BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 25 tháng 7, 2023

CÓ “SÓNG CUỒNG” TRONG THƠ TRẦN MẠNH HẢO? – Phạm Đức Nhì


Nhà bình thơ Phạm Đức Nhì
 
Lời Nói Đầu:
 
Bạn bè chuyển cho bài viết của nhà thơ Chu Mộng Long nói về thơ Trần Mạnh Hảo. Chỉ riêng cái tựa của bài viết cũng dễ làm những người yêu thơ giật mình: Trần Mạnh Hảo: Sóng Cuồng Xô Dạt Đền Thơ. Ghê gớm quá! “Ấn Tượng” quá!
 
Muốn viết mấy dòng bình luận nhưng gặp lúc “vợ đẻ con đau nhà nước ngập” nên cứ nấn ná hoài. Mấy bữa nay con cái lấy “vacation” (phép) đưa các cháu đi chơi xa nên được ở nhà thảnh thơi, chợt nổi hứng, lấy máy ra gõ lóc cóc mấy đoạn góp vui với bạn bè yêu thơ.
Phải công nhận bài viết của nhà thơ Chu Mộng Long vóc dáng bề thế (2552 chữ), được viết trong lúc hứng khởi nên tuy là văn, mà lại khá nhiều cảm xúc, đọc cũng đỡ ngán. Đáng tiếc, có một chút hiểu lầm “nho nhỏ”.
 
Hiểu Lầm Chữ “Sóng” Trong Thơ

“Sóng” trong thơ có ý nói đến sức rung động, độ dạt dào của cảm xúc, hồn thơ mà bài thơ khơi gợi được trong lòng độc giả, chứ không phải - và không đến từ - sức nặng, độ sâu sắc của câu chữ, ý tứ.
 
Tác Giả Hình Như Không Biết “Sóng” Phát Sinh Từ Đâu

Đúng ra, phải đọc cả bài mới biết tứ thơ có dòng chảy hay không? Có dòng cảm xúc hay không? Có “sóng sau dồn sóng trước” hay không? Có tạo được cao trào hay không? Cảm xúc và hồn thơ trong bài thơ có mạnh hay không?
 
Muốn biết sông có sóng hay không, tốt nhất nên quan sát mặt sông, xem nó có dòng chảy hay lững lờ, phẳng lặng? Nếu có dòng chảy thì dòng chảy yếu, trung bình hay mạnh? Nếu thấy dòng chảy mạnh mới để ý xem có sóng không? Cường độ của sóng đến mức nào?
Không phải cứ múc vài thùng, vài phi nước từ dòng sông lên nhìn ngắm, xem xét rồi có thể phán “Con sông này sóng mạnh lắm, có thể làm lật cả thuyền câu”.
 
Hậu Quả Của Sự “Không Biết”

Bài viết của ông Chu Mộng Long mang phong cách giống như bình thơ không bàn thi pháp
Bình thơ không bàn thi pháp là chỉ bình tán ý tứ và lờ tít phần kỹ thuật thơ (thi pháp). Bình thơ như thế thì dưới mắt người bình bài thơ chỉ là một bản văn – không hơn không kém. Nhà bình thơ đã cầm dao đâm chết bài thơ trước khi cầm bút viết lời bình. Dù vậy, bài thơ cũng được phân tích lớp lang, hết đoạn này đến đoạn kia, để cuối cùng độc giả có thể nhận biết tứ thơ, thế trận của bài thơ hợp lý, nhất quán hay “đoạn trước kể chuyện gà, đoạn sau bàn chuyện vịt”.
Ông Chu Mộng Long không những không bàn thi pháp mà còn châm biếm việc áp dụng những “phương tiện thẩm mỹ” của thi pháp khi bình thơ.
Ông nói “Nếu thơ ông (Trần Mạnh Hảo) vào sách giáo khoa hay đề thi với những câu hỏi đọc hiểu lạnh lùng theo cách tra vấn phạm nhân: ‘Bài thơ thuộc thể thơ gì? Đoạn thơ sau nói gì? Chỉ ra các biện pháp tu từ’…, chẳng khác gì giết hại thơ ông”.
Theo tôi, nếu đầy đủ thì sau 3 dấu chấm (…) nên viết thêm ‘Cách gieo vần ra sao? Số chữ trong câu cố định hay thay đổi? Với biên độ rộng hay hẹp? Tứ thơ phân mảnh đứt đoạn hay nhất khí, liền mạch? Có mô gò cản đường? Có vờn bóng giữa sân? Tâm thế của thi sĩ trong lúc làm thơ ra sao?’
Nếu không trả lời những câu “tra vấn” đó thì làm sao ông Chu Mộng Long biết bài thơ có dòng chảy hay không? Có “sóng sau dồn sóng trước” hay không? Cường độ của “sóng” mạnh đến mức nào? Có thể trở thành “Sóng Cuồng Xô Dạt Đền Thơ”?
 
Phương Cách Chứng Minh Không Đúng

Chính vì không biết “sóng (trong thơ) phát sinh từ đâu” nên ông Chu Mộng Long đã chọn phương cách chứng minh rất kỳ quặc.
Mỗi bài ông chỉ “móc” ra một hai câu, nhiều lắm là vài ba câu. Tập thơ hơn 500 bài mà ông chỉ chọn trích dẫn 101 câu – 687 chữ (1) mà cũng chẳng cho biết là câu nào trích dẫn từ những bài thơ nào. Cũng phải công nhận là ông có con mắt tinh đời. Hầu hết những câu thơ ông chọn đều mang đậm nét đẹp văn chương, câu cú chắc gọn, ngôn ngữ cao sang, ý nghĩa sâu sắc và mạnh bạo. Nhưng vì bị tách ra khỏi bài thơ nên khô cứng, lạc lõng, có thể khiến cái “phần lý trí” của độc giả vỗ tay khoái chí chứ không hề khơi gợi được nơi họ một chút “sóng tình” nào.
Vì thế nhóm chữ “Sóng Cuồng Xô Dạt Đền Thơ” từ cái tựa của bài viết không phải chỉ là sự phóng đại quá lố mà có thể nói đó là kết quả của việc “nhắm mắt nói liều” để “nâng” Trần Mạnh Hảo cho tới bờ, tới bến.
 
Với Nhà Thơ Trần Mạnh Hảo

Tôi có cảm tình với lối viết (cả văn lẫn thơ) của Trần Mạnh Hảo. Ông khen ra khen, chê ra chê chứ không vừa “ấy” vừa run như nhiều người khác. Ông cũng không chịu gò bó trong “gia quy, lệ làng, phép nước” mà rất mạnh bạo trong những bước chân khai phá vào vùng đất mới, kể cả những vùng đất cấm mà nhiều người né tránh.
Tuy nhiên, với văn thì tôi không dám nói, nhưng với thơ thì tôi với ông có khá nhiều điều khác biệt trong việc thẩm định giá trị nghệ thuật – và đặc biệt là hướng đi - của thi ca.
Theo tôi, thơ Trần Mạnh Hảo còn khuyết điểm, quá đậm chất trí tuệ, nhẹ chữ tình, giá trị nghệ thuật chưa và không thể xứng đáng với những lời tâng bốc vô căn cứ, thiếu cơ sở lý luận văn học của ông Chu Mộng Long.
Mời mọi người đọc bài viết sau đây để thông cảm hơn. 
 
VÀI NHẬN XÉT VỀ BÀI THƠ “SÔNG LAM” CỦA TRẦN MẠNH HẢO

http://tranmygiong.blogspot.com/2023/07/vai-nhan-xet-ve-bai-tho-song-lam-cua.html 
 
Kết Luận

Như đã nói ở trên, do ông Chu Mộng Long phạm hai lỗi “nho nhỏ” là: 
1/ Hiểu Lầm Chữ “Sóng” 
và 
2/ Không Biết “Sóng” Phát Sinh Từ Đâu nên đã dẫn đến việc sử dụng hai chữ “Sóng Cuồng” sai lầm và nguy hiểm.
 
Tôi vì thơ nên bước vào góp mấy lời nhận xét. Mong nhận được chỉ điểm của các bậc cao nhân trưởng thượng và cả những bạn trẻ yêu thơ. Bởi với thơ thì “gừng càng già càng cay”, nhưng cũng nhiều khi “tài không đợi tuổi”.
 
                                                                         Phạm Đức Nhì
                                                                    nhidpham@gmail.com
 
CHÚ THÍCH:
1/
Những Câu Thơ Được Trích Dẫn Trong Bài Viết Của Ông Chu Mộng Long
Tóc bạc cả nồi cơm/ Ta biết làm gì với chòm râu rơm rác/ Với vòm trời úp xuống như nơm
Khi con vừa rời lòng mẹ/ Con đỏ hoe như một cục bùn non”,
“Sông Hồng lụt cả ca dao/ Con cò bị bão dạt vào lời ru
Con mới hiểu vì sao hạt thóc/ Lại mang hình con mắt mỏi mòn trông

Con bò thông minh hơn nhà bác học/ Thơ phú nào cũng rặt bọn ăn theo
như thể Hai Bà Trưng/Nhảy từ đê tuẫn tiết/Đến nay còn chưa rơi xuống lòng sông”!
Thơ hay có thể bị vua bắt/Trăng nhé nghìn đêm bạc tiếng gà
Ta thương triều đình trong tay nghịch đảng/ Thuyền độc mộc quốc gia bơi một mái chèo/ mái chèo mang hình lưỡi kẻ nịnh hót/Chó kiêu ngạo nhảy chồm lên bàn độc/ Muốn yên thân phải sống thật đói nghèo

Đến ngôi thiên tử còn rơm rác/Đầu rớt mà thơ vẫn tự trào
Cái xứ sở toàn đeo mặt nạ/ Con cáo ngồi thương đứt ruột con gà
Ôi xã tắc/ Con đường nào cũng dẫn đến pháp trường/ Bàn tay chỉ đường nào cũng bàn tay đao phủ”...
Có phải mẹ Âu Cơ đã đi vòng trái đất/Để làm chỗ khai sinh con Lạc cháu Hồng/Mẹ đã tìm ra dải đất hình tia chớp/Chọn vùng tâm bão để sinh con
Khi con vừa rời lòng mẹ/ Con đỏ hoe như một cục bùn non/ Có phải mẹ nhặt con lên từ đáy sông Hồng/ Mà hạt phù sa bật khóc
(Sông) vắt kiệt lòng mình nuôi đất cát
Con cò mặc áo tơi đi học/Cá sông Lam còi cọc đổ mồ hôi/Gió hào kiệt thổi xơ Nghệ Tĩnh/ Cá gỗ nuôi lớn những thiên tài/Trời hào phóng mây trắng/ Đất tằn tiện ngô khoai/Đến cỏ dại cũng mọc thành chữ nghĩa/ Đồ Nghệ sông Lam dạy biển cả học bài.

Sông Mã/ Chảy như chạy trốn núi rừng/Sông mải miết một đời Thanh Hóa/Để Nguyễn Hoàng đi mở đất phương Nam
Cái dải đất sông hoá rồng chín khúc/Hai đầu xoè những mũi đất - mũi lao/Núi mang dáng ngựa phi voi phục/Báo ngủ rừng sâu đợi giặc vào
Ghen tị mãi với chim và chuột/Sao chúng mày không phải thờ vua?
Đội ơn vua ban cho tã lót/ Để cháu khỏi bị chém trần truồng trên thớt/ Ôi con đường ba họ ta đến nơi thọ hình/ Sao dài hơn đường mười năm Lam Sơn phò Thái Tổ

Sóng Nam Đài trằn trọc cát Thanh Hiên/Ngàn Hống thở hồng trần bay lục bát/Thúy Kiều ơi bầm nát gió Tiên Điền
trả thanh bình điệu cho Đường Minh Hoàng/ Gió cũng bị đày đi Dạ Lang
Cổ ta vừa với gông vua lắm/ Đố vua gông nổi mùa thu vàng
vỗ nát tì bà máu chảy/Cưới tiếng đàn làm vợ góa hồn ma
nghe hàng triệu lá phổi đang hắt ra cơn gió cuối cùng/ Gom thành bão trên đất này than khóc

Cỏn con một sợi lông mày/ Mà đem cột trái đất này vào anh
Liều mình lao xuống yêu thương/Ai hay dưới đáy đoạn trường vầng trăng
Mắt ta đêm nay khác nào hai giếng nước/ Nước Việt ơi/Nước Việt mãi hai hàng
Gió kinh thành có về Tức Mặc/Bẻ giùm ta ít hương cau/Nhặt giùm ta vài tiếng ếch/Ta nghe khi tới xứ người
Bút đào huyệt giấy mà chôn mình dần
Thương anh sống đời vô sản/ Chết xuống vẫn làm ma vô sản
chết rồi còn giơ tay cầu cứu/chết rồi còn quờ tay tìm lối thoát", "biển không nhận/ bờ không nhận/những trang sách không nhận/không ai nhận những con người

Ta đã chết ở hai đầu trận tuyến/Bảy mươi ơi số phận biến đâu rồi?/Từ trong mộng hồi quang xin tận hiến/Bắt đền em ngấu nghiến tuổi hai mươi”, "Ôi đất nước/Anh đã yêu đến băng hoại cả đời”
Trái tim đập không một ai nhìn thấy/Ở ven trời Tây Bắc có Lai Châu/ Hoa ban nở thành người con gái Thái/ Đám mây bay trong thau nước gội đầu
 
Tập thơ hơn 500 bài, 500 trang
Cả bài viết: 2552 chữ
Thơ được trích dẫn: 101 câu, 687 chữ
 
Mấy lời nói thêm:

Nếu ông Chu Mộng Long, hoặc bất cứ ai đọc bài viết này, tìm được một bài thơ nào đó của Trần Mạnh Hảo có “Sóng Cuồng Xô Dạt Đền Thơ” cứ đưa vào phần bình luận.
Tôi tin rằng chúng ta sẽ có một cuộc đối thoại văn chương lý thú.

1 nhận xét:

Bâng Khuâng nói...

Ông Chu Mộng Long nói “Trần Mạnh Hảo: Sóng Cuồng Xô Dạt Đền Thơ” là nói về những cuốn sách “HẦU CHUYỆN CÁC GIÁO SƯ” “THƠ PHẢN THƠ”, “PHÊ BÌNH PHẢN PHÊ BÌNH”, “VĂN HỌC PHÊ BÌNH NHẬN DIỆN”, “VỀ MỘT HIỆN TƯỢNG PHÊ BÌNH” của Trần Mạnh Hảo.... và các bài bút chiến “ác liệt” của Trần Mạnh Hảo với các nhà phê bình văn học nổi tiếng đăng trên các báo Việt Nam một thời và đăng trên facebook của ông (đả kích Tố Hữu, Xuân Diệu...)
Trong trường văn trận bút do Trần Mạnh Hảo gây ra khi đưa ngót 30 vị giáo sư đầu ngành ra phê bình từ 30 năm trước: GS. Trần Quốc Vượng, GS. Hoàng Ngọc Hiến, GS. Lê Trí Viễn, GS. Hoàng Như Mai, và các ông Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Lộc, Nguyễn Đình Chú, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Trần Đình Sử…

“TMH chỉ là anh phó thường dân, sao lại dám xông vào HÀN LÂM VIỆN NHÂN VĂN của chế độ mà vạch ra vạn ngàn cái sai kiến thức, sai phương pháp luận, sai cả hành văn, sai cả bao nhiêu hệ thống từ triết học, văn học, sử học, văn hoá học, mỹ học, luân lý, chính trị học…của mấy chục giáo sư đầu ngành có tuổi đảng 50, đến 60 thì hoá ra " tên TMH" này khùng hay sao ? Tôi đã viết hàng trăm bài báo, đã in thành 5 tập sách và còn vài ngàn trang sách chưa in thành sách để chứng minh rằng xã hội Việt Nam trong lĩnh vực NHÂN VĂN hiện nay đều đi sai đường và đều do CÁC NHÀ SAI HỌC LÀ NHỮNG GIÁO SƯ ĐẦU NGÀNH DẪN DẮT. Một thường dân không có bằng đại học như TMH lại làm cả một hệ thống giáo sư do đảng đào tạo tịt ngít, cứ im thin thít như thịt nấu đông, giả vờ không thấy việc TMH đang vạch ra trước xã hội toàn bộ cái sai kinh khiếp của toàn hệ thống khoa học nhân văn, thì quả là chuyện y như bịa phải không ? Sự thiếu vắng mặt bằng trí thức của xã hội Việt Nam hôm nay là hậu quả của khẩu hiệu đầu tiên do đảng cộng sản Đông Dương trưng ra trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh từ 1930, chỉ ra nhiệm vụ của cách mạng cộng sản trước hết phải TIÊU DIỆT TRÍ THỨC : ‘Trí, phú, địa hào đào tận gốc trốc tận rễ’ !

http://www.gio-o.com/Chung/TranManhHaoPhongVan1.html
*
Mời đọc các đường links này:

https://www.facebook.com/groups/cdddorg/posts/4167820650001138/

http://dangxuanxuyen.blogspot.com/2021/12/nhung-vi-giao-su-ninh-bo-to-huu-qua-muc.html

https://kontumquetoi.com/2015/11/11/pgs-ts-sai-hoc-tran-manh-hao/