Ông
Dương Ngọc Dũng - tiến sĩ tôn giáo học
Nhân dịp đọc cuốn Đối Thoại Với Giáo Hoàng Phaolô II
do nhóm Giao Điểm biên soạn và xuất bản (1995, Hoa Kỳ), tôi cảm thấy cần phải
viết để phê phán tất cả những sai lầm nghiêm trọng đầy rẫy trong một tác phẩm đối
thoại với Đức Giáo Hoàng được tiến hành do những người có bằng cấp Ph.D (tiến
sĩ) và tự nhận có trách nhiệm phải bênh vực cho Phật Giáo. Những tác giả này chỉ
trích sự hiểu biết về Phật Giáo của Đức Giáo Hoàng và nhận định, phê phán toàn
bộ triết học tư tưởng Thiên Chúa Giáo một cách ngây thơ nông cạn (có nghĩa là họ
lại làm đúng cái công việc mà họ chỉ trích nơi Giáo Hoàng). Ngay cái tựa đề
"Đối Thoại" cũng đã sai lầm vì các trí thức Phật Giáo trong nhóm Giao
Điểm (ngoại trừ một vài tác giả thực sự có ý định đối thoại) chỉ làm một việc
là công kích Thiên Chúa Giáo một cách phiến diện, nông nổi chứ không hề có ý muốn
đối thoại trong tinh thần bao dung tôn giáo. Một tác giả trong tuyển tập nói
trên (Hoàng Hà Thanh) thậm chí lên giọng chưởi bới Giáo Hoàng là "bố láo.
Nói xàm". (sđd:158).
Như vậy làm sao có thể là đối thoại tôn giáo trong khi
tất cả các trí thức Phật Giáo này đều tự cho là "hiểu" đạo Phật là đạo
hiền hòa, từ bi, không sân si, tranh chấp với ai? Vậy thì tức giận vì sự hiểu lầm
của một người thuộc về một tôn giáo khác thì có đúng với tinh thần đạo Phật hay
không? Tại sao một người Thiên Chúa Giáo lại có bổn phận phải nghiên cứu tìm hiểu
Đạo Phật? Tại sao các trí thức này không tự hỏi cái mà mình hiểu về Thiên Chúa
Giáo như vậy có đúng là công bằng hay không? Tại sao tôi lại phải tìm hiểu biết,
học Phật Giáo trong khi chuyên môn của tôi là thần học Thiên Chúa Giáo? Nếu
Giáo Hoàng trả lời như thế thì các tác giả trường phái Giao Điểm nói sao?
Vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn khi chúng ta đọc đến
những điều các tác giả viết về Phật Giáo thì mới ngã ngửa ra là ngay cả những
người có bằng cấp đầy mình này cũng hiểu biết Phật Giáo một cách hết sức thô
thiển. Đặc biệt là tác giả Hoàng Hà Thanh hoàn toàn chẳng hiểu biết gì cả về thần
học Thiên Chúa Giáo và chỉ có những kiến thức mù mờ sai lạc về tư tưởng Phật
Giáo nhưng trong bài viết lại có thái độ ngông cuồng ra vẻ ta đây thông thạo
kinh đíển, siêu quán cổ kim, khoe khoang lố bịch "tôi vừa đọc xong hai cuốn
Apology của Plato và Xenophon (tác giả viết sai thành "Zenephon"),
tôi phải viết bài này nên tôi tạm ngưng đọc The Clouds của Aristophanes (tác giả
viết sai thành "Aristophane") (sđd:176).
Tác phẩm "The
Clouds" là một hài kịch Hi Lạp chế diễu Socrates, còn Apology của cả
hai tác giả Plato và Xenophon thì bênh vực cho Socrates. Vậy thì có liên quan
gì tới Thiên Chúa Giáo hay Phật Giáo? Tác giả Hoàng Hà Thanh "thông
thái" đến nỗi tự dịch Phật Bà Quan Âm ra tiếng Nhật là "Canon"
và còn chú thích thêm đây là tên hiệu một loại máy ánh (sđd:167). Nhật đọc là
"KANNON" (Quan Thế Âm) chứ chưa bao giờ là "CANON" cả. Đã
khoe khoang "kiến thức" như vậy rồi mà tác giả lại còn "ca"
bài ca "khiêm tốn giả tạo": "Kiến
thức của tôi chỉ như cọng cỏ bên khe suối" (sđd:176). Nếu tự thấy là
kiến thức thấp lè tè như vậy thì viết bài khảo cứu để làm phiền người khác làm
gì? Đó là chưa kể những đoạn thêm thắt tiếng Anh một cách lố lăng trong bài một
cách không cần thiết ("Zen
thinking" là cái gì khó đến nỗi không thể dịch ra tiếng Việt? Còn "tội tổ tông" có ông linh mục
Mỹ nào gọi là "father's sin"
đâu, trong khi ai cũng biết phải dịch là "original
sin").
Còn tác giả Lý Khôi Việt thì đem hẳn sách dịch của người
khác (quyển Đức Phật và Phật Pháp của Narada Thera do Phạm Kim Khánh dịch với đầy
sai lầm sơ đẳng) chép vào bài mình, phạm tội đạo văn một cách trơ trẽn (sđd:
trang 67 từ câu "Ngài nhập Đại Bi Định
...." cho đến " .... tế độ
ai" là chép nguyên văn trong cuốn sách dịch của Phạm Kim Khánh xuất bản
năm 197l, tr. 207). Vậy mà Lý Khôi Việt lên giọng khinh miệt kiến thức của Đức
Giáo Hoàng là "sơ đẳng, giản lược,
sai lạc một cách rất căn bản" (sđd:63). Còn mình thì trích dẫn (mà
không thừa nhận) từ một cuốn sách cũng sơ đẳng về Phật Giáo chắc là cao kỳ hơn
chăng?
Tôi viết những bài này để phê bình sự hiểu biết về Phật
Giáo và tôn giáo học nói chung của những người tự nhận là trí thức Phật Giáo.
Tác phẩm này có những tác hại nguy hiểm khi tạo cho những người không chuyên
môn trong lãnh vực Phật học và tôn giáo học có cảm giác họ đang lắng nghe các
chuyên gia trong ngành Phật Giáo trình bày và biện luận cho giáo lý Phật. Tình
hình học Phật trong nhiều năm qua vốn đã tang thương rách nát với các luận điệu
của Nhất Hạnh cứ mãi nhấn mạnh vào Thiền Tông theo quan điểm của D.T.Suzuki như
thể Thiền là tinh hoa của Phật giáo trong khi thâm ý của Suzuki muốn nói "Zen là tinh hoa của văn hóa Phật Giáo
Nhật Bản" mà thôi (đọc bài Robert Sharp viết về Suzuki trong The
Curators of the Buddha, Donald Lopez biên tập, 1996) nếu cộng thêm sự hò hét
bát nháo của nhóm Giao Điểm thì không biết tương lai còn sẽ rách nát đến như thế
nào trong một niềm tự kiêu kỳ quặc: "Phật
Giáo là nhất, đặc biệt là Thiền Tông, bất lập văn tự, vô ngôn, vô niệm, mọi tư
duy khác đều là cỏ rác".
Vậy lập trường của bài phê bình này là gì? Bênh vực
cho Thiên Chúa Giáo? Không có gì khôi hài đối với tôi bằng việc bênh vực cho
các niềm tin tôn giáo của mình bằng cách chưởi rủa bôi bác một tôn giáo khác. Mục
đích của tôi, với tư cách là người nghiên cứu Phật học, đơn thuần là vấn đề học
thuật. Trước khi bênh vực Phật Giáo một cách đúng đắn để tiến hành một cuộc
song thoại tôn giáo nghiêm nghị, chúng ta phải có hiểu biết đầy đủ về Phật Giáo
và cả tôn giáo mà mình muốn xây dựng đối thoại.
Những triết gia Nhật Bản, những thiền sư thật sự,
trong nhóm Kyoto như Nishida Kitaro, Shizuteru Ueda, Nishitani Keiji, đều có những
nỗ lực nghíêm chỉnh để tìm hiểu thần học Thiên Chúa Giáo. Đại học Hawaii có hẵn
một tạp chí chuyên san về đối thoại Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo ("The Journal of Buddhist-Christian Dialogue").
Người Mỹ không coi bất cứ tôn giáo nào là quốc giáo của họ, nhưng họ quan tâm đến
vấn đề đối thoại một cách nghiêm chỉnh (đọc Steve Odin, Donald Mitchell) chứ
không khởi đầu đối thoại bằng cách chưởi bới đối phương, tranh luận bằng cách
xuyên tạc, lẫn lộn mọi sự kiện, thái độ ngang hiên, hống hách, tình cảm sướt nướt
cải lương ("tôi tắt đèn đi ngủ. Vừa
nằm xuống. Nước mắt chợt ứa ra", Nguyễn Tử Đóa, "Đạo Phật Trong Mắt Tôi", sđd:368). Tự nhiên sao lại
"nước mắt ứa ra"? Chỉ vì
ngâm mấy câu thơ rẻ tiền của Tuệ Sĩ? Có liên quan gì đến đối thoại tôn giáo? Tại
sao phần trên đang trình bày giáo lý Phật Giáo, phần dưới lại đệm thêm nước mắt
vào làm gì ? Có khác gì một giáo sư sau khi giảng xong thuyết tương đối
Einstein lại kết thúc bằng cách ca tụng Chế Linh? Mấy câu thơ của Tuệ Sĩ là
tinh hoa của giáo lý Phật Giáo hay sao?
Khoe khoang trí thức, bằng cấp một cách lố lăng trong
khi vẫn nấp sau những lời lẽ khiêm tốn, nhún nhường giả tạo. Nói tóm lại, trong
tất cả các tác giả tự nhận là trí thức Phật Giáo thuộc nhóm Giao Điểm, mở cả
trường dạy Phật học Lý Trần, kể cả giáo sư Minh Chi thuộc trường cao cấp Phật học
trong nước, không một ai có bằng cấp hay chứng minh thư cho thấy được đào tạo
trong ngành Phật học. Không một ai trong nhóm toàn "Ph.D" này biết một
ngôn ngữ Phật Giáo nào (Sanskrit, Pali, Tây Tạng, Mông Cổ, Mãn Châu, Hán cổ,
Triều Tiên hay Nhật Bản) hay một ngôn ngữ thần học Thiên Chúa Giáo ( Hy Lạp, La
Tinh, Do Thái cổ, Đức,… ) nào, vậy mà đủ can đảm viết về cả hai tôn giáo có
truyền thống lớn vào bậc nhất trong lịch sử nhân loại. Đòi đối chiếu, đối thoại
mà không hề học qua tôn giáo học tỷ giáo (comparative religion), hiện tượng học
tôn giáo (phenomenology of religion), xã hội học tôn giáo (sociology of
religion) và thông thích luận (hermeneutics), nói chung là mù tịt về phương
pháp luận tôn giáo học, thì sự đối chiếu và so sánh sẽ diễn ra trên cơ sở nào?
Đâu phải chúng ta chỉ dựa vào một bản dịch vớ vẩn nào đấy bằng tiếng Việt viết
về Phật Giáo cũ rích từ mấy chục năm, thì tự cho là đã quán thông đạo Phật và
có quyền chê bai kẻ khác là dốt nát, không hiểu triết lý đạo Phật?
Điều nghịch lý đáng nói nhất chính là ở điểm, một mặt
chúng ta khẳng định rằng Phật Giáo là một tôn giáo rất cao siêu về mặt tư tưởng
triết học, một mặt khác không bao giờ chúng ta hy sinh thì giờ và tiền bạc của
bản thân để học hành, nghiên cứu đàng hoàng về Phật Giáo. Tôn kính, say mê triết
học Phật Giáo thì phải bỏ công nghiên cứu về Phật Giáo một cách nghiêm túc. Bác
sĩ Nguyễn Văn Thọ khi còn ở Việt Nam là thuộc tôn giáo Cao Đài - (chỉ lo cổ võ
cho Đạo Giáo và tam giáo đồng nguyên, một khái niệm tưởng tượng chưa hề có
trong thực tế lịch sử Trung Quốc và Việt Nam) - nay đột nhiên biến thành một
trí thức Phật Giáo, giống như kỹ sư Nguyễn Đăng Thục vẫn là thần tượng của bao
nhiêu "trí thức Phật Giáo" khác trong nhóm Giao Điểm(1).
Người duy nhất trong cộng đồng Việt Nam tại Mỹ có bằng
tiến sĩ Phật Học (đại học Harvard) là tác giả Như Hạnh thì lại bị Trần Chung Ngọc
thuộc nhóm Giao Điểm lên giọng dè bĩu là "chưa
bao giờ thực hành Phật Pháp, "khẩu Thiền", "chưa tiêu hóa được cái học khoa cử". ("Ý Nghĩa và
Vai Trò Trí Thức Trong Phật Giáo", Giao Điểm, số 22, tháng 3, năm 1996). Sự
nghịch lý này cũng giống anh một anh thợ điện lên tiếng chỉ trích trình dộ hiểu
biết vật lý của Einstein, hay Phạm Duy lại đi chê bai nhạc lý của Beethoven. Cần
phải biện biệt rõ sở thích và học thuật. Anh có quyền thích Chế Linh, tôi có
quyền thích cải lương. Anh theo Phật Giáo, tôi theo đạo Dừa. Nhưng một khi anh
tiến hành phê phán sở thích, tôn giáo của người khác, anh đã bước vào vấn đề học
thuật, tự biện, tranh luận, và không có quyền gán chữ "hí luận" cho người khác để che đậy mặc cảm thiếu tri thức
của mình. Đây là một thái độ mù ám mà tôi thấy rất nhiều "trí thức" trong cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại vướng
phải. Học hành nghiên cứu giáo lý Phật thì không ra gì, có người học hành
nghiêm chỉnh hẳn hoi thì lại ra sức bôi bác, dè bĩu, cho là nệ tinh thần khoa cử.
Còn các "trí thức" trong
nhóm Giao Điểm khoe nhặng bằng cấp (ai cũng cẩn thận chua thêm hai chữ Ph.D vào
sau tên mình, trong khi chẳng có gì cho thấy là trình độ của các trí thức này
qua nổi ngưỡg cửa B.A.) chẳng phải là "nệ
khoa cử" thì "nệ"
cái gì?
Đã mê tín bằng cấp đến mức độ đâm ra thù ghét những
người có bằng cấp như vậy mà lại tự cho là thông suốt giáo lý vi diệu của Đức
Phật, một giáo lý mà chính họ giải thích là "giáo
ngoại biệt truyền, bất lập văn tự". Thật ra chắng có tôn giáo nào lắm
văn tự như Phật Giáo, kinh điển thì vô số, ngôn ngữ chép kinh rất đa dạng, một
nhà nghiên cứu Phật Học ngày nay phải nỗ lực gấp ba, gấp bốn lần các nhà chuyên
môn trong các lãnh vực khoa học nhân văn xã hội khác, vì phải học các cổ ngữ
như Phạn văn, Pali, Tây Tạng, Hán cổ, Mông Cổ, Mãn Châu, Khotaese, các sinh ngữ
như Nhật Bản, Triều Tiên. Không thể nào chỉ tự đắc với bốn câu kệ Thiền Tông rồi
cho phép mình khinh bỉ những học giả suốt đời cắm cúi nghiên cứu kinh điển Phật
Giáo là "buôn bán hí luận",
"không biết thực hành Phật Pháp",
"khẩu Thiền". (Trong khi
ngay cả bản thân chữ "khẩu thiền"
Trần Chung Ngọc cũng hiểu sai, nhưng tôi sẽ bàn đến bài viết của TCN trong một
bài khác).
Cũng giống như nhiều người cho rằng cứ sang Mỹ
"thực hành tiếng Anh là chu tất chứ học ngữ pháp làm gì cho mất thì giờ.
"Thực hành" tiếng Anh, hay "thực
hành Phật Giáo", thì căn cứ vào đâu để thực hành? Đã không có một sở học
vữug chắc về Phật Giáo, làm sao có thể tiến hành song thoại với Thiên Chúa Giáo
hay với bất cứ tôn giáo nào khác? Chẳng lẽ khi tranh luận với một linh mục về một
vấn đề giáo lý nào đó để thuyết phục họ tin rằng triết học Phật Giáo là cao
siêu thâm thúy hơn thần học Thiên Chúa Giáo, chúng ta khi bị bí lối, lại giở
cái mánh "vừa bắn vừa chạy" bằng cách tuyên bố "Phật Giáo là bất khả tư nghị"?
Đã "bất khả
tư nghị" tại sao nhóm Giao Điểm có khả năng siêu tuyệt gì hơn người mà
có thể đứng ra "tư nghị" một
cách lùi xùi sơ đẳng, hạng bét, đầy sai lầm ấu trĩ, chép sách, đạo văn, trích dẫn
lung tung (mà chẳng bao giờ ghi xuất xứ ở đâu ra)…
Chắc chắn người đọc sau khi đọc xong các bài viết này
sẽ có cảm giảc tôi đã tiến hành phê phán cuốn sách này của nhóm Giao Điểm một
cách chi tiết, một cách tàn nhẫn và thô bạo. Người đọc cũng có thể đặt câu hỏi
về động cơ cá nhân của người viết: tư thù cá nhân? Thực ra thì tôi chưa hề quen
biết bất kỳ tác giả nào trong nhóm Giao Điểm, và chỉ tình cờ được đọc cuốn sách
của họ trong một cơ hội gần đây. Tôi nhìn nhận rằng sự phê phán của tôi rất nặng
nề và khó nuốt. Nhưng điều tôi muốn nói thực ra lại rất đơn giản, chắng có gì
khó nuốt cả: muốn hiểu biết các vấn đề triết học hay tư tưởng, chúng ta phải dấn
thân học hỏi nghiên cứu một cách nghiêm nghị, không nên nói nhăng nói cuội,
nhai lại những câu nói hay ý tưởng sáo ngữ đã được lập đi lập lại hàng triệu lần
trong những cuốn sách phổ thông về tư tưởng Phật Giáo, làm ra vẻ thông thái với
kiến thức "tự học" của mình trong khi lại phạm những lỗi lầm hết sức
sơ đẳng trong học thuật.
Dương Ngọc Dũng
*
(1)
Trong hầu hết sách ông viết, Nguyễn Đăng Thục thường chêm thêm ngoại ngữ, chẳng
hạn tiếng Sanskrit (Phạn ngữ), nhưng thường là diễn giảng trật. Thí dụ một câu
hết sức quen thuộc trong Upanishads là "I'at ivam asi" (người là Thực
Thể Ấy - khái niệm đồng nhất atman / tiểu ngã và brahman / đại ngã). Nguyễn
Đăng Thục chuyển thành "Ta là cái ấy". Trong khi chỉ cần một hiểu biết
sơ dẳng về tiếng Phạn cũng biết Ivam là đại từ nhân xưng ngôi thứ hai. (Xem Lịch
Sử Tư Tưởng Việt Nam, quyển II, Quốc Vụ Khanh Văn Hóa xuất bản, 1969, tr. 83).
Cũng ngay trong quyển này (tr. 34) Nguyễn Đăng Thục sau khi nhắc đến tên Mã
Minh còn chua thêm tiếng Phạn là ... Asanga. Trong khi Asanga là Vô Trước, bậc
thầy khai sáng ngành Duy Thức Học tại ấn Độ, không ai có học Phật Giáo mà không
biết vì danh xưng Asanga quá khổ biến. Còn Mã Minh đúng ra phải là Asvaghosa.
*
Nguồn:
https://namquoc.com/amigalink/nhandinhtrithuc/index.php
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét