BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2023

NỖI BUỒN CHÍN BÓI – Thơ Trần Mai Ngân


  


NỖI BUỒN CHÍN BÓI
 
Nỗi buồn em chín bói
Treo trên cành đa đoan
Nửa trăm năm phận người
Em mỏi mòn mình ơi!
 
Tháng Ba Xuyến Chi nở
Trắng bên bờ cỏ xanh
Năm mươi năm loanh quanh
Phận mong manh duyên lạt...
 
Đêm trôi trên tràng hạt
Lần in dấu đơn côi
Nhớ dòng sông xa xôi
Em làm người chết hụt...
 
Chuông đổ tiếng trầm nghiêng
Vang lên lòng độ lượng
Để được nói tiếng thương
Mình ơi! vàng khuôn thước
 
Đôi bàn chân nhẹ bước
Ngày mỗi một xa hơn
Đưa tay đây mình ạ
Dẫu gì cũng ngày xưa...
 
          Trần Mai Ngân

KHẢO BÌNH VỀ “SỐNG CHỤ SON SAO” (BÀI 3) - Nguyễn Khôi

SO SÁNH CÁC BẢN DỊCH “SỐNG CHỤ SON SAO” VỚI BẢN GỐC (Tiếng Thái phiên âm)


- Sống (xống) = Tiễn đưa
- Chụ = nhân tình, người tình
- Son = răn, dạy bảo, (son tạy = dạy dỗ), dặn dò
- Sao = gái, cô gái
Sống chụ son sao = Tiễn đưa người tình, dặn dò cô gái.
 

Thứ Năm, 23 tháng 3, 2023

HƯ CẤU TRONG VÕ HIỆP KIM DUNG (1) - Phiếm luận của Đỗ Chiêu Đức

 
Nhà văn Kim Dung
                                                        
Ai cũng biết truyện võ hiệp của Kim Dung đều toàn là những câu truyện HƯ CẤU, nhưng sao tất cả mọi người già trẻ lớn bé, bất kể sang hèn nam nữ, từ bình dân đến trí thức đều mê như điếu đổ. Truy nguyên, ta sẽ thấy được những HƯ CẤU của Kim Dung đều dựa vào những thực tế của cuộc sống hằng ngày, của tâm lý tình cảm chân thật của con người, của những sự kiện lịch sử có thật kết hợp với những dã sử trong dân gian, những phong tục tập quán của từng địa phương hòa vào trong các tình tiết khúc chiết ly kỳ gây cấn để hấp dẫn người đọc bằng lối kể truyện vừa bình dân vừa bác học, vừa chất phác vừa văn chương, vừa xen vào cái không khí trinh thám như của Sherlock Holmes... Tất cả Lịch sử, Địa lý, Chính trị, Văn hóa, văn chương, tâm lý tình cảm của con người, tất cả tất cả... hòa quyện vào nhau trong câu truyện VÕ HIỆP HƯ CẤU một cách tài tình hợp lô-gích và phù hợp với cuộc sống thực tại của con người !
 

RƯỢU SAY CÙNG BẠN - Chùm thơ Đặng Xuân Xuyến


   


RƯỢU VỚI BẠN
(Tặng Đỗ Tuân, bạn tôi)
 
Nào thì chén nữa, thêm chén nữa
Uống cạn đêm nay cho đã thèm
Tao mày đằng đẵng bao niềm nhớ
Ngán đếch rượu kia khuấy say mèm.
 
Ừ, mày chửa say, tạo chửa say
Mấy chuyện oán ân khó tỏ bày
Thiên hạ đo tình bằng đọ của
Nào uống đi mày, nuốt đắng cay.
 
Thì bởi tâm mày trọn Thẳng Ngay
Tao mải loay hoay chọn Nghĩa Tình
Mà đời những rặt trò gian lận
Tao mày nếm đủ những gian truân.
 
Ừ uống đi mày. Uống để say
Dốc cạn đêm nay với chén này
Niềm đau cố dán vào đáy chén
Thôi uống đi mày. Uống nhé, say.
 
Hà Nội, đêm 07 tháng 3-2022
 

THẾ CHÂN VẠC - Tam Quốc Chí ngoại truyện của Chu Vương Miện



Khổng Minh Gia Cát Lượng đứng ngoài ngõ trúc cầm tay thân ái tiễn từng người một. Thôi Châu Bình về Bắc Lăng, Mạnh Công Uy về Nhữ Nam, Tư Mã Thuỷ Kính về Tân Dã. Mọi người đều hẹn nhau tuần sau đến Dĩnh Châu thăm Thạch Quảng Nguyên sẽ bàn tiếp chuyện thiên hạ sự.
 

ĐÔI DÒNG TƯỞNG NHỚ GIÁO SƯ NGUYỄN THẾ ANH (1936 – 2023) – Hoàng Đằng


Ảnh mượn trên mạng: GS. Nguyễn Thế Anh lúc trẻ và lúc già
 
Trên facebook, tin loan GS. Nguyễn Thế Anh qua đời hôm 19/3/2023, lòng tôi dậy lên nỗi bồi hồi thương nhớ.
 
Tôi có may mắn thụ giáo với Thầy năm học 1965 – 1966 ở chứng chỉ “Sử Việt Nam và Đông Nam Á” tại Đại Học Văn Khoa Huế. Tiếc là do điều kiện, hoàn cảnh riêng, tôi phải bỏ dở việc học.
 
Tôi tìm trên mạng một số bài viết về Thầy để viết nên những dòng này, xem như đốt nén hương lòng vọng bái tiễn đưa Thầy về nơi an nghỉ ngàn thu.
 

THÁNG 3 VỚI HUẾ, 1975 – Thơ Lê Phước Sinh


   
                          Nhà thơ Lê Phước Sinh


THÁNG 3 VỚI HUẾ -1975
 
Phượng chưa chớm nụ, ngập ngừng chân bước, Thành Nội với những nàng Tôn Nữ vương gót hài
Hoàng Thành lại thêm náo động, sử ghi dấu ấn "Thất thủ Kinh đô"
Người người chen chân tua bỏ, cộ xe xua về phía nam như đám hành khất gánh gồng bao bị
Thuận An
Ghe ghọ
Bãi trước bãi sau bãi lùm bãi lở
Về phương Nam, gió lồng biển rộng
về phương nam trùng điệp sông dài
Tìm sự sống
để tự do xoải cánh
(cây Nhang Bà Tiên trao Chúa Nguyễn đi dọc bờ sông, mấy trăm năm đã rụi rả tàn)
Tháng 3.1975
định mệnh
thuận hóa thành hóa vàng đốt mã
tản trôi xa.
Bè bạn tình cờ gặp lại
thẩn thờ
gợi nhớ ngày xưa
ngấn lệ nuốt vào
ngào nghẹn.
 
LÊ PHƯỚC SINH
 

THĂM BẠN – Thơ Đỗ Tư Nhơn


   
                 Cùng Nguyễn Văn Quang đến quán CAFE 
                             ở Góc Bầu - Nguyễn Thị Lý

 
THĂM BẠN
 
Thỉnh thoảng ngồi một mình
Bỗng nhớ bạn xưa cũ
Cùng sống thời chiến chinh
Mồ côi cha từ nhỏ.
 
Ở làng quê cùng mẹ
Tần tảo , đời gian nan
Gắng học, quên tuổi trẻ
Giờ nghĩ lại, tiếc thầm!
 
Đất nước rồi xoay chuyển
Hết đạn bom - hoà bình
Bàn tay chai, xây dựng
Chờ một ngày bình minh!
 
Hai đứa cầm phấn trắng
Sáng chiều trước bảng đen
Có buổi phơi trong nắng
Cuốc ruộng tới thâu đêm.
 
Lại cùng đi lao động,
Lúc bờ mương, lúc rừng
Bánh xe đạp lăn tròn
Đường ngoằn ngoèo, dốc đứng!
 
Nuôi đàn con khôn lớn
Góp mặt với cuộc đời
Mong niềm vui cứ đến
Và tình người không vơi.
 
Thời gian vô tình qua
Tóc xanh, giờ đã bạc
Nhủ thầm quên tuổi tác
Rủ nhau, ngồi hát ca!
 
Như lá trên cành cây
Cứ vàng và rụng hết
Nhìn bạn bè quanh đây
Người  ở xa, người mệt.
 
Nắng mùa hạ bắt đầu
Qua những ngày rét lâu
Đạp xe đi thăm bạn,
Ngồi nói chuyện bên nhau.
 
         Đỗ Tư Nhơn
Thị Xã Quảng Trị, sáng 23-3-2023

Thứ Tư, 22 tháng 3, 2023

PHIẾM LUẬN VỀ “NHŨ DANH” – La Thụy



Đọc sách báo tôi thấy có hai quan niệm về NHŨ DANH khác nhau
 
Quan niệm 1:

Ngày nay, trong các bản tin cáo phó cho một người đàn bà, người ta thường viết “nhũ danh” hoặc ghi tiếng Anh là“Maiden name” (Tên thời thiếu nữ)
 
Ví dụ:

Nam Phương Hoàng Hậu nhũ danh là Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Thị Lan (4.12.1914 – 16.9.1963)

Bà Sarah DeRemer Knauss, nhũ danh Clark (24.9.1880 – 30.12.1999)

Hoặc trên thiệp cưới ghi:

Bà quả phụ..................
Nhũ danh  ..................

Từ “nhũ danh” ở đây được hiểu là tên của người đàn bà khi chưa lấy chồng.
 
Có người nói “nhũ danh” chỉ dùng riêng cho phụ nữ mà thôi.
Có lẽ do họ quan niệm: “Nam tu 男須 (trai râu), nữ nhũ 女乳 (gái vú)”
 
Và:
Đàn ông không râu bất nghì,
Đàn bà không vú lấy gì nuôi con!”
 
Đôi dòng phiếm luận:
 
Với quan niệm như trên thì vú là bộ phận tượng trưng cho phái nữ, râu cằm là bộ phận tượng trưng cho phái nam.
 
Đàn ông có khuôn mặt chữ điền râu quai nón hay “râu hùm hàm én mày ngài” thì oai phong lẫm liệt rất xứng đáng là “bậc tu mi nam tử”. Người đàn ông râu rậm, râu tốt, râu dài được khen là “mỹ nhiệm công” như Quan Vân Trường chẳng hạn
 
Phụ nữ đẹp với tiêu chuẩn “đào kiểm”, “tế yêu”, “trường túc”, “ngọa tầm mi” (má đào, eo thon, chân dài, mày tằm) vẫn chưa đủ mà còn thêm tiêu chuẩn bộ ngực tròn trịa, đôi mông đầy đặn mới đạt tiêu chuẩn về số đo 3 vòng, cùng với chiều cao, cân nặng phù hợp.
 
Nhà văn Mạc Ngôn, (nhà văn đầu tiên mang quốc tịch Trung Quốc, được trao giải Nobel Văn học năm 2012) có tác phẩm  “Phong nhũ phì đồn” xuất bản năm 1995, một thời được dư luận xôn xao bàn tán.

Tác phẩm “Phong nhũ phì đồn” lúc đó khi chuyển ngữ tiếng Việt đã phải đổi tựa thành “Báu vật của đời” để gọi là cho nhã hơn.
“Phong nhũ phì đồn” 丰乳肥臀  nghĩa là “vú đầy mông nẩy” hay “mông to ngực nở”. Dịch là “vú đầy mông nẩy” vừa sát sao, chẳng có gì là thô tục cả. Không hiểu sao mấy ngài dịch giả Việt Nam phải e ngại đi vòng quanh cho dài dòng...

“Vú đầy mông nẩy” thường được quý ông thích đùa gọi “ngực tấn công, mông phòng thủ” chỉ thân hình khêu gợi hấp dẫn bốc lửa của quý bà... làm mấy quý ông cứ “dùng dằng”
 
Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt
Đi thì cũng dở ở không xong
       
Ông bà ta đã dặn nên chọn vợ phải là tướng “mông nở, ngực to”. Giải thích theo khoa học thì mông nở tức là xương chậu rộng, khi sanh đẻ sẽ dễ dàng, ít rủi ro cho bé sơ sinh hơn người xương chậu hẹp, ngực to thì tuyến sữa phát triển tốt, có nhiều sữa để nuôi con
 
Sự căng tràn của đôi bồng đảo do sự dồi dào của estrogen, ngoài ra còn cần đóng góp của “hạ tầng cơ sở” (mô, tuyến sữa) được quy định tại gien. Căp tuyết lê của nữ giới vừa là bộ phận quyến rũ về giới tính và vừa là cơ quan hậu cần cung cấp dinh dưỡng cho thiên thần nhỏ sau này.
 
NHŨ  có nghĩa là vú và có nghĩa khác là sữa

Vú là bộ phận đặc trưng của phái nữ nên một số danh xưng có từ NHŨ thường chỉ phái nữ chẳng hạn:
NHŨ MẪU (chữ Hán: 乳母; tiếng Anh: Wet nurse), tiếng Việt gọi nôm na là Bà vú hay Vú em, là danh từ để chỉ những người phụ nữ có chồng, có con làm công việc chăm sóc và cho ăn những đứa trẻ sơ sinh của những gia đình khác bằng sữa mẹ.
 
Quan niệm NHŨ DANH là tên chỉ dành riêng cho phái nữ xem ra cũng có lý !?!...

 *
Tuy nhiên

Quan niệm 2:
 
Theo Wiktionary tiếng Việt, theo từ điển Hán Nôm và một một số từ điển như vtudien... thì:

NHŨ DANH: Tên đặt lúc mới sinh.
 

Tên mà người Việt gọi là tên tục thì người Trung Quốc gọi là tiểu danh, được đặt lúc đứa bé còn nhỏ và cũng gọi là nhũ danh khi tên này được đặt lúc đang bú
 
Đôi dòng phiếm luận:
 
NHŨ  có nghĩa là vú, sữa. Ngoài ra còn có nghĩa là con non, sơ sinh.

Nên:
乳名 nhũ danh:  Tên đặt lúc mới sinh.
Nhũ danh trong Tiếng Anh là Milk Name (tên sữa)
 
Mọi đứa trẻ đều có quyền được đặt nhũ danh không kể là trai hay gái. “Nhũ” ở đây chỉ “cái vú”“sơ sinh”. NHŨ DANH hàm ý tên của “trẻ sơ sinh đang còn bú mẹ”.
 
Tên cha mẹ đặt gọi là nhũ danh, đó là tên từ khi còn bú vú mẹ - hay có khi là tên cúng cơm, tên tục.
 
Quý bạn có ý kiến gì về NHŨ DANH theo hai quan niệm trên nhỉ!
 
                                                                                          La Thụy

Thứ Ba, 21 tháng 3, 2023

BÉ XƯA – Thơ Phan Quỳ


  

 
BÉ XƯA
 
Bé đã xa rồi bé xưa ơi,
Mây ngang chừng tóc nắng quanh đồi
Mắt như hồ nước chiều thu lặng.
Bé chẳng vương lòng chút tình tôi.
 
Bé luôn dậy sớm để ôn bài
Toán Văn Sử Địa cứ lo hoài
Ơi Hình không gian chi mà khó
Chứng minh làm bé toát mồ hôi.
 
Bé mong một ngày Thầy Cô nói
Thôi thì chỉ học Sử, Văn thôi
Em mô không thích thì cho nghỉ
Tính toán làm chi để khổ đời.
 
Tháng ngày êm ả cũng dần trôi
Bé khua guốc mộc đường song đôi
Mắt môi dần mọng, da hồng thắm,
Bé đã quen rồi ánh mắt tôi.
 
Ai hay trời đất thành cơn bụi
Bé đã xa dần những buổi chơi
Tôi về đếm bước lòng cô quạnh
Thương nhớ bên trời, thương nhớ ơi.
 
Mấy mươi năm đã nửa cuộc đời
Thôi hết mất rồi thuở hồng tươi
Bé nơi thềm nắng ngồi hong tóc
Ai xúi chân tôi cứ đứng ngoài.
 
Ai đem mắt tôi về bên ấy
Cả lòng, cả dạ, cả chân tay
Ước chi mình biến thành cơn gió
Ve vuốt tóc nàng, từng sợi mây.
 
Bé đến phương nào, tôi ở đây
Buồn ơi tự cổ góp bao ngày
Thềm xưa vắng bóng, tôi ngồi nhớ,
Tôi gọi tên nàng, bé có hay?
 
Bé đã quên rồi ánh mắt say?
Tôi về gom lại bờ mi cay
Gởi theo làn gió về nơi ấy
Ai có bên thềm hong tóc mây?
 
                              Phan Quỳ

XÂY DỰNG LÒNG TIN TƯỞNG GIỮA CHA MẸ VÀ CON CÁI – Vũ Thị Hương Mai




Hầu hết các bậc cha mẹ đều có chung một tâm sự rằng, con cái tin tưởng thầy cô giáo hơn cha mẹ. Thực ra, nhận định đó là chưa thật chính xác và thiếu khách quan. Cũng có thể nhận định đó là đúng và phần lỗi lớn thuộc về cha mẹ. Tại sao con cái lại tin tưởng vào thầy cô giáo hơn cha mẹ? Trả lời được câu hỏi đó, các bậc phụ huynh sẽ biết cách để xây dựng được lòng tin tưởng đối với con cái. Điều đó rất quan trọng, nó mang tính quyết định đến sự thành công hay thất bại trong việc giáo dục con cái của cha mẹ. Không phải đến lúc này cha mẹ mới xây dựng lòng tin tưởng đối với con cái mà cha mẹ cần phải làm việc đó ngay từ khi con trẻ mới sinh ra. Cần phải làm cho con trẻ cảm nhận được sự yêu thương và quan tâm của cha mẹ đối với chúng. Chẳng có người cha, người mẹ nào mà không yêu thương con mình cả. Chỉ có điều, cách thể hiện tình yêu thương đối với con trẻ như thế nào mà thôi. Người thì nông nổi, nuông chiều con qua mức, con muốn gì được nấy, mọi yêu cầu của con đều được cha mẹ đáp ứng bất kể đúng sai. Người thì nghiêm khắc quá, lúc nào cũng quát mắng, đe nẹt, làm cho con không dám tiến gần đến mà nũng nụi, rồi dần dần chúng xa lánh với người thân, sống khép mình. Người thì quan niệm, dậy con là “yêu con roi cho vọt” kết quả là để lại trong trẻ sự ác cảm sâu sắc, thậm chí còn nảy sinh tâm lý chống đối, thù hận và thờ ơ, lạnh nhạt đối với cha mẹ và người thân.
 

NGÔI NHÀ HOA MƯỚP – Thơ Tịnh Bình


  


NGÔI NHÀ HOA MƯỚP
 
Chưa kịp về mùa thu hoa cúc
Thì thôi bông mướp cứ vàng phơi
Nơi thị thành ngóng hoài quê mẹ
An ủi lòng ta chớm hoa cười
 
Thèm về lại ngôi nhà thơ ấu
Giấc mơ trưa ru giấc hạ nồng
Cơn gió rụng lay vàng hoa mướp
Khẽ giật mình đôi cánh bầy ong
 
Thương ngày tuổi dại bên vườn cũ
Chim chóc reo vui tiếng hót mừng
Chị ngồi giặt áo bên thềm giếng
Từng chùm hoa nắng rắc trên lưng
 
Xin về lại ngôi nhà hoa mướp
Con ong bầu sớm nắng chiều mưa
Từng cánh mỏng phất phơ trước ngõ
Đón người xa vàng sắc hoa cười...
 
                                TỊNH BÌNH
                                  (Tây Ninh)

TẢN MẠN VỀ RƯỢU NHO (5b) - Nguyên Lạc



VI. ĐÔI ĐIỀU VỀ RƯỢU VANG TRẮNG VÀ RƯỢU VANG ĐỎ (tt)
1. Vang Trắng
(Đã đăng)
 
2. Vang đỏ
Ở phần trên, chúng ta đã sơ lược qua về vang trắng, giờ thử tìm hiểu về vang đỏ.
Mời đọc thêm trích đoạn từ các bài viết về Rượu của “đại tửu sĩ” Lão Ngoan Đồng:
 
[Trích đoạn]
Các đấng thi văn nhạc sĩ gốc Mít sính dùng từ, thường gọi bốn mùa là “xuân xanh – hạ trắng – thu vàng – đông xám”, tuy nhiên tửu sĩ Nguyễn VH ở Victoria còn văn huê hơn một bậc khi sử dụng chữ “đông tím”.
Số là tử sĩ họ Nguyễn đã yêu cầu hội chủ (chứ không phải “chủ hụi”) Hoàng Hoa Hội giới thiệu vài chai rượu “vang đỏ” đáng đồng tiền bát gạo để tửu sĩ uống trong mùa “đông tím” sắp tới.
Trả lời:
Nguyễn tửu sĩ thân mến,
Với một người thích chơi tới nơi tơi chốn, ngân sách gia đình “thặng dư” mà lại “uống thường nhưng không uống bao nhiêu” như tửu sĩ, Lão Ngoan Đồng (LNĐ) đề nghị mua các chai shiraz kha khá một chút, giá từ 30 tới 40 đô-la một chai, chẳng hạn:
– Mount Pleasant Rosehill Shiraz
– Penfolds 128
– Wolf Blass Grey Label Shiraz
– Passing Clouds Reserve Shiraz
Trường hợp muốn chơi đẹp với anh sui (cũng là dân sính vang đỏ), tửu sĩ có thể mua một trong các chai shiraz sau đây:
– Fox Creek Reserve Shiraz (khoảng $60 )
– Mount Langi Ghiran Shiraz (khoảng $60)
– Henschke Mt Edelstone Shiraz (khoảng $70-80)
Có điều LNĐ hơi thắc mắc là tại sao Nguyễn tửu sĩ hỏi về vang đỏ của Úc mà chỉ nhắc tới shiraz, không thấy nhắc tới cabernet sauvignon – một loại vang đỏ nổi tiếng khác của Úc (thường được gọi tắt là “cabernet”, hoặc có khi ngắn gọn hơn, là “cab”).
Nếu Nguyễn huynh đã uống thử mà không thích thì chẳng nói làm gì, nhưng nếu chưa uống, hoặc uống rồi mà không để ý, LNĐ xin giới thiệu đôi hàng như sau:
Theo kỹ nghệ rượu vang quốc tế, trong số hàng trăm giống nho trồng để làm rượu vang, có 6 loại được xem là quý phái (noble) nhất, gồm 3 trắng – sauvignon blanc – riesling – chardonnay, và 3 đỏ – cabernet sauvignon – merlot – pinot noir.
Tức là không có shiraz!
Sở dĩ shiraz trở thành loại vang đỏ phổ biến và nổi tiếng nhất của Úc, là vì điều kiện phong thổ của Úc thích hợp nhất với giống nho này. Từ đó, các nhà trồng nho và làm rượu vang đã tìm hiểu, rút tỉa kinh nghiệm để sản xuất những chai shiraz ngon nhất thế giới, chẳng hạn “Grange” của hãng Penfolds, chai “Platinum Label” của hãng Wolf Blass.
Nhưng ở Pháp nói riêng, các nước tây phương khác nói chung, các chai vang đỏ nổi tiếng thường làm bằng nho cabernet sauvignon. Sự khác nhau giữa vang đỏ shiraz và vang đỏ cabernet sauvignon là: trong khi shiraz có “vị” đậm đà nhất, thì cabernet sauvignon nổi bật nhờ “sắc – hương”: màu rượu đẹp hơn, và mùi rượu thơm hơn.
Nếu so sánh hai loại vang đỏ này với đàn bà con gái, LNĐ có thể viết shiraz là một người vợ đảm đang, còn cabernet sauvignon là một người vợ xinh đẹp hấp dẫn. Nếu khi lập gia đình, tùy quan niệm của mỗi người mà chúng ta sẽ ưu tiên chọn nết hay chọn sắc, thì uống rượu cũng thế.
Người nào thích nhìn ngắm màu rượu, ngửi mùi thơm của rượu trước khi uống, thì sẽ chuộng cabernet sauvignon, còn người nào cầm ly lên là uống ngay, để khoan khoái hưởng cái vị đậm đà thấm qua từng kẽ răng, thì sẽ chuộng shiraz.
Vì thế, nếu Nguyễn tửu sĩ chưa từng uống cabernet sauvignon, hoặc uống rồi mà không để ý phân biệt, nhận xét, LNĐ đề nghị tửu sĩ uống thử một số chai cabernet sauvignon được ưa chuộng trên thị trường hiện nay, như:
– Wynns Coonawarra Estate Cabernet Sauvignon ($30-35)
– Orlando St Hugo Coonawarra Cabernet Sauvignon (($30-35)
– Balnaves Coonawarra Cabernet Sauvignon (($30-35)
Hoặc “nhẹ tiền” hơn, như:
– Saltram Mamre Brook Cabernet Sauvignon (khoảng $20)
– Rosemount Estate Show Reserve Cabernet Sauvignon (khoảng $20)
– West Cape Howe Cabernet Sauvignon (khoảng $20)
– Ring-bolt Cabernet Sauvignon (khoảng $20)
Muốn thử “sắc – hương – vị” của cabernet sauvignon, nên đi chung với các món ăn sau đây: bò bí-tết, sườn cừu nướng, hoặc vịt Bắc Kinh).
                                                                                     [Hết trích]
 

KHẢO BÌNH VỀ “SỐNG CHỤ SON SAO” (BÀI 2) - Nguyễn Khôi

                      VỀ CHỮ “CHỤ” CỦA NGƯỜI THÁI
 

Cũng như nhiều Dân tộc anh em khác, người Thái quan niệm con người ta có phần XÁC và phần HỒN (Vía) - khuôn, phi khuôn, khuôn ngau.
Người ta tin rằng số phận con người phụ thuộc chặt chẽ vào quan hệ cái gọi là MINH-NÉN-KHOK:
- MINH: là mặt bằng không gian của đất (cõi trần).
- NÉN: là Trục dọc có hình tựa cây măng mọc thẳng (Nó nén), đáy NÉN ở mặt đất, còn đỉnh NÉN chạm tới không gian Trời (Then).
NÉN được coi là sinh, kiếp, số mệnh: đóng vai trò sự sống với trời và đất, giữa cái thịnh và cái suy, giữa cõi sống và cõi chết.
NÉN tốt: Người khỏe mạnh, gặp nhiều may mắn (Nén sáng: Nén hung, Nén saư).
Còn NÉN xấu là Nén mờ: người yếu ớt, tâm tính xấu, làm ăn lụn bại.
Có số phận là có duyên kiếp lứa đôi. Hợp duyên kiếp thì sẽ đạt tới hạnh phúc lý tưởng, ngược lại thì vợ chồng phải chịu số phận hẩm hiu của Minh-Nén.
Chia lìa là vứt bỏ Minh- Nén đi vào Mường Ma cõi chết). Duyên chồng vợ do “Then bày- Trời đặt”, còn tình yêu do “Lẽ Trời tạo ra” – vì thế mà Người Thái mới có cái gọi là CHỤ.

TRẬN XÍCH BÍCH - Tam Quốc Chí ngoại truyện của Chu Vương Miện



Thu xếp xong đâu đó từ lâu rồi, chỉ còn đợi quân sư điều dụng. Khổng Minh liền cùng Huyền Đức, Lưu Kỳ lên ngồi trên trướng.
Thứ nhất gọi Triệu Vân tới nhận lệnh:
Tử Long hãy mang 3000 quân mã qua sông thẳng tới con đường nhỏ Ô Lâm, tìm chỗ lau cao rừng rậm mà mai phục, cuối canh tư đêm nay Tào Tháo ắt thua chạy qua đường ấy, đợi quân nó qua được một phần, thì đốt lửa lên mà đánh ra. Tuy không giết hết được chúng, cũng giết được một nửa.
Triệu Vân hỏi lại:
- Ô Lâm có 2 con đường, một đường thông sang Nam Quận, một đường về Tương Dương Kinh Châu, không biết chúng theo đường nào?
Khổng Minh nói :
Nam Quận bị uy hiếp mạnh, ắt lúc đầu Tháo không dám về đấy, mà toan chạy về Tương Dương để thu thập bại quân rút về Hứa Xương.
Triệu Vân vâng lệnh kéo đ .
Khổng Minh gọi đến Trương Phi:
- Dục Đức hãy lĩnh 3000 quân mã qua sông chặn đường Di Lăng, cứ vào hẻm núi Hồ Lô mai phục. Tào Thao không dám chạy đường phía Bắc Di Lăng, mà chạy đường nam Di Lăng. Ngày mai khi dứt cơn mưa, ắt quân nó đến núi đào lò thổi cơm hễ thấy khói bốc lên, thì đổ ra chân núi đốt lửa mà đánh. Tuy không bắt được Tào Tháo, nhưng cái công Dục Đức cũng không phải nhỏ .
Trương Phi nhận lệnh kéo đi.

THÁNG BA – Thơ Trần Mai Ngân


     


THÁNG BA
 
Tháng Ba trời hanh nắng
Tôi về lòng héo khô
Những bông hoa Giấy đỏ
Qua đời không nấm mồ
 
Tháng Ba vầng trăng lạnh
Soi sáng nỗi buồn tôi
Ngày mai hay mốt nữa
Cũng mãi sầu không thôi
 
Tháng Ba băng qua sóng
Một mình và một mình
Rát mắt môi ướt mặt
Cầu trời thôi điêu linh
 
Tháng Ba ơi, tháng Ba
Ngửa mặt muốn hét la
Cho tan trời vỡ đất
Đau chất ngất con tim
 
Nhưng thôi. Đành! Lặng im
Tháng Ba tôi chết chìm
Xác hồn trôi cô miên
Giỗ tôi tờ lịch khóc!
 
Trần Mai Ngân