BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 22 tháng 2, 2024

GIAI THOẠI VĂN HỌC VỀ NHÂN VẬT LÝ TOÉT, XÃ XỆ... - Hoài Nguyễn



Có thể nhiều người Việt chúng ta đều biết trong hệ thống truyện cười dân gian Việt Nam đã có những nhân vật trào phúng nổi tiếng như Trạng Quỳnh, Xiển Bột, Ba Giai - Tú Xuất v.v...
Và nếu nghiên cứu lại thì trong lịch sử văn học Việt Nam, làng báo chí thời tiền chiến cũng đã xuất hiện hai nhân vật mang tính trào phúng, thường dùng làm tranh biếm họa trên các tờ báo nổi tiếng thời ấy như Phong Hóa, Ngày Nay, Tứ Dân, Phụ Nữ Thời Đàm… Đó là hai “cụ” Lý Toét và Xã Xệ!
 
Theo tư liệu tìm thấy được thì hai nhân vật Lý Toét và Xã Xệ này chỉ là hư cấu, không có thật ngoài đời và xuất hiện trong đầu của các nhà văn, nhà báo, họa sĩ thời ấy mang tính châm biếm một xã hội đang trong giai đoạn Tây hóa thời Pháp thuộc.

Theo nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, vào năm 1930, nhà thơ Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu, nhà thơ trào phúng của Nhóm Tự Lực Văn Đoàn chính là người “đẻ ra” cái “tên” Lý Toét và cũng chính năm đó, họa sĩ Đông Sơn của báo Phụ Nữ Thời Đàm đã “đẻ ra” cái “hình” của Lý Toét!  Sau đó tờ Phong Hóa đã đăng “hình Lý Toét” lần đầu tiên trên báo này!
 
Từ đó “hình tượng” cụ Lý Toét đã gắn bó với những tờ báo thời tiền chiến và sau nay vào trong Miền Nam tồn tại gần 80 năm trời trong làng báo chí mang tính trào phúng.

Thật sự thì Lý Toét cũng chỉ là một nhân vật tưởng tượng và chuyện rằng khi họa sĩ Đông Sơn một hôm đang xem báo Phụ Nữ, vẽ nghịch một ngườì nhà quê, thấy hay hay nên xé ra vứt vào ô kéo, chưa biết để làm gì. Đó chính là “hình mẫu” của các nhân vật Lý Toét sau này!
Trên bức hình đó “Lý Toét” trẻ hơn sau này nhiều, đã được mặc áo dài khăn đóng, như mọi cụ già thời đó. Lại có đủ cả râu ria, búi tóc, cụ xách thêm đôi dép da Gia Định và cắp cái ô đen: Cá tính được định hình. Cụ thường xách dép lên, đi đất, vì ngại chóng hỏng đôi dép cũ. Cái ô cũng ít khi mở ra, cụ để dành đánh chó và đeo lên vai cho oai. Nhưng chúng cũng làm khổ cụ, vì cứ bị tụi trộm nhỏ nhít đặt vào tầm ngắm, quấy phá luôn luôn. Nào dép, nào ô, nào khăn cứ bị trộm rình!
 

Bắt đầu từ Phong Hóa số 14, ra ngày 2/9/1932 chủ bút mới là Nguyễn Tường Tam. Cùng các em là Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long và các bạn như Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu, Khái Hưng Trần Khánh Giư… mới phụ trách tờ Phong Hóa. Ngay trong số 14 này, độc giả của Phong Hóa bắt gặp Đông Sơn đưa hình cụ (chưa có tên là Lý Toét) về Hà Nội trên một chuyến xe đò đông như nêm cối.
Nhất Linh còn kể là Lý Toét ra mắt độc giả ngay từ số Phong Hóa 14, nhưng còn ngơ ngác vì chưa có tên. Sau đó Đông Sơn dính thêm cái tên Lý Toét do Tú Mỡ “đẻ ra” vào hình vẽ, thế là Phong Hóa có trong tay một nhân vật hý họa hoàn chỉnh.
 
“Đội giời đạp đất ở đời
Nguyễn văn Lý-Toét vốn người Việt-Nam”
 
Từ đó hình tượng Lý Toét được trang trí trong mục vui cười của tờ Tuần báo Phong Hóa này.
Sau đó hình “cụ Lý Toét” với cái dáng lom khom xuất hiện đều đặn trên các số báo của Phong với các câu hỏi kèm theo hình hết sức lạ lùng và gây cười!

Từ đó “Lý Toét” đã làm mưa làm gió trên văn đàn nước ta trong suốt thập niên 1930. Trước hết, về cá nhân Lý Toét, tính chất tổng quát được mọi người cùng chấp nhận bất thành văn, là:
Lý Toét là một ông già nhà quê, có chức phận trong làng, chức Lý trưởng, nên được goi là Lý, mắt bị bệnh đau-mắt-hột từ bé, thành ra nó cứ kèm nhèm, như viền vải tây đỏ, ta gọi là mắt toét. Nhập hai chữ Lý và Toét vào nhau thành tên luôn, chứ Lý Toét không phải là tên cúng cơm, bố mẹ đặt cho.

Lý Toét nghèo, sống ở thôn quê, chưa từng được thấy những thứ văn minh ngoài phố do người Pháp mang lại. Lý Toét biết đọc chữ quốc ngữ, biết ít chữ nôm, chữ nho, nhưng không hiểu tiếng Pháp, nên có nhiều phen không thông về chữ nghĩa, nhầm chữ nọ sang chữ kia tí chút. Vì nghèo nên Lý Toét tham ăn, lại nghiện rượu, nên ích kỷ, chỉ muốn mình được phần to, thêm nữa, không hiểu gì về vệ sinh, ăn ở dơ bẩn, nên cả tin, sợ hãi đủ mọi thứ. Lý Toét rất mê tín, thờ đủ mọi loại thần thánh, từ con cóc sành trên bể nước ngoài vườn hoa, đến con hổ sống trong chuồng Vườn Bách Thú…

Vợ con ở quê rất lếch thếch. Lý Toét có một cô con gái lớn tên là Ba Vành, cô này xưa bỏ nhà ra đi, rồi lấy Tây. Thỉnh thoảng cụ Lý có xuống vùng mỏ thăm con gái, báo Xuân Phong Hóa, số 85 tường thuật thế. Cô có con, thỉnh thoảng con bị sài đẹn cũng mang vào bệnh viện chữa, làm cụ Lý đi tìm thăm thật khốn khổ. Phong Hóa có tranh chân dung của cô, cô mặc áo tân thời, nom cũng đẹp ra phết (khi trước còn ở dưới quê thì vẫn vận áo tứ thân).
Sau khi họa sĩ Đông Sơn vẽ nhân vật biếm họa Lý Toét thì cùng rủ mọi người vào vẽ nhân vật này
 
Nhiều họa sĩ làm việc cho tờ Phong Hóa như Nhất Sách, Tô Tử (Ái Mỹ Tô Ngọc Vân), Lemur (Nguyễn Cát Tường), Trần Bình Lộc, Trần Quang Trân, Trần An, Nguyễn Gia Trí, Lê Ta (Thế Lữ) …. đã vẽ ra một Lý Toét dung mạo khác hẳn nhau, nhưng cùng tính cách, vẫn nhận ra được.
 
Nhưng độc giả ngắm mãi hình của Lý Toét càng lâu, càng thấy cụ có vẻ hơi… cô độc, thiếu bạn. Và việc phải đến, đã đến: Xã Xệ xuất hiện. Nhất Linh gọi đó là do tự nhiên phải thế. 

Xã Xệ là một nhân vật bằng vai phải lứa với Lý Toét. Xã Xệ béo ị, thấp lè tè, đầu trọc lông lốc, còn độc một sơi tóc quăn xoắn ốc trên đỉnh. Hình ảnh Xã Xệ hoàn toàn đối chọi với Lý Toét gầy đét và cao lênh khênh. Xã Xệ ra đời để đấu láo, cãi chầy cãi cối, chung buồn chung vui, ngớ ngẩn, lẩn thẩn sống cuộc đời mới của dân nô lệ mất nước cùng Lý Toét.
“Cha đẻ” của Xã Xệ là họa sĩ Bút Sơn sống ở Sài Gòn đã gửi tranh ra tờ Phong Hóa ở Hà Nội nhằm như tạo một hình ảnh “đối lập” với Lý Toét!

Xã Xệ

Nhất Linh cho rằng họa sĩ Bút Sơn này là một độc giả yêu quý Phong Hóa, nên tạo ra nhân vật Xã Xệ đối kháng với Lý Toét. Ông lấy hiệu Bút Sơn để nhái Đông Sơn. Nhưng Nhất Linh đến tận khi mất, vẫn chưa biết tên thật của Bút Sơn!
 
Sau này trên tờ báo Bình Minh Xuân Mậu Thân 1968 xuất bản ở Sài Gòn, nhà báo nhà thơ trào phúng Tú Kềnh cho biết tên thật của họa sĩ Bút Sơn là Lê Minh Đức, em ruột của bà Ái Lan – chủ nhiệm của một tờ tuần báo trào phúng trong Nam là một tay có biệt tài vẽ tranh hí họa.
 
Thật ra, lần đầu tiên Xã Xệ xuất hiện trong tranh Bút Sơn là ngày 16/3/1934, trên báo Phong Hóa số 89. Xã Xệ đã được đón tiếp thật nồng hậu. Xã cùng Lý lên ngay trang bìa của báo.
 
Vậy là báo Phong Hóa đã tạo dựng được cặp đôi hý họa “Lý Toét - Xã Xệ”, mang rất nhiều “đặc tính dân tộc”, đi vào lịch sử văn học Việt Nam!

Tranh “Lý Toét - Xã Xệ” không của riêng ai, thật là thú vị. Mỗi bức tranh có khi là một tấm, có khi là một loạt nhiều tấm như phim hoạt họa, với lời chú giải ngắn gọn hoặc vài câu thoại, chính là một câu chuyện nhỏ, nhiều khi rất thâm trầm, nhiều khi mộc mạc…. Ai có một vài ý nghĩ chủ đạo là có thể vẽ ra một tranh hay, nếu không biết vẽ thì viết thành truyện cười Lý Toét cũng không kém phần dí dỏm.
Sau này, các họa sĩ còn mang hình ảnh “Lý Toét - Xã Xệ” phổ biến, nhân rộng ra khắp các báo thời bấy giờ, từ ngoài Bắc vào Trung, vô Nam. Họa sĩ thích vẽ, người thường thích kể chuyện, báo nào có “Lý Toét - Xã Xệ” thì có nhiều người đọc. Đến nỗi cặp đôi này đã trở thành những nhân vật để quảng cáo! Có những bài quảng cáo thuốc, quảng cáo rượu của Lý Toét … đăng ngay trên Phong Hóa, Ngày Nay rất nhiều lần.
 
Lý Toét - Xã Xệ

Có thể nói hai nhân vật ảo “Lý Toét - Xã Xệ” kẻ trong Nam, người ngoài Bắc có sức sống bền bỉ trong mấy chục năm qua là nhờ công đầu của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, biết khai thác những cái tự cười diễu cợt chính mình với những cái sự ngây ngô trong hoàn cảnh đất nước trong vòng nô lệ như là một thứ vũ khí tiềm ẩn đối kháng với sức mạnh bạo ngược của cường quyền.
 
Ngày nay hai nhân vật “Lý Toét - Xã Xệ” được học giới coi là hiện tượng văn hóa khá lạ trong giai đoạn đầu thế kỷ XX, tồn tại với tờ Phong Hóa và Ngày Nay của nhóm Tự Lực Văn Đoàn cho đến khi hai tờ này không còn hoạt động. Tuy nhiên trong ký ức của những người “muôn năm cũ” thì hình tượng này vẫn còn sống mãi cho đến ngày nay …

                                                                         Hoài Nguyễn 
                                                                          21/02/2021
                                                            (Tham khảo từ một số nguồn)

Không có nhận xét nào: