BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 23 tháng 1, 2020

NĂM TÝ LẠM BÀN CHUYỆN CHUỘT (2) - Nguyên Lạc


               

Phần II

CHUỘT TRONG ĐỜI SỐNG, KHOA HỌC VÀ VĂN CHƯƠNG

CHUỘT TRONG BỆNH HỌC

     Ngoài những sự phá hoại trong nhà, ngoài đồng, ngoài đường phố quanh các thùng rác, thân xác của chuột từ nước miếng, nước tiểu đến phân chuột đều có độc chất có thể gây tử vong cho loài người. Bọ chét Xenopsylla cheopis trên mình chuột được xem là nguyên nhân gây bệnh dịch hạch. Năm 1347 lục địa Á- Âu bị bệnh dịch càn quét khiến cho hàng triệu người chết.
Chuột mang hại cho loài người:
- Bệnh thương hàn chuột (rat- borne typhus)
- Bệnh leptospirosis do ký sinh trùng Leptospira interrogans gây ra sốt vàng da, bắp thịt đau nhức, tổn hại đến gan, thận, màng óc, cột xương sống và dẫn đến tử vong.
- Bệnh salmonellosis do nhiễm trùng Salmonella enterica gây nóng sốt, nôn mửa, thổ tả.
- Bệnh trichinosis do nhiễm trùng Trininella spiralis gây tiêu chảy, nóng sốt, bắp thịt suy nhược v.v.
- Hội chứng hô hấp vi khuẩn Hanta (HPS: Hantavirus Pulmonary Syndrome) gây sốt, vỡ phế mạch.
- Hội chứng thận và sốt xuất huyết (HFS: Hemorrhagic Fever with Renal Syndrome)
                                                                       (Theo Phạm Đình Lân)

1. Về bệnh dịch hạch
     Dịch hạch là một loại bệnh do vi khuẩn Yersinia pestis hình que thuộc họ Enterobacteriaceae gây ra. Bọ chét Xenopsylla cheopis sống trên mình chuột được xem là yếu tố trung gian trong việc truyền bệnh.
Vậy chuột có liên quang đến bệnh dịch hạch - căn bịnh đã cướp đi sinh mạng con người một cách khủng khiếp, gấp nhiều lần thiên tai.

 a. Cái Chết Đen
     Cái Chết Đen là tên gọi của một đại dịch xảy ra ở châu Á và châu Âu trong thế kỷ XIV, mà đỉnh điểm là ở châu Âu từ năm 1346 đến năm 1350 đã lây lan đến mức không kiểm soát được. Bệnh dịch Cái Chết Đen được coi là một trong những đại dịch chết chóc nhất trong lịch sử nhân loại, ước tính nạn dịch này đã giết chết từ 30% tới 60% dân số của châu Âu và giảm dân số toàn cầu từ khoảng 450 triệu người xuống còn từ 350 đến 375 triệu người vào năm 1400.
     Quan điểm truyền thống cho rằng nguyên nhân của đại dịch này là sự bùng phát của bệnh dịch hạch gây ra bởi vi khuẩn Yersinia pestis tuy nhiên cho đến thời gian gần đây đã có những ý kiến nghi ngờ quan điểm này. Địa điểm bùng phát của cái Chết Đen thường được cho là ở Trung Á sau đó căn bệnh này nhiều khả năng thông qua loài chuột trên các tàu buôn mà lan đến bán đảo Krym vào năm 1346 rồi xâm nhập vào vùng Địa Trung Hải và châu Âu. Sự tàn phá khủng khiếp của cái Chết Đen đã dẫn đến nhiều thay đổi lớn trong xã hội châu Âu như việc ra đời của nhiều tôn giáo mới hay sự chuyển đổi về cơ bản của kinh tế và xã hội châu Âu, tạo ra những ảnh hưởng sâu sắc tới tiến trình lịch sử của châu lục này.
     Ước tính châu Âu đã phải mất tới 150 năm để phục hồi dân số như trước thời gian đại dịch, sau này dịch hạch còn nhiều lần bùng phát trở lại tại đây và nó chỉ biến mất vào thế kỷ XIX -(Wikipedia)

  b. Nạn dịch hạch đầu thế kỷ thứ 20
     Ở thế kỷ thứ 20 trên thế giới từng xảy ra nạn dịch hạch khủng khiếp nhất lịch sử, làm thiệt mạng hơn 20 triệu người từ Âu châu lan sang các nước Á châu và Trung đông. Chuột đã truyền bệnh đến con người hai thứ bệnh: dịch hạch (Bubinic) và phổi có nước (Pneumonia). Loài vi khuẩn Yersinia pestis hình que chiều dài từ 1 μm đến 5 μm. Đây là một loại trực khuẩn Gram âm, thuộc họ Enterobacteriaceae. Vi khuẩn gây bệnh dịch hạch có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 550C trong vòng 30 phút, ở 1000C trong vòng 1 phút và các thuốc sát khuẩn thường dùng.

2. Chữa trị bệnh dịch hạch và bắt giết chuột

 a. Huyết thanh chữa trị bệnh dịch hạch
   Chuột truyền bệnh do loại bọ chét Xenopsylla cheopis sống ký sinh trên chuột. Những trung tâm thí nghiệm, các nhà khoa học dùng chuột nhiều hơn thỏ hay cừu, nên hàng triệu con chuột được thí nghiệm tìm ra nhiều kết quả hữu ích cho Y học. Năm 1894 bác sĩ Alexandre Émile Jean Yersin người Pháp gốc Thụy sĩ (sinh năm 1863- †1943 tại Nha Trang) là nhà vi khuẩn học khám phá ra vi khuẩn Yersinia pestis. Yersin cũng là nhà thám hiểm khám phá cao nguyên Lâm Viên và tìm con đường bộ từ miền Trung sang Campuchia và Lào, ông là người thành lập trường Y Đông Dương (sau nầy là Đại học Y khoa Hà Nội) và làm hiệu trưởng đầu tiên của trường nầy. Bệnh dịch hạch xảy ra tại Hồng Kông năm 1894. Yersin là thành viên của “trường phái Pasteur”. Ông Shibasaburo Kitasato (1894- †1934), một nhà vi khuẩn học người Nhật học trường đại học Y khoa Tokyo, từng làm việc cùng Dr. Robert Koch ở Đức (1885- †1891), năm 1890 ông cùng Emil von Behring cấy được vi trùng bệnh phong đòn gánh. Ông cũng giúp tìm ra chất kháng độc tố cho bệnh bạch hầu và bệnh than (tiếng Anh: anthrax). Ông cũng tham gia nghiên cứu tìm vi khuẩn gây bệnh dịch hạch. Tuy nhiên chính Yersin là người đã tìm vi khuẩn Yersinia pestis gây ra bệnh. Vi khuẩn này lúc đầu được gọi là Pasteurella pestis, và sau đó được đặt lại tên theo tên của Yersin. Nhờ nhà bác học Yersin chế huyết thanh chữa trị bệnh dịch hạch.

 b. Bắt giết chuột, bẫy chuột

     Kẻ thù của chuột là Chó, Mèo, Rắn, Trăn, Chồn Cáo, Chim Cu, Chim Ưng... Nhưng kẻ thù đáng sợ nhất vẫn là... loài người.

      1. Gài bẫy, dùng thuốc độc để diệt chuột, hun khói để chuột bị ngộp phải chạy ra khỏi hang để bắt.
     2. Nuôi mèo để bắt chuột trong nhà và nuôi chó để săn chuột ngoài đồng.
   Ở Việt Nam người ta có hai cách xua đuổi chuột không cần mèo.
- Cách thứ nhất: bắt một con chuột cạo lông và sơn trên da chuột ba hay bốn màu khác nhau rồi thả chuột về hang. Các chuột khác thấy con chuột kỳ dị có ba, bốn mầu thì bỏ chạy. Chuột có ba, bốn màu có nhu cầu kết bạn đồng loại nên rượt theo. Các chuột khác càng sợ càng chạy mau bao nhiêu thì chuột màu càng rượt theo nhanh bấy nhiêu. Thế là cả đàn chuột rời xa hang ổ của chúng.
- Cách thứ hai: bắt một con chuột đực, mổ ngọai thận và nhét vào đó miễng chai cà nhuyễn rồi khâu lại... Xức thuốc cho vết mổ lành lại rồi thả cho chuột về hang ổ cũ. Chuột bị ngứa ngáy khó chịu và trở nên hung dữ bất thường nên rượt đồng loại mà cắn. Các chuột khác sợ nó cắn nên bỏ hang ổ mà chạy, đi tìm nơi khác để sống.

CHUỘT TRONG ĐỜI SỐNG

1. Vài điều về chuột
 - Những người đi sông đi biển, họ rất sợ chuột có mặt trên tàu ghe của mình, vì nó cạp lủng ghe tàu lúc nào không hay; cho nên dưới ghe họ có lập bàn thờ, thờ Ông Tý.
- Như đã nói ở trên, thị giác của chuột lại kém, nhưng bù lại thính giác của chuột rất tinh nên chuột hình như "biết nghe tiếng người"; cho nên khi muốn gài bẩy chuột trong nhà,  ta phải lặng lẽ mà gài, không nên đánh tiếng trước chuột nó nghe và không dại gì vào bẫy. Đây là kinh nghiệm tiền nhân.
- Chuột thích ăn mỡ; nếu mở đựng trong chai thì chuột ta cho đuôi vào chai cho mỡ thấm vào đuôi rồi rút đuôi ta liếm, từ từ thưởng thức, chứ không cần làm ngã chai cho mỡ đổ ra.
- Chuột có thể ăn cắp quả trứng,. Muốn thế nó cần phải rủ chuột khác  ôm quả trứng, rồi chuột ta gặm đuôi chuột này  kéo về hang. Chuyện này sẽ được kể rõ ràng ở phần dưới, mục: Chuột Trong Văn Chương.

2. Mối lợi của chuột: Món ăn

  a. Thịt chuột món ăn tuyệt vời
Ngoài những cái hại như phá phách, gieo bệnh như đã biết, chuột cũng mang lợi ích cho loài người. Đó là một nguồn thịt to lớn. Thịt chuột được ăn thường là chuộc đồng.
   - Ngày xưa người La Mã ăn thịt chuột ngủ Glis glis thuộc gia đình Gliridae.
   - Người Trung Hoa, Việt Nam và nhiều dân tộc khác trên lục địa Á-Phi- Trung, Nam Mỹ đều ăn thịt chuột. Ở Việt Nam người ta quay chuột như quay gà và làm mắm chuột, khô chuột.
   - Riêng người Việt ở các tỉnh đồng bằng sông Cữu Long, thường ăn các loại chuột đồng/Microtus vì loại chuột nầy chỉ ăn lúa, ốc cua ngoài đồng, mập sạch thịt thơm ngon, khác với chuột ở thành phố vì dơ bẩn ở hang cống nhiểm bệnh,
    - Chuột lại là món ăn ngon lành béo bở của nông dân với các món: Chuột nướng trui, chuột rô ti, chuột xào lăn, chuột xào bún nấm củ hành... Bắt được nguyên ổ chuột con còn đỏ hỏn thì cho vào hũ rượu đế ngâm chừng ba tháng là uống được. Nghe nói thứ rượu chuột nầy trị bịnh trật đả thấp khớp rất công hiệu. Theo y học dân tộc cổ truyền thì thịt chuột đực có thể trị bệnh té ngã, tan máu bầm; phân chuột trị được bệnh kinh phong; còn đất của chuột đùn lên cũng có thể trị bịnh co rút, tê thấp.

  b. Phân biệt chuột đồng và chuột nhà:
- Nhiều người, không phải xuất thân ở chốn đồng quê nên cũng khó phân biệt được chuột nào là chuột đồng, chuột nào là chuột nhà. Chuột đồng có bộ lông rất mướt, màu nâu vàng có xen đen hoặc xám lợt. Ở nhà quê cũng có chuột cống mà chuột cống ở đồng khôngt nhiều, lông chuột cống ở nhà quê cũng màu xám nhưng loại màu xám có pha đen, lông mướt. Sự khác biệt rất dễ nhận thấy. Chuột đồng có dáng dấp khỏe mạnh tươi mát hơn đám chuột nhà. Chuột chui ống cống ở thành thị, sợ ánh sáng, mình ghẻ lở, lông xù, thấy phát sợ thì làm sao làm món ăn nuốt trôi được.

  c. Cách săn bắt chuột
    Sau đây là vài cách săn chuột đồng dưới quê.
    - Săn bắt chuột bằng chó săn
    Săn bắt chuột cần phải có chó săn có tài đánh hơi bắt chuột. Chó săn được tuyển chọn "có nghề", đúng nòi "chó săn chuột" truyền thống. Chó săn được huấn luyện từ lúc còn nhỏ. Thường thì bắt chuột nhắt, chuột con cho Cún "ngửi" bắt hơi, cho tập vồ, tập cắn, tập tha... (không được ăn, không được cắn chết). Kế tiếp, thả chuột vào hang bắt Cún con đi "tìm", thả chuột xuống ao cho Cún bơi, ngoạm đưa vào bờ cho chủ. Tập đánh hơi vào các hang xem hang nào có chuột, lúc đó chỉ phải nhẹ nhàng "vẫy đuôi" (báo hiệu) thôi, để chuột khỏi thấy động  mà vọt ra chạy mất... 
                                                                            (theo Nguyễn Khôi)

Vào mùa khô, chuột ở tứ tán, không tập trung như mùa nước, thường ở những hang dọc theo kinh, rạch. Dẫn chó theo đánh hơi, hang nào có chuột thì chó dùng hai chân trước cào bới đất, người ta lấy thùng múc nước đổ vào hang, chuột vọt ra một ngách, ngõ khác nào đó. Chúng thường hoảng sợ phóng xuống nước, chó săn nhà ta phóng lội rượt. Trong tích tắc chó cắn được đầu chuột lội vào bờ, chạy đến ngoe nguẩy đuôi nhả ra báo cáo lập công với chủ. Chuột được bỏ vào giỏ, hoặc buộc lại thành xâu. Hang nào, chó không đào bới mà nó đứng sủa hoặc mặt lấm lét thì người ta biết rằng hang đó là hang rắn. Gặp hang rắn hổ mang, loài rắn dữ nhứt, nó cắn, nọc độc truyền sang nhanh, có người không kịp về đến nhà thì đã sôi bọt mồm, ngất ngư và đôi khi chết trên đường về nhà.

    - Săn bắt chuột bằng đăng, lọp
   - Cách săn bắt bằng chó trên chỉ có tính cách tài tử, sau đây là cách săn bắt chuột quy mô của Nguyễn Viết Tân:

   "Lúa vùng này năng xuất đã kém, mà chuột đồng còn phá dữ dội. Những đám lúa gần lung đìa luôn luôn phải cắt trễ, vì nước sâu nên chín chậm hơn chỗ cao. Chuột dồn về đây nên dưới mặt đất in đầy dấu chân chuột. Người ta cắm đăng, đặt lọp như bắt cá, trên lọp còn phủ một cái chài, vừa ngăn chuột chạy thoát, vừa có thể bắt thêm được ít chim ốc cao đang lẩn lút dưới bụi lúa không bay ra được. Bình thường, lọp tre hay lưới chài, bọn chuột coi có ra gì với hàm răng sắc bén, nhưng lúc đang bị rượt đuổi, chúng chỉ lo chạy mà thôi. Có đôi khi họ dùng phương pháp dậm cù: Chừng năm mười người chạy vòng quanh một đám lúa hay cỏ, đạp nhẹp xuống, càng lúc càng nhỏ vòng lại. Sau cùng, cù chỉ còn lớn bằng cái nia, chuột quay đầu vào giữa, thò cả mấy trăm cái đuôi ra ngoài. Người ta nắm đuôi từng chú, đập mạnh xuống đất, rồi vất ra phiá sau. Chuột lột da, xào sả ớt nhậu một bữa, còn bao nhiêu mới đem ra chợ bán"
                                                              (Nguyễn Viết Tân -Việt Báo)

- Cách săn bắt chuột ở miệt thứ của Rạch Giá, Cần Thơ :  
Có nhiều cách bắt chuột, ngoài cách đâm, đập, đổ nước, xông khói vào hang chuột phóng ra, người ta đập,"dậm cù" hoặc cho chó lội, rượt theo cắn bắt. Những vùng ở miệt thứ của Rạch Giá, vùng Cờ Đỏ của Cần Thơ hay những vùng nào có nhiều sậy, lác, cỏ ống cao rậm rạp và là nơi sinh sôi nẩy nở chuột nhiều. Người ta dùng trâu hoặc bò đuổi, đi càn quét để chuột sợ chạy rần rần đến chỗ có đăng chận cản lại. Chuột chạy theo chân đăng tìm chỗ trống chui thoát qua nơi đó đã đặt sẵn những cái lọp, có miệng để chuột chạy vào mà lại không có lối ra. Quần bắt chuột như thế có khi một lần được mấy trăm con. 
                                                          (Chuyện Đồng Quê -Trần Văn)

 d. Cách làm thịt chuột
- Có hai cách : ở Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ... người ta thường dùng nước sôi nhúng chuột vào rồi lột da rửa sạch, chặt bỏ đầu, mổ bụng chỉ lấy gan. Cách làm chuột thứ hai, người ta đập chuột cho thật chết cho vào một bẹ chuối, buộc kín lại hoặc chỉ để trên bẹ chuối, dùng lá cây hoặc rơm rạ đốt một chập chừng hơn năm phút thấy bẹ chuối bị cháy nhiều, lấy chuột ra lột da. Làm chuột cách nầy thịt chuột thơm hơn nhưng tốn công hơn và có thể xem như không sạch bằng lột da bằng nước sôi, có thể tro, bụi than của rơm rạ dính vào da thịt chuột. Lột da bằng cách thui nầy thường thấy ở vùng Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu. Đường nào cũng tới La Mã, chuột cũng bị lột da.
Làm cách nào cũng được miễn sao chuột được sạch và nhanh, có đủ thời giờ còn để chuột ráo nước rồi người ta ướp nào ngũ vị hương, hành tỏi, xì dầu, bột ngọt. Hồi xưa, lúc tôi còn nhỏ, làm gì có bột ngọt, người ta cho thêm một chút đường hoặc có người không ướp thêm đường, vì thịt chuột đã ngọt và béo rồi.

 e. Vũ Bằng và món thịt chuột miền Nam

   Chuột là món ăn đặc sản của VN bây giờ. Tôi xin nhờ ông Vũ Bằng kể với các bạn về món thịt chuột:

   "Chuột săn được đem về đập chết rồi đem thui, lột da, mổ bụng, lấy bớt mỡ chỉ chừa lại lá gan rồi đem ngâm nước phèn, thịt chuột đỏ dần lên sau lần lần xuống mầu, trắng phau phau và láng bóng như da người trinh nữ; có đôi chỗ lại ửng hồng lên. Không, không, cách gì anh cũng phải nhận với tôi rằng cái da thịt mịn màng ấy hứa hẹn không biết bao nhiêu, hấp dẫn không biết chừng nào và trừ phi anh là Liễu Hạ Huê không nói gì, chớ nếu anh cũng là người như tôi thì muốn gì anh cũng phải liên tưởng một cách tục tĩu và tội lỗi đến thân thể ngọc ngà "dầy dầy sẵn đúc" của cô Năm Trứng Gà - chẳng gì cũng nổi tiếng là "người đẹp Long Xuyên" một thuở.
Cái giống chuột này thui lên rồi lột da ăn mới thiệt ngon, chứ đem nhúng nước sôi thì trông như chuột chết sình, không những đã không đẹp mắt mà ăn vào lại không thơm. Bởi thế, chuột bán ở chợ hầu hết đều đem thui vàng rồi lột da không có ai bán chuột sống trừ phi phải chuyên chở từ tỉnh này sang tỉnh khác, từ nhà quê ra kẻ chợ.
Chuột lá lốt, chuột cuốn, chuột xé phay và chuột lúc lắc. Nhưng làm cho ta sướng cả khứu giác, thị giác và thính giác cùng một lúc có lẽ là cái món chuột nướng vàng trên than hồng, mỡ rớt xuống than cháy xèo xèo, bốc lên một mùi thơm điếc mũi còn hơn cả bún chả băm và chả miếng của người Hà Nội. Ngồi ở đầu xóm cuối xóm chỉ ngửi thấy mùi thơm cũng bắt thèm và phải chửi đổng một câu cho... đã tức! Rượu đế nước nhất ngâm sâm và bìm bịp, hạ thổ một trăm ngày lấy lên uống rồi gắp một miếng vàng ngậy như mùi da đồng, nóng hôi hổi, chấm nước mắm sả ớt, điểm mấy sợi xoài thái chỉ rồi nhai rất từ từ và lấy hai ngón tay nhón một tí rau thơm, một tí húng cây hay một tí ngò tây, anh sẽ thấy - quái! Sao cái thịt này nó mềm thế nhỉ, mà lại ngọt, mà lại thơm một cách rùng rợn, mê ly thế nhỉ!
Ăn thịt gà, thịt bò, thịt vịt, thịt heo, xong món này thì đổi món khác, điều ấy ai cũng thấy rồi và có như thế thì người ăn mới lạ miệng và không thấy ngán. Ôi chao, đến cái thịt chuột thì huyền diệu lắm: nhậu thịt chuột rồi, đến lúc ăn cơm lại dùng toàn những món chuột luôn, vậy mà chẳng thấy ngán một ly ông cụ, trái lại vẫn cứ ngon ơ, ăn muốn... chết cơm mà miệng vẫn cứ muốn còn ăn nữa. Mê không để đâu cho hết là món chuột bằm nhỏ xào rau mò om cập với bánh tráng nướng và món chuột xào bầu ăn vừa mát vừa thơm, từa tựa như cơm trộn với trứng cáy mà lại ăn thêm với mấy ngọn rau sắng chùa Hương vậy.
Nguyên Đại sứ Tây Ban Nha mà anh vừa nói đó, lúc ấy làm Đại sứ ở Trung Hoa, dưới triều Mãn Thanh. Hoàng đế Trung Hoa, Tây Thái Hậu có một lần mời đại diện của mười tám nước Âu Mỹ đến dự một bữa tiệc độc nhất vô nhị, không tiền khoáng hậu. Dự bữa tiệc ấy về, ông ta viết một hồi ký dầy bằng một cuốn sách, thuật lại từ cách tổ chức, trưng bày, lề lối thù tiếp, ăn uống cho đến chi tiết các món ăn mà người đầu bếp của nhà vua đã nghiên cứu và nấu nướng để cho quan khách thưởng thức trong hồi hộp, kinh hoàng, và tán thưởng liên tiếp suốt cả tuần - là vì bữa tiệc ấy kéo dài trong suốt cả tuần, chớ sao! Ăn uống say sưa rồi, ai muốn ngủ có phòng riêng và người đẹp như tiên hầu hạ; ai có công việc phải đi, cứ tự nhiên rồi lại về ăn; còn ai muốn đánh bài, ăn thuốc, thì sang một khu riêng có đủ các thứ "tệ đoan xã hội" cứ dùng thả cửa rồi lại quay về mà ăn uống, ăn uống thế nào kỳ cho thích khẩu thì thôi. Vì đọc thiên hồi ký đó trên dưới hai mươi năm nay rồi, anh không thể nhớ hết chi tiết các món ăn lạ nhất, quí nhất và ngon nhất thế giới để kể lại cho em thương; chỉ nhớ trong các món ấy có một món kêu là sâm thử. Sâm là cây sâm, thử là chuột, sâm thử là chuột sâm.

- Kỳ, sao lại có thứ chuột gì là chuột sâm?

- Nguyên Đại sứ Tây Ban Nha thuật lại rằng đến món ăn đặc biệt ấy thì có một ông quan đứng lên giới thiệu trước rồi quân hầu dưng lên bàn tiệc cho mỗi quan khách mỗi cái đĩa con bằng ngọc trong có một con chuột bao tử chưa mở mắt, đỏ hon hỏn hãy còn cựa quậy - nghĩa là một con chuột bao tử sống. Bao nhiêu quan khách thấy thế chết lặng đi bởi vì nếu phải theo giao tế mà ăn cái món này thì... nhất định phải... trả lại hết những món gì đã ăn trước đó. Mọi người nhìn nhau. Tây Thái Hậu cầm nĩa xúc con chuột bao tử ăn để cho mọi người bắt chước ăn theo. Con chuột kêu chi chí, người tinh mắt thấy một tia máu vọt ra... Hoàng đế Trung Hoa thong thả vừa nhai vừa suy nghĩ như thể muốn kéo dài cái thú ăn tuyệt diệu ra để cho cái thú ấy thấm nhuần trí óc và cơ thể. Và Ngài nói: "Mời chư vị". Nhưng không một vị nào đụng đũa, cứ ngồi đơ ra mà nhìn. Tây Thái Hậu bèn cười mà nói đùa: "Tôi tiếc không thấm nhuần được cái văn minh Âu Mỹ của các ngài, nhưng riêng về cái ăn thì tôi thấy quả các ngài chậm tiến, không biết cái gì là ngon là bổ. Về món đó, các ngài có lẽ còn phải học nhiều của người Á Đông".

Không một ông nào trả lời vì có lẽ các ông đại diện ấy đến lúc ấy đều bán tín bán nghi không biết ăn chuột bao tử như thế là văn minh hay man dã. Tuy nhiên người ta có thể chắc chắn là chưa có một nước nào trên thế giới lại có một món ăn tinh vi, quí báu, cầu kỳ đến thế bao giờ. Chuột mới đẻ đem nuôi trong lồng kính cho ăn toàn sâm thượng hảo hạng và uống nước suối, đến khi đẻ ra con thì lấy những con đó nuôi riêng cũng theo cách thức đó để cho sinh ra một lớp chuột mới, nhưng lớp chuột mới này vẫn chưa dùng được. Cứ nuôi như thế đến đời thứ ba, chuột mới thực là "thập toàn đại bổ", người ta mới lấy những con chuột bao tử của thế hệ mới này ra ăn và ăn như thế tức là ăn tất cả cái tinh hoa, bén nhạy, khôn ngoan của giống chuột cộng với tất cả tính chất cải lão hoàn đồng, cải tử hoàn sinh, tráng dương bổ thận của cây sâm vốn được y lý Đông Phương đặt lên hàng đầu thần dược từ cổ chí kim trong trời đất."   
                                                         (Món Lạ Miền Nam - Vũ Bằng)
..........

@. Ghi chú thêm về Từ Hi Thái hậu (Cixi 1835 – †1908):  Với đời sống xa hoa ăn uống cầu kỳ, nên người đầu bếp phải biến chế nhiều thức ăn bổ khoẻ cho Thái hậu như: bắt chuột trắng trên núi Ngự Hằng về nuôi lúc mới đẻ con, họ đem nuôi trong lồng kính cho ăn toàn sâm thượng hảo hạng và uống nước suối, đến khi đẻ ra con thì lấy những con đó nuôi riêng cũng theo cách thức đó để sinh ra một lớp chuột mới, nhưng lớp chuột mới này vẫn chưa dùng được. Cứ nuôi như thế đến đời thứ ba, thế hệ chuột nầy là “thập toàn đại bổ”, người ta lấy những con vừa đẻ còn đỏ hồng nên gọi là “chuột bao tử/ pinkie mouse” ăn như thế tức là ăn tất cả cái tinh hoa có tính chất cải lão hoàn đồng, cường dương bổ thận. Dù Thái hậu đã ăn các loại chuột đó, cũng như mỗi ngày đầu bếp nấu 500 nón ăn khác nhau, nhưng bà đã không vượt qua qui luật của tạo hóa.

 f. Vài món thịt chuột của miền Nam

   Ngoài các món chính như nướng, rô-ti, còn món chuột áp chảo, xào lá dang, rau ngổ, lá cách, nấu hủ tíu. Người ta còn làm mắm, làm khô, muối sả ớt. Món chuột muối sả ớt, nướng hoặc chiên, người thợ cày rất thích. Sau đây là món rô-ti:
   - Bắc chảo lên bếp, đợi chảo nóng cho một ít mỡ heo vào, nhiều khi không có mỡ heo, người ta lấy mỡ chuột. Đợi mỡ tan cho vào vài tép tỏi. Mỡ phi xong gắp chuột từng con cho vào chảo. Chảo trung bình, không lớn lắm cũng không nhỏ lắm, chiên một lúc nãm, ba con. Lửa riu riu, dù có mất thời giờ một chút, chuột lâu vàng. Nếu đốt lửa cao, mau vàng, gọi là chín háp như trái cây vú ép, thịt chuột hay bất cứ thịt, cá gì cũng không được ngon lắm hoặc không thật chín. Chiên một bên vàng, lật sang bên kia chiên tiếp, từ từ không vội lắm, như thế thịt chuột rô-ti mới thật ngon.
   Trong lúc đợi chuột chín vàng, người đầu bếp còn lo làm nước mắm ớt chanh, tỏi và không quên khi vắt chanh hết nước, thái xác vỏ chanh một ít cho vào nước mắm. Xác chanh màu trăng trắng cùng với màu xanh của vỏ và màu đỏ tươi của ớt nổi lềnh bềnh trên mặt nước mắm màu nâu nhạt, tạo thành nhiều màu sắc thật hấp dẫn. Trong lúc bà nội trợ lo chiên chuột và làm nước mắm thì ông chồng cắt rau, đặc biệt là rau rắp cá, thêm một chút rau răm, rau húng, tía tô, kinh giới hoặc lá quế, rau tần, có rau gì ăn cũng được, sẽ làm tăng cái ngon của thịt chuột. Ăn thịt chuột mà thiếu rau thì quả thật làm giảm độ ngon hết hai, ba mươi phần trăm. Dĩa rau sống đa dạng còn kèm theo nào dưa leo hoặc chuối chát, khế, khóm hay cả đào lộn hột ...
Ở nhà quê, còn có loại rau ăn chua chua chát chát như ngành ngạnh, rau chiết, rau chốc, đọt xoài, đọt cây cóc.
                                       (Trích trong Chuyện Đồng Quê -Trần Văn)

3. Rat Temple - Đền Chuột; Thiên đường của chuột

   - Theo tạp chí National Geographic, ngôi đền của đạo Hindu có tên là Karni Mata ở Rajasthan còn được gọi là “Đền Chuột” (Rat Temple). Nơi đây có khoảng 25.000 con chuột sinh sống và được mọi người “tôn kính”. Đó là “thiên đường” của chuột.
Karni Mata là tên của một vị nữ thần, bà ước muốn có một ngôi nhà cho loài chuột mà kiếp trước là “những người hành nghề kể chuyện” (storytellers). Vào năm 1900, một ngôi đền được xây dựng để vinh danh thần Karni Mata và… những con chuột. Một đội ngũ nhân viên hơn 500 người có nhiệm vụ hàng ngày nuôi chuột bằng hạt ngũ cốc và sữa, đồng thời họ cũng có trách nhiệm làm vệ sinh trong đền.
   - Theo nguồn khác thì Karni Mata Temple là một ngôi đền Ấn độ giáo nằm cách thành phố Bikaner 30 km, trong vùng Rajasthan. Ngôi đền này được dựng lên để thờ phụng Karni Mata, một vị thần của Ấn độ giáo.
Theo truyền thuyết, người con trai yêu quý của Karmi Mata là Laxman bị chết đuối khi xuống hồ uống nước. Thần Karni Mata cầu khẩn Tử thần giúp con ông sống lại. Lúc đầu thì bị từ chối , nhưng sau nể tình Karni Mata, thần chết cho Laxman và tất cả các người con trai khác của Karni Mata được đầu thai làm chuột.
Ngôi đền là "thiên đường" của hơn 25,000 chú chuột. Các chú tha hồ ăn thức ngon vật lạ và uống sửa tươi do thí chủ cúng dường. Các chú ăn no rửng mở nên sanh đẻ đông nhung nhúc.

           

4. Chuột trong phim ảnh

     Về phim hoạt họa của Walt Disney (1901-1966) với hàng trăm nhân vật do ông dựng nên. Trong số đó, có khá nhiều chó, mèo. Riêng chú chuột láu lỉnh Mickey dễ thương này được tạo ra năm 1928 bởi họa sĩ Ub Iwerks và ông Walt Disney lồng tiếng. Hãng phim Walt Disney ấn định ngày sinh của chú chuột này là ngày 18 tháng 11, thời điểm tung ra (năm 1928) bộ phim Steamboat Willie ở New Yorker. Sau sự thành công đó các phim ra đời. Mickey and the Beanstalk-Mickey’s Christmas Carol. Micky, Donald & Goofy im Märchenland. Walt Disney lồng tiếng cho Mickey từ năm 1928 đến 1946, sau đó chuyên gia hiệu ứng âm thanh James G. MacDonald đảm nhiệm vai trò này. Hiện nay, giọng nói của Mickey được thể hiện bởi Wayne Allwine. Doanh thu hàng năm phim lên đến hơn 2,2 tỷ đô la. Disneyland không thể vắng bóng chú chuột dễ thương chào đón quan khách.
     Con chuột Mickey trong tranh và phim hoạt họa Walt Disney, có lẽ là chú chuột lừng danh nhất thế giới hiện đại. Hãng phim này trong năm 2007 đã sản xuất một phim hoạt họa lừng danh, đoạt nhiều giải thưởng quốc tế,  « Ratatouille », một cách chơi chữ, lấy tên một món ăn bình dân, tương đương với món bung của ta, và bắt đầu bằng tiếng Rat (chuột).

                     
                                          (Hình chuột Mickey)

Mèo chuột nếu theo nghĩa đen của người Việt chúng ta ám chỉ người đàn ông lập gia đình mà có thêm bồ bịch, nhưng trong show hoạt hoạ nổi tiếng mèo là Tom, chuột là Jerry thì khác. Show hoạt họa " Tom and Jerry", rất hấp dẫn chinh phục khán giả của mọi lứa tuổi. Show nhiều tập Tom and Jerry do Cty MGM sản xuất tại Hollywood từ năm 1940 đến 1967 được 161 show hoạt hoạ chiếu trên Tivi cũng như ở Kino được nhận giải Oscar, do hai đạo diễn William Hanna và Joseph Barbera được người ta gọi là “The king of Tom and Jerry”. Năm 2000, tạp chí TIME công bố Tom and Jerry là một trong những show truyền hình hay nhất mọi thời đại.
     Phim "Ratatouille", kể chuyện con chuột Rémy chạy lạc vào một tiệm ăn lớn ở Paris, lừng danh là nơi có nhiều tiệm ăn ngon. Tình thế đẩy đưa, chú chuột Rémy trở thành một đầu bếp xuất sắc, được làng chuột Paris bảo vệ và ủng hộ. Phim có tính cách ngụ ngôn, vui nhộn, truyền cảm;  nhạc hay, ý nhị, tinh tế. Phim " Ratatouille" cũng đã được nhiều giải thưởng trên thế giới
                                                                     (Theo Nguyễn Quý Đại)

5. Vài việc liên quan đến chữ chuột

      a. Cuộc sống ngày càng văn minh, hiện đại chuột cũng đi vào lịch sử  máy điện toán - computer với “computer mouse”: tiếng Việt gọi là “con chuột máy tính”. Đây chính là “thiết bị ngoại vi” giúp người sử dụng có thể theo dõi sự di chuyển trên màn hình. Douglas Engelbart phát minh ra nó năm 1963, ông gọi là “con chuột” chỉ vì cái đuôi có dây nối với máy vi tính giống như… con chuột. Ngày nay còn có “chuột không dây” nhưng vẫn bị gọi “chết tên” là… con chuột!
      Con chuột là bộ phận thân thiết nhất với bàn tay, có lẽ dịch từ tiếng Anh Mouse, tiếng Pháp Souris, là chuột nhắt, chứ không phải là chuột cống, Rat, mang âm vang xấu hơn.
     - Chữ Mouse (Chuột) được thịnh hành kể từ khi thế giới bước sang thời đại computer.
     - Chữ Rat trong tiếng Anh còn có nghĩa là kẻ phản bội, phản đảng.

     b. Chuột rút (Krampus), hay vọp bẻ, là cảm giác đau gây ra bởi sự co rút, thường là co cơ. Chuột rút có thể xảy ra với những vận động viên thể thao hoạt động với cường độ cao, mất nước và khoáng chất do ra mồ hôi nhiều, Chuột rút chân lúc ngủ đêm là sự co cơ có thể xảy ra ở cơ bắp chân, cơ bàn chân trong lúc ngủ hay nằm nghỉ. Triệu chứng có thể là cẳng chân duỗi đơ với các ngón chân quắp xuống. Chuột rút kiểu này có thể xảy thoáng qua trong vài giây hoặc vài phút và sự đau kéo dài một lúc sau đó. Chuột rút kiểu này hay xảy ra với người lớn tuổi, nhưng cũng có thể xảy ra với bất cứ ai. Có thể lý do là thiếu một số khoáng chất như: Magnesium, thiếu nước hoặc nằm bất động lâu quá. bệnh giãn tĩnh mạch hoặc xơ vữa mạch máu. Theo kinh nghiệm nếu bị chuột rút chân trái đưa tay phải lên, hoặc ngược lai sẽ hết.
     c. Bị chuột cắn cũng nguy hiểm như bị chó dại cắn vì nước miếng chuột rất độc.

CHUỘT TRONG VĂN CHƯƠNG


             
                                               (Hình chuột ăn cắp trứng)

1.   Chuột Rồng: Long Thử
2.   Chuột ăn cắp trứng rất hay. Các bạn sẽ biết được chúng làm như thế nào trong truyện sau đây, (thay vì trứng, chuột ôm chuông) nói về một con chuột kỳ dị gọi là Long Thử của ông Hồ Hữu Tường, trong truyện ngắn nổi tiếng một thời của cụ: "Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp".

Truyện rằng: Con thằn lằn vốn biết nguyện vọng của nhà sư: là hễ tụng xong lần cuối cùng thứ một nghìn, thì nhà sư sẽ lên giàn hỏa mà tự thiêu; nó nghĩ: nhà sư lòng còn mê tín nên muổn cứu. Con thằn lằn uống dầu của đỉa đèn cho tắt lữa, không cho nhà sư đọc kinh Phật được, Phát hiện ra, nhà sư mới giận, tay cầm dùi mõ nhắm ngay đầu con thằn lằn mà đập mạnh. Con thằn lằn bị đánh vỡ đầu chết.  Sau đó con thằn lằn đầu thai thành con chuột, có hình dạng giống con rồng.

   "...Bởi là do con thằn lằn đầu thai, nên khi chuột ta sanh ra, thì hình vóc còn mang máng giống con thằn lằn. Mẹ nó lầm tưởng là rồng. Bèn đặt tên cho nó là Long Thử.
Long Thử lớn lên, có vẻ trầm ngâm, đạo mạo. Lời nó kêu chít chít nào, nghe cũng có ý nghĩa ưu thời mẫn thế. Một hôm, nó gọi một bạn chuột lực lưỡng theo nó. Té ra, nó đã gặp được một nơi góc tàu ngựa, một cái lục lạc to bằng quả trứng, nên về gọi bạn theo nó. Đến nơi, nó nằm ngửa ra, ôm lục lạc vào lòng, và bảo bạn cắn đuôi nó mà kéo, như là kéo xe vậy. Kéo nó tới đâu, thì tiếng lục lạc kêu lên rổn rảng. Mà bạn nó, vì cắn đuôi nó mà kéo, đi chỉ nghe theo lịnh nó chít chít điều khiển, nên chẳng biết trước sẽ hướng vào đâu, thành ra không sợ sệt chi. Long Thử ra lịnh cho kéo đến lão mèo, tính đem lục lạc mà mang vào cổ lão mèo, như trước kia, lúc nó còn là hồn con thằn lằn, nó đã nghe nói vậy.
Nằm một góc, lừ đừ, lão mèo nghe vang tiếng lục lạc. Bèn giương mắt nhìn, chẳng biết con gì, đầu chẳng thấy mặt mũi chi, chỉ thấy một cái vòi quơ qua quơ lại, để tìm phương hướng, lại có đến tám chân, bốn chân để đi, bốn chân lại chổng lên mà nghỉ, mà kêu rống chẳng ngơi. Lão mèo quá sợ nhảy phóc lên nóc nhà, kêu "miao! miao!" rất là kinh hãi.
Lũ chuột núp trong hang, nãy giờ thấy mèo rình không dám ra. Bây giờ thấy mèo hoảng nhảy đi bèn nà ra. Con nào đói thì mau mau đi tìm mà ăn vụng. Một số đông lại bu quanh Long Thử, lên tiếng chê bai:
- Việc này có gì là khó. Ai mà nằm ngửa ôm lục lạc chẳng được? Vì lối ăn cắp trứng ấy, chuột nào mà chẳng biết? Chỉ vì mèo dại, thấy hai con chuột cắn đuôi nhau, lầm tưởng là con quái gì, mà sanh sợ thôi!
Chẳng dè, nằm trên mái nhà, lão mèo nghe và hiểu tiếng chuột. Lão nhìn xuống, thấy quả là Long Thử ôm lục lạc, nằm ngửa cho một con chuột khác cắn đuôi; và cái mà lão lúc nãy tưởng đâu là cái vòi quơ qua quơ lại, thật sự, chỉ là cái đuôi chuột! Lão vừa thẹn cho lão, vừa phục Long Thử đa mưu, vừa phát ghét lũ chuột vô ân, đã buông lời chê bai kẻ mới cứu mình khỏi nạn. Từ trê mái nhà, lão mèo phóng xuống, mỗi một tay hay chơn, sè vuốt mà móc họng một chuột.
Tất cả các chuột khác hoảng chạy tứ tán. Long Thử và bạn nó cũng giựt mình hoảng hốt chạy theo, chun vào   hang mà trốn. Chừng tinh thần định tỉnh lại, lũ chuột bèn lập tòa án chuột để mà xử Long Thử. Long Thử bị buộc tội là Thử gian, làm chuột mà lãnh lịnh của mèo, hại loài chuột của mình. Bằng cớ là bấy lâu nay, lão mèo mỗi lượt chỉ móc họng được một chuột mà thôi; còn bây giờ, mèo và Long Thử toa rập, để cho mèo giết một lần bốn trự chuột. Nếu không phải nhờ Thử-gian đồng lõa mà giúp, dễ gì mèo chụp một lượt đến bốn chuột? Lời buộc tội quá hữu lý như vậy, đủ bằng cớ thiết thực như vậy, dễ gì Long Thử đem tâm tình của mình, một tâm tình vô hình, không biết tựa vào đâu, để mà chứng minh, để nói rằng mình chỉ có lòng cứu độ loài chuột, chớ chẳng có dạ phụng sự cho mèo để hại chuột? Long Thử bị kết án tử hình. Điều này nó dễ chấp nhận, nếu nó phải đem cái chết của nó làm điều kiện, để cứu độ loài chuột, mà nó quá thương yêu. Song cái bản án của nó, "tội Thử gian," làm cho nó đau khổ vô cùng; vì nó mang một cái oan vô tận, không ai giải cho được".
                                (Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp - Hồ Hữu Tường)

Sao các bạn, nghĩ sao về Long Thử?

     2. Của Chuột Và Người của John Ernst Steinbeck Jr.

   Của Chuột Và Người - Of Mice and Men:  Sách xuất bản tháng 2/1937, thời kinh tế Mỹ khủng hoảng, kể về tình bạn và những ước mơ chung của George và Lennie, hai công nhân nông nghiệp lang thang khắp nơi để kiếm sống.
Lấy bối cảnh nước Mỹ thời Đại suy thoái, cuốn tiểu thuyết mỏng đã trở thành kinh điển này kể một câu chuyện chân thực và hấp dẫn, dù bi kịch, về hai kẻ bên lề cố gắng tìm lấy một chỗ cho mình trong một thế giới nghiệt ngã. Lang thang khắp nơi tìm việc, George và Lennie, người bạn to lớn ngờ nghệch của hắn, chẳng có gì ngoài nhau và một giấc mơ chung: rằng một ngày nào đó họ sẽ kiếm đủ tiền để mua một trang trại. Nhưng rồi cũng như trong câu thơ của Robert Burus-  “Những dự tính hoàn hảo của chuột và người thường không thực hiện được” - đã gợi cảm hứng cho nhan đề tác phẩm này, như trong chính cuộc đời này, những dự định tốt nhất thường đổ bể, những giấc mơ đẹp nhất thường không thành, mọi hy vọng của họ đã bị kết liễu ngay khi số phận đẩy Lennie ngờ nghệch đến chỗ gây ra một tội lỗi bất khả sửa chữa, để rồi từ đó hy vọng lao thẳng tới thất vọng và tất cả rơi vào một kết cục bi thảm không thể vãn hồi…
John Ernst Steinbeck Jr. (1902–1968) là nhà văn vĩ đại người Mỹ từng giành giải Pulitzer năm 1939 và Nobel văn chương năm 1962.Ông để lại một sự nghiệp đồ sộ với hàng chục tiểu thuyết, truyện ngắn và sách phi hư cấu, trong đó đáng chú ý nhất có thể kể đến Của chuột và người (1937), The Long Valley (1938), The Grapes of Wrath (1939), East of Eden (1952), The Winter of Our Discontent(1961), và Travels with Charley (1962).

   3. Chuột trong văn chương

      a. Thảo Thử Hịch của Nguyễn Đình Chiểu

     Cụ Nguyễn Đình Chiểu, 1822-1888, có bài Thảo thử hịch (Hịch đánh chuột) toàn bài gồm 40 câu. Cụ đồ Chiểu đã mượn con chuột để chỉ bọn tham quan ô lại, những kẻ cường bạo hại dân, pha hoại luân thường đạo lý, chia rẽ cha con, chồng vợ... Nói tóm lại con chuột tiêu biểu cho tà gian, cường bạo; vì thương dân yêu nước, bảo vệ đạo lý nên phải ra lệnh tiêu diệt hết loài gian ác:

  Gọi danh hiệu : chuột xạ, chuột lắt, chuột chù, chuột cống, anh em dòng họ nhiều tên;
 Tra quán chỉ ; ở nhà, ở ruộng, ở lạch, ở ngòi, bầu bạn non sông lắm lối
Lớn nhỏ răng đều bốn cái, ăn của người thầm kín biết bao nhiêu;
Vắn dài râu mọc hai chia, vắng mặt chủ hung hăng đà lắm lúc …
Cớ sao đem lòng quỷ quái;
Cớ sao còn làm thói gian tham?
Nền xã tắc là nơi báo bổ, can chi mi đào lỗ đào hang?
...
Sâu hiểm bấy tấm lòng nghiệt thử cục cứt ra cũng nhọn hai đầu;
Báu xót chi manh áo thử cầu, tấm da lột không đầy ba tấc.
...
Giận là giận trộm đồ bàn Phật, trốn án mà xưng vương;
Căm là căm cắn sách kẻ nho, đành lòng mà phá đạo.
...
Ví có ngàn giòng nước khảm, khôn bề rửa sạch tội đa dâm;
Dẫu cho muôn nén vàng đoài, cũng khó mua riêng hình bất xá.
...
Chớ để con nào sơ lậu, phải ra tay lấp lỗ tam bành;
Đừng cho chúng nó xẩy ra, phải hết sức trừ đồ lục tặc.
                                               (Thảo thử hịch - Nguyễn Đình Chiểu)

Chuột bị kết án đa dâm vì... mắn đẻ.

   b. Vài Thành ngữ nổi tiếng

   - Mèo khóc Chuột - Miêu Khốc Lão Thử, ý muốn nói: Chỉ làm bộ thương xót mà thôi! Cả câu là "Miêu khốc lão thử giả từ bi" Mèo khóc chuột là lòng từ bi giả dối, để che mắt thiên hạ nhằm muốn đạt được một mục đích nào đó.
Thành ngữ Miêu Khốc Lão Thử có xuất xứ từ truyện Thuyết Đường, hồi thứ 62. Đây là câu nói mỉa mai của tướng Trình Giảo Kim nói với Tần Vương Lý Thế Dân, khi Tần Vương đến điếu tang tiểu tướng La Thành vừa mới bị Ân Tề nhị vương hại chết. Trình Giảo Kim cho là Tần Vương chỉ giả bộ thương xót để cho các tướng khác cảm động mà liều mình bán mạng để giúp nhà Đường tạo dựng nên cơ nghiệp mà thôi, chớ chẳng phải thương xót thật tình. Nên câu... Mèo khóc Chuột có nghĩa tương đương như là câu "Nước mắt cá sấu" của ta vậy.
   - Chuột Sa Hũ Nếp để chỉ người gặp dịp may đưa đến bất ngờ mà trở nên no đủ giàu sang, thường dùng để mĩa mai những người ở rể cho các nhà giàu.

Gió bấc non thổi lòn hang chuột,
Thấy chị hai mầy... tao đứt ruột đứt gan!

Khi đã được vào làm rể để cùng ngủ chung một nhà rồi, đến đêm cô gái đã ướm thử lòng và thách thức chàng trai:

Chuột kêu chút chít trong lò,
Lòng anh có muốn thì mò lại đây!

Thách thức xong, cô lại sợ chàng trai hưng phấn quá mà bộp chộp không cẩn thận, nên lại nhắc nhở:

Chuột kêu chút chít trong rương,
Anh đi cho khéo, kẻo... đụng giường má hay!

Cái anh chàng làm rể nầy cũng lém lỉnh lắm, anh ta đã liệu trước tình huống lỡ mà xảy ra:

Má hay má hỏi đi đâu? Thì đáp là...
Con đi bắt chuột cho mèo con ăn!
                  (Theo Đỗ Chiêu Đức)

   - Tai Voi Mặt Chuột để chỉ tướng mạo khuôn mặt của những kẻ tiểu nhân nham hiểm, tâm địa hung ác hay phá phách và hại người khác.
   - Cháy Nhà Mới Lòi Ra Mặt Chuột để chỉ chuyện gì đó hay người nào đó đến nước cuối cùng mới để lộ ra cái xấu, cái âm mưu thâm hiểm của mình.
     - Chuyện mèo chuột: Cảnh “mèo rình chuột” hầu như diễn ra hàng ngày nhưng không hiểu sao người ta lại hay dùng thành ngữ “chuyện mèo chuột” để diễn tả một cuộc tình thơ mộng của đôi trai tài, gái sắc. Có ẩn ý gì chăng?
Hình như trong lối nói đó có hàm ý mèo là “chàng” và chuột là “nàng”: Chàng sẽ "ăn tươi nuốt sống" nàng?. Chắc không? Biết đâu ngược lại nàng chính là con mèo lanh lợi, còn chuột lại là chàng vốn khù khờ nên bị nàng "ăn gỏi". Xem ra thì một bên tám lạng bên kia cũng vừa nửa cân, không biết “mèo nào cắn mỉu nào”

     c. Ca dao tục ngữ về chuột

  - Con mèo trèo lên cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
Chú chuột đi chợ đường xa
Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo

  - Chuột chù chê khỉ rằng hôi,
Khỉ lại trả lời: cả họ mầy thơm
chuột chê xó bếp chẳng ăn
Chó chê nhà dột ra nằm bụi tre.

   d. Ngôn ngữ Việt Nam đề cập nhiều đến chuột như:

Cháy nhà ra mặt chuột.
Chuột đội vỏ trứng (người đạo đức giả)
Chuột sa hủ nếp (nam nhân nghèo nhưng có vợ giàu)
Chuột gặm chân mèo
(không biết lượng sức khi gặp một đối thủ mạnh hơn)
Chuột cắn dây buộc mèo (dại dột khi cứu kẻ hại mình)

   e. Chuột trong tướng mệnh
Các thầy tướng Đông Phương cho rằng người có tai nhỏ như tai chuột thì không thọ và người có mặt như mặt chuột thì không phải là đấng trượng phu quân tử.

***
   Qua trên, đó là những gì tôi đã sưu tầm và tổng hợp cho có hệ thống mạch lạc, mong các bạn tìm thấy ở đây vài điều lý thú và vui trong ba ngày Tết. Chúc Xuân mới anh khang và thịnh vượng.

                                                                                       Nguyên Lạc
...............

Nguồn tham khảo:
Nguyễn Đình Chiểu, Vũ Bằng, Hồ Hữu Tường, Đặng Tiến, Đỗ Chiêu Đức, Nguyễn Quý Đại, Phạm Đình Lân, Nguyễn Viết Tân, Trần Văn, Nguyễn Ngọc Chính, Wikipedia ...

Không có nhận xét nào: