BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 10 tháng 6, 2020

HOÀNG LY - CÂY BÚT VÕ HIỆP ĐƯỜNG RỪNG KINH DỊ, ĐỘC ĐÁO CỦA VIỆT NAM


                    

Về truyện võ hiệp Việt Nam, các tác giả của loại văn học này chỉ đếm trên đầu ngón tay, và nhà văn Hoàng Ly đã nổi bật hơn tất cả với tiểu thuyết võ hiệp dã sử Một Thời Ngang Dọc (Thập Vạn Đại Sơn Vương), một thời nổi tiếng là truyện võ hiệp hay nhất của nước ta. Ông viết rất khỏe, liên tục cho ra đời hàng loạt feuilleton (truyện đăng nhiều kỳ trên báo) với các truyện Kỳ Nữ Sông Kỳ Cùng, Người Điên Áo Thụng, Hận Loa Thành, Tráng Sĩ Không Tên… Nhà văn Hoàng Ly đã được người ta đặt tên tuổi cho là Vua Feuilleton.

Nhà văn Vũ Bằng trong trong tác phẩm “Những cây cười tiền chiến” đã viết về nhà văn Hoàng Ly: “… tiêu biểu cho những nhà văn thơ trào phúng trong thời kỳ này là Trương Linh Tử, tên thật là Đỗ Hồng Nghi... Còn tên nữa là Thánh Sống, Hoàng Ly, tác giả nhiều tiểu thuyết mạo hiểm, ái tình, phiêu lưu, anh là người đầu tiên đã mở một mục trào phúng mới trên báo Liên Hiệp, mục Vấn Kế…”



HOÀNG LY, CÂY BÚT VÕ HIỆP ĐƯỜNG RỪNG KINH DỊ, ĐỘC ĐÁO CỦA VIỆT NAM

Nhà văn Hoàng Ly, tên thật Đỗ Hồng Nghi (1915- 1981), sinh tại Quần Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ông là con cụ Đỗ Văn Phấn (thường gọi cụ Cả Phấn) và cụ bà Đỗ Thị Ngọc. Gia đình dòng dõi cụ Nghè Quần Anh – tức tiến sĩ Đỗ Tông Phát, người đã có công mở mang vùng duyên hải tỉnh Nam định vào Thế kỷ XIX, khi giữ chức Dinh Điền Chánh sứ dưới triều nhà Nguyễn.

Ngay từ niên thiếu nhà văn Hoàng Ly đã sớm bộc lộ thiên hướng về văn thơ, kịch nghệ và bắt đầu sang tác rất sớm. Song phải đến đầu thập niên 40 của thế kỷ trước, ông mới chính thức xuất hiện trên văn đàn miền Bắc dưới các bút danh HOÀNG LY, TRƯƠNG LINH TỬ, nhanh chóng tạo được sự chú ý.

Một số sáng tác của ông trong thời kỳ này có thể kể “Chờ Thời” (kịch thơ trào phúng), “Hờn Cai Hạ” (kịch thơ lịch sử), “Nhập Đô Thành” (kịch thơ lịch sử)… Sau đó ông gia nhập báo giới Hà Nội và phát huy sáng tác tiểu thuyết.

Những tiểu thuyết được biết đến nhiều của ông trong thời kỳ này như: Người điên áo thụng, Kỹ nữ sông Kỳ Cùng, Tiếng địch trên sông, Hận loa thành, Khi người tình phụ bạc, Tráng sĩ không tên, Nữ chúa thác Ptầy Lùng…

Ngoài ra ông còn biên soạn một số tác phẩm như: Nghị luận về thơ Hồ Xuân Hương, Nghiên cứu và phê bình Tỳ Bà Hành, Kỹ thuật sáng tác thơ…

Nhà văn Hoàng Ly qua đời ngày 8/11/1981 tại nhà vì bệnh già (nhằm ngày 12/10 năm Tân Dậu).

Hoàng Ly là một nhà văn nhà báo tên tuổi, đã xuất hiện như một vì sao lạ chói sáng trên làng báo chí Việt Nam từ thập niên 50 trên tờ “Giang Sơn” của Ngô Thái Bảo, toà soạn tại phố Hàng Trống, Hà Nội.
Di cư vào Nam năm 1954, Hoàng Ly tiếp tục viết cho nhiều tờ báo với các tác phẩm tiểu thuyết đường rừng, có sức lôi cuốn mãnh liệt với nguời đọc như “Giặc Cái” (Nữ Tướng Biên Thuỳ”), “Một Thời Ngang Dọc” (“Thập Vạn Đại Sơn Vương”), “Yêu Truyền Kiếp”... Ngoài ra,với bút hiệu “Thánh Sống” ký ở mục phiếm “Vấn Kế”, Hoàng Ly đã chứng tỏ tính đa dạng của một ngòi bút đầy tài năng.
Tác phẩm“Một Thời Ngang Dọc”, “Giặc Cái” hay “Lửa Hận Rừng Xanh”... là những câu chuyện của tay hảo hán người Việt, ngang dọc trên vùng núi vùng Ba Biên Thuỳ với những cuộc đấu võ, đọ súng kinh hồn cùng bọn giang hồ thổ phỉ, quân lính vua Mèo, quân lính các thủ lĩnh địa phương Mường Mán và Tây Đồn.

Hoàng Ly với bút pháp đặc biệt và tạo được một thứ ngôn ngữ riêng trong thể loại truyện đường rừng pha trộn tính cách võ hiệp, đầy kịch tính hấp dẫn... đã là một trong những cây viết ăn khách nhất thời đó. Người đọc đã say mê tiểu thuyết của Hoàng Ly không kém gì những tác phẩm của Kim Dung sau này.

            
               Nhà văn Hoàng Ly và con trai Đỗ Hồng Linh (năm 1971)
                    Ảnh: Tư liệu gia đình

(Hoàng Ly họ Đỗ, có hai người con. Nữ là Đỗ Thị Mai Trinh, đẹp tuyệt trần, có lẽ còn liêu trai hơn cả những cô gái miền núi Tây Bắc trong truyện của ông. Nam là Đỗ Hồng Linh, là người chấp bút viết thế ông phần còn lại của “Nữ Chúa Hồ Ba Bể”“Yêu Truyền Kiếp”)

                  

Các truyện võ hiệp đường rừng  kinh dị, độc đáo của Hoàng Ly có thể được sắp xếp theo thứ tự như sau:

01 – “Một Thời Ngang Dọc” hay còn gọi là “Thập Vạn Đại Sơn Vương” khởi đầu là câu chuyện của Hồng Lĩnh tức Chúa 10 vạn núi vùng Vân Nam, sau cuốn này Hồng Lĩnh thu thập được 04 tấm mật đồ.
02 – “Giặc Cái” hay còn gọi là “Nữ Tướng Miền Sơn Cước” kể về Lê Thái Dũng, câu chuyện diễn ra 05 năm sau khi kết thúc chuyện đầu, vẫn có sự xuất hiện của Hồng Lĩnh khá nhiều.
03 – “Lửa Hận Rừng Xanh” kể về Võ Minh Thần khoảng độ 10 năm sau câu chuyện đầu tiên, con trai Hồng Lĩnh là Hồng Kiệt lúc này đã biết cưỡi ngựa (suy đoán khoảng 10 tuổi). Hồng Lĩnh chỉ xuất hiện một lần lúc truyền nghề cho Minh Thần và một lần lúc chứng minh quan hệ của Minh Thần và Tây Sắc.
04 – “Nữ Chúa Hồ Ba Bể” kể về những chuyện liên quan đến con trai Hồng Lĩnh là Hồng Kiệt, chuyện xảy ra khoảng 20 năm sau câu chuyện đầu. Hồng Lĩnh quy ẩn giang hồ, không thấy xuất hiện.

*
     
Tóm lược truyện “Một Thời Ngang Dọc”

 “Một Thời Ngang Dọc” hay còn gọi là “Thập Vạn Đại Sơn Vương” là tác phẩm nổi bật trong gia tài sáng tác của ông.

            

          

Tiểu thuyết “Một Thời Ngang Dọc” của Hoàng Ly viết lấy bối cảnh khi đất nước của chúng ta còn chịu sự đô hộ của nước Pháp. Khi vua Hàm Nghi bị Pháp bắt và đày sang Algeria, Tôn Thất Thuyến cầm đầu một số quan quân bôn tẩu sang Long Châu (Trung Quốc) tiếp tục hoạt động chờ thời cơ để về khôi phục giang sơn. Tôn Thất thuyết đã mang theo số vàng lớn của triều Nguyễn, khi đi đến bờ sông Đà ở Lai Châu (Tây Bắc) ông đã chôn giấu toàn bộ kho tàng này ở một địa điểm bí mật, và nơi này đã được vẽ lại một tấm bản đồ để sau này có thể tìm kiếm lại để chiêu binh mãi mã kháng Pháp để lấy lại sơn hà.

Nhân vật chính trong tiểu thuyết là Hồng Lĩnh, một chàng trai người Kinh, có cha là chiến sĩ yêu nước hoạt động chống Pháp, bị tên phản bội Trần Tắc báo cáo cho Pháp bắt đưa đi xử tử. Tiếp tục theo con đường đấu tranh của cha, Hồng Lĩnh đã bỏ lên miền núi Thập Vạn Đại Sơn làm anh hùng thảo khấu nơi vùng sơn lâm lạc thảo, thu phục được nhiều bộ hạ theo mình. Chàng có tài thiện xạ, bắn súng bách phát bách trúng nên được giới giang hồ đặt cho cái tên là “Thần Xạ Đại Vương”. Trên đường hoạt động trả nợ nước báo thù nhà, chàng đã giải cứu cho Phượng Kiều, oái ăm thay Phượng Kiều chính là con gái yêu của kẻ thù của mình là Trần Tắc. Phượng Kiều đang bị bọn thổ phỉ Thoòng ở Cao Bằng bắt để làm con tin bắt buộc Tri châu Trần Tắc đổi lại nửa tấm bản đồ mà chúng cho là Trần Tắc đang giữ. Trần Tắc biết được người đã cứu con gái mình là Thập Vạn Đại Sơn Vương nên đã tìm mọi cách để giết hại, may nhờ có Phượng Kiều tìm cách bảo trợ, chàng đã thoát thân được và lưu lạc đến xứ sở của người H’mông ở Hoàng Su Phì và được thủ lĩnh của H’mông giúp đỡ. Khi Trần Tắc dẫn quân Pháp đến đây để tìm bắt Hồng Lĩnh, tên quan tri châu này đã bị bọn thổ phỉ Hoàng Liên Sơn bắt được và tra khảo nơi giấu nửa bản đồ cất giấu kho báu. Hồng Lĩnh đã giết được Trần Tắc trả thù nhà và lấy được nửa mảnh bản đồ. Sau đó chàng được thủ lĩnh H’mông trao lại cho nửa mảnh kia, đem ráp lại để tìm lại kho vàng của triều Nguyễn, dùng để chiêu tập nghĩa sĩ chống lại quân Pháp để khôi phục lại đất nước.

Tiểu thuyết “Một Thời Ngang Dọc” đã được lấy bối cảnh là miền sơn cước bao la hùng vĩ hoang sơ Tây Bắc của nước ta, nhà văn đã dẫn dắt độc giả đến những quang cảnh sơn thủy kỳ thú nơi sơn cùng thủy tận của Việt Nam. Chúng ta đọc, cảm thấy thân quen với non sông gấm vóc của miền Tây Bắc tổ quốc thiêng liêng, được hòa nhịp vào tiếng vượn hú véo von từ truông núi xa xôi, tiếng chim ríu rít xanh thẳm đại ngàn, tiếng suối nguồn róc rách hồn nhiên vô tận đưa con người đến với thiên nhiên núi rừng để sống với cõi an nhiên không còn có nỗi âu lo phiền muộn của nhân thế.


Những tiểu thuyết dã sử, đường rừng bao giờ cũng đưa chúng ta hoài niệm về thời gian đã mất mà những bóng dáng triều đại xưa vẫn còn trầm mặc dưới dòng sông lịch sử. Nhà văn Hoàng Ly đã có nhiều nơi đi đây đi đó, đã có bề dày trải nghiệm về văn hóa các dân tộc miền Việt Bắc, mới có những tác phẩm cuốn hút và đi vào lòng người đọc như vậy.

Các tiểu thuyết của Hoàng Ly mở ra dòng văn chương tân phái võ hiệp đặc thù, nội dung đề cao đặt tình yêu đất nước lên trên hết, nêu cao đạo lý làm người trượng nghĩa trượng phu, thấm đẫm nhân văn tình đất tình người cao cả.

Ông có lối hành văn mạch lạc, gọn gàng, trong sáng. Là tác giả chuyên viết feuilleton nhưng như không hề bị áp lực thúc bách “viết cho kịp thời gian”, các tiểu thuyết của ông tuôn mạch tự nhiên đến từng câu từng chữ như đã được tác giả hoàn chỉnh cẩn trọng từng câu từng chữ từng lời. Qua các tác phẩm của ông, chúng ta biết thêm từng tập tục, đặc tính độc đáo của từng vùng sơn cước nơi địa đầu biên giới đất nước thân yêu.

Tiểu thuyết “Một Thời Ngang Dọc” xứng đáng là tác phẩm hay nhất của dòng văn học võ hiệp Việt Nam. Xứng đáng được để trên giá sách của mọi gia đình...



               
Mời click chuột vào các đường link sau để đọc truyện võ hiệp đường rừng của nhà văn Hoàng Ly:

1/ Truyện “Thập Vạn Đại Sơn Vương” (“Một Thời Ngang Dọc”)
http://truyenkiemhiep.kilopad.com/tac-gia-Hoang-Ly-Do-Hong-Linh-a53/thap-van-dai-son-vuong-b275

2/ Truyện “Giặc Cái” (“Nữ Tướng Miền Sơn Cước”)

3/ Truyện “Lửa Hận Rừng Xanh”

Không có nhận xét nào: