BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2024

NÊN CƯỜI HAY NÊN MẾU ? – Trần Thị Hồng

Xung quanh một số thông tin chưa chuẩn xác về nhà văn Nam Cao và gia đình ông.


Tôi là con gái nhà văn Nam Cao. Nhân dịp cuối năm, xin có mấy dòng tâm sự xung quanh một số bài viết liên quan đến gia đình tôi hoặc đến chính cha tôi. Mong sao, năm cũ qua đi, mọi sự sẽ tốt đẹp hơn.
 
Một lần, tôi đọc được bài báo: "Nhà văn Vũ Bằng từng lật tẩy ‘con trai rởm" của Vũ Trọng Phụng’ đăng trên tờ Tiền Phong số ra ngày 12/5/2009. Khi nhìn bức ảnh in kèm bài mà tác giả ghi là "nhà văn Vũ Bằng", tôi không sao nhịn được cười, bởi người trong ảnh chính là cha tôi.
 
Lần khác: Khi đọc quyển "Chân dung các nhà báo liệt sĩ" do Hội Nhà báo Việt Nam xuất bản, phần viết về cha tôi, tác giả bài viết ghi rằng: "Nam Cao lấy vợ, vợ ông là bà Trần Thị Sen theo đạo Thiên Chúa. Theo người làng kể lại, Nam Cao đã vượt qua những trở ngại về phong tục và tín ngưỡng để lấy được người mình yêu..."
Thực ra, cha tôi mới chính là người sống trong gia đình theo đạo Thiên Chúa. Còn mẹ tôi là con cụ chánh Hội, người bên lương. Cuộc hôn nhân này là hoàn toàn do đôi bên gia đình sắp đặt, theo truyền thống cổ xưa, chứ không hề có sự tìm hiểu, yêu đương như thế hệ ngày nay đâu ạ! Khi ông bà ngoại tôi đồng ý nhận lời để mẹ tôi về làm dâu nhà ông bà nội tôi, thì dù chưa cưới hỏi, cứ đến mùa lễ Thánh mẹ tôi đều phải sang nhà chồng tương lai để làm thủ tục nhập đạo: đi lễ nhà thờ, học Kinh Thánh. Khi ấy mẹ tôi mới mười lăm tuổi. Tới khi mẹ tôi tròn mười bảy, còn cha tôi tròn mười tám, mới được cha xứ rửa tội, đặt tên Thánh cho. Rồi phải làm phép cưới tại nhà thờ ở Cao Đà, cách làng khoảng bảy cây số. Trong buổi lễ ấy, cha xứ sẽ lần lượt chỉ vào cô dâu, chú rể và hỏi:
 
- Con có bằng lòng lấy người này làm chồng không?
- Con có bằng lòng lấy người này làm vợ không?
 
Nếu đôi bên đều trả lời "Con bằng lòng ạ!", thì hai người mới chính thức được công nhận là vợ chồng. Cũng theo luật tục Thiên Chúa giáo, con trai phải đủ mười tám, con gái đủ mười sáu tuổi mới được kết hôn và khi đã lấy nhau rồi, vợ chồng không được bỏ nhau.
 
Vậy là ở bài viết này, tác giả có sự nhầm lẫn về tôn giáo của cha mẹ tôi. Nhưng tác giả lại đúng khi nói rằng cha tôi đã vượt qua rào cản về tín ngưỡng. Vì vậy dẫu hôn nhân của cha mẹ tôi do gia đình sắp đặt nhưng cuộc sống vợ chồng lại rất thuận hòa, tình nghĩa, thủy chung.
 
Lại có lần, tôi đọc được bài "Lão Hạc quý chó và... sợ chó" đăng ở báo Văn nghệ Công an số ra ngày 5/7/2009, kể về những phiền toái của nhà văn Kim Lân khi ông đóng vai lão Hạc trong phim "Làng Vũ Đại ngày ấy".
Bài báo có đoạn:
"Cứ theo những giai thoại của tác giả Nguyễn Bùi Vợi thì khi tham gia vai diễn này, lão nhà văn của chúng ta cũng đã gặp phải những điều bất như ý... Chuyện bắt đầu từ việc vợ cố nhà văn Nam Cao từ dưới quê lên Hà Nội gặp các nhà làm phim để nhận nhuận bút... Số tiền bà Nam Cao nhận về chẳng được là bao. Bà liền tìm đến nhà văn Kim Lân, người vừa là bạn của Nam Cao, lại vừa tham gia bộ phim nói trên để hỏi cho "ra ngô, ra khoai". Nghe Kim Lân giải thích, bà bĩu môi:
 
- Làm gì mà ông chẳng bênh chúng nó. Ông đóng phim ngồi nốc rượu tì tì, nhai thịt gà rau ráu, tôi còn lạ đếch gì?".
 
Sau khi trích lại giai thoại của nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, tác giả cũng kể rằng: Nhà văn Tô Hoài và nhà văn Kim Lân đều cho biết, mẹ tôi là người ôn hòa, tế nhị, chẳng bao giờ xảy ra chuyện như trên được.
 
Là người trong cuộc, tôi xin kể lại thực hư câu chuyện ấy có phần liên quan đến mẹ tôi như sau:
 
Mấy tháng sau khi được xem bộ phim "Làng Vũ Đại ngày ấy" chuyển thể từ một số tác phẩm của cha tôi, mẹ tôi nhận được một ngàn đồng tiền nhuận bút. Cũng vào dịp ấy, mẹ còn được lĩnh tám ngàn đồng là tiền nhuận bút in quyển "Một đám cưới" của cha tôi. Thấy hai khoản tiền chênh lệch hơi nhiều, mẹ tôi nghĩ có sự nhầm lẫn nên bảo cậu út dẫn lên Hà Nội để hỏi nhà văn Tô Hoài. Bởi với mẹ tôi, bác Tô Hoài như người trong nhà. Và mẹ còn cho rằng mọi chuyện liên quan đến cha tôi, bác đều giải quyết được tất.
 
Mẹ và em tôi đi tàu hỏa từ Nam Định lên Hà Nội tìm gặp nhà văn Tô Hoài. Tới nhà bác, ngồi vừa nóng chỗ, mẹ tôi đem ngay những khúc mắc về nhuận bút phim ra giãi bày với bác.
 
Nghe xong, bác Tô Hoài cười hì hì, rồi nói thật nhỏ nhẹ:
- Việc này tôi phải hỏi ông Phạm Văn Khoa, bên xưởng phim cơ chị ạ!
Rồi thoáng một chút băn khoăn, bác tiếp lời:
- Nhưng đến nhà ông Khoa thì hơi xa, hay để cháu đưa chị sang nhà anh Kim Lân ở gần ngay đây thôi. Có thể anh ấy biết, vì anh ấy tham gia đóng vai lão Hạc mà!
 
Thế là mẹ tôi sang nhà bác Kim Lân. Khác với lúc ở nhà bác Tô Hoài, khi trò chuyện với nhà văn Kim Lân, mẹ tôi khá dè dặt. Bởi tuy hai bác đều là bạn của cha tôi, nhưng mẹ tôi đã được gặp bác Tô Hoài nhiều lần, kể từ ngày xa xưa bác từng đến nhà tôi chơi, có đợt bác ở lại cả tháng trời. Còn nhà văn Kim Lân, đây là lần đầu mẹ tôi gặp. Do vậy, sau khi hai người trò chuyện khá lâu, nào thăm hỏi sức khỏe, nào kể chuyện làm ăn, con cái, mãi rồi mẹ tôi mới cất được lời vào việc chính:
- Thưa anh! Tôi chỉ nhận được có một ngàn đồng về cái phim có chuyện thằng Chí Phèo của nhà tôi thôi. Thế mà, vừa qua in quyển sách được những tám ngàn anh ạ! Anh hỏi giúp tôi xem, họ có tính nhầm không, anh nhá!
Nhà văn Kim Lân trả lời mẹ tôi, thật nhỏ nhẹ như nói với chính mình:
"Không nhầm đâu chị ạ, chị còn được một ngàn, chứ em chỉ được ngót chín trăm, mà còn phải mua con chó mất hai trăm. Đi mấy phiên chợ mới lùng mua được con ưng ý. Rồi còn phải nuôi nấng, chăm bẵm nó và suốt ngày chơi đùa với nó để nó quen hơi, bén tiếng mình dần đi thì vừa. Nếu không vậy, lúc vào việc nó lại cắn mình thì gay go lắm chị ơi. Đóng phim này, có khi em còn bị lỗ nữa ấy chứ. Nhưng mà em vẫn rất vui, vì em được là nhân vật trong tác phẩm của anh mà".
 
Nghe những lời tâm huyết ấy của nhà văn Kim Lân, mẹ tôi không còn cấn cá gì nữa. Bà vui vẻ lên đường về Nam Định, cho dù sau một ngày, một đêm vất vả, mất ngủ...
 
Bên cạnh mấy câu chuyện tôi vừa kể, vẫn còn những cái "râu ông nọ cắm cằm bà kia" khá hài hước thế này:
 
Một lần tôi đọc được bài "Chuyện về cụ bà Nam Cao" đăng báo Đại đoàn kết. Tác giả đăng bức ảnh mẹ tôi bế cháu Bích Thủy là con gái thứ hai của tôi, rồi ghi là: "Ảnh bà Nam Cao và bé Hồng nhân vật trong ‘Bài học quét nhà’ cùng ngôi nhà ở quê". Chuyện nực cười: Nếu đây là "bé Hồng" thì khi ấy bà Nam Cao mới ở tuổi ngót ba mươi, còn đây là con thứ của "bé Hồng" nên bà Nam Cao đã ở tuổi sáu mươi rồi!
 
Tiện đây, tôi cũng xin có đôi lời tâm sự cùng các anh, các chị là biên tập viên của các báo. Thưa các anh, các chị, chúng tôi - những người ngoại đạo văn chương, thỉnh thoảng tập toạng viết được mấy dòng gửi đến quý báo. Nếu được biên tập lại cho hay, rồi được đăng báo thì còn niềm hạnh phúc nào sánh bằng. Ấy vậy, nhưng cũng có đôi lần, bài được đăng mà niềm vui cũng chưa thật trọn vẹn. Tôi xin nêu một ví dụ:
 
Một lần, có đoàn cán bộ Viện Văn học Việt Nam về thăm gia đình. Trong câu chuyện, mọi người đều ca ngợi anh Sơn (con rể nhà văn Vũ Trọng Phụng), một người hết lòng với gia đình nhà vợ, nhất là với sự nghiệp văn chương của cha vợ. Sau khi được trực tiếp gặp anh Sơn, tôi càng nể phục, nên có viết một bài về anh. Trong bài viết này, tôi cũng có nhắc đến một số việc mà chồng tôi (con rể nhà văn Nam Cao) đã làm được cho cha vợ và gia đình tôi. Trong nội dung bài viết có một chi tiết tôi kể rằng: Những khi mẹ tôi đau yếu thì chỉ có chồng tôi và các em tôi chăm sóc được mẹ. Còn tôi, phần bận con nhỏ, phần không phải là tuýp người tháo vát, nên không chăm sóc được mẹ nhiều. Đến khi đăng báo, người biên tập cắt ngay cái đoạn các em tôi chăm sóc mẹ. Hôm nhận được tờ báo tòa soạn gửi cho, tôi xem lại bài ấy, thấy đầu choáng váng, mặt bừng bừng như lên cơn sốt. Bởi cha mẹ tôi sinh được năm người con. Một em gái mất sớm, hiện còn bốn chị em. Tôi là cả, vợ chồng tôi ở với mẹ. Nhưng sau tôi còn ba cậu em trai. Cha tôi mất sớm, chị em tôi đều được mẹ nuôi dạy chu đáo, nay đều đã trưởng thành, ít nhiều cũng có địa vị trong xã hội. Các em lại đều đã có vợ con. Rồi ngoài gia đình ra, còn có họ hàng, làng xóm. Làm sao tôi dám nói rằng, lúc mẹ ốm đau, chỉ có chàng rể chăm sóc. Dù tôi biết các em tôi rất hiểu chị, nên sẽ không có chuyện hiểu lầm trong gia đình chúng tôi. Nhưng báo đã ra, thì có phải chỉ những người trong gia đình đọc được đâu. Sau khi người khác đọc xong bài báo ấy, họ sẽ nghĩ gì khi tưởng rằng chính tôi đã đề cao chồng mình như vậy nhỉ?
 
Tôi vẫn nghĩ, niềm hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời mình, là đã may mắn được làm con của một nhà văn. Rồi qua đấy mà được biết bao đồng nghiệp của cha tôi quan tâm giúp đỡ. Họ đã mang đến cho tôi và gia đình rất nhiều nụ cười mãn nguyện. Nhưng đôi khi cũng nhận được những nụ cười như... mếu. Tôi mơ ước rằng sang năm mới, chúng tôi luôn nhận được những nụ cười rạng rỡ
 
                                                                                    Trần Thị Hồng
*
Nguồn:
https://cand.com.vn/Tu-lieu-van-hoa/Nen-cuoi-hay-nenmeu-i329193/

Không có nhận xét nào: