuất hiện: “Thưa cô, Je t’aime!”, rồi “Je vous aime!” và kết thúc: “Thưa cô, Je t’aime và Je vous aime khác nhau thế nào?” đã làm cô ngạc nhiên, “kinh sợ” tưởng như học sinh “vượt ngưỡng”. Cô lắng nghe, giải thích thỏa đáng “cùng với nụ cười hiền, chất giọng ấm áp rất hay” đã để lại trong tâm hồn của học sinh thông minh tinh nghịch niềm cảm phục và hình ảnh đẹp của cô giáo. Những giờ dạy, cũng từ đó, như có ma lực hấp dẫn và cuốn hút, giúp học sinh tự nguyện đi vào cõi tri thức bằng những bước thênh thang vững chắc.
Sau khi tốt nghiệp Tú Tài bán phần, hai phần ba đứa trẻ trong các anh đã chuyển hóa, các học sinh đã thực sự trở thành người lớn. Ở lớp Đệ Nhất, môn Anh văn do thầy Hồ Sĩ Châm, tốt nghiệp B.A. ở Mỹ cùng với thầy Gary Carkin giảng dạy. Thầy Hồ Sĩ Châm truyền thụ kiến thức văn học Anh - Mỹ chính thống. Qua bài kiểm tra đầu tiên: “Education is a preparation for life” (Giáo dục là chuẩn bị cho cuộc sống) như một lời căn dặn: Những ước mơ mà không nghị lực cũng trở thành vô dụng. Chỉ có học hành chăm chỉ, giỏi giang mới biến được những ước mơ thành hiện thực. Thầy xem việc dạy kiến thức cho học sinh cũng là phương tiện, biện pháp truyền thụ tư duy độc lập: Điểm số chỉ là nấc thang cho học sinh tự đánh giá chính bản thân mình. Đúng hay sai, tốt hay xấu là tùy cách nhận định của mỗi người. Nếu ta nghĩ như vậy thì sẽ là như vậy... Chân lý không nằm bên kia dãy Pyrénée mà nằm ngay trước mắt, có thể nắm bắt và sờ mó được. Có như thế mới hội nhập được với cuộc sống.
Thầy Gary Carkin, song hành, phối hợp công việc của thầy Hồ Sĩ Châm. Thầy đã chắp thêm đôi cánh cho học sinh thường xuyên tiếp cận với đời sống xã hội hiện thực bên ngoài. Thầy xem việc rèn luyện kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết; hiểu rõ tính chất xã hội của ngôn ngữ là những yếu tố quyết định. Thầy đã cho học sinh thể nghiệm trong các buổi sinh hoạt Câu lạc bộ để học sinh tập xoay xở trong giao tiếp. Những câu chuyện Đoàn Đức kể về ngày Tết, việc giúp học sinh tìm kiếm việc làm thêm... Thầy không chỉ thể hiện tình cảm chu đáo mà đã giúp cho học sinh tập dần với cách sống tự lập, biết bươn chải, tiếp cận với xã hội văn minh. Nếu xem thầy Hồ Sĩ Châm như huấn luyện viên trưởng thì thầy Gary Carkin là huấn luyện viên kỹ thuật tài ba giúp cho học sinh của mình “chân cứng đá mềm” chuẩn bị bước vào sân cỏ của cuộc đời.
Hai người thầy có nhiều tác động đến Đoàn Đức là Thầy Trần Thương Bá và Thầy Lê Mậu Tâm. Thầy Trần Thương Bá, dạy Văn lớp Đệ Tam C, không chỉ là một nhà giáo tâm huyết mà còn là một nghệ sĩ tài hoa thổi hồn vào những tri thức khô cứng. Trong giảng dạy, thầy thường sử dụng lối nói “Chi ngôn” (Chi ngôn nhật xuất – Hòa dĩ thiên nghê – Trang Tử). Khi giảng ngôn ngữ qua cấu trúc của ca dao, với hình ảnh “Cành hoa sen”; dạy chinh phụ ngâm với ngữ nghĩa “Thanh thanh hữu lưu thủy... Thanh thanh hữu phương thảo...”, dạy những ẩn ngữ “ngôn chi ngôn”, “ý tại ngôn ngoại”, “huyền ngoại chi âm”... thầy muốn cho học sinh hiểu: “Trong thơ còn có thơ, khi dịch hành đến cuối con đường tư tưởng, triết học sẽ biến thành thơ nhạc mênh mông”. Khi cùng thầy mở ra cuộc Hội thoại với tư tưởng Đông Tây, anh và thầy cùng lúc sử dụng cả chi ngôn, ngụ ngôn, trùng ngôn, phản ngữ hầu mong đạt đến cõi vô ngôn trong lời. Có lúc nghe ra cũng “bất khả tư nghì”.
Thầy Lê Mậu Tâm dạy Triết Đệ Nhất C. Thầy không là triết gia nhưng tâm hồn, tư tưởng, lối sống, tình cảm... là của một thức giả. Thầy muốn cho học sinh của mình nghe ra “ẩn ngữ trong những lời vô ngôn” của những bài học Siêu hình, Tâm lý, Luận lý, Đạo đức học. Hình ảnh của Sisyphe bị thần Zeus trừng phạt, lăn đá và đá lăn, một vòng đời mệt nhoài, nghiệt ngã đã cho anh cảm nhận: Thầy “nhằm lôi kéo ta ra khỏi đời sống vô thức của những sinh hoạt hàng ngày, bắt buộc ta phải thức tỉnh, vấn đề cấp bách nhất là sống để làm gì?”. Chứng kiến năm tháng cuối đời thầy Trần Thương Bá cứ quẩn quanh trong “... Tâm thức lãng mạn của kẻ lưu đày” (Lê Tuyên); Thầy Lê Mậu Tâm đã hóa thân thành Sisyphe, suốt ngày chẳng cười nói, “sáng chiều chỉ với cái cuốc và bình nước trên vai, lên nương hay ra ruộng rồi về nhà”, anh cũng chỉ biết dằn vặt và xót thương. Bạn bè, có người bảo anh sao lại không đem trần gian dấu vào hạt bụi mà đem trần gian dấu vào trần gian bụi bặm để cho mọi người thống thiết! Nhưng thôi, cánh cổng Đoạn trường vô thanh mở ra nay cũng đã khép lại rồi!
“Hoài niệm về thầy cô giáo” cũng đã thấp thoáng những khuôn mặt bạn bè chí cốt của Đoàn Đức. Họ là những học sinh hồn nhiên, thông minh, nghịch ngợm với những trò “nghịch ngợm-thông minh”. Nguyễn Đình Hạnh, một người trong nhóm bạn thân của anh, trong “Thương quá Nguyễn Hoàng ơi!”, đã phác thảo những bức ký họa chân dung tuyệt vời: Với Nghĩa triết gia – thi sĩ... Cứ một lần tâm sự là luôn hỗn mang theo William Faulkner, John Updike, J.P. Sartre... với bao suy tư khắc khoải... Với Quang bách khoa toàn thư, môn nào cũng “sơ-mi”, chỉ môn tán gái là không ra gì cứ bị mấy em mượn vở, mượn bài mà không chịu trả... Với Thắng tài hoa, chững chạc, bản lĩnh cao cường... Với Lê Mậu Minh trầm tư suy tưởng theo Aristote, Platon, Socrate... Với Hạnh chỉ biết tơ tưởng suốt ngày theo Hoài Khanh cùng Appolinaire, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng...” Dù mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, tính cách khác nhau, khát vọng khác nhau nhưng có cùng chung mục đích là chăm chỉ, học hành giỏi giang vì họ biết đó là con đường ngắn nhất, đúng nhất để chiếm lĩnh tri thức. Họ như những hòn đá ném xuống nước thì sẽ tự tìm con đường ngắn nhất để rơi xuống đáy.
Với Đoàn Đức ngày ấy, Nguyễn Đình Hạnh đã khắc họa một chân dung thật chính xác “Đoàn Đức savant, chải chuốt, lịch duyệt, điệu đàng, thông thái, sắc sảo, khôn ngoan...”. Chân dung ấy cũng đã tỏa sáng và xuyên suốt tập “Hoài niệm thầy cô giáo”. Anh là phiên bản của Trương Vô Kỵ trong “Ỷ Thiên Đồ Long Ký” của Kim Dung với tài hoa tuyệt đỉnh, khoác bên ngoài tấm áo “Hình dong chải chuốt – áo khăn dịu dàng” (Kiều) nên có nhiều bạn bè cậy nhờ anh làm “chim xanh” với những thấp thỏm trông tin. Nhưng mười lần như một, anh chỉ mang về cái lắc đầu kèm theo lời khuyên “thôi, quên đi!”, vì ... không nói được. Anh đã phải chịu bao nhiêu “oan trái ngọt ngào” với Ân Ly, Bất Hối, Tiểu Chiêu... để trọn vẹn một tấm lòng khắc cốt minh tâm với Triệu Mẫn.
