BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 22 tháng 10, 2019

TƯỞNG NHỚ ANH TRẦN VĂN LỮ - Đỗ Tư Nhơn


            
                  Thầy Đỗ Tư Nhơn – tác giả bài viết


             TƯỞNG NHỚ ANH TRẦN VĂN LỮ 
                                                                                        Đỗ Tư Nhơn

Mỗi khi tưởng nhớ những người bạn trân quí một thời dưới mái trường trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị đã sớm lìa cõi tạm về chốn vĩnh hằng, lòng tôi không tránh khỏi bồi hồi xúc động. Điều đó khiến tôi tìm lại trong ký ức từng khuôn mặt, dáng hình, mường tượng từng cử chỉ, nụ cười… nhằm phác thảo bức chân dung tinh thần của bằng hữu. Tôi đã thắp nén tâm hương mỗi độ xuân về để thương tiếc các anh Phan Phụng Thạch, Trần Thương Bá, Đặng Sĩ Tịnh, Trần Đình Bé trong từng giai phẩm Hương Quê Nhà (SG) đặc san  Nguyễn Hoàng (Huế). 


              

Giờ đây cùng với những trang Di cảo của anh Trần Văn Lữ , do người em trai là Trần Thiện Tài công bố, tôi xin gợi lại đôi nét về anh Trần Văn Lữ (tức Thạch). Anh  sinh năm 1942, xuất thân trong một gia đình nhà giáo, quê nội ở làng Quảng Lượng, Triệu Phong Quảng Trị. Thân mẫu anh thuộc dòng tộc lớn của làng Thạch Hãn. Khu vườn nhà anh rộng rãi với cây trái sum suê nằm cạnh con đường thẳng tắp, hai bên là những bức tường gạch dài, chiếc cổng bằng gỗ thường khép kín của một đại điền chủ giàu có. Con đường này rất đẹp, ban đêm mùi hoa dạ lan hương từ các sân vườn tỏa ra thơm ngát, phảng phất trên mái tóc những cô gái, chàng trai từng bước chân chầm chậm thầm thì câu chuyện trăng sao. Những anh em họ Đoàn có truyền thống học giỏi, mấy chị em họ Trần hiền thục duyên dáng đáng yêu cùng từ con đường này đến trường Nguyễn Hoàng. Gần đây con đường này được mang tên của ngôi làng xưa, có biển đề Thạch Hãn, một chứng tích lưu giữ hồn quê giữa phố thị. Hồi đó tôi học sau anh Trần Văn Lữ hai lớp nên chưa quen anh, chỉ biết cô em gái Dạ Hương ngày ngày đi học cùng các bạn. Anh theo học ở Viện Hán học - Huế khóa 1960-1965, đồng thời  với Lý Văn Nghiên, Hoàng Đằng, Trần Văn Dật. Lúc mới ra trường anh dạy ở trung học Quảng Phước-  Quảng Điền tỉnh Thừa Thiên, đến năm 1969 thuyên chuyển về Nguyễn Hoàng. Năm 1970, tôi về dạy cùng trường, kết bạn với anh và Phan Phụng Thạch. Tính anh rất hiền lành và khiêm tốn, trên môi thường nở nụ cười, bạn bè và học sinh rất thương mến. Hằng ngày anh đi qua con đường trước ngõ nhà tôi để đến trường. Chúng tôi trao đổi cho nhau những sang tác, các tài liệu văn học, tham gia Đặc san xuân 1971, Hội mùa xuân 1972. Ngoài ra, với bút danh Trần Văn Lãng Tử anh đã góp mặt trên tạp chí Chim Việt do anh Hồ Thế Vĩnh chủ biên. Còn nhớ những ngày chuẩn bị giai phẩm HỘI MÙA XUÂN (HMX) chúng tôi đã chia nhau đọc bài của học sinh gởi đến thật phong phú đa dạng. Các thầy cô Phạm Sữu, Phan Phụng Thạch, Trần Văn Lữ, Văn Chương, Trần Kiêm Đoàn,Võ Thị Hồng, Nguyễn Thiện… đã  viết bài và giúp trưởng ban biên tập rất nhiều để chọn lựa những tinh hoa đưa vào vườn thơ văn HMX, đó là  những ngòi bút tài năng đầy triễn vọng như Nguyễn Tùng, Thái Đào, Võ Thị Quỳnh, Nguyễn Đặng Mừng ,Võ Văn Hoa, Đỗ Huy Sanh, Hoàng Văn Chẩm… mà đến nay ít nhiều đã khẳng định được vóc dáng của mình qua tác phẩm. Bên cạnh các đồng nghiệp, anh Trần Văn Lữ  gởi đăng bài “Mùa xuân,hoa đào và ông đồ già trong thơ Vũ Đình Liên”. Hãy lần giở giai phẩm HMX của 52 năm trước  để nghe thầy giáo văn chương bình thơ thật tâm huyết :

“Nho học dần dần được thay thế bằng Tây học…Người ta quên ‘ông đồ’, trời đất dường như ngậm ngùi cho nhân thế Vũ Đình Liên lại bày tỏ niềm thương cảm đầy bâng khuâng,l ưu luyến, băn khoăn về ‘cái di tích tiều tụy đáng thương một thời tàn’   
                                                            (Hoài Thanh- Thi nhân VN)                                                                            
“Năm nay hoa đào nở/
Không thấy ông đồ xưa”
“Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ ?”

Từ ‘Ông đồ già’ của Vũ Đình Liên, anh Trần Văn Lữ đã liên tưởng tới những người đồng nghiệp trong sự cảm thông sâu sắc và ngậm ngùi xót xa : 

“Ngày nay trong nhừng năm dài chinh chiến nhiều vị giáo viên, giáo sư đã âm thầm nằm xuống sau những năm tháng đem hơi sức tâm huyết giảng huấn, truyền đạt,  hy sinh. Có người chết ngay cả lúc đang làm “sứ mạng” giảng dạy. Họ chết đi không hiểu linh hồn họ có được thảnh thơi siêu thoát hay còn dật dờ đây đó buồn thương, chán ngán cho thế sự nhân tâm, ‘Hồn ở đâu bây giờ’. Họ đã chết đi để cho những mầm non do họ chăm sóc lo lắng, uốn nắn từng ngày, từng giờ sẽ sống vươn cao nơi xứ mình xứ người”.

Cuối cùng là điều băn khoăn day dứt từ tâm khảm của thầy Trần Văn Lữ vô cùng chân thành thiết tha, nói hộ cho đồng nghiệp muôn đời:
“Có còn ai nghĩ tưởng về những vị ân sư trẻ trung hay già nữa không đây ?!?”
Tấm lòng đối với thầy cô NH năm xưa đã được các cựu học sinh thể hiện trong cuộc sống, trên trang viết tri ân thắm đậm tình nghĩa thầy trò của báo Nguyễn Hoàng khắp nơi. Xin quý thầy cô anh chị yên lòng về truyền thống nhân văn cao đẹp ấy của đại gia đình mang tên Chúa Tiên.
Năm 1972, sau hội mùa xuân rộn ràng diễn ra trên sân trường Nguyễn Hoàng,  lửa đạn chiến tranh đã ập vào Quảng Trị,người dân bỏ quê vượt đèo Hải Vân tỵ nạn,  thầy trò bỏ lại ngôi trường thân yêu.Lúc này hai địa điểm tạm thời để học sinh tiếp tục trau dồi kiến thức là trại tạm cư Hòa Khánh và Non Nước thuộc Đà Nẵng - Làm sao diễn tả hết nỗi lòng của con người Quảng Trị khi nhìn về quê nhà xa xôi đang bị bom đạn cày xới. Không thể vô tư, nhà thơ Trần Lãng Tử, ngày đêm bồn chồn tiếc nhớ từng con đường, hàng cây, giáo đường, ngôi chùa quán ca fe, góc chợ, hiệu sách, dòng sông, bến nước, cây cầu… Trong Di cảo của anh Trần Văn Lữ có hai bài viết dạng tùy bút - hồi ký bây giờ chúng ta đọc lại vẫn không tránh được niềm xúc động dâng lên trong lòng ! Trước tiên hãy cùng thưởng thức bài tản văn có nhan đề  ‘Thương về Quảng Trị’ được viết vào tháng 7-1972, sau ba tháng lìa xa quê nhà. Này đây hãy lắng nghe dòng cảm xúc tuôn trào trong từng câu chữ, để cùng ôn lại những hình ảnh, nơi chốn, kỷ niệm một thời dấu yêu :

“Thế là tôi xa xứ Quảng thân yêu ba tháng trời. Quảng Trị giờ đây mờ mịt lửa đạn. Đêm đêm nhìn về hướng Bắc xa xôi , tôi nghe nhiều nhớ thương dâng tràn”…
“Con đường Quang Trung thẳng tắp trong tháng ngày qua, mưa về sũng nước nhưng sao láng lẫy thế! Còn đâu những ngày đi ngang qua giáo đường Thạch Hãn, nhìn hàng cây bàng khoác áo màu xanh đầy  hi vọng vươn cao… Nào đâu những chiều ngồi trong quán Văn, quán Quyên, quán Gió… thả hồn trong khói thuốc. Bún tai mụ Dư trong đình chợ, bún cô Ba, bún Nông tín ngon thật là ngon khi chiều chiều ghé lại… Tìm đâu những lúc đứng ở quán sách Tùng Sơn, Lương Giang…
Con đường, quán chợ, dòng sông, bến nước,chiếc cầu, cái gì cũng quá quý, cầu cho nó được còn mãi. Quảng Trị nho nhỏ như một chiếc áo ấm nhưng nó che chở ta tháng ngày qua trong giá lạnh.
Con sông Thạch Hãn nước vơi đầy, rồi lần mùa mưa lũ đến, nước đục ngầu lềnh bềnh củi rều… Khi mùa hạ về, nó trải long cho người ta chiêm ngưỡng. Lòng dân người Quảng Trị cũng chân chất như dòng sông Thạch Hãn trong mùa nước cạn.
Nhà thờ La Vang, chùa Sư Nữ, hết rồi những ngày đại hội, rằm mồng một. Chắc giờ đây chỉ là đống gạch vụn vì chinh chiến.”

Đó là một bài tùy bút có giọng văn ngọt ngào, thấm đẫm tình yêu quê nhà, dẫn chúng ta về với thị xã Quảng Trị xưa thân thuộc đang quằn quại đau xót giữa bom đạn mịt mù ! Ước mong được trở về Quảng Trị luôn cháy bỏng trong tâm hồn mọi người con của Non Mai Sông Hãn, trở thành điệp khúc nguyện cầu thiêng liêng tha thiết trong từng câu văn  ngân vang trong không gian, trong tâm hồn mọi người :
“Mong sao được trở về Quảng Trị sớm để nhìn lại thành phố thân yêu, mảnh vườn xanh lá cây, nương chè, lũy tre, ruộng lúa, chiếc cầu ao loáng nước, mồ mã cha ông.
Bà con xóm giềng còn bị kẹt, con chó quấn quit bên nhà không hiểu ra sao ?...
Quảng Trị ơi, ta chờ mong ngày trở về…Ta sẽ trở về cúi hôn mặt đất xứ Quảng của ta. Từng kỷ niệm sống động trong ta khắc khoải từng ngày từng giờ nếu còn xa Quảng Trị.  Nguyễn Hoàng, Bồ Đề, Thánh Tâm, Phước Môn…hãy chờ dân Quảng Trị về xây dựng lại.
Quảng Trị ơi, muôn người đang rưng lệ nhớ thương về người.”

Bên cạnh con người nặng tình với quê hương, còn có một con người luôn gắn bó thân thiết với bạn bè. Cho nên khi cùng vào ở trại tạm cư Đà Nẵng anh Phan Phụng Thạch đã viết ‘Bài thơ làm khi say rượu’ đề tặng nhóm bạn chí thân, anh chọn hình ảnh anh Trần Văn Lữ để khắc họa đầu tiên vì đã hiểu rõ nhau, chia sẻ cùng nhau những buồn vui trong phận người :

“Buổi tối tiêu sầu - chai rượu đắng
Tri âm ! này hãy uống cho say
Lỡ mai có chết - không ân hận
Vì đã ngồi chung một chiếu này !

Thằng bạn chưa già nhưng tóc bạc
Bụng đầy Kinh Lễ với Kinh Thư
‘Chuyện đời hư ảo xin mày gác
Không lẽ mày là Ngũ Tử Tư ?”

Mấy câu thơ trên đã giới thiệu khá rõ nét về người bạn với lối so sánh có chút đùa tếu khi nhắc đến “Bụng đầy Kinh Lễ với Kinh Thư” “Không lẽ mày là Ngũ Tử Tư”. Bởi anh Trần Văn Lữ xuất thân từ Viện Hán học, kiến thức về Nho giáo, sách sử xưa phong phú. Thêm vào đó là giống nhân vật Ngũ Tử Tư “một đêm suy nghĩ tóc bạc trắng”!
Đây là nhóm bạn tham gia Hội Hồng Thập Tự, làm công tác xã hội từ thiện giúp nhân dân các vùng bị thiên tai, bom đạn cho nên như anh em ruột thịt một nhà. Trong những ngày sống trong trại tạm cư Đà Nẵng,  căn bệnh ác tính của anh Phan Phụng Thạch đến hồi trầm trọng, bạn bè cùng gia đình thay nhau săn sóc cho đến khi anh từ trần. Trong đó anh Trần Văn Lữ , Lê Lợi là bằng hữu luôn ở bên cạnh nhà thơ họ Phan, cho nên anh đã ghi lại những giây phút cuối cùng của GS Phan Phụng Thạch và đọc tại “Lễ tưởng niệm một năm nhà thơ Phan Phụng Thạch về cõi thiên thu” gồm gia đình,nhà trường,  thân hữu,đại diện học sinh. (Tôi được phân công giới thiệu thơ PPT). Trên tờ giấy A.4 gấp hai, viết trọn bốn mặt anh Phan Ngọc Bích (em trai PPT) trao cho tôi là bút tích của anh Trần Văn Lữ kể lại từng chi tiết cuối cùng ở bênh viện Việt Đức của người bạn họ Phan, có đoạn như sau :

“Rạng ngày thứ bảy 24-2-1973, độ 4-5 giờ sang chúng tôi tự nhiên thấy bồn chồn xao xuyến.  Từ trại Hòa Long chúng tôi đi bộ lên trại 5 để rủ Lợi qua anh. Cũng vừa khi đó một thân nhân của anh sang tin cho hay là anh đang hấp hối. Chúng tôi qua đến nơi thì anh đã yếu lắm. Thở đã cách khoảng. Đôi mắt đã trăng trắng và kéo sụp mi nhiều. Đêm qua anh đã chuyện trò cùng thân mẫu anh, không nói ra được nên anh đã lấy sổ ra để bút đàm cùng bà. Nghẹn ngào đau đớn anh trút hơi thở cuối cùng lúc 7 giờ 25. Tiếng khóc của thân mẫu anh làm chúng tôi se thắt. Bào đệ của anh, Lợi và tôi cũng không cầm được sự xúc cảm tột cùng. Sau đó trên chiếc xe HTT của bệnh viện Đức thân mẫu anh và tôi đưa thi hài anh về trại 5. Ngồi trên xe giữ chiếc băng ca tự nhiên nước mắt tuôn trào…’’

Trong lễ truy điệu nhà thơ Phan Phụng Thạch, cùng với bạn bè viết điếu văn, khóc bạn, anh Trần Văn Lữ nghẹn ngào đọc bài thơ Tiếc thương:

“Đại dương, sóng vỗ xôn xao
Thạch ơi mầy chết biết bao đau buồn
Mây trời vẫn cứ bay luôn
Bóng mầy đâu nữa những hôm chuyện trò
Nhạc còn huệ vẫn thơm tho
Trà đây rượu đó nào giờ cụng ly…
Lá bay bay mãi im lìm
Mầy đi, đi biệt như chim tách đàn.
Hết rồi giây phút liên hoan
Yêu đời nghe hát dư vang đêm nào.”

Bài thơ thể 6/8 dung dị, ngôn ngữ xưng hô thân mật không khách sáo, hình ảnh gần gũi đã thể hiện tình bạn chân thành, sự tiếc thương vô hạn, nỗi mất mát lớn lao !
Để hiểu thêm tấm lòng của anh đối với bạn, chúng ta đọc hồi ký của anh Hoàng Đằng đăng trong Đặc san  60 NĂM NGUYỄN HOÀNG (- 2012) :

 “Trần Văn Lữ rất quan tâm đến bằng hữu. Năm 1974, biết tin tôi sẽ đi vào Sở Học chánh Bình Tuy,Trần Văn Lữ đã sốt sắng tìm tôi trao lá thư giới thiệu với anh Nguyễn Như Lộc, nguyên Hiệu trưởng trường Quảng Phước mới vào nhận chức Chánh sự vụ sở này. Trần Văn Lữ hy vọng nơi đất khách quê người tôi sẽ có người che chở. Sau đó ít lâu, Trần Văn Lữ qua đời. Đến bây giờ, mỗi lần nghe nhắc đến tên Trần Văn Lữ tim tôi lại rung động, mắt tôi lại rươm rướm !”

Nhìn lại bức chân dung tinh thần của anh hiện lên qua lời kể,  cùng trang văn câu thơ còn lại chúng ta đều hiểu được tâm hồn anh giàu tình nghĩa,đa cảm thật đáng trân trọng mến yêu.! Nhưng chắc không ít bằng hữu và học sinh cũ cảm thấy thiếu sót nếu bài viết này không nói đến một góc nhỏ của tình yêu trong thơ Trần Lãng Tử. Qua mấy lần giới thiệu thơ Trần Thương Bá, Phan Phụng Thạch, Triệu Phong Đặng Sĩ Tịnh chúng tôi đã cùng xao xuyến với nhiều cung bậc, giai âm của ái tình. Nhưng lần nầy lại khác. Có chút ái ngại khi nói về niềm đau, nỗi buồn, xót xa trong tận cùng của tâm hồn người bạn khả kính cam chịu trong éo le của tình duyên. Tuy khá thân tình nhưng tôi cũng tránh né, không hỏi han chuyện riêng tư tế nhị của bạn. Hôm nay đọc những bài thơ của anh- Trần Lãng Tử trên Chân Dung Và Kỷ Niệm chúng ta sẽ mở cánh cửa lâu nay khép chặt đó để cảm thông và chia sẻ những nỗi niềm sâu kín cùng anh. Đây là những bài thơ “có lẽ được sáng tác sau khi Chúa Trời đã xua đuổi anh ra khỏi căn vườn mang tên Hạnh Phúc vào năm 1969. Những câu hát đâu đây còn vọng lại ‘Em đang tâm xé nát tim tôi…’ như lời trong Niệm khúc cuối của Ngô Thụy Miên. Anh sáng tác bài LỜI NÀY CHO EM ‘trong thời gian bi kịch tình yêu đang gây bão tố quay cuồng. Hai khổ thơ hiện ra sự đối lập giữa hạnh phúc êm ấm với tan vỡ chia xa, nhưng giọng điệu dường như vẫn du dương vì tác giả dùng nhiều từ có thanh bằng. Bốn câu đầu là kỷ niệm đẹp, tháng ngày tay trong tay, tình nồng lên khơi:

       “Qua bao tháng ngày
Trong đôi vai gầy
Tình ơi lên khơi
Trong đôi tay này.”

Lại diễn ra sự khác biệt, mâu thuẫn giữa thiên nhiên bên ngoài với nội tâm nhà thơ, nắng ấm không sưởi được cõi lòng giá lạnh cô đơn vì đột nhiên bị xa cách ngàn trùng :

“Nắng lên khắp trời
Nắng lên chơi vơi
Nhưng tôi vẫn gào
Tôi xa em rồi”

 Tiếp theo tiếng gào thảng thốt đó là trạng thái tâm lý điên dại vì đau khổ trước nghịch cảnh phũ phàng, tan nát bao thề  nguyền. Câu thơ cuồng nộ như không thể chịu đựng được nữa:

“Xé nát mặt trời
Xé cả mặt trăng
Xé luôn thân nàng
 Lòng không ăn năn”

Giờ đây nhà thơ họ Trần đã về cõi vĩnh hằng nhưng còn gởi lại những câu thơ ám ảnh day dứt về nỗi cô đơn trống trải trên dương thế để tìm sự đồng cảm và sẻ chia :

“Chết rồi thịt nát xương tan
Hồn bơ vơ nữa ai hàn huyên đây ?”

Sống mãi trong lẻ loi, nhà thơ Lãng Tử đã tìm đến cõi mộng như một liệu pháp, một cách hóa giải nỗi đau buồn nhức nhối không nguôi của những người bị tình phụ. Trong bài MỘNG gồm có 6 đoản khúc, như từng trang nhật ký để mình đối thoại với mình, thầm thì an ủi chính bản thân…

“Nhớ nhung mộng mới trở về
Tỉnh ra mộng biến não nề tấm thân !
‘Nhớ em dẫn mộng vào đêm
Cuộc đời qua mãi như rèm chiêm bao.”

“Ngủ say mộng lén vào hồn
Niềm vui phủ mắt. Dậy buồn tâm tư”

“Trở mình - đêm lạnh - mộng nhiều
Ước mơ - xa cách - bao điều em ơi”

‘’Người đây hồn lạc về đâu
Gieo bao nhung nhớ u sầu mộng tan.”

“Nghĩ đời kể cũng nực cười
Đêm đêm là mộng, ngày rời mộng thôi !”

Đến đây chúng ta liên tưởng đến câu chuyện tình giữa Hàn Mặc Tử và người đẹp Mộng Cầm, với bao lần hẹn hò, say đắm, gắn bó thiết tha thế nhưng kết cục thật buồn. Khi biết nhà thơ họ Hàn bị bệnh nan y,  nàng đành đoạn tình,bước lên xe hoa để cho họ Hàn đau khổ khôn nguôi có lúc tự nhủ “Làm sao giết được người trong mộng,để trả thù duyên kiếp phụ phàng !” Nhưng khi lòng lắng xuống, hồn thơ trở nên dịu dàng chịu đựng ông viết bài “Những giọt lệ” :

“Họ đã xa rồi khôn níu lại
Tình thương chưa đã  mến  chưa bưa
Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ !”

Và :

“Dẫu đau đớn vì điều phụ rẫy
Nhưng mà ta không lấy làm điều
Trăm năm vẫn một lòng yêu
Và còn yêu mãi yêu nhiều em ơi”
                (Muôn năm sầu thảm)

Bản tính anh Trần Văn Lữ vốn hiền lành, thương người, cam chịu cho nên tuy những cơn đau trong lòng có khi khiến anh muốn gào thét xé nát cả vũ trụ nhưng cũng như Hàn thi sĩ anh tìm được sự cân bằng nhờ thi ca và cuộc sống. Anh góp phần vào sự nghiệp khai nguồn trí tuệ cho thế hệ trẻ, vỗ về an ủi người dân bị thiên tai, bom đạn qua hoạt động từ thiện cùng bạn bè. Năm 1973 anh khóc thương tiễn nhà thơ Phan Phụng Thạch về nơi an nghỉ cuối cùng trên đồi cát trắng Non Nước, thì năm sau gia đình, đồng nghiệp và học trò lại đưa anh đến chỗ nằm bên cạnh bạn thân bao ngày gắn bó. Một thời gian sau, hài cốt của hai anh về với làng quê của mình bên tổ tiên. Trong dịp cùng thầy Nguyễn Văn Thị về Bồ Bản thăm mộ thầy Lê Đình Ngân, chúng tôi đã ghé Quảng Lượng thắp hương cho anh trong khu nghĩa trang của gia đình. Hiện nay, anh Trần Thiện Tài cho biết gần đây đã cải táng toàn bộ các phần mộ nội thân về Nha Trang. Tôi thầm hứa sẽ vào viếng anh trong một ngày thuận tiện không xa. Mong anh tha thứ cho tôi vì đã chạm vào vết thương của  những ngày tháng dương gian xa xưa ấy !

Viết tại làng Thạch Hãn cuối xuân Giáp Ngọ 2014
Thắp nén tâm hương tưởng nhớ anh Trần Văn Lữ 50 năm xa đời.

                                                                                      Đỗ Tư Nhơn

Không có nhận xét nào: