Nhạc sĩ Phạm Duy lúc sinh thời đã hé lộ rằng, sở dĩ ông đưa cô Duyên vào bài hát vì ông đọc tập thơ “Thiên tai” và cảm nhận được tình cảm sâu nặng mà Nguyễn Tất Nhiên dành cho người con gái tên Duyên. Rõ ràng, cô Duyên không phải do nhạc sĩ Phạm Duy tưởng tượng ra rồi đưa vào ca khúc “Thà như giọt mưa” phổ theo bài thơ “Khúc tình buồn” cúa Nguyễn Tất Nhiên. Ngay trong tập thơ “Thiên tai”, Nguyễn Tất Nhiên có hai bài thơ khác nhắc trực tiếp đến người con gái tên Duyên là “Đi trong mưa nhớ Duyên” và “Bài hối trên tay Duyên”.
Sự vương vấn của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên với cô gái Bắc
thứ hai Hoàng Thị Kim Oanh cũng góp phần tạo tác một ca khúc lừng lẫy. Thế
nhưng, có một nghịch lý thú vị là bài hát “Cô
Bắc kỳ nho nhỏ” mà nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên, không phải dựa
trên bài thơ “Cô Bắc kỳ nho nhỏ” mà lấy
cảm hứng từ bài thơ “Đám đông”. Cả
hai bài thơ của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên đều được sáng tác vào năm 1973, nhưng
bài thơ “Cô Bắc kỳ nho nhỏ” viết bằng thể thơ tự do phóng túng, còn bài thơ “Đám đông” viết theo thể thơ năm chữ
tuân thủ nhịp điệu: “Cô Bắc Kỳ nho nhỏ/
Tóc demi-garçon/ Cười ngây thơ hết nụ/ Tình cờ thấy anh trông/ Khi không đường
nín gió/ Bụi hết thời bay rong/ Khi không đường nín gió/ Anh lấy gì lang
thang?”.
Không chỉ tán tụng Hoàng Thị Kim Oanh như một ẩn số mông lung “Cô Bắc Kỳ nho nhỏ/ Mắt như trời bao dung/ Hãy nhìn anh thật rõ/ Trước khi nhìn đám đông” mà Nguyễn Tất Nhiên còn làm hẳn bài thơ lấy tựa đề “Oanh” đích danh người đẹp, với nguyện cầu cháy bỏng: “Hãy yêu chàng, yêu chàng như yêu giọt sương/ Sớm vẫn ngủ quên trên cánh hoa hường/ Sương kết hơi mù mơn man lá cỏ/ Chàng kết tình vui hơi thở em nồng/ Hãy yêu chàng, yêu chàng như yêu luống mạ/ Say gió chiều nghiêng kể chuyện thanh bình/ Mạ đơm lúa đầy trẻ thơ mau lớn/ Chàng đơm tình đầy trong ngực em, xinh”. Thật hữu tình, bài thơ “Oanh” cũng được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc “Hãy yêu chàng” được ưa chuộng một thời!
Sau hai mối tình với hai cô gái Bắc chỉ lãng đãng kiểu
mây trôi nước cuốn “chiều xưa có ngọn trúc đào, mùa thu lá rụng bay vào sân
em”, thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên theo đuổi bạn học Nguyễn Thị Minh Thủy - vốn cũng
là cô gái làm thơ trong bút nhóm ở Biên Hòa. Thuở hẹn hò của họ, cũng được nhà
thơ Nguyễn Tất Nhiên viết thành bài thơ “Hai
năm tình lận đận” mà nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc: “Hai năm tình lận đận/ Hai đứa cùng xanh xao/ Mùa đông, hai đứa lạnh/
Cùng thở dài như nhau/ Em bây giờ có lẽ/ Toan tính chuyện lọc lừa/ Anh bây giờ
có lẽ/ Xin làm người tình thua/ Chuông nhà thờ đổ mệt/ Tượng Chúa gầy hơn xưa/
Chúa bây giờ có lẽ/ Rơi xuống trần gian mưa”.
“Chuyện
tình khó quên” của nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên ngỡ kết thúc
có hậu vào năm 1978, khi ông và Nguyễn Thị Minh Thủy làm đám cưới, sau đó sang
Mỹ định cư. Thế nhưng, dù họ có với nhau hai đứa con trai, thì hạnh phúc gia
đình không gìn giữ được bao lâu.
Hôn nhân đổ vỡ, nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên trút buồn vào
thơ: “Em hết thương ta rồi phải không/
Thôi thế cho ta bớt não nùng/ Thôi thế cho đời ta ngậm đắng/ Còn nghe vị ngọt của
tình nhân”.
Năm 1992, nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên qua đời tại
California, khi vừa tròn 40 tuổi, để lại không ít dư âm ngậm ngùi: “Lâu rồi… không biết bao nhiêu/ Nắng mưa
trên những tan xiêu đỗ đời/ Hôm em êm ả điệu ngồi/ Sau lưng là những tình ơi hỡi
tình”.
Tuy Hoà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét