BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 3 tháng 6, 2020

LA GI, CHỐN XƯA – Đỗ Hồng Ngọc


                      
                               Nhà thơ bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc


LA GI, CHỐN XƯA 
              Đỗ Hồng Ngọc

Từ Saigòn, theo quốc lộ 1 về Phan Thiết, cách Phan Thiết khoảng 50 cây số, rẽ phải, về phía biển Đông là thị xã Lagi (trước thuộc huyện Hàm Tân), tỉnh Bình Thuận. Như một cái túi treo tòng teng trên quốc lộ 1, không để ý thì khó mà nhận ra, Lagi – Hàm Tân dựa lưng vào núi, hướng mặt ra biển, gắn Bình Thuận với Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, nối liền núi đèo cheo leo hùng vĩ của miền Trung với đồng bằng cây ngọt trái lành của miền Nam nên Lagi vừa có núi cao, có biển rộng, lại có ruộng đồng xanh mướt, sông Dinh ngoằn ngoèo lững lờ theo con nước đầy vơi bên những động cát trùng điệp, những truông đèo hoang sơ huyền bí… Xa xa là Hòn Bà, một cù lao nhỏ chơ vơ bơi lạc giữa biển khơi, như còn đang vẫy tay về phía Núi Ông lạnh lẽo phía dãy Trường Sơn xa tít: 

Chuyện xưa rằng phút yếu lòng/Tách mình đứng giữa mênh mông đất trời/ Để nghe gió lộng trùng khơi/ Và nghe sóng mãi hát lời thiên thu (Thanh Trúc)

Nhiều người vẫn bỡ ngỡ sao lại Lagi? Có người cho là Phân Ly - do sự tích Hòn Bà chia tay cùng Núi Ông, một mình trôi dạt về biển – mà thời Tây người ta đã đọc trại đi thành địa danh Lagi bây giờ?

Hỡi em Lagi là gì?
Là thiên di thuở hàn vi đất trời?

                                Phạm Tường Đại

Tôi thì không nghĩ vậy. Hẳn Lagi phải có họ hàng gì đó với dòng họ La, nào La Ngà, La Ngâu, La Gàn… của vùng miền này, nối liền Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Thuận, cùng một giuộc đất từ thuở cha ông đi mở nước còn lưu dấu. Nhưng dù có “La” gì đi nữa thì Lagi – một vùng đất nghèo nàn hẻo lánh đó vẫn như một “vương quốc” cho những hồn thơ với núi non hùng vĩ, ruộng đồng bát ngát, sông nước lững lờ, Đá Dựng nên thơ, Đồi dương vi vút với bãi cát mênh mông đầy rau muống biển và lông chông vèo vèo giữa mùa gió lộng dưới nắng vàng rực rỡ, mặn nồng. Đêm đêm, những chiếc thuyền thúng câu mực lập loè như những thiên hà xa xôi … Một miền quê nghèo mà tươi ngon ai đến cũng gần, ai đi cũng nhớ :

Là muôn chim đến hội bày
Xây thành tổ ấm từ ngày hoang sơ
Là con thuyền chở ước mơ
Vượt phong ba đến bến bờ vinh quang

                                          Phạm Tường Đại

Lagi còn có những đình miếu, cổ tự quằn theo tháng năm, những nóc giáo đường cao vút giữa hoàng hôn và những chốn linh thiêng như Dinh Thầy Thím nườm nựơp kẻ đi về, trên đường lên Tà Cú, Kê Gà. Cho nên không thể không thành thơ. Cho nên không thể không thành nhạc. Có lẽ là từ thuở cha ông khai sơn phá thạch, Lagi đã là một nơi sớm hình thành những nhóm thi ca tài tử, và một thi xã, Lagi Thi xã, đã ra đời gần trăm năm trước bây giờ vẫn còn đọng lại những vần thơ tao nhã của người xưa. Cho nên không lấy làm lạ là hôm nay được tiếp nối với Câu lạc bộ thơ ca Lagi hoạt động khá sôi nổi, không chỉ khu trú mà còn mở rộng giao lưu với các Câu lạc bộ thơ ca của Vũng Tàu, của Thành phố Hồ Chí Minh tạo thành một không khí đầm ấm của một vùng đất cổ xưa mà luôn mới mẻ. Cái chốn hoang sơ, hẻo lánh Lagi – Hàm Tân đó cũng vốn lại là một cái nôi của cách mạng, từ những năm 30 với Dốc Ông Bằng nổi tiếng, cuộc kháng chiến trường kỳ từ 1945, điểm tập kết 1954 và những năm tháng chiến đấu kiên cường cho đến ngày giải phóng thống nhất đất nước 1975: 

Nhớ ngày quê bắt giặc Tây/ Đồi dương dậy sóng bủa vây quân thù…
Và rồi 
Bao người vì nước vì dân/ Đã yên nghỉ dưới cỏ xanh những ngày…” (Nguyễn thị Ánh Hồng).

Tôi sinh ra và lớn lên ở Lagi, tuổi thơ thả diều đá đế, tắm sông trần truồng cùng bè bạn, đen đẻm vì ngâm nước biển mặn, đuổi bắt còng gió bỡ hơi tai, nửa đêm chờ cá lưới sẩm, ruốc tươi xào xúc bánh tráng rau sống, rồi cá nục hấp, cá mòi nướng, cá ngoéo luộc với thứ ớt cay xé họng, thơm lừng… Rồi là những năm tháng lao đao tản cư trong rừng sâu nước độc, sốt rét triền miên, hết Phò Trì, đến Giếng Ngự, Láng Hàng, Rừng Khỉ, rồi Hồ Tôm, Bàu Lời, Nước Ngọt, Bưng Cò Ke… Cho nên làm sao mà không rưng rức với những câu thơ của một Trần Yên Thảo:

“Thương ai từ dạo tản cư/ Mắt nhìn đắm đuối mà như hững hờ/ Thuỷ chung còn tới bây giờ…” 

Hay một Cao Hoàng Trầm: 

Những ngày Phước Lộc Hàm Tân/ Bom thù dội nát bao lần hoang sơ/ Đình chùa giặt đốt chơ vơ/ Tuổi xanh mang cả ước mơ lên đường…”

Rời quê hương gần nửa thế kỷ, Lagi vẫn là nơi tôi thường tìm về vì ở đó còn là mồ mả ông bà và người cha thân yêu, ở đó còn có những thân quyến và bè bạn từ ngày thơ dại. Lagi, nơi tôi biết dõi mắt nhìn theo những tà áo mà bâng khuâng, để rồi như một Hứa Minh Tánh: 

“Hình như trong biển có em/ Cho nên giọt mặn giọt mềm môi anh… 

Để rồi 
Hình như chỉ hình như thôi/ Cớ sao cuối đất cùng trời xôn xao…”

Bỗng dưng hôm nay đựơc bạn bè ở quê hương gởi cho tập bản thảo thơ, Biển Hát, mà bảo viết đôi lời. Tôi đọc thơ mà như không đọc. Tôi thả lòng mình trôi giạt vào thơ. Bởi chỉ mới nghe những địa danh thôi mà lòng đã rưng rưng, tôi làm sao còn có đủ sáng suốt để đọc thơ của bạn bè, cha chú, lớp trước lớp sau, người quen kẻ lạ. Cứ mỗi một dòng chữ viết tay nắn nót (bản thảo chép tay) lại hiện lên trong tôi sông ngòi biển cả, rừng núi ao hồ, trưa hè nắng cháy nhảy ùm xuống sông Dinh, đập Đá Dựng, những ngày mưa lũ, nước cuốn trôi phăng cả nhà cửa trâu bò. Tôi cứ để lòng mình nhảy ùm như thế, cuốn trôi như thế khi đọc Biển Hát. Cả một dĩ vãng ùa sống lại. Rồi Lagi của bây giờ tôi mỏi gót qua cũng lạ như một Trần Kim Trung:

Xóm nhỏ ngày nào tôi vẫn quen/ Hôm nay rực rỡ dưới hoa đèn/ Phố chiều mỏi gót qua cũng lạ/ Đường mới rộng dài xe bước chen” 

Hay như lời thì thầm của nhà thơ Hoàng Hương Trang, người khách “viễn phương” mới đặt chân tới Lagi đôi lần cũng đã kịp nhận ra: 

Biết bao điều muốn nói/ Vỏ ốc giữ trong lòng/ Biết bao điều thì thầm/ Vỏ ốc ơi giữ lấy!”

Saigon có xa cách gì với Lagi đâu, vậy mà những người Lagi sống ở Saigon vẫn canh cánh bên lòng nỗi nhớ quê: 

Đêm đêm vỗ mộng về quê mẹ/ Nhặt nắng chiều hoang tắm biển xuân” (Châu Anh).

Lạ lùng biển mặn trời xanh có cái gì đó da diết, ray rứt, cứ như chất muối ngấm dần trên sớ thịt lằn da, và gió bấc nữa, gió bấc lạ kỳ chỉ nghe thôi đã thấy mùi cốm Tết, nhất là khi gió bấc thổi qua những cánh bướm tan trường. Nhớ nghĩ về Lagi, tôi bàng hoàng đọc Trần Yên Thảo: 

Hãy còn dáng đứng kiêu sa/ Đường truông thăm thẳm về qua Đá Hàng/ Trăm năm đâu đã muộn màng/ Ta còn ôn lại chuyện ngàn năm xưa.”


                                                                                  Đỗ Hồng Ngọc

Không có nhận xét nào: