BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 29 tháng 1, 2020

KỶ NIỆM 230 NĂM CHIẾN THẮNG NGỌC HỒI ĐỐNG ĐA - Trịnh Sinh



KỶ NIỆM 230 NĂM CHIẾN THẮNG NGỌC HỒI – ĐỐNG ĐA 
                                                                                           Trịnh Sinh

Trưa mồng 5 Tết Nguyên đán Kỷ Dậu (1789), trong tiếng khải hoàn, vua Quang Trung mang đại quân vào thành Thăng Long với chiếc áo chiến bào đen sạm khói súng của những ngày đêm chiến đấu ác liệt. Nhân dân kinh thành tràn ngập trong niềm vui chiến thắng, đổ ra chật phố phường đón chào người anh hùng vừa lập nên chiến công thần kỳ. Quân Tây Sơn hân hoan ăn Tết khai hạ tại thành Thăng Long, đúng như lời Quang Trung đã hứa với quân sỹ trước đó tại Tam Điệp.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Thanh xâm lược mà tiêu biểu và quyết định là chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa là một trong những chiến công hiển hách nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Tự hào về người anh hùng áo vải cờ đào bách chiến bách thắng, nhà quân sự thiên tài Quang Trung - Nguyễn Huệ.

*
Khi Hoàng đế Quang Trung kéo quân ra Thăng Long, lực lượng quân sự của quân ta chỉ khoảng 10 vạn (kể cả quân cũ kéo từ trong Nam và quân mới tuyển ở dọc đường, nhiều nhất là ở Thanh Nghệ) và hơn 100 voi chiến (Đại Nam chính biên liệt truyện). Trong khi đó, lực lượng quân Thanh đông gấp 3 lần (Theo sách Đại Thanh thực lục, bộ sử chính thống của nhà Thanh thì quân Thanh tham gia đánh Đại Việt là 29.500 quân chính quy). Quân Thanh lại được huấn luyện tốt, trang bị vũ khí hiện đại hơn. Dưới sự trị vì của vua Càn Long, nhà Thanh bước vào giai đoạn cường thịnh.


Hoàng đế Quang Trung thân chinh dẫn đại quân từ Phú Xuân ra Tam Điệp hội quân để chuẩn bị đánh đuổi quân Thanh. Quang Trung dùng mẹo sai người đưa thư đến Tôn Sĩ Nghị để xin đầu hàng, gây cho chủ tướng quân Thanh càng thêm chủ quan. Tôn Sĩ Nghị bố trí các đạo quân để bảo vệ Thăng Long, trong đó có đạo quân Điền Châu, Triều Châu do Sầm Nghi Đống chỉ huy đóng ở Đống Đa, bảo vệ mặt Tây thành Thăng Long. Đạo quân chủ lực đặc biệt do Đề đốc Hứa Thế Hanh chỉ huy, lo bảo vệ phía Nam Thăng Long và chuẩn bị tấn công phòng tuyến Tam Điệp-Biện Sơn của quân Tây Sơn.

           
                       Gươm và súng của quân đội nhà Tây Sơn.

Bối cảnh cuối năm Mậu Thân (1788) cũng là sát Tết Kỷ Dậu (1789), quân Thanh đã bày binh bố trận chặt chẽ, vừa mang tính phòng thủ, vừa mang tính chuẩn bị tấn công trong tư thế sẵn sàng chấp nhận sự... “đầu hàng” của quân Tây Sơn. Với nhiều ưu thế về quân số vượt trội, lại dễ dàng chiếm được Thăng Long, nên Tôn Sĩ Nghĩ đã mắc phải sai lầm chiến lược: chủ quan tự mãn. Vì thế, mặc cho vua Lê Chiêu Thống thỉnh cầu xuất quân ngay, nhưng Tôn Sĩ Nghị chủ quan thể hiện trong câu nói: “Năm đã gần hết, việc gì phải vội vàng, không cần đánh vội, giặc còn gầy, ta nên nuôi cho nó béo, để nó tự dẫn xác đến để làm thịt” (Đại Nam liệt truyện). Tôn Sĩ Nghị không phải là tướng bất tài. Vốn là Tổng đốc Lưỡng Quảng (Quảng Đông, Quảng Tây), lại được giao thêm quân của Vân Nam, Quý Châu, nên trong tay Tôn Sĩ Nghị quân đông, tướng tài.

   
                             Quân Thanh thời Càn Long

Đối đầu với Tôn Sĩ Nghị là Hoàng đế Quang Trung. Cái giỏi của ông là có tầm nhìn chiến lược. Khi còn ở Tam Điệp, chưa đánh trận nào, thế giặc vẫn hùng mạnh mà ông đã tiên đoán: “Nay hãy tạm ăn Tết Nguyên đán trước, đợi ngày mùng 7 vào thành Thăng Long lại mở yến tiệc” (Đại Nam liệt truyện). Quả là như vậy, thậm chí giải phóng Thăng Long còn sớm hơn 2 ngày.

Mở màn cho trận quyết chiến giải phóng Thăng Long là đêm 30 tháng Chạp năm Mậu Thân, đạo Trung quân là đạo chủ lực dưới sự chỉ huy trực tiếp của Hoàng đế Quang Trung đã vượt qua sông Gián Khẩu, tiêu diệt một loạt các đồn tiền tiêu của quân Thanh, bắt gọn tàn quân và lính do thám của giặc. Vì vậy, khi quân Tây Sơn tiến sát đồn Hà Hồi mà địch không hề biết gì. Tôn Sĩ Nghị và Lê Chiêu Thống ở Thăng Long vẫn chìm trong tiệc rượu liên hoan mừng xuân “thắng lợi”.

Đêm mùng 3 Tết Kỷ Dậu, quân Tây Sơn bất ngờ tiến đánh đồn Hà Hồi. Đồn này là cứ điểm quan trọng, chỉ cách thành Thăng Long có 20km. Quân Tây Sơn bao vây gọi hàng. Quân Tây Sơn thu được nhiều vũ khí, lương thực mà vẫn bảo toàn lực lượng.

Sau khi tiêu diệt đồn Hà Hồi, Quang Trung cho dừng lại đóng quân và củng cố lực lượng, chuẩn bị trận quyết chiến, đánh đồn Ngọc Hồi (xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Đây là một cứ điểm quan trọng nhất trong tuyến phòng thủ Nam Thăng Long của quân Thanh. Phía ngoài lũy, quân Thanh cắm chông sắt, đặt cạm bẫy, địa lôi thành một bãi chướng ngại vật cực kỳ lợi hại, khó vượt qua.

       

Mờ sáng ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu, Quang Trung chỉ huy quân chủ lực tiến công vào mặt Nam của đồn Ngọc Hồi. Tham chiến gồm 100 voi chiến, trên mình voi có chiến binh cầm giáo mác, mũi tên, súng tay, hỏa hổ. Còn có cả đại bác đặt trên lưng voi. Quân Thanh từ trên mặt lũy đã dùng đại bác, cung nỏ bắn ra. Các lính xung kích Tây Sơn đã dùng ván gỗ ghép lại, quấn rơm ướt để tạo thành cái mộc lớn chống đại bác và cung tên của quân Thanh. Cuối cùng, quân Tây Sơn đã vào được đồn và tiêu diệt phần lớn quân trong đồn Ngọc Hồi với những vũ khí lợi hại như hỏa hồ, còn gọi là “Hỏa cầu lưu hoàng” đốt cháy giặc Thanh. Đô đốc Hứa Thế Hanh, Tổng binh Thượng Duy Thăng đều bỏ mạng.

Tàn quân ở Ngọc Hồi chạy về phía Bắc theo đường thiên lý hay dọc đê sông Hồng lại gặp quân nghi binh ở vùng Yên Duyên đành chạy tạt ra phía Tây, bị dồn đến Đầm Mực thì bị quân của Đô đốc Bảo cùng với quân truy kích từ Ngọc Hồi sang tiêu diệt. Tổng số quân địch bị tiêu diệt trong trận Ngọc Hồi - Đầm Mực lên tới vài ba vạn quân.

Cánh quân “thượng đạo” do Đô đốc Đặng Tiến Đông cũng tiến đánh đồn Đống Đa vào đêm mùng 4, rạng ngày mùng 5 Tết Kỷ Hợi. Đồn Đống Đa còn được gọi là đồn Khương Thượng, sát phía Tây của thành Thăng Long. Đồn này do tướng Sầm Nghi Đống, vốn là thổ ty của vùng Điền Châu cai quản, đóng trên một gò đất cao gọi là gò Đống Đa. Xung quanh đó còn có đồn Yên Quyết bên bờ sông Tô Lịch và đồn Nam Đồng để bảo vệ đồn Đống Đa. Số lượng quân Thanh tinh nhuệ ở đồn Đống Đa không nhiều, còn lại là những thổ binh mới chiêu mộ ở vùng biên giới, dân phu mỏ ở các mỏ ở vùng miền núi phía Bắc, rất ô hợp.

                     Gò Đống Đa trong thế kỷ XX. Nguồn: Tư liệu Viện Khảo cổ

Quân Tây Sơn đã bí mật vừa hành quân, vừa dọn đường “thượng đạo”, đã tiến về đồn Đống Đa và đốt phá các doanh trại xung quanh vào sáng sớm ngày mùng 5 Tết. Dân 9 xã xung quanh đã dùng rơm bện thành hình rồng, tẩm dầu đốt lửa bao vây giết giặc. Trong chốc lát, quân Thanh bị chết và bị thương đến 5.000 người. Tướng giặc phải rút lên Loa Sơn để cố thủ. Sầm Nghi Đống sợ hãi phải thắt cổ tự tử. Vài trăm người trong đội thân binh cũng tự sát theo chủ tướng. Sau khi tiêu diệt đồn Đống Đa, Đô đốc Đặng Tiến Đông chỉ huy kỵ binh vượt qua cửa ô Thịnh Quang tiến thẳng vào thành Thăng Long.

   
                           Tượng đài Hoàng đế Quang Trung

Trận Đống Đa thể hiện sự phối hợp giữa quân và dân ta chặt chẽ. Trong trận công đồn, có sự tham gia của dân 9 xã xung quanh, dùng rơm rạ bện thành hình rồng, tẩm dầu đốt lửa thành những con rồng lửa bao vây và uy hiếp giặc, làm cho giặc kinh sợ và bị tiêu diệt đến 5.000 tên trong chốc lát. Đây cũng là thế trận của lòng dân, vốn bị quân Thanh đàn áp, bóc lột thậm tệ nên người dân sẵn sàng cùng tham gia đánh giặc Thanh.

                                                                     Theo giáo sư Trịnh Sinh

1 nhận xét:

Thu Yen Vu nói...

Đọc lại trang sử hào hùng của dân tộc với bao máu xương ông cha đã đổ.
Kẻ hậu sinh quyết noi gương tiền nhân.