BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 24 tháng 11, 2022

“TRAU GIỒI” HAY “TRAU DỒI” ? – La Thụy



Mấy ngày nay, rảnh rỗi ngồi lướt net, đọc trên một số trang Facebook thấy bàn luận rôm rã về các từ ngữ “TRAU GIỒI” và “TRAU DỒI”. Phần nhiều những chủ trang face đó và những comments bên dưới đều cho rằng TRAU DỒI mới là từ ngữ đúng.
 
Tra Google để tìm kiếm, kết quả cho thấy:

"trau giồi" có 895 kết quả
"trau dồi" 12400 kết quả
 
Chỉ có trang face “Tiếng Việt giàu đẹp” và một số không nhiều trang mạng khác cho rằng TRAU GIỒI mới đúng
 
Tôi thử tra từ điển Hán Nôm về GIỒI và DỒI. Kết quả cho thấy:

GIỒI 𢬗
Chữ Nôm có bộ thủ (+6 nét) có trong từ TRAU GIỒI

DỒI
Chữ Nôm có bộ mễ (+9 nét) có trong từ MIẾNG DỒI
 
Thử tra các tự điển xem GIỒI, DỒI, TRAU, TRAU GIỒI (TRAU DỒI) được giải thích như thế nào?

* TỰ ĐIỂN VIỆT NAM của Ban Tu Thư Khai Trí:


GIỒI (đt)

Trau tria cho đẹp, cho bóng
Giồi mài, trau giồi, giồi phấn


GIỒI - TỰ ĐIỂN VIỆT NAM của Ban Tu Thư Khai Trí


* Tự điển của Lê Văn Đức:
 
GIỒI: (đt)
 
1.Giùi, tô trét vô rồi chà mạnh cho láng, cho bóng. Giồi bộ ván. Giồi phấn,Má ơi con má hư rồi, má còn trang điểm phấn giồi làm chi.

2. Trau tria, ôn nhuần: giồi mài kinh sử.
 
Giồi - Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức

Theo từ điển đã nêu, ta thấy “giồi mài kinh sử”, trong thực tế đã biến âm thành “giùi mài kinh sử” hoặc “dùi mài kinh sử”
Chỉ có “giồi” với nghĩa “làm cho láng bóng” mới thích hợp đi với “mài”, chứ không thể nào là một từ hàm ý “đục lỗ” như “dùi” được.

 DỒI:
 
1. Dồn nhét, thêm vào cho đầy. “Dồi vô”
2. Thức ăn luộc hoặc nướng bằng thịt heo và gia vị dồn vô ruột heo.
3. Thêm lời nói: khen dồi, cãi dồi vô.
 4. Nhồi, thẩy nhẹ lên: Dồi lên, dồi tiền, dồi banh, sóng dồi.

                      Đại Nam Quấc Âm Tự Vị định nghĩa: DỒI

Nhiều tài liệu cũng công nhận những giải thích trên, có thể kể đến Huình Tịnh Của với Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, Hội Khai Trí Tiến Đức với Việt Nam tự điển, Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức, Từ điển mở Hồ Ngọc Đức, Từ điển Thanh Nghị, Từ điển Việt Tân, Từ điển Nguyễn Lân…

---

Trong từ điển Cồ Việt:

- GIỒI: nghĩa là đánh phấn trang điểm.
 
tratu.coviet.vn/hoc-tieng-anh/tu-dien/lac-viet/V-V/giồi.html
 
- DỒI:

Danh từ là món ăn làm với lòng heo, bên trong nhồi tiết và gia vị như dồi heo, dồi chó
Động từ là tung lên liên tiếp nhiều lần như dồi bóng, sóng dồi, dồi quả banh. Nhận vào, dồn cho đầy
 
http://tratu.coviet.vn/hoc-tieng-anh/tu-dien/lac-viet/V-V/dồi.html
 
Như thế theo tự điển đã trích thì cách viết đúng của món ăn quen thuộc trong giới bạn nhậu phải là “dồi chó” chứ không phải “giồi chó”. Tương tự, “dồi heo” chứ không phải “giồi heo”.
 
Ngoài ra, ta cũng thấy được nghĩa “nhồi, nổi lên” trong “sóng dồi” liên hệ với “dồi dào”, và cũng là lý do khiến nhiều người công nhận từ “trau dồi”.
 
Nhưng có thật sự “trau dồi” là đúng, và “trau dồi kiến thức” tức “nhồi thêm kiến thức”?
 
*
Để hiểu rõ từ ngữ TRAU GIỒI, trước hết hãy xét nghĩa của từ “trau”. Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức trình bày:
 
TRAU:
 
1. Giồi mài, đánh bóng. Trau ngọc, trau đôi hoa tai.
2. O bế, làm cho đẹp. Trau ăn trau mặc, trau hình chuốt dáng.
 
Trau giồi - Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức

Căn cứ vào đây thì rõ ràng “trau” phải đi với “giồi” thì mới thành một cặp “làm cho sáng bóng” được.
 
* NHỮNG TỪ ĐIỂN GIẢI THÍCH VỀ “TRAU GIỒI”
 
trau giồi   đt. Bào, đánh giấy nhám, đánh bóng bằng chất nhờn cho láng, cho bóng: Trau-giồi bộ ván. // (B) Bồi bổ, tô-đắp cho đầy-đủ, cho tốt đẹp thêm: Trau-giồi tiếng mẹ đẻ.
Nguồn tham khảo: Từ điển - Lê Văn Đức
*
trau giồi   - Bồi bổ cho hay, cho tốt, cho giỏi hơn: Trau giồi tư tưởng.
Nguồn tham khảo: Từ điển mở - Hồ Ngọc Đức
*
trau giồi   đgt Bồi bổ cho tốt hơn, hay hơn: Trau giồi tư tưởng; Anh mong em gắng trau giồi nhiều hơn (Lê Anh Xuân).
Nguồn tham khảo: Từ điển - Nguyễn Lân
*
trau giồi   đt. Nht. Trau chuốt || Trau-giồi đức hạnh.
Nguồn tham khảo: Từ điển - Thanh Nghị
*
trau giồi   - Bồi bổ cho hay, cho tốt, cho giỏi hơn: Trau giồi tư tưởng.
Nguồn tham khảo: Từ điển - Việt Tân
*
trau giồi   Cũng nghĩa như “trau-chuốt”: Trau giồi thân-thể.
Nguồn tham chiếu: Từ điển - Khai Trí
 
https://chunom.net/Tu-dien/Y-nghia-cua-tu-trau-gioi-74685.html
 
“Trau” ở đây cũng chính là “trau” trong “trau chuốt”, mà “chuốt” vốn có nghĩa đen là “vót, gọt xuôi theo thớ cây” (chuốt đũa, chuốt viết chì) cho trơn bén, cho suôn sẻ. Rõ ràng “trau giồi”“trau chuốt” có sự tương quan rất gần về nghĩa.
 
Chữ “giồi” có người thường viết ra thành “dồi”, vì cách phát âm địa phương.
 
* NHỮNG TỪ ĐIỂN CÓ CẢ “TRAU GIỒI” VÀ “TRAU DỒI”
 
- Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học xuất bản năm 1992 dùng cả 2 từ TRAU GIỒI và TRAU DỒI
Sau từ TRAU GIỒI từ điển Tiếng Việt trên ghi thêm (cũ; id.)

Hình  chụp từ một trang quyển Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học

- Từ điển chính tả nhóm Hoàng Phê chủ biên xác định hai hình thức chính tả TRAU GIỒI và TRAU DỒI đều là hình thức chữ viết đúng
 
NHỮNG TỪ ĐIỂN GIẢI THÍCH VỀ “TRAU DỒI”:

* Đại từ điển Tiếng Việt do Nguyễn Như Ý chủ biên (Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, Trung TâmNgôn Ngữ và Văn Hóa Việt Nam), nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin.

Trau dồi (đgt): 
Rèn luyện, bồi dưỡng, làm cho ngày càng tốt hơn
trau dồi kiến thức, trau dồi đạo đức, trau dồi tư tưởng

TRAU DỒI - Đại từ điển Tiếng Việt do Nguyễn Như Ý chủ biên 
(Hình chụp)

 
 * Tra từ Soha:
http://tratu.soha.vn/dict/vn_vn/Trau_d%E1%BB%93i
 
TRAU DỒI

Động từ 
làm cho ngày càng trở thành tốt đẹp hơn, có chất lượng cao hơn

    trau dồi kiến thức
    trau dồi đạo đức
 
* Wikitionary Tiếng Việt:
 
TRAU DỒI

Động từ
    Rèn luyện, bồi dưỡng, làm cho ngày càng tốt hơn.

           Trau dồi kiến thức.
           Trau dồi đạo đức.
           Trau dồi tư tưởng.

https://vi.wiktionary.org/wiki/trau_d%E1%BB%93i#Ti%E1%BA%BFng_Vi%E1%BB%87t
 
* Từ điển số Tiếng Việt:

trau dồi có nghĩa là: - đgt. Rèn luyện, bồi dưỡng, làm cho ngày càng tốt hơn: trau dồi kiến thức trau dồi đạo đức trau dồi tư tưởng.
 
https://tudienso.com/tu-dien/tu-dien-tieng-viet.php?q=trau+d%E1%BB%93i
 
*
 
LẠM BÀN CỦA LA THỤY
 
* Căn cứ từ vựng, ta thấy “Trau” trong “trau chuốt” có sự tương quan rất gần về nghĩa với “giồi” với ý nghĩa “giồi” là “làm cho láng bóng” (trong “giồi mài”), là “ôn nhuần” (trong “ôn nhuần kinh sử”); chứ không thích hợp với “dồi” là nhồi nhét, thẩy nhẹ lên (trong “dồi bóng, sóng dồi”).“Trau dồi kiến thức” khó nói là “nhồi thêm kiến thức”
Liên hệ “trau dồi” với “dồi dào” (“dào” trong“dạt dào”“dồi dào”), DÀO có nghĩa “dâng lên và tràn đầy”. Ta thấy “trau” khó kết hợp có nghĩa hợp lý với “dồi” (trong dồi dào, dạt dào).
 
* Căn cứ chữ Nôm

GIỒI 𢬗
Chữ Nôm có bộ thủ (+6 nét) có trong từ TRAU GIỒI

DỒI
Chữ Nôm có bộ mễ (+9 nét) có trong từ MIẾNG DỒI
 
* Căn cứ các bộ từ điển in như Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, Từ điển mở Hồ Ngọc Đức, Từ điển Thanh Nghị, Từ điển Việt Tân, Từ điển Nguyễn Lân, Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức …
 
Thì phần nhiều từ điển in đều ghi nhận từ ngữ TRAU GIỒI
 
* Trường hợp ngoại lệ có:
 
- Từ điển Tiếng Việt Của Viện Ngôn Ngữ Học xuất bản năm VIỆN NGÔN NGỮ HỌC xuất bản năm 1992 ghi nhận cả TRAU GIỒI và TRAU DỒI.

- Từ điển chính tả nhóm Hoàng Phê chủ biên xác định hai hình thức chính tả TRAU GIỒI và TRAU DỒI đều là hình thức chữ viết đúng
 
Đại từ điển Tiếng Việt do Nguyễn Như Ý chủ biên (Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, Trung Tâm Ngôn Ngữ và Văn Hóa Việt Nam), nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin ghi nhận từ ngữ TRAU DỒI

* Các từ điển trên mạng như Soha, Wikitionary Tiếng Việt, từ điển số Tiếng Việt thì ghi nhận từ ngữ TRAU DỒI
 
Từ điển trên mạng thời hiện đại và giới trẻ bây giờ sính dùng từ ngữ TRAU DỒI.
 
Chữ “giồi” có người thường viết ra thành “dồi”, vì cách phát âm địa phương.
 
Tra Google để tìm kiếm, kết quả cho thấy:
 
"trau giồi" có 895 kết quả
"trau dồi" 12400 kết quả
 
Kết quả trên cho thấy một thói quen diễn đạt dù không chính xác nhưng vẫn được đông đảo mọi người chấp nhận. Theo thời gian cái “tập quán ngôn ngữ” này mặc nhiên thay thế từ ngữ chính danh trong các từ điển một thời.
 
                                                                                           La Thụy
 

2 nhận xét:

khatiemly nói...

Bài viết công phu. Cám ơn La huynh.

Hồi xưa thầy Miền Nam, sách vở Miền Nan dạy DỒI, sau nầy mới thấy GIỒI. Rất có nhiều chữ đàng trong viết D, đàng ngoài viết GI

Đây chỉ là sự hiểu biết nông cạn của tui

Tốt hơn thì hỏi gs ts bùi hiền!


Bâng Khuâng nói...

Rất vui khi Kha hảo hán ghé thăm và ghi cảm nhận.
Theo tôi thì trước 1975, sách vở miền Nam đều ghi là TRAU GIỒI. Kha hảo hán thử tìm các cuốn tự điển do miền Nam xuất bản trước 1975 đọc xem nhé. Những từ điển xuất bản sau 1975 thì ghi cả 2 cách: TRAU GIỒI và TRAU DỒI, có từ điển chỉ ghi TRAU DỒI. Các tự điển mạng thời hiện đại này đa số ghi TRAU DỒI, giới trẻ hiện nay theo đó dùng TRAU DỒI là phần nhiều...