BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 27 tháng 12, 2017

LA GI THỜI THẢO MUỘI - Phan Chính


      

             LA GI THỜI THẢO MUỘI

             Vào khoảng năm 1930, trong một câu đối của tri huyện Hàm Tân Lương Trọng Hối phác hoạ mảnh đất La Gi “diện hải bối lâm”, không những về địa thế mà còn nói đến tiềm năng thiên nhiên ở đây như một dải lụa vắt dài từ biển lên ngàn. Tiếng là trung tâm huyện hạt Hàm Tân nhưng thời ấy chỉ lơ thơ làng chài Phước Lộc, Tân Long, xứ đạo Tân Lý và các xóm dân cư với chòm nóc nhà lợp lá buông rải rác cặp theo đồng ruộng Cây Trâm, Gò Tôn, Xóm Rẫy, Hồ Tôm… Rồi La Gi suốt mười năm là vùng kháng chiến thời chống Pháp, là những cánh đồng mùa vụ chập chờn, bãi biển vắng lặng vì chỉ cày gặt, chài lưới núp dưới bóng đêm bởi ngày phải tránh máy bay oanh kích. Cái nghèo khó tội nghiệp nhất còn mãi nỗi ám ảnh cả một thời trước bữa ăn với những lát mì sần sụi mang vài hạt cơm, nồi khoai lang luộc hay bằng bột củ nần… để sống xanh xao từng ngày như bầy khỉ, dọc hoang dã vô tư đu nhảy hái lượm trên cây.

          Cho đến sau này khi La Gi được coi là tỉnh lỵ Bình Tuy vào năm 1956 mới có những dãy nhà lá dựng lên ở khu Chợ Đồn ngày xưa, nay là đoạn đường Lê Lợi đến cảng cá La Gi. Mấy năm đầu thì khu vực này nhà cửa, tiệm buôn mọc lên san sát và lấn qua con rạch nhỏ ở đoạn đường Lê Lợi, từ chùa Phật Học (Quảng Đức) chạy giáp lên bờ sông Dinh, nay là cầu Tân Lý. Khu vực mới hình thành nhưng phát triển nhanh, có chợ, rạp xi-nê, nhà máy điện, xưởng cà-rem…Từ đó mới có tên Chợ Cũ, Chợ Mới là vậy. Những hiệu buôn có sớm nhất như thương hiệu Cần Phong, Huê Xương, Diệu Ký, Đức Huê, Kim Tín, Đại Đồng… mà chủ là người Hoa từ Phan Thiết vào. Cạnh đó là một sân banh (bóng đá) nằm bên con rạch nước với cây sú, rặng tre um tùm nhanh chóng chuyển thành xóm đạo Thanh Xuân. Không xa mấy, là bãi đầm Hồ Tôm rộng hàng trăm mẫu nước lênh láng quanh năm, một gò mả Thanh Minh âm u rặng tre già huyền bí… Với lớp người từ tuổi 70, 80 về trước còn đọng lại trong ký ức những mái nhà lợp lá buông, ngôi trường vách ván, học trò chỉ ngồi trên băng ngựa gỗ, qua sông bằng chiếc xuồng chèo để cặp bờ Tân Long…
         Đến năm 1958, trung tâm hành chánh tỉnh dời lên phường Tân An hiện giờ, nhà cửa vẫn còn lưa thưa, nằm lấn bên rừng già. Khu vực sân vận động, tức nhà trung tâm văn hoá thể thao thị xã là nghĩa địa Láng Găng, kề bên là vòng xoay ngã tư sau này có một đồn lính Quân cảnh đóng ở đó nên dân quen gọi là ngã tư Quân cảnh. Liên hệ đến tên gọi các xóm, đường sá… dù có nhiều đổi thay nhưng cũng liên quan một câu chuyện cũ, một dấu tích xưa. Như đoạn đường Thống nhất có tên Ly Ly trước siêu thị Corpmart bây giờ, khoảng những năm 60- 70 thế kỷ trước là con đường rất vắng, hai bên là ruộng, lùm bụi, từ câu chuyện của một quan Phó tỉnh, giữa đêm đón cô bồ tên Ly bằng chiếc jeep nhà binh chạy ngang bị du kích phục bắn nhưng đạn lạc vào cô Ly rớt xuống xe chết ở đoạn cua đó. Các công trình xây dựng coi là hiện đại sau một năm lập tỉnh Bình Tuy là Toà hành chánh tỉnh nguy nga, các căn nhà kiểu biệt thự là cơ quan ty sở nằm rải dọc công viên thị xã và khu kiến ốc cục vẫn còn... nay cũng đã gần 60 năm. Trường trung học Bình Tuy cùng lúc đó chỉ có một lới đệ Thất (lớp 6 bây giờ) sĩ số 30 học sinh và các năm sau đó tăng lên. Đến năm đệ Ngũ của lớp đệ Thất đầu tiên thì có đợt tuyển sinh để hình thành thêm lớp đệ Tứ. Thầy dạy gọi là giáo sư của những môn chính là những thầy tốt nghiệp Đại học sư phạm Sài Gòn hay Cao đẳng sư phạm Vĩnh Long, các môn phụ do một số giáo viên Tiểu học được rút lên. Nhớ nhiều nhất, kế bên có gian nhà Ngọ phạn điếm (chỗ ăn trưa- hình thức căn tin) cho học sinh dù chỉ vài lớp, phải sáng đi chiều về bằng xe lam 3 bánh, xe đạp hay lội bộ.
         Còn khu phố 3 phường Tân Thiện trên đường Nguyễn Văn Cừ nối với đường Nguyễn Trường Tộ đến giờ đã là khu phố rộn ràng các quán karaoke, massage, quán nhậu, nhà nghỉ nổi lên vẫn chịu tên gọi cũ là xóm Phò Trì. Thực ra, nguyên gốc Phò Trì - hầu hết là người Chăm, thuộc xã Tân Thắng tức xã Hiệp Hoà (Bình Tuy), nhưng cuối năm 1966 dân bị dồn vào ấp chiến lược mang theo tên Phò Trì và sau 1973 họ về lại đất cũ. Ở khu phố đường Ngô Quyền (Tân An) cũng có tên ấp Hiệp Hòa là từ xã Hiệp Hoà (Tân Thắng)… Phương tiện đi lại, với đường bộ chủ yếu ra Phan Thiết có hãng xe đò chở khách đầu tiên là xe Lương Hữu, Đức Huê và ngã Tân Thuận có đường xe ra cây số 30. Sau này, đường bộ nối với Sài Gòn có các hãng xe Tân Long, Tân Hưng, Công Lập… Nhưng vận chuyển hàng hoá, sản phẩm địa phương phần lớn vẫn phải bằng ghe thuyền theo đường biển.
         Rất khó cho cư dân ở các phường Tân Thiện, Tân An, Tân Bình trung tâm thị xã ngày nay hình dung trên mảnh đất mình đang sống đã một thời ở đó là những cánh rừng nguyên sinh, nhiều thân cổ thụ phải hơn hai vòng tay ôm, thú dữ chim muông lởn vởn bên cạnh lối mòn… Tên xóm làng nằm dưới bóng râm mát của rừng xanh nối dài đến chân Núi Bể, Núi Nhọn và không còn mấy ai nhắc đến các địa danh Láng Bùn, Bưng Sình, Bàu Ong, Giếng Thầy, Thị Ngọt, Láng Cát, Bưng Cần Câu, Bưng Ngang, Giếng Bọng… Cách đặt tên địa danh người xưa thường theo đặc điểm tự nhiên, địa hình, đặc sản, tên người, sự kiện… Qua những địa danh này phản ánh được một vùng đất của thời còn hoang sơ, tĩnh mịch vắng dấu chân người.
         Đây chỉ là một phần đất nhỏ nằm trung tâm của thị xã La Gi ngày nay. Trong thời kỳ tỉnh Bình Tuy lấy địa bàn này (Phước Hội, Phước Lộc) làm khu kinh tế thương mại của tỉnh thuộc xã Châu thành Phước Hội, quận Hàm Tân (quận lỵ đặt tại Tân Hải).
         Có thể ví La Gi như một bàn tay từ mảnh đất biển Phước Hội, Phước Lộc, Bình Tân, Tân Thiện xoè ra các ngón Tân Hải, Tân Tiến, Tân Bình, Tân An, Tân Phước… Nhưng phần đất cũ này mới thực sự là nguồn cội chuỗi dài lịch sử của một địa danh có trên trăm năm. Bây giờ  nhìn lại và ngộ ra kiếp người hữu hạn nhưng tuổi đất thì muôn đời.

                                                                            PHAN CHÍNH

1 nhận xét:

Bâng Khuâng nói...

KINH DỊCH GIẢN YẾU: QUẺ 03 - THỦY LÔI TRUÂN 易经 水雷屯

草 昧 (THẢO MUỘI)

(草 “THẢO” là rối loạn không có trật tự, 昧 “MUỘI” là mờ tối không sáng)

屯,剛 柔 始 交 而 難 生,動 乎 險 中,大 亨 貞。雷 雨 之 動 滿 盈,天 造 草 昧,宜 建侯 而 不 寧。

Truân cương nhu thủy giao nhi nạn sinh. Động hồ hiểm chung. Đại hanh trinh. Lôi vũ chi động mãn doanh. Thiên tạo THẢO MUỘI. Nghi kiến hầu nhi bất ninh.

Quẻ Truân, cứng mềm mới giao nhau mà nạn sinh, động ở trong chỗ hiểm, cả hanh trinh, sấm mưa động đến đầy rẫy. Vận trời BỐI RỐI, MỜ TỐI, nên dựng tước hầu, mà chớ cho là yên.