Ở tuổi “Tam thập nhi lập”, rời trường Đại học Sư phạm, Đại học Văn khoa Huế, anh về giảng dạy tại các trường Trung học Triệu Phong (Hòa Khánh), Nguyễn Hoàng (Non Nước) tại Đà Nẳng... rồi sau đó theo đoàn lưu dân Quảng Trị vào dạy học ở Bình Tuy, Bình Thuận. Yêu nghề, yêu người, yêu học sinh, anh đã đem hết “sở tồn làm sở dụng”, anh đã sớm xây dựng được “tượng thần” trong tâm hồn học sinh như thầy cô giáo cũ.
Thế rồi gặp lúc “Cơ trời dâu bể đa đoan”, trong giai đoạn khó khăn chung của đất nước, thầy giáo cũng phải tham gia lao động sản xuất để “tự cứu” nên  “ngày thường mặt úp xuống đất, lưng trông trên trời, chỉ trừ những lúc cầm phấn lên bục giảng mới được thẳng lưng”. Có lúc anh đã băn khoăn với nhiều trăn trở: Mình sống hay chỉ là tồn tại!
Đến tuổi “Tứ thập nhi bất hoặc”, nhìn lại bạn bè, người chuyển ngành, người đổi nghề; chứng kiến mười lăm năm gió bụi của thầy Trần Thương Bá, đứng trước mộ phần của thầy Lê Mậu Tâm, anh như nghe được tiếng rạn nứt, những tiếng rơi loảng xoảng cuả những tượng thần ... Anh đã quyết chí “dứt áo ra đi”, gửi lại sáu con thơ cùng với trăm ngàn lo toan cho người vợ hiền chân yếu tay mềm, tảo tần, bươn chải nơi vùng nắng gió Bình Tuy với niềm tin “Après la pluie vient le beau temps”.
Thành phố Sài Gòn thời mở cửa, các công ty nước ngoài Hàn Quốc, Nhật Bản đã tiếp nhận muộn một tài năng, sẵn sàng hòa nhập với nền kinh tế thị trường. Ở tuổi “Ngũ thập tri thiên mệnh - Lục thập nhi nhĩ thuận”, như có chiếc đũa thần của tri thức và vốn liếng dạn dày kinh nghiệm, anh chị và bảy đứa con, trong hai mươi năm, đã dựng lên những cửa hàng, nhà máy, công ty ... ở Tánh Linh, Đức Linh, Đại Ninh, Sài Gòn... còn vươn xa đến Hàn Quốc, Nhật Bản... Anh không tự ngắm mình trước những thành quả, bởi vì anh biết, trong đó có sự đóng góp trí tuệ, tài năng của những đứa con anh và nhất là của người bạn - người yêu - người vợ đảm đang Cao Thị Thanh Nhàn. Chị đã giúp anh biết được mục đích của cuộc sống, cùng anh đi đến hạnh phúc của một đời người.
Viết “Hoài niệm thầy cô giáo”, nhìn lại mình, chắc anh đã cảm nhận được con đường trở về quá khứ, càng đi càng xa. Có lúc, anh chắc đã cảm nhận được tứ bề vắng lặng mênh mông như nghe được hơi gió lạnh buốt từ vô cùng đưa đến! Khi giao tập bản thảo cho tôi, anh băn khoăn vì không viết hết thầy cô giáo, bạn bè của một thuở... Tôi mỉm cười, đọc cho anh nghe “Tứ cú kệ đẳng” trong kinh Kim Cương: “Nói để mà nói – Viết để mà viết - Phật đông, Phật tây - Phật nào cũng là Phật” và tâm sự cùng anh rằng, tất cả thầy cô của chúng ta, dù đã ra đi hay còn ở lại sẽ sống mãi trong trái tim, trong ký ức của chúng ta như mảnh trăng lưỡi liềm trôi trong bầu trời xanh thẳm. Anh nắm chặt tay tôi rồi bước đi như chiếc bóng lênh đênh bên trời!
Tôi tin, “Hoài niệm thầy cô giáo” sẽ ở lại lâu dài trong tâm hồn thầy cô, bạn bè và độc giả.

                                                                             Nguyễn Lê Văn
                                                                           Huế, tháng 6/2017

Không có nhận xét nào: