BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2019

BÔNG QUỲ - Tùy bút của Hoàng Long Hải


     


     BÔNG QUỲ
      Tùy bút của Hoàng Long Hải

       Cuối con đường đi về nhà ngoại tôi, gần ngã ba gặp đường Cửa Hậu, có một cây cầu đúc bằng xi-măng. Bên dưới cầu là một con hói khá lớn, nối từ bốn cái hồ chung quanh Thành Cổ Quảng Trị với sông Thạch Hãn. Mỗi năm, khi tới mùa lũ, theo thời tiết ở miền Trung thì “Tháng Bảy nước nhảy lên bờ”, nước nguồn đổ về tràn lên hai bờ sông thì nước sông cũng theo con hói nầy mà vào các hồ chung quanh thành cổ. Nước hồ lên cao.

        Ngược lại, vào mùa hè, nước sông rất cạn, bờ các hồ và con hói bày ra gần hết, cỏ xanh mọc lên, cây dại cũng lên đầy, hoa dại nở ra, rất nhiều loại, nhiều nhất là hoa hổ ngươi.
        Bờ hói sát chân cầu đúc trên đường về nhà ngoại tôi, có một đám Bông Quỳ lớn bằng sân bóng chuyền. Những đóa bông vàng chen chúc nhau, vươn cao lên, làm như bông nào cũng gắng đón nhận một chút ánh sáng mặt trời. Màu vàng rực rỡ lôi cuốn tôi dữ lắm nên mỗi khi về thăm ngoại, đi ngang cầu, tôi dừng lại ở đoạn giữa, nơi thành cầu làm bằng sắt, không xây gạch như ở hai đầu, để tôi có thể nhìn rõ hàng trăm đóa Bông Quỳ nở rộ ở dưới kia.
       Hồi đó, có lẽ tôi mới ba, bốn tuổi, nên khi tôi đứng sát thành cầu, thường bị mẹ hay chị gọi giựt lui, không cho tôi đứng sát thành cầu, sợ tôi bị té xuống hói.
      Thích coi bông quỳ, lại bị ngăn cản, việc ấy làm cho
thời thơ ấu của tôi in lại trong lòng một ấn tượng khó quên.
       Những ngày cúng kỵ, cậu (thân phụ tôi) thường sai anh tôi sang “Nhà Giây Thép” ở bên cạnh xin một ít Phượng Tây để chưng trên bàn thờ. Không mấy khi người ta dâng cúng bằng Phượng Ta, cũng như không chưng Bông Quỳ trên bàn thờ bao giờ.
       Sau biến cố chiến tranh đầu năm Đinh Hợi (1947), gia đình tôi “chạy tản cư” khỏi thành phố. Hai năm sau, “hồi cư”, bà ngoại tôi qua đời, nhà bà ngoại bị Tây đốt. Trong khu vườn cũ nhà ngoại, mẹ tôi dựng một ngôi nhà tranh. Nhà nầy, ngó ra con hói cũ, nhưng phía đầu cầu đúc, đám Bông Quỳ cũng không còn. Chiến tranh cũng tàn phá luôn cả những cây bông dại mà tôi yêu mến?! Rồi tới những ngày hè, không thấy những bông hoa vàng ngày cũ, lòng tôi vướng vất tiếc nuối một nỗi buồn về một đám bông dại qua rồi bên bờ hói nay đã không còn
       Hồi ấy, tôi chỉ thấy tiếc cho những bông hoa ấy, không có gì khác.
       Nhưng rồi một hôm, mở cuốn “Chinh Phụ Ngâm” do cụ Vân Bình Tôn Thất Lương chú giải, đọc tới câu:

                 Hướng dương lòng thiếp như hoa,
                 Lòng chàng lẩn thẩn e tà bóng dương.

                 Bóng dương để hoa vàng chẳng đoái,
                 Hoa để vàng bởi tại bóng dương.
                 Hoa vàng hoa rụng quanh tường,
                 Trải xem hoa rụng đêm sương mấy lần.

         Cái tên nôm na của quê tôi là “Bông Quỳ” thì trong văn chương, nó có một cái tên văn vẻ hay hơn: “Hoa Hướng Dương”.
       Ca dao có câu:
                      
              “Lòng em như hoa hướng dương,
               Trăm nghìn đổ lại một phương mặt trời!”

      Tại sao Bông Quỳ có tên là “Hướng Dương”.
      Hoa Hướng Dương buổi sáng nghiêng về phía mặt trời mọc, phía Đông; buổi chiều, đóa hoa nghiêng về phía Tây, phía mặt trời lặn. Nó có nghĩa rằng suốt ngày, mặt đóa hoa bao giờ cũng “Hướng” tới mặt trời (Dương).
      Theo ý nghĩa của người Tầu xưa thì mặt trời tượng trưng cho vua, hoa là thần tử. Thần tử bao giờ cũng hướng về vua, phụng sự vua, hy sinh vì vua để giữ lòng trung: “Quân khiến thần tử, thần bất tử bất trung”. Đó là “tư tưởng phong kiến” ràng buộc quan, quân, dân chúng, để ngai vàng vua được vững bền.
      Trong văn chương Việt Nam cổ, tôi chưa tìm được một câu ca dao, hay thơ văn nào nói rằng vua là mặt trời mà hoa hướng dương là thần tử. Câu thơ Bà Đoàn Thị Điểm trích dẫn ở trên nói lên tấm lòng của người vợ, hướng về người chồng đi đánh giặc ở xa: “Hướng dương lòng thiếp như hoa”, nôm na là lòng người chinh phụ như hoa hướng dương mà lòng chàng thì lẩn thẩn e tà bóng dương. Bóng dương là bóng mặt trời, là người chồng!
     Trong ý nghĩa đó, hoa Hướng Dương tượng trưng cho người vợ; Mặt Trời, gọi là Dương, tượng trưng cho người chồng. Hoa Hướng Dương và mặt trời như trong câu ca dao của người Việt Nam “Trăm nghìn đổ lại một phương mặt trời” là muốn nói lên lòng Yêu Thương và Chung Thủy, về phía người đàn bà, chinh phụ, là người Vợ.
     Trong thực tế, trong cuộc đời, chúng ta, người vợ cũng như người chồng, có giữ được lòng chung thủy với nhau không? E rằng không, vì bấy lâu nay, từ khi tôi khôn lớn, chiến tranh lan tràn, dữ dội, gây nên bao nhiêu cảnh chia lìa, ly tán, chết chóc, đau khổ, người ở nhà, người đi xa, khó giữ được lòng chung thủy với nhau như trong câu ca dao.
      Ngay trong thời bình, đời sống tương đối yên ổn, người ta còn không giữ được lòng chung thủy với nhau nữa là!
      Trong bài thơ “Hai Lòng”, Nguyễn Bính than thở:

            Lòng em như quán bán hàng
            Dừng chân cho khách qua đàng mà thôi.
            Lòng anh như mảng bè trôi
            Chỉ về một bến chỉ xuôi một chiều.

            Lòng anh như biển sóng cồn
            Chứa muôn con nước nghìn con sông dài
            Lòng em như thể lá khoai
            Đổ bao nhiêu nước ra ngoài bấy nhiêu

            Lòng anh như hoa hướng dương
            Trăm nghìn đổ lại một phương mặt trời.
            Lòng em như cái con thoi
            Thay bao nhiêu suốt mà thoi vẫn lành!
                                                         1940

     Nguyễn Bính tự ví ông là người chung thủy, còn người đàn bà, người tình hay người vợ, không giữ được tấm lòng như thế
      Ông là mảng bè, trôi theo một dòng, về một bến sông. Còn em như một quán hàng, ai đến ai đi, chẳng được.
      Lòng anh như biển, bao nhiêu nước cũng đổ về đấy, chỉ một nơi mà thôi. Lòng em như ngọn lá khoai, chẳng bao giờ “đọng” lại một giọt nước nào! Không một tình yêu nào còn lại ở lòng em. Phải chăng em chẳng yêu thương ai bao giờ!
     Rồi ông mượn câu cao dao để nói lên tấm lòng của ông, nhưng đổi ngược vai trò. Anh là hoa hướng dương mà em là mặt trời!
     Việc yêu thương nhưng thiếu chung thủy thường là chuyện buồn. Tản Đà trong bài thơ “Ngọn Gió Thu Phong”, ông viết như sau:

           Trận gió thu phong rụng lá vàng
           Lá rơi hàng xóm, lá bay sang
           Vàng bay mấy lá năm già nửa
           Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng!

           Trận gió thu phong rụng lá hồng
           Lá bay tường bắc, lá sang đông
           Hồng bay mấy lá năm hồ hết
           Thơ thẩn kìa ai vẫn đứng không!

      Phụ nhau là vì “hờ hững” hay có chủ ý, hay tình đã cạn rồi. Ở đời, người ta phụ nhau là vì tình không còn, lòng người “hờ hững”.
     Trong bài hát “Hoa Trinh Nữ”, người Nam gọi là “Cây Mắc Cở”, xứ tôi gọi là “Bông Hổ Ngươi”, Trần Thiện Thanh so sánh loài “hoa đơn sơ” nầy với Dạ Lý, với Hoa Hồng. Hồng thì kiêu sa. Dạ lý thì bán buôn. Đêm đêm “bán hương thơm trong vườn”. Dùng chữ “bán hương thơm” thì có khác chi ví Dạ Lý với cô gái làng chơi.
      Bông Quỳ không có gai như bông hồng. Phải có gai để gai giữ cho bông không bị côn trùng tàn phá, không phải để ngăn cản người hái hoa. Ai hái hoa mà bị gai đâm chảy máu là người vụng về. Hoa đẹp thường có gai, như hoa hồng. Phan Khôi nói: “Không hoa chỉ có gai mà ai chơi. Ta thương hồng lắm hồng ơi.”
       Trong tác phẩm “Le petit prince”, tác giả, Saint-Exupéry viết về một loài hoa có gai:
        “Ngày thứ năm, vẫn là nhờ ở con cừu, tôi biết được cái bí mật ấy trong cuộc đời ông hoàng bé nhỏ. Bất ngờ em hỏi tôi, không cần mào đầu, y như đó là kết quả của một vấn đề được âm thầm suy nghĩ từ lâu rồi:
      - Một con cừu, nếu nó ăn cây non, tất nó cũng ăn hoa chứ?
      - Cừu thì gặp cái gì nó ăn cái ấy.
       - Cả những bông hoa có gai ư?
       - Phải. Cả những bông hoa có gai.
       - Thế thì gai dùng để làm gì nào?
   Tôi không biết. Tôi bấy giờ đang bận tháo một đinh ốc vặn quá chặt trong động cơ của tôi. Tôi đã rất lo lắng vì thấy cái máy có vẻ hỏng nặng lắm, mà nước uống thì cạn dần làm cho tôi sợ xảy ra điều tệ hại nhất.
  -   Những cái gai, chúng dùng để làm gì?
    Ông hoàng nhỏ không bao giờ chịu bỏ một câu hỏi, một khi đã nói ra. Tôi thì đang bực quá với cái đinh ốc, và tôi trả lời bừa:
      - Gai, nó chẳng dùng được vào việc gì sất. Nó chỉ là cái tính độc ác của hoa thôi!
       - Ồ!
   Nhưng sau một lát im lặng em kêu lên một cách giận dỗi:
      - Tôi không tin! Loài hoa yếu đuối lắm. Chúng ngây thơ lắm.      Chúng cố tự làm cho chúng được vững tâm. Chúng cho là với những cái gai, chúng đã ghê gớm lắm...   Tôi không trả lời gì cả. Lúc ấy, tôi tự nhủ: “Cái đinh ốc này mà còn ngoan cố, ông sẽ cho mày một búa văng xương.”
    Ông hoàng nhỏ lại làm sao lãng những suy nghĩ của tôi:
         - Còn ông, ông tưởng rằng hoa...
         - Không! Không! Tôi có tưởng gì đâu! Tôi trả lời đại thế thôi.       Tôi đang bận những việc hệ trọng!
     Cậu nhìn tôi ngạc nhiên:
        - Những việc hệ trọng!
    Cậu em nhìn thấy tôi tay cầm búa, các ngón đen thui vì dầu máy, cúi xuống một vật mà em xem ra thật là xấu xí.
       - Ông nói như các người lớn ấy!
    Câu ấy làm tôi hơi xấu hổ. Nhưng không thương xót, em nói thêm:
        - Ông lẫn lộn hết... ông xáo trộn hết!
    Cậu em thực sự bực tức. Mái tóc của em vàng xoã tung ra trước gió:
        - Tôi biết có một tinh cầu, trên đó có một ông mặt mũi đỏ gay. Ông ta không hề ngửi một bông hoa. Không hề ngắm một vì sao. Không hề yêu một người nào. Ông ta chẳng bao giờ làm cái gì khác những bài tính cộng. Và suốt ngày ông ta cứ lặp đi lặp lại như ông: “Tôi là một người đúng đắn! Tôi là một người đúng đắn!”, và cái đó làm ông ta vênh vang hợm hĩnh. Nhưng ông ta đâu có phải là người, ông ta là một cái nấm!
         - Một cái gì?
         - Một cái nấm!
    Ông hoàng bé nhỏ lúc này tái xanh vì giận.
         - Đã hàng triệu năm nay, hoa làm ra gai. Hàng triệu năm nay, cừu vẫn cứ ăn hoa. Vậy mà tìm hiểu xem vì sao hoa lại cứ khổ sở làm ra những cái gai vô tích sự ấy, lại là chuyện không đúng đắn hay sao? Chiến tranh giữa cừu và hoa là chuyện không quan trọng hay sao? Không đúng đắn hơn, không quan trọng hơn những bài tính cộng của một cái ông to tướng mặt mũi đỏ gay hay sao? Và nếu như tôi, tôi biết một cái hoa duy nhất trên đời không có ở đâu ngoài tinh cầu của tôi, thế mà một con cừu nhỏ có thể hủy hoại nó bằng cách táp một cái mà thôi, vào một buổi sáng nào đó, mà không hề biết là mình vừa làm cái gì, chuyện đó không quan trọng hay sao!
    Em đỏ mặt rồi nói tiếp:
       - Khi một người yêu một đoá hoa duy nhất trong hàng triệu triệu ngôi sao, thì chỉ nhìn những ngôi sao là đủ làm cho anh ta hạnh phúc. Anh ta nghĩ: “Đoá hoa của mình ở đâu đó trên kia...” Nhưng nếu con cừu mà ăn đoá hoa đi, thì anh ta sẽ thấy như là tất cả các ngôi sao tự nhiên tắt lịm! Và chuyện đó không quan trọng hay sao! (chương 7)

       Bông Quỳ không có gai. Giữa là nhụy vàng lớn. Chung quanh là những cánh hoa màu xanh nhỏ, trông giống như mấy cái lá mọc đều quanh nhụy hoa. Cuống hoa mềm, loại thân thảo nên bông hoa có thể ngoảnh qua đông buổi sáng, nhìn thẳng lên mặt trời vào buổi trưa, rồi ngoảnh về tây vào buổi chiều. Khi mặt trời sắp lặn, trông hoa có vẻ buồn, không tươi và đẫm sương như khi mặt trời mới lên.

       Buổi chiều thường buồn. Tôi từng trải qua nhiều buổi chiều buồn ngồi bên bờ sông Thạch Hãn, nhìn mặt trời chìm xuống sau dãy Trường Sơn hùng vĩ. Tôi buồn một cách tự nhiên, vì tuổi thiếu niên nhiều mơ mộng, không phải vì “Chiều ơi hãy xuống thăm ta với…” hay “Chiều lên dần dần, chiều không xuống…” Tôi không cảm nhận được sự tàn tạ của thời gian, hay buổi chiều là phần cuối của một ngày, như phần cuối của một đời người. Tôi còn trẻ, tôi không bi lụy vì cuộc đời dài hay ngắn, qua nhanh hay qua chậm. Nhưng những Bông Quỳ trông có vẻ buồn, như tôi nhận xét là vì gì? Vì người chồng đi xa lâu chưa về, làm cho người vợ mòn mỏi chờ chồng đó hay chăng? Cũng như “Đá Vọng Phu” đó chăng? Nếu đời như thế thì đời đáng buồn thật.

         Mùa Hè năm 1972, sau khi bị đổi về Gò Công, vài tuần một lần tôi về Saigon thăm gia đình. Đầu tuần, tôi trở lại đơn vị.

         Qua khỏi “bót” Cảnh Sát Ký Thu Ôn, ngay ranh giới Quận 6 với quận Cần Giuộc tỉnh Long An, tôi thẳng “ga” cho chiếc xe Honda Dame thẳng một lèo trên Liên Tỉnh Lộ 81 (tên cũ trước 1975) về “bắc” Cầu Nổi. Con đường không “ngon lành” như bây giờ - tên mới là Quốc Lộ 50 -, cũng đủ cho tôi vui “đường trường xa” cho một ngày đầu tuần. Qua khỏi “Thánh thất Cao Đài” Cần Giuộc bên tay trái, tôi vào đị phần quận Cần Đước. Tên thì nôm na như vậy, nhưng đây là “vùng lịch sử”, nơi quân của Trương Định cầm gậy tầm vông đánh nhau với bọn Tây mấy lần bất phân thắng bại. Trong “Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc”, Nguyễn Đình Chiểu viết:

. . . . . . . .
            “Khá thương thay
Vốn chẳng phải quân cơ, quân vệ, theo giòng ở lính diễn binh;
Chẳng qua là dân ấp, dân làng, mến nghĩa làm quân chiêu mộ
Mười tám ban võ nghệ, nào đợi tập rèn;
Chín chục trận binh thư, không chờ bài bố.
Ngoài cật có một manh áo vải, nào đợi mang bao tấu, bao ngòi,
Trong tay dùng một ngọn tầm vông, chi nài sắm dao tu, nón gỗ.
Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia;
Gươm đeo dùng một ngọn dao phay, cũng chém đặng đầu quan hai nọ
Chi nhọc quan Quản gióng trống kỳ trống giục, đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không.
Mặc kệ thằng Tây bắn đạn nhỏ, đạn to, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có.
Kẻ đâm ngang, người chém dọc, làm cho mả tà, mả ái hồn kinh.
Bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu thiếc, tàu đồng súng nổ.

Những lăm lòng nghĩa sau dùng, đâu biết xác phàm vội bỏ.
Một chắc sa trường rằng chữ hạnh, nào hay da ngựa bọc thây;

Trăm năm âm phủ ấy chữ quy, xá đợi gươm hùm treo mộ
Đoái sông Cần Giuộc, cỏ cây mấy dặm sầu giăng;
. . . . . .

       Vốn là thầy dạy sử, đi qua những vùng “địa linh nhân kiệt”, tôi thường có lònh kính trọng những người “vị quốc vong thân”. Huống chi đây là nơi cụ Nguyễn Đình Chiểu từng:

                “Nhớ linh xưa,
                 Côi cút làm ăn
                 Riêng lo nghèo khổ

rồi vì Vua, vì Nước, những nông dân chân lấm tay bùn đã đứng lên.

        Nhưng tôi chợt thấy những “bông hoa ngày cũ” như một niềm vui rộn rã bừng dậy trong lòng tôi. Nhiều bông hoa Quỳ nở ra rất sáng rõ, hướng về phía Đông - phía con đường tôi đang đi.

        Bông Quỳ ở đây lớn lắm, bằng cái dĩa bàn lớn, không như Bông Quỳ ở quê tôi, khi tôi còn nhỏ, chỉ to bằng cái dĩa trà. Rồi những câu thơ cũ, những “hướng dương lòng thiếp như hoa” làm tôi rộn ràng nhớ tới những ngày cầm phấn bảng đứng trên bục giảng, giảng cho học trò về một loài hoa chung thủy, “trăm nghìn đổ lại một phương mặt trời.”

        Không tránh khỏi tính yêu thích và tò mò, một hôm, tôi dừng xe lại bên đường, đi vào một ngôi nhà tranh bên đường, hỏi chủ nhà: “Sao Bông Quỳ để to vậy mà không hái?” Ông già chủ nhà trả lời: “Để lấy hột bán! Hột Bông Quỳ béo không thua gì đậu phụng!”

       Tôi bỗng thấy buồn. Tôi đã từng vài lần cắn hột Bông Quỳ. Nhưng dù nó có béo có thơm như thế nào, cũng không thơm, béo bằng lòng chung thủy của người với người!

       Có phải tôi không phải là người thực dụng như… người Mỹ.

       Nơi xa xôi nầy, không ít lần tôi nhớ quê cũ, dĩ nhiên, tôi không thể không nhớ những Bông Quỳ thời thơ ấu của tôi. Đôi khi tôi quên mất ý nghĩa chung thủy của nó. Trong cuộc chinh chiến tàn bạo nầy, nhắc chi chuyện chung thủy với thủy chung cho thêm đau vì đời. Quảng Trị thì tôi vẫn nhớ, và cũng nhớ Liên Tỉnh Lộ 81 có những Bông Quỳ rất to làm tôi thích thú một thời.

       Những gì chúng ta yêu mến rồi cũng mất, dù chỉ là một đám Bông Quỳ bên bờ con hói nhỏ, hay những Bông Quỳ rất lớn ở Cầm Giuộc, Cần Đước mà một thời tôi đã đi qua.

       Nhưng quê hương thì còn đó, ít nhất là Quảng Trị, ít nhất là của Trần Quang Lộc qua bài hát “Về đây nghe em” vì nhạc sĩ cùng quê với tôi. Tôi không mơ như nhạc sĩ, về quê hương để đi “đi guốc mộc”, “kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai”, mà tôi rất muốn “nghe lại tiếng xưa”, khi ngồi bên bờ sông Thạch Hãn mà tưởng như “Chở hồn người vào dòng suối mát” với nỗi niềm thiết tha.

       Một mai tôi qua đời, tôi sẽ dặn các con hãy đặt lên quan tài một đóa Bông Quỳ mà không cờ xí gì cả. Tôi muốn nhắc cho kẻ đi sau nhớ rằng tôi đã tìm lại tuổi thơ ấu của tôi, và giữ lòng chung thủy với đời, mặc dù Trần quang Lộc không nhắc lại một đóa hoa nào trong bài hát của ông.

      Không lẽ Quảng Trị chỉ có khoai sắn mà không có hoa?! Có lẽ ông cũng biết rằng khi bông hoa dâng cao lên thì “hận thù người người lắng xuống.” như ông từng hy vọng./

                                                                            Hoàng Long Hải
                                                                            Worcester MASS
                                                                              Lập xuân 2019

Không có nhận xét nào: