“Cửu
Chỉ Thần Cái Hồng Thất Công” trong truyện kiếm hiệp Kim Dung
Thú thật với bạn đọc ngày xưa tôi mê bộ truyện Võ Lâm
Ngũ Bá (Kim Dung) như "điếu đổ". Từ trường Nguyễn Hoàng về nhà, có
khi tôi không theo đường Duy Tân, lại theo Lê Thái Tổ đi lên hướng Chơ Tỉnh,
xong men theo Trần Hưng Đạo đi về. Trên
đường Trần H Đạo, tôi hay ghé Tiệm sách Tao Đàn hỏi tập kế của Võ Lâm Ngũ Bá về
chưa?
Trong Ngũ Bá có
Cửu Chỉ Thần Cái Hồng Thất Công coi về Cái Bang, là "sếp" của phái Ăn
Xin trong truyện. Hồng Thất Công có môn "Đả Cẩu Bổng Pháp" tức 'võ
đánh chó'. Dĩ nhiên, người Cái Bang thì hay gặp chó, mà gặp chó thì phải có võ
để trị; nhưng trong truyện "Đả Cẩu" này lại là món võ mà quần hùng phải
sợ. Đó là chưa kể đến Giáng Long Thập Bát Chưởng từng sánh vai với Nhất Dương
Chỉ, thần công cái thế, của Vương Trùng Dương sau này là tổ sư của Võ Đang phái
mà đứa cháu là Trương Tam Phong kế truyền...
Miên man chuyện võ, thực ra không ăn nhập gì câu
chuyên tôi sắp kể đây; ngoại trừ hình ảnh cái áo của Hồng thất Công.
Những ngày di dân Quảng Trị vào Bình Tuy, cụ thể hơn
là Hàm Tân và chi tiết hơn nữa là xứ Động Đền, những làng xã Quảng Trị bên bờ đại
dương, vùng vịnh Hàm Tân. Tôi ghi nhớ hình ảnh của một 'Hồng thất Công thứ
hai'.
Bạn đọc sẽ thắc mắc tại sao lại là 'Hồng thất Công thứ
hai'? Ý tưởng của tôi sao 'ngồ ngộ' lúc so sánh hình ảnh một ông già bán quán
bên đường quê với một nhân vật võ hiệp?
Bà con sống trên Dốc Sơn Mỹ (trước là xã Tân Sơn - Hàm Tân) ai chẳng biết ông. Ông là người Bắc di Cư, sống tại Quảng Trị. Ông theo bà con Quảng Trị vào đây thời Khẩn Hoang Lập
Ấp, thập niên 1973 cho đến bấy giờ.
Theo con đường đất đỏ, tức là Tỉnh Lộ 23 từ Bình Châu về
Hàm Tân, trước khi đổ dốc, xuống chợ Cam Bình để về thi trấn LaGi, người ta thấy
căn nhà tôn nho nhỏ của ông bán hàng ẩn mình dưới vài gốc mít. Sinh kế của ông
ngoài cái quán nhỏ trước mái hiên nhà, năm ba thẩu kẹo, vài nải chuối, một vài
gói thuốc hút rẻ tiền, chẳng có cái gì đắt giá. Tôi không biết ông có làm nghề
'rẫy' không? ngoài trừ hình ảnh ông ngồi giữ quán, rít 'hơi' thuốc lào, làn
khói bay bay. Tôi lúc này thì sao? đang khom mình thồ xe củi nặng, cố rì lại
chiếc xe thồ đang theo đà đổ dốc. Nhưng ngang qua nhà ông nhiều lần thì những
hình ảnh 'đậm nét' nhất là gì? tôi sẽ lần lượt kể lại cho bà con Quảng Trị mình
nghe...
Ông bán hàng đang 'rít' ống thuốc Lào, mắt tôi không
thể bỏ qua cái áo ông mặc. Những lớp vá chằng chịt, liên tiếp chồng lên nhau
không còn một chỗ trống. Hình như ông chỉ mặc cái áo hơi quái dị đó ? Những miếng vải kaki xanh vuông, hết lớp này
chồng lên lớp khác. Hình như càng rách, ông lại càng vá thêm, chồng thêm... Tôi
không mặc nhưng hình dung chiếc áo kia chắc phải nặng chình chịch mà thôi.
Tôi thông cảm cho ông, có thể do đây là một hành động
âm thầm, ông đang chống lại cái gì đó? Sự nghèo túng, thiếu thốn của một miền đất
khổ hay hoàn cảnh chung cho toàn thể bà con lối xóm quanh ông ? Vá - chắp tiếp nối vá- chắp? Chiếc xe thồ củi của
tôi chẳng hơn gì thân phận ông Uy? chiếc ruột xe vá 'chằm vá đụp' đến nỗi mấy
thợ vá và sửa xe đạp trên xã Sơn Mỹ như anh Hạ (Thuỷ) gần Chùa Huệ Đức, anh Lợi,
anh Oai đều là thợ sửa xe đạp trước chợ Xã từng lắc đầu một cách ái ngại. Chiếc
xe tôi cùng 'thân phận vá chắp' do hai chiếc lốp xe không còn chỗ nào để vá?
Cái thời: mua cái ruột xe đạp, cái đùm, sợi xích, cái rô líp "Trung Quốc'
là cả "một gia tài"?!
Lớp trẻ lớn lên sau này không có cơ hội sống qua
"CHẾ ĐỘ TEM PHIẾU". Mỗi năm
'tiêu chuẩn' vài tấc vải, ai không may có thể khác màu. Cái áo ' trường kỳ
kháng chiến' của Ông có thể là câu trả lời cụ thể và hình tượng nhất cho sự thiếu
thốn này. Cán bộ - công nhân viên chức - cách gọi thời đó, có thể khá hơn một
ít. Một ít thôi; nghĩa là mỗi năm hơn dân vài ba tấc vải, dăm ba lạng thịt heo
(nhưng ai cũng ưa nhiều mỡ, rán để dành), một vài lạng trà đường v.v...
Người viết ngang đây cũng chưa nói hết ý mình. Cái áo
cùng cái quán nghèo ven đường ngày đó làm tôi nhớ lại Cụ "Hồng Thất
Công" trong Võ Lâm Ngũ Bá, đề cập ở đầu bài. Cửu Chỉ Thần Cái mà sống lại,
đem áo ra so ư ? Kim Dung từng miêu tả cái áo của Trưởng Lão Cái Bang nhưng tôi
tin áo đó cũng thua cái áo của 'cụ bán hàng' mà tôi miêu tả vào thời đó. Một
hình ảnh thật, chẳng gì hư cấu. Bạn thử tưởng tượng xem: cái quần đùi ka ki bạc
phếch, bên trên là cái áo vá chằng chịt, chồng chất lớp lớp thời gian, lưu dân
Quảng Trị sống tại vùng này, rẫy rừng làm bạn.
Ông lão ngày ngày ngồi trước cái quán nghèo, lơ đãng
ngó ra từng đoàn xe đạp thồ, những toán phụ nữ gánh gồng ngang qua trước mắt
ông. Những đoàn dân quê lao lực, ướt đẫm mồ hôi, củi than cùng nông phẩm thi nhau đổ dốc. Dưới
kia là phố thị La Gi; đêm về từng hàng ghe tàu ra khơi, hàng vạn ngọn đèn măng
- sông câu mực thi nhau lấp lánh...
Quá khứ của Ông, cũng sống cùng người dân Quảng Trị
ngoài kia, đồng cam cộng khổ theo bà con mình vào tận Bình Tuy, khai sơn phá thạch,
tạo nên một quê huơng thứ hai nói 'rặc giọng mình'; trừ ông, vẫn cái giọng Bắc
rất chuẩn. Quá khứ của ông có gì nổi trội? chẳng ai biết ngoại trừ câu chuyện
là ông "nấu thịt chó rất ngon", đơn giản chỉ có thế. Tôi cũng xin nhắc
lại chuyện ông nhạc tôi kể lại rằng: ông nấu thịt chó 'cừ khôi' đến nỗi
lính Mỹ thời trước đóng tại Quảng Trị "từng yêu chó, quý chó' mà phải 'chết mê
chết mệt'?
Một
'thời thịt chó' của Ông bán hàng thời sống tại Quảng Trị trước 1972
Có thể trong bút ký này, Ông hay bà con không bằng
lòng về chuyện cái "áo vá"; nhưng nghĩ lại vào thời này bà con mình
và ngay cả người viết đều cùng cảnh ngộ. Một hoàn cảnh của rách rưới, cơ khổ,
chắp vá cùng mong cầu ...
Dù "áo vá" nhưng tôi nghĩ không ai có thể vá
áo chồng chắp, chằng chịt bằng Ông, một hình ảnh làm cho tôi nhớ mãi. Một ý
nghĩ hơi 'tếu' thoáng qua: nếu ai đó đi ‘thi vá áo’ thì không thể hơn được Ông?
Ngay cả Cửu Chỉ Thần Cái, trưởng phái Cái Bang trong truyện Kim Dung có sống lại
cũng xin chào thua ông lão bán hàng bên dốc Sơn Mỹ ngày đó.
Một thời đã
qua, vài thập niên trôi nhanh như gió thoảng. Những hình ảnh cũ- nhiều đoàn dân
quê thi nhau đổ dốc, cái quán nghèo, vài nải chuối đong đưa, có ông lão bán
hàng với chiếc áo vá hình tượng nhất đang mơ màng bên ống thuốc lào. Tất cả nay
đã cuộn trôi về quá khứ.
Đinh
Hoa Lư
25/3/2021
4 nhận xét:
Bài viết của nhà văn Đinh Hoa Lư hay lắm !
Trước 1975, tôi cũng là người mê truyện kiếm hiệp. Góp ý một chút nhé!
Nhân vật “Cửu Chỉ Thần Cái Hồng Thất Công” do Kim Dung viết thường được nhắc đến trong các bộ: “Anh hùng xạ điêu” (“Xạ Điêu Anh Hùng truyện”), “Thần điêu đại hiệp” (Thần điêu hiệp lữ), “Cô gái Đồ Long” (“Ỷ thiên Đồ long ký”), còn “Võ Lâm Ngũ Bá” do người khác mượn tên và mượn ý Kim Dung để viết, bây giờ người ta liệt vào mục lục truyện kiếm hiệp “Giả Kim Dung”
Truyện kiếm hiệp “Giả Kim Dung” gồm:
1/ Võ Lâm Ngũ Bá.
2/ Hắc Thánh Thần Tiêu.
3/ Bẻ kiếm bên trời (Thiên nhai chiết kiếm lục)
4/ Bộ Thái A Kiếm (gồm Đơn Kiếm Diệt Quần Ma, Thái A Kiếm và Tục Thái A Kiếm)
5/ Ma Nữ Đa Tình
6/ Hậu Anh Hùng Xạ Điêu
7/ Thần Trượng Loạn Giang Hồ
8/ Giang Hồ Ân Cừu Ký
9/ Bích Vân Chưởng
“Đó là chưa kể đến Giáng Long Thập Bát Chưởng từng sánh vai với Nhất Dương Chỉ, thần công cái thế, của Vương Trùng Dương sau này là tổ sư của Võ Đang phái mà đứa cháu là Trương Tam Phong kế truyền...”
(Lời nhà văn Đinh Hoa Lư)
*
Chỗ này thì nhà văn Đinh Hoa Lư nhớ lộn rồi. Vương Trùng Dương là chưởng môn Toàn Chân phái và thu nhận 7 đệ tử (Toàn Chân Thất Tử), trong đó có Khưu Xứ Cơ là nhân vật có thể so sánh phần nào với Trương Tam Phong về mặt ‘đạo giáo’. Khưu Xứ Cơ từng được Thành Cát Tư Hãn kính trọng, biệt đãi và mời dạy cho quần thần. Trương Tam Phong thì được Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương và nhiều đại thần như Thường Ngộ Xuân, Từ Đạt trọng thị.
Trương Tam Phong, trong bộ ‘Cô Gái Đồ Long’, vốn là đệ tử của Giác Viễn thiền sư phái Thiếu Lâm, sau đó cả 2 thầy trò phải ‘cao chạy xa bay’ do phạm luật ‘tự học lén võ công’. Cuối cùng, Giác Viễn thiền sư kiệt sức trên đường bôn đào (gánh hai thùng sắt nặng, mỗi thùng ‘đựng’ Trương Quân Bảo và Quách Tường). Thiền sư tụng kinh ‘Cửu Dương Thần Công’ rồi ‘viên tịch’. Trương Quân Bảo (sau này là Trương Tam Phong chưởng môn phái Võ Đang), cùng Quách Tường (sau này là chưởng môn phái Nga Mi) và Vô Sắc thiền sư cùng lắng nghe Giác Viễn thiền sư tụng kinh, mỗi người lãnh hội một phần theo ‘ngộ tính’ từng cá nhân, về sau lập nên Cửu Dương Công riêng từng môn phái Thiếu Lâm, Võ Đang, Nga Mi...
Trương Tam Phong không liên quan gì đến Vương Trùng Dương cả...
Bạn PHú đoàn ơi, bạn nói đúng quá. Cám ơn bạn đã cho mình biết thêm nhiều chi tiết rất hay Thích là bạn là tay mê truyện võ hiệp như mình. Thời đó lâu rồi, và võ hiệp truyện đó về QT rất ít không có như bây giờ
Cám ơn bạn nhé
Do chúng mình đều mê truyện kiếm hiệp đó mà !
Nhân vật Hồng Thất Công được miêu tả kỹ trong "Anh Hùng Xạ Điêu" và "Thần Điêu Đại Hiệp", riêng trong "Cô Gái Đồ Long" thì chỉ nhắc lại Cửu Chỉ Thần Cái trong cảnh Trương Vô Kỵ lúc rời Băng Hỏa Đảo về Trung thổ, bị tên ăn mày bắt cóc, Trương Vô Kỵ mới sử dụng chiêu "Thần long bãi vĩ" đánh cho tên ăn mày hộc máu... (Truyện in trước 1975 ở miền Nam VN. Sau này Kim Dung viết lại bỏ cảnh này)
Đăng nhận xét