BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 18 tháng 12, 2017

ĐỌC TẬP THƠ ĐƯỜNG LUẬT “ĐỜI” CỦA VĂN THANH - Châu Thạch

               
                  Châu Thạch                               Lê Văn Thanh

   ĐỌC TẬP THƠ ĐƯỜNG LUẬT “ĐỜI” CỦA VĂN THANH
                                                                                Châu Thạch

Những năm gần đây thơ Đường luật lại thịnh hành trên đất nước ta. Nhờ có các trang web, amail và facebook mà các nhà thơ có cơ hội phổ biến sáng tác của mình, giao lưu xướng họa nhộn nhịp trên diễn đàn văn thơ, tạo nên một sân chơi Đường thi với nhiều đề tài, cảm hứng và thi pháp rất mới.
Nhà thơ Văn Thanh là một trong những lLão Đường thi tại vùng đất Bà Rịa- Vũng Tàu được thi hữu và bạn đọc mến mộ bởi bút pháp và văn tài của ông. Nhà thơ đã cho ra đời tập tác phẩm Đường thi “Vô Quái Ngại” rất được giới yêu văn chương khen ngợi. Nay ông lại tiếp tục đem tặng đời tập tác phẩm cũng mang tên “Đời” của ông, như là những sợi tình đã dệt nên lụa, thành quả của con tằm miệt mài năm tháng nhả tơ.

Trong tập thơ “Đời”, Văn Thanh sáng tác nhiều thơ theo thể Thất Ngôn Bát Cú, một vài bài theo thể Ngũ Ngôn, Tứ Tuyệt liên hoàn. Ngoài ra nhà thơ cũng có điểm xuyết vào tập Đường Luật của mình vài bài thơ không phải Đường Luật, tạo cho bạn đọc thay đổi một chút hương vị trong món ăn tinh thần mà mình chiêu đãi.
Trước hết ta hãy nói đến thơ Ngũ Ngôn Cổ Phong của tác giả. Cổ Phong là một thể thơ cổ có từ nhiều thời đại trước đời nhà Đường. Về sau trở thành tên gọi chung tất cả thơ ngũ ngôn, thất ngôn mà không theo luật, gồm ngũ ngôn cổ thi, thất ngôn cổ thi, tam ngôn thi, tứ ngôn thi, lục ngôn thi..., không theo niêm luật, không hạn chế số câu, chữ như thơ Đường luật.
Nghe từ Cổ Phong ta đã thấy nó xưa rồi. Thế nhưng nếu biết sáng tác, thì nó thành một thể thơ tự do 5 chữ, làm biến mất cái xưa đi và tạo nên một phong thái thơ mới mà âm điệu thư thái, gọn nhẹ hay dồn dập tùy theo ý mình. Đọc thơ Ngũ Ngôn của Văn Thanh ta tưởng tượng thấy những bước đi từ tốn của tiếng thơ, và trong bước đi từ tốn của tiếng thơ đó, đã bày tỏ được những cảm xúc, những tâm tư của tiếng lòng mình. Người viết xin rút gọn bài thơ “Đời” của tác giả có 20 câu còn 8 câu, chủ yếu giới thiệu nhân sinh quan tích cực của nhà thơ khi ông dùng bài thơ nầy để đặt tên cho toàn tập tác phẩm của mình:

       Đời là dòng sông trôi
       Đời sa mạc bao la
       Đời quanh co đèo dốc
       Đời vũ trụ ngàn hoa
       Đời tâm hồn rộng mở
       Non nước biếc chan hòa
       Trời xanh trăng rạng rỡ
                                 ( Đời)

Văn Thanh còn sáng tác Ngũ Ngôn dưới dạng bình thanh khiến âm điệu vi vu như tiếng sáo, như tiếng nước trôi lặng lờ êm ái:

       Anh nương theo tiếng suối
       Bồng bềnh ra ngàn khơi
       Em mây ngàn rong chơi
       Ngao du trong bầu trời
                     (Mây Mưa)

Bước qua địa hạt thơ Thất Ngôn Bát Cú, có lẽ đây là sở trường cúa tác giả, nên nhà thơ tung hoành cây bút, tạm dí dổm ví như một hiệp sĩ múa kiếm trong thời tiết bốn mùa, dầu hiệp sĩ múa kiếm dưới mưa, dưới tuyết, dưới trăng, hay dưới nắng trưa hè đều đẹp cả.
Những nhà sáng tác thơ Đường luật có ngàn chủ đề viết. Họ thường giao lưu thi phú với nhau gọi là chơi thơ. Gọi là chơi thơ vì gặp bất cứ điều gì họ cũng làm thành thơ đề xướng họa cùng nhau. Thú chơi nầy cũng chẳng khác chi thú chơi Cờ Tướng, nghĩa là phải trí tuệ, thông minh và điềm đạm. Người chơi cờ tướng phải cao thủ để dùng cờ tấn công, có đủ bản lảnh để cố thủ khi bị người ta chiếu tướng. Người làm thơ Đường cũng phải đầy chữ để viết cho bài thơ đúng niêm luật, đối ngẫu hay và chính xác, cũng như đủ bản lảnh họa lại bài thơ của người xướng, hay bằng hoặc hay hơn như thế. Tất nhiên Đường thi Văn Thanh đạt được hai điều ấy. Ta hãy đọc một vài câu thơ ở vế mở (Đề) trong những bài thơ Thất Ngôn bát Cú của ông:

       Đàn bầu ẩn chứa bấy nhiêu cung
       Biểu cảm tâm tư vạn cõi lòng
                       (Tiếng Đàn Bầu)

       Tiệc rượu đời ta chẳng lụi tàn

       Hiên trăng lộng gió tắm phong lan
                                    (Tâm Tưởng)

       Quảng Trị Quê tôi dãy đất nghèo

       Gió lào nắng lửa thắt lưng eo
                   (Nỗi Đau Thành Sẹo)

Thông thường hai câu đầu của bài thơ Đường luật gọi là Đề hay Mở. Câu thứ nhất gọi là Phá Đề, câu thứ hai gọi là Thừa Đề. Mục đích của Đề là dùng để giải thích ý của đầu đề bài thơ. Người sành thơ chỉ cần đọc vế Đề là biết tác giả ở trình độ nào rồi. Đọc những vế Đề tiêu biểu trong thơ Văn Thanh ta bắt gặp được sự sâu nhiệm nằm ngay ở câu khai mở bài thơ, từ đó khiến lòng ta tin tưởng bước vào thơ như được bước qua một cổng tam quan rất đẹp để vào thăm một khu vườn. Ở bài thơ “Tiếng Đàn Bầu” tác giả gói trọn những thầm lặng của nỗi lòng mình vào bao nhiêu cung bậc của tiếng đàn. Ở bài thơ “Tâm Tưởng” tác giả ví cả niềm vui của đời mình đẹp như cành hoa phong lan nằm ở hiên trăng mà hằng đêm gió về tắm mát: “Hiên trăng lộng gió tắm phong lan”. Qua vế thơ thứ ba, ta thấy tác giả viết ý thơ về Quảng Trị nghèo. Các ý thơ nầy cũ như bao bài thơ đã viết. Thế nhưng tác gỉa chỉ dùng một tứ thơ đặc biệt, làm cho cả vế thơ trở nên rất mới lạ. Đó là các chữ “ thắt lưng eo”. Thắt lưng eo là vùng đất Quảng Tri núi và biển gần nhau. Tác giả bạo gan dùng chữ một cách tài tình khi hình dung hóa cho gió và lửa củng có chiếc lưng eo. Nhờ đó người đọc cũng hình dung được trong mắt mình cả thời tiết khô cháy và địa hình chật hẹp nơi quê hương Quảng Trị.
Nếu ví bài thơ Đường luật như một ngôi nhà thì hai câu thơ ờ vế Đề như phần móng còn 4 câu thơ ở vế Trạng (câu 3 và 4) và vế Luận (câu 5 và 6) là phần kết cấu vững chắc, trang trí nội thất mỹ thuật để người ta nhìn vào khen ngợi kiến trúc cúa ngôi nhà ấy. Vế Trạng của bài thơ dùng để giải thích đề tài cho rõ ràng, vế Luận của bài thơ dùng để bàn rộng nghĩa của đề tài hay nhấn mạnh, làm ý nghĩa của bài thơ sáng tỏ. Hai vế thơ nầy là cơ hội để tác giả trổ tài chơi chữ, vì trong mỗi vế thơ, câu trên và câu dưới phải dùng phép đối ngẫu. Đối ngẫu là một vẽ đẹp đặc sắc, là một trong những điều kiện cần và đủ của thơ Đường Luật. Vậy chúng ta hãy đi vào phần Đối Ngẫu trong thơ Văn Thanh để ngắt ra một vài bông hoa đẹp. hầu chứng minh phần nào cho thi tài của tác giả. Hãy đọc một vài vế thơ Trạng và Luận sau đây:
Để ca tụng đức tính kiên trì và sự cao quý trong tâm hồn, tác giả đã dùng loài hoa Xương Rồng để thể hiện điều đó:

      Trần thân ngũ quỷ điều tâm tịnh
      Giữ nước tứ thời dưỡng tính không
      Mưa nắng cực đoan đêm giá lạnh
      Phong trần hổn độn sáng mù tung
                            (Hoa Xương Rồng) 

Để diễn tả sự thao thức vì nỗi tương tư trong lòng người đang nuôi một giấc mơ hoa tác giả viết:

      Trúc xao bóng nắng ngờ duyên thắm
      Vườn lộng màu trăng rối ruột tằm
      Thao thức canh tàn hồn mộng gởi
      Thẩn thờ khắc lụn dấu yêu câm
                                       (Mơ Hoa)

Để diễn tả tình thơ trong lòng một nữ sĩ Đường thi còn trẻ tuổi tác giả viết:

      Bằng trắc duyên thiên nương luật định
      Âm dương phối địa thỏa tình thơ
      Mai vàng xuân đên ươm chồi nụ
      Trúc biếc đông sang nẩy lộc tơ
                           (Hương Mùa Lạ)

Và để bày tỏ lòng mình tác giả khai bút đêm giao thừa:

       Bút họa Đường thi buồn vận nước
       Trà khai vị đạo ấm lòng già
       Tâm bình tỏa sáng lòng nhân ái
       Trí tịnh chan hòa tính vị tha
               (Giao Thừa Khai Bút)

Chỉ bằng đơn cử một ít câu thơ của tác giả trong các vế thơ Trạng, Luận ở trên, ta cũng đoán định được bút lực cúa nhà thơ trong toàn tập. Qua những vế thơ trên ta thấy tác giả áp dụng được luật âm dương thăng, giáng bù trừ sít sao trong các vế đối của mình. Nói chung trong tập thơ nầy Văn Thanh đã áp dụng phép Chính đối, các phép khoan đối trong thơ Đường Luật một cách nhuần nhuyễn, tạo được sự đối xứng giữa hai câu và sự cân bằng trong toàn hai vế đỗi.
Tác giả cũng dùng phương pháp đối thanh, đối ý tạo được sự hài hòa trong diến đạt để kích thích cảm nhận người đọc được thăng hoa thêm.
Phần cuối của bài thơ Đường Luật gọi là vế Kết, gồm hai câu 7 và 8 của bài thơ. Hai câu nầy dùng để tóm lược ý nghĩa của toàn bài thơ. Hai câu kết nầy phải như cái nút thắt lại khéo léo, có công dụng làm sao cho bài thơ thêm tuyệt vời, biến nó thành đôi cánh để bài thơ cất lên cao. Hãy đọc một vài câu thơ ở vế Kết của Văn Thanh:

      Hồn Việt bao dung tình vạn thuở
      Một dây giao cảm mãi khôn cùng
                              (Tiếng Đàn Bầu)

      Gởi gió mây đưa trời viễn khách

      Rằng trăng cố quận nhớ ai không
                                         (Hạ Nhớ)

      Lặng lẽ thời gian hoa lá vẫn
      Trăng lồng đáy nước sáng long lanh
                                            (Bến Thu)

Không cần đọc hết toàn bài thơ, chỉ cần đọc qua vế cuối của mỗi bài thơ trên, sự xúc tích và ngọt ngào của nó cho ta một ý niệm về chủ đề của thơ và một cảm tình về văn phong, bút lực của nó. Ở vế thơ Kết đầu tiên ta thấy Văn Thanh đã đưa toàn bộ hồn Việt của vạn thuở vào trong một phút dây giao cảm với tiếng đàn bầu. Đây là một vế thơ cô đọng lịch sử vào trong tiếng đàn. Ở vế thơ kết thứ hai ta thấy một chân trời xa xôi của viễn khách và một cố hương hiện hữu trong một tâm hồn đang thương nhớ. Đây là một vế thơ lồng ký ức vào tâm tình người viễn xứ Qua vế thơ kết thứ ba cho ta nhiều mùa thu trong tâm hồn tác giả. Những mùa thu đó đẹp biết bao, nó minh chứng cho cho tâm hồn tác giả luôn yêu đời, lạc quang và lãng mạn như một “Bến Thu”. Cả ba vế thơ kết trên đều lung linh hình ảnh đẹp với những suy tư đẹp và tứ thơ hay khiến ta liên nghĩ đến phần trên của bài thơ cúng rất đậm đà.
Bây giờ ta bước qua phần thơ Tứ Tuyệt của Văn Thanh. Thơ Tứ Tuyệt là một thể thơ mà mỗi bài thơ chỉ có bốn câu nhưng phải diễn tả hết ý nghĩa mà người làm thơ muốn trình bày. Ở phần nầy, để bài viết không dài quá sinh nhàm chán, tôi xin đơn cử một bài thơ tứ tuyệt của tác giả thôi:

      Đối bóng tách trà ta với ta
      Vô ngôn tịch tịnh khói hương và
      Trăng khuya bàng bạc len song chiếu
      Đáy cốc mơ màng quán tưởng ta
                                         (Độc Ẩm)

Chỉ với bốn câu thơ ngắn gọn, nhà thơ đã gởi vào trong cảnh vật, sự vật và diễn biến một khung cảnh tuyệt đẹp và tư tưởng vô vi, thoàt tục của mình. Ngoài những bài thơ tứ tuyệt hay như thế, những thơ ở thể khác của tác giả như gởi thêm vào cho tập thơ Đường Luật một hương thơ khác lạ. Tôi để dành những bài thơ ấy như một bí mật đem vui đến cho bạn đọc khi bước vào vườn thơ “Đời” của tác giả Văn Thanh.
Đọc tập thơ “Đời” của Văn Thanh, ta có thể nói đây là một tập thơ đúng với câu “Văn Dĩ tạo Đạo”. Đọc tòan bộ tập thơ nầy ta không tìm đâu những bài thơ than khóc những cuộc tình vu vơ trong đời. Dầu cũng có những bài thơ tình ái, nhưng mỗi bài thơ đều như một con thuyền chở trên đó một triết lý sâu xa trong cuộc sống.
Thơ Văn Thanh thiên nhiều về triết lý nhà Phật với triết lý sống yêu đời, đạo đức, thanh tao và tích cực. Những bài thơ như Vô Tướng Già Lam, Nhân, Nghĩa, Lễ, khích lệ cho người đọc cảm thụ một nhân cách sống cao thương. Những bài thơ với nhiều tư duy về cuộc sống, trăn trở về cuộc đời ông đều lồng vào đó niềm vui đạo hạnh, tư tại, ung dung và thư thái. Tư tưởng trong thơ Văn Thanh như một kho tàng chất chứa những sâu nhiệm trong cuộc sống, nên tất nhiên nó không phải là nơi để ai cũng thích bước vào. Đó là khu vườn đẹp nhưng ai bước vào thì phải có lòng khiêm cung và trang trọng thì mới nhìn ra những ẩn dụ chứa trong những bức phù điêu có khi là đã bám rêu xanh. Mời quý vị thử bước vào vườn thơ ấy xem, để có giây phút quay về với nội tâm, tìm niềm vui tích cực yêu đời trong vườn thơ ấy./.

Châu Thạch

Không có nhận xét nào: