BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 4 tháng 6, 2020

THƯƠNG NHỚ THẦY LÊ HỮU NAM - Hoàng Liễn


                          


THƯƠNG NHỚ THẦY LÊ HỮU NAM

Bài viết của Hoàng Liễn (Nguyễn Hoàng 62-69)

Tôi chưa từng đứng trên bục giảng nhưng tôi hiểu nỗi buồn của Người Thầy khô cổ giảng dạy mà học trò không hiểu bài mình giảng, càng buồn hơn khi học trò không phải là học kém mà không chịu học.

Tôi cũng thông cảm với bạn bè của tôi khi thầy kêu lên trả bài mà không thuộc bài. Không phải các bạn mình lười học mà vì không có thì giờ để học.

Đó là những gì tôi nhớ về... lớp tôi ngày ấy mà hôm nay nhìn lại tôi thấy thương nhớ khôn nguôi. Ngồi nghe nỗi buồn gặm nhấm tâm hồn trong tuổi về chiều với nỗi cô đơn vô tận giữa Sài Gòn hoa lệ và sôi động từng giờ.

                    

Tôi gặp Thầy lần cuối khoảng tháng chín năm 1975 trong một lần đến Đông Hà uống cà phê tại một quán của người quen, ngồi ở bàn kê sát ngoài đường, tôi nghe tiếng xe Honda chạy từ chợ hướng lên lầu Ông Thành, tôi nhận ra Thầy ngồi trên chiếc xe Honda 67 quen thuộc và tôi la lên:

- Thầy, Thầy...

Thầy thắng xe lại và mỉm cười, nhận ra tôi Thầy hỏi:
- Em về đây hả, sinh sống ra sao?
- Thầy vào đây uống café với em và nói chuyện cho vui.

Thầy nhìn tôi một lượt, rồi như thấy được sự khó khăn qua dáng ngoài của tôi, Thầy nói:
- Thầy cám ơn Em, nhưng Thầy có công chuyện cần gấp nên không có thì giờ để trò chuyện với Em được, Thầy nhớ Em từ cái lần Em nói với Thầy những lời mà trong đời làm Thầy,Thầy không bao giờ quên, hi vọng có ngày gặp lại.

Tiếng xe Honda xa dần, tôi trở lại chỗ ngồi, nhớ lại những ngày học với thầy năm Đệ Tam và có ngờ đâu đó là lần gặp gỡ cuối cùng với người Thầy tôi quí mến.

Năm đó tôi rời quê Cam Lộ về Quảng Trị học đệ nhị cấp, lớp tôi tập hợp những học trò từ các Quận trong tỉnh và các trường Tư thục sau khi tốt nghiệp Trung Học Đệ Nhất Cấp được cho vào học lớp Đệ Tam Trường Trung Học Nguyễn Hoàng, chúng tôi chọn Ban A vì tự biết học lực ở mức trung bình, lớp tôi không có bạn nào nổi trội mà chỉ tầm tầm.

Thầy dạy chúng tôi môn Vật lý, cảm nhận đầu tiên khi học với thầy là Thầy hầu như thuộc lòng bài giảng, Thầy giảng và đọc cho chúng tôi chép bài vào tập vở, chúng tôi phải ghi chép lời thầy vì hầu như không có bạn nào có sách giáo khoa…

Ba tuần đầu trôi qua êm đềm, đến tuần cuối tháng Thầy bắt đầu gọi từng bạn lên trả bài, không biết các bạn khác thì sao, nhưng phần tôi có hồi hộp và không tự tin mặc dù tôi đã thuộc bài. Thầy gọi bạn Đ, bạn ấy hầu như không trả lời được câu hỏi nào của Thầy, Thầy gọi tiếp bạn L, cũng như bạn Đ, L chỉ im lặng !

Tôi có cảm giác như cơn giận của Thầy bốc lửa, Thầy đứng lên lấy hai tay kéo lỗ tai hai bạn lôi ra giữa lớp rồi thầy nói: Từ nay tôi sẽ không dạy cho các em nữa, các em tự mà lo lấy.

Tôi cứ nghĩ Thầy giận mà nói vậy có ngờ đâu Thầy làm thật, các tiết học sau đó Thầy vào lớp và ngồi yên trên bàn thầy giáo, chúng tôi cũng ngồi yên, cả lớp im phăng phắc, cho đến hết giờ. Tiết thứ hai cũng diễn ra như vậy, khi gần đến cuối giờ, tôi đứng lên, đi đến bàn Thầy và nói:
 - Thưa Thầy, Em thay mặt các bạn, có mấy lời xin thưa với Thầy.
- Em nói đi !
- Thưa Thầy, chúng em hầu hết là học sinh nghèo xa nhà, Cha Mẹ cho đến trường mong tìm cái chữ để cải thiện cuộc sống, nếu tình trạng như thế này kéo dài thì chúng em sẽ thiệt thòi lắm, các bạn em phần lớn phải làm thêm việc kèm trẻ để có cơm ăn cho nên thì giờ phải tập trung vào việc dạy trẻ, khi hết dạy thì mệt mỏi quá rồi nên không học bài của mình được, Thầy thông cảm cho chúng em. Em hứa sẽ khuyên bảo nhau lo học hành đàng hoàng hơn.

Tôi thấy khuôn mặt Thầy như giãn ra, nỗi buồn của Thầy như biến đi, Thầy đứng lên và nói với cả lớp, Thầy sẽ bỏ qua chuyện cũ, nhưng các em phải lo học hành đàng hoàng tử tế, bắt đầu từ tiết học sau, cả lớp trở lại bình thường. Chuyện này không biết có bạn nào còn nhớ, còn tôi cả đời này tôi không bao giờ quên !

                                                                                       Hoàng Liễn

Không có nhận xét nào: