BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 17 tháng 11, 2022

ĂN CHƠI TRÊN ĐẤT HÀ THÀNH XƯA – Tạ Thu Phong



Trước năm 1945, các quán cô đầu là chốn khách chơi thường tìm vui.

 
Khi buồn thuốc phiện, khi vui cô đầu
 
[…]
 
Hà thành kim tính khảo của Sở Cuồng Lê Dư cho biết trước đây phố Hòe Nhai có nhiều nhà ả đào. Nguyên do là có bà lão tên là Bá Ẩu rất giỏi nghề hát đã mở lớp dạy xướng ca, từ đó nơi đây trở thành xóm “Bình Khang”. Sau bao lần vật đổi sao dời, xóm ả đào dịch chuyển nơi khác không còn ở Hòe Nhai nữa.
 
Thời cực thịnh của nghề sênh phách là khi ca quán còn trên phố Hàng Giấy. Một buổi hát được gọi là một chầu. Người có “máu mặt” nhất trong các quan viên (cách xưng hô tôn kính chỉ khách đến nghe hát) được mời cầm chầu. Nói vậy chứ cầm roi chầu không hề đơn giản. Người cầm chầu phải biết khi nào đánh sơ cổ, tòng cổ, trung cổ và khi nào dùng các khổ song châu, liên châu, xuyên tâm… […]
 
Khi người Pháp vào Đông Dương, sự xâm thực ngày càng lớn của lối sống Tây Âu khiến giọng ca, tiếng đàn của hát ả đào dần lạc nhịp, không còn thuần khiết như xưa. Đào nương không còn chú tâm nắn nhịp phách, giọng ca sao cho hay, cho ngọt nữa.
 
Các quan viên không chỉ là văn nhân tài tử lịch lãm mà còn có những thanh niên Tây học, họ không chỉ đến nghe hát mà còn uống rượu và tìm vui. Sự biến đổi này đã xuất hiện thêm một loại người nữa bên cạnh ca nương, đó là cô đầu rượu.
 
Cô đầu rượu phần nhiều không biết hát. Nhưng họ biết cách búi tóc thật cao để khoe cái cổ trắng ngần và rất giỏi lả lơi ve vãn khách. Nhiệm vụ của cô đầu rượu là ngồi bên cạnh quan viên trò chuyện, quạt mát và hầu rượu. Có thể hình dung giống karaoke ôm hoặc hát ở tiệc rượu bây giờ vậy. […]
 
Không ít trường hợp tâm đầu ý hợp, khách xin cưới cô đầu làm vợ hoặc làm thiếp. Giá cả chuộc cô đầu theo thỏa thuận. Tàn cuộc rượu, nếu “quan viên” có nhu cầu ngủ lại thì cô đầu rượu chuẩn bị giường chiếu và dĩ nhiên một số cô đầu sẵn sàng lả lơi “lửa bén mặn nồng” để chiều khách.
 
Ca quán nào càng nhiều cô đầu “chanh cốm” càng hút khách chơi. Năm 1915, người Pháp quy hoạch lại phố Hàng Giấy. Đường sá mở mang sạch đẹp, nhiều tay cự phú về đây mua đất mở tiệm kinh doanh. Sự xuất hiện của những nhà tư sản, cự phú tại đây khiến những tiệm hát ả đào dạt dần về Khâm Thiên, Thái Hà và Ngã Tư Sở.
 
Tranh "Hát cô đầu" của Vũ Cao Đàm (1941). Nguồn: christies.
Ăn chơi cho đủ mọi mùi

Quán ca Hàng Giấy truyền thống đến hồi tàn. Trong các xóm ả đào, đứng đầu là Khâm Thiên. Những năm 1915-1920, Khâm Thiên chưa có ả đào. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Uẩn, các cô đầu ở ấp Thái Hà bị bọn du côn quấy rối đã phải chạy lên Khâm Thiên nhờ Bát Chắm và Cửu Khê là những tay cường hào, anh chị có máu mặt đứng ra làm quản ca bảo vệ họ (một dạng như nghề bảo kê bây giờ). Kể từ đó, các quán ả đào các nơi lần lượt chuyển về Khâm Thiên.
 
Xóm cô đầu Khâm Thiên luôn náo nhiệt, tưng bừng và có những nhà hát nổi tiếng như nhà Đốc Sao, nhà Sâm tóc quăn hay nhà Hoàn Không. Khách đến xóm “Kính Trời” này cũng thuộc đẳng cấp khác. […]
 
Năm 1933, đã có một cuộc thi hát cô đầu tại chợ Xuân mở ở Hội Khai trí Tiến Đức. Trong cuộc thi này, kết quả là cô đào Tuyến ở Khâm Thiên đã đoạt giải nhất (thủ khoa) về giọng ca. Cô đào Khê ở Vạn Thái đoạt giải hoa khôi về sắc đẹp.
 
Hồi đó, Hà Nội xuất hiện cụm từ Ca-tê (KT - Khâm Thiên) tiếng lóng của những chàng sợ vợ nhưng thích đi “tom chát”. Dân chơi Hà thành lưu truyền câu thành ngữ mới: “Giầu đến Khâm Thiên, ít tiền ra Vạn Thái, ngứa... xuống Ngã Tư Sở” để chỉ đẳng cấp của những khu hát ả đào.
 
Một địa điểm cô đầu khác rất nổi tiếng trong cuối thập niên 1910 là dãy nhà 24 gian đường Huế gần ô Cầu Dền (cuối Phố Huế bây giờ).
 
Trước đây khu vực này là nghĩa địa Tây. Sau có một chủ thầu khoán tên là Lưu Minh Châu mua lại và san lấp xây lên một dãy nhà gạch hai tầng rất lớn gồm 24 gian. Hồi mới xây xong, khu vực này vắng vẻ nên không ai dám ở. Nhà 24 gian được các chủ cô đầu thuê mở nhà hát, từ đó khu này trở thành “phố hồng lâu” nhộn nhịp.
 
Các nhà cô đầu vào ban đêm rất ồn ào, mất trật tự khiến người dân bức xúc làm đơn khiếu nại yêu cầu thành phố chấm dứt hoạt động của nhà 24 gian. Đến năm 1928, Phố Huế không còn nhà cô đầu nữa. Nhà 24 gian sau đó cũng bị xé lẻ ra bán cho nhiều chủ. Hiện nay dãy nhà này không còn nhưng vị trí nhà 24 gian là các số nhà từ 235 đến 257 Phố Huế.
 
Khác với xóm Khâm Thiên luôn sáng sủa và đẳng cấp, các xóm hát khác ở Vạn Thái, Ngã Tư Sở, Gia Quất, Thái Hà rất tối tăm, ẩm thấp. Các cô đầu ở Ngã Tư Sở - theo cách nói của nhà văn Trọng Lang - là “cô đầu lông vịt”, bởi sự âm thầm, thê lương và hôi hám hệt như nghĩa địa.
 
Do phải cạnh tranh dữ dội với “nhà số đỏ” (nhà thổ) nên giá vào cửa ngày một hạ. Mỗi chầu ở Vạn Thái, Ngã Tư Sở hạ từ 3 đồng xuống có 1 đồng mà đã được ăn, được nghe hát, được chơi rồi. […]
 
Sự xuất hiện của cô đầu rượu khiến thú nghe hát ả đào thành cuộc “chơi cô đầu” theo đúng nghĩa đen. Thế là bao nhiêu chuyện phức tạp nảy sinh, nào là cô đầu bị đánh ghen, rồi các cuộc đánh lộn tranh giành khách…
 
Ấy là chưa nói đến bệnh tật lây nhiễm qua con đường phong tình rất nhiều. Thôi thì đủ loại bệnh, từ lậu đến giang mai. Căn bệnh khó nói này âm thầm phát tán trở thành loại bệnh xã hội khá phổ biến thời bấy giờ. Người ta dễ dàng đọc được những dòng quảng cáo “Đặc trị giang mai - lậu” nhan nhản trên các tờ báo xưa. Cũng bởi sự phức tạp của nghề này mà các cô đầu được liệt vào hạng người gây nguy hiểm cho xã hội.
 
Tháng 9/1934, Hội đồng bài trừ bệnh hoa liễu họp do Thống sứ Tholance chủ tọa quyết định xem nghề cô đầu như “gái ngang” (mại dâm lậu) và buộc phải khám vi trùng, hay còn gọi là “đi lục-sì”.
 
Thực ra chính quyền thuộc địa quy định vậy cũng chẳng oan ức gì cho xóm “Bình Khang” đâu. Năm 1938, nhà báo Trọng Lang - trong lần thâm nhập xóm cô đầu - đã khẳng định trong phóng sự Hà Nội lầm than: “mười thằng đi hát nhà cô đầu mà dâm dục lắm thì ít ra có năm, sáu thằng tim la và lậu”.
 
Hoặc Vũ Trọng Phụng - trong phóng sự Lục sì - nhắc đến việc cô đào Nghĩa (tức cô Đốc Sao) đã nhờ đặt mua tận bên Pháp 200 cái bốc (đồ thụt rửa vệ sinh của phụ nữ). Điều đó có nghĩa là nếu không có mại dâm thì tại sao lại cần phải mua nhiều như vậy?
 
Quy định buộc cô đầu đi khám lục sì đã vấp phải làn sóng phản đối dữ dội của chủ nhà hát. Ngọ báo ngày 7/10/1934 thuật lại cuộc họp của 60 chủ cô đầu do cô Đốc Sao chủ trì phản đối quy định buộc cô đầu đi lục sì. Các chủ hát cho rằng nhà cầm quyền buộc cô đầu đi lục sì là liệt các cô đầu với gái “nhà số đỏ” (gái mại dâm), đó là điều không thể chấp nhận được.
 
Thậm chí năm 1934, các chủ nhà cô đầu còn cho ra mắt cuốn sách Cô đầu không phải là gái mại dâm của hai tác giả Ngân Phượng và Lệ Hồng (Nhà in Lê Cường ấn hành). [...] Sự phản đối quyết liệt đến độ chủ cô đầu đồng lòng đóng cửa quán và trả lại môn bài nếu nhà cầm quyền không hủy bỏ quyết định.
 
                                                                                  Tạ Thu Phong
 
* Tên bài trong sách: Ăn chơi cho đủ mọi mùi…

-----------------
Nguồn:
https://zingnews.vn/nghe-dao-phu-o-ha-noi-xua-post1369188.html

1 nhận xét:

Vũ Nho Ninh Bình nói...

CÁM ƠN TÁC GIẢ ĐÃ CHO BIẾT MỘT PHẦN CUỘC SỐNG HÀ NỘI XƯA!