BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2024

MẶN MÀ – Thơ Lê Kim Thượng


  


Mặn Mà 1 -  2  
     
1.
Tình ta say đắm mặn mà
Yêu nhau trắc trở, phong ba cũng nhiều
Người về tìm lại Vườn Yêu
Mờ mờ nhân ảnh, dáng Kiều xinh tươi…
Dấu sau vành nón nụ cười
Duyên duyên áo tím, thắm tươi trang đài
Tóc dài buông xõa ngang vai
Nắng mai soi chiếu, bóng dài thơ ngây
Mắt huyền in bóng trời mây
Môi anh khẽ chạm, lòng đầy xốn xang
Hồn thơ mãi mãi dâng tràn
Tình thơ hạnh phúc ngập tràn hân hoan
Lời yêu thủ thỉ, khẽ khàng
Lời tình thỏ thẻ, dịu dàng đinh ninh
Dặn lòng hai chữ trung trinh
Thề non hẹn biển chúng mình với nhau
Thời gian dù có đổi màu
Anh – Em vẫn mãi nguyện cầu thủy chung
Chuyển mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông
Hoa tình vân giữ trong lòng tươi xinh…
 
2.
Một duyên, hai nợ, ba tình
Buồn lên đôi mắt chúng mình rưng rưng
Bây giờ… Em với người dưng
Có còn câu hát “Muối… gừng…bỏ nhau…”
Em ơi... tình đã phai màu
Xa nhau mà vẫn lòng đau đáu chờ
Đêm dài lắm mộng nhiều mơ
Một người, một bóng. bây giờ cô đơn
Thà đừng gặp gỡ thì hơn
Yêu nhau chi để giận hờn Cao Xanh
Sóng tình theo gió chòng chành
Lời yêu còn đó… cũng đành sang ngang
Xuân về mà ngỡ Đông sang
Mưa hoài, mưa mãi, miên man nặng lòng
Giờ Em vui sống bên chồng
Mùa mưa bên ấy buồn không hởi người…
Kiếp sau xin được thành đôi
Vòng tay xiết chặt, làn môi ngọt đường
Nắm tay đi hết dặm trường
Quên đi một cõi Vô Thường… chia xa…
       
                    Nha Trang, tháng 8. 2024
                            Lê Kim Thượng

RỪNG XANH CHUYỂN LÁ – Thơ Lê Phước Sinh


  

 
RỪNG XANH CHUYỂN LÁ
 
Trời lành lạnh làm tơ Thu tạo kén
sợi óng vàng ánh rải khắp không gian,
đã qua chăng mùa Hạ khô khốn khổ
để Ve sầu chết điếng chẳng kêu than.
 
Con Nai trốn trong cánh rừng kiệt quệ
thiếu lá non để nhấm nháp qua ngày,
gốc củi cháy lem nhem như vàng mã
để Thổ thần, lơ láo ngược xuôi
Hắc xì hơi, mơ tưởng hương Cốm mới
chuyện ngày xưa, nuốt nước bọt, bây giờ.
 
Thu đạp lá
vàng,
rụng,
ngơ ngẩn,
chơ vơ.
 
                                         Lê Phước Sinh

Thứ Ba, 13 tháng 8, 2024

CHIỀU ÚA - Thơ Hồng Thúy, nhạc Nguyễn Thanh Cảnh, ca sĩ Anh Bằng trình bày




          


CHIỀU ÚA
 
Trả lại em ngày tháng
Thời hoa bướm thanh xuân
Có nắng hồng đưa lối
Tà áo xanh ngát hương
 
Trả lại em hẹn ước
Ngọt ngào thắm môi hương
Và những lời gian dối
Ngỡ tình mãi trăm năm
 
Mùa mây biếc qua rồi
Sợi nắng vàng lưa thưa
Đâu còn bình yên nữa
Mộng tròn ấm vai xưa
 
Chiều đưa úa sương tàn
Khói buồn đắp cô đơn
Bơ vơ mầu phố cũ
Nhạt nhòa bước chân vương
 
Lòng nghe cơn sóng vỗ
Hàng cây lá cô liêu
Mặc cho ngàn tiếc nhớ
Hồn giăng trắng đắng cay
 
Lặng thầm gió xa đến
Hỏi từng ánh sao bay
Đời trôi tựa dòng nước
Qua cầu tình bỗng phai
                     
                   Hồng Thúy

ĐÊM THẤT TỊCH NĂM NAY KHÔNG CÓ MƯA – Trần Vấn Lệ



Đêm Thất Tịch năm nay không có mưa rấm rứt.  Ngưu Lang và ả Chức không khóc nên không mưa? 
 
Hay câu chuyện ngày xưa thời này hết tái diễn?  Uổng công lao cầu nguyện Mỗi-Năm-Gặp-Một-Lần.
 
Mỗi người nửa con trăng... anh chị ngồi cầm cắn.  Sông Ngân Hà bạc trắng giữa hai bờ nước trôi!
 
Vầng trăng để trên môi.  Nước mắt để trong mắt.  Bếp khuya trần gian tắt.  Cờ lấp ló ngôi sao...
 
Bầy quạ trốn ở đâu?  Chúng đã lao xuống nước?  Sập chăng cầu Ô Thước?  Gãy chăng khúc Đoạn Trường?
 
Uổng chín nhớ mười thương!
Uổng Đông Đoài mong ngóng!
Hỡi sông Ngân gợn sóng, hát đi bản Tình Ca!
 
*
Xưa sau vẫn Sơn Hà mà bậu ta cát bụi! Đừng hỏi sao nông nỗi bởi đó là câu thơ...
 
Mà Thơ là giấc mơ như cơn mưa-không-nước chúng ta không nghe được tiếng buồn đang đi qua...
 
                                                                                         Trần Vấn Lệ

Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2024

VÌ SAO GỌI LÀ “MƯA NGÂU, ÔNG NGÂU BÀ NGÂU... ? – La Thụy


6 cách viết NGÂU theo tự dạng chữ Nôm trong quyển “Tự Điển Tiếng Nôm” của Lê Văn Kính

Hôm nọ, anh em khi trà dư tửu hậu có người thắc mắc vì sao gọi là “mưa ngâu”, vì sao gọi là “ông ngâu bà ngâu”. Tất nhiên, truyền thuyết Ngưu Lang Chức Nữ được đưa ra để giải thích. Người thắc mắc lại hỏi vậy sao không gọi là “mưa ngưu”, “ông ngưu bà ngưu”. Một ông bạn cho rằng “ngâu” là cách đọc chệch chữ Ngưu. Thế là một ông bạn khác cười chế nhạo: “mưa ngưu”“mưa trâu” “ông ngưu bà ngưu”“ông trâu bà trâu” à !?!  Vì sao có sự đọc chệch như thế ? Mà vì sao không đọc chệch theo cách khác đi?
 
Ông bạn khác lại cho rằng:
Gọi là “mưa ngâu”, “ông Ngâu bà Ngâu” vì loài hoa ngâu gắn liền với câu chuyện tình Ngưu Lang – Chức Nữ từ xa xưa. Hoa ngâu mang ý nghĩa về một tình yêu thủy chung, với khát vọng tự do trong tình yêu.  Nhưng ông bạn lại không nêu được sự liên quan giữa Ngưu Lang Chức Nữ và hoa ngâu như thế nào trong truyền thuyết.
 
Tôi nghĩ ông bà của ta xưa gọi là “mưa ngâu”, “ông ngâu bà ngâu” chắc có lý do, mình thử tra tìm tiếng “NGÂU” trong chữ Nôm (chữ viết của ông bà ta hồi xưa) xem sao! Chữ Nôm vốn mượn âm và chữ của Hán Tự mà, nên chắc chắn có liên quan về cách viết, cách đọc thôi.
 
Hỏi thăm những bậc tiền bối về Hán Nôm, họ cho biết có tới 6 cách viết NGÂU theo chữ Nôm. Đó là âm đọc chữ Hán “ngưu” (trâu); kế tiếp là: chữ “ngưu” bộ mộc, chữ “ngưu” bộ thảo; chữ “ngô” bộ mộc; chữ “ngô” bộ thảo; chữ “ngao” bộ mộc.
 
Tra từ điển Hán Nôm trên mạng, tôi tìm ra chỉ có 4 cách viết. 



Vẫn còn thiếu 2 cách viết sau :
 - NGÂU là âm Nôm đọc chữ đọc chữ Hán “ngưu” có bộ mộc: Hoa ngâu.
- NGÂU là âm Nôm đọc chữ đọc chữ Hán “ngao” có bộ mộc: Hoa ngâu.

Thứ Tư, 7 tháng 8, 2024

NÚI NHẠN TRONG CA KHÚC ANH CÒN NỢ EM LÀ NÚI NHẠN NÀO? – Trần Quang

Nhạc phẩm ‘Anh còn nợ em’ – thơ Phạm Thành Tài, nhạc Anh Bằng – là một bài hát được rất nhiều người ưa thích.
Trong bài có câu ‘Anh còn nợ em / Chim về núi Nhạn’, vậy núi Nhạn ở đâu?
 
Nhạc sĩ Anh Bằng

Núi Nhạn (thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) chính là nguồn cảm xúc cho bao tao nhân mặc khách, từ đó nhiều tác phẩm thi ca nhạc họa ra đời, trong đó có bài thơ “Anh còn nợ em” của Phạm Thành Tài.
Từ bài thơ đó, nhạc sĩ Anh Bằng cảm hứng phổ nên nhạc phẩm “Anh còn nợ em” nổi tiếng, được nhiều người ưa thích.

CÁC HẠ 閣下, TÚC HẠ 足下, TẠI HẠ 在下 , CÁCH XƯNG HÔ TRONG TRUYỆN KIẾM HIỆP TÀU– Theo Chiết tự chữ Hán




CÁC HẠ 閣下
 
Xưa người ta thường tôn xưng các quan chức hoặc người trên là CÁC HẠ.
Các là lầu các, lầu gác; “các hạ 阁下 có nghĩa đen là ở dưới lầu gác.
 
 Theo sách Nhân Thoại Lục thì thời cổ các quan Tam công có lầu các riêng làm dinh thự, các quan quận huyện cũng có lầu các. Nên sau dùng hai tiếng CÁC HẠ nghĩa là “dưới gác” để tôn xưng các quan.
 
TÚC HẠ
足下
 
“Túc là chân; “túc hạ 足下 có nghĩa đen là ở dưới chân.
Nhìn thấy bậc tôn quí, tôi cũng không dám nhìn vào mặt ngài, tôi chỉ dám nhìn ở dưới chân, có nghĩa là cúi đầu. Quyền lực nằm ở dưới chân, thì nhìn xem bàn chân nằm dưới chân đi về hướng bên nào, đây gọi là “cử túc khinh trọng” (举足轻重, có nghĩa rất quan trọng, nhất cử nhất động đều liên quan đến toàn cục). Bàn chân này của ngài thật quả có sức nặng.
 
Hai chữ TÚC HẠ người Tàu cũng dùng để tôn xưng có giá trị như tiếng NGÀI của ta vậy.
Về lai lịch của từ “túc hạ”, có liên quan đến một câu chuyện đau buồn:

Đời Xuân Thu, vua Tấn Văn Công nước Tấn gặp loạn phải bỏ nước lưu vong, gặp được một hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi theo giúp. Về sau, Tấn Văn Công trở về làm vua, phong thưởng cho những người có công nhưng lại quên mất Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi không oán giận gì, về nhà đưa mẹ vào núi ở ẩn. Tấn Văn Công nhớ ra, cho người đi tìm. Vì Giới Tử Thôi không chịu ra lĩnh thưởng, Tấn Văn Công hạ lệnh đốt rừng để ép ông phải ra; cuối cùng, hai mẹ con ông đều chết cháy. Vua thương xót, lập miếu thờ và hạ lệnh kiêng đốt lửa ba ngày, chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để tưởng niệm. Tấn Văn Công còn sai người chặt một khúc gỗ nơi cây Tử Thôi ôm đem về cung làm thành đôi guốc. Mỗi khi tưởng nhớ đến Giới Tử Thôi bèn nhìn xuống chân, than rằng: Đau xót thay, túc hạ!
Từ đấy hai tiếng TÚC HẠ dùng làm tiếng tôn xưng người khác. “túc hạ” có nghĩa đen là dưới chân, nhưng hoàn toàn không phải chỉ việc bị người ta giậm ở dưới chân, mà là lấy ý nhìn thấy vật nhớ đến người, cảm niệm tình hữu nghị, biểu đạt sự tôn kính đối với bằng hữu.
 
 TẠI HẠ 在下

“Tại hạ” là từ gốc Hán (nguyên ngữ 在下, có nghĩa đen là ở bên dưới). “Tại hạ” là lời khiêm xưng.
 
Người Trung Quốc xưa thường dùng “khu khu tại hạ”  區區 在下 để biểu thị lời khiêm xưng, “khu khu” cũng có thể thay thế cho “tại hạ”.

Khu khu 區區: tầm thường, nhỏ bé.
 
“Tại hạ” thường dùng nhiều trong Hí khúc Trung Quốc, hiếm gặp trong chính sử, thuộc lối xưng gọi không sách vở cho lắm. Còn có thuyết nói “tại hạ” là lời tự xưng của dân giang hồ. Mà thực tế, đọc truyện kiếm hiệp Tàu, ta thấy các nhân vật trong truyện thường tự xưng là “tại hạ” khi đối thoại.
 
Từ này có xuất xứ từ chuyện thời xưa ở Trung Quốc khi vào bàn tiệc, bậc tôn trưởng ngồi ở bên trên, cho nên người ta tự xưng mình là “tại hạ” (tức kẻ ngồi ở bên dưới) một cách khiêm nhường.
 
                                                                     Theo Chiết tự chữ Hán

NGÀY VỀ CẠN ĐÊM LỜI YÊU - Chùm thơ Đặng Xuân Xuyến


  

 
NGÀY VỀ
 
Ngày về, mưa phủ lắt lay
Đò chiều dời bến đã thay chủ chèo
Bến đông, giờ chỉ lèo tèo
Lạc cơn gió lạ thổi vèo lá bay.
 
Làng Tám, 03 tháng 7/2024
 
 
CẠN ĐÊM
(với Khờ)
 
Men theo hơi rượu cuối ngày
Nghiêng bình để rót cho đầy cữ say
Ừ nào túy lúy đêm nay
Rượu ngon ủ kỹ tao mày cạn đêm.
 
Hà Nội, đêm 3 tháng 7/2024
 
 
LỜI YÊU
 
Mặn trong hơi thở cuối giường
Lời yêu lệch phía dặm trường bể dâu
Cố về ngụp lặn biển sâu
Lời yêu vẫn chỉ thoảng đầu ngón tay.
 
         Hà Nội, ngày 03 tháng 7/2024
                   Đặng Xuân Xuyến

CÓ LẼ ANH YÊU EM – Nhạc Khê Kinh Kha, ca sĩ Hoàng Quân trình bày

       


             


Có lẽ anh yêu em
 
có lẽ mây trời mượn tóc em
nên mây lãng đãng rủ sợi mềm
lang thang chiều vắng nhìn mây trắng
mà nhớ nhung nhiều mái tóc đen
 
có lẽ sao trời mượn mắt em
nên sao sáng tỏ giữa đêm trường
đêm đêm anh ngẩng nhìn sao sáng
để cố đi tìm ánh mắt trong
 
có lẽ nắng chiều mượn môi em
nên nắng chiều nay quá ửng hồng
miên man nắng đọng trên cành lá
anh hốt nắng vàng ngỡ môi thơm
 
có lẽ quỳnh lan mượn hương em
nên hoa thơm ngát những hương nồng
bao ngày mơ ước bên hoa nở
để thấy hồn mình đượm phấn hương
 
có lẽ gió ngàn mượn gót em
gió vui trong gió, gió qua thềm
để anh đón gió vòng tay rộng
ôm gió vào lòng, ủ trong tim
 
có lẽ trăng vàng mượn áo em
nên trăng trải rộng ánh lụa vàng
giăng tay ôm hết trăng muôn thuở
ấp ủ riêng anh giấc mộng lành
 
có lẽ kiếp này anh yêu em
nên anh mê mẩn giọt nắng hồng
mê mây, mê gió, trăng, sao sáng
mê cả hương nồng của quỳnh lan
 
có lẽ kiếp này anh yêu em
có lẽ chúng mình duyên trăm năm
 
xin em chọn bến sông này
cho tôi quên lãng một đời phiêu du
cho tôi trọn kiếp làm người yêu em
 
                                    khê kinh kha

KHÚC GIAO MÙA THÁNG BẢY, TIẾNG GÀ TRƯA – Thơ Tịnh Bình


  

 
KHÚC GIAO MÙA THÁNG BẢY
 
Trôi ngang phố vài chòm mây nhỏ
Ướt sũng mi nhòa tiếng hạ trong veo
Sau cánh cửa ánh mắt nào ngơ ngác
Tháng Bảy hiên chờ ngày hạ cuối về theo
 
Dường lưu luyến khúc giao mùa bịn rịn
Mặt hồ trong gầy guộc đóa sen phai
Lưng chừng nhớ vạt khói chiều phiêu lãng
Mái ngói rêu trầm mặc phía cuối ngày
 
Trên cành nắng tiếng ve đành rơi rụng
Áo trắng học trò khép lại mùa thi
Ngang lòng phố tiếng rao trưa khắc khoải
Gió ngược chiều hoen mắt tiễn mùa đi
 
Tháng Bảy chờ ai... Lời dường như đã
Nắng phai dần trên phiến gió lao xao
Tạm biệt nhé lời ve cành hạ
Thanh âm cuối cùng
hẹn gặp lại mùa sau...
 

RUNG – Thơ Lê Phước Sinh





RUNG
 
Mẹ,
Tao Võng à ơi...
Con ngoan con ngủ thật bùi.
 
Đất
trở mình Địa Chấn,
À ơi...
Núi Rừng trôi.
 
Nhà cửa rung như Xiếc,
Bùn đá tựa trộn hồ.
Thuỷ điện tạo Thuỷ hại,
Dân đành "nuôi báo cô" (!)
 
Rung
một lần,
lại tiếp...
như say máu disco.
Chửi cha "thằng diễn trò",
Tiền bạc bây đút túi.
 
Nếp gấp của Địa tầng,
làm sao kéo lại được ?! (*)
 
Việt Nam,
đất nước ơi
chưa bao giờ đâu thế....
 
          Lê Phước Sinh

---
(*) Kon-tum địa chấn liên tục nhiều ngày.

“HÀNH GIẢ CHI CA” CỦA ĐẶNG TIẾN (THÁI NGUYÊN) MỘT BÀI THƠ LÀM SẢNG KHOÁI TÂM HỒN - Châu Thạch



Thú thật tôi không rành chữ Hán nên không hiểu hết tựa đề của bài thơ, xin tạm dịch thô thiển “Hành Giả Chi Ca”“Bài Thơ Của Vị Tăng Đi Khất Thực”. Nếu dịch sai hay thiếu xin lượng thứ.
 
Đây là bài thơ ai đọc cũng biết viết về nhà sư Thích Minh Tuệ, một hiện tượng mới trong xã hội và trong lịch sử đạo Phật Việt Nam.  Trong bài viết nầy tôi chỉ cảm nhận những cái hay của thơ, còn những mặt khác của hiện tượng tôi không dám bàn đến.
 
Đọc khổ đầu của bài thơ ta thấy hình ảnh một con người cô đơn, nhưng con người cô đơn ấy rất tự tại, thong dong và ngạo nghễ:
 
Ta đi! Một mình trên đường lớn!
Không xe máy lạnh chẳng lọng che
Không tụng niệm loa vang dậy đất
Không hoa không cờ. Không có gì...

MIỀN TRUNG – Thơ Lê Kim Thượng


  


Miền Trung 1 - 2
 
1.
Người mơ về với Cố hương
Miền Trung chín nhớ, mười thương mặn mà
Người xa trở lại quê nhà
Bước chân lối cỏ, nắng tà đất nâu
Quê nhà tình nặng nghĩa sâu
Nhớ nơi cắt rốn, chôn nhau một đời
Nhớ quê, nhớ thuở thiếu thời
Vẫn còn giữ mãi góc trời tuổi thơ
Làng quê đẹp tựa bài thơ
Sông dài còn thắm đôi bờ xanh tre
Quanh đây còn mãi tiếng ve
Lẫn trong tiếng hát trưa hè… À ơi!
Chao nghiêng cánh võng bên đời
Tương cà, dưa cải… đậm lời Mẹ ru
Người xa nhớ nhất chiều Thu
Hương cau ngan ngát… chim gù buông lơi
Tình quê thấm đậm lòng người
Ầu ơ lời Mẹ… Nụ cười của Cha
Đồng gần cho tới ruộng xa
Sớm mai sương trắng… Chiều tà hoàng hôn…
 
2.
Tháng năm Cha Mẹ mỏi mòn
Sớm trưa vất vả nuôi con trưởng thành
Mẹ ngồi bên đám rau xanh
Con vui thấy Mẹ hiền lành chân quê…
Bình thường sao lắm đam mê
Quê nhà nơi chốn nhớ về xa xôi
Nặng lòng yêu lắm quê ơi!
Dẫu đi cuối đất cùng trời không quên
Dẫu đi xa đất, xa miền
Quê hương hai tiếng thiêng liêng trong lòng
Thương Cha cày cấy trên đồng
Liêu xiêu bóng Mẹ, lưng còng nương dâu…
Xa con Mẹ đã về đâu?
Giữa hai hàng nến rầu rầu héo hon
Vu Lan nay… Mẹ không còn…
Áo cài bông trắng, lòng con nhớ Người
Hương trầm quyện khói chơi vơi
Nam Mô… Bồ Tát…Mẹ thời đi xa…
Đời con rồi cũng sẽ qua
Quê hương rồi cũng chỉ là… “Ngày xưa”…
 
                       Nha Trang, tháng 8. 2024
                               Lê Kim Thượng              

THÁNG TÁM CHUYỂN MÌNH MÂY LÁC ĐÁC – Thơ Trần Vấn Lệ


  


THÁNG TÁM CHUYỂN MÌNH 
                           MÂY LÁC ĐÁC
 
Tháng Tám chuyển mình, mây lác đác,
mưa thì chưa nhưng trời mát có mây.
Lá của những hàng cây
đã thấy vàng rồi đó...
 
Năm hôm nữa, mười hôm nữa, có gió,
lá vàng rơi là biết Thu về...
Những người đi lau con mắt đỏ hoe...
Năm lại hết!  Bao nhiêu người đã chết?
 
Chấp nhận đời:  có sinh thì có diệt
Có bắt đầu, thì có cuối - tự nhiên.
Không thấy ai điên nói mình không điên
để sống lừng lẫy có tên trong sử sách...
 
Nguyễn Cao Kỳ trở về úp mặt!
Nguyễn Văn Thiệu chết sấp ở garage!
Dương Văn Minh cũng đi xa...ngay trong nhà
của con gái út!
 
Cái ngu ngốc của lũ người trí thức
hiện rõ ràng ngày Tháng Bốn Ba Mươi!
Năm ông Tướng ngậm cười!
Một trăm ngàn Sĩ Quan chết không mồ không mả...
 
Triệu triệu người ra biển cả
chỉ có hơn năm trăm ngàn người lên bờ
rồi thêm dần thuộc diện chữ O (*)
rồi thêm dần là diện chữ H (*)
 
Năm mươi lần Tháng Tám mưa sa
Năm mươi mùa Cách Mạng Mùa Thu quay quắt...
Đất Nước từ chia cắt
Đất Nước tới tan hoang!
 
Nước Việt Nam thành nước Việt Gian.
Tàu sung sướng vì cái tên nó đặt.
Nó cho vay tiền làm phi trường trên đất,
Nó đưa thêm tàu vào tới bãi Tư Chính ngắm giàn khoan!
 
Nước Việt Nam?  Mở Sử ra thì thấy:
Trần Trọng Kim viết rằng ta bị ép phải mang!
Lũ Trí Thức mơ màng sống tàn...
sống tạ!  Chưa thằng nào mắp máy tiếng ăn năn!
 
Tháng Tám... hôm nay... mây tụ mấy tầng
Hy vọng mát cho lòng tôi nguội xuống!
Tôi như anh em, hơn tám mươi rồi, đều muốn
tỏ thật lòng: thương nhớ Nữ Quân Nhân!
 
                                                    Trần Vấn Lệ

VIỄN PHỐ: NGƯỜI ĐÀN BÀ SAU BỘ “VĂN HỌC MIỀN NAM 1954/1975 –Tác giả Trùng Dương



Lời giới thiệu:

Tôi không khỏi bâng khuâng được tin Chị Võ Phiến, tên thật là Viễn Phố, phu nhân nhà văn Võ Phiến (1925-2015), đã qua đời ngày 24 tháng 7, 2024, hưởng thọ 94 tuổi.  Trong số các bạn đời của các bạn văn của tôi, chị là người phối ngẫu tôi có dịp gần gũi hơn cả, từ khi anh còn sống và cả sau khi anh đã qua đời. Kỷ niệm sâu sắc nhất tôi có với chị là thời gian mấy ngày ở với chị sau ngày anh mất và đang nằm chờ khâm liệm ở nhà quàn, trong ngôi nhà hai tầng trong một cư xá yên tĩnh ở Santa Ana chị ở có một mình. Hình ảnh tôi không quên được là chị ngồi gọi điện thoại đó đây sắp xếp việc chung sự cho anh, trước một đống mấy trăm tấm thiệp “Tạ từ” anh đã cho in sẵn từ bao giờ chị nói không hay, với bài thơ ngắn tựa là “Đến”—Mải miết ra đi đâu tính đến / Đến nơi nào? / Bẩy tám mươi năm rồi cũng đến / Đến rồi sao! Lúc ấy chị đã 85 tuổi, đã phải dùng tới walker để di chuyển trong nhà, nhưng chị vẫn lo tang chay cho anh chu đáo, như chị đã lo cho anh và cả sự nghiệp văn học của anh suốt nhiều thập niên chung sống.
    Nghĩ tới chị nay đã an nghỉ và hồn có thể đã đoàn tụ với anh ở đâu đó, tôi không khỏi nhớ tới một bài viết về chị 15 năm trước. Xin soạn lại ở dây, như một nén nhang gửi tới cả hai anh chị, với lòng biết ơn về di sản anh chị đã để lại cho các thế hệ Việt tự do.
                                                                          [Trùng Dương, 2024]

Thứ Năm, 1 tháng 8, 2024

BÁNH DA LỢN? – Matthew NChuong

 
           
Ghi chú lai rai cho nhẹ đầu...: "BÁNH DA LỢP"
Quí bạn đều nghe nói riết quen luôn, "bánh da lợn". Ủa, trong Nam gọi "heo" chớ đâu bao giờ gọi "lợn" (cách gọi ngoài Bắc, chỉ cùng một con vật)? Vậy, loại bánh này phải chăng có gốc từ ngoài Bắc nên gọi "bánh da lợn"? Hoàn toàn KHÔNG phải.
Ngoài Bắc, không có món này, mà chỉ ở miền Nam mới có món này đó đa!
 

MẸ VỢ - Tác giả Chu Thị Hồng Hạnh



Hôm nay anh thất nghiệp đúng 30 ngày!
Tính anh hiền lành, chỉ biết chúi đầu vào làm việc, ít giao tiếp, khi công ty bắt đầu sa thải nhân viên thì anh càng cố gắng làm việc nhiều hơn.
Cách đây một tháng, vừa đến chỗ làm, đã được sếp mời vào phòng, anh biết kết cuộc cũng không khác gì các đồng nghiệp trước.
 
Thu dọn đồ đạc, ra khỏi công ty sớm, anh chán chường nhìn lên bầu trời xanh trong rực rỡ. Đã bao lâu nay anh không tận hưởng được cuộc sống thanh bình như vậy! Nhà ở xa, mỗi buổi sáng chụp cái nón bảo hiểm lên đầu, anh cắm đầu, cắm cổ, phi đến cơ quan cho kịp giờ, chiều muộn ra khỏi công ty thì đã tối mịt. 10 năm rồi anh cần mẫn cuốc cày để tạo dựng gia đình mình. Ôi chao! vậy mà đã 10 năm!