Tôi cắp sách đến trường ở Huế từ cấp tiểu học cho đến
hết bậc đại học, rất yên chí mình là một người biết chữ. Nhưng sự tự tin này đã
bị thách đố, xói mòn khá nhiều trong những lần tôi đứng trước các bia văn, các
câu đối, các cổng tam quan, thậm chí cả bia mộ viết toàn bằng chữ Hán, những di
sản văn hóa vẫn tồn tại rất nhiều trong và chung quanh Cố đô Huế. Nhan nhản
trong hoàng thành và tại các thắng cảnh địa phương gần đó có nhiều tấm bia ghi
laị các bài thơ, nghe nói là của các vị vua triều Nguyễn — những di tích văn
hoá lẽ ra rất sống động và đáng tự hào của dân tộc nếu người dân bình thường có
thể đọc được.
Tôi dùng từ “nghe
nói” vì trước những văn bia vua chúa ấy tôi là thằng dân mù chữ một trăm phần
trăm. Sẽ lúng túng, sẽ “ốt dột” biết chừng
mô cho một cư dân địa phương bị người nước ngoài nhờ giải thích những câu chữ
hoặc những bài thơ trên các bia văn ấy. Nhất là trong bối cảnh cố đô Huế được
UNESCO bầu chọn là di sản văn hoá thế giới. Mặc dù “Huế của ta ơi, ta có Huế tự
hào”, nhưng tâm trạng của người mù chữ này biết đâu cũng là mặc cảm của rất nhiều
người Việt khác khi đứng trước một di tích lịch sử mà ý nghĩa của nó mình không
giải mã được.
Nếu văn chương của những bài thơ văn chữ Hán trên các
di tích lịch sử không đến nỗi tệ quá, thiết tưởng các trung tâm du lịch cũng
nên dịch những bản văn này ra chữ Quốc ngữ hay tiếng nước ngoài và phân phối
cho nhân viên hướng dẫn du lịch (tour guides) để họ tiện bề ứng xử khi được
khách nước ngoài bày tỏ sự tò mò. Vì thiếu sự quảng bá ấy, trong thâm tâm của kẻ
mù chữ Hán này có nỗi hoài nghi: Phải chăng những bài thơ ấy quá dở, dịch ra “sợ
trẽn” vì ý nghĩa của chúng cũng chẳng thâm thúy gì, nên cứ giữ nguyên văn như vậy
cho được phần bí nhiệm (mystique), như một câu văn trong bài tập đọc từ thời tiểu
học mà tôi còn nhớ lỏm bỏm: “… Đây Trung
Việt với miếu môn lăng tẩm, chốn đế đô nghiêm mật mơ màng…”
Ước gì vua quan nhà Nguyễn có thể để lại những ghi chú
trên các di tích lịch sử như Vua Lê Thánh Tôn đã viết về “Thiếu phụ Nam Xương” bằng một bài thơ quốc âm:
Nghi ngút đầu ghềnh toả khói hương,
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương.
Ngọn đèn dù tắt đừng nghe trẻ,
Dòng nước chi cho lụy đến nàng.
Chứng quả có đôi vầng nhật nguyệt,
Giải oan chi mượn đến đàn tràng.
Qua đây mới biết nguồn cơn ấy,
Khá trách chàng Trương khéo phũ phàng.
Khổ thật! Vừa trích dẫn xong bài thơ là tôi chợt thấy
ngay mình mâu thuẫn chính mình, câu sau chửi câu trước. Vì mọi người đều biết,
muốn viết được chữ Nôm (như vua Lê), trước hết là phải tinh thông chữ Hán, vì một
từ Nôm được cấu tạo bằng cách thêm nét vào một từ Hán hay kết hợp với một chữ
Hán khác để tạo ý hoặc âm cho nó – nghĩa là chữ Nôm còn phức tạp hơn chữ Hán rất
nhiều. Và học chữ Nôm chắc chắn còn ì ạch hơn học chữ Hán nhiều. Đã vậy, chữ
Nôm lại còn bị giới trí thức (còn gọi “kẻ
sĩ”) thời trước coi thường vì nó không phải là chữ của “thánh hiền.”
Thái độ phục tùng văn hoá Trung Hoa được biểu lộ trong
câu dè bỉu “Nôm na là cha mách qué”,
ý nói chữ Nôm là một ngôn ngữ thiếu đứng đắn, thậm chí là một loại chữ viết
dùng để xỏ xiên. Nôm là cách đọc trẹ của Nam, tương tự Mẽo là cách đọc trẹ của
Mỹ (American) với ý miệt thị. Sự thể cũng chỉ vì việc sử dụng chữ Nôm ngụ ý một
tinh thần độc lập, đe dọa văn hóa chính thống, tức văn hoá phương Bắc, gây dị ứng
và lo ngại không ít cho giới Nho học An Nam.
Tương phản với sự coi nhẹ chữ Nôm là thái độ thánh hoá
chữ Hán không những trong giới Nho sĩ mà cả trong dân gian nói chung, thậm chí
những người mù chữ. Tôi đã chứng kiến sự kiện này ngay trong cuộc đời tôi. Cha
mẹ tôi không bao giờ cho phép con cái để những bao hương hay giấy gói trà có chữ
Hán nằm ở những nơi bị chê là uế tạp. Tôi đã bị nhồi sọ đến nỗi có thể tưởng tượng
khi chết tôi có thể về địa ngục ngay tức khắc nếu có lần đã lấy một mảnh giấy
gì đó có chữ Nho để dùng sau khi đại tiện hoặc để ở những chỗ có đàn bà ngồi
lên trên.
Kinh nghiệm mù chữ thứ hai mà tôi cảm nhận trên thành
phố quê hương là kinh Phật chữ Hán. Phần lớn đồng bào Phật tử Huế theo Phật
giáo Đại thừa (được truyền từ Trung Hoa) và kinh kệ thường được viết bằng chữ
Hán hoặc về sau được phiêm âm bằng chữ Quốc ngữ. Tôi từng tham dự những buổi lễ
cầu an, cầu siêu, và thú thật có rất nhiều bài kinh tôi không hiểu lấy một từ.
Chỉ biết chắc một điều là giọng các nhà sư ở Huế đọc kinh nghe rất hay, nên
cũng có nhiều người bình dân mê nghe kinh mặc dù không hiểu gì hết. Điều này chắc
cũng giống như các cụ già bên Công giáo vẫn thích nghe kinh bằng tiếng La-tinh
hơn nghe kinh tiếng Việt chăng? Chí ít trong thời tôi còn niên thiếu là như thế,
bây giờ không biết thế nào.
Như mọi người đều biết, chữ Hán Việt không phát âm giống
hệt như tiếng nói của người Trung Hoa. Chẳng hạn, khi người Trung Hoa dùng chữ
Hán để phiên âm Montesquieu thì họ đọc gần như người Pháp phát âm tên của nhà
tư tưởng Montesquieu, nhưng qua tiếng Hán Việt các nhà Nho An Nam sẽ đọc thành
Mạnh Đức Tư Cưu. Napoléon đọc thành Nã Phá Luân, Rousseau đọc thành Lư Thoa… Một
cách tương tự khi các nhà sư Trung Hoa dùng chữ Hán để phiên âm tiếng Phạn thì
họ phát âm gần giống tiếng Phạn, nhưng qua tiếng Hán Việt những bài chú tiếng
Phạn sẽ không còn phát âm trung thực bao nhiêu.
Thời niên thiếu, sinh hoạt trong Gia đình Phật tử, mấy
đứa con nít như chúng tôi phải dùng phương pháp liên tưởng để nhớ những bài chú
này. Như bài chú “Thất Phật diệt tội chơn
ngôn… Li bà li bà đế cầu ha cầu ha đế…”, chúng tôi tinh nghịch đổi thành “Li của bà thì bà [uống] đế, của cậu Hai cậu
Hai đế…” để cười vui cho dễ nhớ.
Nghi lễ Phật giáo Huế nặng nề hình thức và đầy bí ngữ.
Nhất là trong các tang lễ, là lúc con cháu của người quá cố thường phải đội sớ
và quì cả tiếng đồng hồ cho xong một biến kinh. Kinh nghiệm của tôi khi mẹ tôi
qua đời là, trong khi quì đội sớ, một phần vì không hiểu kinh một phần vì cảm
nhận cái đau từ hai đầu gối, tôi mất đi sự quán tưởng về hương linh của mẹ.
Trong một biến kinh như thế, đến cả việc pha trà, thầy chủ lễ cũng trịnh trọng:
“Tiến trà,” bằng giọng ngân nga. Đệ tử
rót trà xong, thầy nhắc: “Lễ nhị bái.”
Con cháu lạy hai lạy xong, thầy chủ lễ xướng: “Bình thân quì”. Thao tác cung kính này được lặp lại nhiều lần trong
một biến kinh.
Trong các biến kinh đầy chữ Hán này, xin thú nhận, bài
kinh tôi thích nhất là bài “Hồi hướng”
(“Nguyện đem công đức này, hướng về khắp tất cả, đệ tử và chúng sanh thề trọn
thành Phật đạo.”) Vì đây là một bài kinh tiếng Việt dễ hiểu và nhất là vì nó
báo hiệu sắp kết thúc buổi lễ.
Nói vậy, nhưng tôi tin các đạo hữu của tôi ở Huế sẽ
không cho tôi là một tên phản đồ hay dị giáo, vì qua trao đổi tản mạn, nhiều
người cũng chia sẻ kinh nghiệm mù chữ như tôi. Tôi vẫn thấy mình theo đạo Phật,
hay chí ít, văn hoá Phật giáo vẫn là văn hoá gần gũi với tâm hồn và nhân sinh
quan của tôi nhất.
Xin phân bua thêm điều này: vào những năm trưởng thành
của tôi, trong thập niên đầy biến động 1960-70, tôi có cơ duyên đọc được nhiều
sách của nhà sư Thích Nhất Hạnh, trong đó nổi bật nhất là những tác phẩm như Đạo Phật đi vào cuộc đời, Đạo Phật hiện đại
hoá, Nói với tuổi hai mươi, Hoa sen trong biển lửa…Và cũng trong thời gian
này, với sự hiện diện của trên nửa triệu lính Mĩ ở miền Nam, sách tiếng Anh từ
các trại lính đồng minh của Việt Nam Cộng hoà cũng tràn ra các đống rác và được
con buôn lượm về bày bán trên các vỉa hè, nhờ vậy mà không hề thông qua một chế
độ kiểm duyệt nào cả. (Trong khi đó các báo chí công khai phải kinh qua chế độ
“cắt, đục, bỏ”, còn mệnh danh là “tự kiểm duyệt” khá khắt khe, để lại trên mặt
báo những khoảng trắng nom thật buồn cười.) Và, từ các đống rác ấy, không những
tôi đọc được People’s War, People’s Army
by Vo Nguyen Giap, Ho Chi Minh by Jean Lacouture, mà cả những tác phẩm thiền
học của D.T. Suzuki.
Cái nghịch lí là, tôi lớn lên trong chiếc nôi Phật
giáo là cố đô Huế nhưng tiếp cận tinh túy của đạo Phật không phải qua những
kinh kệ Hán văn do “quí ôn, quí thầy”
tụng đọc, nhưng chủ yếu xuyên qua những tác phẩm tiếng Việt của thầy Nhất Hạnh,
các vị sư hay cư sĩ trước thầy và sách tiếng Anh.
Đạo Phật chờ đợi con người tự mình thắp đuốt lên mà đi
và có hàng vạn Pháp môn để tu tập, nên tất nhiên có hàng triệu đạo hữu không chọn
hoặc thậm chí phản bác đường lối hiện đại hoá của thầy Nhất Hạnh. “Đường quan vừa rộng vừa dài”. Riêng phần
mình và có liên quan đến sự trưởng thành của tiếng Việt, tôi ghi nhận công đức
của những vị thầy như Thích Nhất Hạnh trong nỗ lực Việt hóa các nghi thức tụng
niệm. Có hiểu kinh khi đó định lực và sự quán tưởng của người dự lễ mới tăng
trưởng dễ dàng. Đương nhiên, người Phật tử cũng rất biết ơn những nhà sư và cư
sĩ trước thầy Nhất Hạnh đã đóng góp cho việc dịch các kinh sách chữ Hán ra tiếng
Việt, trong đó một trong những nỗ lực quan trọng phải kể đến là công đức của Cư
sĩ Minh Tâm Lê Đình Thám và Tạp chí Viên Âm, mà vào thời tiểu học tôi còn mua
được ở nhà sách Liễu Quán của Bác Mừng ở đầu đường Ngã Giữa (nay là Phan Đăng
Lưu) tại Huế, thập niên 1950.
Tôi tin vào sức mạnh của tiềm thức (the power of the
subconscious mind), một năng lượng tinh thần có sức trị liệu và giúp con người
vượt qua nhiều tai ách cũng như thực hiện những việc to lớn vượt quá kích thước
của mình. Đức tin đặt vào Thượng Đế, Allah, hay một năng lực siêu nhiên nào đó
sẽ tác động lên sức mạnh tiềm thức này xuyên qua các lời cầu nguyện – mà phải cầu
nguyện với tất cả thành tâm (“nhất tâm kính lễ” hay “nhất tâm bất loạn”) mới có
hiệu ứng linh nghiệm.
Người Ki-Tô giáo tin rằng sức mạnh của lời cầu nguyện
có thể di dời cả ngọn núi (mountain moving faith). Người theo Phật giáo Đại thừa
tin rằng sức mạnh của lời kinh có thể đưa người tụng niệm đi qua được bão lửa, “như nhập đại hoả, hoả bất năng thiêu”
(Kinh Phổ Môn).
Tuy nhiên, cái chìa khoá ở đây là “một lòng kính lễ”. Nhưng khi đọc kinh mà anh chị không hiểu gì cả
(như trường hợp của tôi khi nghe kinh chữ Hán) thì làm sao có được cái định lực
cần thiết, phát sinh từ “nhất tâm kính lễ”?
Trừ những tôn giáo hô hào thánh chiến để trừng phạt
người ngoại đạo, tôi tôn trọng mọi đức tin vì đức tin là chiếc phao cuối cùng,
không thể thiếu trong biển đời giông bão. Với người Việt Nam, đó là biển đời đầy
những sunami, “sợ khi sóng gió bất kì,
con ong cái kiến kêu gì được oan,” Truyện Kiều.
“Tôn
giáo là thuốc phiện”, nhưng thuốc phiện vẫn có thể làm giảm những
cơn đau. Phương chi, càng ngày giới y học càng có nhiều bằng chứng xác nhận rằng
đức tin có tác dụng rất tích cực trên sự phục hồi của bệnh nhân.
Những bi văn và kinh sách chữ Hán khiến tôi ý thức sâu
sắc về nạn mù chữ của bản thân đồng thời nhắc nhở tôi sự lệ thuộc văn hoá dài
hun hút của dân tộc Việt Nam. Cứ gọi là người Việt Nam có hai ngàn năm lịch sử
được ghi chép (tính từ thời Sĩ Nhiếp sang “khai
hoá” dân ta), thì có đến trên 19 thế kỉ giới tinh hoa của ta phải dùng chữ
viết của người Trung Hoa. Tuyệt đại đa số dân chúng đã sống trong đêm dài tăm tối
của nạn mù chữ, vì không có chữ viết phản ảnh ngôn ngữ mà mình đang nói.
Nạn mù chữ tước đoạt khả năng truyền thông giữa người
và người với nhau, giữa địa phương này và địa phương khác, tạo sự cách li xã hội
giữa các làng xã, nếu không muốn nói là sự chia rẽ, nghi kị lẫn nhau. Các làng
nghề thường giữ kín một số kĩ năng trong biên giới địa phương của mình vì sợ cạnh
tranh, vì lòng ích kỉ, là lẽ đương nhiên. Nhưng nếu có phương tiện truyền thông
(qua chữ viết) dễ dàng, những nghề bí truyền đó cũng có lúc lọt ra ngoài và được
chia sẻ cho nhiều người và cho nhiều cộng đồng khác nhau, nhờ thế kinh nghiệm sẽ
được bồi đắp tinh vi và mức sản xuất được gia tăng hơn trước.
Nạn mù chữ không những gây trở ngại cho việc trao đổi
kinh nghiệm giữa những người đang sống với nhau mà còn cắt đứt kinh nghiệm giữa
những người đang sống với các thế hệ tiền nhân. Lịch sử Việt Nam qua các thời đại
được các quan của triều đình ghi lại bằng chữ Hán, không hề coi đại khối dân
chúng mù chữ như những chứng nhân lịch sử. Lịch sử mất luôn tính khách quan của
một khoa học, vì sử gia cũng chỉ là cái lưỡi gỗ mà sự an sinh của ông và thân
thuộc ông nằm trên nỗ lực đánh bóng chế độ ông ta đang phục vụ.
Người có đầu óc bình thường không thể không tự hỏi câu
này: Vậy những điều các sử quan ghi lại bằng chữ Hán cách đây một vài thế kỉ có
thể chứa đựng được bao nhiêu phần trăm sự thật? Nạn mù chữ cũng tướt đoạt quyền
theo dõi thông tin về vận mệnh đất nước, và vì thế người dân không có ý kiến về
việc điều hành đất nước của vua quan ở chốn cửu trùng. Nạn mù chữ không nằm
chung một giường với chế độ dân chủ. Một trùng hợp tình cờ: nạn mù chữ có hệ quả
nghiêm trọng tương đương với việc bưng bít thông tin của các chế độ toàn trị.
Nếu xã hội Việt Nam truyền thống là một tảng băng sơn,
thì người mù chữ là khối lượng khổng lồ nằm chìm dưới mặt nước. Phần nổi nhỏ bé
ở phía trên là giới Nho sĩ, những người trước là theo đuổi chữ nghĩa thánh hiền,
sau nữa (phần quan trọng) thông qua con đường cử nghiệp nuôi mộng ra phò vua và
hưởng ơn mưa móc. Nếu có thất bại trên đường hoạn lộ, kẻ sĩ cũng có thể trở về
sinh quán, được ngồi chiếu trên ở chốn đình trung, được “ăn phần cảnh nọng” và được dân làng kính trọng.
Về lịch sử Việt Nam, nếu có ai hỏi những vị anh hùng
nào là đáng kính nễ nhất, tôi sẽ không trả lời theo các sách giáo khoa mà tôi
đã học, vì tôi nghi ngờ tính trung thực của những người viết chính sử (official
history), là loại lịch sử viết theo mệnh lệnh của triều đình. Tôi cũng không có
ấn tượng dữ dội về những vị tiến sĩ tên được khắc bia trong Văn Miếu, vì những
người này chỉ là những học sĩ của một loại ngôn ngữ mà bản thân họ thậm chí
không nói được, đó là chữ Hán.
Một điều chắc chắn là thậm chí các sứ giả và học giả của
ta (kể cả nhà cách mạng Phan Bội Châu của Thế kỷ 20) khi sang Trung Quốc cũng
chỉ có thể bút đàm với các đối tác đàn anh Trung Quốc. Bút lông và giấy bổi
không cho phép đối đáp thông minh, nhanh nhạy như thường được dân gian truyền tụng
qua thiên tài Trạng Quỳnh, một nhân vật láu cá mà tôi nghĩ chỉ là một phóng thể
tâm lí của người phương Nam nhằm giải tỏa các mặc cảm tự ti của mình. Vả lại, “thập niên đăng hoả”, mười năm đèn sách,
thời gian người xưa phải bỏ ra chuẩn bị cho đủ trình độ để đi thi, đỗ đạt và ra
làm quan, gợi ý cho tôi về một trình độ tri thức quanh quẩn ở lớp 10 trong điều
kiện thiếu sách vở và các phương tiện học tập khác.
Hình như lịch sử cũng đang tự lặp lại chính nó. Nếu
các quan xưa phải là ông nghè, ông cống, thì điều kiện khoa bảng của các quan
chức đầu ngành hiện nay cũng phải là thạc sĩ hay tiến sĩ gì đó cho xứng mặt với
một nền văn hiến chứ! Tuy vậy, nhiều trí thức trong nước cũng lên tiếng than
phiền tệ trạng các quan chức nhà nước, với trình độ học vấn lớp 10, bon chen
làm luận án tiến sĩ, kể cả thông qua con đường gian lận - mà mục đích nhiên hậu
là để nắm giữ địa vị quan trọng trong guồng máy cai trị và để nhà nước khỏi
mang tiếng là đi theo chính sách “hồng
hơn chuyên”.
Ông Nguyễn Tấn Dũng từng trăn trở với một quốc sách là
đào tạo cho bằng được 20 ngàn tiến sĩ trước năm 2020, việc này có thể khiến cho
nhiều người có ảo tưởng rằng hễ kiếm được một túc số tiến sĩ nào đó thì chất lượng
giáo dục, tiến trình công nghiệp hoá-hiện đại hoá đất nước đương nhiên sẽ được
cải thiện nhanh chóng. Tuy nhiên, người dân không thể không thắc mắc: nếu trong
20 ngàn ông hay bà nghè đó, con số tốt nghiệp các học viện chính trị khuynh
loát các ngành khoa học nhân văn và khoa học kỹ thuật, liệu như vậy có nâng cao
dân trí, thúc đẩy hiện đại hóa đất nước được không?
Khi các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu than phiền công
nhân Việt Nam không có đủ tay nghề, khi Vietnam Airlines phải nhập cảng các phụ
tùng máy bay từ nước ngoài với giá cắt cổ, chắc người dân thích nghe nói đến việc
đào tạo gấp 20 ngàn thợ tiện (machinists) hơn là 20 ngàn tiến sĩ giấy. Trong
khi đó, nhìn sang nước Mỹ chẳng hạn, cũng với tâm trạng trăn trở về thực trạng
giáo dục và kinh tế của đất nước, Obama chỉ biết kêu gào là cần mở thêm thật
nhiều community colleges (đại học cộng đồng, thời gian đào tạo là 2 năm tiếp
theo bậc trung học), nhằm cải thiện sức cạnh tranh của thị trường lao động Mĩ,
quyết tâm giành lại công ăn việc làm đã mất vào tay công nhân nước ngoài trong
mấy thập niên qua.
Nhìn lại lịch sử Việt Nam, với tất cả tâm thành và
không một chút nghi ngờ như tôi đã nghi ngờ một số nhân vật lịch sử, tôi dành sự
kính trọng cao nhất cho những ai đã đặt ra và phát huy loại chữ viết mà tôi
đang dùng để viết bài này. Mặc dù Alexandre de Rhodes đã phát triển và sử dụng
chữ Quốc ngữ vào thế kỉ 17 trong sự nghiệp truyền giáo, nhưng phải đợi đến thế
kỉ 20 mới thấy được sự đại tập thành của chữ Quốc Ngữ nhờ những nỗ lực ráo riết
để quảng bá nó trong đại chúng, qua Ðông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí, qua
Tự Lực Văn Đoàn, Tiểu thuyết Thứ bảy, qua các đóng góp của những người tâm huyết
như Nguyễn Văn Tố, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Hữu Đang…
Và phải đợi đến Chính phủ Trần Trọng Kim, tiếng Việt
(Quốc ngữ) mới trở thành ngôn ngữ chính trong việc giảng dạy. Với tôi, đây là một
quá trình lịch sử rất thật và rất cảm động. Ngay trong thời niên thiếu của tôi,
giữa thập niên 1950, ở miền Nam phong trào chống nạn mù chữ vẫn còn rầm rộ, phản
ảnh qua một bài hát điệu Đăng đàn cung ở Huế mà tôi còn nhớ: “Này trai gái thuộc phái lao cần, mỗi ngày
sau khi rồi việc, nên vào học các lớp bình dân. Cùng đôi mắt rạng quắc như người,
tội tình chi ta mà chịu tối tăm mịt mù. Ta càng học càng khôn, càng tiến lên
càng nhanh…”
Chữ Quốc ngữ giải phóng chúng ta ra khỏi những bí nhiệm
do chữ Hán tạo ra. Ở Huế ngay trong thế kỉ 20, người ta vẫn trịnh trọng dùng chữ
Hán trong sinh hoạt cung đình. Xin trích một đoạn trong bài “Vua Khải Định, hình ảnh và sự kiện” của
Võ Hương An:
“Viên quan Bộ lễ phụ trách điều khiển chương trình bắt
đầu xướng:
1 Bài ban 俳班
(chỉnh đốn hàng ngũ ngay thẳng)
2 Ban tề 班齊 (quay mặt về phía ngai vàng)
3 Cúc cung bái 鞠躬拜 (lạy năm lạy)
4 Hưng 興 (đứng lên)
5 Bình thân 平身(đứng thẳng người)
6 Hành tấn
quang lễ 行晉光禮
(làm lễ đăng quang)
7 Bách quan
giai quị 百官皆跪
(Tất cả các quan đều quì xuống)”.
Hình ảnh một ông vua Việt Nam dùng chữ Hán để diễn tả
ý tưởng bình thường của mình đã được nhà văn Phạm Quỳnh hí họa bằng đoạn văn
sau đây:
Khi
dâng Hoàng thượng ta ngự phê thì thấy ngài cầm quản bút ra dáng nghĩ ngợi, các
quan Tây có ý chờ đợi ngóng trông, bọn mình thì tưởng rằng chắc ngài nghĩ một
bài thơ nôm hay thơ chữ Đường luật hay tứ tuyệt gì, nên mới lâu như thế. Lúc bấy giờ cử hội im phăng phắc, ai cũng để
mắt vào nhìn, có cái vẻ oai nghiêm vô cùng. Tưởng chừng đức Chí tôn ta, đương
khi mấy trăm con mắt ném ánh sáng vào bàn tay ngọc đó, – ngọc thật, vì ngài thường
đeo nhẫn kim cương quý giá lắm, – thời:
Tay
tiên gió táp mưa sa,
Khoảng
trên dừng bút thảo và bốn câu ngay tức thì. Nhưng mà không! Cứ thấy cái quản
bút quằn quại trên tay, mà không thấy viết chữ gì. Năm phút, mười phút, mười
lăm phút, người đứng chung quanh đã thấy thì thào động đậy, kẻ nói nhỏ, người
đưa mắt, anh em đồng bang mình thì vừa nóng ruột, vừa động lòng. Sau mới thấy
ngòi bút chuyển động; ai nấy thở dài! Hỏi ra thì không phải thơ ngũ ngôn tứ tuyệt
gì, chỉ có một câu chữ Hán rằng:
năm ấy, tháng ấy, đức Hoàng đế Việt
Nam đến ngự nhà Hội, thế mà thôi – Ấy đức Chí tôn ngài viết một chữ một câu cũng
thận trọng như thế…
(Trích từ “Hoàng đế Khải Định dưới con mắt thần dân Phạm
Quỳnh”, Pham Ton’s Blog)
Phạm Quỳnh ghi lại sự kiện này trên trang nhật kí đề
ngày 26 tháng 6 năm 1922. Việc Khải Định dùng chữ Nho để phát biểu một ý nghĩ
bình thường chứng tỏ rằng trong hầu hết lịch sử của mình, người Việt Nam gần
như không mấy quan tâm đến chữ viết để kí âm ngôn ngữ họ đang nói. Hay nói cách
khác, dân tộc ta đã kinh qua một lịch sử mù chữ quá lâu dài.
Trong trí tưởng của tôi, một du khách Đài Loan (vốn
còn dùng chữ Hán phồn thể) có lẽ sẽ nở mũi tự hào khi đứng trước các miếu môn
lăng tẩm ở Huế, mặc cảm tự tôn sô-vanh nước lớn của anh sẽ được căng phồng, chỉ
vì anh nhận ra dấu ấn văn hoá Trung Hoa đã in sâu đậm như thế nào trên mảnh đất
chữ S dễ thương này, chỉ vì anh đọc lưu loát các bia văn bằng tiếng mẹ đẻ cuả
anh, trong khi người bản xứ chỉ là đám ngu ngơ mù chữ ngay trước di tích lịch sử
của mình. Trong mắt anh, các hoàng đế An Nam bất quá cũng chỉ là những con liu
điu trước những con rồng sừng sõ ở Thiên triều, như được mô tả trong câu ca
dao, “Trứng rồng lại đẻ ra rồng/ Liu điu
lại đẻ ra giòng liu điu.”
Sự khinh thị là mẹ của mọi hành vi tàn ác và bạo ngược.
Việc “tàu lạ” ủi vào thuyền đánh cá của
ngư dân Việt Nam và cảnh tượng có đến cả trăm công nhân Trung Quốc cầm gậy gộc
đến hành hung một gia đình hàng quán Việt Nam trên đất Việt Nam là dấu tỏ của một
sự khinh thị có từ trong huyết quản của các “đồng
chí bốn tốt Trung Quốc” đối với bọn “Nam
man”, một dân tộc mà họ cho là đã mang ơn Trung Quốc từ chữ viết (mà giới
tinh hoa bản xứ đã sử dụng trong gần hết lịch sử của mình), đến đạo lí thánh hiền
Khổng Mạnh, thậm chí đến cả sức người sức của trong các cuộc chiến tranh chống “thực dân, đế quốc” của Việt Nam Thế kỉ
20.
Như trên đã thú nhận, người viết bài này chia sẻ kinh
nghiệm mù chữ của cá nhân mình và có thể là của đại khối dân tộc trước khi chữ
Quốc ngữ được chính thức sử dụng. Những điều vừa giải toả chỉ là ý nghĩ thành
thật của một người bình dân, dựa vào tri thức thường nghiệm là chính, nên nhất
định có những sai lầm đáng trách, rất mong được quí học giả có trình độ văn
chương và sử học về xã hội Việt Nam truyền thống chỉ giáo.
Trần Ngọc Cư
Biên tập lại một bài viết đã đăng trên Talawas Blog
2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét